Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1833:1988 về máy nông nghiệp – Phay đất – Yêu cầu kỹ thuật
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 1833:1988
MÁY NÔNG NGHIỆP
PHAY ĐẤT
YÊU CẦU KỸ THUẬT
Soil cutter – Specifications
Tiêu chuẩn này thay thế cho TCVN 1833 –76 áp dụng cho các loại phay đất ruộng nước, ruộng khô và chăm sóc cây trồng.
1. Yêu cầu kỹ thuật
1.1. Phay đất phải chế tạo phù hợp với tiêu chuẩn này và bản vẽ đã được duyệt đúng thủ tục quy định
1.2. Kết cấu của phay đất phải đảm bảo điều chỉnh được chiều sâu làm việc.
1.3. Trục trong phay được chế tạo bằng thép C40, C45 theo TCVN 1766 –75, cho phép chế tạo bằng thép có cơ tính tương đương
1.4. Dao phay phải chế tạo bằng thép C65Mm theo TCVN 1766 –75, cho phép chế tạo bằng thép có cơ cơ tính tương đương.
1.5. Độ cứng của dao phay sau khi nhiệt luyện phải đạt được:
a) Vùng nhiệt luyện trong giới hạn HRC 42¸52
b) Vùng không nhiệt luyện không lớn hơn HB352
Tuỳ theo kích thước và dạng dao, vùng nhiệt luyện phải phù hợp như chỉ dẫn ở hình 1 và 2
1.6. Trên bề mặt của dao phay không được có rạn nứt, cháy rỗ, vẩy ô xít, khuyết và phân lớp
1.7. Chiều dày mép cắt của dao không được lớn hơn 1mm. Khe hở lớn nhất giữa dao và dưỡng không được lớn hơn 2mm
1.8. Bu lông, đai ốc bắt dao phay phải dùng loại nửa tinh trở lên, có bước ren nhỏ theo TCVN 1889-76; TCVN 1876-76; TCVN 1915-76 và phải chế tạo bằng thép C40, C45 theo TCVN 1766-75, cho phép chế tạo bằng thép khác có cơ tính tương đương.
1.9. Vòng đệm lò so dùng cho phay đất theo TCVN 130-77
1.10. Các bộ phận truyền động của phay đất: Các đăng, bánh răng và đĩa xích phải phù hợp với TCVN 1067-75 và TCVN 1785-76.
1.11. Các mối hàn phải chắc chắn, không được rạn nứt, cháy và rỗ, phải làm sạch xì hàn và những giọt kim loại di động trên các chi tiết.
1.12. Các vòng đệm chắn dầu theo TCVN 134-77
1.13. Sai lệch kích thước từ tâm trống phay đến điểm ngoài cùng của dao không được lớn hơn ± 4mm.
1.14. Sau khi lắp ráp, các bộ phận chuyển động không được kẹt và vướng vào khung máy. Trống phay phải quay được nhẹ nhàng ở mọi vị trí (quay bằng tay). Khe hở giữa đầu dao và khung máy không được nhỏ hơn 30mm
1.15. Trước khi sơn, các bộ phận và chi tiết của phay phải tẩy sạch xì hàn, dầu mỡ và các chất bẩn khác. Trừ những chi tiết ở điều 1.16 và 1.17 phay được sơn hai lớp, lớp chống rỉ, lớp còn lại trang trí.
1.16. Bề mặt của những chi tiết tiếp xúc với đất dễ bị mài mòn như dao phay, tấm trượt, vành bánh xe khống chế chiều sâu làm việc được sơn một lớp sơn dầu, hoặc sơn bi tua.
1.17. Vú mỡ, các nút tra dầu và kiểm tra đều phải sơn màu khác với màu sơn của phay. Bu lông, đai ốc, vòng đệm lò xo được mạ kẽm hoặc nhuộm đen.
1.18. Thời gian bảo hành của phay là 6 tháng kể từ ngày xuát cho người sử dụng. Trong thời gian đó những hư hỏng xảy ra trong điều kiện bảo quản và sử dụng theo đúng quy định, cơ sở chế tạo phải có trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế.
Hình 2 |
2. Quy tắc nghiệm thu và phương pháp thử.
2.1. Mỗi phay đất sau khi chế tạo phải được KCS của nhà máy nghiệm thu theo tiêu chuẩn này.
2.2. Kiểm tra toàn bộ phay đất bằng mắt thường.
2.3. Kiểm tra các vật liệu theo chứng chỉ của cơ sở chế tạo.
2.4. Kiểm tra điều 1.8 theo TCVN 4170 –85; TCVN 256-85. Các điểm ở vùng nhiệt luyện và không nhiệt luyện của lưỡi phay theo chỉ dẫn trên hình 1 và 2.
2.5. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật chung của phay ở chế độ làm việc có tải lớn nhất (theo đặc tính làm việc); thời gian thử là 4 giờ liên tục.
Trong quá trình kiểm tra phay phải đạt các yêu cầu sau:
a) Không có hiện tượng rò, rỉ dầu
b) Các bu lông, đai ốc không bị nới lỏng ra.
c) Khi phay quay không được có tiếng gõ, tiếng ồn khác thường.
d) Không có chi tiết hoặc bộ phận nào bị hư hỏng.
2.6. Bên đặt hàng có quyền kiểm tra chất lượng chế tạo phay đạt theo tiêu chuẩn này.
2.7. Số lượng phay đem kiểm tra trong mỗi lô hàng là 5% nhưng không ít hơn 3 cái. Nếu có một trong số phay trên không đạt yêu cầu kỹ thuật thì phải kiểm tra lần thứ 2 với số lượng gấp đôi cũng trong lô ấy. Nếu kiểm tra lần này cũng không đạt thì lô hàng đó bị loại bỏ.
3. Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản
3.1. Mỗi phay đất phải có nhãn hiệu, trong đó ghi rõ:
a) Nhãn hàng của cơ sở chế tạo.
b) Ký hiệu của phay.
c) Năm chế tạo
d) Số thứ tự phay
đ) Số hiệu của tiêu chuẩn này.
Nhãn hiệu phải đóng ở vị trí dễ nhìn thấy.
3.2. Mỗi phay đất phải kèm theo 30% dao phay (trong đó một nửa số dao phải, một nửa số dao trái). 50% số bu lông, đai ốc, vòng đệm lò xo, một bộ dụng cụ chuyên dùng, một bộ khớp chữ thập có ổ bi kim cho phay đất có các dăng.
3.3. Các bộ phận riêng biệt, phụ tùng thay thế và bộ dụng cụ kèm theo phải được đóng hòm chắc chắn để bảo quản khi vận chuyển.
Khối lượng mỗi hòm không quá 50kg kể cả bì. Dao phay phải được buộc lại từng bó bằng dây thép hoặc đai thép.
3.4. Trước khi bao gói bộ dụng cụ kèm theo phải được bôi mỡ và gói giấy bảo quản.
3.5. Mỗi phay đất phải có giấy chứng nhận chất lượng theo yêu cầu của tiêu chuẩn này, trong đó ghi rõ:
a) Tên cơ quan mà cơ sở chế tạo trực thuộc
b) Tên và địa chỉ của cơ sở chế tạo
c) Tên và ký hiệu của phay
d) Năm chế tạo
e) Số hiệu của tiêu chuẩn này.
Mỗi phay đất phải kèm theo thuyết minh sử dụng và bảo quản.
3.7. Không được tháo rời từng bộ phận của phay đất (trừ các bộ phận riêng biệt như trục các dăng…) khi vận chuyển.
3.8. Phay đất phải được bảo quản ở nơi khô ráo tránh hoá chất. Trong thời gian bảo quản phải có biện pháp chống rỉ cho từng bộ phận phay đất.