Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3121-2:2003 về vữa xây dựng – phương pháp thử – phần 2: lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 3121-2:2003
VỮA XÂY DỰNG – PHƯƠNG PHÁP THỬ
PHẦN 2: LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU THỬ
Mortar for masonry – Test methods
Part 2: Sampling and preparation of sample
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này qui định phương pháp lấy mẫu và chuẩn bị mẫu vữa tươi và vữa khô trộn sẵn.
2. Định nghĩa
Các thuật ngữ sử dụng trong tiêu chuẩn này được định nghĩa như sau:
2.1 Lô (lot): Lượng vữa được sản xuất trong điều kiện được coi là đồng nhất. Sau khi thử nghiệm, lượng vữa này được đánh giá là “phù hợp” hay “không phù hợp”.
2.2 Mẫu đơn (increment): Lượng vữa được lấy bằng mỗi thao tác có sử dụng thiết bị lấy mẫu.
2.3 Mẫu cục bộ (spot sample): Mẫu được lấy tại một thời điểm và từ một vị trí. Mẫu cục bộ có thể được tạo nên từ các mẫu đơn liên tiếp.
2.4 Mẫu gộp (bulk sample): Tập hợp của các mẫu đơn nhằm đại diện cho lô lấy mẫu.
2.5 Mẫu thử (test sample): Mẫu rút gọn từ mẫu gộp dùng cho các phép thử nghiệm.
3. Thiết bị, dụng cụ
– môi, thìa xúc bằng thép hoặc nhựa cứng, dung tích không nhỏ hơn 1 lít;
– một số thùng chứa khô, sạch có nắp đậy kín
– bay và dao nề;
– xẻng;
– cân kỹ thuật, chính xác đến 1gam;
– máy trộn (nếu có).
4. Lấy mẫu
4.1 Lấy mẫu tại hiện trường
4.1.1 Vữa tươi
a) Vữa tươi sản xuất ở trạm trộn: Dùng dụng cụ thích hợp ở điều 3, lấy 3 mẫu cục bộ ở lúc bắt
đầu, giữa và cuối của quá trình đổ vữa ra khỏi thùng trộn.
b) Vữa tươi trên phương tiện vận chuyển: Dùng dụng cụ thích hợp ở điều 3, lấy 3 mẫu cục bộ ở 3 vị trí có độ sâu khác nhau trên phương tiện vận chuyển.
c) Vữa tươi trộn tại công trường. Dùng dụng cụ thích hợp ở điều 3, lấy 3 mẫu cục bộ ở 3 vị trí khác nhau trong 1 mẻ trộn.
4.1.2 Vữa khô trộn sẵn
Dùng dụng cụ thích hợp ở điều 3, lấy 3 mẫu cục bộ ở 3 bao chứa khác nhau sao cho mẫu đại diện cho toàn bộ lô.
4.2 Mẫu gộp
Khối lượng các mẫu đơn được lấy sao cho mẫu gộp từ các mẫu đơn đó có thể tích/khối lượng không nhỏ hơn 20 lít (với vữa tươi) hoặc 15kg (với vữa khô).
Các mẫu gộp từ vữa khô trộn sẵn được chứa trong bao cách ẩm, các mẫu gộp từ vữa tươi được đựng trong các vật chứa không thấm nước đã được lau khô. Các vật chứa đảm bảo được đậy hoặc buộc kín. Các mẫu vữa ngay sau khi lấy tại công trường được đưa về phòng thí nghiệm để thử các chỉ tiêu cần kiểm tra.
5. Chuẩn bị mẫu thử
5.1 Vữa tươi
Mẫu gộp vữa tươi phải được trộn lại khoảng 30 giây trong chảo đã lau bằng khăn ẩm. Rút gọn mẫu theo phương pháp chia tư sao cho khối lượng mẫu để thử mỗi tiêu phải lớn hơn 1,5 lần lượng vữa cần thiết cho thử nghiệm từng chỉ tiêu.
5.2 Vữa khô trộn sẵn
Mẫu gộp vữa khô được nhào trộn với nước sao cho vữa tươi đạt giá trị độ lưu động (độ dẻo) theo quy định ở bảng 1. Việc trộn vữa được thực hiện bằng máy hoặc bằng tay, toàn bộ thời gian trộn khoảng 3 phút.
Bảng 1 – Giá trị độ lưu động tương ứng các loại vữa
Loại vữa |
Độ lưu động, mm |
||
vữa xây |
vữa hoàn thiện |
||
thô |
mịn |
||
– Vữa thường – Vữa nhẹ |
165–195 145–175 |
175–205 155–185 |
175-205 155-185 |
5.3 Vật liệu để kiểm tra thành phần cấp phối được lấy theo điều 4.1.2 phải để trong các vật chứa riêng rẽ, chất kết dính phải được chứa trong các bao cách ẩm hoặc bình đậy kín. Để chuẩn bị vữa tươi trong phòng thí nghiệm, các vật liệu phải được cân chính xác đến 1 gam. Các vật liệu sau khi cân được trộn khô đến khi đồng nhất, sau đó cho nước vào và trộn ướt 3 phút nữa. Điều chỉnh lượng nước trộn sao cho vữa tươi đạt độ lưu động theo quy định ở bảng 1.
6. Bao gói, ghi nhãn mẫu thử
Mẫu thử phải được chứa trong các thùng kín, có nhãn nhận biết với các thông tin sau:
– tên và địa chỉ của tổ chức/cá nhân lấy mẫu;
– tên và địa chỉ khác hàng;
– địa điểm, thời gian và cách tạo mẫu gộp;
– phương pháp và thời gian trộn (tay/máy);
– dấu nhận biết trên thùng chứa mẫu;
– số hiệu của tiêu chuẩn này;
– các dấu hiệu khác nếu cần.