Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN6844:2001

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN6844:2001
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Lĩnh vực khác
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...
  • Số công báo: Còn hiệu lực

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6844:2001 (ISO/IEC GUIDE 51:1999) về Hướng dẫn việc đề cập khía cạnh an toàn trong tiêu chuẩn


TCVN 6844:2001

ISO/IEC GUIDE 51:1999

HƯỚNG DẪN VIỆC ĐỀ CẬP KHÍA CẠNH AN TOÀN TRONG TIÊU CHUẨN

Guide for the inclusion of safety aspects in standards

 

Lời nói đầu

TCVN 6844:2001 tương đương với ISO/IEC 51:1999 với những thay đổi biên tập cho phép.

TCVN 6844:2001 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC 01 “Các vấn đề chung về tiêu chuẩn hóa” biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành.

Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

 

HƯỚNG DẪN VIỆC ĐỀ CẬP KHÍA CẠNH AN TOÀN TRONG TIÊU CHUẨN

Guide for the inclusion of safety aspects in standards

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này hướng dẫn cho người biên soạn tiêu chuẩn về việc đề cập các khía cạnh an toàn trong tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho mọi khía cạnh an toàn liên quan đến con người, tài sản hoặc môi trường, hoặc kết hợp một hay nhiều yếu tố này (ví dụ: con người; con người và tài sản; con người, tài sản và môi trường).

Tiêu chuẩn này nhằm mục đích giảm thiểu những rủi ro phát sinh trong khi sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ. Chu trình sống hoàn chỉnh của sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ, bao gồm cả việc sử dụng đúng dự định sử dụng sai dự đoán được cần được xem xét.

CHÚ THÍCH 1 Chất lượng không đồng nghĩa với an toàn và do vậy những vai trò về chất lượng và an toàn không được nhầm lẫn. Tuy nhiên cần xem xét đến các khía cạnh chất lượng trong tiêu chuẩn để đảm bảo đáp ứng các khía cạnh an toàn.

CHÚ THÍCH 2 Thuật ngữ “tiêu chuẩn” sử dụng trong tiêu chuẩn này bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế, quy định kỹ thuật, quy định phổ cập rộng rãi và các hướng dẫn.

CHÚ THÍCH 3 Mặc dù tiêu chuẩn này chủ yếu dùng cho người biên soạn tiêu chuẩn, nhưng vẫn có thể sử dụng khi xem xét các khía cạnh an toàn.

CHÚ THÍCH 4 Tiêu chuẩn có thể đề cập riêng về các khía cạnh an toàn hoặc có thể bao hàm những điều khoản cụ thể về an toàn.

CHÚ THÍCH 5 Nếu không có quy định khác, thuật ngữ “ban kỹ thuật” sử dụng trong tiêu chuẩn này, bao hàm ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật và nhóm công tác.

CHÚ THÍCH 6 Trong tiêu chuẩn này, các thuật ngữ được định nghĩa trong điều 3 được in đậm

2. Tiêu chuẩn trích dẫn

ISO 3864:1984 Safety colours and safety signs (Màu sắc an toàn và dấu hiệu an toàn).

ISO 7000:1989 Graphical symbols for use on equipment – Index and synopsis (Ký hiệu bằng hình vẽ sử dụng trên thiết bị – Ký hiệu và giải thích).

ISO 7001:1990 Public information symbols (Ký hiệu đối với thông tin công cộng).

IEC 60417:1998 (all partst) (tất cả các phần) Graphical symbols for use on equipment (Ký hiệu bằng hình vẽ sử dụng trên thiết bị).

ISO/IEC Guide 14:1977 Product information for consumers (Thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng).

ISO/IEC Guide 37:1995 Instructions for use of products of consumer interest (Hướng dẫn sử dụng sản phẩm vì lợi ích của người tiêu dùng).

ISO Guide 41:1984 Standards for packaging – Consumer requirements (Tiêu chuẩn về bao gói – Yêu cầu của người tiêu dùng).

TCVN 6313:1997 (ISO/IEC Guide 50:1987) an toàn đối với trẻ em và các tiêu chuẩn – Hướng dẫn chung.

IEC Guide 104:1997 The preparation of safety publications and the use of basis safety publications and group safety publications (Biên soạn các tài liệu về an toàn và sử dụng tài liệu về an toàn cơ bản và nhóm tài liệu an toàn).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.

CHÚ THÍCH Trong các tài liệu khác, các định nghĩa hơi khác nhau có thể áp dụng cho cùng một thuật ngữ, nhưng khái niệm về nghĩa rộng thì như nhau.

3.1. An toàn (safety)

Không có những rủi ro không thể chấp nhận được.

CHÚ THÍCH Theo TCVN 6450:1998 (ISO/IEC Guide 2:1996), định nghĩa 2.5.

3.2. Rủi ro (risk)

Kết hợp khả năng xảy ra tổn hại với thiệt hại do tổn hại đó gây nên.

3.3. Tổn hại (harm)

Tổn thương đến cơ thể hoặc thiệt hại đến sức khỏe con người, hoặc thiệt hại về tài sản hoặc môi trường.

3.4. Tình huống tổn hại (harmful event)

Sự kiện trong đó có tình trạng nguy hại gây ra tổn hại

3.5. Nguy hại (hazard)

nguồn gây tổn hại tiềm ẩn

CHÚ THÍCH Thuật ngữ mối nguy hại có thể phân cấp nhằm xác định nguồn gốc hoặc bản chất của tổn hại được dự đoán (ví dụ như nguy hại điện giật, nguy hại đâm xuyên, nguy hại gây cắt, nguy hại độc, nguy hại cháy, nguy hại gây chết đuối)

3.6. Tình trạng nguy hại (hazardous situation)

Tình huống mà ở đó con người, tài sản hoặc môi trường chịu một hoặc nhiều nguy hại

3.7. Rủi ro có thể chấp nhận (tolerable risk)

Rủi ro chấp nhận được trong hoàn cảnh nhất định dựa trên giá trị hiện tại của xã hội.

CHÚ THÍCH Xem 5.3

3.8. Biện pháp bảo vệ (protective measure) Cách thức dùng để giảm rủi ro

CHÚ THÍCH Các biện pháp bảo vệ bao gồm việc giảm rủi ro nhờ thiết kế an toàn, các thiết bị bảo vệ, trang bị bảo vệ cá nhân, thông tin về lắp đặt và sử dụng và đào tạo.

3.9. Rủi ro tồn dư (residual risk)

Rủi ro còn lại sau khi đã áp dụng các biện pháp bảo vệ.

3.10. Phân tích rủi ro (risk analysis)

Sử dụng một cách hệ thống các thông tin sẵn có để phân định nguy hại và ước tính rủi ro.

3.11. Đánh giá rủi ro (risk evaluation)

Quy trình dựa trên sự phân tích rủi ro để xác định xem rủi ro có thể chấp nhận đạt được hay không.

3.12. Đánh giá xác nhận rủi ro (risk assessment)

Quá trình tổng hợp bao gồm việc phân tích rủi ro đánh giá rủi ro.

3.13. Sử dụng đúng dự định (intended use)

Sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ phù hợp với thông tin của nhà cung ứng.

3.14. Sử dụng sai dự đoán được (reasonably foreseeable misuse)

Sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ không đúng dự định của nhà cung ứng do hành vi của con người đã đoán trước được.

4. Sử dụng từ “an toàn” và “tính an toàn”

Tránh sử dụng từ an toàn và tính an toàn theo chức năng tính từ mô tả bởi vì tính từ này không truyền đạt đủ thông tin. Ngoài ra, các từ này có thể bị hiểu là sự bảo đảm chắc chắn không có rủi ro. Khi có thể, nên thay từ an toàn và tính an toàn, bằng cách chỉ ra mục đích

VÍ DỤ:

– dùng “mũ bảo vệ” thay cho “mũ an toàn”;

– “trở kháng bảo vệ” thay cho “trở kháng an toàn”;

– “ván sàn chống trượt” thay cho “vật liệu an toàn”.

5. Khái niệm về an toàn

5.1. An toàn được đề cập trong tiêu chuẩn này dưới nhiều dạng khác nhau xuyên suốt trên diện rộng về công nghệ và đối với hầu hết sản phẩm, quá trình và dịch vụ. Sự gia tăng tính phức tạp của sản phẩm, quá trình và dịch vụ trên thị trường, đòi hỏi phải đưa việc xem xét khía cạnh an toàn lên hàng đầu.

Không thể có an toàn tuyệt đối: vẫn còn có rủi ro nào đó, trong tiêu chuẩn này được định nghĩa là rủi ro tồn dư. Vì vậy, một sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ chỉ có thể có an toàn tương đối.

5.2. An toàn đạt được bằng cách giảm rủi ro đến mức cho phép – mà trong tiêu chuẩn này định nghĩa là rủi ro có thể chấp nhận. Rủi ro có thể chấp nhận xác định bằng việc tìm được mức cân bằng tối ưu giữa sự an toàn lý tưởng và các yêu cầu mà sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ phải đáp ứng, cùng các yếu tố như lợi ích của người sử dụng, sự phù hợp với mục đích, hiệu quả chi phí và các vấn đề xã hội liên quan. Tiếp theo là sự cần thiết phải xem xét liên tục mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi phát triển, cả về công nghệ và kiến thức, có thể dẫn đến những cải tiến khả thi về kinh tế để đạt được mức rủi ro tối thiểu tương thích với việc sử dụng sản phẩm, quá trình và dịch vụ.

5.3. Rủi ro có thể chấp nhận đạt được bằng việc lặp đi lặp lại quá trình đánh giá xác nhận rủi ro (phân tích rủi ro đánh giá rủi ro) và việc giảm rủi ro (xem hình 1).

Hình 1 – Chu trình đánh giá xác nhận rủi ro và giảm rủi ro

6. Đạt mức rủi ro có thể chấp nhận

Sử dụng quy trình (xem hình 1) để giảm rủi ro đến mức có thể chấp nhận được sau đây:

a) xác định các nhóm người sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ (bao gồm cả những người có nhu cầu đặc biệt và những người già), và các nhóm người tiếp xúc biết trước (ví dụ: trẻ em sử dụng/tiếp xúc);

b) xác định việc sử dụng đúng dự định và đánh giá việc sử dụng sai dự đoán được đối với sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ;

c) xác định từng nguy hại (bao gồm cả tình trạng nguy hại tình huống tổn hại) nảy sinh trong các giai đoạn và các điều kiện sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ, bao gồm cả quá trình lắp đặt, bảo quản, sửa chữa và phá hủy/thải bỏ;

d) ước tính và đánh giá rủi ro (xem hình 1) phát sinh từ nguy hại đã phân định đối với mỗi nhóm người sử dụng/tiếp xúc có liên quan;

e) xem xét mức rủi ro có thể chấp nhận được không (ví dụ bằng cách so sánh với các sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ tương tự);

f) nếu mức rủi ro không chấp nhận được thì phải giảm mức rủi ro đến mức chấp nhận được.

Thứ tự ưu tiên trong quá trình giảm rủi ro nên áp dụng như sau:

1) thiết kế an toàn;

2) các thiết bị bảo vệ;

3) thông tin cho người sử dụng

Quy trình này dựa trên giả thiết là người sử dụng đóng vai trò chính trong quy trình giảm rủi ro nhờ tuân thủ các thông tin mà nhà thiết kế/người cung ứng cung cấp (xem hình 2).

Hình 2 – Giảm rủi ro

Các bước thực hiện trong quy trình thiết kế được thể hiện theo thứ tự ưu tiên. Các bước do người sử dụng thực hiện không theo thứ tự ưu tiên vì điều này còn phụ thuộc vào cách áp dụng. Cần nhấn mạnh rằng các thiết bị bảo vệ bổ sung, thiết bị bảo vệ người và các thông tin cho người sử dụng không được dùng để thay thế cho các cải tiến về thiết kế.

7. Khía cạnh an toàn trong tiêu chuẩn

7.1. Loại tiêu chuẩn an toàn

Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong và giữa các ban kỹ thuật (xem điều 1, chú thích 5) chịu trách nhiệm biên soạn các tiêu chuẩn về các sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ khác nhau để có được phương pháp nhất quán trong việc giải quyết hoặc xử lý vấn đề an toàn. Nên sử dụng cách tiếp cận theo cấu trúc để bảo đảm rằng mỗi tiêu chuẩn cụ thể tuân thủ chặt chẽ các khía cạnh cụ thể và tham khảo các tiêu chuẩn có phạm vi rộng hơn về các khía cạnh có liên quan khác. Cấu trúc này dựa trên các loại tiêu chuẩn sau đây:

tiêu chuẩn an toàn cơ bản, bao gồm khái niệm, nguyên tắc và các yêu cầu cơ bản liên quan đến các khía cạnh an toàn chung áp dụng cho phần lớn các sản phẩm, quá trình và dịch vụ;

tiêu chuẩn an toàn theo nhóm, bao gồm các khía cạnh an toàn áp dụng cho một số hoặc một nhóm sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ tương tự liên quan đến nhiều ban kỹ thuật, có viện dẫn càng nhiều càng tốt tiêu chuẩn an toàn cơ bản;

tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, bao gồm các khía cạnh an toàn cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, các quá trình hoặc các dịch vụ cụ thể, trong phạm vi của một ban kỹ thuật, có viện dẫn càng nhiều càng tốt các tiêu chuẩn an toàn cơ bản và các tiêu chuẩn an toàn theo nhóm;

các tiêu chuẩn sản phẩm có khía cạnh an toàn nhưng không đề cập riêng đến các khía cạnh an toàn; các tiêu chuẩn này cần viện dẫn các tiêu chuẩn an toàn cơ bản và các tiêu chuẩn an toàn khác.

Cách tiếp cận cấu trúc tiêu chuẩn trong lĩnh vực kỹ thuật điện và điện tử, xem IEC Guide 104.

7.2. Phân tích đề nghị xây dựng tiêu chuẩn mới

Mọi đề nghị xây dựng hoặc soát xét tiêu chuẩn về lĩnh vực an toàn phải xác định được những nội dung trong tiêu chuẩn và người áp dụng của tiêu chuẩn. Điều này thường đạt được bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

a) Ai là người áp dụng tiêu chuẩn?

– ai sẽ sử dụng tiêu chuẩn này và sử dụng như thế nào?

– người sử dụng yêu cầu gì ở tiêu chuẩn?

CHÚ THÍCH Thuật ngữ “người sử dụng” tiêu chuẩn bao gồm những người áp dụng các yêu cầu của tiêu chuẩn, những người chịu ảnh hưởng của tiêu chuẩn (như người tiêu dùng sản phẩm hoặc dịch vụ) và những người bị ảnh hưởng do tác động môi trường.

b) Mục đích của tiêu chuẩn là gì?

Tiêu chuẩn có trở thành

– tiêu chuẩn an toàn cơ bản,

– tiêu chuẩn an toàn theo nhóm,

– tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, hoặc

– tiêu chuẩn sản phẩm có các khía cạnh an toàn?

Cần xem xét mục đích của tiêu chuẩn như sau

– khía cạnh nào liên quan đến an toàn được đưa ra?

– tiêu chuẩn có được dùng cho thử nghiệm không?

– tiêu chuẩn có được dùng làm cơ sở cho việc đánh giá sự phù hợp hay không (chi tiết đầy đủ được cho trong TCVN 6708:2000 (ISO/IEC Guide 7)

c) Tiêu chuẩn cần được soạn thảo như thế nào?

– người sử dụng tiêu chuẩn cần có chuyên môn hoặc kiến thức như thế nào?

7.3. Công việc chuẩn bị

Trước tiên cần phải xác định tất cả các khía cạnh an toàn sẽ được đề cập trong tiêu chuẩn. Trong bước này, cần phải thu thập các thông tin có liên quan (ví dụ: dữ liệu về tai nạn, các báo cáo nghiên cứu). Sau đó cần phác thảo chi tiết nội dung chính nào dùng làm cơ sở cho tiêu chuẩn.

Trước khi bắt đầu biên soạn dự thảo tiêu chuẩn, cần tập hợp trong ban kỹ thuật các chuyên gia có đủ hiểu biết, kiến thức để xây dựng tiêu chuẩn. Kiến thức hiểu biết bao gồm, ví dụ, như sau:

– hiểu biết cặn kẽ về sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ;

– diễn biến các vụ tai nạn/ rủi ro;

– dựa trên những phản ánh của người sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ;

– hiểu biết về các biện pháp bảo vệ sẵn có;

– hiểu biết về sự phát triển trong tương lai của sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ;

– khung pháp lý.

Khi đã thiết lập được nội dung tiêu chuẩn, cần xem xét các khía cạnh an toàn sau (không phải tất cả các khía cạnh này đều liên quan tới một tiêu chuẩn nhất định):

sử dụng đúng dự định và việc sử dụng sai dự đoán được;

– khả năng hoạt động trong điều kiện sử dụng mong muốn;

– sự tương thích về môi trường;

– yếu tố ergonomi;

– các yêu cầu chế định;

– các tiêu chuẩn hiện hành;

– độ tin cậy;

– tính tiện dụng (bao gồm “dịch vụ bảo dưỡng”, như dễ dàng tiếp cận đến các bộ phận vận hành, phương pháp nạp nhiên liệu/tra dầu mỡ;

– độ bền;

– khả năng thải bỏ (bao gồm cả các chỉ dẫn tương ứng);

– những đòi hỏi đặc biệt của người sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ {ví dụ: trẻ em [xem TCVN 6313:1997 (ISO/IEC Guide 50)], người già, người tàn tật};

– đặc tính dễ hỏng;

– dấu hiệu và thông tin.

7.4. Biên soạn dự thảo

7.4.1. Quy định chung

Áp dụng các nguyên tắc và khuyến nghị dưới đây khi biên soạn tài liệu để ban hành thành các tiêu chuẩn an toàn, và cũng có thể dùng để đề cập các khía cạnh an toàn trong các tiêu chuẩn khác. Đây sẽ là phần bổ sung hoặc phần thuyết minh cụ thể hơn các nội dung trong ISO/IEC Directive, Part 3.

Tiêu chuẩn cần có các yêu cầu trọng yếu nhằm loại bỏ các nguy hại khi có thể hoặc nếu không thì giảm rủi ro. Các yêu cầu này cần được thể hiện theo các biện pháp bảo vệ và phải kiểm tra xác nhận được.

Yêu cầu đối với các biện pháp bảo vệ cần được đặt ra:

– bằng ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu và chính xác, và

– đúng về kỹ thuật

Tiêu chuẩn phải gồm các câu văn rõ ràng và hoàn chỉnh, quy định các phương pháp kiểm tra xác nhận sự phù hợp các yêu cầu đã được đáp ứng.

Không dùng những từ hay thuật ngữ trừu tượng trừ khi chúng đã được định nghĩa trong tiêu chuẩn.

7.4.2. Thông tin về sử dụng an toàn

7.4.2.1. Loại thông tin

Tiêu chuẩn cần quy định mọi thông tin cần thiết về sử dụng an toàn để cung cấp cho người có liên quan đến sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ (ví dụ như người mua, người lắp đặt, người vận hành, người sử dụng, nhân viên dịch vụ).

Trong trường hợp đối với sản phẩm, tiêu chuẩn cần chỉ rõ:

– thông tin nào về an toàn được trình bày trên sản phẩm hoặc trên bao bì;

– thông tin nào về an toàn là thiết yếu phải thấy rõ ở điểm bán; hoặc

– thông tin nào về an toàn đưa vào trong các sổ tay hướng dẫn lắp đặt, sử dụng và bảo dưỡng.

Ngoài ra, thông tin này cần mô tả các thao tác an toàn sẽ làm giảm đáng kể các rủi ro nếu những người có liên quan tuân thủ.

Nếu sự an toàn của sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ phụ thuộc đáng kể vào thao tác làm việc an toàn và các thao tác này không rõ ràng thì ít nhất cũng phải viện dẫn các sổ tay hướng dẫn.

Nói chung, nên tránh những thông tin thừa hoặc không cần thiết vì chúng làm giảm giá trị của các thông tin thiết yếu về an toàn.

Dấu hiệu hoặc ký hiệu (nếu có các ký hiệu thích hợp ) cần được quy định phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng (ví dụ: ISO 7000; IEC 60417).

7.4.2.2. Hướng dẫn

Áp dụng các hướng dẫn và thông tin cung cấp phải đề cập đến các điều kiện vận hành an toàn sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ.

Đối với sản phẩm, các hướng dẫn phải nêu việc sử dụng, lau chùi, bảo quản, tháo dỡ, phá hủy/thải bỏ thích hợp.

Trong trường hợp này, xem ISO/IEC Guide 14 và ISO/IEC Guide 37.

7.4.2.3. Chú thích cảnh báo

Các chú thích cảnh báo phải:

– dễ thấy, rõ nét, bền và dễ hiểu;

– được viết bằng ngôn ngữ chính thức của các nước mà sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ sẽ được sử dụng, trừ khi một trong các ngôn ngữ liên quan đến một lĩnh vực kỹ thuật cụ thể được sử dụng là thích hợp hơn, và

– chính xác và rõ ràng.

Các ký hiệu an toàn phải phù hợp với ISO 3864, ISO 7000, ISO 7001 và IEC 60417 và phải có thể chấp nhận được đối với người dùng ở các nước được dự định sử dụng.

7.4.3. Bao gói

Tùy từng trường hợp, tiêu chuẩn phải quy định các yêu cầu về bao gói sản phẩm, để đảm bảo việc vận chuyển an toàn sản phẩm đã bao gói, để giữ an toàn cho sản phẩm và để thải bỏ hoặc giảm thiểu nguy hại, kể cả bị bẩn hoặc ô nhiễm. Trong trường hợp này, xem ISO/IEC Guide 41.

7.4.4. An toàn trong quá trình thử nghiệm

Các tiêu chuẩn quy định phương pháp thử nghiệm có thể mô tả quá trình và/hoặc việc sử dụng các cơ sở vật chất hoặc thiết bị có thể gây ra rủi ro, ví dụ đối với nhân viên phòng thử nghiệm. ở những nơi thích hợp, tiêu chuẩn phải có những cảnh báo sau:

– cảnh báo chung ở phần đầu tiêu chuẩn;

– cảnh báo riêng, ở những đoạn thích hợp trong tiêu chuẩn.

VÍ DỤ

a) Cảnh báo chung

CẢNH BÁO Một số phép thử quy định trong tiêu chuẩn này liên quan đến việc sử dụng các quá trình có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm.

b) Cảnh báo riêng

NGUY HIỂM Chú ý nguy hiểm do sử dụng muối natri của axit floaxetic, chất này rất độc.

 

Tài liệu tham khảo

1. ISO/TR 7239:1984 Phát triển nguyên tắc và ứng dụng các ký hiệu thông tin công cộng (Development and principles for application of public information symbols)

2. ISO 9186:1989 Quá trình phát triển và thử nghiệm các ký hiệu thông tin công cộng; (Procedures for development and testing of public information symbols)

3. ISO 14121:1999 An toàn máy – Nguyên tắc đánh giá rủi ro (Safety of machinery – Principles of risk assessment)

4. ISO 14971-1:1998 Thiết bị y tế – Quản lý rủi ro – Phần 1: ứng dụng việc phân tích rủi ro (Medical devices – Risk management – Part 1: Application of risk analysis)

5. TCVN 6450:1998 (ISO/IEC Guide 2:1996) Tiêu chuẩn hóa và các hoạt động liên quan – Thuật ngữ chung và định nghĩa (Standardization and related activities – General vocabulary)

6. TCVN 6708:2000 (ISO/IEC Guide 7:1994) Hướng dẫn soạn thảo tiêu chuẩn thích hợp cho đánh giá sự phù hợp (Guidelines for drafting of standards suitable for use for conformity assessment)

7. ISO/IEC Guide 15:1977 Quy phạm ISO/IEC về nguyên tắc đối với “viện dẫn tiêu chuẩn” (ISO/IEC code of principles on “reference to standards”)

8. TCVN 6845:2001 (ISO/IEC Guide 64:1997) Hướng dẫn việc đề cập khía cạnh môi trường trong tiêu chuẩn sản phẩm (Guide for the inclusion of environmental aspects in product standards)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *