Quy chuẩn QCVN01-193:2021/BNNPTNT

  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Số hiệu: QCVN01-193:2021/BNNPTNT
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 03/08/2021
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2022
  • Lĩnh vực: Công nghệ- Thực phẩm
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-193: 2021/BNNPTNT về Muối (Natri clorua) thực phẩm


QCVN 01-193: 2021/BNNPTNT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI MUỐI (NATRI CLORUA) THỰC PHẨM

National technical regulation on food grade salt (sodium chloride)

Lời nói đầu

QCVN 01-193: 2021/BNNPTNT do Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối (Natri clorua) thực phẩm Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn biên soạn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Thông tư số …/2021/TT- BNNPTNT ngày … tháng … năm 2021.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI MUỐI (NATRI CLORUA) THỰC PHẨM

National technical regulation on food grade salt (sodium chloride)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối (Natri clorua) thực phẩm (sau đây gọi tắt là muối thực phẩm) quy định các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, lấy mẫu và quy định về quản lý đối với muối thực phẩm.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với:

2.1. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sản xuất chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu muối thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam.

2.2. Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Giải thích từ ngữ

3.1. Muối: Là hợp chất có thành phần chính là Natri clorua (công thức hóa học: NaCl) được sản xuất từ nước biển, nước mặn ngầm hoặc khai thác từ mỏ muối.

3.2. Muối thực phẩm (Mã HS 25010010 hoặc 2501.00.91): Là muối được bổ sung tăng cường vi chất i-ốt dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm, có hàm lượng các chất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.

II. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT

1. Yêu cầu kỹ thuật đối với muối thực phẩm

Muối thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật dưới đây:

STT

Tên chỉ tiêu

Giới hạn

Ghi chú

1

Hàm lượng NaCl, % khối lượng chất khô

Không nhỏ hơn 89 %

 

2

Độ ẩm, % khối lượng

Không lớn hơn 9,0 %

 

3

Hàm lượng chất không tan trong nước, % khối lượng chất khô

Không lớn hơn 0,3 %

 

4

I-ốt

Không nhỏ hơn 20,0 (mg/kg) và không lớn hơn 40,0 (mg/kg)

Theo QCVN 9-1:2011/BYT

5

Asen, tính theo As

Không lớn hơn 0,5 mg/kg

 

6

Chì, tính theo Pb

Không lớn hơn 2,0 mg/kg

 

7

Cadimi, tính theo Cd

Không lớn hơn 0,5 mg/kg

 

8

Thủy ngân, tính theo Hg

Không lớn hơn 0,1 mg/kg

 

9

Đồng, tính theo Cu

Không lớn hơn 2,0 mg/kg

 

2. Yêu cầu kỹ thuật đối với chất phụ gia thực phẩm và I-ốt bổ sung vào muối

2.1. Chất phụ gia bổ sung vào muối thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

2.2. I-ốt bổ sung vào muối phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với kali iodat (KIO3) theo quy định tại QCVN 3-6:2011/BYT của Bộ Y tế về các chất được sử dụng để bổ sung i-ốt vào thực phẩm.

3. Phương pháp thử, lấy mẫu

3.1. Phương pháp thử

STT

Chỉ tiêu xác định

Phương pháp thử

1

Hàm lượng NaCl

TCVN 3973-84 Muối ăn (natri clorua) – phương pháp chuẩn độ ion Clo (Cl) bằng dung dịch bạc Nitrat (AgNO3) hoặc

TCVN 11876:2017 Muối (natri clorua) – Xác định hàm lượng clorua – Phương pháp đo điện thế

2

Độ ẩm

TCVN 10243:2013 (ISO 2483:1973) Muối (natri clorua) dùng trong công nghiệp – Xác định hao hụt khối lượng ở 110 °C

3

Hàm lượng chất không tan trong nước

TCVN 10240:2013 (ISO 2479:1972) Muối (natri clorua) dùng trong công nghiệp – Xác định chất không tan trong nước hoặc trong axit và chuẩn bị các dung dịch chính dùng cho các phép xác định khác.

4

Hàm lượng I-ốt

TCVN 12783:2019 Muối (natri clorua) – Xác định tổng hàm lượng brom và iot – Phương pháp phổ phát xạ quang plasma cặp cảm ứng (ICP-OES)

5

Hàm lượng Asen

TCVN 11874:2017 Muối (natri clorua) – Xác định hàm lượng asen – Phương pháp đo quang sử dụng bạc diethyldithiocarbamat.

6

Hàm lượng Chì

TCVN 10661:2014 Muối (natri clorua) – Xác định hàm lượng chì tổng số – Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa hoặc

TCVN 11877:2017 Muối (natri clorua) – Xác định các nguyên tố – Phương pháp đo phổ phát xạ quang học plasma cảm ứng cao tần (ICP-OES).

7

Hàm lượng Cadimi

TCVN 10662:2014 Muối (natri clorua) – Xác định hàm lượng Cadimi tổng số – Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa hoặc

TCVN 11877:2017 Muối (natri clorua) – Xác định các nguyên tố – Phương pháp đo phổ phát xạ quang học plasma cảm ứng cao tần (ICP-OES)

8

Hàm lượng Thủy ngân

TCVN 10660:2014 Muối (natri clorua) – Xác định hàm lượng thủy ngân tổng số – Phương pháp đo phổ hấp thụ nguyên tử không ngọn lửa.

9

Hàm lượng Đồng

TCVN 11873:2017 Muối (natri clorua) – Xác định hàm lượng đồng – Phương pháp đo quang sử dụng kẽm dibenzyldithiocarbamat hoặc

TCVN 11877:2017 Muối (natri clorua) – Xác định các nguyên tố – Phương pháp đo phổ phát xạ quang học plasma cảm ứng cao tần (ICP-OES)

Tùy theo tình hình thực tế của đơn vị thử nghiệm, có thể sử dụng phương pháp thử khác có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn với các phương pháp thử trên.

3.2. Lấy mẫu

3.2.1. Lấy mẫu kiểm tra và lưu mẫu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT- BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

3.2.2. Lấy mẫu kiểm tra đối với muối thực phẩm nhập khẩu trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt:

Mẫu được lấy theo phương pháp ngẫu nhiên. Mỗi đơn vị sản phẩm trong lô hàng muối nhập khẩu được lựa chọn ngẫu nhiên, đều có vai trò ngang nhau để được chọn làm mẫu kiểm tra. Tập hợp các mẫu đơn lẻ, ngẫu nhiên được lấy (mẫu chung) và được chia làm hai đơn vị mẫu, một đơn vị mẫu để thử nghiệm, một đơn vị mẫu lưu tại cơ quan kiểm tra. Mỗi đơn vị mẫu có khối lượng tối thiểu 200 g, tối đa 500 g đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu cần kiểm tra theo quy định và được đựng trong hộp hoặc chai nhựa kín có dán niêm phong của cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra lấy mẫu, lập biên bản lấy mẫu muối nhập khẩu có sự chứng kiến của đại diện người nhập khẩu và đại diện cơ quan Hải quan cửa khẩu.

III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

1. Ghi nhãn

Việc ghi nhãn muối thực phẩm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Muối thực phẩm phải được tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025; thủ tục tự công bố sản phẩm quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

3. Kiểm tra nhà nước đối với muối thực phẩm: Muối thực phẩm phải được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm, Thông tư số 39/2018/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu và các văn bản pháp luật có liên quan.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN

1. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm an toàn thực phẩm

1.1. Phòng kiểm nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ (Văn phòng Công nhận chất lượng) công nhận phòng thử nghiệm VILAS lĩnh vực hóa có đối tượng thử là muối natri clorua và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; Phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc Phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025 thực hiện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật tại Quy chuẩn này và các quy định của pháp luật có liên quan.

1.2. Báo cáo định kỳ hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu gửi Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình và kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với muối thực phẩm. Thời gian gửi báo cáo định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu muối thực phẩm

2.1. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, bảo đảm sản phẩm phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật tại Quy chuẩn này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2.2. Thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn này; trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.

2. Trường hợp các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn viện dẫn tại Quy chuẩn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế./.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *