Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành TCN 48:1996 phòng cháy chữa cháy – Doanh nghiệp thương mại và dịch vụ do Bộ Thương mại ban hành
TIÊU CHUẨN NGÀNH
TCN 48: 1996
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY.DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ.
BỘ THƯƠNG MẠI
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng.
1.1: Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu cơ bản về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các doanh nghiệp Thương mại và Dịch vụ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp Thương mại) thuộc Bộ Thương mại.
1.2: Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng có tính chất nguy hiểm về cháy nổ như: xăng dầu, khí hoá lỏng, hoá chất dễ cháy nổ….
2. Tiêu chuẩn trích dẫn.
– TCVN 2622:95 – PCCC cho nhà và công trình,
– TCVN 4245:86 – Quy phạm kỹ thuật an toàn và vệ sinh trong sản xuất, sử dụng axetylen, oxy để gia công kim loại,
– TCVN 3146 – 86 – Công việc hàn điện (Yêu cầu về an toàn)
– 20 TCN 25 – 91 – Đặt đường dẫn điện trong nhà ở công trình công cộng – Tiêu chuẩn thiết kế.
3. Yêu cầu chung
3.1 Các doanh nghiệp thương mại phải căn cứ vào tính chất của mặt hàng; địa điểm và các hình thức tổ chức kinh doanh… của đơn vị và căn cứ vào yêu cầu trong tiêu chuẩn này để ban hành các quy định cấp cơ sở, văn bản hướng dẫn, hoặc nội quy PCCC, phương án chữa cháy, cấp cứu người bị nạn, giải quyết hậu quả sau vụ cháy… sao cho phù hợp với tình hình, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Chú thích: Các doanh nghiệp có các cơ sở sản xuất, chế biến, cửa hàng kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ có diện tích dưới 50 m2 thì chỉ cần ban hành văn bản ở dạng hướng dẫn hoặc nội quy PCCC.
3.2. Phương án PCCC cấp cơ sở do doanh nghiệp soạn thảo trước khi ban hành phải thông qua cơ quan PCCC địa phương.
4. Yêu cầu đối với công trình.
4.1: Trên toàn khu vực đất đai thuộc địa điểm của doanh nghiệp phải được giữ gìn phong quang, sạch đẹp.
Đường đi lại, lối ra vào giữa các ngôi nhà, các công trình, tới các nguồn nước chữa cháy phải được thông thoáng, không để bất kỳ một chướng ngại vật nào.
Khoảng cách giữa các ngôi nhà và các công trình phải giữ đúng theo thiết kế đã được duyệt.
Cấm xây chen hoặc chất, xếp hàng dễ cháy trong khoảng cách phòng cháy giữa các ngôi nhà và công trình.
4.2: Những khu vực cửa hàng và kho chứa thường xuyên đưa hàng đến dồn dập với khối lượng lớn cần phải:
4.2.1: Giành riêng một nơi để nghiệm thu, phân loại, bao gói, bảo quản, chế biến lại…
4.2.2: Chìa khoá của mỗi gian kho, cửa hàng phải đánh số thứ tự. Phải có quy chế quản lý chìa khoá để bảo vệ tốt hàng hoá và khi cần có thể sử dụng được ngay.
4.3: Các gian nhà kho, cửa hàng có diện tích trên 100 m2 phải có ít nhất hai cửa ra vào riêng biệt và cánh cửa phải mở ra phía ngoài.
Cấm ngăn thành nhiều gian nhỏ phía trong mà mỗi gian không có cửa trực tiếp ra ngoài.
4.4: Kết cấu kho, trạm, cửa hàng, phân xưởng phải bảo đảm vững chắc và phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng loại mặt hàng và quy trình công nghệ sẽ được tiến hành.
4.5: Các kho, trạm, cửa hàng lớn cần phải có giải pháp kiến trúc và kỹ thuật nhằm ngăn chặn cháy lan, hạn chế thiệt hại do cháy gây ra.
4.6: Khi xây dựng, cải tạo, hoặc mở rộng cơ sở sản xuất. kinh doanh phải căn cứ vào TCVN 2622 – 95 và phải có sự thoả thuận của cơ quan PCCC địa phương, đồng thời phải có phương án chữa cháy trong quá trình thi công.
5. Yêu cầu về bảo quản hàng hoá.
5.1: Hàng hoá sắp xếp, bảo quản tại cửa hàng, kho, bãi phải bảo đảm:
5.1.1: Gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm đếm.
5.1.2: Sắp xếp, bảo quản hàng hoá theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng phương pháp chữa cháy giống nhau.
5.1.3: Sắp xếp thành hàng, có lối đi ngang, dọc bảo đảm hợp lý, thuận tiện. Không xếp hàng hoá và các vật chướng ngại trên các lối đi.
5.1.4: Loại trừ được những điều kiện có thể dẫn đến tự cháy do phát sinh nhiệt, do tác dụng phản ứng hoá học…(không xếp hàng hoá gần bóng đèn, gần dây dẫn điện; các hàng hoá kỵ nhau sát gần nhau…)
5.2: Hàng hoá sắp xếp trong kho, bãi, trạm, cửa hàng phải để trên bục kê, ô giá. Nếu xếp chồng đống phải xếp vững chắc, gọn gàng; phía ngoài gần cửa ra vào phải để lối đi rộng bằng độ rộng của cửa ra vào, nhưng không được nhỏ hơn 1 m.
5.3: Không xếp, để hàng hoá dễ cháy (nhựa, phin ảnh, bông, polime tổng hợp…) ở chân cầu thang hoặc buồng gần cầu thang.
5.4: Việc sắp xếp hàng hoá phải tạo ra lối thoát nạn thuận tiện, bảo đảm việc sơ tán người và hàng hoá nhanh chóng, an toàn khi xẩy ra cháy.
6. Yêu cầu đối với điện, thiết bị.
6.1: Hệ thống điện và thiết bị bảo vệ tại các nhà kho và cửa hàng phải được thiết kế, tính toán theo đúng tiêu chuẩn 20TCN 25-91 và tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.
Cấm tuỳ tiện lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện làm quá tải hệ thống điện.
6.2: Mỗi năm doanh nghiệp phải tổ chức kiểm tra hệ thống điện ít nhất một lần. Khi kiểm tra phải đặc biệt chú ý:
* Sự hoàn chỉnh của hệ thống điện, độ tin cậy và đặc tính các thiết bị điện như: rơ-le, công tắc, cầu chì, cầu dao…
* Kiểm tra điên trở cách điện của dây cáp, dây dẫn, dây nối đất, và chống sét.
Khi kiểm tra phải ghi nhận xét vào sổ kiểm tra và nếu có những hư hỏng phải đề xuất biện pháp và ấn định thời gian sửa chữa.
6.3: Hệ thống điện trong các cửa hàng, phân xưởng… có chứa các chất có khả năng gây ăn mòn, cháy nổ phải được thiết kế, lắp đặt phù hợp với môi trường của từng loại.
6.4: Các tiếp điểm trên hệ thống điện lắp đặt trong nhà kho, cửa hàng phải được nối thật chắc chắn, bảo đảm chỗ nối không bị phát nhiệt, đánh lửa.
6.5: Lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu cháy được như giấy, vải, nilon… để bao, che bóng điện.
6.6: Tại các phân xưởng, kho, trạm, cửa hàng có sử dụng các máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất kinh doanh như máy trục, lò sấy, máy trộn, bàn là, bếp điện… phải tuân theo các nguyên tắc sau:
6.6.1: Mỗi thiết bị phải có quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc bản hướng dẫn sử dụng riêng và phù hợp với yêu cầu quản lý kỹ thuật của từng loại, đồng thời phải giao cho một người chịu trách nhiệm chính quản lý vận hành.
