Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7304-2:2003 về chế phẩm sinh học – phần 2: vi sinh vật xử lý hầm cầu vệ sinh – chế phẩm dạng lỏng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 7304-2 : 2003
CHẾ PHẨM SINH HỌC – PHẦN 2: VI SINH VẬT XỬ LÝ HẦM CẦU VỆ SINH – CHẾ PHẨM DẠNG LỎNG
Biological preparation – Part 2: Microorganism for water closet treatment – Liquid
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các chỉ tiêu kỹ thuật của chế phẩm vi sinh vật dạng lỏng, tiềm sinh, nuôi cấy ở nhiệt độ môi trường, trong điều kiện hiếu khí và kỵ khí tùy tiện, dùng để tăng cường quá trình phân giải sinh học, phòng chống tắc nghẽn hầm cầu vệ sinh.
2. Tiêu chuẩn viện dẫn
TCVN 4881 – 89 (ISO 6887 : 1983) Vi sinh vật học – Hướng dẫn chung về cách pha chế các dung dịch pha loãng để kiểm nghiệm vi sinh vật.
TCVN 4884 : 2001 (ISO 4833 : 1991) Vi sinh vật học – Hướng dẫn chung về định lượng vi sinh vật – kỹ thuật đếm khuẩn lạc ở 300C.
TCVN 6168 : 2002 Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulô.
TCVN 7185 : 2002 Phân hữu cơ vi sinh vật.
3. Quy định chung
3.1. Chế phẩm vi sinh vật dạng lỏng dùng để tăng cường quá trình phân giải sinh học phòng chống tắc nghẽn hầm cầu vệ sinh phải không vẩn đục, không chứa các vi sinh vật gây bệnh, có hại cho môi trường.
4. Yêu cầu kỹ thuật
4.1. Các chỉ tiêu kỹ thuật của chế phẩm vi sinh vật dạng lỏng phải phù hợp với các yêu cầu nêu trong bảng 1.
Bảng 1 – Các chỉ tiêu kỹ thuật của chế phẩm vi sinh vật dạng lỏng
Tên chỉ tiêu |
Mức |
Phương pháp thử |
1. Vi sinh vật hoại sinh, CFU/ml, không nhỏ hơn |
1,0.108 |
TCVN 7185 : 2002 |
2. Vi sinh vật phân giải xenlulô, CFU/ml, không nhỏ hơn |
1,0.108 |
TCVN 6168 : 2002 |
3. Vi sinh vật phân giải protêin, CFU/ml, không nhỏ hơn |
1,0.108 |
TCVN 4884 : 2001 |
4. Vi sinh vật phân giải tinh bột, CFU/ml, không nhỏ hơn |
1,0.108 |
TCVN 4884 : 2001 |
5. Độ pH |
7 ¸ 8 |
TCVN 7185 : 2002 |
Chú thích – CFU (colony forming unit) là đơn vị hình thành khuẩn lạc |
5. Phương pháp thử
5.1. Lấy mẫu
– Việc lấy mẫu được tiến hành sao cho mẫu kiểm tra phải là mẫu đại diện cho cả lô hàng. Một lô gồm các đơn vị sản phẩm cùng loại, có cùng dung tích và được sản xuất cùng một đợt, từ cùng một nguồn nguyên liệu. Dung tích mỗi lô không nhiều hơn 10 000 lít sản phẩm.
– Mẫu được lấy từ các đơn vị bao gói nguyên, mỗi lô lấy không ít hơn 10 mẫu. Người lấy mẫu phải được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc lấy mẫu. Trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu phải tránh tạp chất, không cho thêm bất kỳ chất nào từ bên ngoài vào.
5.2. Phương pháp thử
5.2.1. Chuẩn bị thử theo TCVN 4881 – 89
5.2.2. Các phương pháp thử tương ứng với từng chỉ tiêu được quy định trong bảng 1.
6. Bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản
6.1. Sản phẩm được đóng trong bao bì kín (ví dụ: chai thủy tinh, nhựa…), không gây độc hại cho vi sinh vật và môi trường sinh thái.
6.2. Dung tích thực và sai số cho phép của từng đơn vị sản phẩm áp dụng theo quy định hiện hành.
6.3. Nhãn hiệu trên bao bì phải tuân theo quy định hiện hành về ghi nhãn hàng hóa, đồng thời phải có đầy đủ các thông tin sau:
– tên sản phẩm (tên viết tắt hoặc tên thương mại);
– tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất;
– số lượng các loại vi sinh vật chính;
– công dụng;
– hướng dẫn sử dụng;
– ngày sản xuất và thời hạn sử dụng;
– dung tích thực.
6.4. Sản phẩm vi sinh vật xử lý hầm cầu vệ sinh dạng lỏng được bảo quản, vận chuyển trong điều kiện khô ráo, thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.