Tiêu chuẩn ngành 10TCN95:1988

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Số hiệu: 10TCN95:1988
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Nông nghiệp
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 95:1988 về quy phạm sử dụng công cụ nửa cơ khí và máy cỡ nhỏ dùng trong nông nghiệp


TIÊU CHUẨN NGÀNH

10 TCN 95:1988

QUY PHẠM SỬ DỤNG CÔNG CỤ NỬA CƠ KHÍ VÀ MÁY CỠ NHỎ DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP

1. Quy định chung

1.1. Quy phạm này quy định chung về sử dụng công cụ nửa cơ khí và máy cỡ nhỏ dùng trong nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn lao động, an toàn thiết bị, kéo dài tuổi thọ, nâng cao năng suất của công cụ máy móc và đảm bảo chất lượng công việc.

1.2. Công cụ nửa cơ khí là công cụ dùng sức người hoặc sức súc vật, có cấu tạo tương đối phức tạp, có nhiều chi tiết và cơ cấu tương tự như chi tiết và cơ cấu của máy công tác (guồng tuốt lúa đạp chân, công cụ thái lát, làm tinh bột sắn, khoai đạp chân hoặc quay tay, công cụ gieo lúa trâu bò kéo, bình bơm thuốc trừ sâu, công cụ bón đạm v.v…).

1.3. Máy cỡ nhỏ dùng trong nông nghiệp bao gồm các động cơ đốt trong tĩnh tại có công suất từ 30 mã lực trở xuống, các máy kéo nhỏ hai bánh (máy kéo tay) và các máy công tác đi theo.

1.4. Việc sử dụng công cụ nửa cơ khí và máy cỡ nhỏ bao gồm các khâu: Lắp đặt, rà và chạy thử, vận hành, chăm sóc kỹ thuật, bảo quản.

1.5. Công cụ máy móc khi làm việc phải có tình trạng kỹ thuật bình thường, được lắp đặt đúng kỹ thuật. Mỗi máy động lực, mỗi máy công tác phải có một sổ lý lịch. Mỗi liên hợp máy phải có một sổ nhật ký.

1.6. Người vận hành công cụ nửa cơ khí phải được huấn luyện để nắm vững thao tác sử dụng và kỹ thuật an toàn. Người vận hành máy cỡ nhỏ phải qua lớp đào tạo có bằng hoặc giấy chứng nhận mới được sử dụng. Những người say rượu, động kinh không được sử dụng công cụ nửa cơ khí và máy. Đối với những công cụ và máy dùng chất độc hoá học như phun thuốc trừ sâu, phun thuốc diệt cỏ, bón phân hoá học v.v… không để phụ nữ có thai và những người ốm yếu sử dụng.

1.7. Người vận hành máy phải chịu trách nhiệm đảm bảo tình trạng kỹ thuật máy trong khi vận hành, theo dõi, ghi chép sổ sách, bảo quản máy, dụng cụ đồ nghề và tài liệu sổ sách kèm theo máy.

1.8. Người vận hành máy phải làm đúng phạm vi trách nhiệm của mình, không được tháo lắp, điều chỉnh những cụm chi tiết và bộ phận máy mà nhà máy chế tạo đã cặp chì và không thuộc phạm vi trách nhiệm theo quy định kỹ thuật.

1.9. Khi máy đang hoạt động, người vận hành phải luôn luôn có mặt tại nơi đặt máy. Người không có trách nhiệm về máy không tự ý vận hành.

1.10. Thủ trưởng các đơn vị quốc doanh, tập thể nông nghiệp và chủ hộ có công cụ và máy phải chịu trách nhiệm quản lý công tác sử dụng công cụ và máy móc thuộc sở hữu của đơn vị và gia đình mình.

2. Lắp đặt

2.1. Khi làm việc tĩnh tại, công cụ nửa cơ khí và máy phải được đặt trên bệ có nền móng vững chắc, đúng quy cách. Trường hợp làm việc ngoài trời, di chuyển luôn phải chọn nơi đất cứng để đặt và phải hãm chặt, không để liên hợp máy di dịch khi làm việc.

2.2. Nhà đặt máy phải đủ rộng, đảm bảo khoảng cách giữa các máy, khoảng cách giữa máy và tường, để khi vận hành, chăm sóc, sửa chữa, điều chỉnh được an toàn và thuận tiện. Phải thoáng khí và có đủ ánh sáng để làm việc.

2.3. Bộ phận truyền động từ động cơ đến các máy công tác phải vững chắc, ổn định. Phải đảm bảo độ song song hoặc độ đồng tâm giữa trục động cơ và trục máy công tác. Các bộ phận truyền động của liên hợp máy như đai truyền, xích, khớp nối trục, đầu trục… nhất thiết phải có bao lưới che chắn cẩn thận.

3. Rà và chạy thử

3.1. Động cơ và máy kéo tay mới hoặc qua đại tu hồi phục hoặc thay thế sửa chữa một số chi tiết trong cơ cấu biên tay quay, trước khi cho làm việc nhất thiết phải rà theo đúng quy phạm rà và quy định của nhà máy chế tạo. Máy công tác và động cơ nửa cơ khí trước khi sử dụng cũng phải rà và chạy thử.

3.2. Rà động cơ và máy kéo tay tiến hành theo nguyên tắc:

* Rà ở số vòng quay từ thấp đến cao.

* Kéo tải trọng từ nhẹ đến nặng và không quá 70% tải trọng hoàn toàn.

* Đối với máy kéo tay phải chạy rà, cả tiến và lùi, vòng phải và trái.

3.3. Phải đảm bảo phụ tải thích hợp và ổn định đối với từng chế độ rà. Không được rà động cơ bằng cách liên hợp với máy nghiền, máy đập. Không được rà máy kéo tay ở ruộng nước. Không được để động cơ quá tải khi rà.

3.4. Trước, trong và sau khi rà phải thực hiện nghiêm túc chế độ chăm sóc kỹ thuật. Trong khi rà phải luôn luôn theo dõi quan sát tình trạng kỹ thuật của máy. Phát hiện những sai hỏng, điều chỉnh sửa chữa kịp thời. Sau khi rà phải xả toàn bộ dầu bôi trơn động cơ và dầu truyền lực (đối với máy kéo tay), súc rửa các te, thay dầu bôi trơn mới. Phải khắc phục các sai hỏng, điều chỉnh các bộ phận, siết chặt các bu lông đai ốc quan trọng.

3.5. Sau 50 giờ làm việc có tải đầu tiên phải thay dầu bôi trơn và bảo dưỡng theo nội dung chăm sóc kỹ thuật 100 giờ.

3.6. Trường hợp máy qua đại tu cũng phải rà tương tự như đối với máy mới.

3.7. Trường hợp thay thế một số chi tiết của cơ cấu biên tay quay như trục cơ, pít tông, xi lanh, xéc măng, bạc biên, bạc cổ chính v.v… thì rà bằng cách cho động cơ chạy không từ số vòng quay thấp đến số vòng quay bình thường trong 30 phút rồi cho động cơ làm việc với tải trọng nhẹ (2/3 tải trọng hoàn toàn) trong thời gian 20 đến 30 giờ.

3.8. Máy công tác và công cụ nửa cơ khí cũng rà theo nguyên tắc:

* Tăng số vòng quay từ thấp đến cao.

* Tăng tải trọng từ nhẹ đến nặng.

3.9. Trước khi rà máy công tác và công cụ nửa cơ khí phải xả hết dầu bảo quản nếu có, súc rửa sạch các bộ phận, cho dầu mỡ vào các điểm bôi trơn, sửa chữa những sai hỏng, điều chỉnh các bộ phận theo đúng tiêu chuẩn quy định.

3.10. Máy công tác và công cụ nửa cơ khí phải rà không tải khoảng 15 đến 30 phút, rà có tải 4 đến 8 giờ. Khi rà có tải phải tăng tải từ nhẹ đến 2/3 tải trọng hoàn toàn và tăng số vòng quay tương ứng từ nhỏ đến số vòng quay bình thường.

Trong thời gian rà phải chú ý theo dõi tình trạng làm việc của thiết bị, phát hiện những sai sót hư hỏng, điều chỉnh và sửa chữa kịp thời.

3.11. Sau khi rà phải chăm sóc kỹ thuật như nội dung chăm sóc kỹ thuật sau mỗi vụ.

3.12. Việc rà máy động lực phải được ghi lại theo mẫu quy định. Phải ghi nội dung công việc đã tiến hành, tình trạng kỹ thuật trước, trong và sau khi rà. Họ tên và cấp bậc kỹ thuật người phụ trách công việc rà.

4. Khởi động động cơ

4.1. Trước khi khởi động động cơ phải có tình trạng kỹ thuật tốt và có đủ điều kiện để khởi động an toàn.

4.2. Để động cơ có tình trạng kỹ thuật tốt cần phải:

* Chăm sóc kỹ thuật đúng nội dung quy định.

* Kiểm tra và khắc phục những thiếu sót về kỹ thuật.

* Dùng tay quay quay trục động cơ (có giảm áp) hoặc kéo dây cót khoảng 10 đến 15 vòng để dầu bôi trơn xoa lên các bề mặt làm việc và kiểm tra liên hợp máy xem có gì khác thường không.

4.3. Đối với máy mới khởi động lần đầu hoặc vừa qua sửa chữa phải chuẩn bị xử lý khi bị vượt tốc.

4.4. Đối với những liên hợp máy có ly hợp, phải ngắt ly hợp. Đối với liên hợp máy có hộp số phải ra số không.

4.5. Những người không có trách nhiệm không được đứng gần liên hợp máy khi khởi động. Khi khởi động động cơ bằng tay quay phải đứng ở tư thế vững chắc, lau sạch tay, không được quấn giẻ vào tay.

4.6. Khi kiểm tra độ đánh lửa bu gi, phải để đầu bu gi xa ống dẫn xăng, phải lau khô xăng bám tại nơi đặt bu gi.

4.7. Cấm mồi động cơ bằng cách đốt vật cháy bỏ vào buồng đốt. Cấm làm động cơ nóng bằng cách đốt lửa gầm động cơ và các đường ống xả.

5. Vận hành máy và công cụ nửa cơ khí

5.1. Phải để động cơ chạy nóng lên rồi mới cho làm việc. Khi động cơ bắt đầu làm việc không được tăng số vòng quay đột ngột và tăng tải trọng đột ngột.

5.2. Không được để động cơ chạy không ở số vòng quay định mức quá 10 phút.

5.3. Khi máy kéo tay bắt đầu khởi hành phải nhả ly hợp chính từ từ, không được buông tay ly hợp chính ra một cách đột ngột, không được đồng thời vừa nhả tay ly hợp chính vừa bóp tay ly hợp chuyển hướng.

5.4. Trong lúc làm việc, người vận hành phải luôn luôn theo dõi tình trạng kỹ thuật của liên hợp máy:

* Quan sát màu khí xả.

* Quan sát đồng hồ và các thiết bị kiểm tra.

* Lắng nghe âm thanh khác thường.

* Theo dõi tình trạng làm mát máy.

* Theo dõi tình trạng kỹ thuật của máy công tác và chất lượng công việc.

5.5. Trong khi liên hợp máy đang làm việc, muốn chăm sóc, điều chỉnh sửa chữa các bộ phận của động cơ và máy công tác phải tắt động cơ hoặc ngắt ly hợp truyền động giữa động cơ và máy công tác.

5.6. Khi động cơ đang làm việc, muốn cho thêm nước vào két nước làm mát phải đổ từ từ và không đứng ở cuối chiều gió. Trường hợp bị hết nước, không được đổ ngay nước lạnh vào, mà phải chờ cho máy nguội, xác định nguyên nhân hết nước, khắc phục được mới cho thêm.

5.7. Phải tắt ngay động cơ nếu xảy ra những hiện tượng sau đây:

* Động cơ quá nóng, nước làm mát nóng quá quy định.

* Áp suất dầu bôi trơn thấp hoặc cao quá quy định.

* Động cơ có tiếng gõ bất thường.

* Động cơ có tiếng rú mạnh, số vòng quay quá cao.

* Động cơ nổ ngược.

* Máy công tác liên hợp với động cơ có hiện tượng khác thường hoặc hư hỏng (nếu liên hợp máy có ly hợp thì ngắt ly hợp, không cần tắt động cơ).

5.8. Khi làm việc với máy xay xát, máy nghiền, máy thái, trộn, làm tinh bột củ, quả… phải kiểm tra không để vật cứng lẫn trong các buồng nguyên liệu. Khi có hiện tượng tắc kẹt, không được dùng tay hoặc gậy đẩy nguyên liệu vào bộ phận làm việc mà phải tắt máy để xử lý.

5.9. Khi làm việc với máy tuốt đập lúa phải thường xuyên kiểm tra độ bền vững của trống đập, các chi tiết trên trống đập nhất là đai hãm, thanh răng và các răng. Không để những vật cứng lẫn vào buồng đập. Không được cho quá nhiều lúa vào buồng đập. Không được cho tay hoặc gậy vào buồng đập. Khi trống đập bị kẹt rơm hoặc hư hỏng phải dừng máy để khắc phục.

Người làm việc với máy đập, máy tuốt và guồng tuốt lúa đạp chân nhất thiết phải đeo kính phòng hộ. Nghiêm cấm những người không đeo kính phòng hộ làm việc hoặc đi lại trong buồng thóc có thể bắn ra.

5.10. Khi làm việc với máy bơm nước phải chú ý kiểm tra lưới chắn rác, đầu van hút ngăn ngừa vật cứng, cỏ rác lọt vào trong guồng bơm.

5.11. Khi làm việc với bơm thuốc trừ sâu (kể cả bơm máy và bơm tay) nhất thiết phải có trang bị phòng hộ lao động theo tiêu chuẩn (quần áo, giầy, mũ, găng tay, kính, khẩu trang…), phải đảm bảo áp suất của bình chứa thuốc, bình tích áp đúng quy định. Tuyệt đối không để áp suất quá cao. Cấm cho tay vào thuốc hoá học. Không được ăn, uống, hút thuốc trong khi làm việc. Không được phun thuốc trừ sâu khi nhiệt độ tại hiện trường phun 350C trở lên.

5.12. Khi vận hành máy kéo tay làm các công việc di động:

* Không được cho máy chạy tốc độ cao khi quay vòng, qua chỗ đông người và chỗ đường hẹp.

* Không được cho người ngồi trên thân máy hay cạnh người lái khi máy chuyển động.

* Không được để trục phay quay khi máy vượt qua bờ.

* Trên ruộng nước máy kéo tay không được chạy lùi. Khi lắp bánh sắt, bánh lồng không được di chuyển trên đường cứng.

* Trên đường dốc, không được cho máy chạy tốc độ cao, không được ra số không hoặc bóp đồng thời cả hai tay ly hợp chuyển hướng.

* Dừng máy trên dốc phải hãm phanh và chèn bánh cẩn thận.

* Khi vận chuyển phải tuân thủ đúng luật giao thông đường bộ.

6. Tắt động cơ

6.1. Khi động cơ đang làm việc muốn tắt phải ngắt phụ tải rồi giảm dần số vòng quay của động cơ đến mức thấp nhất mà động cơ vẫn nổ đều, sau đó cho động cơ làm việc ở chế độ không tải 1 đến 2 phút rồi ngắt hoàn toàn nhiên liệu cung cấp để tắt động cơ.

6.2. Trường hợp động cơ bị vượt tốc, không thể tắt bằng cách ngắt hoàn toàn nhiên liệu cung cấp (giảm ga) thì tắt động cơ bằng cách:

* Bịt miệng hút không khí.

* Ngắt nhiên liệu cung cấp đến vòi phun.

Cấm không được tắt động cơ bằng cách mở giảm áp.

7. Chăm sóc kỹ thuật

7.1. Động cơ cỡ nhỏ và máy kéo tay đưa vào sử dụng phải được chăm sóc kỹ thuật như quy tắc chăm sóc kỹ thuật máy kéo hai bánh và động cơ điêzen thông dụng trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm ban hành và hướng dẫn của nhà máy chế tạo.

7.2. Chăm sóc kỹ thuật đơn giản (hàng kíp, 50 giờ, 100 giờ) do người vận hành thực hiện và có thể tiến hành tại nơi làm việc. Chăm sóc kỹ thuật phức tạp (300 giờ đến 600 giờ và 900 giờ) do công nhân sửa chữa, cán bộ kỹ thuật chuyên môn thực hiện và phải làm trong nhà hoặc xưởng sửa chữa với đầy đủ dụng cụ đồ nghề cần thiết.

7.3. Máy công tác và công cụ nửa cơ khí phải chăm sóc kỹ thuật theo hướng dẫn cụ thể của nhà chế tạo. Nếu không có hướng dẫn phải thực hiện theo nội dung và gián cách sau:

* Sau mỗi kíp làm việc (8 đến 10 giờ) phải làm sạch, kiểm tra siết chặt, điều chỉnh và cho dầu mỡ. Đối với những bộ phận làm việc tiếp xúc với các chất độc ăn mòn như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ v.v… phải được súc rửa cẩn thận.

* Sau mỗi vụ làm việc (nếu công cụ và máy làm việc không theo thời vụ thì sau 3 tháng) ngoài việc chăm sóc như hàng kíp còn phải thay dầu mỡ, bôi trơn và sửa chữa những hư hỏng xảy ra trong quá trình sử dụng.

7.4. Mỗi cơ sở sử dụng phải trang bị đủ dụng cụ đồ nghề, phương tiện cần thiết để tiến hành công tác chăm sóc kỹ thuật.

7.5. Các phương tiện chứa đựng nhiên liệu, dầu mỡ, nước phải dùng riêng biệt và đảm bảo sạch.

7.6. Nhiên liệu, dầu mỡ phải dùng đúng quy cách, mã hiệu.

7.7. Nhiên liệu điezen trước khi cho vào động cơ phải được để lắng cặn ít nhất là 48 giờ và phải lọc qua lớp vải lọc. Đối với động cơ xăng 2 thì phải pha dầu nhờn vào xăng đủ tỷ lệ quy định.

7.8. Nước làm mát động cơ phải là nước mềm, trong và sạch. Cấm đổ nước mặn, nước phèn vào két nước làm mát động cơ.

8. Bảo quản

8.1. Chậm nhất là sau 3 ngày nghỉ làm việc (hết vụ hoặc hết việc làm) công cụ và máy phải được bảo quản. Công cụ và máy đưa vào bảo quản phải có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được chăm sóc kỹ thuật đúng nội dung và gián cách quy định.

8.2. Công cụ và máy khi đưa vào bảo quản phải rửa sạch bùn đất, bụi bẩn, lau khô và xoa dầu mỡ bảo quản lên các bề mặt kim loại không sơn để chống han gỉ.

8.3. Đối với động cơ và máy kéo tay bảo quản dài hạn phải thực hiện đúng quy phạm bảo quản của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm ban hành. Đặc biệt chú ý làm đúng các việc sau đây:

* Thay dầu bôi trơn động cơ và truyền lực bằng dầu bảo quản.

* Tháo vòi phun hoặc bu gi đổ vào trong xi lanh 1/4 lít dầu nhờn rồi lắp lại như cũ và quay trục cơ cho dầu xoa khắp mặt gương xi lanh.

* Cứ 3 tuần lại quay động cơ một lần bằng tay quay.

* Cứ 3 tháng lại đổ vào xi lanh 100 gam dầu nhờn và quay trục cơ vài vòng.

8.4. Nới lỏng các bộ phận chuyển động như dây đai, băng chuyền, xích; dùng giấy chống ẩm bọc cuộn cảm ứng, tụ điện, đĩa điện. Nếu thời gian bảo quản dài có thể tháo dây đai, xích, cuộn cảm ứng, tụ điện và đĩa điện bảo quản riêng.

8.5. Nhà bảo quản máy, công cụ phải làm ở nơi cao ráo, thoáng khí, ít bụi, xa nơi để phân, vôi, thuốc trừ sâu và các hoá chất độc khác.

8.6. Khu vực nhà bảo quản công cụ máy móc phải có thiết bị phòng hoả, cứu hoả, có nội quy bảo vệ và phòng hoả hoạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *