Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 300:1997 về quy định về công tác thu thập, tuyển chọn, lưu giữ và bảo quản nguồn gien vi sinh vật nông nghiệp
TIÊU CHUẨN NGÀNH
10 TCN 300:1997
QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC THU THẬP, TUYỂN CHỌN,
LƯU GIỮ VÀ BẢO QUẢN NGUỒN GIEN VI SINH VẬT NÔNG NGHIỆP
1. Phạm vi áp dụng:
Quy định này đưa ra các hướng dẫn chung cho việc thực hiện công tác thu thập, tuyển chọn, lưu giữ và bảo quản nguồn gien vi sinh vật nông nghiệp (trừ vi sinh vật trong lĩnh vực thú y).
2. Thuật ngữ và định nghĩa:
Trong quy định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2.1. Nguồn gien vi sinh vật nông nghiệp: Là nguồn tài nguyên di truyền công nghệ bao gồm các nguồn gien vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men, nấm mốc vi khuẩn lam hay các vật liệu di truyền khác đang là đối tượng được nghiên cứu và sử dụng trong nông nghiệp (trừ vi sinh vật trong lĩnh vực thú y), bao gồm cả các chủng đang được khai thác để lai tạo và các nguồn gien có tiềm năng đã được kiểm định, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sử dụng.
2.2. Giống chuẩn: Là giống đã được định loại và thông tin đầy đủ, đã được công bố và thường được lấy từ bảo tàng giống khác.
2.3. Giống gốc (giống tác giả): Là giống do tác giả chọn lọc lai tạo hay lấy từ quỹ gien có tính di truyền ổn định, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng trong sản xuất.
2.4. Giống cơ bản: Là tập đoàn các mẫu giống vi sinh vật chứa đựng các thông tin di truyền khác nhau của mỗi loài, được bảo quản dài hạn, chỉ được sử dụng trong những điều kiện cần thiết, nhằm bảo tồn tính trạng ban đầu.
2.5. Giống hoạt động: Là tập đoàn các mẫu giống vi sinh vật tương tự tập đoàn cơ bản, được nhắc lại với số lượng lớn hơn để có thể cung cấp cho người sử dụng vào các mục đích như mô tả, phục tráng v.v…….
2.6. Giống công tác: Là tập đoàn các mẫu giống phục vụ cho công tác nghiên cứu, chỉ cần giữ một lượng mẫu đủ để phục vụ cho chương trình nghiên cứu được bảo quản ngắn hạn 1-2 năm.
2.7. Bảo quản nguồn gien vi sinh vật: Là bảo quản các mẫu giống thuần khiết sau khi chọn lọc trong điều kiện phù hợp đảm bảo độ sống sót cao để sử dụng trong các trường hợp cần thiết và bảo tồn tính trạng ban đầu.
2.8. Hoạt tính sinh học: Là khả năng của vi sinh vật được tạo ra trong quá trình hoạt động sống có tác dụng trực tiếp đối với quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi, kiểm soát sinh học và sinh thái môi trường.
2.9. Thuần hoá giống: Là công việc lựa chọn những khuẩn lạc vi sinh vật đồng nhất, giữ lại những gien tốt, thuần khiết hay những bào tử gien đồng nhất có tính di truyền trội cũng như các khuẩn sinh dưỡng trẻ của xạ khuẩn, nấm mốc.
2.10. Phục tráng giống: Là công việc sử dụng các tác nhân vật lý, hoá học hoặc các môi trường, phương pháp nuôi dưỡng nhằm tái tạo, duy trì và nâng cao hoạt tính sinh học của các nguồn gien vi sinh vật trong quá trình lưu giữ và bảo quản.
3. Nội dung công tác thu thập, tuyển chọn lưu giữ, bảo quản nguồn gien vi sinh vật nông nghiệp.
3.1. Điều tra các nguồn gien vi sinh vật từ các mẫu cây, mẫu đất, mẫu nước hoặc một cơ chất nào đó tuỳ thuộc vào mục đích nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
3.2. Tuyển chọn các nguồn gien vi sinh vật có hoạt tính sinh học cao, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đất đai, cây trồng, vật nuôi và môi trường sinh thái.
3.3. Xác định đặc điểm sinh học và vị trí phân loại của các nguồn gien vi sinh vật được nghiên cứu và lưu giữ.
3.4. Thu thập và nhập nội nguồn gien có hoạt tính sinh học đặc biệt và các nguồn gien mới cho các sản phẩm có giá trị .
3.5. Nghiên cứu xác định các phương pháp bảo quản phù hợp đảm bảo duy trì sức sống và hoạt tính của các nguồn gien vi sinh vật. Tuỳ theo mục đích bảo quản, điều kiện trang thiết bị, trình độ cán bộ và khả năng sinh trưởng, sự ổn định di truyền của nguồn gien vi sinh vật có thể bảo quản vi sinh vật ngắn hạn hoặc dài hạn .
3.6. Định kỳ kiểm tra độ sống sót, kiểm tra đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hoá, hoạt tính sinh học …. trong quá trình lưu giữ, bảo quản.
3.7. Phục tráng các nguồn gien bị thoái hoá. Chọn tạo các nguồn gien mới có giá trị.
3.8. Khai thác, sử dụng các nguồn gien có lợi, tạo các sản phẩm sinh học có giá trị, trong đó chú ý đảm bảo tính nguyên vẹn của nguồn gien ban đầu và sự tồn tại của loài.
3.9. Xây dựng tư liệu thông tin dưới các hình thức như các loại catalogue, ấn phẩm thông tin, phiếu lý lịch và cất giữ các thông tin trên máy vi tính. Hai loại tư liệu hoá bắt buộc đối với công tác lưu trữ nguồn gien vi sinh vật là:
+ Tư liệu nguồn gien VSV (phụ lục 1)
+ Tư liệu cho việc nhận và chuyển nhượng nguồn gien VSV (phụ lục 2)
4. Trách nhiệm của chủ thể nguồn gien VSV:
4.1. Bộ nông nghiệp – PTNT khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nguồn gien VSV nông nghiệp (chủ thể nguồn gien) có ích tham gia xây dựng bảo tàng quỹ gien.
4.2. Chủ thể các nguồn gien vi sinh vật đều có thể gửi nguồn gien vào bảo tàng quỹ gien, được đảm bảo quyền lợi và có trách nhiệm như nhau.
4.3. Các chủ thể nguồn gien VSV khi muốn gửi vào bảo tàng quỹ gien, phải cung cấp đầy đủ các tư liệu thông tin có liên quan đến nguồn gien (theo phụ lục 1).
4.4. Các chủ thể nguồn gien vi sinh vật gửi vào quỹ gien phải có trách nhiệm đóng lệ phí bảo quản tuỳ theo từng chủng loại, thời gian, điều kiện và số lượng nguồn gien VSV.
5. Trách nhiệm của bảo tàng quỹ gien:
5.1. Bộ Nông nghiệp – PTNT giao cho Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm bảo quản nguồn gien VSV nông nghiệp (bảo tàng quỹ gien), trừ VSV thú y.
5.2. Bảo tàng quỹ gien có trách nhiệm thu thập, tuyển chọn, lưu giữ, bảo quản nguồn gien VSV không được để lẫn tạp, mất mát các nguồn gien đã có, không được gây khó khăn cho các chủ thể VSV gửi vào bảo tàng quỹ gien. Khi chưa được chủ thể nguồn gien cho phép thì không được tự tiện trao cho bất kỳ ai có nhu cầu về nguồn gien đó.
5.3. Khi xảy ra mất mát, lẫn tạp hoặc làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn gien VSV, đơn vị và cá nhân trực tiếp bảo quản quỹ gien phải chịu trách nhiệm trước Bộ Nông nghiệp – PTNT, tuỳ theo mức độ, Bộ sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng.
PHỤ LỤC 1
PHIẾU LÝ LỊCH NGUỒN GIEN VI SINH VẬT
1. Chủ thể nguồn gien VSV
2. Phân loại nguồn gien VSV
3. Tên khoa học của nguồn gien VSV
4. Ký hiệu nguồn gien VSV
5. Nguồn gốc
6. Môi trường giữ giống
7. Tài liệu ghi công thức môi trường giữ giống
8. Điều kiện nuôi cấy
8.1.Môi trường nuôi cấy
8.2. Nhiệt độ thích hợp
8.3. pH thích hợp
8.4. Các yêu cầu đặc biệt
9. Đặc điểm nguồn gien VSV
9.1. Thuần hay không thuần
9.2. Các hoạt tính sinh học đã biết
9.3. Phạm vi áp dụng
10. Tài liệu nghiên cứu có liên quan
Chủ thể nguồn gien |
Đại diện bảo tàng quỹ gien |