Nội dung toàn văn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2016/BTC về Phao tròn cứu sinh dự trữ quốc gia
QCVN 05: 2016/BTC
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI PHAO TRÒN CỨU SINH DỰ TRỮ QUỐC GIA
National technical regulation on ring life buoy for national reserve
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
1.2. Đối tượng áp dụng
1.3. Giải thích từ ngữ
1.4. Tài liệu viện dẫn
2. YÊU CẦU KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu kỹ thuật
2.2. Căn cứ quy định yêu cầu kỹ thuật tại Quy chuẩn
3. PHƯƠNG PHÁP THỬ
3.1. Kiểm tra ngoại quan
3.2. Kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật
4. QUY ĐỊNH VỀ GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN
4.1. Vận chuyển
4.2. Yêu cầu đối với vật tư, thiết bị, dụng cụ
4.3. Quy trình kiểm tra khi nhập kho
4.4. Bảo quản
4.5. Quy trình xuất kho
4.6. Quy định về báo cáo chất lượng phao tròn
5. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
5.1. Kiểm tra chất lượng
5.2. Yêu cầu về nhà kho
5.3. Thẻ lô hàng
5.4. Chế độ ghi chép sổ sách và theo dõi hàng hóa
5.5. Phòng chống cháy nổ
5.6. Công bố hợp quy
6. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Lời nói đầu
QCVN 05: 2016/BTC thay thế QCVN 05: 2012/BTC Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao tròn cứu sinh dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước biên soạn, trình duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 321/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 12 năm 2016.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI PHAO TRÒN CỨU SINH DỰ TRỮ QUỐC GIA
National technical regulation on ring life buoy for national reserve
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định về yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, giao nhận (nhập, xuất), bảo quản và công tác quản lý đối với phao tròn cứu sinh dự trữ quốc gia.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao nhận (nhập, xuất), bảo quản và quản lý phao tròn cứu sinh dự trữ quốc gia.
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Phao tròn cứu sinh dự trữ quốc gia là loại phao khép kín, có yêu cầu kỹ thuật thỏa mãn theo Mục 2 Quy chuẩn này, được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểu sản phẩm công nghiệp và các quy định hiện hành khác để sử dụng trong công tác cứu hộ cứu nạn, sau đây viết tắt là phao tròn.
1.3.2. Lô phao tròn là số lượng phao tròn được chế tạo theo kiểu sản phẩm đã được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam công nhận tại cùng một cơ sở chế tạo.
1.4. Tài liệu viện dẫn
1.4.1. QCVN 85: 2015/BGTVT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra thiết bị cứu sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa của Bộ Giao thông vận tải.
1.4.2. TCVN 5466: 2002 (ISO 105 – A02:1993). Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.
1.4.3. ASTM D 6775-13 Standard Test method for Breaking Strength and Elongation of Textile Webbing, tape anh Braided material (phương pháp thử độ bền kéo đứt và độ giãn dài của đai, dây làm bằng vật liệu dệt).
2. YÊU CẦU KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu kỹ thuật
Phao tròn phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo và kiểm tra thiết bị cứu sinh dùng cho phương tiện thủy nội địa (QCVN 85: 2015/BGTVT) của Bộ Giao thông vận tải; trong đó đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:
2.1.1. Về vật liệu
2.1.1.1. Vật liệu cốt (vật liệu nổi): Xốp Polyurethane (Polyurethane – Foam).
2.1.1.2. Vỏ bọc ngoài: Nhựa Polyetylen tỷ trọng cao (HDPE) và có màu da cam.
2.1.2. Về kết cấu
2.1.2.1. Kích thước và khối lượng
2.1.2.1.1. Phao tròn kiểu thứ nhất:
– Đường kính ngoài: 720 mm ± 10 mm;
– Đường kính trong: 440 mm ± 10 mm;
– Khối lượng: Không nhỏ hơn 2 500 g.
2.1.2.1.2. Phao tròn kiểu thứ hai:
– Đường kính ngoài: 750 mm ± 10 mm;
– Đường kính trong: 450 mm ± 10 mm;
– Khối lượng: Không nhỏ hơn 2 800 g.
2.1.2.2. Tiết diện mặt cắt ngang thân phao có hình elip.
2.1.2.3. Vật liệu phản quang có chiều rộng 50 mm ± 1 mm và gắn tại bốn điểm cách đều nhau.
2.1.2.4. Dây bám (dây nắm) là sợi Polyeste, có đường kính không nhỏ hơn 9,5 mm, độ bền kéo đứt không nhỏ hơn 6 000 N và có chiều dài không nhỏ hơn 4 lần đường kính ngoài của thân phao. Dây bám được gắn cố định tại 4 điểm cách đều nhau xung quanh chu vi của phao tròn để tạo thành 4 vòng đai đều nhau.
2.1.3. Độ bền màu vỏ phao: Đạt tối thiểu cấp 4 sau 200 giờ chiếu sáng.
2.2. Căn cứ quy định yêu cầu kỹ thuật tại Quy chuẩn này và tình hình điều kiện cụ thể, Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phao tròn đưa vào dự trữ quốc gia.
3. PHƯƠNG PHÁP THỬ
Phao tròn trước khi nhập kho (đưa vào) dự trữ quốc gia phải được kiểm tra chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật. Các đơn vị dự trữ quốc gia lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước khi nhập kho theo các nội dung sau:
3.1. Kiểm tra ngoại quan
3.1.1. Lấy mẫu
Mẫu được lấy ngẫu nhiên trong số phao tròn nhập kho (quá trình giao nhận và bảo quản) để kiểm tra ngoại quan; số lượng tối thiểu là 2% số lượng phao tròn của lô hàng nhưng không ít hơn 20 chiếc.
3.1.2. Nội dung kiểm tra
Thực hiện theo quy định tại điểm 4.3.2.3 của Quy chuẩn này.
3.2. Kiểm tra đáp ứng yêu cầu kỹ thuật
3.2.1. Lấy mẫu
Đối với mỗi lô phao tròn giao nhận không lớn hơn 5 000 chiếc, lấy ngẫu nhiên tối thiểu hai mẫu (mỗi mẫu 01 chiếc). Nếu mẫu lấy đi kiểm tra có một chỉ tiêu không đảm bảo chất lượng thì tiến hành kiểm tra lại một mẫu bất kỳ trong lô hàng. Nếu sau hai lần kiểm tra không đạt thì đơn vị dự trữ quốc gia lập biên bản không chấp nhận lô hàng và yêu cầu đơn vị cung cấp thay thế lô hàng khác và kiểm tra lại theo quy định.
3.2.2. Các yêu cầu kỹ thuật phải kiểm tra
Kiểm tra độ bền màu và vật liệu của vỏ bọc ngoài, vật liệu cốt, vật liệu và độ bền kéo đứt dây bám theo quy định tại khoản 2.1, Mục 2 của Quy chuẩn này.
3.2.3. Phương pháp thử
3.2.3.1. Độ bền màu theo TCVN 5466: 2002 (ISO 105 – A02:1993). Vật liệu dệt – Phương pháp xác định độ bền màu – Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu.
3.2.3.2. Độ bền kéo đứt dây bám theo ASTM D 6775-13 Standard Test method for Breaking Strength and Elongation of Textile Webbing, tape anh Braided material (phương pháp thử độ bền kéo đứt và độ giãn dài của đai, dây làm bằng vật liệu dệt).
3.2.3.3. Phương pháp thử vật liệu cốt phao, vỏ bọc ngoài và dây bám phao tròn thực hiện theo một trong các phương pháp sau:
– Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
– Theo Tiêu chuẩn quốc gia;
– Theo Tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài.
3.2.4. Tổ chức kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm
Phòng thử nghiệm được chỉ định (nếu có) hoặc phòng thử nghiệm được công nhận (Vilas, Las).
4. QUY ĐỊNH VỀ GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN
4.1. Vận chuyển
– Phương tiện vận chuyển có thùng chứa hàng được che mưa nắng và sạch sẽ;
– Trước khi xếp phao tròn lên xe hoặc đưa phao tròn xuống kê xếp vào kho, phải chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ vận chuyển, không được lôi kéo hàng hóa, tránh xây sát kiện phao tròn. Các kiện phao tròn xếp lên xe theo phương thẳng đứng và chằng buộc cẩn thận, không vận chuyển chung với hóa chất và các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng phao tròn;
– Trong quá trình vận chuyển phao tròn phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định, đảm bảo an toàn phao tròn.
4.2. Yêu cầu đối với vật tư, thiết bị, dụng cụ
Đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý phao tròn có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình trình nhập, bảo quản và xuất phao tròn gồm:
– Giá kê: Dùng để kê xếp phao tròn;
– Vật tư phục vụ nhập, xuất hàng: Giẻ lau, chổi, xà phòng, vải bạt Polypropylen (PP), thuốc xử lý côn trùng và sinh vật có hại; công cụ vận chuyển, kê xếp hàng, văn phòng phẩm;
– Vật tư dùng cho bảo quản: Chổi, giẻ lau, xà phòng, vải bạt Polypropylen (PP), thuốc xử lý côn trùng và sinh vật có hại, máy hút bụi (nếu có);
– Vật tư liên quan đến điện, nước: Dây điện, bóng điện thắp sáng trong và ngoài kho, điện dùng cho thiết bị bảo quản; nước phục vụ nhập, xuất, bảo quản và phòng cháy chữa cháy;
– Dụng cụ, thiết bị phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy.
4.3. Quy trình kiểm tra khi nhập kho
Đơn vị dự trữ quốc gia được giao nhiệm vụ quản lý phao tròn thực hiện kiểm tra khi nhập kho theo các nội dung sau:
4.3.1. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật
4.3.1.1. Giấy tờ do đơn vị cung cấp hàng cung cấp:
– Bản vẽ thiết kế;
– Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm công nghiệp do cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp (còn hiệu lực);
– Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp của lô phao tròn phù hợp với Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm công nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nêu rõ: Loại sản phẩm (ký mã hiệu nếu có), cơ sở chế tạo, công dụng, phạm vi sử dụng, năm chế tạo và các đặc tính kỹ thuật đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này. Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp của lô hàng do cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp;
– Phiếu bảo hành (hoặc văn bản cam kết bảo hành) của đơn vị cung cấp.
4.3.1.2. Giấy tờ do đơn vị dự trữ quốc gia phối hợp với đơn vị cung cấp hàng thực hiện:
– Biên bản kiểm tra hồ sơ kỹ thuật;
– Biên bản kiểm tra ngoại quan của lô hàng;
– Biên bản lấy mẫu đưa đi kiểm tra chất lượng và Biên bản bàn giao mẫu cho đơn vị kiểm tra chất lượng;
– Phiếu kết quả kiểm tra độ bền màu và vật liệu của vỏ bọc ngoài, vật liệu cốt, vật liệu và độ bền kéo đứt dây bám;
– Biên bản giao nhận và các tài liệu kèm theo.
4.3.2. Kiểm tra sản phẩm khi giao nhận
4.3.2.1. Kiểm tra bao gói
Mỗi phao tròn được đựng trong một túi màng nhựa Polyetylen (PE). Các túi đựng phải mới, sạch sẽ, không thủng rách và rộng hơn đường kính phao tròn. Mỗi kiện phao tròn gồm 5 chiếc đóng trong bao dệt bằng vật liệu Polypropylen (PP); bao phải mới nguyên, sạch, không bị xơ, thủng, nứt, miệng bao khâu chắc chắn, kín; phao ở trong không bị xộc xệch và đảm bảo mỹ thuật. Ngoài bao ghi: Kiểu sản phẩm, tên cơ sở chế tạo, năm chế tạo, số lượng phao tròn; các nội dung trên phải phù hợp với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp do cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp cho lô hàng.
4.3.2.2. Kiểm tra số lượng: Số lượng phao tròn giao nhận phải phù hợp với số lượng phao tròn ghi trong Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp của lô phao tròn do cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp. Tổng số phao tròn giao nhận đúng với số lượng trong hợp đồng đã ký.
4.3.2.3. Kiểm tra ngoại quan
Nội dung kiểm tra gồm:
4.3.2.3.1. Kiểm tra nhãn hiệu, bề mặt phao tròn
Bề mặt phao tròn phải trơn, nhẵn, không gây thương tích cho người sử dụng; vỏ phao tròn có màu da cam đồng nhất trong cùng lô hàng và không có sự chênh lệch màu khi kiểm tra bằng mắt thường.
Phao tròn được gắn nhãn hiệu theo quy định hiện hành và tối thiểu phải có các nội dung sau:
– Nhà chế tạo;
– Ký hiệu của phao;
– Số duyệt sản phẩm mẫu;
– Số lô;
– Ký hiệu tiêu chuẩn, Quy chuẩn;
– Tháng, năm chế tạo;
– Ấn chỉ và số kiểm tra của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam.
Nhãn hiệu của phao tròn được gắn ở thân phao, chữ in rõ ràng bằng loại sơn hoặc mực không phai hoặc loại vật liệu tương đương.
Các nội dung trên phải phù hợp với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp của lô hàng do cơ quan Đăng kiểm Việt Nam cấp.
4.3.2.3.2. Kiểm tra kích thước, khối lượng và các chi tiết kèm theo
– Các thông số kỹ thuật cơ bản của phao tròn phù hợp với yêu cầu theo quy định;
– Dây bám, vật liệu phản quang phải có đủ và đúng quy cách.
4.3.2.3.3. Nếu một trong số phao tròn kiểm tra theo quy định nêu trên không đạt yêu cầu thì tiến hành kiểm tra 50% số phao tròn trong lô hàng. Nếu sau hai lần kiểm tra không đạt thì đơn vị dự trữ quốc gia lập biên bản không chấp nhận lô hàng và yêu cầu đơn vị cung cấp thay thế lô hàng khác và kiểm tra lại theo quy định.
4.3.2.4. Kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng phao tròn: Thực hiện theo quy định tại khoản 3.2, Mục 3 của Quy chuẩn này.
4.4. Bảo quản
4.4.1. Kê xếp phao tròn trong kho
– Cần bảo quản phao tròn ở kho riêng. Nếu tận dụng kho lớn thì phải ngăn ra từng khu vực bảo quản cho từng loại hàng hóa riêng biệt;
– Phao tròn được xếp theo lô hàng, để riêng từng chủng loại, từng thời gian nhập theo các quy định sau:
Tầng dưới cùng của giá cách mặt nền kho tối thiểu 0,3 m. Các tầng của giá phải cách nhau tối thiểu một kiện hàng khi xếp phao tròn theo phương thẳng đứng (vòng tròn má phao tròn nằm trên mặt phẳng ngang để các phao tròn chồng lên nhau); hoặc đủ không gian để được một kiện khi để kiện nằm nghiêng (chu vi ngoài của phao tròn tiếp xúc với giá, các phao tròn xếp áp vào nhau);
Giá kê có 3 tầng, làm bằng kim loại đảm bảo chắc chắn và thuận tiện trong bảo quản;
Giá để cách tường, cột nhà kho tối thiểu 0,5 m. Giữa 2 hàng giá hoặc các lô phải cách nhau tối thiểu 1,5 m, tạo lối đi hợp lý trong kho;
Đỉnh của lô phao tròn cách trần kho tối thiểu 2 m;
Để đảm bảo an toàn và chắc chắn, khi xếp phao tròn trên giá theo phương thẳng đứng thì xếp từ 3 lớp đến 4 lớp chồng lên nhau theo phương thức: Lớp dưới cùng và lớp giữa có 2 kiện phao tròn xếp sát vào nhau theo phương thẳng đứng và 1 kiện phao tròn ở trên cùng khóa vào giữa 2 kiện (xem hình 1);
Hình 1: Cách thức xếp phao tròn trên giá kê
– Có sơ đồ vị trí hàng hóa đang bảo quản trong kho để thuận tiện quan sát, theo dõi và kiểm tra hàng hóa; đánh ký hiệu các lớp kiện phao tròn để thuận lợi cho công việc bảo quản;
– Các kiện phao tròn phải được sắp xếp ngay ngắn, chắc chắn, dễ quan sát, dễ kiểm đếm.
4.4.2. Bảo quản lần đầu: Sau khi nhập phao tròn xong, tiến hành bảo quản lần đầu: Lau chùi, vệ sinh bao bì đựng phao tròn. Đối với miệng bao bì đựng phao tròn bị tuột thì khâu lại. Sau khi vệ sinh, hoàn thiện bao bì đựng phao tròn thì tiến hành kê xếp hàng hóa trên giá kê cho ngay ngắn và hoàn thiện thẻ lô hàng, sổ bảo quản.
4.4.3. Bảo quản thường xuyên
4.4.3.1. Hằng ngày kiểm tra kho, nếu thấy có biến động (phao tròn bị đổ, có sinh vật gây hại, kho bị dột hoặc các yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng phao tròn) thì tìm hiểu nguyên nhân và chủ động có biện pháp xử lý kịp thời, nếu vượt quá khả năng và quyền hạn thì báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý để có biện pháp giải quyết. Kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm không khí trong kho, thực hiện thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức (nếu cần thiết) để đảm bảo điều kiện bảo quản bình thường (nhiệt độ không quá 35°C và độ ẩm không khí không quá 85%).
Mỗi tuần tối thiểu hai lần dùng chổi mềm hoặc máy hút bụi tiến hành làm sạch bụi bẩn, mạng nhện; vệ sinh xung quanh, phía ngoài kiện phao tròn, giá kê hàng, nền, trần kho.
4.4.3.2. Ba tháng một lần (kể từ khi nhập kho) tiến hành đảo các kiện phao tròn theo tuần tự “trên xuống, dưới lên”, mỗi kiện phao tròn đều được thay đổi vị trí theo thời gian. Nếu kiện phao tròn xếp theo chiều thẳng đứng thì kiện dưới cùng đảo lên trên cùng, kiện trên cùng đảo xuống giữa, kiện giữa đảo xuống dưới cùng. Nếu phao tròn xếp nghiêng trên giá cũng phải đảo và cứ 3 tháng một lần xoay 90° theo chiều kim đồng hồ;
Mỗi năm một lần (kể từ khi nhập kho) dỡ toàn bộ số phao tròn bảo quản trong kho ra, dùng giẻ mềm, sạch, khô hoặc máy hút bụi làm sạch cẩn thận từng chiếc phao tròn, làm sạch trong, ngoài bao bì, rồi đóng thành từng kiện phao tròn (gồm 5 chiếc) để bảo quản, đồng thời tiến hành tổng vệ sinh kho tàng.
4.5. Quy trình xuất kho
– Trước khi xuất phao tròn: Chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị cần thiết và các giấy tờ, sổ sách chứng từ có liên quan đến việc xuất phao tròn;
– Xuất theo nguyên tắc: Phao tròn nhập trước xuất trước, phao tròn nhập sau xuất sau;
– Xuất đúng số lượng, đúng chủng loại;
– Khi xuất xong phải hoàn chỉnh các thủ tục, chứng từ giao nhận theo đúng quy định.
4.6. Quy định về báo cáo chất lượng phao tròn
– Chậm nhất một tháng sau khi kết thúc nhập, Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia chỉ đạo các cơ quan chuyên môn báo cáo chất lượng phao tròn nhập kho về cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách;
– Hàng quý, tổng hợp, báo cáo cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách tình hình chất lượng phao tròn đang bảo quản trước ngày 20 của tháng cuối quý. Trường hợp đột xuất đơn vị gửi báo cáo riêng;
– Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia chỉ đạo các cơ quan chuyên môn báo cáo chất lượng phao tròn về cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách trước khi xuất kho.
5. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
5.1. Kiểm tra chất lượng
5.1.1. Kiểm tra trước khi nhập kho
5.1.1.1. Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm công nghiệp, Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp đối với phao tròn nhập kho dự trữ quốc gia.
5.1.1.2. Đơn vị dự trữ quốc gia kiểm tra theo quy định tại Mục 3 và Mục 4 của Quy chuẩn này.
5.1.2. Kiểm tra trước thời gian hết hạn bảo hành và trong quá trình lưu kho
5.1.2.1. Kiểm tra trước thời gian hết hạn bảo hành
Trước thời gian hết hạn bảo hành 3 tháng, đơn vị dự trữ quốc gia tiến hành lấy ngẫu nhiên tối thiểu một mẫu (01 chiếc phao tròn) để thử các chỉ tiêu tính nổi, độ bền tại cơ quan Đăng kiểm Việt Nam. Nếu mẫu lấy đi kiểm tra có một chỉ tiêu không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì đơn vị dự trữ quốc gia mời đơn vị cung cấp hàng lấy mẫu bất kỳ để kiểm tra. Nếu sau hai lần kiểm tra không đạt yêu cầu thì đơn vị dự trữ quốc gia yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp phao tròn có trách nhiệm thay thế phao tròn mới đảm bảo chất lượng.
5.1.2.2. Kiểm tra trong quá trình lưu kho
Đến năm thứ 6 lưu kho và 6 tháng trước thời gian hết hạn lưu kho đơn vị dự trữ quốc gia lấy ngẫu nhiên tối thiểu một mẫu (01 chiếc phao tròn) đi kiểm tra các chỉ tiêu tính nổi, độ bền tại Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam và báo cáo kết quả về cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách.
5.1.2.3. Kiểm tra trước khi xuất kho
Đơn vị dự trữ quốc gia tổ chức kiểm tra ngoại quan như sau:
– Lấy mẫu: Theo quy định tại khoản 3.1.1, Mục 3 của Quy chuẩn này;
– Nội dung kiểm tra: Kiểm tra bao gói, vật liệu phản quang, dây bám…
5.1.3. Thời gian sản xuất, bảo hành và lưu kho phao tròn
5.1.3.1. Thời gian từ khi chế tạo (sản xuất) đến khi nhập kho dự trữ quốc gia: Không quá 9 tháng, kể cả thời gian vận chuyển.
5.1.3.2. Thời gian bảo hành: Tối thiểu 36 tháng tính từ ngày ký biên bản giao nhận đối với phao tròn nhập kho dự trữ quốc gia.
5.1.3.3. Thời gian lưu kho bảo quản: Không quá 8 năm kể từ ngày nhập kho dự trữ quốc gia.
5.2. Yêu cầu về nhà kho
Phao tròn được chứa trong kho chứa hàng vật tư, thiết bị, cứu hộ, cứu nạn có cùng điều kiện bảo quản, có yêu cầu cơ bản sau:
– Phải là loại kho có tường bao; mái che chống nắng, mưa, gió, bão, trần chống nóng;
– Nền kho phẳng, cứng, chịu được tải trọng tối thiểu 3 tấn/m2;
– Kho được trang bị đủ quạt thông gió để bảo đảm trong kho luôn được khô ráo, thoáng mát; có dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm không khí;
– Phải có hệ thống chống chim, chuột, phòng trừ mối và sinh vật gây hại khác, có hệ thống điện chiếu sáng phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ;
– Phải xa các nguồn hóa chất, nơi dễ cháy nổ, đường điện cao thế, hạn chế tối đa bụi bẩn, bức xạ nhiệt;
– Có nội quy, phương tiện và phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt.
5.3. Thẻ lô hàng
Mỗi lô hàng đều được lập thẻ lô hàng gồm các nội dung sau:
– Ký hiệu sản phẩm;
– Quy cách;
– Tên cơ sở chế tạo, địa chỉ;
– Năm chế tạo;
– Số lượng;
– Ngày nhập kho.
5.4. Chế độ ghi chép sổ sách và theo dõi hàng hóa
5.4.1. Cùng với việc lập các chứng từ theo chế độ kế toán dự trữ quốc gia phải lập sổ theo dõi bảo quản (gọi tắt là sổ bảo quản).
5.4.2. Sổ bảo quản
Sổ bảo quản phải đóng dấu giáp lai, có đủ các thành phần ký tên và đóng dấu đơn vị;
Thủ kho hàng ngày phải mở cửa kho, kiểm tra hàng hóa và các điều kiện đảm bảo chất lượng; ghi chép đầy đủ các diễn biến về số lượng, chất lượng, nội dung công việc bảo quản, các hư hỏng phát sinh và kết quả xử lý trong sổ bảo quản;
Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia 02 lần/tháng; bộ phận kỹ thuật bảo quản đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia 01 lần/tuần ghi chép tình hình diễn biến về số lượng, chất lượng và đánh giá công tác bảo quản hàng hóa trong sổ bảo quản;
Định kỳ 3 tháng một lần, Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia phải kiểm tra và ghi nhận xét đánh giá công tác bảo quản vào sổ bảo quản.
5.5. Phòng chống cháy nổ
Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; bảo đảm chất lượng hàng hóa và kho dự trữ quốc gia an toàn.
5.6. Công bố hợp quy
Phao tròn thực hiện công bố hợp quy theo quy định (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) của Bộ quản lý chuyên ngành.
6. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
6.1. Các tổ chức, cá nhân cung cấp phao tròn có trách nhiệm cung cấp sản phẩm có chất lượng phù hợp với quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này.
6.2. Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giao nhận và bảo quản phao tròn theo đúng quy định tại Mục 4 và Mục 5 của Quy chuẩn này.
7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
7.1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước (cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách) có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chuẩn này.
7.2. Trong trường hợp các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, hướng dẫn được dẫn chiếu thực hiện tại Quy chuẩn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.