Nghị định số 18/2014/NĐ-CP

  • Loại văn bản: Nghị định
  • Số hiệu: 18/2014/NĐ-CP
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày ban hành: 14/03/2014
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2014
  • Lĩnh vực: Thông tin và Truyền thông
  • Tình trạng: Còn hiệu lực
  • Ngày công báo: 26/03/2014
  • Số công báo: Công báo số 401+402, năm 2014
  • Tải văn bản:
CHÍNH PHỦ
Số: 18/2014/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xuất bản năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với. tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật xuất bản; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là tác phẩm) được sử dụng.

2. Quỹ nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trích lập theo quy định để chi trả nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác.

3. Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho người thực hiện công việc có liên quan đến tác phẩm theo quy định tại Nghị định này.

4. Lợi ích vật chất là các lợi ích mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng ngoài nhuận bút bao gồm: Nhận sách, báo biếu, vé mời xem công bố tác phẩm, giải thưởng trong nước và quốc tế…

Điều 4. Quy định về trả nhuận bút, thù lao

1. Mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế – xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm tại Nghị định này và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm với nhà xuất bản. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại.

2. Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số, phóng sự điều tra; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác; tác giả của tác phẩm được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng nhuận bút cao hơn nhằm khuyến khích sáng tạo.

3. Tác phẩm thuộc loại hình sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cao hơn tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập và hợp tuyển. Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm khi tác phẩm đó được sử dụng làm tuyển tập, hợp tuyển, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm và biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Đối với tác phẩm gốc được dịch sang ngôn ngữ khác để thể hiện trên loại hình báo chí khác hoặc ấn phẩm báo chí khác của cùng một cơ quan báo chí, việc chi trả nhuận bút thực hiện theo quy định của từng cơ quan báo chí.

4. Tác phẩm đã công bố, phổ biến khi được sử dụng lại, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút theo quy định tại Nghị định này và quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm.

5. Tác phẩm lưu hành nội bộ, không kinh doanh hưởng chế độ nhuận bút thấp hơn tác phẩm thuộc thể loại tương ứng có kinh doanh. Mức nhuận bút do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng tác phẩm thỏa thuận.

6. Đối với tác phẩm đồng tác giả, tỷ lệ phân chia nhuận bút do các tác giả thỏa thuận.

7. Tác phẩm báo chí đăng tải lại có trích dẫn nguồn của cơ quan báo chí khác đã có thỏa thuận chia sẻ thông tin theo quy định về bản quyền, nhuận bút do các cơ quan báo chí thỏa thuận quyết định.

8. Cơ quan báo chí trích lập quỹ nhuận bút trong phạm vi nguồn đã được quy định.

Quỹ nhuận bút dùng để trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được sử dụng; trả thù lao, lợi ích vật chất; tổ chức các hoạt động khuyến khích sáng tạo, không sử dụng vào mục đích khác.

9. Đối với tác phẩm thuộc thể loại chưa được quy định cụ thể tại Nghị định này, việc trả nhuận bút do bên sử dụng tác phẩm và tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận thông qua hợp đồng khoán gọn.

10. Chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Trường hợp cơ quan báo chí đã liên hệ, thông báo ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút, thù lao nhưng không nhận được hồi âm thì tiền nhuận bút, thù lao đó được kết chuyển sang Quỹ nhuận bút của năm tiếp theo.

11. Tác giả làm việc theo chế độ hợp đồng với cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm, sáng tạo tác phẩm ngoài định mức được giao của cơ quan báo chí, được hưởng 100% nhuận bút.

12. Người thuộc cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí ngoài định mức được giao, hưởng 100% thù lao.

Điều 5. Khiếu nại, tố cáo

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương II

NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI TÁC PHẨM BÁO IN, BÁO ĐIỆN TỬ

Điều 6. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử

1. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng.

2. Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí.

3. Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.

Điều 7. Nhuận bút đối với tác phẩm báo in, báo điện tử

1. Khung nhuận bút cho tác phẩm báo in, báo điện tử được quy định như sau:

Nhóm Thể loại Hệ số tối đa
1 Tin

Trả lời bạn đọc

10
2 Tranh 10
3 Ảnh 10
4 Chính luận 30
5 Phóng sự

Ký (một kỳ)

Bài phỏng vấn

30
6 Sáng tác văn học 30
7 Nghiên cứu 30
8 Trực tuyến

Media

50

2. Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là mức tiền lương cơ sở).

Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút cao hơn mức bình quân chung do Tổng biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, khung hệ số nhuận bút nhưng không vượt quá hệ số tối đa tại khung nhuận bút.

3. Nhuận bút được tính như sau:

Nhuận bút = Mức hệ số nhuận bút x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút.

4. Những quy định khác

a) Tác giả phần lời của bản nhạc, của truyện tranh, phụ đề thể loại Media hưởng từ 20 – 50% nhuận bút của tác phẩm đó.

b) Tác giả bản dịch từ tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt hoặc ngược lại hưởng từ 40 – 65% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại tương ứng bằng tiếng Việt. Mức nhuận bút do Tổng biên tập quyết định.

c) Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số hưởng thêm 10 – 20% nhuận bút của tác phẩm đó nhằm khuyến khích sáng tạo.

d) Tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác hưởng thêm 30 – 50% nhuận bút của tác phẩm đó nhằm khuyến khích sáng tạo.

đ) Tác giả của tác phẩm thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm được hưởng thêm tối đa bằng mức nhuận bút của tác phẩm đó nhằm khuyến khích sáng tạo.

e) Đối với báo điện tử, nhuận bút, thù lao thông tin do độc giả cung cấp sẽ do Tổng biên tập quyết định, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác.

g) Đối với các bài phỏng vấn, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn được cơ quan báo chí trả nhuận bút theo quy chế của cơ quan báo chí.

Điều 8. Quỹ nhuận bút

1. Quỹ nhuận bút của cơ quan báo in, báo điện tử được hình thành từ các nguồn sau:

a) Nguồn thu từ hoạt động báo chí;

b) Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí;

c) Nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

d) Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có).

2. Đối với cơ quan báo chí chưa bảo đảm chi phí hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan báo chí trích lập quỹ nhuận bút trên cơ sở dự toán xây dựng theo quy định như sau:

Quỹ nhuận bút hàng năm = Tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí xuất bản trong năm + Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm + Thù lao.

– Tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí trong năm = Tổng hệ số nhuận bút bình quân trong một kỳ báo, tạp chí x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút x số kỳ báo, tạp chí trong năm.

– Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm tối đa không quá 30% tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí xuất bản trong năm.

– Tổng số thù lao tối đa không quá 50% tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí xuất bản trong năm.

3. Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, quỹ nhuận bút do cơ quan báo chí quyết định trên cơ sở cân đối tài chính của đơn vị.

Chương III

NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI TÁC PHẨM BÁO NÓI, BÁO HÌNH

Điều 9. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình

1. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo nói, báo hình sử dụng.

2. Biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu) – đối với báo nói.

3. Biên kịch, đạo diễn, quay phim, người dựng phim, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu), họa sĩ – đối với báo hình.

4. Lãnh đạo cơ quan báo nói và báo hình, phát thanh viên, biên tập viên, diễn viên sân khấu, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn chương trình, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, người thiết kế ánh sáng, trợ lý nghệ thuật, đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật âm thanh, quay phim kỹ xảo được trả thù lao.

Điều 10. Nhuận bút đối với tác phẩm báo nói, báo hình

1. Khung nhuận bút cho tác phẩm báo nói, báo hình được quy định như sau:

Nhóm Thể loại Hệ số tối đa
1 Tin

Trả lời bạn đọc

10
2 Chính luận 30
3 Phóng sự

Ký (một kỳ)

Bài phỏng vấn

30
4 Sáng tác văn học 30
5 Nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục 30
6 Toạ đàm, giao lưu 50

2. Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở.

3. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thuộc Khoản 1 Điều 9 Nghị định này hưởng nhuận bút theo quy định tại khung nhuận bút.

4. Nhuận bút trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này như sau:

a) Đối với thể loại 1, 2, 3, 5, 6 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 20 – 30% mức nhuận bút của thể loại tương ứng;

b) Đối với thể loại 4 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 50 – 150% thể loại tương ứng;

c) Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 50 – 70% mức nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút cho tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nhuận bút cho tác phẩm điện ảnh, video.

5. Nhuận bút trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định này như sau:

a) Đối với thể loại 1, 2, 3, 5, 6 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 50 – 100% mức nhuận bút của thể loại tương ứng;

b) Đối với thể loại 4 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 100 – 200% thể loại tương ứng;

c) Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tác phẩm điện ảnh, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm hưởng nhuận bút bằng mức nhuận bút tương ứng theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút cho tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nhuận bút cho tác phẩm điện ảnh, video. Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) đài truyền hình được quyền trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ở mức cao hơn nhưng tổng nhuận bút và thù lao tối đa không quá 20% đối với phim truyện, sân khấu truyền hình, không quá 60% đối với phim tài liệu, phim khoa học trong tổng chi phí sản xuất tác phẩm (không bao gồm chi phí thiết bị về truyền hình).

