Nội dung toàn văn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08: 2012/BCT về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học (xăng E5, E10) tại cửa hàng xăng dầu do Bộ Công thương ban hành
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
QCVN 08: 2012/BCT
VỀ TRANG THIẾT BỊ, PHỤ TRỢ SỬ DỤNG TRONG TỒN TRỮ VÀ PHÂN PHỐI XĂNG SINH HỌC (XĂNG E5, E10) TẠI CỬA HÀNG XĂNG DẦU
National technical regulation of equipments, auxiliaries for storing and dispensing ethanol blended gasoline (gasohol E5, E10) at filling stations
Lời nói đầu
QCVN 08: 2012/BCT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học (xăng E5, E10) tại cửa hàng xăng dầu biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Trưởng Bộ Công Thương ban hành theo Thông tư số 47/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ TRANG THIẾT BỊ, PHỤ TRỢ SỬ DỤNG TRONG TỒN TRỮ VÀ PHÂN PHỐI XĂNG SINH HỌC (XĂNG E5, E10) TẠI CỬA HÀNG XĂNG DẦU
National technical regulation of equipments, auxiliaries for storing and dispensing ethanol blended gasoline (gasohol E5, E10) at filling stations
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại cửa hàng xăng dầu, bao gồm:
1.1.1. Bồn ngầm chứa xăng sinh học;
1.1.2. Đường ống công nghệ;
1.1.3. Trụ bơm xăng sinh học.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng xăng dầu trên lãnh thổ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Xăng sinh học là hỗn hợp của xăng không chì và etanol nhiên liệu biến tính, bao gồm hai loại sau đây:
1.3.2. Xăng sinh học E5 (sau đây gọi là xăng E5) chứa từ 4% đến 5% thể tích etanol nhiên liệu biến tính.
1.3.3. Xăng sinh học E10 (sau đây gọi là xăng E10) chứa từ 9% đến 10% thể tích etanol nhiên liệu biến tính.
2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Quy định về vật liệu
2.1.1. Các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng sinh học phải không chịu tác động của xăng sinh học, không làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng sinh học.
2.1.2. Các chi tiết tiếp xúc với xăng sinh học của các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng sinh học phải được chế tạo từ các vật liệu được quy định trong cột A, Bảng 1.
2.1.3. Các chi tiết tiếp xúc với xăng sinh học của trang thiết bị, phụ trợ sử dụng để tồn trữ và phân phối xăng sinh học không được phép chế tạo từ các vật liệu trong cột B, Bảng 1.
Bảng 1: Quy định về vật liệu
Stt |
Vật liệu |
Được sử dụng (Cột A) |
Cấm sử dụng (Cột B) |
1 |
Kim loại |
Nhôm (Aluminum) Đồng thiếc (Bronze) Thép thường (Carbon steel) Thép không gỉ (Stainless steel) |
|
2 |
Vật liệu có tính đàn hồi (Elastomers) |
Cao su Buna-N(*) (đối với đệm, ống nối mềm Fluorel(*) Fluorosilicone(**) Neoprene (đối với đệm, ống nối mềm) Cao su polysulfide Viton(*) |
Cao su tự nhiên (natural rubber)(*) Cao su Buna-N (đối với seal) Neoprene (đối với seal) Cao su urethane |
3 |
Nhựa |
Acetal Nylon Polyethylene Polypropylene Nitrile Teflon(*) (đối với chất bít kín mối ghép ống) Nhựa gia cường sợi thủy tinh (fiberglass reinforced plastic)(**) |
Polyurethane(**) Chất bít kín có gốc alcohol (Alcohol-based pipe sealant)(**)
|
Ghi chú:
(*) Sản phẩm thương mại;
(**) Sản phẩm có chứng nhận của nhà sản xuất.
2.2. Bồn chứa
2.2.1. Tồn trữ xăng sinh học bằng loại bồn trụ nằm ngang.
2.2.2. Bồn chứa xăng sinh học phải được vệ sinh súc rửa cho sạch ráo nước trước khi tồn trữ xăng sinh học lần đầu.
2.2.3. Không được tồn trữ xăng sinh học bằng bồn chứa loại đinh tán.
2.2.4. Lớp sơn lót đáy bồn
2.2.4.1. Bồn trụ nằm ngang đặt ngầm tại cửa hàng bán xăng sinh học không cần sơn lót bên trong.
2.2.4.2. Nếu bồn có sơn lót bên trong thì yêu cầu lớp sơn lót đáy bồn phải đảm bảo độ bền với hoạt tính dung môi của etanol và ức chế ăn mòn vật liệu chế tạo đáy bồn (sử dụng loại sơn lót epoxy tương thích với etanol).
2.2.5. Giải pháp kỹ thuật cho van thở
2.2.5.1. Một số giải pháp kỹ thuật cho van thở của bồn chứa xăng sinh học để giảm thiểu nhiễm hơi ẩm từ không khí bên ngoài tại cửa hàng bán xăng sinh học như sau:
a) Lắp đặt loại van thở áp lực – chân không có thông số áp lực làm việc phù hợp thay thế cho van thở thông thường.
b) Lắp đặt ống chứa chất hút ẩm (silicagel) trước đường vào van thở.
c) Lắp đặt máy sấy khô không khí trước đường vào van thở.
2.2.5.2. Van thở và phụ trợ sử dụng cho bồn chứa ngầm phải được bảo dưỡng định kỳ.
2.3. Trụ bơm xăng sinh học
Trụ bơm và phụ trợ sử dụng để phân phối xăng sinh học phải thỏa mãn các điều kiện sau đây.
2.3.1. Máy bơm
Các vòng đệm bít kín (O-rings) phải sử dụng vật liệu tương thích với xăng sinh học được quy định tại cột A, Bảng 1.
2.3.2. Lưu lượng kế
2.3.2.1. Các vòng đệm bít kín (O-rings) và gioăng, đệm phải tương thích với xăng sinh học.
2.3.2.2. Khi chuyển sang sử dụng cho xăng sinh học phải thực hiện hiệu chuẩn lại lưu lượng kế sau 10 – 14 ngày làm việc đầu tiên và sau đó hiệu chuẩn lưu lượng kế định kỳ theo quy định của cửa hàng xăng dầu.
2.3.3. Ống nối mềm
Sử dụng loại ống nối mềm bằng vật liệu tương thích với xăng sinh học được quy định tại cột A, Bảng 1.
2.3.4. Bộ lọc bơm
2.3.4.1. Luôn lắp đặt các lưới lọc thô, lưới lọc tinh cho bộ lộc máy bơm để đảm bảo xăng sinh học phân phối được sạch không có tạp chất và cặn.
2.3.4.2. Vật liệu chế tạo lưới lọc của bơm phải tương thích với xăng sinh học được quy định tại cột A, Bảng 1.
2.4. Đường ống công nghệ
2.4.1. Bộ lọc, lưới lọc trên đường ống
2.4.1.1. Lắp đặt bộ lọc có lưới lọc phù hợp cho đường ống dẫn xăng sinh học từ bồn chứa ngầm tới trụ bơm.
2.4.1.2. Vật liệu chế tạo lưới lọc của bộ lọc trên đường ống phải tương thích với xăng sinh học được quy định tại cột A, Bảng 1.
2.4.2. Chất bít kín
Chất bít kín, băng bít kín mối nối ghép đường ống công nghệ sử dụng cho xăng sinh học phải bằng vật liệu tương thích được quy định trong cột A, Bảng 1.
2.4.3. Đệm bít kín
Đệm bít kín mối nối ghép đường ống công nghệ sử dụng cho xăng sinh học phải bằng vật liệu teflon.
2.5. Thuốc đo mức, thuốc thử nước xăng sinh học
Thuốc đo mức, thử nước phải có đặc tính tương hợp với xăng sinh học.
3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
3.1. Quy định về chứng nhận hợp quy
3.1.1. Phương thức đánh giá hợp quy: Phương thức 6 – Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý theo quy định tại điểm e, khoản 1, điều 5 Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy”.
3.1.2. Tổ chức đánh giá hợp quy: Đánh giá hợp quy có thể do tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định thực hiện hoặc do tổ chức, cá nhân tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng xăng dầu công bố hợp quy thực hiện.
3.2. Quy định về công bố hợp quy
Tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng xăng dầu công bố hợp quy theo quy định tại Chương V Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN.
3.3. Quy định về kiểm tra
Các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học (xăng E5, E10) tại cửa hàng xăng dầu phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Quy chuẩn này.
4. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
4.1. Tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng xăng dầu chịu trách nhiệm về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy cho các trang thiết bị, phụ trợ sử dụng trong tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng xăng dầu.
4.2. Khi phát hiện sự không phù hợp so với quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình tồn trữ và phân phối xăng sinh học tại các cửa hàng xăng dầu phải:
4.2.1. Kịp thời thông báo với cơ quản lý tiếp nhận công bố hợp quy về sự không phù hợp;
4.2.2. Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp. Khi cần thiết, tạm ngừng việc xuất sản phẩm và tiến hành thu hồi các sản phẩm, hàng hoá không phù hợp đã xuất ra; ngừng hoạt động tồn trữ và phân phối xăng sinh học.
4.3. Lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.
4.4. Thực hiện việc công bố lại khi có bất kỳ sự thay đổi nào về nội dung của bản công bố hợp quy đã đăng ký.
5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.
5.2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực tuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này ở địa phương, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc và theo định kỳ trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.
5.2. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chuẩn này phù hợp với thực tiễn.
5.3. Trường hợp các tiêu chuẩn hoặc văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo văn bản mới./.