Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5391:1991 về máy nông nghiệp – Máy cày lưỡi diệp treo – Yêu cầu kỹ thuật chung
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 5391:1991
MÁY NÔNG NGHIỆP
MÁY CÀY LƯỠI DIỆP TREO
YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG
Agricultural machines – Mouldboard ploughs
General technical requirements
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại máy cày lưỡi diệp treo liên hợp với các loại máy kéo để cày đất thuộc, được chế tạo theo TCVN 5391 – 1991.
1. Yêu cầu kỹ thuật chung
1.1 Việc chế tạo máy cày lưỡi diệp treo mới phải theo thiết kế hoặc mẫu đã được xét duyệt theo các thủ tục quy định.
1.2 Máy cày lưỡi diệp treo phải đảm bảo chất lượng làm đất đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nông học dưới đây:
1.2.1 Đảm bảo độ sâu cày theo TCVN 5390 – 1991 với giới hạn sai lệch không lớn hơn 10%;
1.2.2 Giới hạn sai lệch của bề rộng làm việc của máy cày không vượt quá giá trị 3,5%
1.2.3 Độ lật của đất cày không nhỏ hơn 135o
1.2.4 Giới hạn sai lệch của độ bằng phẳng mặt đồng sau khi cày không vượt quá 6,5%
1.2.5 Trên ruộng khô, với độ ẩm thích hợp, độ vỡ của đất cày tính theo trọng lượng phần đất có kích thước nhỏ hơn 50mm so với toàn bộ mẫu đất không được thấp hơn 30%.
1.3 Máy cày lưỡi diệp treo phải có lực cản riêng Ko với từng loại đất không vượt quá giới hạn ghi trong bảng 1.
Loại đất |
Lực cản riêng KO (N/mm2) |
Thịt nhẹ |
Từ 0,046 đến 0,058 |
Thịt trung bình |
Từ 0,058 đến 0,069 |
Thịt nặng |
Từ 0,069 đến 0,087 |
1.4. Tuổi thọ của máy cày lưỡi diệp treo là thời gian để máy cày cày được 1200 ha đất thuộc tính theo 1m bề rộng làm việc của máy cày.
1.5 .Việc điều chỉnh máy cày lưỡi diệp treo phải nhẹ nhàng, dễ dàng, nhanh chóng và chính xác để máy cày hoạt động ổn định, có chất lượng ổn định và năng suất cao.
2. Quy tắc nghiệm thu và phương pháp thử.
2.1 Trước khi xuất xưởng, máy cày lưỡi diệp treo phải được bộ phận kiểm tra chất lượng của nhà máy chế tạo kiểm tra và nghiệm thu và phải lập phiếu kiểm tra cho mỗi máy cày.
2.2 Thử máy cày lưỡi diệp treo chế tạo theo thiết kế mới, mẫu mới nhập hoặc thử kiểm tra điển hình hàng năm phải theo TCVN 5018 – 89.
3. Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển, bảo quản
3.1. Nội dung ghi nhãn bao gồm:
– Tên cơ quan chủ quản của nhà máy chế tạo;
– Tên nhà máy chế tạo, địa chỉ và điện thoại liên lạc;
– Tên và ký hiệu sản phẩm;
– Số xuất xưởng và năm sản xuất.
3.2. Vị trí của nhãn phải để ở nơi dễ thấy, phải tồn tại trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm.
3.3. Mỗi máy cày lưỡi diệp treo xuất xưởng phải kèm theo tài liệu hướng dẫn lắp ráp, điều chỉnh, sử dụng, bảo quản và chăm sóc kỹ thuật và phiếu kiểm tra. Các tài liệu này phải đựng trong túi không thấm nước.
3.4. Các chi tiết dự phòng, dụng cụ tháo lắp, tài liệu hướng dẫn và phiếu kiểm tra phải được ghi vào bảng kê và đóng hòm riêng cho từng máy cày ngay tại nhà máy chế tạo.
3.5. Vận chuyển máy cày:
– Số lượng ít, cho phép không phải đóng hòm;
– Số lượng nhiều, phải tháo rời các cụm chi tiết và đóng hòm, không cho phép xếp chồng các máy cày lên nhau.
3.6. Nhà máy chế tạo phải bôi mỡ bảo quản vào các chi tiết không sơn để chống gỉ.
3.7. Việc chăm sóc kỹ thuật và bảo quản máy cày trong kho trong quá trình làm việc và sau mỗi vụ làm việc phải thực hiện đúng quy phạm sử dụng máy nông nghiệp.