Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 338:1998 về kiểm dịch thực vật – Phương pháp kiểm tra cây xuất, nhập khẩu và quá cảnh
TIÊU CHUẨN NGÀNH
10 TCN 338:1998
KIỂM DỊCH THỰC VẬT
PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA CÂY XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ QUÁ CẢNH
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
Tiêu chuẩn này áp dụng để kiểm tra các lô cây xuất, nhập khẩu và quá cảnh
2. Thuật ngữ và định nghĩa:
Trong tiêu chuẩn này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2.1. Cây: Bao gồm cây và các bộ phận của cây (trừ củ, quả, hạt)
2.2. Lô cây: Là lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật ở dạng cây (như nêu tại điểm 2.1 trên)
2.3. Diện quan sát: Bao gồm toàn bộ khối lượng lô cây, bao bì, đồ chèn lót, kho bãi, phương tiện chuyên chở cũng như các vật thể khác và không gian tiếp giáp lô cây đó.
2.4. Điểm quan sát: Bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện quan sát (Nếu diện quan sát nhỏ hơn 10m2 hoặc l0m3). Nếu diện quan sát từ 10 m2 hoặc 10m3 trở lên thì mỗi điểm quan sát ít nhất phải 1m2 hoặc 1m3. Mỗi điểm lấy mẫu đồng thời là một điểm quan sát.
3. Phương pháp kiểm tra:
3.1. Dụng cụ:
– Vợt côn trùng, thước đo cốc đong, găng tay, hộp (đựng mẫu, nuôi sâu )
– Cân phân tích, cân kỹ thuật có độ chính xác tối thiểu 0,01gram
– Dao, kéo, vam và các đồ dùng khác để mở bao, hòm
– Panh, chổi hoặc bút lông, túi hoặc hộp đựng mẫu
– Thẩu, bình tam giác, chai, lọ, đĩa petry, ống tuýp
– Kính hiển vi có độ phóng đại 40 x 1000, kính lúp có độ phóng đại 10 x 35
– Nguồn sáng, dụng cụ tiệt trùng, tủ định ôn, tủ lạnh v.v…
– Hoá chất chuyên dùng cho từng loại bệnh cây, côn trùng, tuyến trùng, cỏ dại…
3.2. Quan sát:
– Quan sát từ tổng thể đến chi tiết, từ ngoài vào trong diện điều tra.
– Tập trung chú ý côn trùng bay, bò trên và chung quanh đống cây trên bao bì, phương tiện chứa đựng và đồ chèn lót, cư trú ở những vị trí có độ nhiệt, độ ẩm, độ ánh sáng khác thường, ở nơi có nhiều cây héo úa, cong queo, gãy vụn và rác rưởi tàn dư thực vật khác.
– Những cây có màu, mùi và hình dạng khác thường cũng phải được chú ý quan sát các sinh vật gây hại.
3.3. Lấy mẫu:
3.3.1. Vừa lấy mẫu vừa quan sát, thu thập mẫu cây có triệu trứng bị hại và côn trùng. Bao gói, ghi nhãn và lập biên bản theo quy định tại mục 3 của TCVN 4731- 89.
3.3.2. Vị trí, cách lấy mẫu, số lượng, khối lượng mẫu ban đầu và khối lượng mẫu trung bình của lô cây được thực hiện như sau:
a) Đối với cây trồng túi bầu, chậu, vại hoặc rễ để trần xếp trên khung giá, xếp chồng lên nhau và cành ghép, mắt ghép để rời hoặc bó thành bó rồi xếp đống thì quy các giá xếp chồng lên nhau hoặc các đống đó thành hình khối nhất định và phân bố đều các cây, lấy mẫu ban đầu trong hình khối đó.
b) Số lượng mẫu ban đầu:
Tổng số cây |
Số lượng mẫu ban đầu |
Từ 1 – 10 |
Kiểm tra toàn bộ |
Từ 11 – 100 |
Từ 1 – 20 |
Từ 101 – 500 |
(**) |
Từ 501 – 2000 |
(**) |
Từ 2001 – 5000 (Trên 5000 thì chia nhỏ, lặp lại như trên để kiểm tra) |
(**) |
* TS : Tổng số cây
** : Lấy đơn vị chẵn (Nếu không nhiều hơn nhau 10, 20, hoặc 30 thì không tính thêm một mẫu ban đầu)
c) Số lượng cây của mỗi mẫu ban đầu ít nhất là 1
d) Số lượng cây của mỗi mẫu trung bình là từ 10-30% tổng số cây của tất cả các mẫu ban đầu lấy ra từ mỗi lô và ít nhất là 1 cây.
e) Mẫu lưu, mẫu phân tích và mẫu gửi về Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu là mẫu trung bình và các cây (gồm cả đất nếu cây có bầu) nghi bị nhiễm sinh vật gây hại (nếu có).
3.4. Trình tự các bước quan sát và lấy mẫu
3.4.1. Đối với các lô cây nhập khẩu và quá cảnh
3.4.1.1. Chuyên chở bằng đường thuỷ:
Trước khi cập bến, tàu, sà lan, thuyền từ nước ngoài vào phải được quan sát mặt ngoài boong, mui. Nếu có điều kiện thì quan sát mặt trong hầm chứa cây, vừa quan sát vừa lấy mẫu. Nếu không có điều kiện thì việc quan sát lấy mẫu được tiến hành trong quá trình bốc dỡ khi tàu, sà lan, thuyền neo đậu tại nơi sang mạn hoặc tại bến.
3.4.1.2. Chuyên chở bằng đường bộ, đường không
a) Kiểm tra bên ngoài toa xe lửa, thùng xe, container và nơi chứa cây. Nếu có điều kiện thì kiểm tra cả bên trong các phương tiện chuyên chở, chứa đựng, bên ngoài bao bì chứa cây và các hàng hoá khác xếp chung trong các phương tiện chuyên chở, chứa đựng đó trước khi bốc dỡ tại cửa khẩu.
b) Nếu không có điều kiện quan sát như nêu ở chi tiết a của điểm 3.4.l.2.thì việc quan sát, lấy mẫu lô cây được tiến hành trong quá trình bốc dỡ vào kho bãi tại cửa khẩu nhập hoặc bốc dỡ sang phương tiện chuyên chở khác để đưa vào nội địa.
c) Trường hợp lô cây nhập khẩu hoặc quá cảnh đưa vào kho bãi thì, nếu có điều kiện phải xem xét tình trạng sinh vật gây hại của kho bãi trước khi lô cây đó vào, nếu không có điều kiện thì tình trạng đó phải được lưu ý trong quá trình quan sát chung quanh kho bãi, mặt ngoài kho, trên mặt bãi, bên trong kho, mặt ngoài lô cây, vừa quan sát, vừa lấy mẫu khối cây như nêu tại các điểm 3.2, 3.3 trên đây.
3.4.2. Đối với các lô cây xuất khẩu
3.4.2.1. Quan sát lấy mẫu tại kho, bãi tập kết hoặc phương tiện chuyên chở nội địa trước khi bốc xếp lên phương tiện chuyên chở khác để đưa thẳng ra nước ngoài. Việc quan sát, lấy mẫu này được tiến hành theo quy định tại các điểm 3.2, 3.3 trên đây.
3.4.2.2. Trường hợp cần thiết và có điều kiện thì việc kiểm tra, lấy mẫu được tiến hành tại nơi bảo quản tập trung trước khi đưa đến địa điểm tập kết nêu tại chi tiết 3.4.2.1, khi lô cây xuất khẩu đã được định hình (khối lượng và ký mã hiệu đã được xác định).
3.4.2.3. Trường hợp cần thiết và có điều kiện thì điều tra, quan sát và lấy mẫu phân tích ngay trước khi thu hoạch cây tại ruộng vườn.
3.5. Phân tích
Phân tích côn trùng trước, sau đó đến nấm bệnh, tuyến trùng, vi trùng, virus….
– Tách, phân lập hoặc chẩn đoán các sinh vật gây hại hạt theo các phương pháp chuyên dùng, đặc trưng phù hợp với từng loài sinh vật gây hại.
– Chú ý côn trùng, nhện, nhuyễn thể bám ở tất cả các bộ phận của cây, trứng có kích cỡ nhỏ ở mặt dưới của lá: rệp sáp, rệp vẩy ở các chồi mầm, nách lá, gốc cây. Nếu cây đựng trong túi bầu, chậu vại hoặc phần gốc, rễ của cây được bọc bằng vật liệu giữ ẩm thì phải tháo bỏ các thứ đó để tìm bắt côn trùng ở dạng nhộng, sâu non, trưởng thành cư trú tại đây. Những bộ phận của cây nghi có côn trùng ở trong đều được bổ, chẻ ra để bắt côn trùng.
3.6. Định loại
Sinh vật gây hại thu được trong quá trình quan sát, lấy mẫu và sau khi phân tích theo quy định tại điểm 3.5 trên đây đều được định loại chủ yếu bằng phương pháp so sánh hình thái kết hợp với triệu chứng hạt bị hại. Trong trường hợp cần và có điều kiện thì định loại bằng phương pháp khác hoặc kết hợp với phương pháp khác như phản ứng hoá sinh, phân tích gien, kháng huyết thanh, lây bệnh nhân tạo v.v…
3.7. Lưu giữ và chuyển gửi mẫu vật, tiêu bản
3.7.1. Mẫu cây xuất nhập khẩu hoặc quá cảnh phải được lưu giữ ở dạng tươi ít nhất là 15 ngày. Nếu là mẫu của lô cây nhập khẩu hoặc quá cảnh bị nhiễm bệnh thuộc danh mục dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì phải được lưu giữ trong dung dịch thích hợp ít nhất là 12 tháng.
3.7.2. Dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam đã được phát hiện trên các lô cây nhập khẩu hoặc quá cảnh phải được lưu giữ, chuyển gửi về các chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, nếu lần đầu tiên phát hiện phải được chuyển về Trung tâm Phân tích giám định và thí nghiệm Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật ).
3.7.3. Mẫu cây nhập khẩu dùng để gieo trồng phải được chuyển, gửi về Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Cục Bảo vệ thực vật).
3.8. Đảm bảo an toàn
Trong quá trình thu thập, phân tích, định loại, bảo quản và chuyển gửi mẫu vật, tiêu bản của các lô cây nhập khẩu hoặc quá cảnh phải phòng ngừa triệt để sự lây lan, xâm nhập dịch hại kiểm dịch thực vật của Việt Nam từ các lô cây đó vào sâu trong nội địa Việt Nam.
3.9. Những sinh vật gây hại phải được lưu ý khi kiểm tra lô cây.
3.9.1. Nhập khẩu và quá cảnh: Chú ý những sinh vật gây hại thuộc danh mục dịch hại kiểm dịch thực vật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành và xuất xứ, hành trình vận chuyển của lô cây.
3.9.2. Xuất khẩu: Những sinh vật gây hại có phổ biến ở Việt Nam mà nước nhập khẩu cấm hoặc hạn chế đưa vào theo hợp đồng mua bán, Hiệp định song phương và các thoả thuận Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, cũng như thông lệ, tập quán Quốc tế. Đặc biệt là nhóm bệnh lưu truyền qua rễ, thân, cành, nhóm côn trùng, nhện, rệp cư trú trên các bộ phận của cây theo tài liệu chuyên môn đã công bố.
4. Ghi nhận số liệu và kết quả kiểm tra
Các hồ sơ giấy tờ về tình hình và kết quả kiểm tra các lô cây xuất, nhập khẩu và quá cảnh thực hiện theo quy định tại điều 3 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 91/1998/QĐ/BNN-BVTV ngày 2/7/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.