Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9164:2012 về Công trình thủy lợi – Hệ thống tưới tiêu – Yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống kênh
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9164:2012
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – HỆ THỐNG TƯỚI TIÊU – YÊU CẦU KỸ THUẬT VẬN HÀNH HỆ THỐNG KÊNH
Hydraulic structures – Irrigation system – Technical requirements for canal system operation
Lời nói đầu
TCVN 9164:2012 được chuyển đổi từ QPTL1-2-75 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 9164:2012 do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI – HỆ THỐNG TƯỚI TIÊU – YÊU CẦU KỸ THUẬT VẬN HÀNH HỆ THỐNG KÊNH
Hydraulic structures – Irrigation system – Technical requirements for canal system operation
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật vận hành hệ thống kênh trong các hệ thống tưới tiêu.
2. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
2.1.
Hệ thống kênh (canal system)
Hệ thống Kênh gồm có kênh chính, kênh nhánh các cấp, cống đầu kênh, các công trình trên kênh và các thiết bị lắp đặt trên hệ thống phục vụ các công tác quản lý vận hành.
2.2.
Kênh (canal)
Công trình có chức năng chuyển tải nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và sản xuất, ngoài ra bờ kênh và lòng kênh còn có thể làm chức năng khác như giao thông thủy, bộ, bao gồm kênh được xây dựng bằng đất, đá, gạch, bê tông, bê tông cốt thép, bê tông lưới thép hoặc các vật liệu khác.
2.3.
Công trình trên kênh (on canal structure)
Công trình dùng để lấy nước, dẫn nước, điều tiết dòng chảy và phân phối nước trên hệ thống kênh bao gồm cống đầu kênh, cổng điều tiết, tràn ngang, tràn dọc, dốc nước, bậc nước, kênh chuyển nước, xiphong, cống luồn.
2.4.
Thiết bị quản lý (management equipment)
Vật tư, thiết bị được bố trí, lắp đặt trên hệ thống kênh phục vụ công tác quản lý vận hành như mốc, cọc, cột đánh số chiều dài trên bờ kênh, cột thủy trí, thiết bị đo nước, thiết bị quan trắc mực nước, lưu lượng, thiết bị truyền dẫn thông tin, cửa van, máy đóng mở và các loại thiết bị khác.
2.5.
Vận hành hệ thống kênh (canal system operation)
Điều tiết phân phối nước hợp lý theo nhiệm vụ của kênh, phù hợp với nguồn nước trên hệ thống tưới tiêu, theo nhu cầu sử dụng nước, phát huy hiệu quả làm việc của kênh và công trình trên kênh. Các hoạt động vận hành hệ thống kênh bao gồm:
– Quản lý, điều tiết, phân bổ nước cho các nhu cầu sử dụng nước và khả năng của nguồn nước;
– Quản lý hệ thống kênh, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, kiểm tra, bảo vệ, phát hiện các hoạt động xâm lấn, thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và bảo vệ đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả và sử dụng lâu dài;
– Quản lý kinh tế đảm bảo giá trị sử dụng, nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kênh và hệ thống tưới tiêu.
2.6.
Quan trắc hệ thống kênh (canal system monitoring)
Gồm các hoạt động đo đạc, theo dõi, chi chép các thông số kỹ thuật về kết cấu và quản lý nhằm cung cấp các dữ liệu, thông tin về hệ thống kênh phục vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác.
2.7.
Tên gọi và ký hiệu các cấp kênh tưới
Hệ thống kênh tưới bao gồm kênh ngoài, kênh trong, kênh chính và các cấp kênh (cấp I, cấp II, cấp III…) như sơ đồ hình A1, A3 Phụ lục A.
a) Kênh ngoài (feeder canal): là kênh dẫn nước từ nguồn nước bên ngoài phạm vi hệ thống vào công trình lấy nước hoặc công trình đầu mối ký hiệu là Kn, ví dụ kênh dẫn nước ngoài sông vào cống dưới đê hoặc bể hút trạm bơm tưới ven đê.
b) Kênh trong (inside canal): là kênh dẫn nước từ công trình lấy nước đến công trình đầu mối của hệ thống, Ký hiệu là Kt, ví dụ kênh dẫn nước từ sau cống lấy nước dưới đê vào bể hút của trạm bơm.
c) Kênh chính (main canal): là kênh dẫn nước từ công trình đầu mối đi phân phối nước cho các kênh nhánh cấp I hoặc có thể cấp nước ngay vào mặt ruộng hay kênh mặt ruộng.
Trong trường hợp hệ thống có nhiều kênh chính thì ký hiệu như sau: KC1, KC2, KC3. Chỉ số 1, 2, 3 đánh số theo chiều kim đồng hồ.
d) Kênh nhánh cấp I (primary canal): là kênh dẫn nước từ kênh chính đi phân phối nước cho các kênh nhánh cấp II hoặc cũng có thể cấp nước vào ngay mặt ruộng hay kênh mặt ruộng, ký hiệu là N1, N2, N3, … Chỉ số lẻ 1, 3, 5, 7 cho thứ tự kênh nằm bên trái nhìn xuôi theo chiều dòng chảy; đánh chỉ số chẵn 2, 4, 6, 8 trở lên đánh cho thứ tự kênh nằm bên phải kênh chính cũng nhìn xuôi theo chiều dòng chảy.
e) Kênh nhánh cấp II (secondary canal): là kênh dẫn nước từ kênh nhánh cấp I đi phân phối nước cho các kênh nhánh cấp III hoặc cũng có thể cấp nước vào ngay mặt ruộng hay kênh mặt ruộng và ký hiệu:
N1-1, N1-2,N1-3, ….. (nếu kênh cấp II thuộc kênh N1);
N2-1, N2-2, N2-3, ….. (nếu kênh cấp II thuộc kênh N2);
g) Kênh nhánh cấp cuối cùng (end- tailed canal): là kênh dẫn nước tưới phân phối cho mương tưới trong khoảnh ruộng, thửa ruộng hoặc trực tiếp đưa nước vào ruộng, ký hiệu là N1–1…n; N2-2…n và số thứ tự cũng theo như quy định ở các khoản c), d), e) điều này. Trường hợp kênh chính hay kênh cấp trên cấp nước ngay vào ruộng hoặc kênh mặt ruộng (kênh cấp cuối cùng) thì kênh mặt ruộng đó được gọi là kênh vượt cấp và cống đầu kênh vượt cấp là cống vượt cấp. Kênh vượt cấp và cống đầu kênh vượt cấp không đánh số và ký hiệu như theo quy luật ở các khoản c), d), e) điều này.
2.8.
Ký hiệu và tên gọi các cấp kênh tiêu
Hệ thống kênh tiêu cũng bao gồm kênh tiêu ngoài, kênh tiêu chính và các cấp kênh tiêu (cấp I, cấp II, cấp III) như sơ đồ hình A3, A4 Phụ lục A.
a) Kênh ngoài (outside drainage canal): là đoạn kênh dẫn nước từ cống tiêu dưới đê, trạm bơm tiêu ven đê hoặc từ các đầu mối tiêu ra ngoài sông thiên nhiên, ký hiệu là KTn.
b) Kênh tiêu chính (main drainage canal): là kênh dẫn nước từ đầu các kênh nhánh cấp I (hoặc kênh nhánh tiêu cấp mặt ruộng, kênh tiêu trực tiếp) đưa về công trình đầu mối tiêu và ký kiệu là KT. Trong trường hợp có nhiều kênh tiêu chính thì ký hiệu lần lượt là KT1, KT2, KT3, … chỉ số 1, 2, 3 đánh theo chiều kim đồng hồ.
c) Kênh tiêu nhánh cấp I (primary drianage canal): là kênh dẫn nước từ kênh tiêu nhánh cấp II (hoặc kênh nhánh tiêu cấp mặt ruộng, kênh tiêu trực tiếp) về kênh chính ký hiệu là T1,12, T3, … Chỉ số lẻ 1, 3, 5, 7 cho thứ tự kênh nằm bên trái nhìn xuôi theo chiều dòng chảy; đánh chỉ số chẵn 2, 4, 6, 8 trở lên đánh cho thứ tự kênh nằm bên phải kênh chính cũng nhìn xuôi theo chiều dòng chảy.
d) Kênh tiêu nhánh cấp II (secondary draiange canal): là kênh dẫn nước tiêu từ kênh nhánh cấp III (hoặc kênh nhánh tiêu cấp mặt ruộng, kênh tiêu trực tiếp) ra kênh tiêu nhánh cấp I được ký hiệu:
T1-1, T1-2, T1-3, ….. (nếu kênh cấp II thuộc kênh T1);
T2-1, T2-2, T2-3, ….. (nếu kênh cấp II thuộc kênh T2);
e) Kênh tiêu cấp cuối cùng (end-tailed drainage canal): là kênh tập trung dẫn nước từ mương tiêu trong ô thửa tiêu hoặc khoảnh ruộng ra kênh tiêu cấp trên, ký hiệu là T1-1,…n. Số thứ tự cũng được quy định như trên.
2.9.
Kênh tưới, tiêu kết hợp (mixed canal)
Một kênh phải làm cả hai nhiệm vụ tưới tiêu kết hợp thì sẽ lấy tên và ký hiệu theo nhiệm vụ chính của kênh đó theo đồ án thiết kế hoặc theo thực trạng nhiệm vụ chính mà kênh đó đảm nhiệm.
2.10.
Hộ dùng nước (water user)
Là những tổ chức, cá nhân sử dụng nước từ hệ thống tưới tiêu cho mục đích sản xuất, sinh hoạt.
3. Quy định chung
3.1. Vận hành hệ thống kênh phải đảm bảo sự khép kín hệ thống từ đầu mối tới mặt ruộng, không chia cắt theo địa giới hành chính.
3.2. Vận hành hệ thống kênh phải bảo đảm các yêu cầu phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và các tác hại khác do nước gây ra, bảo đảm an toàn công trình.
3.3. Vận hành hệ thống kênh phải căn cứ vào tài liệu thiết kế, nhiệm vụ của hệ thống tưới tiêu để xây dựng quy trình vận hành từng tuyến kênh, hệ thống kênh và cả hệ thống tưới tiêu.
3.4. Vận hành hệ thống kênh phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và thực trạng hệ thống kênh để lập phương án bảo vệ từng tuyến kênh, hệ thống kênh và hệ thống tưới tiêu.
4. Khai thác hệ thống kênh
4.1. Yêu cầu về quản lý khai thác các cấp kênh
– Khai thác kênh các cấp phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt. Khi muốn thay đổi nhiệm vụ, mục đích sử dụng, hoặc công suất thiết kế của kênh phải được sự xem xét và quyết định của cơ quan quản lý có thẩm quyền;
– Đối với kênh có kết hợp giao thông trên bờ kênh và lòng kênh khi thiết kế, xây dựng phải áp dụng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với kênh có kết hợp giao thông;
– Các hoạt động giao thông vận tải của phương tiện cơ giới được phép diễn ra trong phạm vi bảo vệ kênh như phương tiện dùng cho kiểm tra, sửa chữa kênh, phương tiện có tải trọng, kích thước phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế của kênh và bờ kênh;
– Trong khi kênh dẫn nước hay sửa chữa, đơn vị quản lý có thể hạn chế hoặc đình chỉ tạm thời việc giao thông trên kênh. Kế hoạch hạn chế hoặc đình chỉ phải được lãnh đạo cấp trên thông qua và thông báo trước 24 giờ tại các vị trí quan trọng trên hệ thống;
– Các chủ phương tiện tham gia vận tải trên kênh phải đóng lệ phí theo quy định;
– Đối với kênh thường xuyên dùng phương tiện cơ giới để nạo vét phải quy định khoảng lưu không dành cho việc đắp bể lắng, khoảng lưu không này thuộc phạm vi bảo vệ kênh chỉ cho phép trồng rau màu, lúa, cây công nghiệp ngắn ngày dưới sự giám sát của đơn vị quản lý;
– Đối với bờ kênh cho trồng cây, đơn vị quản lý đề xuất nội quy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành;
– Đối với kênh cho phép nuôi trồng thủy sản, quy định chủng loại cá được nuôi, thức ăn cho cá, việc đặt các thiết bị nuôi cá, đánh cá phải được thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và có sự tham gia, giám sát của tổ chức quản lý khai thác kênh.
4.2. Điều tiết nước trên kênh
a) Các yêu cầu kỹ thuật khi điều tiết nước trên kênh:
– Đơn vị quản lý căn cứ vào quy trình vận hành hệ thống được phê duyệt quy định cụ thể mực nước cao nhất, mực nước thấp nhất cho phép của mỗi cấp kênh và các công trình trên kênh để thực hiện các tiêu lệnh vận hành;
– Mức nước điều tiết trên không vượt quá mức nước thiết kế lớn nhất của cấp kênh;
– Kênh làm bằng đất hoặc lát khan bằng các vật liệu khác, khi điều tiết nước trên kênh vận tốc dòng chảy trong kênh khống chế từ 0,2 m/s đến 0,5 m/s (kênh qua vùng đất xấu thì có thể lấy nhỏ hơn 0,05m/s đến 0,2m/s);
– Khi dẫn tháo nước trên các cấp kênh, tốc độ nước chảy không được vượt quá tốc độ không xói cho phép, và không được nhỏ hơn tốc độ lắng đọng cho phép trên mỗi cấp kênh ứng với kết cấu vật liệu làm kênh theo Phụ lục C.
b) Các yêu cầu công tác quản lý phân phối nước trên kênh:
– Đơn vị quản lý có trách nhiệm và phối hợp với chính quyền địa phương, hộ dùng nước để lập kế hoạch dùng nước và chỉ đạo điều tiết nước ngay từ đầu các vụ gieo trồng chính;
– Đơn vị quản lý xây dựng phương án điều tiết nước và quản lý, vận hành kênh đảm bảo cấp nước tối ưu trong đièu kiện nguồn nước cụ thể của hệ thống;
– Căn cứ vào kế hoạch dùng nước từng vụ, khả năng chuyển nước của mỗi cấp kênh, tình trạng và chất lượng của hộ thống kênh để khống chế lưu lượng và thời gian đưa nước vào các kênh cấp dưới nếu là nước tưới và lên kênh cấp trên nếu là tiêu nước;
– Trong quá trình dẫn nước nếu xảy ra sự cố cán bộ vận hành có quyền nâng hoặc hạ mức nước trên các cấp kênh nhưng phải báo ngay cho lãnh đạo các đơn vị, hộ dùng nước biết để hạn chế hoặc đình chỉ việc lấy nước vào hệ thống.
c) Các yêu cầu kỹ thuật để thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng nước trên kênh:
– Thực hiện dùng nước có kế hoạch, nâng cao độ chính xác của việc lập và thực hiện kế hoạch dùng nước;
– Thiết lập kế hoạch dùng nước phù hợp có xét đến sự ưu tiên cho các đối tượng dùng nước và hiệu quả dùng nước;
– Thúc đẩy việc quản lý hệ thống có sự tham gia và vai trò của người dùng nước tới hiệu quả dùng nước;
– Thiết lập các chỉ tiêu, định mức sử dụng nước thực tế. Sử dụng công thức tưới hợp lý để hạn chế tổn thất, lãng phí nước.
4.3. Vận tải thủy ở lòng kênh
Vận tải thủy trên kênh và hệ thống kênh được thực hiện dựa trên các cơ sở và yêu cầu sau:
– Căn cứ vào nhiệm vụ thiết kế chính của kênh để thực hiện các hoạt động vận tải thủy trên kênh;
– Chỉ những kênh có thiết kế kết hợp vận tải thủy trên kênh mới cho phép vận tải thủy trên kênh;
– Trên mỗi hệ thống kênh cho phép vận tải thủy quy định rõ kích thước, trọng tải, mớn nước, tốc độ cho phép các phương tiện đi lại trong kênh, quy định bến đỗ và bốc dỡ hàng hóa;
– Khi đi lại trong lòng kênh các phương tiện phải đi về phía bên phải theo hướng di chuyển của phương tiện và đi hàng một, đồng thời tuân thủ luật, quy tắc giao thông đường thủy hiện hành;
– Thuyền bè hay các phương tiện vận tải thủy không cơ giới không được dùng sào nhọn, sào có bịt sắt chống, chọc vào hai bờ kênh và lòng kênh để đẩy phương tiện đi, chỉ được dùng mái chèo hay sức kéo của người hoặc động vật;
– Kênh dẫn nước có ảnh hưởng triều, đơn vị quản lý căn cứ vào con triều để ra thông báo việc đóng mở cống, công trình tạo thuận lợi cho giao thông qua kênh và hạn chế nước mặn thâm nhập vào đồng.
4.4. Vận tải trên bờ kênh
Vận tải trên bờ kênh được thực thiện căn cứ vào các yêu cầu sau:
– Việc kết hợp vận tải trên bờ kênh phải căn cứ vào nhiệm vụ thiết kế của bờ kênh để thực hiện đảm bảo khai thác hiệu quả và ổn định bờ và mái kênh;
– Trên các bờ kênh của các hệ thống thủy nông kết hợp làm đường giao thông, cần thiết kế và quy định cấp đường theo tiêu chuẩn đường giao thông và quy định rõ trọng tải, tốc độ các loại xe cộ được phép đi lại và niêm yết trên dọc tuyến đường bờ kênh. Việc thực hiện cắm các biển báo, hướng dẫn giao thông trên đường bờ kênh phải theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, do các đơn vị quản lý giao thông thực hiện và có sự tham gia, giám sát của đơn vị quản lý kênh;
– Đối với kênh hạn chế việc vận tải bộ trên bờ kênh trong các trường hợp do yêu cầu phòng chống bão lụt, an ninh xã hội, hoặc quận sự tùy theo mức độ an toàn của bờ kênh và các công trình, có thể cho phương tiện vận tải cơ giới đi qua;
– Các phương tiện vận tải được phép đi lại trên bờ kênh không được đỗ, bốc dỡ hàng hóa vật tư trên kênh ngoài những nơi đã quy định;
– Những phương tiện vận tải khi gặp sự cố, hư hỏng thì sau 24 tiếng đồng hồ chủ phương tiện đó phải kéo ra khỏi phạm vi an toàn của bờ kênh.
4.5. Nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kênh
a) Để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kênh đơn vị quản lý cần thực hiện:
– Đánh giá định kỳ hoạt động của hệ thống kênh và có những điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp;
– Rà soát lại quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế hệ thống kênh xác định vị trí, quy mô, nhiệm vụ của kênh, các loại hình công trình trên kênh, các nhu cầu dùng nước trên hệ thống có sự tham gia của người sử dụng nước nhằm đánh giá, đề xuất các yêu cầu, nhiệm vụ hàng năm của hệ thống kênh.
b) Thực hiện hiện đại hóa quản lý, khai thác hệ thống kênh; các hoạt động hiện đại hóa bao gồm:
– Nâng cấp, cải tiến các công trình phân phối nước trên hệ thống, ứng dụng công trình có kết cấu phù hợp, đơn giản trong vận hành, hướng tới việc thực hiện dịch vụ hợp đồng tưới, tiêu theo khối lượng nước dùng;
– Nâng cấp công trình đo nước, đảm bảo cập nhật và thống kê các thông số dòng chảy, hiệu quả chuyển nước của kênh;
– Tổ chức tưới luân phiên một cách hợp lý để tạo điều kiện giảm thời gian lấy nước, cấp nước nước và giảm tổn thất nước;
– Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điều khiển (SCADA) trong việc vận hành hệ thống và thực hiện việc điều hành dựa trên số liệu và thông tin phản hồi từ hệ thống;
– Việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương phải dựa trên các phân tích kinh tế kỹ thuật cụ thể, kỹ lưỡng tránh đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí và giảm chi phí đầu tư xã hội.
5. Quan trắc biến dạng kênh và công trình trên kênh
5.1. Nội dung quan trắc và chế độ quan trắc
Căn cứ vào tuyến cọc quan trắc và hệ thống mốc đã bố trí trong hệ thống (Phụ lục B), nội dung quan trắc chính bao gồm:
– Theo dõi, đo đạc các chỉ số, thông số về sự biến dạng của kênh và công trình trên kênh;
– Khảo sát, đo đạc, đánh giá thẩm lậu, rò rỉ, tổn thất nước và đánh giá hiệu ích của kênh và trên hệ thống kênh;
– Đo kiểm định các thiết bị lắp đặt trên hệ thống để đo mực nước, lưu lượng để đánh giá tình trạng công trình, các thông số để xác định số liệu dùng nước của hệ thống kênh.
Chế độ quan trắc bao gồm:
– Nếu không có hư hỏng đột xuất hoặc sự cố, đơn vị quản lý tiến hành đánh giá hệ thống kênh từ 2 năm đến 3 năm một lần;
– Đối với những vị trí có nguy cơ làm biến dạng kênh, công trình thì phải được quan trắc thường xuyên. Mức độ thường xuyên, tần suất quan trắc do đơn vị quản lý xác định để đảm bảo không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
5.2. Yêu cầu nhiệm vụ quan trắc và kết quả quan trắc
a) Nhiệm vụ quan trắc:
– Quan trắc bồi lắng, xói lở, sạt kênh và sụt lún kênh dựa vào tuyến cọc quan trắc và hệ thống mốc đã bố trí trong hệ thống;
– Quan trắc rò rỉ, thẩm lậu tại các vị trí nối tiếp, khớp thi công;
– Theo dõi phá hoại do áp lực trong và áp lực đẩy nổi đáy và bờ kênh trong quá trình sử dụng;
– Quan trắc nứt nẻ bờ kênh;
– Đối với kênh đất kiểm tra sự biến dạng của mái kênh, và xói lở đáy kênh.
b) Kết quả quan trắc:
– Số liệu khảo sát biến dạng phải vẽ thành các trắc dọc và trắc ngang kênh và sơ họa những vị trí công trình biến dạng;
– Áp dụng theo tiêu chuẩn về đo địa hình, xác định tim kênh và công trình trên kênh để đo vẽ trắc dọc, trắc ngang kênh;
– Xác định vị trí, tình trạng vết nứt, xác định chiều sâu, chiều rộng, chiều dài vết nứt, mực nước ngầm trong vết nứt;
– Đối với kênh cứng hóa dùng sơn gạch chéo hai đầu vết nứt làm tiêu điểm theo dõi, ghi chép thông số vết nứt đo đạc, ngày tháng quan trắc tại vết nứt và ghi chép vào sổ theo dõi quản lý, vận hành kênh;
– Đối với kênh bằng đất, dùng cọc gỗ đóng ở hai đầu vết nứt, kích thước cọc 5x5x40cm, ghi thời gian phát hiện vết nứt;
– Các kết quả phải được tập hợp phục vụ đánh giá hiện trạng, so sánh với điều kiện thiết kế và kiến nghị các giải pháp để sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa hoặc sửa chữa lớn và nâng cấp.
5.3. Quan trắc thẩm lậu, rò rỉ nước trên kênh
a) Nhiệm vụ quan trắc:
– Quan trắc vị trí đường bão hòa ở các kênh chính (nếu kênh chính là kênh đất đắp nổi) và trạng thái mái kênh, bờ kênh:
– Quan trắc sự làm việc của các thiết bị tiêu nước trên mái kênh (nếu có), các thiết bị tiêu nước, rãnh tiêu nước trên kênh, giếng giảm áp, các rãnh tiêu nước vào kênh và từ kênh ra;
– Quan trắc các vị trí trên kênh có nước thoát ra, độ đục của nước thấm và lưu lượng thấm;
– Đo tổn thất chuyển tải nước trên kênh, rò rỉ qua các công trình để đánh giá hiệu ích kênh. Việc đo tổn thất để đánh giá bao gồm các kênh tưới chính, kênh cấp I có quy mô tưới ³ 500 ha, các kênh tưới nhỏ hơn sẽ đo tổn thất trên cơ sở lựa chọn các tuyến kênh mẫu nhưng vẫn đảm bảo cứ 500 ha diện tích được tưới phải đo 1 kênh mẫu. Việc đo tổn thất chuyển tải nước trên kênh tưới nên thực hiện bằng phương pháp đo lưu lượng của từng đoạn kênh và cả tuyến kênh;
– Đánh giá mức độ chuyển tải nước trên kênh chính tiêu, các kênh cấp I tiêu có diện tích tiêu ³ 1000ha; đối với các kênh tiêu có diện tích nhỏ hơn thì cứ 1000 ha cần phải chọn 1 kênh mẫu để đánh giá. Việc đánh giá mức độ chuyển tải nước kênh tiêu được đánh giá bằng các chỉ số như mặt cắt ngang kênh, cao độ đáy kênh, tính trạng bèo rác và so sánh với điều kiện thiết kế.
b) Kết quả quan trắc:
– Xác định tổn thất nước thấm trên các đoạn riêng biệt của kênh;
– Vẽ sơ họa xác định vùng thấm, làm tiêu điểm theo dõi sự biến dạng vùng thấm, ghi rõ ngày tháng phát hiện ra vùng thấm;
– Đánh giá tổn thất kênh và tổn thất hệ thống kênh;
– Kiến nghị các giải pháp khắc phục cả về quản lý và giải pháp công trình để nâng cao hiệu quả chuyển dẫn nước của kênh.
5.4. Quan trắc các công trình trên kênh
– Kiểm tra tình trạng nứt nẻ, thẩm lậu các công trình điều tiết nước, chuyển nước trên kênh như: cống, tràn điều tiết, cầu máng, cống luồn, bậc nước, dốc nước, mặt cắt mẫu,…;
– Kiểm tra tình trạng sụt, sạt, xói lở, thẩm lậu các công trình tiêu nước như: tràn vào kênh, cống, tràn tiêu nước từ kênh ra, cống luồn dưới đáy kênh,…;
– Đối với cống luồn qua kênh, xi phông kiểm tra bồi lắng trước cửa vào, trong lòng dẫn và sau cửa ra công trình;
– Đối với kênh men theo sườn dốc (Hình B5 – Phụ lục B), kiểm tra tình trạng xói lở, sạt trượt của ta- luy âm, ta-luy dương;
– Kiểm tra mức độ hư hỏng và an toàn các thiết bị như: bộ máy đóng mở, lưới chắn rác, tính tràng kín nước của các cửa van, khe phai, hèm cửa van.
5.5. Yêu cầu về đo nước
– Kỹ thuật đo nước áp dụng các tiêu chuẩn hiện hành;
– Khi kênh phân phối nước phải tiến hành đo nước hàng ngày (nếu có lắp đặt thiết bị đong đo lưu lượng) trường hợp không có thiết bị đong đo lưu lượng phải bố trí hệ thống thủy trí trước sau công trình và đo ghi chép hàng ngày mức nước trước sau công trình; tần suất đo hàng ngày 4 lần khi công trình đang vận hành và 1 lần khi công trình không vận hành;
– Tiến hành đo nước xác định các thông số: mực nước, lưu tốc, lưu lượng, hàm lượng phù sa,… theo dõi diễn biến dòng chảy trên kênh;
– Kết quả đo nước phục vụ cho công tác phân phối nước và dẫn nước một cách chính xác kịp thời. Làm căn cứ để thu thủy lợi phí, phí thủy nông nội đồng và hạch toán kinh tế trong kinh doanh và sử dụng nước; phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực hệ thống hỗ trợ việc lập và thực hiện kế hoạch dùng nước hợp lý;
– Thiết bị đo nước đặt tại những mặt cắt mẫu của kênh hay những mặt cắt được thiết kế để bố trí các thiết bị đo nước theo các yêu cầu quản lý và khả năng, điều kiện ứng dụng của các thiết bị.
6. Công tác kiểm tra, theo dõi vận hành hệ thống kênh
6.1. Kiểm tra, theo dõi vận hành kênh và hệ thống kênh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành kênh, hệ thống kênh đảm bảo sự hoạt động bình thường của hệ thống tưới tiêu.
Công tác kiểm tra, theo dõi vận hành hệ thống kênh bao gồm:
– Chế độ kiểm tra, theo dõi thường xuyên:
– Chế độ kiểm tra, theo dõi định kỳ;
– Chế độ kiểm tra đặc biệt.
6.2. Chế độ kiểm tra, theo dõi thường xuyên
6.2.1. Chế độ kiểm tra, theo dõi thường xuyên kênh và hệ thống kênh thuộc trách nhiệm của công nhân vận hành kênh. Dựa vào quy trình vận hành, định mức cho công tác quản lý, đơn vị quản lý phải phân công nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, vận hành một số kênh, công trình trên kênh và trang thiết bị theo phạm vi quản lý của cụm hoặc trạm thủy nông (dưới đây gọi tắt là cụm, trạm).
6.2.2. Nội dung kiểm tra theo dõi thường xuyên
Kiểm tra theo dõi thường xuyên nhằm đảm bảo sự hoạt động bình thường của kênh cả lúc kênh đang làm nhiệm vụ dẫn nước hoặc không dẫn nước, phát hiện, phòng ngừa các hành vi sai phạm đối với sự toàn vẹn của tuyến kênh như vi phạm hành lang bảo vệ kênh; xâm lấn kênh, đào bới bờ kênh, xây công trình trái phép trên kênh, bờ kênh. Nội dung công tác kiểm tra, theo dõi thường xuyên bao gồm:
– Kiểm tra, theo dõi tình trạng của các bộ phận của kênh gồm: lòng kênh, mái kênh, bờ kênh; tình trạng sụt sạt, xói lở, rò rỉ, bào mòn, bồi lắng; mái đá xây; hoạt động của các rãnh tiêu nước trên bờ và mái kênh (nếu có); tiến hành đắp vá ngay những chỗ hư hại với khối lượng đắp vá trượt sạt dưới 3m3, trồng cỏ bảo vệ mái dưới 3m2, trường hợp khối lượng lớn hơn hoặc phải sử dụng đến vật liệu không phải là đất và vồng cỏ thì phải lập phương án xử lý và báo cáo đơn vị quản lý cho quyết định xử lý;
– Kiểm tra theo dõi tính trạng làm việc của cống ngầm, xi phông, cống điều tiết cũng như các công trình trên kênh khác;
– Kiểm tra sự thông suốt của dòng chảy trên kênh, xác định những ứ đọng và giải quyết ứ đọng ách tắc cản trở đến hoạt động bình thường và tổn thất cột nước của kênh;
– Kiểm tra, ghi chép theo mẫu các số liệu quản lý gồm mực nước tại tất cả các thủy trí trên kênh, lưu lượng lấy vào và tháo ra của kênh;
– Kiểm tra tính trạng làm việc của trang thiết bị quan trắc và quản lý;
– Kiểm tra giám sát việc thực hiện các điều khoản về bảo vệ kênh, công trình trên kênh và các trang thiết bị quản lý được giao trực tiếp cho công nhân, cụm trạm cũng như trang thiết bị lắp đặt trên hệ thống;
– Trong quá trình kiểm tra sẽ tiến hành các hoạt động mang tính chất vận hành để đảm bảo quy trình vận hành phân phối nước trên kênh và của hệ thống như điều chỉnh các tay van ổ khóa, dọn sạch rác làm tắc nghẽn ở các cống nhỏ có máy đóng mở từ V0; V1; V2; V3 lắp đặt tại các công trình phân phối và điều tiết nước trên kênh (đối với các cống lớn hơn, cống đầu mối, cống điều tiết có nhiệm vụ và quy trình đóng mở vận hành riêng);
– Thông báo sự vi phạm kênh và hành lang bảo vệ kênh đối với đối tượng vi phạm hành lang an toàn kênh, hoạt động sản xuất gây cản trở tới kênh, xả rác, chất thải xuống lòng và bờ kênh; giải thích và yêu cầu dừng các hành vi vi phạm xâm lấn kênh đó với đối với người vi phạm, tiến hành lập biên bản báo cáo cấp trên nếu người vi phạm không dừng hoặc tháo dỡ các hành vi xâm lấn kênh.
6.2.3. Thời gian, tần suất quy định cho kiểm tra, theo dõi thường xuyên
Tần suất kiểm tra theo dõi được quy định như sau:
– Trong khi kênh đang dẫn nước mỗi ngày kiểm tra 1 lần;
– Trong khi kênh không dẫn nước mỗi tuần kiểm tra ít nhất 1 lần; đối với kênh qua vùng thuộc địa ban hành chính nội thị xã, nội thành phố không quá 4 ngày kiểm tra 1 lần. Hao phí thời gian cho công tác kiểm tra lúc kênh không vận hành bằng 80% đối với kiểm tra khi kênh đang vận hành (vì không tính phần điều chỉnh đóng mở các cống nhỏ trên kênh);
– Trước và sau mỗi trận mưa lớn, lũ lớn; trước và sau khi kênh làm việc dẫn nước phải tiến hành kiểm tra những chỗ xung yếu, vị trí đang được quan trắc, và toàn bộ các công trình trên kênh để đảm bảo tình trạng bình thường cũng như tình trạng các vị trí cửa van đúng theo quy trình vận hành;
– Đối với kênh ở vùng miền núi, ngoài những quy định ở trên sau khi kênh ngừng dẫn nước thì phải tiến hành kiểm tra các công trình trên kênh đảm bảo sự thông thoáng theo quy trình vận hành kênh; sau khi mưa, lũ lớn phải tiến hành kiểm tra toàn bộ kênh;
– Đối với bờ kênh dẫn có nhiệm vụ kết hợp phòng chống lũ như bờ kênh ngoài đê, bờ kênh ven đồi ngăn lũ thì chế độ kiểm tra thường xuyên cụ thể như sau:
• Khi mực nước còn dưới báo động I, chế độ kiểm tra được tiến hành như kênh bình thường ở vùng đồng bằng;
• Khi mức nước từ báo động I đến báo động II cứ 2 giờ đi kiểm tra toàn bộ tuyến kênh 1 lần;
• Khi mức nước từ báo động II đến báo động III cứ 1 giờ đi kiểm tra toàn bộ tuyến kênh 1 lần;
• Khi mức nước từ báo động III trở lên phải tổ chức thường trực trên hai bờ kênh đảm bảo sự kiểm tra thường xuyên dưới 1 giờ báo cáo tính trạng toàn tuyến kênh 1 lần.
6.2.4. Chế độ ghi chép, báo cáo trong quá trình kiểm tra, theo dõi thường xuyên
– Nếu không có những vấn đề bất thường thì các hiện tượng phát hiện và giải quyết được trong nhiệm vụ của công nhân vận hành kênh phải được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký (theo mẫu của đơn vị quản lý) kèm các bản sơ họa những chỗ hư hỏng;
– Hàng tháng, trưởng hoặc phó các cụm, trạm phải kiểm tra sổ nhật ký một lần, ghi nhận những quan điểm của trưởng, phó trạm đối với các vấn đề trong quá trình kiểm tra, đồng thời báo cáo kiến nghị những giải pháp với cấp trên để giải quyết những khó khăn;
– Trước đợt kiểm tra định kỳ 1 năm 2 đợt, trưởng, phó các cụm, trạm tổng hợp báo cáo đánh giá tình trạng của kênh, hệ thống kênh, công trình trên kênh được giao quản lý vận hành; tập hợp các thông tin quản lý thuộc cụm trạm như mực nước, lưu lượng ghi chép thường xuyên;
– Những vấn đề mà không thuộc phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của trạm, cụm thì trưởng hoặc phó trạm, cụm phải báo cáo đột xuất lên cấp trên để tìm hướng và ra quyết định giải quyết.
6.3. Chế độ kiểm, đánh giá tra định kỳ
6.3.1. Kiểm tra, đánh giá định kỳ do trách nhiệm của các cụm, trạm và đơn vị quản lý nhằm đánh giá tình hình hoạt động của tuyến kênh trong 1 vụ sản xuất và cả năm. Chế độ kiểm tra 1 năm gồm 2 đợt; đợt 1 vào đầu mùa mưa lũ và đợt 2 vào cuối mùa mưa lũ.
Kiểm tra vào đầu mùa mưa lũ được thực hiện xong trước 1 tháng khi bắt đầu mùa mưa lũ chính được quy định trong quy trình vận hành hệ thống (ví dụ ở miền bắc xong trước ngày 30/4 hàng năm) nhằm đánh giá tính trạng kênh, hệ thống kênh, phát hiện những công ciệc cần phải tiến hành khẩn cấp nếu cần để đảm bảo hệ thống kênh hoạt động bình thường trong mùa mưa lũ theo chức năng nhiệm vụ.
Kiểm tra vào cuối mùa mưa Iũ được tiến hành xong trước 1 tháng kể từ mùa mưa lũ chính kết thúc trong quy trình vận hành hệ thống kênh (ví dụ ở miền bắc xong trước 31 tháng 10 hàng năm) nhằm đánh giá hiện trạng hệ thống sau mùa mưa Iũ và lập báo cáo làm cơ sở cho kế hoạch sửa chữa và tu bổ hàng năm. Trường hợp bị hư hại nặng do mưa Iũ vượt tần suất thiết kế hoặc do các nguyên nhân khác thì đơn vị quản lý phải báo cáo cơ quan cấp trên để có giải pháp khắc phục xử lý.
Tổ kiểm tra đánh giá định kỳ do đơn vị quản lý thành lập có sự tham gia của các phòng, ban kỹ thuật, cán bộ chuyên môn và sự tham gia của các thành viên thuộc các cụm, trạm thủy nông.
6.2.3. Nội dung kiểm tra định kỳ
a) Nội dung kiểm tra định kỳ
– Tổ kiểm tra định kỳ tiến hành lần lượt đối với từng đơn vị trực thuộc cụm, trạm thuộc quản lý của đơn vị quản lý;
– Kiểm tra việc thực hiện các quy trình, nội quy quản lý khai thác và bảo vệ kênh và công trình trên kênh; kiểm tra sự hiểu biết và trình độ nghiệp vụ, thao tác vận hành, xử lý những hư hỏng, sự cố của cán bộ và công nhân thuộc cụm, trạm;
– Kiểm tra công tác vận hành thường xuyên thông qua sử dụng thông tin từ sổ nhật ký kiểm tra theo dõi thường xuyên của các tuyến kênh thuộc cụm, trạm để xác định kế hoạch kiểm tra cho từng tuyến kênh và công trình trên kênh chi tiết;
– Kiểm tra, đánh giá tình trạng chất lượng, sự ổn định của toàn bộ kênh và công trình trên kênh;
– Đánh giá công tác tu bổ, sửa chữa, nạo vét kênh với các cấp kênh, đánh giá khả năng dẫn nước của từng kênh và của cả hệ thống kênh;
– Kiểm tra việc ghi chép và bảo quản các hồ sơ tài liệu, phương tiện quản lý, dụng cụ quan trắc, các vật liệu dự trữ;
– Sản phẩm của tổ kiểm tra định kỳ là một báo cáo đầy đủ về tính trạng, hiện trạng của từng tuyến kênh, từng công trình trên kênh và của cả hệ thống kênh. Xác định những nhiệm vụ, công việc và lập kế hoạch và phương án sửa chữa trình tổ chức quản lý khai thác công trình đưa vào kế hoạch tu sửa hàng năm đối với nhiệm vụ có tính chất thường xuyên. Đối với những nhiệm vụ sửa chữa có khối lượng và kinh phí lớn vượt quá chi phí thường xuyên theo quy định hiện hành thì phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm để trình lên cấp trên các phương án sửa chữa và tổ chức thực hiện sửa chữa đúng tiến độ ngay sau khi phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Một số công tác chính chuẩn bị trước khi đợt kiểm tra định kỳ
– Các đơn vị trực thuộc là các cụm, trạm báo cáo tình hình quản lý vận hành và khai thác các kênh, công trình trên kênh thuộc cụm, trạm quản lý với tổ kiểm tra định kỳ;
– Tổ kiểm tra có trách nhiệm lập báo cáo sơ bộ tình hình quản lý khai thác và sử dụng kênh và công trình trên kênh giữa hai kỳ kiểm tra;
– Tập hợp các hồ sơ, tài liệu quản lý gồm các bản sơ họa, sổ sách ghi chép nhận ký kiểm tra theo dõi vận hành kênh, các tài liệu kỹ thuật thiết kế liên quan và các báo cáo, biên bản kiểm tra đột xuất (nếu có);
– Xác định chi tiết các tuyến kênh, vị trí cần kiểm tra bổ sung và thực hiện kiểm tra bổ sung;
– Lập báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động và thông tin thực trạng của toàn bộ hệ thống kênh và công trình trên kênh;
– Xác định các yêu cầu và thứ tự ưu tiên cần sửa chữa, nạo vét hệ thống, và kế hoạch sửa chữa để đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống kênh phục vụ sản xuất cho mùa vụ tiếp theo;
– Đánh giá hiệu quả công tác quản lý, khai thác, bảo vệ hệ thống kênh; kiến nghị việc đổi mới, cải tiến công tác vận hành nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, bố trí hợp lý nhân lực để giảm chi phí nhân công; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành kênh;
– Tất cả các báo cáo đánh giá thực trạng hệ thống kênh và công trình trên kênh được lưu trữ theo quy định hiện hành và phục vụ cho nghiên cứu, tập hợp, đánh giá thông tin cho vận hành hệ thống kênh.
6.4. Kiểm tra đặc biệt
Khi đã xảy ra hoặc có những hiện tượng có thể xảy ra sự cố làm hư hỏng lớn kênh và các công trình trên kênh thì đơn vị quản lý phải tiến hành kiểm tra ngay. Xác định các giải pháp và huy động nguồn lực tại chỗ để nhanh chóng khắc phục. Trường hợp những nguy cơ cũng như những vấn đề sự cố lớn cần báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương, cấp trung ương và các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu để kiểm tra đánh giá tình trạng sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố.
Nội dung, yêu cầu công tác kiểm tra đặc biệt:
– Xác định tình trạng, mức độ hư hỏng, nguyên nhân xảy ra sự cố;
– Quan trắc, sơ họa, lập hồ sơ về sự cố xảy ra;
– Quyết định phương án sửa chữa, hoặc có biện pháp ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra và những việc cần tiếp tục xử lý theo dõi kiểm tra;
– Báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra và lập phương án kỹ thuật xử lý.
7. Công tác bảo dưỡng và tu sửa hệ thống kênh
7.1. Yêu cầu chung
7.1.1. Đơn vị quản lý chỉ đạo, hướng dẫn các cụm, trạm, cá nhân trực thuộc kiểm tra, rà soát lại kênh, các công trình trên kênh và thiết bị quản lý kênh nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời hư hỏng để đảm bảo nước tưới tiêu ngay từ đầu vụ.
7.1.2. Việc duy tu, bảo dưỡng công trình kênh trong hệ thống tưới tiêu phải được đưa vào kế hoạch thực hiện thường xuyên hàng năm căn cứ vào định mức, nguồn kinh phí thường xuyên để lập và thực hiện theo quy định hiện hành.
7.1.3. Việc tu sửa kênh và các công trình trên kênh vẫn phải đảm bảo kế hoạch sản xuất phục vụ nước tưới, tiêu theo kế hoạch.
7.1.4. Khi cán bộ hoặc công nhân vận hành tiến hành kiểm tra kênh phát hiện những vấn đề như quy định tại điều 6.2.2 cần phải khắc phục tạm thời và tiến hành sửa chữa ngay các hư hỏng đã phát hiện được. Trong trường hợp không xử lý được phải báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị hay chính quyền địa phương để tiến hành sửa chữa kịp thời.
7.1.5. Khi nạo vét, áp trúc, tôn cao bờ kênh phải nghiên cứu quy định nơi lấy đất, đổ đất để không ảnh hưởng đến an toàn của kênh và việc mở rộng kênh cũng như đảm bảo các yêu cầu về môi trường theo quy định hiện hành.
7.2. Bảo dưỡng thường xuyên
Cùng với kiểm tra theo dõi thường xuyên, bảo dưỡng thường xuyên là nhiệm vụ và trách nhiệm của công nhân vận hành nhằm giải quyết ngay những vấn đề phát sinh thường xuyên mà nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng ngay đến công tác phân phối nước và lâu hơn nữa sẽ dẫn đến ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của kênh, công trình trên kênh và của cả hệ thống. Nội dung công tác bảo dưỡng thường xuyên như sau:
– Dọn sạch bờ kênh, mái kênh, lòng kênh, vớt hết rác rưởi, đất đá làm cản dòng nước trên rãnh tiêu nước dọc kênh, trước lưới chắn rác của xi phông hoặc cầu máng, trước cửa cống, khe phai, trước các công trình trên kênh mà nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng ngay đến việc vận hành phân phối nước;
– Bồi trúc bờ kênh, mái kênh đảm bảo nước không đọng trên bờ và mái kênh;
– Nạo vét đất lắng đọng tại các bể lắng trước các cống luồn, xi phông chuyển nước, kênh dẫn ven núi, giếng kiểm tra;
– Trồng cỏ vào những chỗ có cỏ chết, cắt cỏ dọc bờ kênh và mái ngoài của kênh;
– Lát, sắp xếp lại những chỗ kè đá, lát gạch hoặc tấm bê tông bị bong ra;
– Sửa chữa những chỗ bị thẩm lậu, sạt sụt gây mất nước trên kênh;
– Lau chùi và tra dầu mỡ vào các thiết bị cơ khí, thiết bị quản lý đảm bảo những vị trí cần dầu mỡ luôn ướt;
– Cọ rửa sạch sẽ cánh cửa cống, các bộ phận công trình bị rêu, rác bám.
7.3. Sửa chữa thường xuyên
7.3.1. Sửa chữa thường xuyên là thực hiện các nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ của công tác kiểm tra theo dõi thường xuyên và bảo dưỡng thường xuyên quy định trong các điều 6.2 và điều 7.2. Sửa chữa thường xuyên thường được lập căn cứ vào các ưu tiên sửa chữa nạo vét kênh và công trình trên kênh sau khi tiến hành kiểm tra định kỳ đợt 2 sau mùa mưa lũ hàng năm để thực hiện đảm bảo cho hệ thống phục vụ tốt cho năm tiếp theo.
7.3.2. Việc lập hồ sơ sửa chữa phải căn cứ vào định mức sửa chữa thường xuyên, đơn giá định mức theo quy định hiện hành khác, đơn vị quản lý tiến hành lập hồ sơ sửa chữa tự phê duyệt hoặc phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ, kế hoạch sau khi được phê duyệt.
7.3.3. Trước khi thực hiện sửa chữa thường xuyên kênh, hệ thống kênh đơn vị quản lý phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp ở địa phương về thủy lợi để các đơn vị này có kế hoạch giám sát quá trình thực hiện sửa chữa, nạo vét đảm bảo hệ thống kênh và công trình trên kênh được sửa chữa đúng như hồ sơ sửa chữa đã được lập và phê duyệt.
7.3.4. Việc thực hiện sửa chữa, giám sát, nghiệm thu phải được tiến hành theo các trình tự, thủ tục quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Sau khi hoàn thành sửa chữa mỗi hạng mục phải có báo cáo hoàn công, biên bản nghiệm thu bàn giao giữa đơn vị thi công và đơn vị quản lý theo quy định.
7.3.5. Nội dung sửa chữa thường xuyên:
a) Sửa chữa những chỗ hư hỏng của kênh và công trình trên kênh như bồi trúc bờ kênh, nạo vét lòng kênh, chống rò rỉ và thẩm lậu nước.
b) Sửa chữa hệ thống thông tin liên lạc, trang thiết bị quan trắc và phương tiện quản lý.
c) Nạo vét kênh tưới và công trình trên kênh tưới:
– Kênh dẫn nước vào công trình để tưới ở phía sông 1 năm nạo vét 1 lần vào thời điểm sau mùa lũ.
– Nạo vét cửa khẩu trước sau công trình trên kênh tưới 1 năm 1 lần, phạm vi nạo vét bao gồm phần xây đúc, trước và sau phần bê tông, vật liệu xây đúc là 10m;
– Kênh đất cấp II, cấp III đến kênh cấp cuối cùng sau 5 đến 7 năm nạo vét 1 lần;
– Kênh xây cấp I, II, cấp III cứ 6 năm đến 8 năm nạo vét 1 lần;
– Kênh xây cấp III trở xuống có mặt cắt hình chữ nhật có bề rộng đáy không quá 0,5m việc nạo vét thuộc trách nhiệm của công nhân vận hành kênh.
– Kênh chính 8 năm đến 10 năm nạo vét 1 lần;
Việc nạo vét thường xuyên kênh tưới được thực hiện bằng các chi phí thường xuyên, trường hợp kinh phí thường xuyên không đảm bảo (khi nạo vét kênh tưới chính) thì đơn vị quản lý lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như thực hiện đối với sửa chữa lớn theo quy định tại điều 7.5 tiêu chuẩn này.
d) Sửa chữa thường xuyên đối với kênh tiêu và các công trình trên kênh tiêu:
– Nạo vét các cửa khẩu trên công trình tiêu 3 năm thực hiện 1 lần; phạm vi nạo vét gồm diện tích phần xây đúc, trước và sau phần xây đúc là 10m;
– Kênh cấp I, cấp II trở xuống (có diện tích phụ vụ dưới 1000 ha) 8 năm đến 10 năm nạo vét 1 lần;
– Kênh chính tiêu khác 10 năm đến 12 năm nạo vét 1 lần.
Nạo vét kênh tiêu được xếp vào hạng mục sửa chữa lớn quy định theo điều 7.5 tiêu chuẩn này.
e) Sửa chữa thường xuyên ty van, ổ khóa
– Các ty van, ổ khóa thiết bị cơ khí như dây cáp, bánh răng, tời, hàng năm được sửa chữa 1 lần vào sau mùa mưa lũ và chuẩn bị cho mùa vụ chính sắp tới;
– Nội dung công tác sửa chữa thường xuyên ty van ổ khóa, thiết bị cơ khí bao gồm: tháo, lắp ty van, các bánh răng, vệ sinh sạch sẽ, dây cáp, lau dầu, tra mỡ và lắp lại như ban đầu;
– Nội dung công tác sửa chữa thường xuyên với cửa van, lưới chắn rắc gồm các công việc lau chùi sạch sẽ, đánh gỉ, cạo hà và sơn bằng sơn công nghiệp. Cứ 1 năm sửa chữa nhỏ 1 lần gồm các công việc vệ sinh, cạo gỉ sạch sẽ, sơn (10 % đến 20 % tổng diện tích) những chỗ bị gỉ, bị hà và những chỗ mà cánh cửa cống, lưới chắn rác làm việc bị cọ sát; Cứ 3 năm sửa chữa vừa 1 lần nội dung gồm các công việc sửa chữa nhỏ cộng với sơn lại toàn bộ cánh cống, lưới chắn rác;
– Các bộ phận khác làm bằng sắt như lan can, cầu công tác, khung sắt không làm việc dưới nước cứ 3 năm làm vệ sinh sạch sẽ, cạo gỉ và sơn lại 1 lần bằng sơn chống gỉ.
Việc sửa chữa thường xuyên ty van, ổ khóa và các thiết bị cơ khí khác của công trình trên hệ thống kênh được bố trí vào kế hoạch chi hợp lý hợp lệ hàng năm, trường hợp kinh phí thường xuyên không đảm bảo thì đơn vị quản lý lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện sau khi có quyết định theo các văn bản luật pháp nhà nước hiện hành.
7.4. Sửa chữa hư hỏng đột xuất
Khi kênh và các công trình trên kênh có hư hỏng đột xuất phải áp dụng ngay các biện pháp:
– Hạn chế sự làm việc của kênh hoặc công trình trên kênh, nếu hư hỏng nặng có thể đình chỉ tạm thời sự làm việc của kênh hoặc công trình trên kênh;
– Tiến hành tổ chức kiểm tra, khảo sát, xác định đầy đủ những hư hỏng, lập biên bản báo cáo, lập dự án sửa chữa, khôi phục công trình và phê duyệt theo thẩm quyền quy định của đơn vị quản lý;
– Việc tu sửa phải tiến hành nhanh chóng bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và kịp thời phục vụ sản xuất.
Trường hợp sửa chữa có quy mô và khối lượng lớn đơn vị quản lý phải lập dự án và thực hiện theo trình tự thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định khác của pháp luật.
7.5. Sửa chữa lớn
7.5.1. Khi sửa chữa các hạng mục công trình quan trọng đã được ghi trong văn bản duyệt nhiệm vụ sửa chữa hàng năm, lãnh đạo các đơn vị quản lý lập báo cáo đầu tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thi công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thiện thủ tục phê duyệt, cấp vốn cho thi công.
7.5.2. Trước khi thi công phải thông báo tới các đối tượng bị ảnh hưởng và các bên liên quan về kế hoạch thi công đảm bảo chủ động thời vụ và giảm thiệt hại do gián đoạn sản xuất.
7.5.3. Khi thi công xong từng hạng mục công trình phải tiến hành nghiệm thu và bàn giao cho bộ phận quản lý. Trong quá trình thi công phải tuân thủ các công tác bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với thi công công trình xây dựng.
7.5.4. Các tài liệu cần thiết để nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng phải được lập và bàn giao đầy đủ phục vụ công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ kênh.
8. Bảo vệ hệ thống kênh
8.1. Yêu cầu chung
Bảo vệ kênh thuộc nhiệm vụ của công nhân vận hành, kết hợp với công tác kiểm tra theo dõi thường xuyên, bảo dưỡng thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kênh.
Phạm vi bảo vệ kênh là khu vực hạn chế việc làm ảnh hưởng đến sự làm việc ổn định và an toàn của kênh theo quy định của pháp luật.
Phạm vi bảo vệ kênh được xác định theo tiêu chuẩn thiết kế kênh và khi xây dựng kênh.
Các nội dung bảo vệ kênh và xử lý vi phạm đối với hệ thống kênh tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Các hành vi khác gây mất an toàn, cản trở gây khó khăn cho người làm công tác vận hành kênh phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
8.2. Mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ
Đơn vị quản lý xây dựng các nội quy về quản lý từng tuyến kênh và hệ thống, tập huấn và khoán công tác bảo vệ kênh đến từng công nhân vận hành.
Nội dung, nhiệm vụ bảo vệ bao gồm:
– Trông coi, bảo vệ bờ kênh và hành lang an toàn của kênh; phát hiện các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ kênh; tuyên truyền luật pháp về công tác bảo vệ hành lang công trình kênh mương; xử lý theo nhiệm vụ được giao. Trường hợp không xử lý được thì phải sơ họa phạm vi xâm hại và báo cáo lên cấp trên quản lý trực tiếp;
– Bảo vệ công trình trên kênh và các thiết bị quản lý lắp đặt trên kênh;
– Trông coi, bảo vệ sự thông thoáng của lòng kênh và nguồn nước trong kênh. Những hành vi xả rác, xả nước thải xuống kênh phải được phép, nếu không người được giao quản lý kênh phải tiến hành lập biên bản, báo cáo lên cấp trên để xử lý.
Các quy định chi tiết liên quan đến công tác bảo vệ kênh được sắp xếp chi tiết trong Phụ lục D tiêu chuẩn này.
9. Cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác hệ thống kênh
9.1. Yêu cầu chung
Kênh sau khi xây dựng, sửa chữa hoàn thành phải hoàn thiện hồ sơ thiết kế, thi công, hoàn công giao cho tổ chức quản lý khai thác.
Hoàn thành xây dựng kênh đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu thiết kế trước khi thực hiện công tác vận hành hệ thống kênh.
Đối với hệ thống kênh cũ, lập sơ đồ hệ thống kênh có chú dẫn các công trình trên kênh: quan trắc, đo nước, các công trình điều tiết, các cửa lấy nước,…
Đơn vị quản lý khi vận hành hệ thống kênh cần thống kê, cập nhật và kiểm tra kế hoạch dùng nước từ đầu năm (đầu vụ) trong phạm vi phụ trách của mỗi kênh, lập và quản lý các hợp đồng dùng nước.
9.2. Thành lập cơ sở dữ liệu
9.2.1. Tổng hợp các tài liệu thiết kế và thi công:
– Tờ trình nhiệm vụ thiết kế hệ thống kênh;
– Văn bản phê duyệt nhiệm vụ thiết kế hệ thống kênh;
– Bản đồ khu vực tưới tiêu của hệ thống, bố trí các cấp kênh và công trình trên kênh;
– Các tài liệu tính toán kỹ thuật, tài liệu địa chất, thủy văn nước ngầm trong hệ thống;
– Văn bản bàn giao vị trí cao độ các mốc cọc thủy chí, cao trình các mặt cắt mẫu;
– Văn bản nghiệm thu và bàn giao từng đoạn kênh và toàn bộ hệ thống kênh.
9.2.2. Xây dựng các văn bản, dữ liệu trong quản lý, khai thác:
– Hồ sơ tu bổ sửa chữa kênh, công trình trên kênh của từng năm;
– Các biên bản kiểm tra công trình, kênh hàng năm;
– Các sổ sách ghi chép, quan trắc thuộc về kênh và công trình trên kênh;
– Các văn bản tổng kết, báo cáo nghiên cứu khoa học thuộc về kênh;
– Lập sổ theo dõi, quản lý, vận hành kênh cho các tuyến kênh từ cấp II trở xuống;
– Các số liệu đo đạc, quan trắc các thông số kênh và công trình trên kênh sau mỗi kỳ kiểm tra, sửa chữa.
9.3. Quản lý cơ sở dữ liệu
9.3.1. Tất cả các hồ sơ thiết kế, thi công và quản lý phải sắp xếp theo từng loại có hệ thống, theo từng tuyến kênh.
9.3.2. Hồ sơ về công tác quản lý phải sắp xếp theo từng năm. Đơn vị quản lý phải phân công cán bộ theo dõi, cập nhật và bảo quản hồ sơ.
9.3.3. Hàng năm đơn vị quản lý phải sử dụng một phần kinh phí chi thường xuyên cho công tác khoa học để thực hiện nhiệm vụ cập nhật, điện tử hóa, số hóa hồ sơ tài liệu hệ thống kênh và công trình trên kênh nhằm tiến tới hiện đại hóa công tác quản lý khai thác và tránh thất thoát các tài liệu.
9.3.4. Đơn vị quản lý phải ban hành nội quy quản lý sử dụng các hồ sơ, tài liệu nói trên và sáu tháng phải một lần kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ.
Phụ lục A
(quy định)
Một số sơ đồ mẫu về tên gọi và ký hiệu các cấp kênh
Hình A1 – Sơ đồ ký hiệu hệ thống kênh tưới có một kênh chính
Hình A2 – Sơ đồ ký hiệu hệ thống kênh tưới có nhiều kênh chính
Hình A3 – Sơ đồ ký hiệu hệ thống kênh tiêu có một kênh chính
Hình A4 – Sơ đồ ký hiệu hệ thống kênh tiêu có hai hoặc nhiều kênh tiêu chính
Phụ lục B
(quy định)
Yêu cầu về bố trí thiết bị quan trắc
B.1. Bố trí mốc cơ bản
– Mốc cơ bản: nhằm xác định vị trí công trình trên thực địa, được bố trí trong quá trình khảo sát, thiết kế quy hoạch và xây dựng hệ thống kênh; phục vụ công tác thi công, quan trắc, theo dõi và vận hành kênh và công trình trên kênh; tọa độ của mốc cơ bản có thể là tương đối theo hệ tọa độ giả định hoặc tuyệt đối theo hệ tọa độ Quốc gia (VN2000);
– Trên mỗi hệ thống kênh phải bố trí từ 3 mốc cơ bản trở lên, ký hiệu các mốc cơ bản M1, M2, M3, M4 (hình B1);
– Vị trí mốc cơ bản và hồ sơ mốc cơ bản gồm các thông số kỹ thuật như cao độ, tọa độ phải được ghi rõ trên bản đồ, bình đồ quy hoạch, thiết kế hệ thống kênh.
B.2. Cọc quan trắc
– Cọc quan trắc là hệ thống cọc được xây dựng trên bờ kênh nhằm theo dõi, quan trắc chiều dài kênh;
– Cọc quan trắc được bố trí trên tất cả bờ kênh chính hoặc kênh nhánh có lưu lượng thiết kế QTK ³ 1 m3/s;
– Quy cách cọc quan trắc làm bằng bê tông, kích thước 12x12x60cm, chôn ở mép trong phía bờ phải kênh, đầu cọc để nhô lên mặt đất một đoạn 10cm có vạch sơn đỏ và đánh số cọc như hình B2 phụ lục này;
– Khoảng cách 2 cọc trên một bờ kênh tùy theo quy mô mỗi cấp kênh, nên lấy là một số chẵn 100m, 200m, 500m…;
– Đối với tuyến kênh cong, hay bờ kênh đi qua vùng đất xấu thì khoảng 2 cọc trên một bờ cần bố trí dày hơn và có thể lấy cách nhau 20m hoặc 50m;
– Cọc nằm trong phạm vi công trình đầu mối hay phục vụ quan trắc đặc biệt được bố trí theo quy định riêng;
B.3. Mặt cắt mẫu
– Mặt cắt mẫu là mặt cắt thể hiện kích thước thiết kế mặt cắt kênh được xây dựng nhằm theo dõi, quan trắc biến dạng mặt cắt kênh, hay bố trí các thiết bị quan trắc mực nước, lưu lượng qua kênh;
– Trên mỗi đoạn kênh có các yếu tố thủy lực không thay đổi thì cần phải xây một mặt cắt mẫu và bố trí ở giữa đoạn kênh; trường hợp các yếu tố thủy lực không thay đổi thì ít nhất cũng phải bố trí 500m một mặt cắt mẫu;
– Kết cấu mặt cắt mẫu đảm bảo ổn định trong quá trình quản lý, vận hành và quan trắc thủy lực kênh, mặt cắt mẫu nên xây dựng bằng gạch, đá hoặc bê tông. Mặt cắt mẫu nên bố trí có chiều dài từ 5m đến 10m. Có thể bố trí cầu công tác trên một số mặt cắt mẫu để tiến hành đo lưu lượng bằng máy đo lưu tốc phục vụ quan trắc định kỳ đánh giá tổn thất và hiệu ích kênh.
B.4. Cột kilômét (km)
– Cột kilômét làm bằng bê tông, trên cột ghi cấp kênh và chữ số kilômét (ví dụ KC Km 25 có nghĩa là kênh chính tại kilomet thứ 25) dùng để kiểm tra và quản lý kênh;
– Bố trí cột kilômét trên bờ kênh chính, bờ kênh nhánh cấp I có lưu lượng thiết kế QTK ³ 3m3/s. Kích thước cột 10x30x70cm (hình B3, phụ lục này);
– Cột Km trên bờ kênh nhánh cấp I có QTK <>3/s kích thước 12x12x50cm (hình B4, phụ lục này);
– Cột được chôn sâu xuống một đoạn 30cm tại mép ngoài của bờ kênh làm đường giao thông, hay bờ phải kênh không dùng làm đường giao thông (bờ phải nhìn xuôi theo chiều dòng nước chảy).
Hình B1 – Cấu tạo và bố trí mốc cơ bản
Hình B2 – Cọc quan trắc
Hình B3 – Cột km trên bờ kênh chính và kênh nhánh cấp I có lưu lượng thiết kế QTK ³ 3m3/s
Hình B4 – Cột km trên bờ kênh nhánh cấp I có lưu lượng thiết kế QTK <>3/s
Hình B5 – Kênh ven đồi – Phạm vi bảo vệ kênh ven đồi
PHỤ LỤC C
(tham khảo)
Tốc độ không xói cho phép của kênh
Đơn vị tính bằng m/s
Vật liệu đáy kênh |
Lưu lượng của kênh |
||
Nhỏ hơn 1m3/s |
Từ 1 đến 10 m3/s |
Lớn hơn 10 m3/s |
|
– Đá trầm tích mềm (phiến thạch, diệp thạch, đá sỏi mềm) |
2,50 |
3,00 |
3,50 |
– Đá trầm tích vừa (đá sỏi chặt, đá vôi xốp, đá vôi thành tảng, đá vôi bạch vân, sa thạch vôi) |
3,50 |
4,25 |
5,00 |
– Đá trầm tích kết chặt (sa thạch, bạch vân, đá vôi chặt, silic) |
5,00 |
6,00 |
7,00 |
– Đá kết tinh, đá phún xuất |
8,00 |
9,00 |
10,00 |
– Lát một lớp đá hộc |
2,50 |
3,50 |
4,00 |
– Lát 2 lớp đá hộc |
3,50 |
4,50 |
5,00 |
– Rọ đá |
|
5,00 |
6,00 |
– Tấm lát bê tông |
6,00 |
8,00 |
10,00 |
PHỤ LỤC D
(quy định)
Một số nội dung quy định trong nội quy bảo vệ kênh
D.1. Bảo vệ bờ kênh và hành lang an toàn của kênh
D.1.1. Cấm sử dụng phương tiện giao thông cơ giới quá tải qua kênh gây mất an toàn, neo đậu tàu thuyền gây sạt lở trong phạm vi bảo vệ kênh; trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
D.1.2. Hạn chế trồng cây có rễ dài trong phạm vi bảo vệ kênh và của công trình, không được trồng cây lâu năm thuộc loại dễ ăn sâu trên 1m.
D.1.3. Cấm tự xẻ kênh, xây cống mới, nâng hạ cống cũ, đắp bờ trên kênh, đặt trạm bơm dọc kênh, bắc cầu qua kênh, xây bến tắm giặt, bến vận chuyển trên bờ kênh khi chưa được cấp phép xây dựng.
D.1.4. Cấm cuốc phá bờ kênh, đào ao, đào giếng, cuốc cỏ, đào nhổ cỏ trên bờ kênh, cấm chăn dắt, thả trâu bò hoặc các súc vật khác trên bờ kênh, mái kênh, lòng kênh và lội qua kênh ngoài những chỗ quy định.
D.1.5. Cấm dùng bờ kênh, cơ kênh không rải đá, tráng nhựa hay đổ bê tông làm đường giao thông cho các loại các phương tiện vận tải khi chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
D.1.6. Không được sử dụng lòng kênh, mặt nước trên kênh để thả bèo, nuôi cá, chăn thả ngan vịt làm ảnh hưởng tới chuyển tải nước bình thường của kênh khi chưa được phép của đơn vị quản lý khai thác công trình.
D.2. Bảo vệ công trình trên kênh và thiết bị quản lý kênh
D.2.1. Cấm phá hủy, tự ý lấy đi hoặc xê dịch các thiết bị quan trắc và bảo vệ kênh như: mốc, cọc, cột kilômét, cột điện, biển báo, thủy chí, công trình đo nước,…
D.2.2. Cấm neo buộc thuyền bè hoặc các phương tiện giao thông thủy bộ khác vào công trình và trang thiết bị quan trắc và bảo vệ kênh.
D.2.3. Cấm tự ý sử dụng các trang thiết bị quan trắc và quản lý khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị quản lý.
D.2.4. Cấm tự ý mắc vào đường dây với các mục đích khác vào đường dây điện thoại, đường dây truyền dẫn thông tin quản lý chuyên dùng của tổ chức quản lý khai thác kênh.
D.2.5. Việc dùng thuốc nổ trong phạm vi bảo vệ kênh phải được cấp có thẩm quyền giải quyết cáp giấy phép
D.3. Bảo vệ lòng kênh và nguồn nước trên kênh
D.3.1. Cấm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước của kênh như: thải chất độc hại, rác, xác súc vật chết, chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật; nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp hay khu công nghiệp, nước thải từ các khu sản xuất, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, khu kinh doanh (các loại nước thải nêu trên chưa được xử lý hoặc đã được xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn cho phép) vào kênh.
D.3.2. Cấm lấn chiếm, sử dụng trái phép mặt nước kênh khác vào mục đích của tổ chức, cá nhân trái với mục tiêu phục vụ công cộng của kênh.
D.3.3. Cấm các hành vi gây trở ngại: làm cản trở dòng chảy và giảm khả năng thoát nước của kênh (đổ đất, đá, rác, phế thải gây bồi lắng lòng kênh).
D.3.4. Cấm đổ các vật bẩn, nước thải chưa qua xử lý vào lòng kênh, mái kênh, bờ kênh và trong phạm vi bảo vệ kênh, làm ô nhiễm nước trong kênh.
D.3.5. Cấm tăng gia sản xuất, trồng cây trên bờ kênh, lòng kênh. Cấm thả tre, nứa, gỗ hoặc các vật liệu khác ngâm trong lòng kênh làm cản trở dòng chảy.
D.3.6. Cấm tự ý đặt đăng, đó hoặc các phương tiện nuôi cá, bắt cá làm cản trở dòng chảy.
D.3.7. Cấm dùng thuốc nổ đánh cá, bắt cá trong phạm vi an toàn của kênh.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] TCVN 8302:2009 Quy hoạch phát triển thủy lợi – Quy định chủ yếu về thiết kế
[2] TCVN 8226:2009 Công trình thủy lợi – Kênh đất – Yêu cầu kỹ thuật trong thi công và nghiệm thu
[3] TCVN 8304:2009 Công tác thủy văn trong hệ thống thủy lợi
[4] TCVN 8367:2009 Hệ thống công trình thủy lợi – Mạng lưới lấy mẫu chất lượng nước
[5] TCVN 8213:2009 Tính toán và đánh giá hiệu quả kinh tế dự án thủy lợi phục vụ tưới tiêu
[6] TCVN 8223:2009 Công trình thủy lợi – Các quy định chủ yếu về đo địa hình, xác định tim kênh và công trình trên kênh
[7] TCVN 8226:2009 Công trình thủy lợi – Các quy định chủ yếu về khảo sát mặt cắt và bình đồ địa hình các tỷ lệ 1/200 đến 1/5000
[8] TCVN 285:2002 Quy định về thiết kế các công trình thủy lợi
[9] TCVN 4118-85 Hệ thống tưới – Tiêu chuẩn thiết kế
[10] 14TCN-131-2002 Trang thiết bị quản lý trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu
MỤC LỤC
Lời nói đầu ……………………………………………………………………………………………………………
1. Phạm vi áp dụng …………………………………………………………………………………………………
2. Thuật ngữ và Định nghĩa ……………………………………………………………………………………….
3. Quy định chung …………………………………………………………………………………………………..
4. Khai thác hệ thống kênh ……………………………………………………………………………………….
5. Quan trắc biến dạng kênh và công trình trên kênh ………………………………………………………
6. Công tác kiểm tra, theo dõi hoạt động của hệ thống kênh ……………………………………………
7. Công tác bảo dưỡng và tu sửa hệ thống kênh ………………………………………………………….
8. Bảo vệ hệ thống kênh ………………………………………………………………………………………….
9. Cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác hệ thống kênh ……………………………………………..
Phụ lục A Một số sơ đồ mẫu về tên gọi và ký hiệu các cấp kênh ……………………………………..
Phụ lục B Yêu cầu về bố trí thiết bị quan trắc ……………………………………………………………….
Phụ lục C Tốc độ không xói cho phép của kênh ……………………………………………………………
Phụ lục D Một số nội dung quy định trong nội quy bảo vệ kênh ……………………………………….
Thư mục tài liệu tham khảo ……………………………………………………………………………………….