6.6.2: Các máy móc, thiết bị cần được bảo vệ bằng các thiết bị bảo vệ. Đặc tính bảo vệ của các thiết bị bảo vệ phải phù hợp với thông số kỹ thuật quy định cho thiết bị của xí nghiệp sản xuất ra thiết bị đó.
6.6.3: Nếu các thiết bị, dây truyền công nghệ khi vận hành có sử dụng các chất lỏng, chất khí dễ cháy nổ thì phải thường xuyên kiểm tra độ kín của thiết bị, công nghệ đó.
6.6.4: Không vận hành các thiết bị – công nghệ thiếu các dụng cụ đo, kiểm tra… theo thiết kế của nhà máy chế tạo đã quy định.
6.6.5: Các thiết bị điện đã bị hư hỏng không sử dụng nữa thì phải tháo ra khỏi hệ thống điện.
6.7: Hệ thống cấp nước chữa cháy (nếu có) phải được thường xuyên kiểm tra:
6.7.1: Sự hoạt động của máy bơm, đường ống, thiết bị phun nước theo thiết kế lắp đặt.
6.7.2: Lượng nước dự trữ chữa cháy,
6.7.3: Lối vào lấy nước chữa cháy…
6.8: Hệ thống báo cháy và bảo vệ tự động phải hoạt động tốt, chính xác.
7- Yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa
7.1: Mọi công việc bảo dưỡng, sửa chữa có dùng đến lửa (lửa điện, lửa trần) tại các cửa hàng, kho, trạm, phân xưởng… thuộc doanh nghiệp đều phải có phương án phòng cháy chữa cháy cụ thể. Sau khi giám đốc phê duyệt mới được triển khai thực hiện. Trước khi thực hiện phải thông báo cho Cảnh sát PCCC địa phương biết về thời gian và địa điểm tiến hành sửa chữa.
7.2: Trong khi tiến hành bảo dưỡng sửa chữa phải giao trách nhiệm cho một người phụ trách để tổ chức, chỉ đạo và liên tục kiểm tra, theo dõi việc thực hiện phương án. Nếu phát hiện thấy những vi phạm hoặc hiện tượng không bảo đảm an toàn PCCC thì phải có biện pháp xử lý kịp thời và báo cáo cho người có trách nhiệm biết.
7.3: Trường hợp bảo dưỡng, sửa chữa có sử dụng công tác hàn thì phải:
7.3.1: Sử dụng thợ hàn chuyên nghiệp.
7.3.2: Khi hàn phải quan sát xung quanh, trên dưới xem có vật gì có thể cháy do tia lửa hoặc vụn sắt nóng chảy bắn vào và phải che chắn hoặc chuyển dời các vật đó đi nơi khác.
7.3.3: Nếu hàn điện phải tuân theo tiêu chuẩn TCVN 3196-86.
7.3.4: Nếu hàn bằng khí axetylen và ôxy phải tuân theo tiêu chuẩn TCVN 4245-86.
7.3.5: Không được hàn khi:
– Có một trong các bộ phận của thiết bị, dụng cụ hàn không bảo đảm kỹ thuật.
– Ở những nơi có vật liệu, chất lỏng, chất khí có thể gây ra cháy nổ.
– Ở trên các sản phẩm, máy móc, thùng, bể chứa mà trong đó còn có chất lỏng, hơi, khí có thể cháy nổ hoặc còn áp lực, còn dòng điện…
7.3.6: Không để mỏ hàn trên các vật dễ cháy.
7.4: Sau khi bảo dưỡng sửa chữa xong phải:
7.4.1: Thu dọn sạch sẽ các vật liệu, dụng cụ, thiết bị.
7.4.2: Kiểm tra và thử nghiệm toàn bộ máy móc, thiết bị đã bảo dưỡng, sửa chữa theo tính năng công dụng của từng loại, kể cả dây nối đất (nếu có) nhằm bảo đảm vận hành được tuyện đối an toàn.
7.4.3: Lập kế hoạch kiểm định lại các thiết bị đo lường có trên máy móc, thiết bị như đồng hồ đo nhiệt độ, áp suất… (nếu có)
8- Trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy.
8.1: Giám đốc các doanh nghiệp thương mại là người chịu trách nhiệm chính về công tác PCCC và có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ các nội dung sau:
8.1.1: Ban hành các quy định về PCCC cấp cơ sở, văn bản hướng dẫn PCCC hoặc nội quy PCCC cho các cửa hàng, kho trạm, phân xưởng… (sau đây gọi tắt là cơ sở) trực thuộc.
8.1.2: Tuỳ thuộc và phương thức quản lý, địa hình, vị trí của cơ sở mà phân công, phân cấp quản lý công tác PCCC bằng văn bản cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc.
8.1.3: Thành lập các đội PCCC nghĩa vụ tại đơn vị và tại các cơ sở trực thuộc; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đội PCCC hoạt động.
8.1.4: Hàng năm tổ chức tập huấn và kiểm tra, đôn đốc cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong đơn vị thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những điều quy định về PCCC.
8.1.5: Trang bị đủ các phương tiện PCCC theo yêu cầu về PCCC đối với các mặt hàng đang sản xuất, kinh doanh.
8.1.6: Thường xuyên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan PCCC địa phương để thực hiện tốt công tác PCCC của đơn vị.
8.2: Các cửa hàng trưởng, trưởng các kho, trạm, phân xưởng trực thuộc doanh nghiệp Thương mại có trách nhiệm về công tác PCCC cụ thể khác nhau tuỳ thuộc vào sự phân công, phân cấp của giám đốc doanh nghiệp, nhưng về trách nhiệm chung là phải:
8.2.1: Nắm vững và kiểm tra đôn đốc CBCNV thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm quản lý kỹ thuật, bảo hộ lao động, an toàn PCCC.
8.2.2: Theo dõi tình trạng hệ thống điện, các máy móc, thiết bị… tổ chức sửa chữa ngay những hư hỏng, thiếu sót có thể gây ra cháy, nổ.
8.2.3: Tổ chức, quản lý chặt chẽ về mặt số lượng và chất lượng các dụng cụ, phương tiện PCCC, thiết bị thông tin liên lạc và để đúng nơi quy định, bảo đảm có thể sử dụng được ngay khi xẩy ra cháy.
8.2.4: Hết giờ làm việc phải kiểm tra, xem xét các thành viên trong đơn vị thực hiện vệ sinh công nghiệp, ngắt các nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Nếu vắng phải chỉ định người thay thế.
8.3: Cán bộ công nhân viên trong đơn vị có trách nhiệm như sau:
8.3.1: Hiểu rõ, nắm vững, thực hiện tốt và nhắc nhở mọi người xung quanh cùng thực hiện các văn bản pháp quy liên quan đến công tác PCCC có tại nơi mình làm việc.
8.3.2: Hiểu rõ các phương án PCCC và nhiệm vụ cụ thể của mình khi xẩy ra cháy.
8.3.3: Nắm vững tính năng, công dụng và biết cách sử dụng, đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản các dụng cụ, phương tiện PCCC có tại nơi làm việc.
8.3.4: Trong khi làm việc thấy có những sơ xuất, vi phạm hoặc có những hiện tượng có thể phát sinh cháy, nổ phải kịp thời khắc phụ hoặc báo cáo ngay cho người có trách nhiệm biết để giải quyết.
9- Tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC.
9.1: Mỗi doanh nghiệp hoặc cửa hàng, kho, trạm, phân xưởng… thuộc doanh nghiệp có địa điểm ở phân tán, riêng lẻ phải thành lập đội PCCC nghĩa vụ. Trường hợp số lượng người không nhiều (dưới 10) thì không thành lập đội, nhưng phải chỉ định một người chỉ huy và tất cả mọi người đều phải tham gia công tác PCCC.
Người chỉ huy phải qua lớp huấn luyện về PCCC của cơ quan PCCC địa phương.
9.2: Các đội PCCC nghĩa vụ phải có lịch học tập, thực hiện theo phương án PCCC của đơn vị mà đã thống nhất với cơ quan PCCC địa phương và được giám đốc phê duyệt. Đội được trang bị các dụng cụ và phương tiện PCCC theo tính chất, đặc thù và yêu cầu về PCCC ở từng khu vực.
9.3: Các đội viên đội PCCC nghĩa vụ phải gương mẫu chấp hành các văn bản pháp quy về PCCC, các quy phạm, quy trình kỹ thuật; kiểm tra, hướng dẫn và nhắc nhở mọi người cùng thực hiện.
9.4: Những cơ sở nằm trong khu dân cư, đóng tại địa phương nào thì người phụ trách cơ sở phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, với chính quyền và cơ quan PCCC địa phương để phối hợp trong công tác PCCC.
9.5: Tuỳ theo tính chất, khối lượng, đặc điểm của loại hàng hoá đang sản xuất, kinh doanh; tuỳ theo đặc thù của loại công trình kiến trúc ở tại cơ sở mà trang bị các loại dụng cụ, phương tiện PCCC cho phù hợp (số lượng và chủng loại cụ thể do cơ quan PCCC địa phương hướng dẫn) nhưng không được ít hơn số lượng quy định trong bảng phụ lục A (xem phụ lục A). Các dụng cụ, phương tiện PCCC này phải để ở nơi cố định và giao cho từng công nhân viên làm việc gần đó chịu trách nhiệm quản lý.
9.6: Các dụng cụ, phương tiện PCCC phải được bảo quản tốt, để tại nơi dễ thấy, dễ lấy và phải được kiểm tra chất lượng theo đúng định kỳ cho từng loại;
9.6.1: Các bình khí phải để ở nơi dâm mát, tránh nắng, mưa… và cứ ba tháng phải cân kiểm tra trọng lượng bình một lần. Nếu giảm 10% trọng lượng ban đầu thì phải nạp lại.
9.6.2: Cát, bao tải, chăn dùng để chữa cháy phải thường xuyên khô, sách. Nếu ướt phải được phơi, sấy ngay.
9.6.3: Các dụng cụ, phương tiện chữa cháy khác như máy bơm, vòi, lăng, phuy nước, bình bột, xô… phải luôn luôn ở tình trạng tốt, sẵn sàng có thể sử dụng được ngay.
9.7: Cấm sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC vào các mục đích khác, ngoài mục đích chữa cháy.
10- Chữa cháy.
10.1: Bất kỳ ai, đang làm việc gì, khi phát hiện thấy cháy đều phải:
10.1.1: Dùng các biện pháp cần thiết để báo động có cháy,
10.1.2: Báo khẩn cấp cho lực lượng PCCC địa phương,
10.1.3: Báo cho đội trưởng đội phòng cháy chữa cháy nghĩa vụ, báo cho người phụ trách khu vực,
10.1.4: Dùng phương tiện, dụng cụ chữa cháy có tại chỗ để cứu chữa.
10.2: Đội trưởng đội chữa cháy nghĩa vụ có trách nhiệm:
10.2.1: Quan sát, nắm chắc tình hình đám cháy, vận dụng các phương án chữa cháy đã tập luyện, chọn phương án tốt nhất.
10.2.2: Tổ chức và huy động lực lượng chữa cháy, triển khai phương án chữa cháy đã chọn để tiệp cận đám cháy và sử dụng dụng cụ, phương tiện chữa cháy có hiệu quả nhất.
10.2.3: Tổ chức và chỉ huy cứu hàng hoá hoặc người mắc nạn ở trong khu vực bị đám cháy đe doạ.
10.3: Người phụ trách sản xuất, kinh doanh tại khu vực bị cháy có nhiệm vụ:
10.3.1: Quan sát, nắm tình hình đám cháy, hội ý với đội trưởng đội PCCC nghĩa vụ về cách cứu chữa. Nếu không có sự nhất trí thì đội trưởng đội PCCC nghĩa vụ là người quyết định cuối cùng.
10.3.2: Kiểm tra lại xem đã báo cho lực lượng PCCC địa phương và Ban giám đốc doanh nghiệp chưa. Nếu chưa phải cử người đi báo gấp.
10.3.3: Tổ chức bảo vệ tài sản, hàng hoá tại khu vực cháy và xung quanh.
10.3.4: Nếu có người bị tai nạn phải kịp thời đưa đi cứu chữa.
10.3.5: Ngừng mọi công việc để tập trung vào việc chữa cháy, cứu người, bảo vệ tài sản và hàng hoá.
10.4: Khi lực lượng PCCC địa phương có mặt tại nơi cháy thì người đang chỉ huy chữa cháy phải báo cáo cho lực lượng PCCC địa phương biết:
10.4.1: Tình hình, biện pháp đã và đang thực hiện để chữa cháy, những tồn tại và khó khăn cần giải quyết để nhanh chóng dập tắt đám cháy.
10.4.2: Về những nguy hiểm có thể xảy ra khi tiếp tục cháy lan…
10.5: Khi đã dập tắt đám cháy phải bảo vệ tốt hiện trường để điều tra, tìm nguyên nhân vụ cháy.
10.6: Sau vụ cháy, Ban giám đốc doanh nghiệp phải:
10.6.1: Tổ chức phân loại hàng hoá, lau chùi, phơi, sấy những thứ bị hư hỏng, bẩn, ẩm, ướt… Chọn lọc, cân, đong, đo, đếm và kiểm kê để xác định sự thiệt hại cụ thể.
10.6.2: Lập phương án sửa chữa kho tàng, nhà, xưởng…. để mau chóng phục hồi lại sản xuất, kinh doanh.
10.6.3: Lập biên bản vụ cháy, ghi rõ ngày giờ, nguyên nhân, sự thiệt hại, biện pháp sử lý…. báo cáo lên Sơ Thương mại, Bộ Thương mại và cơ quan PCCC địa phương.
PHỤ LỤC A
SỐ LƯỢNG DỤNG CỤ VÀ PHƯƠNG TIỆN PCCC TỐI THIỂU TRANG BỊ CHO CÁC CƠ CỞ
STT |
Tên đối tượng cần được trang bị dụng cụ và phương tiện PCCC |
Diện tích m2 |
Bình bột 8 lít |
Bình khí CO2 |
Cát 1 m3, xẻng 2 cái |
Nước 200 lít, xô 2 cái |
Chăn hoặc bao tải cái |
1 |
Kho cửa hàng chứa hàng hoá là vật liệu rắn không cháy… |
500 |
1 |
|
|
1 |
|
2 |
Kho, cửa hàng chứa hàng hoá, vật liệu rắn cháy được, kể cả chất lỏng có t C bắt cháy > 45oC. nhưng phải đựng trong thùng, hộp kín với khối lượng < 500 kg |
350 |
1 |
1 |
1 |
|
1 |
3 |
Kho, cửa hàng chứa thiết bị, ô tô, xe máy… |
200 |
1 |
1 |
|
1 |
|
4 |
Phân xưởng sản xuất, chế biến có sử dụng thiết bị cơ khí, lò sấy, máy hàn… |
200 |
1 |
1 |
|
1 |
1 |
5 |
Phân xưởng sản xuất, bao gói, phân loại, bảo quản lại hàng hoá không dùng đến lửa. |
300 |
1 |
1 |
|
1 |
1 |
6 |
Khu vực nhà bếp, phân xưởng chế biến thức ăn chín |
200 |
1 |
1 |
|
|
|
Chú thích: Các cửa hàng, kho, trạm, phân xưởng sản xuất, chế biến, phân loại, bảo quản lại… có diện tích nhỏ hơn diện tích quy định trong bảng trên thì tuỳ theo diện tích thực tế và tính chất nguy hiểm về cháy mà trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC cho phù hợp, nhưng với diện tích nhỏ nhất cũng phải có một trong những thứ đã quy định trong bảng trên