6. Những quy định khác

a) Tác phẩm phát nhiều lần trên sóng hưởng nhuận bút theo thỏa thuận trong hợp đồng.

b) Đối với thể loại cầu phát thanh, cầu truyền hình, chương trình phát thanh trực tiếp, chương trình truyền hình trực tiếp và những thể loại khác chưa quy định trong Nghị định này, tuỳ theo tính chất, quy mô, Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) các Đài phát thanh, truyền hình quyết định mức nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người liên quan thực hiện các chương trình đó.

Điều 11. Quỹ nhuận bút

1. Quỹ nhuận bút của báo nói, báo hình được hình thành từ các nguồn sau:

a) Nguồn thu từ hoạt động báo chí;

b) Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí;

c) Nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

d) Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có).

2. Đối với đài phát thanh, đài truyền hình chưa bảo đảm chi phí hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cấp kinh phí trích lập quỹ nhuận bút trên cơ sở dự toán xây dựng như sau:

Quỹ nhuận bút hàng năm = Tổng số nhuận bút phải trả trong năm + Nhuận bút tăng thêm nhằm, khuyến khích sáng tạo tác phẩm + Thù lao.

– Tổng số nhuận bút phải trả trong năm = Số lượng bình quân nhuận bút cho một chương trình phát thanh, truyền hình x Tổng thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình trong năm.

– Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm tối đa không quá 30% tổng số nhuận bút phải trả trong năm.

– Tổng số thù lao tối đa không quá 70% tổng số nhuận bút phải trả trong năm.

3. Đối với đài phát thanh, đài truyền hình tự bảo đảm chi phí hoạt động hoặc hoạt động theo cơ chế tài chính đặc thù, quỹ nhuận bút do đài phát thanh, đài truyền hình quyết định trên cơ sở cân đối tài chính của đơn vị.

Chương IV

NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI XUẤT BẢN PHẨM

Điều 12. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của xuất bản phẩm được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả nhuận bút.

2. Người sưu tầm, người hiệu đính tác phẩm, người cung cấp tác phẩm, văn bản, tài liệu được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả thù lao đối với:

a) Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian;

b) Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó.

3. Biên tập viên được cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm trả thù lao theo mức độ đóng góp vào nội dung bản thảo.

Nhuận bút và tiền thù lao được tính trong giá thành xuất bản phẩm.

Điều 13. Nhuận bút xuất bản phẩm

Khung chi trả nhuận bút: Nhuận bút đối với xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng, số lượng tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trong khung nhuận bút dưới đây:

Nhóm Thể loại Tỷ lệ phần trăm (%)
I Xuất bản phẩm thuộc loại sáng tác:  
1 Văn xuôi 8 – 17%
2 Sách nhạc 10 – 17%
3 Thơ 12 – 17%
4 Kịch bản sân khấu, điện ảnh 12 – 17%
5 Sách tranh, sách ảnh 8 – 12%
6 Truyện tranh 4- 10%
7 Từ điển, sách tra cứu 12 – 18%
8 Sách nghiên cứu lý luận về chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục 12 – 18%
9 Sách khoa học – công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, công trình khoa học 10 – 17%
10 Sách phổ biến kiến thức về chính trị, văn hóa – xã hội, giáo dục, khoa học – công nghệ 8 – 12%
11 Giáo trình bậc sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, sách phương pháp cho giáo viên và phụ huynh 8 – 16%
12 Sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) 30 – 140% mức tiền lương cơ sở/tiết theo quy định của chương trình
13 Sách tham khảo phổ thông theo chương trình sách giáo khoa. 2 – 12%
II Xuất bản phẩm thuộc loại phóng tác, cảbiên, chuyển thể, sưu tầm, chú giải, tuyển tập, hp tuyển 5 – 10%
III Xuất bản phẩm thuộc loại dịch  
1 Dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài 8 – 12%
2 Dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (trừ truyện tranh) 6 – 12%
3 Dịch từ một ngôn ngữ nước ngoài sang một ngôn ngữ nước ngoài khác 12 – 18%
3 Dịch từ tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam 12 – 15%
4 Dịch từ tiếng dân tộc thiểu số này sang tiếng dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam 15 – 18%
5 Dịch từ chữ Hán Nôm hoặc tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt 12 – 15%
IV Băng, đĩa, CD ROM thay sách và kèm theo sách 10 – 13 %
V Bản đồ 7 – 23%

2. Cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng thỏa thuận cách tính nhuận bút và mức nhuận bút đối với các loại xuất bản phẩm sau đây:

a) Xuất bản phẩm điện tử theo quy định tại Khoản 9 Điều 4 Luật xuất bản năm 2012;

b) Xuất bản phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn cao;

c) Xuất bản phẩm chuyển nhượng quyền sở hữu vĩnh viễn;

d) Trường hợp khác do hai bên tự nguyện thỏa thuận.

3. Những quy định khác

a) Người hiệu đính tác phẩm dịch được hưởng từ 5 – 30% nhuận bút tác phẩm dịch tuỳ theo mức độ và chất lượng hiệu đính.

Trường hợp hiệu đính trên 30% tác phẩm dịch thì người hiệu đính là đồng tác giả.

b) Biên tập viên, người sưu tầm, người cung cấp tác phẩm, tài liệu được hưởng thù lao theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm.

c) Đối với xuất bản phẩm thuộc loại dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển, cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm phải xin phép và trả nhuận bút cho tác giả của tác phẩm gốc, Mức nhuận bút do cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm và tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc thỏa thuận.

d) Tác giả phần lời của bản nhạc, truyện tranh được hưởng từ 30 – 50% nhuận bút của xuất bản phẩm đó.

đ) Đối với xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác, ngoài khoản nhuận bút quy định theo Khoản 1 Điều 13 Nghị định này được hưởng thêm từ 10 – 30% nhuận bút của xuất bản phẩm đó.

e) Nhuận bút đối với xuất bản phẩm song ngữ bằng 50% mức nhuận bút của xuất bản phẩm dịch cùng thể loại quy định trong khung nhuận bút.

g) Nhuận bút đối với xuất bản phẩm tái bản được hưởng từ 50 – 100% so với mức nhuận bút xuất bản lần đầu và được tính trên giá bán lẻ mới.

h) Ngoài tiền nhuận bút, tác giả được nhận 05 – 10 bản xuất bản phẩm. Trường hợp xuất bản phẩm có nhiều tác giả, số lượng xuất bản phẩm các tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả được nhận do cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm quyết định.

i) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng xuất bản phẩm quy định cụ thể tỷ lệ trả nhuận bút, thù lao cho xuất bản phẩm theo quy định tại Nghị định này.

Điều 14. Phương thức tính nhuận bút

1. Nhuận bút đối với xuất bản phẩm được tính như sau:

Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá bán lẻ xuất bản phẩm x Số lượng in

Trong đó:

a) Tỷ lệ phần trăm (%) là tỷ lệ trả nhuận bút;

b) Giá bán lẻ xuất bản phẩm là giá tiền in ở cuối trang bìa 4 hoặc giá bán lẻ ghi trên hóa đơn bán xuất bản phẩm (đối với xuất bản phẩm không ghi giá bán) vào thời điểm thanh toán trả tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở quyền tác giả;

Trường hợp sau đó giá bán lẻ thay đổi, nếu không có thỏa thuận khác được ghi trong hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm, giá bán lẻ để tính nhuận bút vẫn giữ nguyên;

c) Số lượng in là số lượng ghi trong hợp đồng sử dụng tác phẩm.

2. Nhuận bút đối với xuất bản phẩm do nhà nước đặt hàng, được tính như sau:

Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá thành sản xuất x Số lượng in

Trong đó:

a) Tỷ lệ phần trăm (%) và số lượng in theo quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Giá thành sản xuất là tổng chi phí của xuất bản phẩm không bao gồm chi phí phát hành.

3. Nhuận bút tài liệu không kinh doanh (lưu hành nội bộ hoặc phát không thu tiền) được tính như sau:

Nhuận bút = Tỷ lệ % x Giá thành sản xuất x số lượng in.

4. Nhuận bút sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại số thứ tự 12 nhóm I khung nhuận bút quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này được tính như sau:

Nhuận bút = Tỷ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở x Số lượng tiết học theo quy định của chương trình.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Chương II, Chương V, Chương VI Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút hết hiệu lực.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các cơ quan báo chí, nhà xuất bản chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng