Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12593:2018 (ISO/TR 21102:2013) về Du lịch mạo hiểm – Người hướng dẫn – Năng lực cá nhân
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12593:2018
ISO/TR 21102:2013
DU LỊCH MẠO HIỂM – NGƯỜI HƯỚNG DẪN – NĂNG LỰC CÁ NHÂN
Adventure tourism – Leaders – Personnel Competence
Lời nói đầu
TCVN 12593:2018 hoàn toàn tương đương với ISO/TR 21102:2013
TCVN 12593:2018 do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch biên soạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
0.1 Du lịch mạo hiểm
Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù, ngày càng phát triển và dần có vị thế quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Dù được tổ chức dưới hình thức là hoạt động thương mại hay phi lợi nhuận hay từ thiện, các hoạt động du lịch mạo hiểm đều có yếu tố thử thách và rủi ro. Để có thể tối đa hóa những lợi ích mang lại, các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm cần phải vận hành một cách an toàn nhất có thể.
TCVN 12592:2018 (ISO 21101:2014), TCVN 12593:2018 (ISO/TR 21102:2013) và TCVN 12594:2018 (ISO 21103:2014) đưa ra những hướng dẫn cơ bản trong hoạt động du lịch mạo hiểm để lập kế hoạch, trao đổi thông tin và tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm một cách an toàn.
Việc áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn quốc gia này sẽ giúp cho khách du lịch có sự lựa chọn tốt nhất về các hoạt động và nhà cung cấp.
0.2 Các tiêu chuẩn du lịch mạo hiểm
Mục đích của các tiêu chuẩn về du lịch mạo hiểm là đưa ra các yêu cầu tối thiểu cho hệ thống quản lý an toàn và trao đổi thông tin với người tham gia. Các tiêu chuẩn này là độc lập vì chúng áp dụng cho chủ thể khác nhau của du lịch mạo hiểm.
– TCVN 12592:2018 (ISO 21101:2014) quy định các yêu cầu cơ bản về đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch mạo hiểm của nhà cung cấp;
– TCVN 12594:2018 (ISO 21103:2014) quy định các thông tin tối thiểu cần được trao đổi với những người tham gia và những khách hàng tiềm năng trước, trong và sau khi tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm để bảo đảm an toàn.
– Tiêu chuẩn này đưa ra các năng lực tối thiểu của những người hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm.
0.3 Mục đích của tiêu chuẩn này
Năng lực của người hướng dẫn để tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm và chịu trách nhiệm cho những người tham gia là một yếu tố quan trọng để đảm bảo các hoạt động du lịch mạo hiểm được tổ chức một cách an toàn. Năng lực cá nhân của người hướng dẫn không chỉ là các kỹ năng mà còn bao gồm kiến thức và thái độ.
Các hoạt động du lịch mạo hiểm khác nhau (chèo thuyền, leo núi, đổ thác, và các hoạt động khác) yêu cầu phải có các dạng năng lực khác nhau. Tuy nhiên, có những năng lực chung cho tất cả các hoạt động du lịch mạo hiểm. Những năng lực chung này (và những kết quả dự kiến tương ứng) là trọng tâm của tiêu chuẩn này.
Người hướng dẫn có thẩm quyền trong các hoạt động du lịch mạo hiểm được gợi ý khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn này để tham khảo.
DU LỊCH MẠO HIỂM – NGƯỜI HƯỚNG DẪN – NĂNG LỰC CÁ NHÂN
Adventure tourism – Leaders – Personnel Competence
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này chỉ ra những năng lực cần thiết và các kết quả cần đạt được liên quan đến năng lực của những người hướng dẫn cho tất cả các loại hoạt động du lịch mạo hiểm.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các huấn luyện viên hoạt động du lịch mạo hiểm dưới nước vì hoạt động này có các tiêu chuẩn cụ thể khác.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa dưới đây.
2.1
Năng lực (competence)
Khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng để đạt được các kết quả mong muốn (2.2).
2.2
Các kết quả mong muốn (expected results)
Các kết quả của hoạt động được thực hiện trong quá trình cung cấp dịch vụ.
CHÚ THÍCH: Các kết quả mong muốn có thể đề cập đến công việc, năng lực (2.1) hoặc một bộ năng lực.
2.3
Hoạt động du lịch mạo hiểm (adventure tourism activity)
Hoạt động mạo hiểm với mục đích du lịch mà cần có sự hướng dẫn hoặc dẫn dắt ở một mức độ nhất định và có mức độ rủi ro (2.10) trong giới hạn chấp nhận được.
CHÚ THÍCH 1: Mức độ rủi ro chấp nhận được nghĩa là người tham gia có sự hiểu biết và chấp nhận về các rủi ro có liên quan.
CHÚ THÍCH 2: Hoạt động du lịch mạo hiểm tại Việt Nam có thể bao gồm các hoạt động như bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi.
2.4
Người có đủ năng lực (competent person)
Người có năng lực (2.1) thực hiện các chức năng cụ thể.
2.5
Người hướng dẫn (leader)
Người có đủ năng lực (2.4) chịu trách nhiệm về con người, có khả năng tổ chức hướng dẫn và giám sát một hoạt động được giao.
CHÚ THÍCH: Hướng dẫn viên và huấn luyện viên trong hoạt động du lịch mạo hiểm đều được gọi là “người hướng dẫn”.
2.6
Người tham gia (participant)
Người tham gia vào một hoạt động du lịch mạo hiểm (2.3) nhưng không phải là thành viên của nhóm hướng dẫn.
CHÚ THÍCH 1: Người tham gia cũng có thể được hiểu là “khách hàng”, “du khách” hay tương tự.
CHÚ THÍCH 2: Một nhóm hướng dẫn có thể bao gồm một vài người hướng dẫn (2.5).
2.7
Các biện pháp dự phòng (contingency measures)
Hoạt động phòng ngừa hoặc khắc phục để ứng biến với một sự kiện làm thay đổi kế hoạch hành động đã được thống nhất.
2.8
Trường hợp khẩn cấp (emergency)
Tình huống nghiêm trọng đòi hỏi hành động ngay.
2.9
Sơ cứu (first aid)
Các thủ tục trong trường hợp khẩn cấp (2.8) nhằm duy trì các chức năng quan trọng của một người đang bị thương, rơi vào tình trạng vô thức hay sự đe dọa về tính mạng để không bị nghiêm trọng hơn cho đến khi họ nhận được sự hỗ trợ chuyên môn tiếp theo.
3 Vai trò của người hướng dẫn
Vai trò của người hướng dẫn, trong bất kể hoạt động du lịch mạo hiểm nào, thường bao gồm:
a) hỗ trợ người tham gia;
b) quản lý an toàn và chăm sóc người tham gia và nhóm hướng dẫn theo hệ thống quản lý an toàn của đơn vị vận hành, bao gồm cung cấp thông tin thích hợp, hướng dẫn, đào tạo và kiểm tra, giám sát;
c) thực thi các quy trình khẩn cấp;
d) chia sẻ thông tin chính xác, cập nhật.
4 Các kết quả mong muốn
4.1 Sự tuân thủ
Tuân thủ pháp luật và các yêu cầu quy định khác – bao gồm, nhưng không giới hạn ở việc đảm nhận các trách nhiệm thích hợp và đáp ứng các yêu cầu về yêu cầu quy định của (các) khu vực trong đó người hướng dẫn hoạt động.
4.2 Dẫn dắt nhóm
Thông thường vai trò của người hướng dẫn bao gồm:
a) Sử dụng các kỹ năng trước hoặc trong khi thực hiện hoạt động du lịch mạo hiểm để quyết định những thay đổi về chương trình, bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
1) phân tích tình hình và thay đổi hoặc hủy bỏ hoạt động do các nguy cơ, rủi ro và các tình huống không lường trước;
2) áp dụng các biện pháp phòng ngừa;
3) tận dụng các hiện tượng tự nhiên hữu ích để dự báo thời tiết;
4) quyết định các lộ trình hoặc các hoạt động thay thế sau khi được kiểm tra để thích ứng với những thay đổi về thời tiết, điều kiện hoạt động tại địa phương hoặc khả năng và nhu cầu của người tham gia.
b) Chăm sóc và chú ý đặc biệt tới việc dẫn dắt cả nhóm một cách an toàn tại lộ trình theo hoạch định hoặc không theo hoạch định, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
1) giới thiệu chương trình hoạt động và đưa ra tóm tắt về thủ tục an toàn;
2) tổ chức, kiểm soát và hỗ trợ việc hòa nhập giữa các thành viên trong nhóm;
3) điều chỉnh chương trình để đáp ứng nhu cầu của các nhóm khác nhau;
4) thiết lập các giới hạn liên quan đến hành vi của nhóm và người tham gia;
5) giải quyết xung đột;
6) xử lý các tình huống bất lợi hoặc bất thường và xác định các nguy cơ rủi ro cao tiềm ẩn bằng việc đánh giá liên tục;
7) chuẩn bị quần áo và các trang thiết bị cần thiết;
8) đánh giá trình độ năng lực của người tham gia và mức độ căng thẳng.
4.3 Năng lực kỹ thuật
Năng lực kỹ thuật của người hướng dẫn cần bao gồm, nhưng không giới hạn ở việc:
a) áp dụng các kỹ năng kỹ thuật như định vị và định hướng;
b) kiểm tra việc sử dụng thiết bị phù hợp với các phương pháp thực hành mẫu đã có, hay theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
1) sắp xếp và bảo quản thiết bị trong tình trạng có thể phục vụ;
2) theo dõi các dấu hiệu bị hao mòn hoặc khiếm khuyết;
3) tư vấn cho người tham gia về sự phù hợp và cách sử dụng đúng quần áo và trang thiết bị cho hoạt động; theo dõi những người tham gia để đảm bảo thiết bị được sử dụng đúng cách;
4) kiến thức về thiết bị và khả năng sửa chữa cơ bản.
c) hướng dẫn người tham gia các kỹ thuật tối thiểu cần thiết để thực hiện hoạt động – bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
1) sử dụng các kỹ thuật diễn giải liên quan đến các hoạt động sẽ được thực hiện;
2) phát triển năng lực cá nhân;
3) tạo ra một môi trường khuyến khích tìm hiểu;
4) sử dụng ngôn ngữ để người tham gia hiểu và kiểm tra khả năng hiểu của người tham gia;
5) thông tin chính xác và đầy đủ;
6) mô tả các quy trình khi gặp tình huống khẩn cấp;
7) thông báo về các tác động xã hội và môi trường tối thiểu có liên quan;
8) cách thức sử dụng thiết bị.
4.4 Quản lý rủi ro
Vai trò của người hướng dẫn trong quản lý rủi ro thường bao gồm:
a) đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của người tham gia thông qua việc giám sát, đánh giá liên tục và khi cần thiết có hành động thích hợp trong quá trình hoạt động – bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
1) quản lý các nguy cơ và rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự an toàn về thể chất và tinh thần của người tham gia;
2) đánh giá các yếu tố có thể góp phần gây ra rủi ro;
3) khuyến khích các mối quan hệ tích cực và làm việc theo nhóm giữa các thành viên trong nhóm;
4) khuyến khích và tôn trọng sự an toàn về mặt thể chất và tinh thần của người tham gia;
5) quan sát những dấu hiệu của sự mệt mỏi về thể chất và tinh thần và cảm giác đau đớn;
6) giới thiệu thức ăn và quần áo phù hợp cho hoạt động và đảm bảo cung cấp đầy đủ trong trường hợp khẩn cấp;
7) đảm bảo rằng những người tham gia được thông báo và hiểu được biện pháp khẩn cấp;
8) truyền đạt về các hành vi thích hợp và không thích hợp;
9) can thiệp khi hành vi không thích hợp xảy ra;
10) không tự đưa bản thân hoặc những người hướng dẫn khác vào các rủi ro không cần thiết;
11) đảm bảo hoạt động theo các quy trình vận hành của tổ chức.
4.5 Ứng phó với sự cố và tình trạng khẩn cấp
Vai trò của người hướng dẫn trong việc ứng phó các sự cố và tình trạng khẩn cấp thường bao gồm:
a) quản lý các tình huống khẩn cấp – bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
1) đánh giá các tình huống khẩn cấp và tổ chức di tản hoặc cứu hộ, nếu cần thiết;
2) kiểm soát các nhóm;
3) thực hiện cuộc gọi và liên lạc với các đơn vị cứu hộ/cấp cứu, các nguồn lực hoặc các hỗ trợ khác;
4) đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia trong các tình huống bất lợi để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác hại;
5) tham khảo danh mục kiểm tra tình trạng khẩn cấp.
b) áp dụng sơ cứu – bao gồm nhưng không giới hạn ở việc:
1) áp dụng sơ cứu trong phạm vi kinh nghiệm và kỹ năng được đào tạo;
2) áp dụng sơ cứu một cách thích hợp và theo quy định cho từng tình huống.
4.6 Hành xử chuyên nghiệp và có đạo đức
a) ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác động môi trường và xã hội phát sinh từ các hoạt động du lịch mạo hiểm – bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
1) áp dụng biện pháp để giảm tác động tiêu cực đến mức tối thiểu;
2) truyền đạt và định hướng cho nhóm về tầm quan trọng của việc bảo tồn và tôn trọng môi trường cho cộng đồng địa phương;
3) can thiệp vào các hoạt động nhóm khi những hoạt động này có hại cho môi trường hoặc cho cộng đồng địa phương;
4) thúc đẩy các hoạt động bảo tồn trong hoạt động du lịch mạo hiểm;
5) tôn trọng và tuân thủ các quy tắc thăm viếng trong khu vực địa lý của hoạt động;
6) đảm bảo sự hài lòng của người tham gia – bao gồm, nhưng không giới hạn trong việc thông tin cho người tham gia về các đặc điểm chung của hoạt động trước khi bắt đầu;
7) giữ cho người tham gia nhiệt tình và quan tâm đến chương trình;
8) thông tin cho người tham gia về các khía cạnh cụ thể trong quá trình hoạt động;
9) nhận thức được nhu cầu cá nhân và cung cấp sự hỗ trợ theo nhu cầu;
10) tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị và giải đáp hợp lý;
11) giải quyết các vấn đề và thống nhất giữa các quyền lợi khác nhau.
b) chăm sóc bản thân một cách chuyên nghiệp – bao gồm, nhưng không giới hạn ở:
1) chăm sóc vệ sinh, ngoại hình, thể trạng và tinh thần;
2) thiết lập các giới hạn để phát triển mối quan hệ chuyên nghiệp hiệu quả với những người tham gia trong suốt hoạt động và tránh mọi hành vi không thích hợp;
3) giải quyết những tình huống lúng túng;
4) sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt phù hợp;
5) duy trì tiêu chuẩn đạo đức và chuyên nghiệp cao.
5 Năng lực cần thiết
5.1 Khái quát
Năng lực cần thiết để đạt được các kết quả kỳ vọng nêu trên sẽ được đánh giá thông qua kiến thức, kỹ năng và thái độ được nêu trong các điều từ 5.2 đến 5.4.
CHÚ THÍCH: Có thể yêu cầu trình độ cụ thể đối với một số hoạt động du lịch mạo hiểm.
5.2 Kiến thức
Người hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm cần có những kiến thức sau:
a) diễn giải dấu hiệu thời tiết, điều kiện khí quyển hoặc môi trường;
b) các kỹ thuật định vị và định hướng khi thích hợp (như cách diễn giải cơ bản các bản đồ địa hình, bản đồ – chú thích, biểu tượng, quy mô, đường cong mức độ, sử dụng la bàn và định hướng thông qua các dấu hiệu tự nhiên);
c) kỹ thuật quản lý nhóm, gắn kết và chiến lược giải quyết mâu thuẫn;
d) chiến lược truyền thông và hướng dẫn;
e) các yêu cầu cơ bản về an toàn trong hoạt động du lịch mạo hiểm;
f) các yếu tố góp phần gây ra tai nạn;
g) các nguy cơ và rủi ro phổ biến/thông thường về môi trường;
h) các tình huống và quy trình khẩn cấp nói chung;
i) quy trình sơ cứu;
j) luật pháp về bảo vệ môi trường và bảo tồn tại địa phương;
k) thông tin về môi trường và cộng đồng địa phương cụ thể đối với địa điểm hoạt động du lịch mạo hiểm;
l) kỹ thuật để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;
m) các quy tắc cơ bản về giáo dục và các kỹ năng xã hội, và chăm sóc vệ sinh cá nhân;
n) yêu cầu pháp lý và theo luật định.
5.3 Kỹ năng
Người hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm cần có các kỹ năng sau:
a) thu hút sự quan tâm của người tham gia và tạo động lực trong hoạt động, thể hiện trong giao tiếp bằng lời nói;
b) có khả năng diễn đạt và hiểu ngôn ngữ của người tham gia hoặc một ngôn ngữ đã thỏa thuận với những người tham gia;
c) hướng dẫn rõ ràng để đảm bảo người tham gia hiểu về các kỹ thuật cần thiết;
d) có năng lực thể chất, tinh thần và có sức khỏe để hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch;
e) áp dụng kỹ năng lãnh đạo thích hợp để hướng dẫn người khác một cách an toàn trong hoạt động du lịch mạo hiểm;
f) có thể lập luận logic hợp lý cần thiết, ví dụ: mô tả bằng lời một quy trình trong một chuỗi các bước tuần tự;
g) khả năng ra quyết định, ví dụ: trong trường hợp xảy ra khẩn cấp;
h) năng lực hoạch định, ví dụ: thiết lập một chuỗi logic các bước để đạt được một kết quả cụ thể;
i) kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản (kể cả hồi sức cấp cứu và các kỹ thuật điều trị chấn thương);
j) khả năng sử dụng thiết bị khẩn cấp, bao gồm cả các phương tiện liên lạc.
5.4 Thái độ hoặc phẩm chất
Người hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm cần có thái độ hoặc phẩm chất sau đây, nhưng không giới hạn ở:
a) khả năng diễn giải thuyết phục nghĩa là thuyết phục người khác khi cần;
b) khả năng thực hiện và duy trì kiểm soát, khi hướng dẫn, tổ chức, giám sát mọi người;
c) có thể gây dựng lòng tin trong mọi người nghĩa là dễ dàng thiết lập mối quan hệ, biết cách hành động và phát ngôn để làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, thể hiện hành vi khích lệ và ủng hộ;
d) biết lắng nghe nghĩa là để ra quyết định, khuyến khích mọi người bày tỏ ý kiến và tham khảo, lắng nghe và xem xét ý kiến của mình;
e) thông cảm và khoan dung nghĩa là biết làm thế nào để xử lý những khác biệt về quan điểm, tính cách để đảm bảo sự đoàn kết;
f) có thể chủ động lập kế hoạch (trong ngắn hạn) nghĩa là lập kế hoạch để đánh giá các mục tiêu, xu hướng dự án và để phát triển các dự án;
g) lạc quan nghĩa là có cái nhìn tích cực khi đối mặt với các trường hợp không lường trước;
h) linh hoạt nghĩa là dễ dàng điều chỉnh với các tình huống khác nhau;
i) có ý thức nghĩa là biết và có khả năng hiểu được các tình huống và có thể phân tích các hành vi như ngôn ngữ cơ thể.
6 Duy trì và nâng cao năng lực
6.1 Liên tục nâng cao trình độ chuyên môn
Người hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm cần liên tục nâng cao trình độ chuyên môn
Việc liên tục nâng cao trình độ chuyên môn liên quan đến sự duy trì và nâng cao năng lực. Điều này có thể đạt được bằng các phương thức như trau dồi kinh nghiệm chuyên môn, tự nghiên cứu, đào tạo theo định hướng, tham gia vào các cuộc nhóm họp, hội nghị, hội thảo, các lớp học, khóa học mới, hoặc các hoạt động liên quan khác.
Các hoạt động phát triển chuyên môn cần tính đến những thay đổi về:
a) nhu cầu của cá nhân;
b) nhu cầu của tổ chức;
c) kỹ thuật, công nghệ, thiết bị và thực hành của hoạt động du lịch mạo hiểm;
d) thực tiễn về mối quan hệ với người tham gia;
e) các quy tắc và luật pháp.
6.2 Duy trì năng lực
Người hướng dẫn cần duy trì và chứng minh năng lực tối thiểu thông qua việc tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch mạo hiểm (có thể lưu trữ bằng văn bản) và luôn cập nhật giấy phép hoặc chức danh.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 12592, (ISO 21101), Du lịch mạo hiểm-Hệ thống quản lý an toàn – Các yêu cầu.
[2] TCVN 12594, (ISO 21103), Du lịch mạo hiểm – Thông tin cho người tham gia.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1 Phạm vi áp dụng
2 Thuật ngữ và định nghĩa
3 Vai trò của người hướng dẫn
4 Các kết quả mong muốn
4.1 Sự tuân thủ
4.2 Dẫn dắt nhóm
4.3 Năng lực kỹ thuật
4.4 Quản lý rủi ro
4.5 Ứng phó với sự cố và tình trạng khẩn cấp
4.6 Hành xử chuyên nghiệp và có đạo đức
5 Năng lực cần thiết
5.1 Khái quát
5.2 Kiến thức
5.3 Kỹ năng
5.4 Thái độ hoặc phẩm chất
6 Duy trì và nâng cao năng lực
6.1 Liên tục nâng cao trình độ chuyên môn
6.2 Duy trì năng lực
Thư mục tài liệu tham khảo