Tiêu chuẩn ngành 10TCN849:2006

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Số hiệu: 10TCN849:2006
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 26/12/2006
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Công nghệ- Thực phẩm
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10TCN 849:2006 về tiêu chuẩn nông sản thực phẩm – Phương pháp xác định hàm lượng chất béo thô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành


TIÊU CHUẨN NGÀNH

10TCN 849:2006

TIÊU CHUẨN NÔNG SẢN THỰC PHẨM PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG CHẤT BÉO THÔ

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định hàm lượng chất béo thô trong nông sản thực phẩm. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với hạt có dầu.

Phương pháp xác định hàm lượng dầu trong hạt có dầu bằng cách chiết n.hexan đã được mô tả trong ISO 659.

Theo tiêu chuẩn này, việc xác định hàm lượng chất béo thô trong nông sản được tiến hành cho các đối tượng sau:

1.1 Đối với các loại nông sản thực phẩm thông thường trừ những loại được nêu trong mục 1.2. Những mẫu này được tách chiết trực tiếp chất béo mà không cần thuỷ phân trước- Tiến hành theo phương pháp A.

1.2 Đối với các loại nông sản thực phẩm giàu protein, gluxit như gluten, protein thực vật, nấm khô… Những mẫu này không thể chiết chất béo mà không qua quá trình thuỷ phân trước- Tiến hành theo phương pháp B.

2. Tài liệu viện dẫn

ISO 712:1998. Cereals and cereal products. Determination of moisture content. Routine reference method (Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc. Xác định độ ẩm- Phương pháp chuẩn thường qui).

TCN 847:2006. Ngũ cốc, đậu đỗ và các sản phẩm nghiền- Lấy mẫu từ lô hàng tĩnh (ISO 13690:1999. Cereals, pulses and milled products. Sampling of static batches).

TCVN 5102 (ISO 874). Rau quả tươi- Lấy mẫu.

TCVN 4851 (ISO 3696). Nước dùng để phân tích trong phòng thí nghiệm. Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này, áp dụng định nghĩa sau:

3.1 Hàm lượng chất béo thô (Crude fat content)

Phần khối lượng của những chất được chiết từ mẫu thử theo quy trình của tiêu chuẩn này. Hàm lượng chất béo được biểu thị bằng phần trăm khối lượng, %.

4. Nguyên tắc

4.1 Phương pháp A

Chiết mẫu bằng ete petrol. Loại bỏ dung môi bằng cách chưng cất và làm khô. Cân phần còn lại.

4.2 Phương pháp B

Giải phóng chất béo từ các hợp chất với protein và gluxit bằng cách thuỷ phân mẫu trong dung dịch axit clohydric đun nóng. Làm nguội dung dịch và đem lọc. Rửa và làm khô phần cặn thu được sau đó chiết bằng ete petrol. Loại bỏ dung môi bằng cách chưng cất và làm khô. Cân phần còn lại.

5. Hoá chất và thuốc thử

Tất cả thuốc thử phải là loại tinh khiết phân tích.

5.1 Nước ít nhất phải là nước cất ở mức loại 3 theo TCVN 4851 (ISO 3696) hoặc nước có chất lượng tương đương.

5.2 Natri sunfat khan.

5.3 Ete petrol có giải nhiệt độ sôi từ 400C đến 600C.

5.4 Tinh thể cacbua silic hoặc bi thuỷ tinh.

5.5 Dung dịch axit clohydric, 3mol/l.

5.6 Chất trợ lọc: ví dụ diatomit (Kiesekguhr), đã đun sôi trong axit clohydric nồng độ 6mol/l trong 30 phút, dùng nước rửa sạch axit sấy khô ở 1300C.

6. Thiết bị và dụng cụ

Thiết bị và dụng cụ thường dùng trong phòng thí nghiệm và đặc biệt sau:

6.1 Cân phân tích, có độ chính xác 0,0001g.

6.2 Cân kĩ thuật, có độ chính xác 0,01g.

6.3 Dụng cụ chia mẫu: ví dụ như thiết bị chia tư hình nón, thiết bị chia nhiều ngăn có hệ thống phân hạt hoặc các thiết bị chia khác đảm bảo phân chia mẫu thí nghiệm thành mẫu thử đồng nhất.

6.4 Máy nghiền phòng thí nghiệm.

6.5 Máy cắt có tấm cắt 4mm.

6.6 Sàng có đường kính lỗ 1,0mm và 3,0mm làm bằng lưới kim loại.

6.7 Khay nhôm sấy mẫu sơ bộ, có kích thước khoảng 20cm x12cm x2cm.

6.8 Hộp đựng mẫu có nắp đậy.

6.9 Thiết bị chiết loại Soxhlet, có dung tích xi phông khoảng 100ml hoặc thiết bị chiết trực tiếp thích hợp khác.

6.10 Ống giấy xốp đựng mẫu thử, không dính chất béo, đã được làm sạch bằng ete và có độ xốp phù hợp với thiết bị chiết 6.9.

6.11 Thiết bị đun nóng có nguồn nhiệt gián tiếp, điều chỉnh được nhiệt độ.

6.12 Tủ sấy, có khả năng duy trì ở nhiệt độ 1030C ± 20C.

6.13 Tủ sấy chân không, có khả năng duy trì ở nhiệt độ 800C ± 20C.

6.14 Bình hút ẩm chứa chất hút ẩm hiệu quả.

6.15 Phễu lọc.

6.16 Đũa thuỷ tinh.

6.17 Mặt kính đồng hồ.

6.18 Cốc thuỷ tinh chịu nhiệt dung tích 400ml.

6.19 Bình tam giác dung tích 250ml.

6.20 Cối chày sứ.

6.21 Giấy lọc Whatman No.2.

6.22 Bông thấm nước, sạch và không có chất béo.

7. Lấy mẫu

Mẫu gửi đến phòng thí nghiệm phải thực sự đại diện cho mẫu, không bị hư hỏng hoặc biến đổi thành phần trong quá trình vận chuyển và bảo quản.

Phương pháp lấy mẫu không quy định trong tiêu chuẩn này. Nên lấy mẫu theo TCVN, ISO và/hoặc các tiêu chuẩn riêng thích hợp với sản phẩm, ví dụ như TCN 847:2006. Ngũ cốc, đậu đỗ và các sản phẩm nghiền- Lấy mẫu từ lô hàng tĩnh (ISO 13690:1999. Cereals, pulses and milled products. Sampling of static batches); ISO 644 đối với hạt có dầu; TCVN 5102 đối với rau quả tươi…

Nếu không có tiêu chuẩn phù hợp, các bên liên quan cần phải thoả thuận với nhau về phương pháp quy định lấy mẫu cụ thể.

8. Chuẩn bị mẫu thử

8.1 Đối với ngũ cốc, hạt các loại khác, thức ăn dạng bột, mảnh

8.1.1 Mẫu dạng bột mịn

Trường hợp bột có kích thước lọt hoàn toàn qua sàng 1,0mm. Lấy khoảng 50g mẫu thí nghiệm đã chuẩn bị (mục 7), làm vụn tất cả những phần bột vón cục (nếu có), sàng (nếu cần) qua sàng có đường kính lỗ 1,0mm, trộn đều.

8.1.2 Mẫu có kích thước hạt vừa

Nếu mẫu thí nghiệm không lọt hết qua sàng có kích thước lỗ sàng 1,0mm nhưng lại lọt hoàn toàn qua sàng lỗ sàng 3,0mm thì trộn thật đều mẫu thí nghiệm và tiến hành chia mẫu bằng dụng cụ chia mẫu cho đến khi thu được lượng mẫu thử không ít hơn 100g. Nghiền lượng mẫu thử này trong máy nghiền cho đến khi mẫu lọt hoàn toàn qua sàng kích thước lỗ sàng 1,0mm.

8.1.3 Mẫu có kích thước hạt to

8.1.3.1 Nếu mẫu thí nghiệm không lọt hết qua sàng có kích thước lỗ sàng 3,0mm thì tiến hành nghiền trên máy nghiền cho đến khi lọt hoàn toàn qua sàng 3,0mm. Trộn đều mẫu.

8.1.3.2 Chia mẫu đã trộn đều theo (8.1.3.1) cho đến khi thu được mẫu thử không ít hơn 100g. Nghiền lượng mẫu thử này trên máy nghiền cho đến khi lọt hoàn toàn qua sàng 1,0mm.

8.1.4 Đối với mẫu hạt ngũ cốc có độ ẩm trên 17%: cân khoảng 50g mẫu với độ chính xác 0,01g cho vào khay nhôm đã biết trước khối lượng và sấy trong tủ sấy (6.12) ở 80oC trong thời gian đủ để mẫu trở về độ ẩm khoảng 8-12%. Lấy khay mẫu ra khỏi tủ sấy để nguội trong phòng thí nghiệm trong 1 giờ. Sau đó cân với độ chính xác 0,01g. Nghiền nhanh trên máy nghiền cho đến khi lọt hoàn toàn qua sàng 1,0mm. Trong trường hợp này cần sử dụng hệ số hiệu chỉnh về độ ẩm đối với kết quả thu được (theo 10.1).

8.2 Đối với mẫu nông sản thực phẩm thô xanh

8.2.1 Mẫu thô xanh có hàm ẩm cao, có khả năng nghiền nhỏ sau khi sấy khô (khoai tây, cà rốt, ngô hạt, ngô ngọt tươi, thân lá rau…).

Lau sạch hoặc rửa và để ráo mẫu thí nghiệm, dùng máy cắt hoặc dao thái cắt mẫu thành nhiều miếng nhỏ, bỏ hạt, vỏ khoang bọc cứng nếu cần, trộn đều, và lấy ít nhất 100g mẫu thử cho vào hộp đựng mẫu đậy nắp kín.

Cân khoảng 100g mẫu với độ chính xác 0,01g cho vào khay nhôm đã biết trước khối lượng. Cho khay mẫu vào tủ sấy (6.12) ở nhiệt độ 600C- 800C trong thời gian đủ để mẫu trở về độ ẩm thích hợp cho việc nghiền. Lấy khay mẫu ra khỏi tủ sấy để nguội trong phòng thí nghiệm trong 1 giờ. Sau đó cân với độ chính xác 0,01g. Nghiền nhanh trên máy nghiền cho đến khi lọt hoàn toàn qua sàng 1,0mm. Trong trường hợp này cần sử dụng hệ số hiệu chỉnh về độ ẩm đối với kết quả thu được (theo mục 10).

8.2.2 Mẫu thô xanh có hàm ẩm cao, không nghiền nhỏ được sau khi sấy khô (mẫu thịt quả có hàm lượng đường cao như vải, nhãn, dưa hấu, cà chua… ). Lau sạch hoặc rửa và để ráo mẫu thí nghiệm, dùng máy cắt hoặc dao thái cắt mẫu thành nhiều miếng nhỏ, bỏ hạt, vỏ khoang bọc cứng nếu cần, trộn đều, và lấy ít nhất 100g mẫu thử. Dùng dao hoặc kéo cắt lại mẫu cho càng nhỏ càng tốt, cho vào hộp đựng mẫu đậy nắp kín. Cần tiến hành ngay các bước phân tích tiếp theo.

8.3 Các mẫu thử được bảo quản trong các lọ đựng mẫu khô sạch, có nắp đậy.

9. Tiến hành thử

9.1 Phương pháp A

9.1.1 Chuẩn bị bình cầu

Trước khi chiết, rửa sạch và sấy khô bình cầu hứng dung môi của hệ thống chiết ở nhiệt độ 1030C ± 20C trong một giờ. Để nguội trong bình hút ẩm khoảng 30 phút, cân khối lượng bình với độ chính xác 1mg. Lắp bình cầu vào thiết bị chiết để thu phần chiết ete petrol.

9.1.2 Phần mẫu thử

Cân từ 2g- 5g mẫu khô chính xác đến 0,1mg đã được chuẩn bị theo mục 8 cho vào ống giấy xốp (6.10) và đậy bằng một miếng bông sạch không chứa chất béo.

9.1.3 Chiết

Đặt ống giấy có chứa mẫu thử (9.1.2) vào ống chiết của thiết bị chiết đã được chuẩn bị theo 9.1 và tiến hành chiết chất béo bằng ete petrol trong khoảng 4 giờ. Điều chỉnh thiết bị đun nóng để đảm bảo tốc độ tuần hoàn của dung môi ít nhất 10 lần trong 1 giờ trên thiết bị chiết Soxhlet hoặc đạt tốc độ chảy ít nhất 5 giọt/ 1 giây (khoảng 10ml/phút) nếu dùng các thiết bị chiết tương tự.

Thử chất béo đã chiết hoàn toàn chưa bằng cách nhỏ một vài giọt ete từ đầu nút của ống chiết lên mặt kính đồng hồ. Nếu khi ete bay hơi hết mà không còn để lại vết chất béo trên mặt kính thì xem như quá trình chiết kết thúc.

9.1.4 Tháo bình cầu có chứa ete và chất béo đã hoà tan ra khỏi thiết bị chiết, lắp ống sinh hàn và chưng cất thu hồi dung môi cho đến khi hết hoàn toàn ete trong bình cầu.

Sấy khô cặn thu được trong bình cầu bằng tủ sấy ở nhiệt độ 1030C± 20C ít nhất trong khoảng 30 phút. Làm nguội trong bình hút ẩm và cân với độ chính xác 0,1mg.

Để tránh cho chất béo không bị oxi hoá, tốt nhất là làm khô cặn thu được ở bình cầu trong tủ sấy chân không (6.13) ở nhiệt độ 800C trong 1,5 giờ. Sấy, cân lặp lại cho đến khi chênh lệch giữa hai lần cân gần nhau không quá 1mg.

9.2 Phương pháp B

9.2.1 Thuỷ phân

Cân từ 2g– 3g mẫu khô chính xác đến 0,1mg đã được chuẩn bị theo mục 8 cho vào cốc thuỷ tinh có mỏ dung tích 400ml hoặc bình tam giác dung tích 250ml. Thêm 100ml dung dịch axit clohydric 3mol/l và vài tinh thể cacbua canxi, khuấy đều. Đậy cốc bằng mặt kính đồng hồ hoặc đậy bình tam giác bằng nút nhám. Đun nhẹ trong 1giờ. Cứ 10phút khuấy nhẹ một lần để tránh hiện tượng dính mẫu trên thành cốc hoặc bình. Tráng mặt kính đồng hồ bằng một ít nước sôi, lưu ý nước đó đổ lại vào cốc. Làm nguội ở nhiệt độ phòng và thêm một ít chất trợ lọc đủ để tránh sự mất mát chất béo trong quá trình lọc. Tiến hành lọc ướt qua giấy lọc kép. Tráng cốc bằng một ít nước rồi cũng đem lọc nước đó. Rửa cặn bằng một ít nước cất cho đến khi thu được dung dịch lọc trung tính. Để ráo kết tủa. Cần kiểm tra để đảm bảo rằng phần nước lọc không còn chất béo. Nếu thấy vết chất béo trên bề mặt nước lọc, cần phải lặp lại quá trình thuỷ phân với lượng mẫu thử nhỏ hơn hoặc dùng dung dịch axit với nồng độ cao hơn.

Cẩn thận lấy giấy lọc kép và cặn thu được từ 9.2.1 cho lên mặt kính đồng hồ và làm khô trong tủ sấy ở nhiệt độ ở 1030C trong 30 phút hoặc tốt nhất là làm khô trong tủ sấy chân không ở 800C trong một giờ.

9.2.2 Chiết

Đặt giấy lọc kép và cặn khô vào ống giấy (6.10) cho vào ống chiết của hệ thống chiết và đậy bằng một miếng bông không chứa chất béo. Tiến hành chiết chất béo bằng ete petrol theo trình tự đã nêu trong mục 9.1.3.

10. Tính toán

10.1 Hàm lượng chất béo thô của mẫu (X) biểu thị bằng phần trăm khối lượng được tính theo công thức:

Trong đó:

X: hàm lượng chất béo thô của mẫu, biểu thị bằng % khối lượng, tính theo 10.1

W: độ ẩm của mẫu thử, tính theo % khối lượng.

Độ ẩm của mẫu thử được xác định theo ISO 712.

11. Các lưu ý khi tiến hành thử nghiệm

11.1 Nếu mẫu thử ở dạng thô, khó đều có hàm lượng nước cao cần tiến hành như sau:

Cân khoảng 10g mẫu thử chính xác đến 1mg sau khi đã cắt nhỏ và trộn cho vào cốc cân và đem sấy ở nhiệt độ 1030C trong 1 giờ. Lấy ra để nguội và trộn đều với 10g natri sunfat khan trong cối chày sứ sau đó chuyển toàn bộ vào ống giấy (6.10). Chú ý không để rơi ra ngoài. Dùng một miếng bông hút ẩm có thấm ete để lau sạch cốc và cối chày sứ rồi lấy miếng bông đó đậy lên ống giấy. Sau đó cho ống giấy vào ống chiết của thiết bị chiết và tiến hành làm tương tự như mục 9.1.3.

11.2 Nếu hàm lượng chất béo thấp thì cần tăng lượng mẫu khô cần lấy là 5g.

12. Báo cáo thử nghiệm

Báo cáo thử nghiệm phải thể hiện:

– Toàn bộ thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu;

– Phương pháp lấy mẫu đã sử dụng, nếu biết;

– Phương pháp áp dụng;

– Báo cáo cũng phải đề cập đến mọi chi tiết về thao tác không qui định trong tiêu chuẩn này hoặc bất kỳ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *