Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11387-1:2016 (ISO 19932-1:2013) về Thiết bị bảo vệ cây trồng – Thiết bị phun đeo vai – Phần 1: Yêu cầu an toàn và môi trường
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 11387-1:2016
ISO 19932-1:2013
THIẾT BỊ BẢO VỆ CÂY TRỒNG – THIẾT BỊ PHUN ĐEO VAI – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN VÀ MÔI TRƯỜNG
Equipment for crop protection – Knapsack sprayers – Part 1: Safety and environmental requirements
Lời nói đầu
TCVN 11387-1 : 2016 hoàn toàn tương đương với ISO 19932-1 : 2013.
TCVN 11387-1 : 2016 do Trung tâm Giám định Máy và Thiết bị biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 11387:2016 (ISO 19932:2013) Thiết bị bảo vệ cây trồng – Thiết bị phun đeo vai bao gồm các phần sau:
– TCVN 11387-1 : 2016 (ISO 19932-1:2013), Phần 1: Yêu cầu an toàn và môi trường;
– TCVN 11387-2 : 2016 (ISO 19932-2:2013), Phần 2: Phương pháp thử.
THIẾT BỊ BẢO VỆ CÂY TRỒNG – THIẾT BỊ PHUN ĐEO VAI – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN VÀ MÔI TRƯỜNG
Equipment for crop protection – Knapsack sprayers – Part 1: Safety and environmental requirements
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn và môi trường, biện pháp kiểm tra thiết kế và kết cấu thiết bị phun đeo vai mang trên lưng hay vai người vận hành để sử dụng với các sản phẩm bảo vệ cây trồng. Ngoài ra, tiêu chuẩn còn quy định loại thông tin về kỹ thuật làm việc an toàn (bao gồm cả các nguy cơ còn tồn tại) do nhà chế tạo cung cấp.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho thiết bị phun cần lắc đeo vai, thiết bị phun sức nén đeo vai và thiết bị phun đeo vai dẫn động bằng động cơ hoặc động cơ điện sử dụng áp suất thủy lực của dung dịch phun, có dung tích danh định lớn hơn 3 I, dùng chủ yếu trong nông nghiệp và làm vườn.
Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với máy phun hóa chất dạng sương mù đeo vai kiểu quạt thổi theo TCVN 8745 (ISO 28139).
Tiêu chuẩn này đề cập đến tất cả các nguy hiểm đáng kể, các tình huống và trường hợp nguy hiểm liên quan đến thiết bị phun đeo vai khi sử dụng như dự định và với các điều kiện sử dụng ngoài chức năng chính mà nhà chế tạo dự kiến (xem Phụ lục A), trừ nguy hiểm phát sinh do:
– tĩnh điện;
– nổ hoặc cháy từ các hoá chất phun;
– kết cấu không đầy đủ.
Tiêu chuẩn không áp dụng cho thiết bị phun đeo vai được sản xuất trước thời điểm ban hành tiêu chuẩn này.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn dưới đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung.
TCVN 7020 : 2002 (ISO 11684:1995), Máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp, thiết bị làm vườn và làm cỏ có động cơ – Ký hiệu và hình vẽ mô tả nguy hiểm – Nguyên tắc chung.
TCVN 7437: 2010 (ISO 6385:2004), Nguyên lý Ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc.
TCVN 8411-5 : 2011 (ISO 3767-5 : 1992), Máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp, thiết bị làm vườn và làm cỏ có động cơ – Ký hiệu các cơ cấu điều khiển và các bộ phận chỉ báo khác – Ký hiệu cho máy lâm nghiệp cầm tay.
TCVN 9231 : 2012 (ISO 5681:1992), Thiết bị bảo vệ cây trồng – Từ vựng.
TCVN 9230-1 : 2012 (ISO 5682-1:1996), Thiết bị bảo vệ cây trồng – Thiết bị phun – Phần 1: Phương pháp thử vòi phun.
TCVN 11387-2 : 2016 (ISO 19932-2:2013), Thiết bị bảo vệ cây trồng – Thiết bị phun đeo vai – Phần 2: Phương pháp thử).
ISO 1401:1999, Rubber hoses for agricultural spraying (Ống dẫn cao su dùng để phun trong nông nghiệp).
ISO 3864-1 : 2011, Graphical symbols – Safety colours and safety signs – Part 1: Design princoiles for safety signs and safety markings (Ký hiệu bằng hình vẽ – Ký hiệu an toàn và màu sắc an toàn – Phần 1: Nguyên tắc thiết kế cho ký hiệu an toàn và nhãn an toàn).
ISO 8169 : 1984, Equipment for crop protection – Sprayers – Connecting dimensions for nozzles and manometers (Thiết bị bảo vệ cây trồng – Thiết bị phun – Kích thước kết nối dùng cho vòi phun và áp kế).
ISO 8893 : 1997, Forestry machinery – Portable brush-cutters and grass-trimmers – Engine performance and fuel consumption (Máy lâm nghiệp – Máy cắt bụi cây và xén cỏ cầm tay – Tính năng động cơ và chi phí nhiên liệu).
ISO 10626 : 1991, Equipment for crop protection – Sprayers – Connecting dimensions for nozzles with bayonet fixing (Thiết bị bảo vệ cây trồng – Thiết bị phun – Kích thước kết nối dùng cho vòi phun với cố định chốt cài).
ISO 12100 : 2010, Safety of machinery – General principles for design – Risk assessment and risk reduction (An toàn máy- Nguyên tắc chung cho thiết kế – Đánh giá rủi ro và giảm bớt rủi ro).
ISO 13732-1 : 2006, Ergonomics of the thermal environment – Methods for the assessment of human responses to contact with surfaces – Part 1: Hot surfaces (Ecgônômi trong môi trường nhiệt – Phương pháp đánh giá phản ứng của con người tiếp xúc với các bề mặt – Phần 1: Bề mặt nóng).
ISO 13857 : 2008, Safety of machinery – Safety distances to prevent hazard zones being reached by upper and lower limbs (An toàn máy – Khoảng cách an toàn để ngăn ngừa tay và chân chạm tới vùng nguy hiểm).
ISO 14982 : 1998, Agricultural and forestry machinery – Electromagnetic compatibility – Test methods and acceptance criteria (Máy nông lâm nghiệp – Tính tương thích điện từ – Phương pháp thử và chỉ tiêu nghiệm thu).
ISO 19732 : 2007, Equipment for crop protection – Sprayer filters – Colour coding for identification (Thiết bị bảo vệ cây trồng – Lưới lọc thiết bị phun – Mã màu dùng để nhận dạng).
ISO 22868 : 2011, Forestry and gardening machinery – Noise test code for portable hand-held machines with internal combustion engine – Engineering method (Grade 2 accuracy) (Máy lâm nghiệp và làm vườn – Quy tắc thử tiếng ồn đối với máy cầm tay có động cơ đốt trong – Phương pháp kỹ thuật (Độ chính xác cấp 2)).
ISO 29664 : 2010, Plastics – Artificial weathering including acidic deposition (Chất dẻo – Tạo biến đổi thời tiết nhân tạo bao gồm lắng đọng a-xít).
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 9231 (ISO 5681), ISO 12100 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1
Thiết bị phun đeo vai (knapsack sprayer)
Thiết bị phun độc lập mang trên lưng hoặc vai người vận hành bằng một hoặc nhiều dây đeo.
3.2
Dung tích danh định (nominal volume)
Dung tích chỉ báo mức nạp đầy tối đa, được đánh dấu trên thùng chứa.
CHÚ THÍCH 1 CHO MỤC: Mức nạp đầy tối đa có thể được đánh dấu bằng giá trị trên của thang đo hoặc ở mức dưới bằng dấu riêng.
3.3
Áp suất làm việc lớn nhất (maximum working pressure)
Áp suất lớn nhất cho phép tại bất cứ phần nào của thiết bị phun.
4 Yêu cầu chung
4.1 Quy định chung
4.1.1 Thiết bị phun phải tuân theo các yêu cầu an toàn và môi trường và/hoặc các biện pháp bảo vệ của Điều này, cũng như các yêu cầu bổ sung đối với các loại đeo vai riêng được quy định trong các Điều 5, Điều 6 và Điều 7.
Ngoài ra, thiết bị phun phải được thiết kế phù hợp với các nguyên tắc trong TCVN 7437 (ISO 6385) và ISO 12100 có liên quan, trừ các mối nguy hiểm không đáng kể không đề cập trong tiêu chuẩn này.
Các hoạt động phun bao gồm phun, nạp đầy, xả hết và làm sạch (bao gồm làm sạch lưới lọc và vòi phun) phải do người vận hành đeo găng tay bảo vệ thích hợp thực hiện.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.1.2 Khối lượng của thiết bị có thùng chứa và thùng nhiên liệu được nạp đầy đến dung tích danh định không được lớn hơn 25 kg. Trọng tâm của thiết bị phun ở tư thế thẳng đứng không được ở vị trí có khoảng cách lớn hơn 150 mm theo chiều ngang từ mặt phẳng thẳng đứng đi qua điểm cố định dây đeo với thùng chứa và thùng nhiên liệu được nạp đầy đến dung tích danh định và thiết bị sẵn sàng sử dụng.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
4.1.3 Thiết bị phun phải điều chỉnh được lượng dung dịch phun ra mà không bị lệch quá ± 15 % so với giá trị quy định trong sổ tay hướng dẫn vận hành.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.2, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.1.4 Các bộ phận bị mòn (như vòi phun, lưới lọc, van chống rò rỉ, van, màng bơm) được quy định trong sổ tay hướng dẫn vận hành phải dễ thay thế mà không cần dụng cụ đặc biệt, ngoại trừ được cung cấp cùng với thiết bị phun, do người vận hành đeo găng tay bảo vệ thích hợp thực hiện và không làm nhiễm bẩn người vận hành và môi trường.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.1.5 Các bộ phận tiếp xúc với dung dịch phun trong quá trình vận hành phải chịu được dung dịch phun. Sau khi ngâm trong dung dịch thử, sự thay đổi khối lượng của các thành phần nhỏ hoặc mẫu vật liệu của các thành phần lớn hơn phải không được quá 10 % khối lượng trước khi ngâm vào dung dịch thử. Các bộ phận phải không được biến dạng và khi được lắp lại vào thiết bị phun, thiết bị phun phải không được rò rỉ và phải hoạt động như dự định.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.9, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.1.6 Thiết bị phun phải được trang bị phương tiện để nhấc và đeo thiết bị phun khi nạp đầy ở vị trí thẳng đứng (ví dụ như tay cầm).
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.1.7 Để bảo đảm sự ổn định của thiết bị phun trong khi thực hiện thao tác nạp đầy, thiết bị phun phải giữ nguyên vị trí vững chắc trên mặt nghiêng 8,50 (± 0,20) ở bất kỳ hướng nào, không phụ thuộc vào lượng dung dịch trong thùng chứa.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.4, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.1.8 Thiết bị phun phải được thiết kế sao cho sự tổn thất dung dịch giảm đến mức tối thiểu khi dừng phun. Lượng thoát ra trong 5 s sau khi khóa vòi phun không được lớn hơn 5 ml.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
4.1.9 Đối với thiết bị phun có dung tích danh định lên đến 17 l, lượng dung dịch còn lại không được lớn hơn 250 ml. Đối với thiết bị phun lớn hơn 17 I, lượng này không được lớn hơn 1,5 % dung tích danh định thùng chứa.
Sự phù hợp phải được thử theo 6.1.3, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013) đối với thiết bị phun cần lắc, theo 7.2, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013) đối với thiết bị phun dẫn động bằng động cơ hoặc động cơ điện, theo 8.1.2, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013) đối với thiết bị phun sức nén.
4.1.10 Thiết bị phun phải được thiết kế để ngăn ngừa dung dịch đọng lại trong trường hợp bị tràn bất ngờ. Lượng đọng lại bên ngoài không được lớn hơn 70 ml.
Sự phù hợp phải được thử theo 6.1.2, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013) đối với thiết bị phun cần lắc, theo 7.1, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013) đối với thiết bị phun dẫn động bằng động cơ hoặc động cơ điện, theo 8.1.1, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013) đối với thiết bị phun sức nén.
4.1.11 Các bộ phận của thiết bị phun chịu áp suất phải chịu được áp suất gấp 2 lần áp suất làm việc lớn nhất do nhà chế tạo quy định sau khi tiến hành thử rơi như quy định trong TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
Sự phù hợp phải được thử theo 5.4, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.1.12 Các chỗ nối ống dẫn phải được bảo vệ khỏi bị hư hỏng để tránh rò rỉ.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát.
4.2 Dây đeo
4.2.1 Phải trang bị dây đeo để đeo thiết bị phun. Dây đeo phải điều chỉnh được để thích hợp với kích cỡ người vận hành sao cho một người có thể nhấc được thiết bị phun lên, đeo vào vai và đặt xuống.
Dây đeo vai đôi được thiết kế sao cho áp lực phân bố đều trên cả hai vai người vận hành. Kết cấu của dây đeo vai đôi phải ngăn cản không bị tuột theo bất kỳ chiều nào.
Tất cả các dây đeo vai đôi phải được trang bị cơ cấu tháo nhanh đặt ở vị trí nối giữa thiết bị phun và dây đeo hoặc giữa dây đeo và người vận hành. Dây đeo hoặc việc sử dụng cơ cấu tháo nhanh phải đảm bảo thiết bị phun có thể được tháo nhanh ra khỏi người vận hành trong trường hợp khẩn cấp.
Nếu trang bị cơ cấu tháo nhanh thì phải có thể mở cơ cấu khi có tải và tháo thiết bị phun ra khi chỉ dùng một tay.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.2.2 Dây đeo phải làm bằng vật liệu không hút nước. Sau khi nhúng nước, khối lượng của dây đeo tăng lên không được vượt quá 30 % khối lượng khô.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.8, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.2.3 Mỗi dây đeo phải có phần chiều dài chịu tải ít nhất 100 mm ± 10 mm và bề rộng tiện lợi tối thiểu:
a) 25 mm trong trường hợp khối lượng thiết bị phun (nạp đầy) lên đến 10 kg;
b) 50 mm trong trường hợp khối lượng thiết bị phun (nạp đầy) lớn hơn 10 kg;
Tải trọng phải được phân bố trên toàn bộ bề rộng.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
4.2.4 Nếu bề mặt chịu tải là dạng miếng lót thì miếng lót phải không được trượt khỏi vị trí của nó khi vô ý. Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.2.5 Không được có hư hỏng gì trên dây đeo chịu tải và các điểm cố định của chúng, làm giảm chức năng của chúng như khi thử rơi dây đeo theo quy định.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.3, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.3 Thùng chứa
4.3.1 Dung tích danh định phải quy định bằng lít (I). Nó phải xác định được mức nạp đầy thùng chứa của thiết bị phun với độ phân dải tối thiểu 1 I.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát.
4.3.2 Thang đo dung tích phải có sai số lớn nhất ± 10% giá trị đọc.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.3.3 Vật liệu thùng chứa phải chịu được bức xạ tia tử ngoại (UV). Khi thử theo Phương pháp B trong ISO 29664:2010, vật liệu thùng chứa phải không có rạn nứt và sự thay đổi độ bền kéo không được lớn hơn 20 % giá trị lúc đầu sau 6 tuần phơi ra ánh nắng.
Sự phù hợp phải được chứng nhận bởi nhà chế tạo vật liệu thùng chứa.
4.3.4 Thùng chứa phải có thể nạp đầy đến dung tích danh định trong khoảng thời gian 60 s. Tổng lượng dung dịch bị tràn ra trong khi nạp đầy phải không được vượt quá 5 ml.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.6, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.3.5 Thùng chứa phải có thể xả hết hoàn toàn. Lượng dung dịch còn lại trong thùng chứa phải không được vượt quá 50 ml.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.7, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
CHÚ THÍCH: Yêu cầu này còn mở rộng đối với thiết bị phun có bơm màng.
4.3.6 Người vận hành phải được bảo vệ để tránh tiếp xúc với sản phẩm bảo vệ thực vật khi xả hết thùng chứa. Yêu cầu này được đáp ứng nếu cửa xả có thể mở mà người vận hành đeo găng tay bảo vệ thích hợp thực hiện không cần dụng cụ và dòng chảy hướng ra xa người vận hành, sao cho nó có thể thu gom được trong một thùng chứa thích hợp.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.4 Bộ phận điều khiển
4.4.1 Người vận hành đeo găng tay bảo vệ thích hợp phải có thể thao tác được tất cả các bộ phận điều khiển.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.4.2 Ống dẫn chịu áp suất phải trang bị cơ cấu ngắt nhanh được bố trí sao cho người vận hành có thể tiếp cận dễ dàng ở tư thế làm việc bình thường. Phải giảm tối thiểu việc mở vô ý cơ cấu ngắt bằng cách dùng lực, ví dụ bằng lò xo hay cơ cấu khóa. Nếu cơ cấu có thể khóa được khi ở vị trí mở, thì nó phải được khóa bởi hai tác động độc lập và khác nhau, và phải mở được dễ dàng bởi một tác động. Sau khi mở, cơ cấu phải tự động ngắt khi nhả ra.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.4.3 Bất kỳ cơ cấu ngắt cơ học nào cũng phải được thiết kế để làm việc tin cậy. Nó phải đóng và mở đúng, không được rò rỉ sau 25 000 chu kỳ làm việc.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.1, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
4.4.4 Thiết bị phun phải có cơ cấu để điều chỉnh áp suất (bộ điều chỉnh áp suất) ở một giá trị định trước. Cơ cấu điều chỉnh áp suất phải dễ thay thế hoặc điều chỉnh mà không làm nhiễm bẩn người vận hành hoặc môi trường.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.5 Ống dẫn
4.5.1 Để thao tác cần phun dễ dàng, chiều dài ống dẫn từ đai ốc nối ống dẫn của thùng chứa tới phần tay cầm của cần phun tối thiểu phải bằng 1 200 mm.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
4.5.2 Phải lắp các ống dẫn mềm để không có chỗ cong sắc cạnh ở tất cả các vị trí làm việc bình thường.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.5.3 Ống dẫn được lắp hoặc trang bị cùng với thiết bị phun phải theo Loại A trong ISO 1401:1999.
Sự phù hợp phải được chứng nhận bởi nhà sản xuất ống dẫn.
CHÚ THÍCH: Tham khảo ISO 1401, ISO 7326:1999 có phương pháp 1 tương tự phương pháp 1 của ISO 7326:2006.
4.6 Lưới lọc
4.6.1 Dung dịch phun đến các vòi phun phải được lọc phía bên có áp lực. Bề rộng mắt lưới lọc phải phù hợp với kích cỡ vòi phun được sử dụng theo khuyến cáo của nhà chế tạo vòi phun.
Lưới lọc phải được đánh dấu sao cho chúng có thể nhận biết. Việc nhận biết có thể trực tiếp hoặc từ thông tin đưa ra trong sổ tay hướng dẫn vận hành, ví dụ đánh dấu vào lưới lọc gồm:
– bề rộng mắt lưới; hoặc
– mã mầu theo ISO 19732.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát
4.6.2 Lưới lọc phải lắp ở vị trí dễ dàng tiếp cận. Người vận hành có thể tháo ra và làm sạch lưới lọc, trong khi đeo găng tay bảo vệ thích hợp và không bị nhiễm bẩn do dung dịch phun hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.7 Vòi phun và cần phun
4.7.1 Thiết bị phun phải điều chỉnh được đặc tính tia phun ở các điều kiện áp dụng khác nhau để giảm thiểu việc sử dụng và/hoặc tác động đến môi trường của sản phẩm bảo vệ cây trồng bằng cách lắp vòi phun có kích thước theo ISO 8169. Các dàn phun nằm ngang có vòi phun tia hình quạt phẳng phải có các giá lắp vòi phun theo ISO 10626.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát.
4.7.2 Cần phun phải có khoảng cách cần thiết từ người vận hành đến chỗ phun. Khoảng cách từ phía trước phần tay cầm đến vòi phun phải tối thiểu là 500 mm.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
4.7.3 Vòi phun phải được bảo vệ để tránh bị tắc do bên ngoài trong thời gian bảo quản và nạp đầy thiết bị phun, ví dụ bằng cơ cấu gài cần phun.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
4.7.4 Các vòi phun được lắp hoặc được cấp cùng với thiết bị phun phải có tốc độ dòng chảy ± 10 % giá trị danh định đã cho bởi nhà chế tạo vòi phun.
Sự phù hợp phải được thử theo ISO 5682-1.
4.7.5 Nếu cần phun được trang bị với dàn phun nằm ngang được lắp với các vòi phun tia hình quạt phẳng, độ sai lệch tốc độ dòng chảy phải không được vượt quá 10 % giữa các vòi phun khi lắp trên dàn phun.
Sự phù hợp phải được thử theo ISO 5682-1.
4.7.6 Vòi phun phải được đánh dấu sao cho chúng có thể được nhận biết trực tiếp hoặc từ thông tin đưa ra trong sổ tay hướng dẫn vận hành. Tối thiểu là loại và kích thước phải được chỉ dẫn ở vị trí thích hợp.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát.
5 Yêu cầu riêng đối với thiết bị phun cần lắc đeo vai
5.1 Quy định chung
5.1.1 Thiết bị phun phải giữ nguyên chức năng sau khi thử rơi đã được xác định.
Sự phù hợp phải được thử theo 6.2, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
5.1.2 Sau khi thử áp suất và thử rơi đã được xác định theo TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013), tổng lượng rò rỉ phải không được vượt quá:
– 0 ml ở vị trí thẳng đứng;
– 0,5 ml ở vị trí nghiêng 450;
– 5 ml ở vị trí nằm ngang.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
5.2 Thùng chứa
5.2.1 Thùng chứa phải có phương tiện bù áp suất.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát
5.2.2 Dung tích toàn bộ của thùng chứa phải lớn hơn dung tích danh định tối thiểu 5 %.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
5.2.3 Để tránh bị tràn ra ngoài trong khi nạp, đường kính miệng nạp phải tối thiểu 100 mm. Miệng nạp phải có lưới lọc nạp với bề rộng mắt lưới trong khoảng từ 0,5 mm đến 2 mm.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
5.2.4 Miệng nạp của thùng chứa phải có nắp, nắp phải có thể mở và đóng mà không cần dùng dụng cụ và được lắp với cơ cấu giữ đảm bảo vị trí đóng bằng biện pháp tác động chắc chắn (ví dụ cố định bằng ren) để tránh vô ý bị lỏng. Nắp phải được bắt cố định với thiết bị phun bằng cơ cấu giữ.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát.
5.2.5 Khe hở giữa miệng nạp của thùng chứa và lưới lọc nạp, cũng như khe hở bên trong lưới lọc nạp, phải không lớn hơn 2 mm theo đường kính.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
6 Yêu cầu riêng đối với thiết bị phun đeo vai dẫn động bằng động cơ hoặc động cơ điện
6.1 Quy định chung
6.1.1 Sau khi thử áp suất đã được xác định theo TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013), tổng lượng rò rỉ phải không được vượt quá:
– 0 ml ở vị trí thẳng đứng;
– 0,5 ml ở vị trí nghiêng 450;
– 5 ml ở vị trí nằm ngang.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
6.2 Thùng chứa
6.2.1 Thùng chứa phải có phương tiện bù áp suất.
Sự phù hợp phải được xác định bằng kiểm tra.
6.2.2 Dung tích toàn bộ của thùng chứa phải lớn hơn dung tích danh định tối thiểu 5 %.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
6.2.3 Để tránh bị tràn ra ngoài trong khi nạp, đường kính miệng nạp phải tối thiểu 100 mm. Miệng nạp phải có lưới lọc với bề rộng mắt lưới trong khoảng từ 0,5 mm đến 2 mm.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
6.2.4 Miệng nạp thùng chứa phải có nắp, nắp phải có thể mở và đóng mà không cần dùng dụng cụ và được lắp với cơ cấu giữ đảm bảo vị trí đóng bằng biện pháp tác động chắc chắn (ví dụ cố định bằng ren).
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát
6.2.5 Thùng chứa của thiết bị phun dẫn động bằng động cơ phải có thể xả hết hoàn toàn mà không cần dốc ngược. Lượng dung dịch còn lại trong thùng không được vượt quá 50 ml.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.7, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
6.2.6 Khe hở giữa miệng nạp của thùng chứa và lưới lọc nạp, cũng như khe hở bên trong lưới lọc nạp, phải không lớn hơn 2 mm theo đường kính.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
6.3 Các bộ phận điều khiển
6.3.1 Đối với thiết bị phun dẫn động bằng động cơ, phải có cơ cấu khởi động để khởi động động cơ mà không cần có sự phụ trợ độc lập riêng biệt (ví dụ như dây đai hoặc dây cáp). Nếu động cơ được lắp cơ cấu khởi động bằng điện, yêu cầu phải có hai hoặc nhiều tác động độc lập và khác nhau để gài cơ cấu này. Thiết bị phun phải lắp cơ cấu dừng động cơ để có thể dừng động cơ hoàn toàn và không phụ thuộc vào lực bằng tay duy trì hoạt động của nó.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
6.3.2 Thiết bị phun phải được trang bị cơ cấu giảm áp để ngăn ngừa sự tăng áp của thiết bị phun vượt quá áp suất làm việc lớn nhất 20 % theo quy định của nhà chế tạo. Nếu cơ cấu hoạt động, thì nó phải được đóng kín lại để thiết bị phun hoạt động bình thường mà không bị rò rỉ.
Sự phù hợp phải được xác định kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
6.4 Bộ phận truyền công suất
Thiết bị phun dẫn động bằng động cơ hoặc động cơ điện phải có kết cấu đảm bảo ngăn chặn tiếp cận với các bộ phận truyền công suất như puli, trục, bánh răng và bánh đà, dây đai truyền và xích dẫn động. Đối với các khe hở, ví dụ như nắp đậy và các tấm bảo vệ ngăn chặn tiếp cận với các bộ phận nguy hiểm, các khoảng cách an toàn phải theo Bảng 4, ISO 13857:2008.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và đo.
6.5 Thùng nhiên liệu
6.5.1 Nắp đậy thùng nhiên liệu phải có chi tiết hãm. Thùng nhiên liệu phải có hệ thống thông hơi.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát.
6.5.2 Miệng thùng nhiên liệu phải có đường kính tối thiểu 20 mm, và miệng thùng dầu (nếu có) phải có đường kính tối thiểu 15 mm.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
6.5.3 Kết cấu của thùng nhiên liệu không được xảy ra bất kỳ rò rỉ nào ở vị trí hoạt động và vận chuyển với nhiệt độ làm việc bình thường.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
6.6 Các phần nóng
Động cơ và bộ giảm âm hoặc các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với chúng phải được che chắn sao cho chúng không thể tiếp xúc được do vô ý chạm vào trong quá trình vận hành bình thường thiết bị phun. Nếu các bộ phận nóng có thể tiếp xúc được thì diện tích tiếp xúc phải không lớn hơn 10 cm2. Chúng được xem như là tiếp xúc được, nếu chúng có thể tiếp xúc được bởi một đầu thử hình côn như thể hiện trên Hình 1.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 1 – Đầu thử hình côn
CHÚ THÍCH 1: EN 14930 quy định yêu cầu xác định khả năng tiếp cận vô ý các bề mặt nóng của máy.
Nhiệt độ của các bộ phận có thể tiếp xúc không được gây nguy hiểm cho người vận hành. Không được có các bề mặt nóng lớn hơn 10 cm2 với nhiệt độ lớn hơn các giá trị ngưỡng đã cho trong thời gian tiếp xúc 0,5 s như quy định trong ISO 13732-1.
CHÚ THÍCH 2: Ví dụ về biện pháp bảo vệ chống cháy được quy định trong Phụ lục E, ISO 13732-1: 2006.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo
6.7 Hệ thống xả
Cửa xả phải được bố trí để hướng thoát khí thải xa người vận hành ở vị trí làm việc bình thường.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát
6.8 Các phần có điện áp cao
Tất cả các bộ phận của động cơ có điện áp cao phải được cách ly sao cho vật liệu có điện áp cao không thể bị chạm vào.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát
6.9 Miễn nhiễm điện từ
Tất cả các bộ phận điện tử được sử dụng trong hệ thống điều khiển thiết bị phun phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiệm thu theo 6.3 và 6.6 trong ISO 14982:1998 liên quan đến miễn nhiễm điện từ của máy.
Sự phù hợp phải được thử theo ISO 14982:1998.
6.10 Tiếng ồn
Giảm tiếng ồn phải là một phần không thể thiếu của quá trình thiết kế, vì vậy đặc biệt tính đến các biện pháp tại nguồn.
Sự thành công của biện pháp giảm tiếng ồn được áp dụng phải được đánh giá trên cơ sở các giá trị tiếng ồn thực tế phát ra. Những nguồn chính gây ra và ảnh hưởng tiếng ồn thường là hệ thống làm mát động cơ, hệ thống xả của động cơ, bơm và các bề mặt rung động.
Mức áp suất âm phát ra theo trọng số A tại vị trí người vận hành và mức công suất âm theo trọng số A phải được đo và tính ở tốc độ toàn tải theo Phụ lục E của ISO 22868:2011.
6.11 Rung động
Giảm rung động phải là một phần không thể thiếu của quá trình thiết kế, vì vậy đặc biệt tính đến các biện pháp tại nguồn.
Sự thành công của biện pháp giảm rung động được áp dụng phải được đánh giá trên cơ sở tổng giá trị rung động thực tế đối với mỗi tay cầm. Những nguồn chính gây ra và ảnh hưởng rung động thường là lực động từ động cơ, các bộ phận chuyển động không cân bằng, ly hợp, các gối đỡ và các cơ cấu khác và sự tương tác giữa người vận hành và thiết bị phun.
Ngoài các biện pháp làm giảm rung động tại nguồn, các biện pháp kỹ thuật như bộ phận cách ly và các khối cộng hưởng phải được sử dụng để cách ly nguồn rung động từ tay cầm khi thích hợp.
7 Yêu cầu riêng đối với thiết bị phun sức nén
7.1 Quy định chung
7.1.1 Thiết bị phun phải duy trì được chức năng sau khi thử rơi đã được quy định.
Sự phù hợp phải được thử theo 8.2, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
7.1.2 Thiết bị phun phải không được rò rỉ ở bất kỳ vị trí nào.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
7.2 Dây đeo
Phải trang bị dây đeo vai đôi đối với thiết bị phun có khối lượng lớn hơn 15 kg.
Phải trang bị dây đeo vai đơn đối với thiết bị phun có khối lượng bằng hoặc nhỏ hơn 15 kg.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát
7.3 Thùng chứa
7.3.1 Thiết bị phun phải có phễu nạp chế tạo liền khối với đường kính phía trên tối thiểu 100 mm hoặc có thể gắn một phễu như vậy. Nếu không trang bị phễu chế tạo liền khối thì phải trang bị phễu riêng kèm với thiết bị phun và thông tin này phải có trong sổ tay hướng dẫn vận hành. Lưới lọc nạp, được chế tạo liền với phễu hoặc được trang bị riêng, phải có bề rộng mắt lưới từ 0,5 mm đến 2 mm.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng cách đo.
7.3.2 Dung tích toàn bộ của thùng chứa phải lớn hơn dung tích danh định tối thiểu 25 %.
Sự phù hợp phải được thử theo 5.3.5, TCVN 11387-2:2016 (ISO 19932-2:2013).
7.3.3 Thùng chứa phải trang bị cơ cấu giảm áp để ngăn ngừa sự tăng áp của thùng chứa vượt quá áp suất làm việc lớn nhất 20 % theo quy định của nhà sản xuất. Cơ cấu phải được đóng kín để thiết bị phun hoạt động bình thường mà không bị rò rỉ.
Sự phù hợp phải được kiểm tra bằng quan sát và thử chức năng.
8 Thông tin sử dụng
8.1 Sổ tay hướng dẫn vận hành
8.1.1 Quy định chung
Thiết bị phun phải được cung cấp thông tin về sử dụng mà nó được thiết kế hoặc được thử và các điều kiện cần thiết đảm bảo giảm thiểu rủi ro đối với người vận hành và môi trường khi nạp đầy, điều chỉnh, sử dụng, làm sạch hoặc bảo dưỡng.
Đối với thông tin cung cấp cho người sử dụng, áp dụng nội dung của điều này cùng với 6.4, ISO 12100:2010.
Đầu tiên, thiết bị phun chỉ được dùng các sản phẩm bảo vệ thực vật đã được các cơ quan quản lý địa phương/quốc gia chấp thuận cho các sản phẩm bảo vệ thực vật dùng để sử dụng với thiết bị phun đeo vai.
Sổ tay hướng dẫn vận hành phải bao gồm các chỉ dẫn và thông tin về tất cả các mặt cho người vận hành/người sử dụng bảo dưỡng và sử dụng an toàn thiết bị phun, bao gồm cả yêu cầu về quần áo và các trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) an toàn và nhu cầu về huấn luyện tất cả các hoạt động phải được ghi trong sổ tay hướng dẫn vận hành. Đặc biệt, phải có các thông tin dưới đây:
a) tên hãng và địa chỉ đầy đủ của nhà chế tạo, trường hợp có thể, người đại diện được ủy quyền;
b) chuyên chở, đóng gói và bảo quản thiết bị phun, như đảm bảo thiết bị phun trong khi vận chuyển để ngăn ngừa hao tổn nhiên liệu, hư hại hoặc gây tổn thương;
c) chuẩn bị thiết bị phun, như là:
1) hướng dẫn lắp, kiểm tra và điều chỉnh ban đầu;
2) những hậu quả do việc bảo dưỡng không đúng, sử dụng các chi tiết không phù hợp và do tháo các bộ phận an toàn;
3) giải thích các ký hiệu và dấu hiệu an toàn;
4) nạp đầy nhiên liệu và dầu (nếu có), đặc biệt là liên quan đến việc phòng ngừa cháy;
5) nạp điện ắc quy (nếu có);
d) sử dụng thiết bị phun, như là:
1) ứng dụng thiết bị phun và cách sử dụng, bao gồm cả những sử dụng bị cấm;
2) mô tả, nhận dạng và tên gọi các chi tiết chính, bao gồm cơ cấu an toàn và thiết bị kiểm soát môi trường và dây đeo, cũng như giải thích về chức năng của chúng;
3) hướng dẫn vận hành, kể cả việc sử dụng trang bị bảo hộ các nhân (PPE), bao gồm kiểu PPE được sử dụng cùng với thiết bị phun;
4) sự cần thiết phải huấn luyện đầy đủ về sử dụng an toàn;
5) cảnh báo không được sử dụng thiết bị phun khi mệt mỏi, ốm đau, say rượu hay các chất có cồn khác;
6) những nguy hiểm có thể đến bất chợt khi sử dụng thiết bị phun và cách phòng tránh khi thực hiện một số công việc đặc thù, kể cả khuyến cáo về chiều cần phun theo hướng gió từ người vận hành;
7) khởi động và dừng, đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn và kiểm soát môi trường;
8) cảnh báo về khí thải thoát ra và nguy cơ khi khởi động và vận hành động cơ trong phòng kín;
9) giải thích các ký hiệu và dấu hiệu an toàn;
10) phương pháp vận hành tiếp theo trong trường hợp bị tai nạn hoặc kẹt có khả năng xảy ra làm cho thiết bị có thể thoát khỏi kẹt một cách an toàn;
11) chỉ ra các cách theo kinh nghiệm không nên sử dụng thiết bị phun;
e) khởi động lại thiết bị phun sau mùa đông;
f) phương pháp điều chỉnh áp suất kể cả các chi tiết điều chỉnh được thực hiện với thiết bị phun khi sử dụng các vòi phun và bộ điều chỉnh áp suất khác nhau;
g) các phương pháp tiếp theo để xử lý các vòi phun bị tắc và hư hỏng khác trên đồng ruộng;
h) các khuyến cáo liên quan đến phòng ngừa được thực hiện để tránh tiếp xúc với và/hoặc hít phải các hóa chất độc hại, ví dụ như việc mặc trang bị bảo hộ cá nhân, xử lý cần phun hoặc dàn phun theo từng giai đoạn sử dụng sau:
1) nạp hóa chất vào thùng chứa;
2) phun;
3) điều chỉnh, kể cả cách phòng ngừa để tránh ô nhiễm môi trường, người vận hành hoặc người xung quanh, ví dụ trong trường hợp thu ngắn cần phun kiểu lồng vào nhau;
4) xả thùng chứa và làm sạch;
5) thay hóa chất;
6) chăm sóc;
I) hướng dẫn bảo dưỡng, như là:
1) đặc điểm kỹ thuật của các phụ tùng thay thế được sử dụng, khi chúng ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn người vận hành và/hoặc môi trường, ví dụ như vòi phun, lưới lọc, miếng đệm, tay cầm, ống dẫn, các đầu nối và bộ phận chống rò rỉ;
2) công việc chăm sóc và thay thế đối với người sử dụng;
3) các hình vẽ hay biểu đồ cho phép người sử dụng tiến hành bảo dưỡng và phát hiện sai hỏng.
j) thiết bị bổ sung hoặc phụ kiện kèm theo thiết bị phun theo mục đích sử dụng;
k) trộn, nạp đầy và cách phòng ngừa cần chú ý để tránh ô nhiễm môi trường;
l) các điều kiện sử dụng và điều chỉnh thiết bị phun tương ứng. Lưu lượng danh định, áp suất làm việc lớn nhất và áp suất làm việc tối ưu quy định cho tất cả các vòi phun được cung cấp cùng với thiết bị phun;
m) tránh bị bay cần tính đến các thông số khác như vòi phun, áp suất, chiều cao dàn phun, tốc độ gió, v.v…;
n) tổng dung lượng còn lại;
o) xả và làm sạch;
p) kiểm tra lưu lượng áp dụng;
q) phạm vi các loại và kích thước của vòi phun và lưới lọc có thể sử dụng;
r) gian cách kiểm tra thiết bị phun;
s) giới hạn sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật đặc biệt;
t) chuẩn bị cần thiết đối với các điều kiện sử dụng khác nhau;
u) khả năng kết nối với thiết bị khác và những chú ý cần thiết;
v) kiểm tra thiết bị phun;
w) lưu lượng của thiết bị phun đối với mỗi tổ hợp bộ điều chỉnh áp suất/vòi phun. Trong trường hợp các vòi phun có thể điều chỉnh được, lượng dung dịch phun ra phải có ít nhất hai mức điều chỉnh.
Khi thay thế các vòi phun, cần chỉ dẫn cho người sử dụng dùng lưới lọc đúng theo khuyến nghị của nhà chế tạo vòi phun.
Tầm quan trọng của việc đọc kỹ sổ tay hướng dẫn vận hành trước khi sử dụng thiết bị phun cần được nhấn mạnh trên trang đầu của sổ tay hướng dẫn vận hành. Các hướng dẫn phải tính đến là thiết bị phun được người vận hành thiếu kinh nghiệm sử dụng đầu tiên.
8.1.2 Thông số kỹ thuật
8.1.2.1 Thông tin kỹ thuật sau đây phải được cung cấp cho mỗi kiểu và/ hoặc mã hiệu có sự khác biệt đáng kể:
a) Khối lượng tổng:
1) khô, kg;
2) nạp đầy, kg;
b) Dung tích danh định thùng chứa, l;
8.1.2.2 Nếu có động cơ, phải có những thông tin kỹ thuật dưới đây
a) Dung tích danh định thùng nhiên liệu, I;
b) Dung tích danh định thùng dầu, I;
c) Thể tích làm việc của động cơ, cm3;
d) Công suất động cơ lớn nhất (theo ISO 8893), kW;
e) Tốc độ quay động cơ (tần số quay), tính bằng vòng trên phút, r/min;
f) Mức tiếng ồn (theo ISO 22868).
8.2 Ghi nhãn
Tất cả các thiết bị phun phải được gắn nhãn dễ đọc và không thể tẩy xóa, với những thông tin tối thiểu sau đây:
– tên hãng và địa chỉ đầy đủ của nhà chế tạo, nơi có thể được, người đại diện được uỷ quyền;
– Địa chỉ có thể được đơn giản hóa chỉ cần nhà chế tạo (và nếu có thể, người đại diện được ủy quyền) có thể nhận biết được;
– Trong mọi trường hợp, địa chỉ phải đầy đủ để có thể liên lạc với công ty;
– năm sản xuất, ví dụ năm mà quá trình chế tạo đã hoàn thành;
– ký hiệu loạt sản xuất hay kiểu;
– ký hiệu thiết bị phun;
– số hiệu loạt sản xuất, nếu có;
– khối lượng khô, tính bằng kilôgam (kg);
– dung tích danh định thùng chứa tính bằng lít (I).
8.3 Cảnh báo
Tất cả các bộ phận điều khiển phải được gắn ký hiệu theo TCVN 8411-5 (ISO 3767-5), nếu có. Ký hiệu liên quan đến an toàn phải theo các yêu cầu như quy định trong TCVN 7020 (ISO 11684) và các yêu cầu về màu sắc và hình dạng như quy định trong ISO 3864-1.
Thiết bị phun phải được gắn nhãn bằng chữ hoặc hình ảnh theo các cảnh báo dưới đây:
– “Đeo kính bảo vệ mắt (kính bảo hộ hay tấm chắn bảo vệ mặt trước)”;
– “Đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ thích hợp”;
– “Đọc sổ tay hướng dẫn vận hành”;
– “Ngăn người xung quanh tránh xa khi phun thuốc”.
– “Đeo bảo vệ tai” nếu thiết bị phun có động cơ;
Nhãn mác phải đặt ở vị trí dễ nhìn thấy trên thiết bị phun và phải chịu được những điều kiện làm việc dự kiến như ảnh hưởng của dung dịch phun, nhiệt độ, độ ẩm, nhiên liệu, dầu mỡ, ma sát và thời tiết.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Danh mục các mối nguy hiểm đáng kể
Bảng A.1 quy định các mối nguy hiểm, các tình huống và trường hợp nguy hiểm đã được xác định là đáng kể đối với các loại thiết bị phun được đề cập đến trong tiêu chuẩn này và cần có những tác động đặc biệt của người thiết kế cũng như nhà chế tạo nhằm hạn chế hay giảm bớt rủi ro.
Bảng A.1 – Danh mục các mối nguy hiểm, các tình huống và trường hợp nguy hiểm liên quan đến thiết bị phun đeo vai
STT |
Mối nguy hiểm |
Điều của tiêu chuẩn này |
1 |
ecgônômi (tư thế có hại cho sức khỏe, cố gắng quá sức, quá tải) |
4.1, 4.2, 4.4, 7.2 |
2 |
người vận hành tiếp xúc với hóa chất |
4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5, 4,7, 5.1, 6.1, 6.2, 6.5, 7.1, 7.3 |
3 |
liên quan đến các bộ phận truyền công suất (kẹp hay lôi cuốn vào) |
6.3, 6.4 |
4 |
liên quan đến áp suất cao |
4.1, 6.3 |
5 |
nhiệt (tiếp xúc với bề mặt nóng) |
6.6 |
6 |
điện (tiếp xúc với các bộ phận có điện áp cao) |
6.8 |
7 |
cháy và nổ (nhiên liệu) |
6.5 |
8 |
người vận hành tiếp xúc với khí xả |
6.7 |
9 |
rò rỉ |
4.1, 4.3, 5.2, 6.1, 7.1 |
10 |
điều khiển và kiểm tra ứng dụng |
4.3, 4.4, 4.7, 5.2, 6.3 |
11 |
nạp đầy và xả hết thiết bị phun |
4.1, 4.3, 5.2, 6.2, 7.3 |
12 |
mức ứng dụng |
4.1, 4.4, 4.7, 5.2 |
13 |
phân bố, đọng lại và bị gió cuốn đi của hóa chất |
4.7, 5.2 |
14 |
tiếng ồn |
6.10 |
15 |
rung động |
6.11 |
16 |
tổn thất hóa chất trong khi dừng |
4.1 |
17 |
làm sạch thiết bị phun |
4.1, 4.3, 4.6, 5.2 |
18 |
chăm sóc thiết bị phun |
4.4, 4.6 |
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] ISO 7326, Rubber and plastics hoses – Assessment of ozone resistance under static conditions (Ống dẫn cao su và nhựa – Đánh giá kháng ozôn trong điều kiện tĩnh).
[2] ISO 22867:2011, Forestry and gardening machinery – Vibration test code for portable hand-held machines with internal combustion engine – Vibration at the handles (Máy lâm nghiệp và làm vườn – Nguyên tắc thử rung động đối với máy cầm tay có động cơ đốt trong – Rung động tại tay cầm).
[3] TCVN 8745:2011 (ISO 28139:2009), Máy phun hóa chất dạng sương mù đeo vai kiểu quạt thổi dẫn động bằng động cơ đốt trong – Yêu cầu an toàn.
[4] EN 837-1:1996, Pressure gauges – Bourdon tube pressure gauges – Dimensions, metrology, requirements and testing (Áp kế – Áp kế ống bourdon – Kích thước, đo lường, yêu cầu và thử nghiệm).
[5] EN 14930, Agricultural and forestry machinery and gardening equipment – Pedestrian controlled and hand-held machines – Determination of accessibility of hot surfaces (Máy nông lâm nghiệp và làm vườn – Máy cầm tay và đi bộ điều khiển – Xác định khả năng tiếp cận bề mặt nóng).
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Yêu cầu chung
4.1 Quy định chung
4.2 Dây đeo
4.3 Thùng chứa
4.4 Bộ phận điều khiển
4.5 Ống dẫn
4.6 Lưới lọc
4.7 Vòi phun và cần phun
5 Yêu cầu riêng đối với thiết bị phun cần lắc đeo vai
5.1 Quy định chung
5.2 Thùng chứa
6 Yêu cầu riêng đối với thiết bị phun đeo vai dẫn động bằng động cơ hoặc động cơ điện
6.1 Quy định chung
6.2 Thùng chứa
6.3 Các bộ phận điều khiển
6.4 Bộ phận truyền công suất
6.5 Thùng nhiên liệu
6.6 Các phần nóng
6.7 Hệ thống xả
6.8 Các phần có điện áp cao
6.9 Miễn nhiễm điện từ
6.10 Tiếng ồn
6.11 Rung động
7 Yêu cầu riêng đối với thiết bị phun sức nén
7.1 Quy định chung
7.2 Dây đeo
7.3 Thùng chứa
8 Thông tin sử dụng
8.1 Sổ tay hướng dẫn vận hành
8.2 Ghi nhãn
8.3 Cảnh báo
Phụ lục A (Tham khảo) Danh mục các mối nguy hiểm đáng kể
Thư mục tài liệu tham khảo