Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 22TCN 260:2000 về quy trình khảo sát địa chất công trình các công trình đường thủy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
TIÊU CHUẨN NGÀNH
22TCN 260:2000
QUY TRÌNH KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THUỶ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1332/2000/QĐ-BGTVT, ngày 25/6/2000 của Bộ trưởng Bộ GTVT)
PHẦN I
QUY ĐỊNH CHUNG
Chương 1
MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ
Điều 1:Các công trình giao thông đường thuỷ (gọi tắt là công trình thuỷ) bao gồm:
1. Hệ thống cầu tàu, bến cảng;
2. Luồng lạch, kênh đào và khu nước của cảng;
3. Các công trình bảo vệ: kè bờ, kè chắn sóng, kè chống sa bồi, tường chắn v.v…
4. Các công trình âu, ụ, triền đà, bãi đóng tàu;
5. Các công trình trong cảng như nhà làm việc; nhà xưởng, công trình cấp nước v.v…
6. Hệ thống đường giao thông trong cảng;
7. Hệ thống phao báo hiệu v.v…
Các công trình thuỷ trước khi thiết kế, lập dự án, phải thực hiện đủ nội dung, phương pháp và khối lượng công tác khảo sát địa chất công trình (ĐCCT) được quy định theo Quy trình này.
Điều 2.Khảo sát ĐCCT là một phần việc trong khảo sát đường thuỷ, công tác này phải được tiến hành đồng thời với khảo sát địa hình, khí tượng, thuỷ văn nhằm mục đích:
1. Thu thập, điều tra các tài liệu ĐCCT ở thực địa cùng với các tài liệu kinh tế kỹ thuật khác để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhằm lựa chọn các phương án hợp lý nhất về mặt kinh tế kỹ thuật;
2. Xác minh các điều kiện thiết kế, xây dựng và khai thác công trình đảm bảo chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hồ sơ mời thầu.
Điều 3.Nhiệm vụ của khảo sát ĐCCT các công trình thuỷ là:
1. Xác định các đặc điểm thiên nhiên về địa hình địa mạo, cấu tạo địa chất, đặc điểm địa chất thuỷ văn, các hiện tượng địa chất đặc biệt;
2. Cung cấp các số liệu địa kỹ thuật của đất nền cho thiết kế.
Để hoàn thành các nhiệm vụ này, phải tiến hành các công việc sau:
1. Đo vẽ ĐCCT;
2. Thăm dò ĐCCT;
3. Thí nghiệm trong phòng và ngoài hiện trường;
4. Tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát.
Khối lượng của các công việc trên tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của điều kiện ĐCCT, đặc tính và quy mô của công trình và giai đoạn khảo sát.
Chương 2
NHỮNG CÔNG TÁC ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG QUÁ TRÌNH KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH
A. Đo vẽ địa chất công trình
Điều 4.Đo vẽ ĐCCT là công tác phải được tiến hành đầu tiên, có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu cấu tạo địa chất, kiến tạo địa chất, thành phần thạch học, thế nằm đất đá, điều kiện ĐCCT khái quát và các hiện tượng địa chất đặc biệt;
2. Tìm kiếm và đánh giá sơ bộ về trữ lượng và chất lượng của các nguồn vật liệu xây dựng;
Đo vẽ ĐCCT cần phản ánh một cách khái quát; Thông qua bản đồ hoá, sơ đồ hoá các yếu tố thiên nhiên và các tài liệu khác.
Để tiến hành điều tra phải sử dụng các bước khảo sát điều tra các vết lộ thiên nhiên và nhân tạo, các công trình đã xây dựng kết hợp với một khối lượng nhỏ thăm dò bằng thủ công hoặc phương tiện nhẹ (đào, bạt lớp phủ, khoan tay nông, địa vật lý v.v…).
Khối lượng và phạm vi đo vẽ phụ thuộc vào quy mô công trình, mức độ nghiên cứu đã có trước đây và giai đoạn khảo sát.
B. Thăm dò địa chất công trình
Điều 5.Trong quá trình khảo sát, tuỳ tình hình thực tế có thể sử dụng độc lập hoặc phối hợp các biện pháp thăm dò sau:
1. Bạt lớp phủ, hào và rãnh thăm dò, hố đào thăm dò, việc sử dụng tuỳ theo yêu cầu và điều kiện thực tế, nhằm phát hiện, xác định chiều dày lớp phủ, ranh giới của các lớp đất trên mặt, lấy mẫu và quan trắc hoặc thí nghiệm ngoài hiện trường.
2. Khoan ruột gà, khoan nhỏ bằng máy hoặc bằng tay. Đường kính lỗ khoan từ 2 đến 3 cm, lấy mẫu có thể không nguyên trạng. Các lỗ khoan này có thể thay thế hố khoan trong trường hợp cần thiết.
3. Khoan tay và khoan máy đường kính lớn. Trong trường hợp cần phải tìm hiểu tình hình địa chất ở độ sâu lớn và phải lấy mẫu đất nguyên trạng để thí nghiệm thì tiến hành khoan đường kính lớn ( > 100mm) theo Quy trình khoan thăm dò ĐCCT 22TCN 259-99.
4. Công tác thăm dò địa vật lý gồm: đo điện (còn gọi là điện thám), địa chấn bằng các thiết bị chuyên dùng.
Cần kết hợp với một tỷ lệ thích đáng giữa khoan và thăm dò địa vật lý. Nói chung, không nên áp dụng địa vật lý một cách riêng lẻ. Tỷ lệ này do cơ quan Tư vấn thiết kế đề xuất với Chủ đầu tư và được Chủ đầu tư chấp thuận.
C. Công tác thí nghiệm đất, đá, nước
Điều 6.Các mẫu đất, đá, nước để thí nghiệm phải được lấy theo Quy định của TCVN và TCN “Đất xây dựng – Phương pháp lấy, bao gói, vận chuyển và bảo quản mẫu” theo TCVN 2683-91.
Công tác thí nghiệm trong phòng xác định các chỉ tiêu tính chất của các mẫu đất, đá, nước được tiến hành theo đề cương yêu cầu của Tư vấn Thiết kế lập và được Chủ đầu tư chấp thuận và phương pháp được quy định của TCVN 4195-95 ~ 4202-95 “Đất xây dựng – Phương pháp xác định tính chất cơ lý trong phòng thí nghiệm”. Các mẫu đá thí nghiệm lấy theo TCVN 1772-87; mẫu nước lấy theo 22TCN 61-94
Thông thường các mẫu đất, đá, nước cần tiến hành thí nghiệm xác định các chỉ tiêu sau:
1. Mẫu đất: cần xác định các chỉ tiêu cơ lý như: thành phần hạt, trọng lượng thể tích, khối lượng riêng, các giới hạn Atterberg v.v… cũng như các tính chất cơ học như: hệ số nén lún, hệ số cố kết, hệ số thấm, sức chống cắt khi cắt phẳng và nén ba trục, nén cho nở hông v.v…
2. Mẫu đá: dung trọng, độ bền nén khi khô và bão hoà, hệ số mềm hoá.
3. Mẫu nước: phân tích tính chất vật lý và hoá học của nước.
Điều 7.Theo yêu cầu của Tư vấn Thiết kế có thể tiến hành các thí nghiệm ngoài hiện trường như: cắt cánh, xuyên động và xuyên tĩnh, nén trong lỗ khoan (lỗ khoan hoặc nén thành lỗ khoan), xác định CBR và v.v… theo các hướng dẫn hiện hành được sự chấp nhận của Tư vấn Thiết kế.
D. Tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát
Điều 8. Công tác tổng hợp và lập hồ sơ khảo sát bao gồm việc xử lý tổng hợp các tài liệu thu thập được, các số liệu khảo sát ngoài hiện trường như nhật ký khoan, đào, các số liệu thí nghiệm trong phòng và ngoài hiện trường.
Hồ sơ khảo sát được hoàn thành theo hồ sơ mẫu đã được quy định, bao gồm phần báo cáo thuyết minh và phụ lục các bản vẽ, biểu bảng kèm theo.
Việc xử lý tổng hợp các kết quả thí nghiệm được tiến hành theo Quy định của 22TCN 74-87 “Đất xây dựng – Phương pháp chỉnh lý thống kê các kết quả xác định các đặc trưng của chúng”.
Các số liệu thí nghiệm ngoài hiện trường được chỉnh lý tổng hợp theo đề cương hướng dẫn có liên quan được Tư vấn khảo sát thiết kế chấp nhận.
Chương 3
CÁC GIAI ĐOẠN KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ
Điều 9.Khảo sát ĐCCT được tiến hành theo các giai đoạn phù hợp với các giai đoạn thiết kế, gồm:
1. Khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
2. Khảo sát phục vụ cho thiết kế kỹ thuật, khảo sát lập bản vẽ thi công.
Điều 10.Trong những trường hợp đặc biệt, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần phải khảo sát lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do người có thẩm quyền phê duyệt.
Công tác khảo sát ĐCCT phục vụ cho bước lập báo cáo tiền khả thi chủ yếu tập trung vào việc thu thập các tài liệu đã có kết hợp với một khối lượng thật hạn chế công tác thăm dò ở những khu vực có điều kiện địa chất bất lợi và nơi dự kiến bố trí các công trình có quy mô lớn, quan trọng. Theo quyết định của cấp có thẩm quyền, nếu phải khảo sát thì nhiệm vụ và nội dung công tác khảo sát ở giai đoạn này giống như ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng khối lượng không nên vượt quá 10% khối lượng ở giai đoạn nghiên cứu khả thi (xem Phần II). Kết thúc của giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và lập báo cáo ĐCCT, nội dung và khối lượng theo quyết định của hồ sơ mẫu.
Công tác khảo sát ĐCCT cho lập bản vẽ thi công (còn gọi là khảo sát ĐCCT bổ sung) được tiến hành theo yêu cầu của thiết kế hoặc nhà thầu hoặc khi có sự thay đổi về vị trí, quy mô, kích thước công trình, thay đổi về kết cấu móng hoặc cần làm rõ thêm điều kiện ĐCCT v.v… Việc khảo sát bổ sung được tiến hành theo yêu cầu của nhà thầu bổ sung phục vụ thi công trên cơ sở đề cương của thiết kế.
PHẦN II
KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH THUỶ
Chương 4
KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH THUỶ GIAI ĐOẠN LẬP BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI
A. Công tác chuẩn bị
Điều 11.Thời kỳ chuẩn bị trong phòng cần:
1. Nghiên cứu đề cương kỹ thuật, những yêu cầu khảo sát của đề cương kết hợp với bản đồ địa hình nơi xây dựng công trình, tìm hiểu điều kiện dân sinh, mạng lưới giao thông, các yếu tố địa hình trong khu vực v.v…
2. Thu thập nghiên cứu các bản đồ địa chất, mặt cắt địa chất, các báo cáo của các cơ quan địa chất chuyên ngành, tham khảo các tài liệu địa chất của các công trình xây dựng tại địa điểm dự kiến xây dựng công trình và các vùng lân cận. Việc nghiên cứu này nhằm nắm được những đặc điểm về kiến tạo, cấu tạo địa chất khu nghiên cứu và sự phân bố của các loại đất đá trong vùng v.v… cũng như nhằm đề ra khối lượng khảo sát phù hợp.
3. Chuẩn bị đầy đủ các loại dụng cụ và thiết bị phục vụ cho việc đi thị sát ngoài hiện trường.
Điều 12.Công tác thị sát để lập đề cương khảo sát ĐCCT
Mục đích của công tác thị sát là nhằm nắm được tình hình địa chất khu vực, đặc điểm địa hình, địa mạo, dân cư, điều kiện giao thông để có thể lập được đề cương và phương án khảo sát thoả mãn yêu cầu kỹ thuật của thiết kế và điều kiện thực tiễn của khu vực.
Có thể sử dụng các loại bản đồ có tỷ lệ sau:
1. Các công trình kéo dài theo tuyến (sông, kênh, luồng lạch) dùng bản đồ tỷ lệ 1:25.000 đến 1:200.000;
2. Các công trình chủ yếu (cảng lớn, đập lớn) dùng bản đồ tỷ lệ 1:5.000 đến 1:10.000;
3. Các công trình thứ yếu (cảng nhỏ, bến…) dùng bản đồ tỷ lệ 1:10.000 đến 1:25.000;
4. Kết quả của công tác thị sát là lập được đề cương khảo sát đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thiết kế, thuận tiện cho công việc triển khai khảo sát và chi phí giá thành thấp nhất.
B. Khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi
Điều 13.Đối tượng, mục đích và nhiệm vụ của khảo sát ĐCCT trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi như sau:
1. Đối tượng khảo sát là các khu đất, khu nước dự kiến xây dựng các công trình (như Điều 1).
• Hệ thống cầu tàu của cảng;
• Kênh dẫn luồng lạch và khu nước;
• Các công trình bảo vệ gia cố bờ: kè bờ, tường chắn, đê chắn sóng v. v…;
• Các công trình âu tàu, ụ tàu, triền đà, bãi đóng tàu…;
• Các công trình trong cảng: nhà dân dụng, nhà xưởng, bãi chứa hàng v.v. ..;
• Các hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ trong cảng…
2. Mục đích của khảo sát ĐCCT là thu thập các tài liệu cơ bản để cùng với các tài liệu khác (địa hình, thuỷ văn v.v…) cung cấp cho thiết kế lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
3. Nhiệm vụ của khảo sát ĐCCT là:
• Nghiên cứu tính chất xây dựng của đất ở địa điểm dự kiến xây dựng;
• Đánh giá các hiện tượng địa chất đặc biệt có ảnh hưởng tới công trình như trượt lở, cacxtơ, xói, bùn lầy v.v…;
• Tìm hiểu tình hình địa chất thuỷ văn để có biện pháp sử dụng hoặc phòng tránh;
• Tìm kiếm và thăm dò vật liệu xây dựng.
Điều 14.Đo vẽ ĐCCT được tiến hành trên bản đồ có tỷ lệ như đã nêu trong Điều 12. Số điểm quan sát phụ thuộc vào mức độ phức tạp về ĐCCT và tỷ lệ bản đồ. Trong trường hợp các vết lộ thiên nhiên và nhân tạo (hố đào, giếng nước v.v…) có thể kết hợp thực hiện các công trình thăm dò thủ công đơn giản như bạt lớp phủ, hố đào, hào rãnh thăm dò, khoan tay v.v… Tỷ lệ và số lượng các công trình thăm dò do Tư vấn Thiết kế quyết định bằng đề cương khảo sát được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Số điểm quan sát trên 1km2 (bao gồm cả công trình thăm dò) được quy định theo Bảng 25 của Phụ lục 12.
Điều 15.Công tác thăm dò được tiến hành ở tất cả các phương án xem xét, nhưng cần chú trọng phương án có nhiều khả năng chấp thuận và những khu vực có hiện tượng địa chất xấu ảnh hưởng đến tính chất khả thi của công trình. Khối lượng và mạng bố trí công trình thăm dò đối với công trình tập trung và công trình kéo dài được quy định như sau:
1. Đối với công trình tập trung như cầu tàu, bến cảng, nhà xưởng, âu, ụ v.v…
• Bố trí lỗ khoan (có SPT) theo mạng ô vuông với khoảng cách từ 100m x 100m đến 200m x 200m.
• Có thể bố trí công trình theo trắc dọc và các trắc ngang. Trên trắc dọc (theo hướng kéo dài của công trình) khoảng cách các lỗ khoan từ 100m đến 200m. Khoảng cách giữa các trắc ngang từ 100-200m, trên mỗi trắc ngang bố trí từ 1 đến 2 công trình thăm dò.
Đối với các công trình quan trọng (cảng, cầu tàu) có quy mô vừa và nhỏ, số lượng công trình thăm dò không ít hơn 2. Đối với các công trình thứ yếu (nhà xưởng, âu, ụ) nên bố trí từ 1 đến 2 công trình thăm dò.
Độ sâu của công trình thăm dò thường từ 20 đến 30m, trong đó cần bố trí một số lỗ khoan cấu tạo có độ sâu lớn hơn đến tầng đá gốc hoặc tầng chịu lực cao (cát chặt, đất loại sét nửa cứng đến cứng, sỏi cuội v.v…). Số lượng lỗ khoan do chủ nhiệm thiết kế quyết định trên cơ sở theo đặc điểm về cấu tạo địa chất của khu vực và quy mô của công trình xây dựng.
2. Đối với công trình kéo dài như luồng lạch, kênh v.v… thì bố trí theo tuyến với khoảng cách từ 200 – 400m một công trình thăm dò.
Độ sâu của công trình thăm dò được quyết định theo đáy luồng dự kiến, nói chung nên sâu hơn đáy luồng thiết kế từ 1-2m trong đất và 0,5 – 1m trong đá.
Điều 16.Trong quá trình đo vẽ ĐCCT và thăm dò nếu phát hiện các hiện tượng địa chất đặc biệt trong khu vực dự kiến xây dựng thì cần phải tiến hành thăm dò bổ sung nhằm xác định quy mô phân bố của các hiện tượng địa chất đặc biệt và ảnh hưởng của chúng đến việc xây dựng công trình.
Nội dung, nhiệm vụ và phương pháp thăm dò ĐCCT khu vực có hiện tượng địa chất đặc biệt được quy định trong Chương 7 của Quy trình này.
Khối lượng công tác thăm dò do Chủ nhiệm nghiệp vụ khảo sát lập đề cương trình duyệt trên cơ sở thực tế của khu vực và những quy định sau:
1. Khối lượng công tác thăm dò không nên vượt quá 20-30% khối lượng quy định trong Chương 7.
2. Đối với những khu vực có hiện tượng địa chất đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến công trình xây dựng, để xác định được phạm vi phân bố của chúng theo mặt bằng cũng như chiều sâu cần có tối thiểu một trắc dọc và một trắc ngang (4-5 công trình thăm dò).
Việc khảo sát bổ sung những khu vực có hiện tượng địa chất đặc biệt nhằm xác định được phạm vi phân bổ của chúng theo mặt bằng cũng như độ sâu, mức độ ảnh hưởng của nó đến công trình xây dựng để có phương án xử lý hoặc phòng tránh. Kiến nghị phương án hợp lý nhất về mặt kinh tế và kỹ thuật.
Điều 17.Công tác khoan thăm dò phải được thực hiện theo các quy định của 22TCN 259-99 “Quy trình khoan thăm dò ĐCCT”.
Cần kết hợp công tác thí nghiệm xuyên động, tiêu chuẩn SPT trong quá trình khoan thăm dò ĐCCT.
Điều 18.Trong trường hợp cần thiết, có thể thay thế một số lượng hợp lý công trình khoan bằng đo địa vật lý (thăm dò điện hoặc thăm dò bằng địa chấn…). Tỷ lệ thay thế (có thể bổ sung thêm) do Tư vấn Thiết kế quyết định.
Điều 19.Sau khi kết thúc công việc ở hiện trường cũng như kết thúc từng công trình thăm dò (lỗ khoan, hố đào, điểm địa vật lý, điểm thí nghiệm ngoài hiện trường v.v…) cần phải hoàn thành các nhật ký theo mẫu biểu quy định để cung cấp cho Tư vấn giám sát (bản sao chụp) và phải ghi chép, đóng gói các mẫu lưu, mẫu thí nghiệm v.v…
Điều 20.Công tác thí nghiệm được tiến hành trên hai loại mẫu (nguyên trạng và phá hoại) lấy ở các công trình thăm dò chuyển về. Mẫu đạt tiêu chuẩn để thí nghiệm là những mẫu đã được lấy, bảo quản và chuyển về phòng thí nghiệm đúng theo quy định của TCVN 2683-91 “Đất xây dựng – Phương pháp lấy, bao gói, vận chuyển và bảo quản mẫu”. Phòng thí nghiệm có nhiệm vụ phải phát hiện những mẫu không đạt yêu cầu và có quyền từ chối thí nghiệm những mẫu này.
Điều 21.Khối lượng mẫu cũng như các chỉ tiêu cần thí nghiệm là do Tư vấn khảo sát thiết kế quyết định trên cơ sở của đề cương kỹ thuật và yêu cầu của các hướng dẫn hiện hành. Thông thường cần xác định những chỉ tiêu sau:
1. Tính chất vật lý:
• Thành phần hạt
• Độ ẩm
• Dung trọng
• Tỷ trọng
• Các giới hạn Atterberg
• Góc nghỉ và hệ số rỗng (đối với đất cát)
2. Tính chất cơ học:
• Hệ số nén lún
• Hệ số cố kết
• Độ bền theo thí nghiệm cắt phẳng hoặc nén ba trục
• Nén cho nở hông
Điều 22.Phương pháp thí nghiệm xác định theo các chỉ tiêu vật lý và cơ học của đất được tiến hành theo TCVN 4195-95 – 4202-95 “Đất xây dựng – Phương pháp xác định tính chất cơ lý trong phòng thí nghiệm” và các tài liệu hướng dẫn có liên quan. Kết quả thí nghiệm phải được trình bày theo các biểu bảng quy định.
Dụng cụ, máy móc thí nghiệm phải được bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ kiểm định hiệu chỉnh theo quy định phòng thí nghiệm được cấp LAS xây dựng.
Điều 23.Tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát phải tiến hành cho các phương án được nghiên cứu trong giai đoạn khả thi. Trong mỗi phương án cần phân tích điều kiện ĐCCT của từng đối tượng xây dựng (cầu tàu, bến cảng, luồng, nhà xưởng, âu, ụ v.v…). Trên quan điểm ĐCCT cần nêu lên kiến nghị về phương án hợp lý trong các phương án nghiên cứu vị trí của công trình và các giải pháp nền móng.
Phương pháp tổng hợp chỉnh lý tài liệu và lập hồ sơ khảo sát được thực hiện theo Điều 8 của Quy trình này.
Chương 5
KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH TRONG GIAI ĐOẠN THIẾT KẾ KỸ THUẬT
Điều 24.Khảo sát ĐCCT trong giai đoạn này nhằm thu thập các số liệu làm cơ sở cho thiết kế kỹ thuật, lựa chọn mặt bằng, kết cấu công trình.
Các số liệu khảo sát cần thoả mãn các yêu cầu sau:
• Các số liệu làm cơ sở bố trí công trình.
• Các số liệu làm cơ sở tính toán kiểu loại, kết cấu công trình, chiều sâu đặt móng.
• Các số liệu về giá trị tiêu chuẩn và tính toán của các lớp đất đá.
• Báo cáo về các nguồn vật liệu phục vụ cho thi công xây dựng công trình.
• Đề xuất các biện pháp để thành lập đồ án thi công.
• Khối lượng này không bao gồm khối lượng khảo sát các hiện tượng địa chất đặc biệt nêu trong Chương 6.
A. Khảo sát ĐCCT khu đất xây dựng bến cảng
Điều 25.Tiến hành điều tra đo vẽ trong phạm vi dải băng dọc bờ (biển, sông) trên bản đồ tỷ lệ 1:1000 đến 1:5000 với chiều rộng từ 50m đến 100m. Khi điều tra cần chú ý đến sự ổn định chung của sườn bờ biển, bờ sông (kể cả phần dưới nước). Cần nghiên cứu các điều kiện địa chất cấu tạo, địa chất thuỷ văn, đặc điểm thạch học, cấu tạo đá gốc, các hiện tượng địa chất vật lý v.v…
Điều 26.Trong trường hợp khu đất có hiện tượng sập lở và các hiện tượng địa chất đặc biệt khác thì phải tiến hành khảo sát bổ sung và chi tiết theo các điều quy định ở Chương 6.
Điều 27.Công tác thăm dò chủ yếu là sử dụng khoan – SPT với khoảng cách:
100m/lỗ với địa chất đơn giản, 50m/lỗ với địa chất phức tạp, 25m/lỗ với địa chất rất phức tạp (kết hợp sử dụng các công trình thăm dò ở các giai đoạn trước). Chiều sâu công trình thăm dò phải dưới mũi cọc hoặc đáy móng nông từ 5m đến 7m. Thông thường các lỗ khoan phải khoan sâu vào tầng chịu lực từ 3m đến 5m (3 lần thử SPT có N lớn hơn 50) hoặc vào tầng đá nguyên khối. Trong trường hợp tầng chịu lực quá sâu, chiều sâu dừng khoan sẽ do chủ nhiệm khảo sát và chủ nhiệm thiết kế bàn bạc quyết định sau khi có ý kiến của các cấp có thẩm quyền. Đối với bến cảng có quy mô nhỏ, thì tối thiểu phải bố trí 2 đến 3 lỗ khoan thăm dò. Các yêu cầu kỹ thuật như đã nêu ở trên.
Điều 28.Khi nền công trình là đá thì phải khoan qua tầng đá phong hoá vào đá nguyên khối từ 2m đến 3m tuỳ thuộc vào loại đá. Trong trường hợp nền do các loại đá có độ bền khác nhau xen kẽ thì độ sâu khoan vào đá do Tư vấn khảo sát quyết định.
Điều 29.Công tác khảo sát địa chất thuỷ văn nhằm mục đích đánh giá khả năng sử dụng, cung cấp và tác dụng của nước dưới đất đối với công trình. Cần tiến hành quan trắc mực nước và đánh giá động thái của nước dưới đất. Trong quá trình khoan phải phát hiện các tầng chứa nước, lấy mẫu phân tích thành phần hoá học để đánh giá tính chất ăn mòn của nước đối với bê tông, bê tông cốt thép và các kết cấu thép.
Điều 30.Công tác thí nghiệm được tiến hành theo các nội dung sau:
a. Đối với đất dính: thành phần hạt, dung trọng, tỷ trọng, độ ẩm, các giới hạn Atterberg, hệ số nén lún, sức chống cắt (cắt phẳng hoặc nén ba trục), nén cho nở hông, độ cố kết đối với đất yếu.
b. Đối với cát: thành phần hạt, góc nghỉ, độ chặt.
c. Đối với đá: cường độ kháng nén khi khô và bão hoà, hệ số mềm hoá.
d. Đối với nước: phân tích theo phương pháp rút gọn nhằm đánh giá tính chất ăn mòn của nước đối với công trình.
Điều 31.Đối với các loại đất yếu (bùn, sét chảy – dẻo chảy v.v…) ít có khả năng lấy mẫu nguyên trạng đầy đủ về số lượng và chất lượng, vì vậy nên kết hợp thay thế một số lỗ khoan bằng xuyên tĩnh, cắt cánh, nén trong cùng một lỗ khoan.
Điều 32.Công tác tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát phải được tiến hành theo các quy định hiện hành (xem Điều 8 và 23). Hồ sơ khảo sát bao gồm:
• Báo cáo thuyết minh ĐCCT.
• Bản đồ ĐCCT.
• Các mặt cắt ngang, dọc.
• Bảng chỉ tiêu tính chất cơ lý của đất, thành phần hoá học của nước.
B. Khảo sát ĐCCT các công trình đường sông kênh đào, luồng lạch và khu vực ngập nước
Điều 33.Nhiệm vụ của khảo sát ĐCCT là thu thập các số liệu cần thiết để lập đồ án nạo vét, đánh giá sự ổn định của bờ dốc, sự xói mòn, khả năng bồi lấp, xác định khả năng và lợi ích của việc sử dụng đất được nạo vét vào các mục đích xây dựng khác.
Điều 34.Đo vẽ ĐCCT được thực hiện trên bản đồ có tỷ lệ từ 1:5.000 đến 1:25.000 tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của điều kiện ĐCCT và quy mô, tầm quan trọng của công trình nghiên cứu.
Phạm vi đo vẽ là toàn bộ thung lũng sông hoặc luồng lạch về mỗi bên từ 500 -1000m. Cần tận dụng quan sát các vết lộ thiên nhiên và nhân tạo ở phần không ngập nước: hai bờ, các bãi cạn, gềnh đá v.v…
Điều 35.Công tác thăm dò ĐCCT được tiến hành để thu thập các số liệu cung cấp cho thiết kế. Tuỳ theo mức độ phức tạp của điều kiện ĐCCT và quy mô công trình mà bố trí công trình theo mạng lưới ô vuông từ 100m x 100m đến 300m x 300m hoặc bố trí theo trắc dọc và trắc ngang. Chiều sâu công trình thăm dò phải dưới đáy luồng thiết kế 2m đến 5m trong đất và 0,5m đến 1,0m trong đá.
Nếu phát hiện đá gốc nằm trên cao độ thiết kế trong phạm vi luồng chính cần tiến hành thăm dò chi tiết hơn (theo mạng lưới 25x25m đến 50x50m) để xác định khối lượng phá đá hoặc khả năng cải tuyến luồng.
Điều 36.Khảo sát địa chất thuỷ văn đối với các kênh, luồng lạch làm mới là phải phát hiện các tầng chứa nước, nhất là các tầng chứa nước có áp để đánh giá ổn định của bờ dốc khi tạo luồng do tác dụng phá hoại của nước ngầm.
Điều 37.Công tác thí nghiệm cần tiến hành xác định các chỉ tiêu vật lý và cơ học của đất ở mái dốc nhằm thiết kế độ ổn định của bờ dốc.
Đối với đá cần cung cấp các số liệu phục vụ cho thiết kế phá nổ như: cường độ kháng nén, độ kiên cố, dung trọng v.v…
Điều 38.Công tác tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát được tiến hành theo quy định của Điều 8 của Quy trình này. Hồ sơ khảo sát bao gồm:
• Báo cáo ĐCCT.
• Bản đồ ĐCCT.
• Các mặt cắt ngang, dọc.
• Các bảng chỉ tiêu cơ lý đất đá.
• Bình đồ phân bố đá gốc (nếu có) trong phạm vi luồng.
C. Khảo sát ĐCCT các công trình gia cố phòng hộ(kè, tường chắn, đê chắn sóng v.v…)
Điều 39.Nhiệm vụ cơ bản của khảo sát ĐCCT khu vực xây dựng các công trình bảo vệ, gia cố bờ là thu thập các số liệu ĐCCT để cùng với các tài liệu khác lựa chọn kiểu loại công trình gia cố để bảo vệ.
Điều 40.Đo vẽ ĐCCT được tiến hành trên bản đồ có tỷ lệ 1:500 đến 1: 1000. Phạm vi đo vẽ theo dải băng rộng từ 100 – 200m.
Điều 41.Công tác thăm dò được thực hiện bằng các lỗ khoan và các hố đào theo trắc ngang và trắc dọc. Khoảng cách các công trình thăm dò trên trắc dọc từ 25m đến 50m. Khoảng cách giữ các trắc ngang từ 50m – 100m. Trên mỗi trắc ngang bố trí 2-3 công trình thăm dò.
Độ sâu của công trình thăm dò phụ thuộc vào điều kiện địa chất, nhưng phải sâu vào tầng chịu lực từ 3-5m, trong trường hợp tầng chịu lực quá sâu thì phải có một vài lỗ khoan cấu tạo để phát hiện được tầng chịu lực.
Điều 42.Công tác khảo sát địa chất thuỷ văn nhằm thu thập các số liệu để đánh giá ảnh hưởng của nước ngầm (nếu có) đến điều kiện ổn định của công trình, phát hiện các tầng chứa nước trong phạm vi độ sâu thăm dò.
Điều 43.Công tác thí nghiệm được tiến hành trên các mẫu nguyên trạng nhằm xác định các chỉ tiêu cơ lý để cung cấp cho thiết kế tính toán độ ổn định của công trình gia cố phòng hộ.
Điều 44.Hồ sơ khảo sát được thành lập bao gồm:
• Báo cáo ĐCCT.
• Bản đồ ĐCCT.
• Các mặt cắt ngang, dọc.
• Các tài liệu thí nghiệm.
D. Khảo sát ĐCCT các công trình nâng tàu
(âu, ụ, triền đà, bãi đóng tàu v.v…)
Điều 45.Nhiệm vụ của khảo sát ĐCCT là thu thập số liệu phục vụ cho tính toán ổn định công trình, đánh giá hiện tượng thẩm thấu của âu tàu v.v. ..
Tiến hành đo vẽ ĐCCT trên bản đồ có tỷ lệ 1:1000 đến 1:2000. Nếu việc xây dựng các công trình trên đồng thời với việc xây dựng cảng, nhà máy đóng tàu v.v… thì công việc đo vẽ cần kết hợp tiến hành chung cho các hạng mục công trình.
Khi điều tra, cần đặc biệt lưu ý đến phần đất nền phân bổ trong phạm vi dao động của mực nước, đánh giá tác dụng của nước tới độ ổn định của mái dốc, chú ý phát hiện và điều tra các hiện tượng địa chất vật lý.
Điều 46.Tuỳ theo mức độ phức tạp của điều kiện địa chất và quy mô của công trình mà bố trí mạng lưới thăm dò.
Có thể bố trí các công trình thăm dò theo các trắc dọc và trắc ngang. Khoảng cách các công trình trên trắc dọc có thể thay đổi từ 25 đến 75m. Khoảng cách giữa các trắc ngang từ 50m đến 150m, trên trắc ngang bố trí từ 2-3 công trình thăm dò và phạm vi trắc ngang nên quá phạm vi mặt bằng của công trình khoảng 20 – 30m.
Có thể bố trí các công trình theo mạng ô vuông với khoảng cách 25 x 25m đến 75 x 75m cho các công trình âu, ụ, triền đà v.v… và khoảng cách 50 x 50m đến 100 x 100m cho bãi đóng tàu.
Chiều sâu công trình thăm dò thông thường khoảng 30-40m và được quy định chi tiết theo Điều 27 của Quy trình này.
Điều 47.Phải tổ chức quan trắc địa chất thuỷ văn ở một số lỗ khoan.
Đối với những công trình lớn phải tiến hành quan trắc địa chất thuỷ văn theo mùa, thời gian quan trắc không ít hơn một năm ở một số lỗ khoan do chủ nhiệm khảo sát quyết định.
Đối với công trình điều chỉnh dòng nước lớn (đập bê tông ngăn nước…) phải tiến hành thí nghiệm địa chất thuỷ văn để có giải pháp chính xác về:
• Độ bền vững và chiều sâu đặt màng chống thấm.
• Hút nước khi đào hố móng.
• Tính toán rãnh nước v.v…
Điều 48.Hồ sơ khảo sát được hoàn thành bao gồm:
• Báo cáo ĐCCT.
• Bản đồ ĐCCT.
• Các trắc ngang, trắc dọc.
• Các số liệu quan trắc địa chất thuỷ văn và các tài liệu thí nghiệm.
E. Khảo sát ĐCCT khu đất xây dựng nhà và công trình dân dụng
Điều 49.Để thiết kế kỹ thuật nhà công nghiệp và dân dụng cần phải khảo sát bổ sung nhằm chi tiết hoá và chính xác hoá các số liệu đã nghiên cứu ở giai đoạn trước.
ở mỗi khu đất dự kiến xây dựng nhà cần bố trí từ 2 đến 5 công trình thăm dò (bao gồm cả các công trình đã được thực hiện ở giai đoạn trước).
Chiều sâu của công trình thăm dò cần phải sâu vào tầng chịu lực từ 5 đến 7m trong đất và 2 đến 3m trong đá.
Điều 50.Đối với những khu đất dự kiến xây dựng các nhà quan trọng có quy mô lớn và cao tầng nên kết hợp tiến hành một số thí nghiệm ngoài trời như xuyên tĩnh, nén trong lỗ khoan v.v… để đánh giá chính xác độ bền và biến dạng của đất nền.
Điều 51.Dựa vào kết quả khảo sát, thí nghiệm ngoài trời và trong phòng tiến hành tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát bao gồm các nội dung:
• Phần báo cáo cần trình bày súc tích các kết quả đã được nghiên cứu, xác định tính chất về vật lý và cơ học của đất nền, điều kiện ĐCCT khu vực và kiến nghị các giải pháp công trình;
• Phần phụ lục bao gồm: các mặt cắt địa chất công trình, các hình vẽ và các biểu bảng thí nghiệm ngoài hiện trường và trong phòng.
G. Khảo sát ĐCCT đường ôtô và đường sắt trong cảng
Điều 52.Khảo sát ĐCCT phục vụ thiết kế đường ôtô và đường sắt (nếu có) trong cảng được thực hiện theo các quy định của các quy trình tương ứng đã ban hành. Khi bố trí các công trình thăm dò theo quy định của các quy trình trên, cần kết hợp sử dụng một cách hợp lý các công trình thăm dò thuộc các đối tượng trong cảng.
Chương 6
KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH KHU VỰC ĐẶC BIỆT
Điều 53.Khu vực đặc biệt là khu vực có khả năng xảy ra các hiện tượng sụt, trượt, cacxtơ, đất yếu, xói, lở v.v… Việc khảo sát chúng để đánh giá ảnh hưởng tới công trình là rất cần thiết, nhằm giải quyết các nội dung sau:
1. Phạm vi phân bố;
2. Tính chất xây dựng của đất đá;
3. Nguyên nhân hình thành và khả năng phá hoại của chúng đối với công trình;
4. Đề xuất biện pháp phòng chống.
Công tác khảo sát ĐCCT những nơi có hiện tượng địa chất đặc biệt chỉ được tiến hành trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật.
A. Khảo sát ĐCCT khu vực sụt, trượt
Điều 54.Tỷ lệ đo vẽ dùng bản đồ từ 1:1000 đến 1:2000, cá biệt 1:500.
Trong quá trình điều tra phải xác định rõ ranh giới phạm vi. Phạm vi đo vẽ phải quá ra các khối trượt 50-100m. Phải điều tra các mép trượt, thềm trượt, dự báo khả năng trượt v.v…
Điều 55.Mục đích công tác thăm dò là xác định được ranh giới trượt, tình hình địa chất thân trượt, tính chất thoát nước của đất đá.
Các công trình thăm dò gồm hố đào và khoan, được bố trí theo mạng lưới 20×20 m hoặc theo các tuyến vuông góc với hướng trượt. Chiều sâu thăm dò phải qua mặt trượt dự kiến 3-5m, hoặc tới mặt đá gốc.
Điều 56.Khi khoan, phải tiến hành khoan khô. Phải thường xuyên quan sát sự di chuyển của trượt. Phải nghiên cứu ảnh hưởng của nước mặt và nước ngầm tới tốc độ trượt. Khi cần, có thể bố trí khoan địa chất thuỷ văn để quan sát động thái của nước ngầm.
Điều 57.Trong các lỗ khoan, phải lấy mẫu để phân tích trong phòng thí nghiệm xác định tính chất cơ lý của chúng theo các độ sâu nhất định. Khi phát hiện nước ngầm, phải tiến hành quan trắc và trong trường hợp cần thiết phải tiến hành hút nước thí nghiệm. ở các khu vực trượt, phải quan sát sự di chuyển ít nhất 1 năm. Khối lượng các công tác này sẽ do kỹ sư quyết định.
Điều 58.Hồ sơ khảo sát phải hoàn thành bao gồm:
• Bản đồ địa hình công trình;
• Bản đồ địa chất thuỷ văn;
• Các mặt cắt ĐCCT;
• Các tài liệu thí nghiệm và quan trắc.
B. Khảo sát ĐCCT khu vực phát triển cacxtơ
Điều 59.Cacxtơ là hiện tượng hoà tan đá vôi và đá cácbônat nói chung, do tác dụng của dòng nước. Cacxtơ có ảnh hưởng nhiều tới ổn định của công trình. Đánh giá được bản chất và quy mô phát triển của chúng có thể ấn định được kết cấu của móng.
Vì việc xử lý cacxtơ rất phức tạp và tốn kém, cho nên việc tìm hiểu chi tiết chúng là rất cần thiết.
Điều 60.Tỷ lệ điều tra đo vẽ từ 1:2000 đến 1:500. Phạm vi điều tra ra ngoài khu vực cacxtơ 50-100m.
Trên bản đồ đo vẽ, ngoài việc thể hiện cấu tạo địa chất khu vực, cần phải khoanh vùng phát triển của cacxtơ.
Điều 61.Việc thăm dò vùng cacxtơ phát triển nên kết hợp khoan với địa vật lý.
Tuỳ theo diện tích phân bố của công trình mà bố trí thăm dò theo các tuyến hoặc theo mạng lưới.
Tuyến thăm dò chính là tuyến qua tim và tuyến phụ là tuyến ở hai bên tuyến tim. Khoảng cách giữa các tuyến này tuỳ theo mức độ phức tạp của cacxtơ và tầm quan trọng của công trình. Khoảng cách giữa các tuyến từ 50 đến 100m. Khoảng cách giữa các công trình thăm dò từ 10 đến 50m.
Chiều sâu các công trình thăm dò tuỳ thuộc vào chiều sâu hang động và quá đáy hang ít nhất 5m.
Điều 62.Trong quá trình thăm dò phải quan sát chế độ nước dưới đất tại các lỗ khoan địa chất thuỷ văn. Những lỗ khoan địa chất thuỷ văn phải kết hợp với các lỗ khoan thăm dò. Đối với các nguồn cung cấp nước cần phải nghiên cứu tỉ mỉ.
Điều 63.Sau khi khảo sát cần lập sơ đồ gồm các tài liệu:
• Bản đồ phân khu cacxtơ 1:500 đến 1:200;
• Bản đồ ĐCCT 1:500 đến 1:200;
• Các trắc ngang;
• Các tài liệu thí nghiệm;
• Báo cáo ĐCCT.
C. Khảo sát ĐCCT khu vực đất yếu
Điều 64.Tại các khu vực đất yếu thường gặp:
1. Đất có trạng thái dẻo chảy trở lên, không thể xây dựng trực tiếp công trình trên chúng được;
2. Bùn và than bùn;
3. Đất lún ướt và trương nở.
Công tác điều tra đo vẽ gặp nhiều khó khăn, vì chúng ít có vết lộ. Vì vậy, nội dung đo vẽ sẽ ít đi và bù vào đó là công trình thăm dò.
Điều 65.Bố trí công trình thăm dò theo mạng lưới hoặc theo các tuyến; khoảng cách các tuyến từ 25 đến 50m. Các công trình thăm dò trên tuyến từ 50 đến 70m. Nếu bố trí mạng lưới thì theo ô 50x50m.
Độ sâu lỗ khoan phải hết tầng yếu và vào đất tốt từ 2 đến 5m.
Điều 66.Việc lấy mẫu thí nghiệm trong công trình thăm dò rất khó khăn. Vì vậy ngoài công tác khoan, cần bố trí thêm thí nghiệm hiện trường như xuyên, cắt cánh, nén trong lỗ khoan v.v…
Điều 67.Các tài liệu phải hoàn thành gồm:
• Báo cáo ĐCCT;
• Các mặt cắt ĐCCT;
• Các tài liệu thí nghiệm và kiến nghị xử lý.
D. Khảo sát ĐCCT khu vực xói, lở
Điều 68.Khu vực xói, lở bao gồm các đoạn sông, kênh, sườn dốc hoặc mái dốc.
1. Do hướng dòng chảy phá bờ làm thay đổi địa hình sẵn có;
2. Do sóng đánh vào bờ;
3. Do mưa lũ;
4. Do sự thay đổi mực nước;
5. Do dòng ngầm.
Điều 69.Công tác khảo sát chỉ tiến hành ở những nơi xói, lở.
Công tác điều tra phải bao gồm toàn bộ khu vực có xói, lở và ra các phạm vi ngoài từ 20 đến 50m trên bản đồ 1:1000 đến 1:500.
Điều 70.Các công trình thăm dò được bố trí theo các trắc ngang. Khoảng cách giữa các trắc ngang từ 20 đến 50m. Khoảng cách giữa các công trình thăm dò từ 10 đến 30m.
ở những đoạn sông, kênh chịu tác dụng phá hoại của nước ngầm thì cần phải tìm hiểu quy luật phát sinh phát triển của chúng. Cần phải lấy mẫu trong các lỗ khoan.
Điều 71.Tài liệu phải hoàn thành bao gồm:
1. Bản đồ ĐCCT;
2. Các mặt cắt ĐCCT;
3. Tài liệu thí nghiệm;
4. Tài liệu thuỷ văn…
Chương 7
KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH CÁC MỎ VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 72.Vật liệu xây dựng được đề cập đến ở Chương này bao gồm:
• Đất, cát để đắp;
• Đá dùng trong xây dựng (đá hộc làm kè, tường, đá đắp sau tường…);
• Cát, sỏi, đá dăm sử dụng làm cốt liệu bê tông.
Điều 73.Mục đích của công tác khảo sát ĐCCT vật liệu xây dựng là:
• Xác định vị trí các mỏ vật liệu xây dựng có thể được khai thác phục vụ cho công trình;
• Xác định trữ lượng và chất lượng các mỏ vật liệu xây dựng cần thiết theo cấp trữ lượng quy định tương ứng với các bước khảo sát thiết kế;
• Xác định điều kiện khai thác và vận chuyển.
Điều 74.Nội dung khảo sát ĐCCT các mỏ vật liệu xây dựng mới gồm:
• Thu thập tài liệu;
• Đo vẽ ĐCCT;
• Thăm dò ĐCCT;
• Thí nghiệm vật liệu xây dựng;
• Chỉnh lý tổng hợp tài liệu và lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng.
Điều 75.Khảo sát vật liệu xây dựng được tiến hành theo 2 bước phù hợp với các bước khảo sát:
• Khảo sát ĐCCT sơ lược các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho bước lập dự án nghiên cứu khả thi;
• Khảo sát ĐCCT chi tiết các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho bước thiết kế kỹ thuật.
A. Khảo sát ĐCCT sơ lược các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho các bước lập dự án khả thi
Điều 76.Công tác thu thập các tài liệu về vật liệu xây dựng nên tiến hành đồng thời với việc thu thập các tài liệu khảo sát khác có liên quan đến công trình. Cần chú trọng thu thập các số liệu về chất lượng, trữ lượng, điều kiện khai thác và vận chuyển của các mỏ vật liệu đang được khai thác.
Điều 77.Công tác đo vẽ ĐCCT được tiến hành trên cơ sở bản đồ địa hình, tỷ lệ 1:10.000 – 1: 25.000. Trong trường hợp không có bản đồ địa hình, cho phép sơ hoạ vị trí và khu vực mỏ vật liệu xây dựng và ước lượng trữ lượng có khả năng khai thác.
Cần thuyết minh rõ phương án vận chuyển đến công trình xây dựng.
Phương pháp đo vẽ chủ yếu là thực hiện các hành trình khảo sát dựa vào các vết lộ thiên nhiên và nhân tạo kết hợp với các phương pháp thăm dò thủ công đơn giản với số lượng hạn chế.
Trong quá trình đo vẽ cần thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau:
• Xác định phạm vi phân bố của mỏ vật liệu xây dựng trên bản đồ đo vẽ;
• Điều tra phát hiện và đánh dấu các vết lộ thiên nhiên và nhân tạo trên bản đồ đo vẽ;
• Quan sát miêu tả các vết lộ về đặc điểm địa tầng, thạch học v.v…
• Xác định sơ bộ về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác và vận chuyển.
Điều 78.Công tác thăm dò ĐCCT.
ở những khu vực mỏ vật liệu xây dựng có ít vết lộ thiên nhiên và nhân tạo không đủ cơ sở số liệu để đánh giá thì cần phải tiến hành một số công trình thăm dò như: hố thăm dò, hào hoặc bạt lớp phủ kết hợp với khoan tay loại nhỏ để xác định chiều dày lớp vật liệu và lẫy mẫu vật liệu. ở mỗi một vị trí cần phải lấy 2-3 mẫu đại diện để tiến hành thí nghiệm. Phương pháp lấy mẫu và thí nghiệm được tiến hành theo các quy định tương ứng. Đối với đất đắp nền đường nên tiến hành thí nghiệm xác định hệ số CBR theo chỉ dẫn của Tiêu chuẩn nước ngoài.
Điều 79.Hồ sơ khảo sát ĐCCT khu mỏ vật liệu xây dựng bao gồm:
• Bản đồ ĐCCT;
• Các mặt cắt ĐCCT hoặc trụ cắt các công trình thăm dò;
• Bảng tổng hợp các kết quả thí nghiệm mẫu;
• Những văn bản thoả thuận của cơ quan quản lý địa phương cho phép khảo sát và khai thác;
• Các tài liệu thu thập về các mỏ hiện đang khai thác;
• Báo cáo thuyết minh, trong đó cần xác định trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác và vận chuyển.
B. Khảo sát địa chất chi tiết các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho bước thiết kế kỹ thuật
Điều 80.Công tác đo vẽ ĐCCT chi tiết các mỏ vật liệu được tiến hành trên bản đồ có tỷ lệ 1:1000 – 1:5000. Trên cơ sở các tài liệu đã thu thập được ở giai đoạn trước bổ sung thêm công tác đo vẽ và một số công trình thăm dò, nhằm nghiên cứu đánh giá toàn diện về các mặt trữ lượng, chất lượng và điều kiện khai thác của mỏ.
Công tác đo vẽ nhằm giải quyết các nhiệm vụ sau:
• Xác định phạm vi phân bố các mỏ vật liệu xây dựng trên bản đồ ĐCCT;
• Xác định thế nằm và chiều dày tầng phủ cần bóc bỏ, mức độ nứt nẻ và cường độ của đá;
• Xác định chiều dày và chất lượng của tầng vật liệu cần khai thác;
• Đánh giá điều kiện khai thác và vận chuyển của mỏ vật liệu.
Điều 81.Công tác thăm dò ĐCCT được thực hiện bằng các hố đào và các lỗ khoan thăm dò. Tỷ lệ giữa các loại hình thăm dò do kỹ sư chủ nhiệm quyết định tuỳ thuộc vào điều kiện địa chất, đặc điểm địa hình v.v… của khu vực mỏ.
Mạng thăm dò có thể bố trí theo mạng ô vuông với khoảng cách từ 100m đến 200 một công trình thăm dò.
Khi mỏ vật liệu phân bố theo dạng dải băng thì nên bố trí công trình theo các mặt cắt dọc và ngang. Số lượng và cách phân bố các mặt cắt dọc và ngang phụ thuộc vào hình dạng phân bố theo mặt bằng của khu mỏ.
Chiều sâu thăm dò thông thường từ 5m đến 10m phụ thuộc vào chiều dày của tầng vật liệu khai thác, chiều sâu của mực nước ngầm (hoặc chiều sâu mực nước khai thác).
Điều 82.Công tác lấy mẫu vật liệu xây dựng.
Mẫu vật liệu xây dựng phải được phân bố đều trên khu vực phân bố của mỏ theo mặt bằng và chiều sâu dự kiến khai thác.
Nếu tầng vật liệu tương đối đồng nhất về thành phần thạch học và tính chất vật lý – cơ học thì mỗi một mỏ vật liệu cần lấy ít nhất 5 mẫu.
Phương pháp lẫy mẫu, trọng lượng mẫu, kích thước mẫu theo quy định được nêu ở phần phụ lục.
Điều 83.Công tác thí nghiệm trong phòng các mẫu vật liệu xây dựng.
– Đối với đất đắp:
• Đất loại sét: Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu: P%, W, Ip, chỉ tiêu CBR và các chỉ tiêu: ủ, ử, c sau khi đầm nén.
• Đất rời: Xác định P%, ủs, ỏc, ỏw và emax, emin.
– Vật liệu cát, sỏi, sạn…: Xác định P%, lượng tạp chất hữu cơ, hàm lượng mi ca v.v…
– Vật liệu đá: Xác định ps,p thành phần khoáng vật, cường độ chống nén cực hạn khi khô và khi bão hoà, độ hao mòn Los Angeles, Soundness.
Điều 84.Hồ sơ khảo sát ĐCCT chi tiết các mỏ vật liệu xây dựng gồm:
• Bản đồ ĐCCT các mỏ vật liệu xây dựng có khoanh vùng tính toán trữ lượng và vị trí các công trình thăm dò;
• Các mặt cắt ĐCCT trên đó có biểu thị độ sâu tính toán trữ lượng;
• Bảng kê khai các mỏ vật liệu xây dựng;
• Tài liệu thí nghiệm vật liệu xây dựng;
• Báo cáo thuyết minh các mỏ vật liệu xây dựng.
PHẦN PHỤ LỤC
Phụ lục 1
A. PHÂN LOẠI ĐẤT ĐÁ
1. Đá: Bao gồm các loại đá macma, đá biến chất, đá trầm tích, có xi măng gắn kết các hạt rắn chặt chẽ thành dạng khối liên tục hay nứt nẻ chồng lên nhau như đá xếp khan.
2. Đất hòn to: Là một tập hợp các loại hạt (hòn) cứng (sản phẩm của đá) không gắn kết với nhau, có đường kính lớn hơn 2mm chiếm trên 50% tổng trọng lượng.
3. Đất rời (đất loại cát): Không có tính dẻo (chỉ số dẻo Ip <1). Khi khô thì rời rạc, đường kính các hạt cát lớn hơn 2mm chiếm dưới 50% tổng trọng lượng.
4. Đất dính (đất loại sét): Là đất có tính liên kết giữa các hạt nhỏ với nhau (chỉ số kẻo Ip >1).
Đất hòn to, đất rời, đất dính hợp thành nhóm đất không mang tính đá.
Đá được phân chia theo cường độ kháng nén tạm thời ở trạng thái no nước theo độ hoà tan và theo hệ số hoá mềm của nó.
Đá gọi là bị hoá mềm khi nén theo một trục thì cường độ ném tạm thời ở trạng thái no nước bé hơn 75% cường độ của nó ở trạng thái khô.
B. PHÂN LOẠI ĐẤT ĐÁ THEO KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM
Bảng 1
Tên đất |
Hàm lượng các hạt theo % trọng lượng đất khô |
Đất hòn to: • Dăm (khi tròn cạnh là cuội) • Sạn (khi tròn cạnh là sỏi) Đất rời: • Cát sỏi • Cát to • Cát trung • Cát nhỏ • Cát bụi |
• Trọng lượng hạt có đường kính lớn hơn 20mm chiếm trên 50%. • Trọng lượng hạt có đường kính lớn hơn 2mm chiếm 50%.
• Trọng lượng các hạt có d > 2mm chiếm trên 25%. • Trọng lượng các hạt có d > 0,5mm chiếm trên 50% • Trọng lượng các hạt có d > 0,25mm chiếm trên 50%. • Trọng lượng các hạt có d > 0,1 mm chiếm trên 75%. • Trọng lượng các hạt có d > 0,1mm chiếm dưới 75%. |
Bảng 2
Tên đất |
Hàm lượng tính theo phần trăm tổng trọng lượng |
Chỉ số dẻo |
|||
Nhóm hạt cát 2 – 0,05 mm |
Nhóm hạt bụi 0,05 – 0,005 mm |
Nhóm hạt sét < 0,005mm |
|||
Cát pha |
Nhẹ |
Nhóm hạt lớn hơn 0,25mm chiếm trên 50% |
– |
3-6 |
1-7 |
Nặng |
Nhóm hạt lớn hơn 0,25mm chiếm dưới 50% |
– |
6-10 |
||
Lẫn hạt bụi |
|
Nhiều hơn hạt cát |
3-10 |
||
Sét pha |
Nhẹ |
Nhiều hơn hạt bụi |
– |
10-20 |
7-12 |
Nặng |
Nhiều hơn hạt bụi |
– |
20-30 |
12-17 |
|
Nhẹ lẫn hạt bụi |
– |
Nhiều hơn hạt cát |
10-20 |
7-12 |
|
Nặng lẫn hạt bụi |
– |
Nhiều hơn hạt cát |
20-30 |
12-17 |
|
Sét |
Lẫn hạt cát |
Nhiều hơn hạt bui |
– |
30-40 |
17-22 |
Lẫn bụi |
– |
Nhiều hơn hạt cát |
30-40 |
17-22 |
|
Nửa béo |
– |
– |
40-60 |
22-27 |
|
Béo |
– |
– |
>60 |
>27 |
Ghi chú:
1. Khi những hạt có đường kính lớn hơn 2mm chiếm 20-50% tổng trọng lượng thì thêm từ sỏi (khi cạnh tròn) hoặc sạn (khi cạnh sắc) vào sau tên chính của đất.
2. Cát có mức độ không đồng đều > 30 còn có tên phụ là cát không đồng đều.
trong đó:
d60 = đường kính của loại hạt mà khi tổng trọng lượng các hạt bé hơn nó chiếm 60%;
d10 = đường kính của loại hạt mà khi tổng trọng lượng các hạt bé hơn nó chiếm 10%.
Phụ lục 2
PHƯƠNG PHÁP GIÁM ĐỊNH CÁC LOẠI ĐẤT Ở THỰC ĐỊA BẰNG MẮT
Bảng 4
Tên đất |
Cảm giác khi lăn trong lòng bàn tay |
Dấu hiệu bên ngoài khi quan sát bằng mắt và kính lúp |
Khả năng vê thành sợi |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
Cát hạt to, hạt trung |
Rời rạc, không có chất liên kết, không cảm thấy có hạt sét |
Rời rạc, bở, không gắn kết thành khối, không dẻo, không dính bết |
Không vê được thành sợi |
Cát bụi |
Lắc lắc trong lòng bàn tay thì để lại nhiều hạt bụi |
Thấy rõ các hạt cát, hạt bụi, khô rời rạc, ướt không dẻo, không dính bết |
Không vê được thành sợi |
Cát pha nhẹ và cát pha nhẹ thô |
Cát hạt to chiếm đa số; cục đất nhỏ dễ bóp vỡ |
Hạt cát nhiều hơn hạt bụi và hạt sét |
Không vê được thành sợi |
Cát pha chứa bụi |
Cát hạt nhỏ chiếm đa số |
Hạt cát chiếm từ 20% đến 50%. Không gắn kết, dễ gãy, dễ vỡ, khi bóp thì tan vụn ra |
Khi vê thành sợi nếu được thì cũng đứt ra từng quãng ngắn có từ 3~5 mm |
Cát pha nặng chứa bụi |
Lăn được thành cục nhỏ nhưng dễ vỡ |
Không hoặc thấy rất ít hạt cát, hạt bụi nhiều hơn. Gắn kết yếu. Nắm thành cục dễ vỡ. Lúc ướt dễ chuyển thành cục bột |
Thường không vê được thành sợi. Nếu đặt cục đất hình cầu rồi rung rung thì nó chảy xệ ra thành dạng bẹp, có nước ứa ra cả mặt cục đất ấy |
Sét pha nhẹ |
Lăn trong tay cảm thấy có hạt cát. Cục nhỏ dễ bóp vỡ |
Thấy rõ hạt cát trên mặt cục đất. Đập một cục lớn vỡ ra nhiều cục nhỏ dẻo, hơi dính. Khô có vệt vạch ánh mờ |
Không vê được thành sợi dài. Nhưng vê được thành sợi ngắn, đầu sợi tù |
Cát pha nhẹ chứa bụi |
ít cát hơn trên |
Thấy được hạt bụi mịn.Cục đất không cứng. Búa con đập vỡ thành cục nhỏ, dẻo, dính bết |
Vê được thành sợi dài |
Sét pha nặng |
Lúc khô lăn trong bàn tay cảm thấy có cát, cục đất khó bóp vỡ |
Thấy có cát trên mặt đất. Cục đất cứng, khi ẩm thì dẻo, dính bết |
Vê được thành sợi dài có = 1~2mm. Nếu ép một cục đất hình cầu nó sẽ nứt thành hai. |
Sét pha nặng chứa bụi |
Lúc khô lăn trong bàn tay thường cảm thấy không có cát.Cục đất khó bóp vỡ |
Thấy được các hạt bụi mịn. Cục đất khô cứng. ẩm thì dẻo và dính bết |
Vê được thành sợi dài có = 1~2mm. ép một cục đất hình cầu nó sẽ nứt thành hai |
Sét |
Lúc khô lăn trong tay không cảm thấy có cát. Các cục đất khó bóp vỡ |
Khối đất sét có dạng mịn đồng nhất. Cứng, dùng búa con đập vỡ thành các mẫu riêng biệt. Lúc ướt rất dẻo, dính bết, Cắt bằng dao, mặt cắt mịn không thấy cát. Khi khô vết vạch có các vết bóng. |
Dễ vê thành sợi nhỏ có = 0,5 mm. Dễ lăn thành hình cầu, bóp dẹp hình cầu xuống không bị nứt |
Phụ lục 3
PHÂN LOẠI ĐẤT CÓ HỮU CƠ VÀ BÙN
1. Đất dính (cát pha, sét pha, sét) có độ ẩm thiên nhiên lớn hơn giới hạn chảy.
(độ sệt IL >1) và có hệ số rỗng: eo ≥ 0,9 đối với cát pha
eo ≥ 1,0 đối với sét pha, và
eo ≥ 1,5 đối với sét
thì đều gọi là bùn.
2. Tuỳ theo hàm lượng thực vật, đất có tên phụ như sau:
a. Hàm lượng thực vật ít hơn 10% là đất lẫn thực vật
b. Hàm lượng thực vật 10-60% là đất than bùn hoá
c. Hàm lượng thực vật lớn hơn 60% là than bùn.
Phụ lục 4
PHÂN LOẠI TRẠNG THÁI CỦA ĐẤT
A. Xác định trạng thái của đất dính theo IL và đất rời theo Sr
Bảng 5
Tên và trạng thái đất dính |
Độ sệt IL |
Cát pha: • Cứng • Dẻo • Chảy |
IL < 0 0 ≤ IL ≤ 1 IL >1 |
Sét pha và sét: • Cứng • Nửa cứng • Dẻo cứng • Dẻo mềm • Dẻo chảy • Chảy |
IL< 0 0 ≤ IL ≤ 0,25 0,25 <IL ≤ 0,50 0,50 < IL ≤ 0,75 0,75 < IL ≤ 1,00 IL >1 |
Bảng 6
Tên và trạng thái đất rời |
Độ bão hoà Sr |
Cát ít ẩm |
Sr ≤ 0,50 |
Cát ẩm ướt |
0,50 < Sr ≤ 0,80 |
Cát bão hoà nước |
Sr > 0,80 |
Ghi chú:
1. Đất dính (đất loại sét) loại không lún ướt được phân chia theo độ sệt IL.
2. Độ bão hoà nước xác định theo công thức:
W – Độ ẩm thiên nhiên của đất (%) ;
Wp – Độ ẩm của đất ở giới hạn dẻo;
Ip – Chỉ số dẻo Ip = WL – WP;
e – Hệ số rỗng của đất;
s – Trọng lượng riêng của đất;
w – Trọng lượng riêng của nước (thường lấy w = 1).
B. Xác định độ chặt của đất rời theo e
Bảng 7
Đất rời |
Kết cấu của đất rời |
||
Chặt |
Chặt vừa |
Rời rạc |
|
Cát bụi trung và hạt thô có sỏi |
e < 0,55 |
0,55 ≤ e ≤ 0,70 |
e > 0,70 |
Cát nhỏ |
e < 0,60 |
0,60 ≤ e ≤ 0,75 |
e > 0,75 |
Cát bụi |
e < 0,60 |
0,60 ≤ e ≤ 0,80 |
e > 0,80 |
Phụ lục 5
ĐẤT NỞ VÀ ĐẤT LÚN ƯỚT
– Đất được xếp vào loại trương nở, khi chỉ tiêu trương nở TN ≥ 0,3 và lượng trương nở tương đối ọm ≥ 0,04 (Xem TCXD 45-78: “Nền nhà và công trình”).
– Đất được xếp vào loại lún sập LS nhỏ hơn giá trị tương ứng ghi ở Bảng Tiêu chuẩn xây dựng và mức độ bão hoà Sr < 0,80. Nếu chỉ một trong hai chỉ tiêu này thoả mãn, thì đất có dấu hiệu lún sập. Biến dạng lún sập được xét đến, khi trị lún sập tương đối ọls ≥ 0,01.
– Các chỉ tiêu TN và LS đều được xác định theo công thức:
trong đó:
e – Hệ số rỗng thiên nhiên;
eL – Hệ số rỗng ứng với giới hạn chảy, được xác định theo công thức:
WL – Giới hạn chảy tính bằng số thập phân;
– Trọng lượng riêng của đất, g/cm3;
– Trọng lượng riêng của nước, lấy bằng 1 g/cm3.
Biểu thức cuối cùng đối với TN là LS có dạng:
Trị lún sập được quy định ở Tiêu chuẩn Xây dựng (TCXD 45-78):
Trị số dẻo Ip 0,01 ≤ Ip ≤ 0,10 0,01 ≤ Ip ≤ 0,14 0,14 ≤ Ip ≤ 0,22
Chỉ tiêu lún sập 0,10 0,17 0,24
Phụ lục 6
XÁC ĐỊNH TRẠNG THÁI CỦA ĐẤT TẠI HIỆN TRƯỜNG
A. Xác định bằng mắt trạng thái của đất dính
Bảng 8
Trạng thái |
Các dấu hiệu |
Cứng và nửa cứng |
Đập thì vỡ ra từng cục, bóp trong tay đất bị vụn rời |
Dẻo cứng |
Bẻ một thỏi đất nó sẽ cong rồi mới gẫy. Cục đất lớn dùng tay khó nặn được thành hình như ý muốn |
Dẻo mềm |
Dùng tay nặn thành hình không khó. Hình nặn ra giữ được nguyên dạng theo thời gian |
Dẻo chảy |
Nặn đất rất dễ dàng. Hình nặn ra dễ bị thay đổi ngay sau khi nặn |
Chảy |
Để lăn trên mặt phẳng nghiêng đất chảy thành lớp dày (dạng cái lưỡi) |
B. Xác định độ chặt của đất dính khi đào hố
Bảng 9
Độ chặt |
Sự khó dễ lúc đào hố |
Rất chặt |
Không thể ấn xẻng vào đất. Muốn đào phải dùng cuốc chim, xà beng. Tay không thể bóp vụn đất |
Chặt |
Khó khăn mới ấn được xẻng vào đất. Dùng tay có thể bóp đất vỡ thành cục nhỏ, nhưng phải bóp mạnh |
Chặt vừa |
ấn được lưỡi xẻng vào đất. Khi đào ra đất vỡ thành cục nhỏ có kích thước khác nhau |
Rời rạc |
Dùng xẻng xúc đất dễ dàng. Khi hất đất từ lưỡi xẻng ra thì đất tách ra từng cục nhỏ riêng biệt |
C. Xác định độ ẩm của đất rời tại hiện trường
Bảng 10
Độ ẩm của đất rời |
Dấu hiệu ẩm ướt của đất rời |
Khô |
Nhìn không thấy nước, nắm trong tay rồi mở ra thì đất lại rời rạc ngay và rơi xuống đất thành từng hạt. |
Hơi ẩm |
Nắm trong tay có cảm giác lạnh, nắm lại rồi mở ra lắc lắc trong lòng bàn tay thì đất vỡ ra thành từng cục nhỏ. Đặt tờ giấy thấm dưới cục đất thì giấy vẫn khô và chỉ sau một lúc lâu giấy mới ẩm |
ẩm ướt |
Nắm trong tay đã cảm thấy ẩm ướt, sau khi mở tay ra hình dạng còn giữ lại một lúc rồi mới vỡ. Đặt tờ giấy thấm dưới cục đất thì giấy bị ẩm rất nhanh và có các vết cáu bẩn. |
Bão hoà nước |
Thấy nước rõ ràng. Lắc lắc trong lòng bàn tay thì đất rữa ra hoặc vón lại thành cục tròn. |
Quá bão hoà |
Đất để yên tự nó đã rời ra, nước rất nhiều, chảy lỏng. |
D. Xác định độ chặt của đất rời khi khoan
Bảng 11
Độ chặt |
Độ sâu mũi khoan ngập vào trong cát (cm) |
Những dấu hiệu về độ chặt lúc dộng lắp bê |
Rất chặt |
Tới 10 |
Cho lắp bê rơi tự do thì nẩy lên tiếng vang đanh gọn. Dộng nhiều lần lắp bê mới xuống được. Nếu xoay thì ống vách xuống được nhưng chậm. Cát không nút chặt vào đầu lắp bê. |
Chặt |
10 ~ 20 |
Cho lắp bê rơi tự do, tiếng vang trầm. Nếu xoay thì ống mẫu xuống được nhưng chậm. Cát không nút chặt vào đầu lắp bê. |
Chặt vừa |
20 ~ 50 |
Lắp bê rơi tự do nghe tiếng êm (đục). Không xoay ống mẫu cũng xuống được một ít. Cát nút chặt vào đầu lắp bê. |
Xốp (rời rạc) |
Lớn hơn 50 |
Lắp bê rơi tự do không có tiếng vang, có cảm giác mềm, mút ống vách tự tụt xuống trước mũi khoan. Cát nút chặt vào đầu lắp bê. |
Phụ lục 7
PHÂN CẤP ĐẤT ĐÁ THEO ĐỘ KHÓ DỄ KHI KHOAN
Bảng 12
Cấp đất |
Tên đất |
Loại đất đá đại diện |
Tốc độ khoan (m/giờ) |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
I |
Đất xốp mềm |
– Đất trồng trọt không có rễ cây; – Bùn, than bùn; – Các loại đất bở rời: cát nhỏ, đất pha không có sỏi sạn, hoàng thổ. |
8,5 |
II |
Đất chặt vừa |
– Đất trồng trọt lẫn rễ cây hoặc lẫn một ít sỏi, cuội nhỏ, dưới 3cm; – Cát chảy không áp lực, cát nén chặt; – Đất cát pha và sét pha chứa dưới 20% cuội hoặc dầm nhỏ, dưới 3cm; – Đất sét chặt vừa. |
4,5 |
III |
Đất cứng đá mềm bở |
– Đất sét, sét pha và cát pha chứa trên 20% cuội hoặc dăm, nhỏ hơn hay bằng 3cm; – Đất sét cứng; – Cát chảy có áp lực, hoàng thổ chặt; – Đá sét có nhiều lớp kẹp là đá cát gắn kết yếu hoặc đá sét vôi (có chiều dầy dưới 5cm); – Đá bột kết, cát kết gắn kết bằng sét hoặc vôi không chặt; – Than đá mềm,than nâu; – Thạch cao tinh thể nhỏ, thạch cao bị phong hoá dạng đất; – Quặng măng gan, quặng sắt ôxi hoá bở rời manhêdit. |
2,3 |
IV |
Đá mềm |
– Sỏi sạn lẫn những hạt cuội nhỏ của đá trầm tích; – Đá bột kết, chứa sét. Đá cát kết chứa sét, đá sét vôi; – Đá vôi có lỗ hổng hoặc tuyf; – Đá sét; đá sét chứa cát, đá sét chứa than; – Than đá cứng vừa ; than nâu cứng; cao lanh nguyên sinh; thạch cao kết tinh; – Đu nít và Pêriđôtít, phong hoá mạnh; – Manhêdít chặt sít. |
1,5 |
V |
Đá hơi rắn |
– Đất lẫn nhiều dăm cuội; – Đá sét, đất sét nén chặt; rất chặt và chứa nhiều cát; – Đá bột kết, đá cát kết gắn kết bằng vôi; – Than đá cứng, ăngtraxít; – Các loại đá phiến có thành phần sét-mica, mica, clorít, clorít- sét, xêrixít; – Secpăngtinit; secpăngtinit hoá; – Đunit bị phong hoá. |
1,10 |
VI |
Đá rắn vừa |
– Đá sét chặt sít có các lớp kẹp đôlômít và xiđêrít; – Đá sét silíc hoá yếu; – Đá bột kết; đá cát kết phenpát; đá cát kết vôi; – Cuội của đá trầm tích; – Đá vôi sét; – Các loại đá phiến thành phần sét-xêrixít; thạch anh – mica, đá phiến mica; – Pocphiarít, babrô clorít hoá và phân phiến; – Đunít không bị phong hoá, pêriđôtít bị phong hoá; – Quặng sắt nâu có lỗ hổng lớn. |
0,65 |
VII |
Đá rắn |
– Cuội của đá mác ma và đá biến chất; – Đá cuội có dưới 50% cuội mác ma ximăng cát sét, đá cuội kết có cuội là đá trầm tích và ximăng vôi; – Đá cát kết thạch anh; – Đôlômít, đá vôi; – Đá cát kết phenpat và đá vôi silic hoá; – Đá phiến silíc hoá yếu thành phần ămphibôn manhêtít, hocnoblen, clorít honơblen… – Pophiarít pophia phân phiến yếu; pophiarít pophia phong hoá; – Granít, xiênít, điorít, gabrô và các đá mac ma khác có hạt thô, hạt vừa bị phong hoá; – Quặng sắt nâu nhiều lỗ hổng. |
0,50 |
VIII |
Đá rất rắn |
– Đá cuội kết của đá mac ma, ximăng vôi; – Đôlômít silíc hoá, đá vôi silíc hoá; – Các loại đá phiến silíc hoá, thành phần thạch anh – clorít, thạch anh-xêrixít, thạch anh – clorít- xêrixít; – Gơ nai, hêmatít- manhêtít; – Badan phong hoá; điabaz pophia; – An đê dít; – Điôrít điabaz bị phong hoá nhẹ; – Pêriđôtít, granit, xiênít, gabrô hạt nhỏ bị phong hoá và hạt vừa và thô bị phong hoá nhẹ. |
0,30 |
IX |
Đá cứng chắc |
– Đá cuội kết của đá mac ma, ximăng silíc; – Đá vôi skanơ. Đá cát kết, đá vôi, đôlômít silíc hoá; – Đá phiến silíc. Quắc dít manhêtít và hêmatít giải mảnh; – Đá sừng ămphipbôn – manhêtít và xêrixít hoá; – Tra chit, phophia silíc hoá. Điabaz kết tinh mịn; – Các đá liparít, granít nhỏ, vigannít granít hạt nhỏ, granít-gnai, điôrít, điabaz… bị phong hoá nhẹ và hạt vừa không bị phong hoá; – Banzan bị phong hoá nhẹ. |
0,20 |
X |
Đá rất cứng chắc |
– Đá trôi, đá tảng của đá mac ma và đá biến chất; – Cát kết thạch anh rắn chắc; – Quắc dít không đều hạt. Thạch anh dạng mạch; – Liparít, riôlit, granít, granít-gnai, granôrít hạt nhỏ; vigranít; pecmatít chặt sít, pocphiarít thạch anh hoá và sừng hoá mạnh; – Quặng manhêtít và mac tít chặt sít có kẹp các lớp đá cứng; – Quặng sắt nâu silíc hoá. Ba zan rắn chắc. |
0,151 |
XI |
Đá đặc biệt cứng |
– Đá phiến silíc; – Quắc dít – Đá sừng chứa sắt rất cứng; -Thạch anh rắn chắc. |
0,10 |
XII |
Đá cực kỳ cứng |
– Ngọc bích, đá sừng, corinđon, quắc dít hoàn toàn không bị phong hoá. |
0,04 |
Phụ lục 8
GIÁ TRỊ TIÊU CHUẨN C, Ử, EO CỦA ĐẤT LOẠI CÁT
[ C bằng daN/cm2; Φ bằng độ; E0 (Mô đuyn biến dạng) bằng daN/cm2)]
Bảng 13
Tên của loại đất |
Chỉ tiêu |
Đặc trưng của đất khi hệ số rỗng e bằng |
|||
0,45 |
0,55 |
0,65 |
0,75 |
||
Cát sỏi sạn và cát hạt thô |
C Φ Eo |
0,02 43 500 |
0,01 40 400 |
38 300 |
|
Cát trung |
C Φ Eo |
0,03 40 500 |
0,02 38 400 |
0,01 35 300 |
|
Cát nhỏ |
C Φ Eo |
0,06 38 400 |
0,04 36 380 |
0,02 32 280 |
28 180 |
Cát bụi |
C Φ Eo |
0,08 36 390 |
0,06 34 230 |
0,04 30 180 |
0,02 26 110 |
Phụ lục 9
ÁP LỰC TIÊU CHUẨN TRÊN ĐẤT NỀN RTC (DAN/CM2)
(Dùng cho nhà cửa, tường chắn)
A. Đất thông thường
Bảng 14
Tên đất |
Rtc |
|||
Đất hòn to 1. Dăm, cuội có cát lấp đầy lỗ hổng 2. Sạn sỏi là mảnh vụn của đá kết tinh 3. Sạn sỏi là mảnh vụn của đá trầm tích |
6,00 5,00 3,00 |
|||
Đất loại cát 4. Cát hạt to không phụ thuộc vào độ ẩm 5. Cát hạt vừa không phụ thuộc vào độ ẩm 6. Cát hạt nhỏ a. ít ẩm b. Rất ẩm và bão hoà nước 7. Cát bụi (bột) a. ít ẩm b. Rất ẩm c. Bão hoà nước |
Chặt |
Chặt vừa |
||
6 5
4 3
3 2,0 1,5 |
5 4
3 2
2,5 1,5 1,0 |
|||
Đất loại sét |
Hệ số rỗng |
Độ sệt |
||
e |
IL = 0 |
IL = 1 |
||
8. Cát pha |
0,5 0,7 |
3,0 2,5 |
3,0 2,0 |
|
9. Sét pha |
0,5 0,7 1,0 |
3,0 2,5 2,0 |
2,5 1,8 1,0 |
|
10. Sét |
0,5, 0,6 0,8 1,1 |
6,0 5,0 3,0 2,5 |
4,0 3,0 2,0 1,0 |
|
Ghi chú Bảng 14:
1. Đối với các đất loại sét có các chỉ tiêu ở giữa các chỉ tiêu IL và e cho trong Bảng 14 thì Rtc được phép tính bằng phương pháp nội suy; bắt đầu nội suy theo e đối với các trị số IL = 0 và IL = 1, sau đó IL ở giữa các trị số Rtc mới tính được khi IL = 0 và IL = 1.
2. Phạm vi áp dụng Bảng 14 như sau:
a. Số liệu cho trong Bảng 14 có thể sử dụng cho móng có chiều rộng đáy từ 0,6 đến 1,5m và chiều sâu đặt móng từ 1 đến 2,5m không kể nhà thiết kế có hầm hoặc không có hầm.
b. Việc quyết định sơ bộ về các kích thước móng nhà và công trình khi nền cấu tạo bởi các lớp đất nằm ngang đồng đều (trong đó góc nghiêng cho phép không quá 0,1), độ ép ngót của các lớp đất ấy trong phạm vi 1,5 chiều rộng của móng lớn nhất cộng thêm 1m không tăng, cũng như việc quyết định kích thước cuối cùng của móng nhà và công trình loại III và IV thì được phép áp dụng áp lực tiêu chuẩn Rtc trên đất ghi trong Bảng 14.
B. áp lực tính toán Rtc của đất loại sét cứng (IL<0) xác định theo kết quả thí nghiệm nén một trục:
|
Rtc = 1,5 R
hoặc có thể lấy Rtc = 4 – 10 daN/cm2 cho đất cát pha;
6-20 daN/cm2 cho đất sét pha;
8-30 daN/cm2 cho đất sét;
C. áp lực tính toán của nền đá được xác định theo công thức:
Rtc = mKRn
trong đó:
Rn – Độ bền bình quân khi nén mẫu đá theo một trục ở trạng thái bão hoà.
K – Hệ số đồng nhất của đá theo độ bền khi nén một trục, khi không có số liệu thí nghiệm cho phép lấy bằng 0,17.
m – Hệ số của điều kiện thí nghiệm, lấy bằng 3.
Ghi chú:
1. Khi ở nền có đá phong hoá mạnh hoặc nứt nẻ nhiều cũng như có đá bị mềm hoá thì phải tiến hành thí nghiệm ép tại chỗ bằng bàn tải trọng.
2. áp lực tiêu chuẩn Rtc chỉ dùng cho các công trình nhà cửa, tường chắn.
D. ứng suất tính toán của đất có lỗ hổng lớn
Bảng 15
Số thứ tự |
Độ bão hoà nước |
Với tổ hợp tải trọng chính |
Khi xét đến tổ hợp tải trọng phụ |
Với tổ hợp tải trọng đặc biệt |
1 |
ít ẩm |
2,5 |
3,0 |
4,0 |
2 |
Rất ẩm |
2,0 |
2,5 |
3,0 |
3 |
Bão hoà |
1,5 |
1,8 |
2,0 |
Ghi chú:
Trị số ứng suất tính toán với đất lỗ hổng lớn cho trong Bảng ứng với trạng thái bão hoà, không có tính lún ướt; khi hệ số lỗ hổng lớn hơn 0,7 hoặc sau khi sấy khô đất có độ lún ướt tương đối >0,02.
Khi hệ số rỗng bé hơn 0,7 hoặc khi sấy khô ọ < 0,02 thì ứng suất tính toán của đất nên lấy theo Quy trình khảo sát địa chất công trình đường sắt hoặc Quy trình khảo sát đường ôtô.
Phụ lục 10
ÁP LỰC CHO PHÉP CỦA ĐẤT NỀN, ỨNG SUẤT TÍNH TOÁN CỦA CỌC
A. áp lực cho phép lên đất nền
Bảng 16
Tên đất |
áp lực cho phép [ú] = útc (daN/cm2), khi tổ hợp của tải trọng và tác động |
Ghi chú |
|||
Chủ yếu |
Đặc biệt |
||||
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
||
A. Đá cứng 1. Đá ở dạng khối liên tục hoặc nứt nẻ ít, không có hang hốc cacxtơ 2. Đá cứng nứt nẻ nhiều hoặc tách rời nhau ở dạng hòn nhưng chưa chuyển dịch, thành tạo như đá xếp khan (không phải đá vôi sét) |
Lấy bằng 1/7 độ bền giới hạn khi ép mẫu đá ở trạng thái bão hoà nước
Từ 6-15 daN/cm2 tuỳ theo độ bền và kích thước của các hòn tách rời nhau |
Lấy bằng 1/5 độ bền giới hạn khi ép mẫu đá ở trạng thái bão hoà nước
Từ 9-21 daN/cm2 tuỳ theo độ bền và kích thước của các hòn tách rời nhau |
áp lực cho phép lên đá cứng này không phụ thuộc vào chiều sâu đặt móng và kích thước theo mặt bằng của chúng. |
||
B. Loại nửa đá (đá mềm) 1. Đá vôi sét 2. Đá sét có silic |
2,5 – 7,5 4 – 6 |
3,5 – 10 5,5 – 8,5 |
áp lực cho phép lên loại nửa đá (đá mềm) tuỳ theo độ bền và độ nén lún của chúng mà thay đổi trong phạm vi đã cho. áp lực này không phụ thuộc vào chiều sâu đặt móng và kích thước của chúng theo mặt bằng |
||
C. Đất hòn to 1. Dăm và cuội có cát lấy đầy lỗ hổng 2. Dăm và cuội có vật chất sét lấp đầy lỗ hổng 3. Sạn và sỏi có nguồn gốc từ đá kết tinh 4. Sạn và sỏi có nguồn gốc từ đá trầm tích |
6
2,5 – 4,0
5 3 |
8,5
3,5 – 5,5
7 4 |
áp lực cho phép lên dăm và cuội có vật chất sét lấy đầy lỗ hổng được lấy theo độ sệt của sét ấy. |
||
D. Đất loại cát (thạch anh) |
|
|
|
||
1. Cát có sỏi và cát hạt thô không phụ thuộc vào độ ẩm 2. Cát hạt trung không phụ thuộc vào độ ẩm 3. Cát hạt nhỏ a. ít ẩm b. Rất ẩm và bão hoà nước 4. Cát bụi a. ít ẩm b. Rất ẩm c. Bão hoà |
Chặt |
Chặt vừa |
Chặt |
Chặt vừa |
|
4,5
3,5
3,0 2,5
2,5 2,0 1,5 |
3,5
2,5
2,0 1,5
2,0 1,5 1,0 |
6,5
5,0
4,5 3,5
4,0 3,0 2,0 |
5,0
4,0
3,0 2,0
3,5 2,5 1,5 |
|
|
E. Đất loại sét trầm tích Đệ Tứ (không thuộc đất có lỗ hổng lớn) |
|||||
|
Khi IL= 0 |
Khi IL = 1 |
Khi IL = 0 |
Khi IL = 1 |
|
1. Cát pha Khi có hệ số rỗng e = 0,5 e = 0,7 |
3,0 2,5 |
2,5 1,5 |
4,0 3,3 |
3,3 2,0 |
• Việc xác định áp lực cho phép đối với các trị số ở giữa e và IL được tính theo phương pháp nội suy, đầu tiên nội suy cho các trị số IL = 0 và IL= 1 theo e, sau đó nội suy theo IL giữa các trị số áp lực cho phép vừa tính được đối với IL = 0 và IL = 1 |
2. Sét pha Khi có hệ số rỗng e = 0,5 e = 0,7 e = 1,0
3. Sét Khi có hệ số rỗng e = 0,6 e = 0,8 e = 1,1 |
Khi IL= 0 |
Khi IL = 1 |
Khi IL = 0 |
Khi IL = 1 |
• áp lực cho phép của đất sét và sét cát có tính liên kết cấu tạo (thường gặp ở đất có tuổi cổ hơn đất Đệ Tứ) có thể tăng lên tỷ lệ với tỷ số lực kháng nén các mẫu đất nguyên trạng và mẫu bị phá hoại có độ ẩm như nhau. • áp lực cho phép lên đất loại sét cứng (IL<0) lấy như sau: a. Đất cát sét lấy bằng trị số ghi trong cột có IL= 0 b. Đất sét cát và sét lấy lớn hơn 20% so với các trị số ghi trong Bảng ở cột có IL = 0 có hệ số rỗng tương ứng. |
3,0 2,5 2,0
5,0 3,0 2,5 |
2,5 1,8 1,0
3,0 2,0 1,0 |
4,0 3,3 3,0
7,0 4,0 3,3 |
3,3 2,2 1,3
4,0 2,8 1,3 |
Ghi chú:
1. áp lực cho phép [] = tc lên đất nền có cấu trúc nguyên khi chiều rộng móng b = 0,6-1,0m và chiều sâu đặt móng h = 2,0 m thấp hơn mặt địa hình thiên nhiên thì được áp dụng theo Bảng 16, không kể các trường hợp nêu trong mục 5 sau đây.
2. áp lực cho phép lên đất nền [ú] khi chiều rộng của móng b ≥ 5,0m (còn các điều kiện khác giống mục 1) có thể lấy tăng lên như sau:
a. Đối với đất hạt to và đất loại cát (trừ cát bụi) – tăng lên 1,5 lần. b. Đối với cát bụi và đất loại sét – tăng lên 1,2 lần.
Khi chiều rộng 1,0 < b < 5m thì việc tăng áp lực cho phép tiến hành theo nội suy tuyến tính.
3. áp lực cho phép lên đất thiên nhiên có cấu trúc nguyên [ú]′ (đất hòn to, đất loại cát, đất loại sét có cấu tạo đồng nhất trong phạm vi tầng chịu nén của nền dưới móng công trình đó) khi đáy móng đặt dưới mặt đất bao quanh từ phía: h > 2,0m tính theo công thức:
[]′ = [] + Ktb (h-200)
h – Chiều sâu chôn móng, tính bằng cm, kể từ mặt địa hình thiên nhiên, còn khi mặt đất bị đào để san bằng thì kể từ mặt đất san bằng trở xuống đáy móng;
[] – áp lực cho phép xác định theo Bảng 16 ứng với loại đất đã cho và đặc điểm của các tác động do lực xét tới trong tính toán;tb – Trị số dung trọng trung bình, tính bằng kG/cm3, của các lớp đất nằm cao hơn cao độ đáy móng;
K – Hệ số không thứ nguyên, xác định theo Bảng 17 tương ứng với loại đất nền.
Hệ số K trong công thức tính áp lực cho phép Bảng 17
Tên đất |
K |
• Đất hòn to và đất cát |
2,5 |
• Cát pha, sét pha (trong đó kể cả đất có lỗ hổng lớn, rất ẩm) |
2,0 |
• Sét |
1,5 |
• Đất lỗ hổng lớn ít ẩm |
1,0 |
4. áp lực cho phép lên các loại đất nêu ở mục 2 với cùng các điều kiện tương tự, nhưng chiều sâu đặt móng h < 2,0 m lấy như sau:
a. Khi h = 0 lấy thấp hơn 2 lần so với khi h = 2m;
b. Khi các trị số ở trong khoảng 0 < H < 2m thì lấy theo phương pháp nội suy tuyến tính.
5. Nếu ở nền có các loại đất không ghi trong Bảng 16 như:
a. Đá cứng phong hoá mạnh (đá vôi sét);
b. Loại đá mềm (loại nửa đá) không chịu nước;
c. Cát rời (D ≤ 0,33);
d. Đất loại sét ở trạng thái chảy (IL >1,0);
e. Đất loại sét có hệ số lỗ hổng vượt quá các trị số ghi trong Bảng 16 (nghĩa là cát sét có e > 0,7, sét cát e > 0,1 và sét e > 1,1);
g. Đất loại sét và loại cát có lượng chứa hữu cơ lớn v.v… thì vấn đề sử dụng các loại đất đó làm nền và việc quyết định các trị số áp lực cho phép lên các loại đất ấy được giải quyết cho từng trường hợp cụ thể theo kết quả nghiên cứu đất của khu vực xây dựng.
6. Trường hợp trong phạm vi tầng chịu nén dưới lớp đất chịu lực có lớp đất mà khả năng chịu lực của nó yếu hơn các lớp khác thì áp lực toàn phần trên bề mặt lớp này không được vượt quá áp lực cho phép đối với lớp đó, áp lực cho phép của lớp này xác định theo các mục 1, 2, 3 ở trên, nghĩa là phải thoả mãn điều kiện:
sdh + α(s – shc) ≤ [shc]
trong đó:
shc – áp lực bản thân của đất nằm trên mặt lớp đất yếu ở chiều sâu h dưới mặt
đất thiên nhiên;
α(s – shc) – áp lực phụ thêm mặt lớp đất yếu gây ra do đặt áp lực tính toán ú lên
đất của lớp chịu lực;
s– áp lực tính toán lên đất dưới đáy móng, tính bằng daN/cm2, khi hợp lực ở chân móng đặt ở chính tâm;
sd – áp lực “bản thân” trong đất ở cao độ đáy móng, tính bằng daN/cm2, (nghĩa là áp lực do trọng lượng đất nằm giữa cao độ đáy móng và cao độ địa hình thiên nhiên);
α – Hệ số biến đổi của áp lực phụ thêm tuỳ theo chiều sâu, hệ số này có xét đến hình dạng đáy móng và tỷ số z/b, xác định theo Bảng 18.
7. Đối với móng có tải trọng lệch tâm khi tính toán cho các tác động lực chủ yếu thì áp lực ở cạnh đáy móng chịu lực lớn nhất lấy theo Bảng 16 với hệ số không lớn hơn 1,2.
8. Quy định về tổ hợp tải trọng và tác động xem trong Tiêu chuẩn thiết kế công trình bến cảng 22TCN 202-92.
9. Đối với bến cảng sông cho phép tham khảo các tài liệu trong Phụ lục 10 này.
Bảng giá trị hệ số ỏ Bảng 18
z/b |
Đáy móng hình chữ nhật có tỷ lệ các cạnh a/b |
Ghi chú |
|||
1 |
2 |
3 |
≥10 |
||
0,0 |
1,00 |
1,00 |
1,00 |
1,00 |
1. Đối với các trị số trung gian z/b |
0,2 |
0,96 |
0,96 |
0,98 |
0,98 |
|
0,4 |
0,80 |
0,87 |
0,88 |
0,88 |
|
0,6 |
0,61 |
0,73 |
0,75 |
0,75 |
|
0,8 |
0,45 |
0,53 |
0,63 |
0,64 |
cũng như a/b thì áp dụng phương pháp nội suy để tính ra α 2. Các ký hiệu: • a là cạnh dài của đáy móng hình chữ nhật, cm; • b là cạnh ngắn của đáy móng hình chữ nhật, cm; • z là chiều sâu từ đáy móng đến bề mặt tính áp lực, cm. |
1,0 |
0,34 |
0,48 |
0,53 |
0,55 |
|
1,2 |
0,26 |
0,39 |
0,44 |
0,48 |
|
1,4 |
0,20 |
0,32 |
0,38 |
0,42 |
|
1,6 |
0,16 |
0,27 |
0,32 |
0,37 |
|
2,0 |
0,11 |
0,19 |
0,24 |
0,31 |
|
2,4 |
0,08 |
0,14 |
0,19 |
0,26 |
|
3,0 |
0,05 |
0,10 |
0,13 |
0,21 |
|
4,0 |
0,03 |
0,06 |
0,08 |
0,16 |
|
5,0 |
0,02 |
0,04 |
0,05 |
0,13 |
B. Lực ma sát đơn vị tính toán mặt bên của đất nền bao quanh cọc, bằng ứng suất tiêu chuẩn fi (T/m2)
Lực ma sát đơn vị tính toán của đất với cọc Bảng 19
Chiều sâu từ mặt đất tới điểm giữa các lớp đất nền (m) |
ứng suất fi (T/m2) |
|||||
Của đất, cát (đối với cọc đóng không dùng phương pháp xói) |
||||||
Cát hạt lớn và hạt trung |
Cát hạt nhỏ |
Cát bụi |
– |
– |
– |
|
Đất chất sét có IL bằng |
||||||
≤ 0,2 |
0,3 |
0,4 |
0,5 |
0,6 |
>0,6 |
|
1 |
3,5 |
2,3 |
1,5 |
1,2 |
0,5 |
0,2 |
2 |
4,2 |
3,0 |
2,0 |
1,7 |
0,7 |
0,3 |
3 |
4,8 |
3,5 |
2,5 |
2,0 |
0,8 |
0,4 |
4 |
5,3 |
3,8 |
2,7 |
2,2 |
0,9 |
0,5 |
5 |
5,6 |
4,0 |
2,9 |
2,4 |
1,0 |
0,6 |
7 |
6,0 |
4,3 |
3,2 |
2,5 |
1,1 |
0,7 |
10 |
6,5 |
4,6 |
3,4 |
2,6 |
1,2 |
0,8 |
15 |
7,2 |
5,1 |
3,8 |
2,8 |
1,4 |
1,0 |
20 |
7,9 |
5,6 |
4,1 |
3,0 |
1,6 |
1,2 |
25 |
8,6 |
6,1 |
4,4 |
3,2 |
1,8 |
|
Ghi chú:
• Khi tính toán ứng suất của cọc nằm một phần trong đất lún ướt thì ứng suất của đất ở mặt bên của cọc chỉ lấy trong phạm vi đất không lún ướt.
• Đơn vị đo lường chuyển đổi 1 T/m2 ≈ 10 kN/m2.
C. ứng suất tính toán của đất nền ở mặt dưới mũi cọc si, tính bằng T/m2, bằng ứng suất tiêu chuẩn
Bảng 20
Chiều sâu đóng cọc kể từ mặt đất (m) |
ứng suất si (T/m2) |
||||||
Của các đất loại cát chặt vừa |
|||||||
Cát có sỏi |
Cát hạt to |
– |
Cát hạt vừa |
Cát hạt nhỏ |
Cát bụi |
– |
|
Đất loại sét có IL bằng |
|||||||
≤ 0 |
0,1 |
0,2 |
0,3 |
0,4 |
0,5 |
>0,6 |
|
3 |
700 |
400 |
300 |
200 |
120 |
100 |
60 |
4 |
820 |
510 |
380 |
250 |
160 |
120 |
70 |
5 |
880 |
550 |
400 |
280 |
190 |
130 |
75 |
7 |
950 |
620 |
430 |
320 |
210 |
140 |
80 |
10 |
1050 |
680 |
490 |
350 |
240 |
150 |
90 |
15 |
1170 |
750 |
560 |
400 |
280 |
160 |
100 |
20 |
1260 |
820 |
620 |
450 |
310 |
170 |
110 |
25 |
1340 |
880 |
680 |
500 |
340 |
180 |
120 |
Ghi chú:
1. Đối với các trị số giữa các chiều sâu đóng cọc và IL cho trong Bảng thì úi xác định theo phương pháp nội suy.
2. Đối với đất hòn to thì ứng suất của đất nền ở mặt dưới mũi cọc lấy bằng: si = 2000 T/m2
Khi cọc đóng tựa trên đá cứng thì trị số lấy bằng: si = 1,4sn ; trong đó ún là ứng suất tức thời (trung bình), T/m2, của mẫu đá cứng nén theo một trục ở trạng thái bão hoà nước nhưng không nhỏ hơn 2000 T/m2.
3. Đơn vị đo lường chuyển đổi 1 T/m2 ≈ 10 kN/m2.
D. Hệ số hiệu chỉnh ỏi đưa vào trong tính toán ứng suất mũi cọc αi
Bảng 21
No. |
Kết cấu mũi cọc, phương pháp hạ cọc, đường kính cọc, đặc điểm điều kiện địa chất và thời gian nghỉ |
αi |
1 |
Mũi cọc ống vát về bên trong một góc 30o – 45o, máy rung tần suất thấp gắn chặt vào mũi cọc D ≤ 2m tựa trên một lớp cát dày chặt vừa hoặc đất loại sét có IL ≤ 0. |
1,3 |
2 |
Như trên, hạ cọc bằng búa đóng |
1,0 |
3 |
Không có mũi cọc, hạ cọc bằng búa điêzen hoặc búa rung tần suất thấp không gắn vào mũi cọc D ≤ 0,8m tựa trên một lớp cát hoặc sét và sét pha dẻo cứng. |
0,95 |
4 |
Mũi cọc ống hạ bằng máy rung tần suất thấp gắn chặt vào mũi cọc, D ≤1,2m tựa trên một lớp cát pha, sét pha hoặc sét có IL = 0,5. Không xét đến thời gian “nghỉ” kéo dài a. Đối với cát pha b. Đối với sét pha c. Đối với sét |
0,9 0,7 0,6 |
Ghi chú: Khi dưới mũi cọc là đất sét và sét pha dẻo mềm có IL >0,5 thì không phải tính đến lực kháng chân cọc nếu thời gian nghỉ dưới 15 ngày đêm.
E. Các số liệu bổ sung để tính toán ứng suất mặt bên của các cọc
1. Hệ số hiệu chỉnh ỏ2 đưa vào tính toán ứng suất mặt bên fi.
Bảng 22
STT |
Tên đất |
α2 |
|
Khi hạ cọc bằng búa rung |
Khi hạ cọc bằng xói với đóng thêm |
||
1 |
Cát |
1,1 |
1,0 |
2 |
Cát pha và cát bụi |
0,9 |
0,8 |
3 |
Sét pha có IL ≥ 0,5 |
0,7 |
0,6 |
4 |
Sét có IL ≥ 0,5 |
0,6 |
0,5 |
5 |
Sét pha và sét có IL ≤ 0,4 |
1,0 |
0,9 |
2. Việc sử dụng các số liệu cho trong Bảng 19 Phụ lục 10 trong phần quy định fi đối với đất chất cát và đất chất sét có IL ≤ 0,4 cho phép thời gian “nghỉ” bất kỳ đối với cọc đóng cũng như cọc rỗng hạ bằng búa rung. Đối với đất chất sét có IL ≥ 0,5 khi hạ cọc bằng búa rung thì nên lấy fi theo bảng khi thời gian nghỉ không quá 15 ngày đêm.
3. ứng suất mặt bên của cọc rỗng có lõi hạ trong đất chất sét có IL ≥ 0,5 khi thời gian nghỉ kéo dài lấy theo Bảng 23.
Bảng 23
STT |
Tên đất |
Độ sệt của đất |
fi(T/m2) |
1 |
Cát pha |
0,5 ≤ IL ≤ 0,75 0,75 ≤IL≤1,00 |
2,8 1,4 |
2 |
Sét pha và sét |
0,50 ≤ IL ≤ 0,75 0,75 ≤ IL ≤1,00 IL > 1,0 |
2,8 2,0 1,0 |
Các số liệu trong Bảng 23 phù hợp với thời gian nghỉ của cọc từ 1 đến 3 tháng thì các trị số fi giảm tới 30%, khi thời gian nghỉ từ 15 ngày đến 1 tháng fi giảm tới 50%. Trong Bảng 23 không tính đến chiều sâu của lớp đất.
4. Khi có lớp than bùn trong các lớp đất mà cọc xuyên qua thì ứng suất mặt bên của cọc (ở phần trên lớp than bùn thấp nhất) lấy dấu trừ, ngoài ra ứng suất của bản thân lớp than bùn không tính đến.
G. ứng suất tính toán giả định của nền với chiều sâu 2m đối với đất có độ sệt 0,5 < IL ≤ 0,75
Bảng 24
Tên đất |
Hệ số rỗng e |
R′ T/m2 |
Cát pha |
0,5 |
20 |
Sét pha |
0,5 0,7 |
18 13 |
Sét |
0,5 0,6 0,8 |
28 20 14 |
(1T/m2 ≈ 10kN/m2)
Phụ lục 11
A. CÔNG TÁC LẤY MẪU ĐẤT, ĐÁ, NƯỚC
I. Lấy mẫu đất
Việc lấy mẫu đất là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của công tác khảo sát địa chất công trình. Vì vậy, việc lấy mẫu đất phải do nhân viên địa chất trực tiếp lấy hoặc chỉ đạo tại chỗ lấy mẫu. Mẫu đất định lấy phải đại diện cho từng lớp đất cần khảo sát. Ngay sau khi lấy mẫu phải kiểm tra vị trí và quy cách của mẫu, đồng thời ghi nhãn hiệu và dán vào hộp mẫu.
a. Quy cách của mẫu đất nguyên trạng:
– Mẫu hình trụ đường kính từ 5 ~12,5cm
– Mẫu hình lập phương 20x20x20 ~ 10 x 10 x 10 cm
Mẫu hình trụ lấy trong lỗ khoan và mẫu hình lập phương thường lấy trong hố đào. Tuỳ theo loại đất khác nhau, mục đích thí nghiệm mà quyết định lấy các loại đất nguyên trạng hoặc xáo trộn;
b. Mẫu xáo trộn (mẫu cát sỏi để trộn bê tông, mẫu đất để đắp v.v…) phải lấy cho từng lớp. Đất loại sỏi phải lấy theo “phương pháp chia 4”. Những mẫu xáo trộn phải giữ lượng hàm nước thiên nhiên thì việc đóng gói phải tiến hành như mẫu nguyên trạng. Mẫu đất dùng để đắp, cát sỏi dùng trộn bêtông phải dùng phương pháp trộn đều cho từng lớp và chia 4 ít nhất 2 lần;
c. Khi khảo sát địa chất công trình cho các công trình loại trung và loại lớn (kể theo vốn đầu tư) số mẫu lấy cho mỗi một lớp đất ít nhất là 10 mẫu khi tình hình địa chất đơn giản, và ít nhất là 20 mẫu trong điều kiện phức tạp;
d. Đối với các công trình đất đắp phải lấy mẫu ở khu vực dự tính lấy đất. Nếu lấy đất theo từng lớp thì mẫu thí nghiệm cũng phải lấy cho từng lớp; nếu công trình đắp bằng đất của các lớp thiên nhiên lẫn lộn thì mẫu thí nghiệm phải lấy theo phương pháp trộn đều phân 4 của tất cả các lớp dự định lấy đất đắp;
e. Đối với tường chắn, tường phòng hộ v.v… nguyên tắc chung là phải lấy mẫu sau lưng tường và đáy nền công trình, nếu sau lưng tường là đất đắp thì phải lấy như mục
d kể trên;
g. Tất cả các mẫu nguyên trạng nguyên tắc chung là phải đảm bảo giữ nguyên kết cấu và độ ẩm của đất cho tới lúc thí nghiệm. Vì vậy, phương pháp lấy mẫu, dụng cụ lấy mẫu, cách bảo quản mẫu phải tuyệt đối chính xác, tránh va chạm tới mẫu, tránh để mẫu bốc hơi nước và tránh các phản ứng hoá học có thể gây ra cho mẫu đất do ngoại cảnh.
II. Mẫu vật liệu xây dựng
1. Mẫu đá: Mẫu đá phải lấy theo quy cách như sau:
a. Đá từ cấp I ~ III/7 khối lập phương 6×6 cm;
b. Đá từ cấp III ~ IV/7 khối lập phương 7×7 cm;
c. Đá từ cấp V ~ VII/7 khối lập phương 10x 10 cm.
(Theo phân loại 7 cấp của Nga)
Những mẫu đá lấy từ lỗ khoan ra ít nhất phải có đường kính và chiều cao tối thiểu là 4cm.
• Thí nghiệm độ bền nén (khô) 3 khối
• Thí nghiệm độ bền nén (bão hoà) 3 khối
Mẫu đá đưa thí nghiệm ngoài việc có nhãn hiệu còn phải đánh dấu mặt trên, mặt dưới. Khi chọn mẫu đá cũng phải lấy mẫu đại diện cho các lớp định khảo sát, tránh tình trạng chỉ lấy chỗ đá khối liên tục mà không xét đến các mẫu phong hoá hoặc rạn nứt, khi cần thiết phải lấy mẫu đá riêng cho từng loại, mặc dù những đá định lấy cùng trong một lớp.
2. Mẫu cát, sỏi, cuội dùng để trộn bêtông
Số lượng cần lấy:
• Cát 5kg;
• Sỏi tròn và cuội: 30kg.
Khi dùng để làm đất thấm nước, số lượng mẫu cần lấy ít nhất là 5kg.
III. Mẫu nước
Bình đựng mẫu nước phải dùng loại sứ hoặc thuỷ tinh, nút bình phải thật khít với miệng bình, không được làm bằng chất dễ mục nát hoặc làm cho nước bị thay đổi về tính chất. Trước khi lấy mẫu phải dùng loại nước mà ta định lấy tráng bình cho sạch và rửa nút ít nhất là 3 lần.
Khi lấy mẫu nước trong lỗ khoan phải hút nước từ đáy ra với khối lượng bằng 2 lần dung tích cột nước trong lỗ khoan và để nước lắng trong rồi mới lấy. Sau khi lấy mẫu phải gắn kín nút bình bằng paraphin. Mẫu nước làm thí nghiệm tính ăn mòn phải lấy 2 bình, trong đó có một bình phải bỏ 2g bột canxi vào và lắc đi lắc lại nhiều lần sau 4 giờ lại lắc 1 lần. Khi lấy mẫu nước ở sông hoặc hồ, phải lấy ở giữa dòng hoặc giữa hồ. Chỗ nước sâu 2m thì chiều sâu lấy mẫu dưới mặt nước từ 0,5-1m, những chỗ sâu quá 2m thì tối thiểu phải lấy 2 mẫu: 1 ở gần mặt và 1 ở gần đáy lớp nước.
Mẫu nước đã lấy không nên để lâu mà phải gửi ngay về phòng thí nghiệm. Đặc biệt đối với các mẫu nước có mùi vị và các mẫu không có bột canxi hãm nhất thiết phải gửi ngay về phòng thí nghiệm trong 24 giờ kể từ lúc lấy mẫu trở đi. Nguồn nước lấy mẫu không được chảy qua công trình mới xây dựng và phải lấy xa các công trình cũ ít nhất 30m.
Nước dùng để xác định tính ăn mòn đối với bêtông thì mỗi chỗ lấy ít nhất là 2,5 lít và lấy thêm 1/2 lít có bỏ bột canxi (2g).
B. TRÌNH TỰ BẢO QUẢN VÀ HUỶ BỎ MẪU ĐẤT ĐÁ
1. Các mẫu đất đá lấy từ các công trình thăm dò hoặc ở các vết lộ trong quá trình khảo sát địa chất công trình là những tài liệu quan trọng ngang hàng với các tài liệu cơ bản cung cấp cho thiết kế và xây dựng công trình. Tuỳ theo mục đích của việc lấy mẫu, đối tượng khảo sát và giai đoạn thiết kế cũng như tầm quan trọng của tầng đất lấy mẫu đối với công trình các mẫu đất đá (ngoài số mẫu chọn để thí nghiệm) nhất thiết phải được bảo quản trong các thời hạn khác nhau.
2. Sau khi mô tả, kiểm tra các mẫu đá và lập xong các mặt cắt địa chất công trình của các công trình thăm dò, các mẫu được xếp vào các hộp gỗ theo thứ tự địa tầng của từng công trình thăm dò (có ghi ký hiệu ở nhãn) và xếp vào kho cho từng công trình một. Kho bảo quản mẫu có thể đặt ngay ở khu vực định xây dựng công trình. Kho mẫu phải được giữ gìn sạch sẽ, kín đáo, không bị mưa nắng và phải thường xuyên được kiểm tra.
3. Tuỳ theo thời hạn thông qua và duyệt đồ án thiết kế công trình, thời gian xây dựng, triển vọng làm lại hoặc mở rộng, điều kiện sử dụng công trình bảo quản mẫu đất đá phải được cán bộ phụ trách địa chất của công trình và chủ nhiệm đồ án thiết kế quyết định.
Trong tất cả các trường hợp đối với mẫu đất đá nằm dưới công trình xây dựng, có ảnh hưởng tới công trình phải được bảo quản ít nhất 5 năm sau khi kết thúc việc xây dựng công trình.
4. Thời gian bảo quản sau khi kết thúc xây dựng công trình là trách nhiệm của người quản lý công trình và ban giám đốc xí nghiệp của công trình đã sử dụng. Kho chứa, số lượng, quy cách mẫu sau khi xây dựng công trình xong phải được bàn giao và ghi vào hồ sơ hoàn công giữa các cơ quan khảo sát thiết kế và cơ quan sử dụng công trình.
Phụ lục 12
SỐ ĐIỂM QUAN SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH TRÊN 1KM2
Bảng 25
Tỷ lệ đo vẽ |
Số điểm quan sát trên1 km2 |
Khoảng cách giữa các điểm quan sát (km) |
1:500.000 1:200.000 1:100.000 1: 50.000 1:25.000 1:10.000 1:5.000 1:2.000 1:1.000 1:500 |
0,16 0,25 – 0,50 0,5 – 1,0 1,5 – 2,0 3 – 6 15 – 20 20 – 50 50 – 200 200 – 400 400 – 600 |
6 1,4 – 2,0 1,0 – 1,4 0,71 – 0,82 0,40 – 0,58 0,23 – 0,22 0,22 – 0,14 0,14 – 0,06 0,06 – 0,05 0,05 – 0,04 |
Phụ lục 13
ĐÁNH GIÁ CÁC KHU ĐẤT VÀ CÁC KHU VỰC XÂY DỰNG THEO MỨC ĐỘ PHỨC TẠP CỦA CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH
Bảng 26
Điều kiện |
Loại phức tạp |
Cấu tạo địa chất của khu vực |
Điều kiện địa mạo |
Điều kiện địa chất thuỷ văn |
Các hiện tượng địa chất hiện tại |
Đơn giản |
I |
Các lớp đất đá có thể nằm thoải hoặc nằm ngang. Nghiên cứu về cột địa tầng dễ. Thành phần đất đá ở các mặt cắt nghiên cứu đồng nhất. Sự sắp xếp lớp nằm ngang thể hiện rõ ràng |
Các dạng tích tụ bào mòn hoặc các dạng bào mòn, mài mòn, địa hình dễ lập bản đồ và dễ xác định |
Gồm các đới chứa nước thành lớp không thay đổi theo đường phương và chiều dày. Nước ngầm trong lớp đất đá trầm tích đồng nhất. Thành phần hoá học của nước ngầm đồng nhất |
Không có các hiện tượng địa chất hiện đại nguy hiểm có ảnh hưởng đến sự đánh giá các địa điểm về địa chất công trình |
Trung bình |
II |
Có phá huỷ do uốn nếp và phá huỷ do đoạn tầng. Địa tầng phức tạp hoặc nghiên cứu khó. Thành phần của đất đá thường thay đổi |
Các dạng tích tụ bào mòn, địa hình có nhiều thềm không rõ rệt |
Có các lớp chứa nước không đồng đều về phương và chiều dày. Thành phần của nước ngầm đồng nhất |
ít có các hiện tượng địa chất trong khu vực |
Phức tạp |
III |
Phá huỷ đoạn tầng và uốn nếp phức tạp. Địa tầng phức tạp và không nghiên cứu được. Thành phần đất đá và hướng đá nghiên cứu được ít. |
Gồm các dạng địa hình trước núi và địa hình vùng núi |
Có các loại nước ngầm khác nhau có quan hệ tương hỗ phức tạp (nước cacxtơ v.v…) |
Các hiện tượng địa chất hiện đại phát triển rộng rãi |
- Lưu trữ
- Ghi chú
- Ý kiến
- In
- Tư vấn pháp lý liên quan
- Bản án liên quan
Tải Văn bản tiếng Việt
Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,…
Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây
Bạn Đang Đăng Nhập Thành Viên Free!
Vì Đăng Nhập Thành Viên Free nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính và Nội dung của văn bản.
Bạn chưa xem được Nội dung toàn văn, Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,…
Nếu muốn làm Thành Viên Basic / Pro, mời Bạn Chuyển Đổi loại Thành Viên tại đây.
Bạn Đang Đăng Nhập Thành Viên Basic!
Vì Đăng Nhập Thành Viên Basic nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính, Nội dung của văn bản, Nội dung toàn văn, Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc.
Bạn chưa xem được Văn bản tiếng Anh, …
Nếu muốn làm Thành Viên Pro, mời Bạn Chuyển Đổi loại Thành Viên tại đây.
Chú thích:
Rà chuột vào nội dụng văn bản để sử dụng.
<Nội dung> = Nội dung thay thế tương ứng;
<Nội dung> = Không có nội dung thay thế tương ứng;
<Nội dung> = Không có nội dung bị thay thế tương ứng;
<Nội dung> = Nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Click trái để xem cụ thể từng nội dung cần so sánh và cố định bảng so sánh.
Click phải để xem những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Double click để xem tất cả nội dung không có thay thế tương ứng.
Tắt so sánh [X] để trở về trạng thái rà chuột ban đầu.
- Sửa Xóa
Thư mục cha: Chọn thư mục cha
Địa chỉ: | 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM |
Điện thoại: | (028) 3930 3279 (06 lines) |
E-mail: | info@ThuVienPhapLuat.vn |
- Trang chủ
- Các Gói Dịch Vụ Online
- Hướng Dẫn Sử Dụng
- Giới Thiệu
- Liên Hệ
- Lưu trữ
- Quy Chế Hoạt Động
- Đăng ký Thành viên
- Thỏa Ước Dịch Vụ
- Tra cứu pháp luật
- Tra cứu Công văn
- Tra cứu Tiêu Chuẩn Việt Nam
- Cộng đồng ngành luật
- TẢI ỨNG DỤNG TRÊN ĐIỆN THOẠI
|
- Hiện tại THƯ VIỆN PHÁP LUẬT phiên bản hoàn toàn mới cung cấp nhiều tiện ích vượt trội:
- Tra cứu dễ dàng bởi thanh công cụ tra cúu hoàn toàn mới
- Tra cứu toàn bộ Văn bản Gốc;
- Tra cứu hơn 280.000 văn bản Pháp Luật;
- Ban Thư Ký Luật sẽ Thông báo tóm lược những Văn bản Quý khách cần, qua Email hoặc SMS, ngay khi nó vừa ban hành, hoặc vừa có hiệu lực;
- Hỗ Trợ tư vấn Pháp lý sơ bộ miễn phí qua các hình thức: Điện Thoại, email.
- Khi áp dụng văn bản, bạn sẽ được biết: • Ngày áp dụng của từng văn bản. • Tình trạng hiệu lực của từng văn bản.
- Đặc biệt hỗ trợ tư vấn pháp lý sơ bộ miễn phí qua 3 hình thức: điện thoại, chat và email bởi bộ phận chuyên viên pháp lý.
TP. HCM, ngày 31/03 /2020
Thưa Quý khách,
Covid 19 làm nhiều vấn đề pháp lý phát sinh, nhiều rủi ro pháp lý xuất hiện. Do vậy, thời gian này và sắp tới Quý khách cần dùng THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhiều hơn.
Là sản phẩm online, nên 220 nhân sự chúng tôi vừa làm việc tại trụ sở, vừa làm việc tại nhà ngay từ đầu tháng 3.
Chúng tôi tin chắc dịch vụ sẽ được cung ứng bình thường trong mọi tình huống.
Với sứ mệnh giúp quý khách loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cam kết với 2,2 triệu khách hàng của mình:
1. Cung cấp dịch vụ tốt, cập nhật văn bản luật nhanh;
2. Hỗ trợ pháp lý ngay, và là những trợ lý pháp lý mẫn cán;
3. Chăm sóc và giải quyết vấn đề của khách hàng tận tâm;
4. Thanh toán trực tuyến bằng nhiều công cụ thanh toán;
5. Hợp đồng, phiếu chuyển giao, hóa đơn,…đều có thể thực hiện online;
6. Trường hợp khách không thực hiện online, thì tại Hà Nội, TP. HCM chúng tôi có nhân viên giao nhận an toàn, và tại các tỉnh thì có nhân viên bưu điện thực hiện giao nhận;
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT luôn là:
Chỗ dựa pháp lý;
Dịch vụ loại rủi ro pháp lý;
Công cụ nắm cơ hội làm giàu;
Chúc Quý khách mạnh khỏe, vui vẻ và “…loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu…” !
Góp Ý Cho THƯ VIỆN PHÁP LUẬT | |
Họ & Tên: |
|
Email: |
|
Điện thoại: |
|
Nội dung: |
Tên truy cập hoặc Email:
Mật khẩu cũ:
Mật khẩu mới:
Nhập lại:
E-mail:
Email người nhận:
Tiêu đề Email:
Nội dung:
Góp Ý Cho Văn bản Pháp Luật | |
Họ & Tên: |
|
Email: |
|
Điện thoại: |
|
Nội dung: |
Email nhận thông báo: