Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8744-1:2011 (ISO 26322-1 : 2008) Máy kéo dùng trong nông lâm nghiệp – An toàn – Phần 1: Máy kéo tiêu chuẩn.
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 8744-1 : 2011
ISO 26322-1 : 2008
MÁY KÉO DÙNG TRONG NÔNG LÂM NGHIỆP – AN TOÀN – PHẦN I: MÁY KÉO TIÊU CHUẨN
Tractors for agricultural and forestry – Safety – Part 1: Standard tractors
Lời nói đầu
TCVN 8744-1 : 2011 hoàn toàn tương đương với ISO 26322-1 : 2008.
TCVN 8744-1 : 2011 do Trung tâm Giám định máy và Thiết bị biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 8744 : 2011 thay thế TCVN 6818-3 : 2001.
Bộ TCVN 8744 (ISO 26322) Máy kéo dùng trong nông lâm nghiệp – An toàn bao gồm các phần sau đây:
– Phần 1: Máy kéo tiêu chuẩn;
– Phần 2: Máy kéo nhỏ và máy kéo vết bánh hẹp.
MÁY KÉO DÙNG TRONG NÔNG LÂM NGHIỆP – AN TOÀN – PHẦN I: MÁY KÉO TIÊU CHUẨN
Tractors for agricultural and forestry – Safety – Part 1: Standard tractors
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu an toàn chung và kiểm tra thiết kế và kết cấu máy kéo tiêu chuẩn dùng trong nông lâm nghiệp. Các máy kéo này có ít nhất 2 trục lắp bánh hơi, với khoảng cách vết bánh xe nhỏ nhất của trục phía sau lớn hơn 1 150 mm, có khối lượng máy kéo không lắp đối trọng lớn hơn 600 kg.
CHÚ THÍCH: Máy kéo không lắp đối trọng có khối lượng không lớn hơn 600 kg và khoảng cách vết bánh lốp rộng điều chỉnh nhỏ nhất £ 1 150 mm được đề cập trong ISO 26322-2.
Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn quy định loại thông tin về thực hành làm việc an toàn (bao gồm cả những nguy cơ còn tồn tại) cần được nhà chế tạo cung cấp, cũng như các phương tiện kỹ thuật để nâng cao mức độ an toàn đối với người lái và những người khác có liên quan khi vận hành, bảo dưỡng và sử dụng máy kéo bình thường.
Tiêu chuẩn không áp dụng cho rung động hoặc phanh.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn dưới đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung.
TCVN 2573-1 (ISO 500-1), Máy kéo nông nghiệp. Trục trích công suất phía sau loại 1, 2 và 3 – Phần 1: Đặc điểm kỹ thuật chung, yêu cầu an toàn, kích thước vỏ bảo vệ và khoảng không gian trống;
TCVN 1773-14 : 1999 (ISO 5131 : 1996), Máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp – Phương pháp thử. Phần 14: Đo tiếng ồn ở vị trí làm việc của người điều khiển máy – Phương pháp điều tra;
TCVN 7020 : 2002 (ISO 11684 : 1995), Máy kéo và Máy dùng trong nông lâm nghiệp, thiết bị làm vườn và làm cỏ có động cơ – Ký hiệu và hình vẽ mô tả nguy hiểm – Nguyên tắc chung;
TCVN 7383-1 : 2004 (ISO 12100-1 : 2003), An toàn máy – Khái niệm cơ bản, nguyên tắc chung cho thiết kế. Phần 1: Thuật ngữ cơ bản, phương pháp luận;
TCVN 6721 : 2000 (ISO 13854 : 1996), An toàn máy – Khe hở nhỏ nhất để tránh kẹp dập các bộ phận cơ thể người;
ISO 3463, Tractors for agriculture and forestry – Roll-over protective structures (ROPS) – Dynamic test method and acceptance conditions (Máy kéo dùng trong nông lâm nghiệp – Kết cấu bảo vệ phòng lật (ROPS) – Phương pháp thử động lực học và điều kiện nghiệm thu);
ISO 3600, Tractors, machinery for agriculture and forestry, powered lawn and garden equipment – Operator’s manuals – Content and presentation (Máy kéo, máy dùng trong nông lâm nghiệp, máy cắt cỏ và máy làm vườn có động cơ – Sổ tay người vận hành – Nội dung và cách trình bày);
ISO 3776-1, Tractors and machinery for agriculture – Seat belts – Part 1: Anchorage location requirements (Máy kéo và máy dùng trong nông nghiệp – Đai an toàn – Phần 1: Yêu cầu định vị móc);
ISO 3776-2, Tractors and machinery for agriculture – Seat belts – Part 2: Anchorage strength requirements (Máy kéo và máy dùng trong nông nghiệp – Đai an toàn – Phần 2: Yêu cầu độ bền móc);
ISO 3776-3, Tractors and machinery for agriculture – Seat belts – Part 3: Requirements for assemblies (Máy kéo và máy dùng trong nông nghiệp – Dây an toàn – Phần 3: Yêu cầu đối với lắp ráp);
ISO 3795, Road vehicles, and tractors and machinery for agriculture and forestry – Determination of burning behaviour of interior materials (Xe chạy trên đường, máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp – Xác định tính bốc cháy của vật liệu bên trong);
ISO 4252, Agricultural tractors – Operator’s workplace, access and exit – Dimensions (Máy kéo nông nghiệp – Vị trí làm việc của người lái, cửa vào và ra – Kích thước);
ISO 4413 : 2010, Hydraulic fluid power- General rules and safety requirements for systems and their components (Công suất thủy lực – Quy tắc chung và yêu cầu an toàn đối với hệ thống và phần hợp thành của chúng);
ISO 5700, Tractors for agriculture and forestry – Roll-over protective structures (ROPS) – Static test method and acceptance conditions (Máy kéo dùng trong nông làm nghiệp – Kết cấu bảo vệ phòng lật (ROPS) – Phương pháp thử tĩnh và điều kiện nghiệm thu);
ISO 7216, Acoustics – Agricultural and forestry wheeled tractors and self-propelled machines – Measurement of noise emitted when in motion (Âm học – Máy kéo bánh nông lâm nghiệp và máy tự hành – Đo tiếng ồn phát ra khi chuyển động);
ISO 8759-1, Agricultural wheeled tractors – Front-mounted equipment – Part 1: Power take-off and three-point linkage (Máy kéo nông nghiệp – Thiết bị treo phía trước – Phần 1: Trục trích công suất và cơ cấu treo 3 điểm);
ISO 10998, Agricultural tractors – Requirements for steering (Máy kéo nông nghiệp – Yêu cầu đối với bộ phận lái);
ISO 13857 : 2008, Safety of machinery – Safety distances to prevent hazard zones being reached by upper and lower limbs (An toàn máy – Khoảng cách an toàn để ngăn ngừa tay và chân chạm tới vùng nguy hiểm);
ISO 15077, Tractors and self-propelled machinery for agriculture – Operator controls – Actuating forces, displacement, location and method of operation (Máy kéo và máy tự hành trong nông nghiệp – Điều khiển vận hành – Lực tác động, độ dịch chuyển, vị trí và phương pháp vận hành);
ISO 23205, Agricultural tractors – Instructional seat (Máy kéo nông nghiệp – Ghế ngồi hướng dẫn).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Vận hành và bảo dưỡng bình thường (normal operation and service)
Việc sử dụng máy kéo theo mục đích do nhà chế tạo đã định trước và do người vận hành am hiểu các đặc tính của máy kéo và tuân thủ các thông tin về vận hành, chăm sóc và thực hành an toàn như nhà chế tạo quy định trong sổ tay người vận hành và các ký hiệu trên máy kéo thực hiện.
3.2. Giá ba điểm tựa (three-point contact support)
Hệ thống cho phép một người dùng đồng thời hai tay và một chân, hoặc hai chân và một tay khi lên hoặc xuống khỏi máy kéo.
3.3. Bảo vệ nhờ vị trí (guarded by location)
Sự bảo vệ khi mà nguy cơ được ngăn chặn bởi các phần khác hoặc các cấu kiện của máy kéo mà vốn không phải là các bộ phận bảo vệ, hoặc khi mà các chi trên và chi dưới không thể tiếp cận được nguy cơ.
3.4. Sự tiếp cận vô ý (inadvertent contact)
Sự đối mặt không chủ định của con người với nguy cơ xảy ra do thao tác trong vận hành và bảo dưỡng máy kéo bình thường.
3.5. Mối nguy hiểm (hazard)
Các bộ phận máy có thể gây ra tổn thương khi tiếp xúc trực tiếp hoặc do vướng mắc trang phục cá nhân.
CHÚ THÍCH: Các bộ phận này bao gồm, nhưng không giới hạn các đầu nhọn, các đầu kẹp và các vật bắn ra từ bộ phận quay.
4. Yêu cầu an toàn
4.1. Những nguyên tắc cơ bản, hướng dẫn thiết kế
4.1.1. Máy kéo phải thiết kế phù hợp với các nguyên tắc giảm nguy cơ được quy định tại Điều 5, TCVN 7383-1 : 2004 (ISO 12100-1 : 2003), đối với những nguy hiểm liên quan nhưng không đáng kể.
4.1.2. Ngoài những quy định trong tiêu chuẩn này, các khoảng cách an toàn phải phù hợp với các Bảng 1, 3, 4 và 6, ISO 13857 : 2008 và Bảng 1, TCVN 6721 : 2000 (ISO 13854 : 1996).
4.1.3. Nắp đậy động cơ máy kéo có thể mở mà không cần các dụng cụ được xem như là tấm che đối với các bộ phận quay, với điều kiện nắp đậy động cơ chỉ được tháo rời khỏi máy kéo bằng các dụng cụ chuyên dùng.
4.2. Tiếng ồn
4.2.1. Tiếng ồn tại vị trí của người lái
Kiểm tra và đo tiếng ồn phải thực hiện theo ISO 5131.
CHÚ THÍCH: Phụ lục A, ISO 5131 : 1996, đưa quy trình cụ thể cho máy kéo nông lâm nghiệp.
4.2.2. Tiếng ồn phát ra khi chuyển động
Kiểm tra và đo tiếng ổn phải thực hiện theo ISO 7216.
4.3. Cần điều khiển
4.3.1 Quy định chung
4.3.1.1. Các cần điều khiển như bánh lái hoặc cần lái, cần sang số, cần gạt điều khiển, tay quay, bàn đạp và công tắc phải được chọn, thiết kế, chế tạo và bố trí sao cho các vị trí và phương pháp vận hành chúng phải phù hợp với ISO 15077.
4.3.1.2. Các cần điều khiển bằng tay phải có khe hở tối thiểu theo ISO 4252. Những yêu cầu này không áp dụng cho các bộ phận điều khiển dùng đầu ngón tay như các nút bấm, công tắc điện.
4.3.2. Khởi động và dừng động cơ
4.3.2.1. Phải có biện pháp ngăn ngừa khả năng để xảy ra khởi động động cơ không chủ định và/hoặc không được phép. Ví dụ, bao gồm tất cả các biện pháp và các trường hợp sau:
– Bộ phận đánh lửa hoặc công tắc khởi động có chìa khóa có thể lấy ra;
– Buồng lái có khóa;
– Hộp che toàn bộ bộ phận đánh lửa hoặc công tắc khởi động;
– Khóa đánh lửa an toàn hay khóa khởi động (ví dụ, kích hoạt bằng thẻ khóa);
– Công tắc ngắt bộ ắc quy có khóa.
4.3.2.2. Máy kéo được trang bị khóa liên động khởi động theo ISO 15077 trên cụm cơ cấu ly hợp điều khiển kéo hoặc điều khiển ly hợp kéo và phanh kết hợp, phải bao gồm các phương tiện ngăn chặn người lái khởi động máy kéo khi đứng trên mặt đất, ví dụ cầm cần điều khiển thả ra bằng tay.
4.3.2.3. Nó phải không thực hiện được khởi động động cơ khi PTO (trục trích công suất) đã được kích hoạt.
Phải có phương tiện ngăn trục PTO truyền mô-men xoắn đến động cơ khi khởi động.
VÍ DỤ 1: Công tắc khóa liên động để ngăn chặn quay tay quay động cơ khi bộ phận điều khiển PTO ở vị trí hoạt động.
VÍ DỤ 2: Chỉ khởi động được động cơ khi ly hợp PTO đã ngắt.
4.3.2.4. Khởi động động cơ không làm xê dịch cơ cấu treo 3 điểm.
4.3.3. Bộ phận điều khiển ngoài đối với cơ cấu treo 3 điểm
4.3.3.1. Bộ phận điều khiển ngoài đối với cơ cấu treo 3 điểm phía trước hoặc sau phải vận hành ở một trong hai điều kiện giới hạn sau:
– Nâng hạ cơ cấu treo, khi đo từ điểm móc thấp nhất phải bị hạn chế lớn nhất tới 100 mm với từng kích hoạt điều khiển;
– Nâng hạ cơ cấu treo chỉ xảy ra trong thời gian bộ phận điều khiển được giữ ở vị trí kích hoạt.
4.3.3.2. Bộ phận điều khiển ngoài phải được bố trí ở vị trí mà người lái có thể kích hoạt chúng khi đứng trên mặt đất bên ngoài vùng nguy hiểm giữa máy kéo và công cụ. Điều này không được áp dụng để đánh giá hệ thống điều khiển ngoài loại trừ hoặc giảm thiểu những rủi ro. Ví dụ, bộ phận điều khiển có thể đạt được bằng định ra giới hạn tốc độ dịch chuyển lớn nhất của cơ cấu móc treo ba điểm.
Chiều cao lớn nhất được ưu tiên của các bộ phận điều khiển cao hơn mặt đất là 1 800 mm hoặc 2 000 mm, nếu đã xem xét về kỹ thuật.
4.3.3.3. Thiết bị phụ trợ phải được cung cấp để ngăn ngừa sự tác động vào các bộ phận điều khiển không được định trước.
4.3.3.4. Cho phép cách bố trí khác với điều kiện chúng có tác dụng ít nhất tương đương theo các yêu cầu tại 4.3.3.1, 4.3.3.2 và 4.3.3.3.
4.3.4. Bộ phận điều khiển ngoài PTO
4.3.4.1. Người lái máy có thể vận hành bộ phận điều khiển từ một vị trí cho phép tránh xa sự tiếp xúc với trục PTO hoặc IID (bộ phận truyền động đến công cụ) và xác định không có người ở vị trí nguy hiểm giữa máy kéo và công cụ gắn theo. Chiều cao của bộ phận điều khiển cao hơn mặt đất phải không được vượt quá 2 000 mm.
4.3.4.2. Thiết bị phụ trợ phải được chế tạo để ngăn ngừa sự gài không được định trước của ly hợp PTO. Bộ phận điều khiển hoặc các điều chỉnh phải được nhận biết rõ ràng và không dễ bị nhầm lẫn với các bộ phận điều khiển ngoài khác, nếu được trang bị (ví dụ như các bộ phận điều khiển hoặc bộ phận điều khiển cơ cấu treo 3 điểm).
4.3.4.3. Bộ phận điều khiển khởi động phải làm việc theo “nguyên tắc giữ để chạy” cho lần tác động đầu tiên tối thiểu 3 s.
4.3.4.4. Gài PTO sử dụng bộ phận điều khiển ngoài phải xảy ra nhanh không được trễ hơn khi sử dụng bộ phận điều khiển PTO chính.
4.3.4.5. Các bộ phận điều khiển ngoài phải luôn có thể thực hiện được dừng PTO từ vị trí ghế ngồi của người lái hay từ các bộ phận điều khiển ngoài được kết hợp.
4.3.5. Bàn đạp
Các bàn đạp phải có kích thước, khoảng cách và đặt cách nhau thích hợp. Các bàn đạp phải có bề mặt chống trượt và dễ làm sạch.
Để tránh người lái nhầm lẫn, các bàn đạp (ly hợp, phanh, chân ga) phải có chức năng và sắp đặt giống như của xe ô tô.
4.4. Buồng lái
4.4.1. Phương tiện lên xuống
4.4.1.1. Yêu cầu chung
4.4.1.1.1. Nếu chiều cao của sàn chỗ làm việc của người lái so với mặt đất vượt quá 550 mm, khi đo từ mặt đất với các bánh lốp có đường kính tối đa được bơm với áp suất theo quy định, hoặc bánh xích rộng nhất thì phải có các phương tiện lên xuống. Kích thước phải như chỉ dẫn trên Hình 1 hoặc Hình 2 và quy định tại 4.4.1.2.
4.4.1.1.2. Phải có che chắn ở phía sau của các bậc cấp hay bậc thang khi tay hoặc chân thò ra có thể tiếp xúc với các phần nguy hiểm của máy kéo, ví dụ như bánh lốp hoặc bánh xích.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN:
1 Cửa ra;
2 Khoảng hở;
3 Mép trên của bậc;
4 Mặt đất;
B Khoảng cách theo chiều cao giữa các bậc;
G Khoảng cách theo chiều ngang giữa các bậc.
Bề rộng nhỏ hơn 250 mm có thể sử dụng với điều kiện hợp lý về kỹ thuật, nhằm đạt được bề rộng thực tế lớn nhát. Trong mọi trường hợp bề rộng không được nhỏ hơn 150 mm.
Hình 1 – Kích thước các phương tiện lên xuống đối với buồng lái
Kích thước tính bằng milimét
Hình 2 – Kích thước các phương tiện lên xuống đối với buồng lái đặt từng chân
4.4.1.2. Các bậc cấp và bậc thang
4.4.1.2.1. Bậc đầu tiên với các loại bánh lốp có đường kính tối đa được bơm với áp suất quy định, hoặc bánh xích rộng nhất phải có chiều cao bước lên được. Khoảng cách theo chiều cao giữa các bậc kế tiếp phải bằng nhau với sai số ± 20 mm. Khoảng cách theo chiều cao giữa bậc cao nhất và sàn của người lái có thể thay đổi khi cần thiết, nhưng không được vượt quá 300 mm. Mỗi bậc cấp phải có bề mặt chống trượt và một chắn ngang ở mỗi phần cuối và được thiết kế sao cho bùn đất tích tụ lại là tối thiểu trong điều kiện làm việc bình thường, ví dụ như các bậc có chắn bùn hay đục lỗ). Cho phép liên kết mềm dẻo hoặc nối giữa bậc đầu tiên và thứ hai.
Nếu hệ thống bánh xích sử dụng như bậc lên xuống thì chiều cao bậc từ bánh xích đến sàn có thể lên tới 500 mm.
4.4.1.2.2. Nếu sử dụng thang leo thì độ nghiêng thang, a, phải nằm giữa góc 70° và 90° so với đường nằm ngang.
4.4.1.2.3. Các phương tiện lên xuống có độ nghiêng a so với đường nằm ngang dưới 70° phải phù hợp với Hình 1 và tổng của 2B + G phải £ 700 mm, trong đó B là khoảng cách thẳng đứng và G là khoảng cách theo đường ngang giữa các bậc.
4.4.1.2.4. Nếu các phần của phương tiện lên xuống di chuyển được thì lực vận hành bằng tay không được vượt quá giá trị bình quân 200 N, khi dịch chuyển từ vị trí bắt đầu đến vị trí dừng. Lực tột đỉnh không được vượt quá 400 N.
4.4.1.2.5. Không được có các nguy cơ bị đứt, kẹp hay những chuyển động không kiểm soát được xảy ra cho người lái khi di chuyển các phương tiện lên xuống.
4.4.1.2.6. Ở những máy bánh xích mà guốc xích và bề mặt miếng đệm guốc xích có thể được dùng làm bậc bước tiếp thì phải thiết kế guốc xích và bề mặt miếng đệm guốc xích có bề mặt chống trượt.
4.4.1.3. Lan can/tay vịn
4.4.1.3.1. Phải có lan can hay tay vịn sao cho người lái có thể luôn luôn duy được sự duy trì tiếp xúc ba điểm khi đi vào hoặc đi ra khỏi buồng lái. Phần cuối thấp nhất của lan can/tay vịn phải bố trí không được cao hơn 1 500 mm so với mặt đất. Phải có khe hở cho bàn tay tối thiểu 30 mm giữa lan can/tay vịn và các bộ phận liền kề (không kể tại các điểm bắt vào máy).
4.4.1.3.2. Phải bố trí lan can hay tay vịn ở phía trên bậc cấp/bậc thang trên cùng của bậc lên xuống tại chiều cao giữa 850 mm và 1 100 mm. Chiều dài của tay vịn trên máy kéo ít nhất phải là 110 mm.
4.4.2. Chỗ làm việc của người lái
4.4.2.1. Kích thước lối vào và ra chỗ làm việc của người lái phải tuân theo các yêu cầu như quy định trong ISO 4252.
4.4.2.2. Tại chỗ làm việc của người lái không được có những điểm cắt và kẹp trong tầm tay hoặc chân người lái khi ngồi ở ghế được bố trí.
4.4.2.3. Tầm với chân của người lái được xác định bởi một bán cầu bán kính 800 mm có tâm trên đường tâm ghế ngồi tại cạnh trước đệm ghế và hướng xuống dưới khi ghế ngồi ở đặt vị trí trung tâm.
Tầm với tay của người lái được chia thành các khối Hình cầu A và B, như thể hiện trên Hình 3. Tâm của các khối cầu này được bố trí cách 60 mm về phía trước và 580 mm về phía trên điểm chỉ báo chỗ ngồi (SIP) (xem Hình 3). Khối A có bán kính 550 mm, khối B là khối giữa bán kính này và bán kính hình cầu 1 000 mm.
Trong phạm vi khối A, giữa khả năng và quán tính thao tác và các bộ phận liền kề khác phải có khe hở tối thiểu là 120 mm. Trong phạm vi khối B phải có khe hở tối thiểu là 25 mm. Trong phạm vi cả hai khối phải có một góc tối thiểu 30° đề phòng các phần dịch chuyển tỳ vào nhau.
Đối với máy kéo trang bị buồng lái, tầm với tay và chân được giới hạn trong phạm vi buồng lái.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN:
1 Khối A;
2 Khối B;
3 SIP (xem ISO 5353).
Hình 3 – Tầm với tay của người lái
4.4.3. Ghế ngồi của người lái
Phải có một ghế ngồi thích hợp cho người lái trong mọi tư thế làm việc và vận hành. Thông tin về điều chỉnh ghế phải ghi trong sổ tay người vận hành. Ngoài ra, phải có dây đai an toàn, phù hợp với các yêu cầu như quy định trong ISO 3776-1, ISO 3776-2 và ISO 3776-3.
4.4.4. Ghế ngồi hướng dẫn
Nếu trang bị ghế ngồi hướng dẫn, phải phù hợp với các yêu cầu như quy định trong ISO 23205.
4.4.5. Độ bắt lửa của vật liệu buồng lái
Độ bắt lửa của vật liệu bên trong buồng lái như vật liệu bọc ghế ngồi, vách, sàn và các vỏ đệm lót trên nóc buồng lái phải không được vượt quá mức tối đa 150 mm/min khi thử theo ISO 3795.
4.5. Trục trích công suất (PTO)
4.5.1. Khe hở và bảo vệ PTO
PTO lắp phía sau phù hợp với các yêu cầu như quy định trong TCVN 2573-1 (ISO 500-1). PTO lắp phía trước phù hợp với các yêu cầu như quy định trong ISO 8759-1. Ngoài ra, bất cứ các bộ phận nào của máy kéo không đề cập trong TCVN 2573-1 (ISO 500-1) hoặc ISO 8759-1, để truyền công suất tới PTO phải được bảo vệ nhờ vị trí (xem 4.1.2), bằng các khoảng cách an toàn hoặc che chắn.
4.6. Yêu cầu về độ bền đối với các che chắn và thanh chắn
4.6.1. Các che chắn và thanh chắn, và các thanh chắn nói riêng có chiều cao đến 550 mm theo phương đứng tính từ mặt đất, thì phải thiết kế để chịu được tải trọng thẳng đứng là 1 200 N, trừ khi các che chắn/thanh chắn được thiết kế không sử dụng làm bậc lên xuống.
4.6.2. Các thanh chắn sử dụng để chống các mối nguy hiểm liên quan đến các bộ phận làm việc chuyển động phải chịu được tải trọng ngang sau đây:
– 1 000 N, cách mặt đất đến 400 mm trong tư thế làm việc;
– 600 N, cách mặt đất trên 400 mm trong tư thế làm việc.
4.7. Thiết bị điện
4.7.1. Cáp điện phải được bảo vệ, nếu có khả năng cọ xát với các bề mặt và phải có khả năng chống được hoặc được bảo vệ không tiếp xúc với chất bôi trơn hay nhiên liệu. Cáp điện phải được bố trí sao cho không có phần nào tiếp xúc với hệ thống xả, các bộ phận di động hoặc các cạnh sắc.
4.7.2. Phải lắp cầu chì hoặc các bộ phận bảo vệ quá tải khác trong tất cả các mạch điện, trừ mạch có cường độ dòng điện cao như mạch của động cơ khởi động và hệ thống đánh lửa cao áp. Sự sắp xếp các bộ phận này giữa các mạch điện phải ngăn chặn khả năng làm ngắt đồng thời tất cả các hệ thống báo động người lái.
CHÚ THÍCH: Để tương thích điện từ, xem ISO 14982.
4.8. Thành phần thủy lực và bộ phận nối
4.8.1. Hệ thống thủy lực phải đáp ứng các yêu cầu an toàn như quy định trong ISO 4413.
4.8.2. Cụm ống thủy lực mềm ở vùng xung quanh ghế người lái hoặc ghế hướng dẫn phải sắp xếp hoặc bảo vệ sao cho chúng không gây nguy hiểm tới người lái trong trường hợp bị hỏng.
4.9. Đối trọng
Đối trọng phải mang nhãn hiệu của nhà chế tạo và công bố khối lượng bằng kilôgam với độ chính xác ± 5 %.
4.10. Điều chỉnh thăng bằng – Cơ cấu treo phía trước và sau
Phải có khe hở cho bàn tay tối thiểu 25 mm đối với cơ cấu điều chỉnh thăng bằng trên các thanh kéo nâng được điều chỉnh bằng tay, trong suốt phạm vi tổng dịch chuyển của mối liên kết.
4.11. Hệ thống nhiên liệu
4.11.1. Thùng nhiên liệu phải là loại chống rỉ và thỏa mãn thử nghiệm rò rỉ với áp suất bằng hai lần áp suất làm việc hoặc 30 kPa, tùy theo áp suất nào lớn hơn.
4.11.2. Miệng lọc thùng nhiên liệu phải bố trí bên ngoài buồng lái và cách mặt đất hoặc sàn đứng không quá 1 500 mm .
4.11.3. Thùng nhiên liệu phải được trang bị phương tiện giới hạn áp suất tự động (lỗ thông hơi, van an toàn hoặc phương tiện khác) để ngăn ngừa áp suất lớn hơn áp suất làm việc. Nhiên liệu không được rò rỉ, không chảy nhỏ giọt qua nắp thùng hoặc phương tiện giới hạn áp suất, nếu thùng bị lật úp hoàn toàn.
4.11.4. Thùng nhiên liệu không được có phần nhô ra, không có các cạnh sắc hoặc đồ vật gần thùng mà chúng có thể gây ra nguy cơ làm hư hỏng thùng nhiên liệu.
4.11.5. Bình chứa cặn nhiên liệu, nếu sử dụng phải chịu được lửa.
4.12. Bảo vệ phòng lật
4.12.1. Hệ thống bảo vệ phòng lật phải đáp ứng các yêu cầu như quy định trong ISO 5700 hoặc ISO 3463.
4.12.2. Ắc quy, thùng dầu và hệ thống làm mát phải được lắp đặt hay thiết kế, được che đậy và/hoặc làm kín để giảm thiểu nguy cơ chất lỏng chảy ra có thể gây tổn thương cho người lái trong trường hợp máy bị lật đổ.
4.13. Bảo vệ chống vật rơi
Kết cấu bảo vệ ở trên đầu thích hợp nên chế tạo sẵn cho máy kéo dùng để hoạt động trong các môi trường mà ở đó có mối nguy hiểm từ các đồ vật rơi xuống (ví dụ các ứng dụng trong lâm nghiệp). Sổ tay hướng dẫn vận hành phải bao gồm các giải thích thông tin thích hợp khi kết cấu bảo vệ ở trên đầu được sử dụng và cảnh báo người lái không được vận hành máy kéo trong các ứng dụng, mà ở đó có thể dự đoán được mối nguy hiểm từ các đồ vật rơi xuống khi không dùng kết cấu bảo vệ như vậy.
CHÚ THÍCH: Phương pháp thử nghiệm và tiêu chuẩn chấp nhận theo trình bày ở dưới.
4.14. Bề mặt nóng
Những bề mặt nóng mà người lái có thể vô ý tiếp xúc trong vận hành máy kéo bình thường phải được che đậy hoặc cách ly. Điều này cũng áp dụng cho những bề mặt nóng có thể vô tình chạm phải nằm gần những bậc cấp, lan can, tay vịn và những bộ phận cấu thành máy được làm bậc lên xuống.
CHÚ THÍCH: ISO 13732-1 có thể được sử dụng như hướng dẫn để xác định bề các mặt nóng.
4.15. Khí thải
Hệ thống xả khí thải của động cơ phải xả khí thải ra xa người lái và cửa vào không khí của buồng lái.
4.16. Bộ phận lái
Đối với bộ phận lái, áp dụng các yêu cầu như quy định trong ISO 10998.
4.17. Cất giữ sổ tay người vận hành
Trên máy kéo phải có chỗ khô ráo và dễ lấy để cất giữ sổ tay người vận hành.
5. Thông tin sử dụng
5.1. Sổ tay người vận hành
5.1.1. Sổ tay người vận hành theo ngôn ngữ của nước mua máy và phải cung cấp cho từng máy kéo.
5.1.2. Trong sổ tay người vận hành phải có các chỉ dẫn về an toàn vận hành và bảo dưỡng máy thông thường, bao gồm cả việc sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân thích hợp, và phải phù hợp với các yêu cầu trong ISO 3600.
5.1.3. Trong trường hợp cụ thể, khi có liên quan, các thông tin và các điểm sau đây phải đưa vào:
a) Điều chỉnh ghế ngồi và hệ thống giảm xóc (bao gồm cả việc sử dụng dây an toàn) liên quan đến vị trí nhân trắc học của người vận hành đối với các bộ phận điều khiển;
b) Sử dụng và điều chỉnh bộ phận sưởi ấm, thông gió và hệ thống điều hòa không khí;
c) Khởi động và dừng động cơ, bao gồm cảnh báo không khởi động máy kéo từ vị trí bất kỳ nào, trừ khi theo chỉ dẫn của nhà chế tạo;
d) Vị trí và phương pháp mở cửa thoát hiểm;
e) Leo lên và rời khỏi máy kéo, kể cả đạp phanh đỗ trước khi rời khỏi vị trí lái;
f) Các mối nguy hiểm liên quan đến khu vực của máy kéo được nối bằng khớp;
g) Sử dụng các dụng cụ đặc biệt;
h) Các phương pháp an toàn đối với chăm sóc và bảo dưỡng;
i) Kiểm tra các ống thủy lực;
j) Kéo máy kéo;
k) Sử dụng an toàn các ổ cắm điện và giới thiệu các điểm cắm;
l) Các mối nguy hiểm liên quan đến ắc quy và thùng chứa nhiên liệu;
m) Các mối nguy hiểm lật đổ (gần bờ yếu của kênh hoặc mương, trên đường dốc đứng…), các mối nguy hiểm được đề cập nhưng chưa đầy đủ hết mọi khía cạnh;
n) Lắp, tháo và các thao tác với máy treo, máy nửa treo, máy kéo theo và rơ moóc (máy đi theo sau có thể thay thế cho nhau);
o) Nhấn mạnh tầm quan trọng của các chỉ dẫn dưới đây trong sổ tay hướng dẫn vận hành đối với máy treo, máy nửa treo và máy kéo theo hoặc rơ moóc;
p) Sự kẹp chặt chắc chắn của cơ cấu treo 3 điểm khi điều chỉnh nó;
q) Hạ thấp máy treo và máy nửa treo đến mặt đất trước khi tháo rời khỏi máy kéo;
r) Các thiết bị nối thủy lực, chức năng của chúng và cách sử dụng;
s) Khả năng của cơ cấu treo 3 điểm;
t) Trọng lượng tổng tối đa cho phép, tải trọng trục và bánh xe và yêu cầu đối trọng;
u) Hệ thống phanh rơ moóc và tính tương thích của chúng với máy kéo theo (kết nối đường ống thủy lực, điện, khí nén);
v) Tải trọng thẳng đứng tối đa trên móc phía sau, liên quan đến kích thước bánh xe phía sau và loại móc;
w) Khối lượng kéo cho phép cực đại;
x) Các mối nguy hiểm kết hợp ở khu vực giữa máy kéo và máy treo, máy nửa treo hoặc máy kéo theo;
y) Mức độ tiếng ồn phát ra, nếu cần công bố;
z) Mô tả và chức năng của các bộ phận điều khiển, kể cả giải thích các ký hiệu được sử dụng.
5.2. An toàn và các dấu hiệu thông báo
5.2.1. Các dấu hiệu an toàn phải được biểu thị một cách thích hợp khi cần thiết để cảnh báo cho người vận hành và những người khác về nguy cơ chấn thương cá nhân trong quá trình vận hành và chăm sóc bình thường.
5.2.2. Các dấu hiệu an toàn phải phù hợp với các yêu cầu của TCVN 7020 (ISO 11684).
5.2.3. Các dấu hiệu thông báo liên quan đến vận hành thiết bị, phục vụ và chăm sóc phải có sự phân biệt, đặc biệt là về màu sắc, khác với các dấu hiệu an toàn trên thiết bị.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ISO 5353 : 1995, Earth-moving machinery, and tractors and machinery for agriculture and forestry – Seat index point (Máy san ủi đất, máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp – Điểm chỉ báo chỗ ngồi);
[2] ISO 13732-1, Ergonomics of the thermal environment – Methods for the assessment of human responses to contact with surfaces – Part 1: Hot surfaces (Ecgônômi của môi trường nhiệt – Phương pháp đánh giá phản ứng của con người tiếp xúc với các bề mặt – Phần 1: Các bề mặt nóng);
[3] ISO 14982, Agricultural and forestry machinery – Electromagnetic compatibility – Test methods and acceptance criteria (Máy nông lâm nghiệp – Tính tương thích điện từ – Phương pháp thử và điều kiện chấp nhận);
[4] ISO 26322-2, Tractors for agriculture and forestry – Safety – Part 2: Narrow track and small tractors (Máy kéo dùng trong nông lâm nghiệp – An toàn – Phần 2: Máy kéo nhỏ và máy kéo vết bánh hẹp).
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Yêu cầu an toàn
4.1. Những nguyên tắc cơ bản, hướng dẫn thiết kế
4.2. Tiếng ồn
4.3. Các cần điều khiển
4.4. Buồng lái
4.5. Trục trích công suất (PTO)
4.6. Yêu cầu về độ bền đối với các che chắn và thanh chắn
4.7. Thiết bị điện
4.8. Thành phần thủy lực và bộ phận nối
4.9. Đối trọng
4.10. Điều chỉnh thăng bằng – Cơ cấu treo phía trước và sau
4.11. Hệ thống nhiên liệu
4.12. Bảo vệ phòng lật
4.13. Bảo vệ chống vật rơi
4.14. Bề mặt nóng
4.15. Khí thải
4.16. Bộ phận lái
4.17. Cất giữ sổ tay người vận hành
5. Thông tin sử dụng
5.1. Sổ tay người vận hành
5.2. An toàn và các dấu hiệu thông báo
Thư mục tài liệu tham khảo