Quy chuẩn QCVN07-10:2016/BXD

  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Số hiệu: QCVN07-10:2016/BXD
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 01/02/2016
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Xây dựng
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Quy chuẩn quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD về Các công trình hạ tầng kỹ thuật – Công trình nghĩa trang


QCVN 07-10:2016/BXD

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT

CÔNG TRÌNH NGHĨA TRANG

National Technical Regulation

Technical Infrastructure Works

Cemetery

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

1.2. Đối tượng áp dụng

1.3. Cấp công trình

1.4. Tài liệu viện dẫn

1.5. Giải thích từ ngữ

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Yêu cầu chung

2.2. Nghĩa trang

2.3. Cơ sở hỏa táng

2.4. Nhà tang lễ

2.5. Bảo trì, sửa chữa

3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Lời nói đầu

Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD “Các công trình hạ tầng kỹ thuật – Công trình nghĩa trang” do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016.

Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD thay thế Chương 10 trong Quy chuẩn QCVN 07:2010/BXD “Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị” được ban hành theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT

CÔNG TRÌNH NGHĨA TRANG

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này qui định các yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ trong đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý vận hành các công trình nhà tang lễ, nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

CHÚ THÍCH: Tùy theo đặc điểm văn hóa, truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc, có thể có những hình thức táng khác, song phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về vệ sinh, môi trường và phải được cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương xem xét, quyết định.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý vận hành công trình xây dựng nhà tang lễ, nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

1.3. Cấp công trình

Cấp công trình xây dựng được xác định căn cứ vào quy mô, mục đích, tầm quan trọng, thời hạn sử dụng (tuổi thọ), vật liệu sử dụng và yêu cầu kỹ thuật xây dựng công trình. Cấp công trình hoặc hạng mục công trình nghĩa trang phải được xác định trong dự án đầu tư xây dựng và phù hợp với QCVN 03:2012/BXD.

1.4. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu được viện dẫn ở dưới đây là cần thiết trong quy chuẩn này. Trường hợp các tài liệu viện dẫn được sửa đổi, bổ sung và thay thế thì áp dụng theo phiên bản mới nhất.

QCXDVN 01:2008/BXD Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng;

QCVN 03:2012/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị;

QCVN 10:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng;

QCVN 02:2012/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải y tế;

QCVN 07:2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại;

QCVN 14:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt;

QCVN 28:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế;

QCVN 50:2013/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước.

1.5. Giải thích từ ngữ

Trong quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.5.1. Nghĩa trang (bao gồm cả nghĩa địa) là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.

1.5.2. Táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của người chết.

1.5.3. Mai táng là thực hiện việc lưu giữ hài cốt hoặc thi hài của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.

1.5.4. Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn trong đất.

1.5.5. Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.

1.5.6. Cải táng là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.

1.5.7. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng.

1.5.8. Hỏa táng (bao gồm cả điện táng) là thực hiện việc thiêu xác người chết hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.

1.5.9. Cơ sở hoả táng là nơi bố trí lò hỏa táng, điện táng và các công trình phụ trợ khác.

1.5.10. Tro cốt là các chất còn lại sau khi thiêu đốt thi hài, hài cốt trong lò hỏa táng.

1.5.11. Khí thải là hỗn hợp các thành phần vật chất phát thải ra môi trường không khí từ ống khói của lò hỏa táng.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Yêu cầu chung

2.1.1. Xây dựng các công trình nghĩa trang phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

2.1.2. Công trình nghĩa trang phải đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy định tại QCVN 10:2014/BXD.

2.1.3. Khoảng cách an toàn về môi trường phải tuân thủ quy định tại QCXDVN 01:2008/BXD.

2.2. Nghĩa trang

2.2.1. Các khu chức năng chủ yếu

1) Khu vực mai táng để chôn cất thi hài hoặc hài cốt, bao gồm:

– Khu hung táng;

– Khu chôn cất một lần;

– Khu cát táng.

2) Các công trình chức năng:

– Khu văn phòng làm việc, nhà kho, nhà chờ, thường trực, kiốt bán hàng, khu vệ sinh;

– Khu dành cho các hoạt động tưởng niệm, thờ cúng;

– Khu tổ chức lễ tang: nơi tổ chức lễ tang trước khi chôn cất hoặc hỏa táng;

– Khu kỹ thuật: khu rửa hài cốt, khu bảo quản thi hài;

– Cơ sở hỏa táng (nếu có);

– Khu để tiểu cốt, tro cốt: nơi để các tiểu cốt sau cải táng và lọ tro cốt sau khi hỏa táng thi hài;

– Hạ tầng kỹ thuật: cổng, hàng rào, sân, đường, bãi đỗ xe, cấp nước, thu gom chất thải rắn, thu gom và xử lý nước thải, nước thấm từ các mộ hung táng, chiếu sáng, cây xanh, mặt nước, tiểu cảnh.

2.2.2. Diện tích sử dụng đất

1) Diện tích nghĩa trang bao gồm diện tích đất dành cho các loại hình táng, các công trình chức năng, phụ trợ và các công trình hạ tầng kỹ thuật.

2) Tỷ lệ sử dụng đất (tính trên tổng diện tích đất) nghĩa trang:

– Diện tích khu đất mai táng tối đa 60 %;

– Các công trình chức năng và hạ tầng kỹ thuật tối thiểu 40 %, trong đó diện tích cây xanh tối thiểu 25 %, giao thông chính tối thiểu 10 %.

3) Diện tích đất sử dụng cho mỗi mộ (không tính diện tích đường đi xung quanh mộ):

– Mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa 5 m2/mộ;

– Mộ cát táng tối đa 3 m2/mộ;

– Mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng tối đa 3 m2/mộ;

4) Thể tích ô để lọ tro cốt hỏa táng tối đa là 0,125 m3/ô.

2.2.3. Kiến trúc, cảnh quan môi trường

1) Nghĩa trang được chia thành các khu/lô mộ. Các khu/lô mộ được giới hạn bởi các đường đi bộ. Trong mỗi khu/lô mộ được chia ra thành các nhóm mộ. Trong mỗi nhóm mộ có các hàng mộ.

2) Kích thước mộ và huyệt mộ tối đa: Mộ hung táng hoặc chôn cất 1 lần:

– Kích thước mộ (dài rộng cao): 2,4 m 1,4 m 0,8 m;

– Kích thước huyệt mộ (dài rộng sâu): 2,2 m x 0,9 m x 1,5 m.

Mộ cát táng và mộ chôn cất lọ tro cốt sau hỏa táng:

– Kích thước mộ (dài rộng cao): 1,5 m 1 m 0,8 m;

– Kích thước huyệt mộ (dài rộng sâu): 1,2 m 0,8 m 0,8 m.

3) Kích thước ô để lọ tro cốt hỏa táng (dài rộng cao): 0,5 m 0,5 m 0,5 m.

4) Chiều rộng lối đi trong nghĩa trang:

– Trục giao thông chính (đường phân khu) tối thiểu là 7 m;

– Đường giữa các lô mộ (đường phân lô) tối thiểu là 3,5 m;

– Lối đi bên trong các lô mộ (đường phân nhóm) tối thiểu là 1,2 m;

– Khoảng cách lối đi giữa hai hàng mộ liên tiếp tối thiểu là 0,8 m;

– Khoảng cách giữa 2 mộ liên tiếp cùng hàng tối thiểu là 0,6 m.

5) Các biển, bảng hướng dẫn người đi thăm mộ phải bố trí tại mỗi nhóm mộ, lô mộ.

6) Hình thức mộ, bia mộ, hàng rào trong các khu mộ, hướng mộ của nghĩa trang phải được xây dựng thống nhất theo thiết kế trong dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt.

2.2.4. Thu gom và xử lý chất thải

1) Thu gom và xử lý chất thải rắn:

– Trong nghĩa trang phải đặt các thùng rác công cộng, điểm tập kết chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo môi trường.

– Các chất thải có liên quan đến người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc thi hài đã bị thối rữa phải được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế lây nhiễm.

2) Thu gom và xử lý nước thải:

– Nghĩa trang phải có hệ thống thoát nước riêng cho nước mặt, nước thải, nước thấm từ huyệt mộ. Hệ thống thoát nước phải tính đến điều kiện biến đổi khí hậu (thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, nước biển dâng).

– Nếu cấu tạo địa chất không bảo đảm chống thấm nước (hệ số thấm lớn hơn 10-6 cm/s và chiều dày lớp đất chống thấm nhỏ hơn 5 m) thì phải có giải pháp kỹ thuật chống thấm và thu gom nước thấm từ các mộ hung táng để xử lý tập trung hợp vệ sinh, trước khi thải xả ra môi trường. Vị trí khu xử lý nước thải của khu mộ hung táng phải đặt ở hạ lưu nguồn tiếp nhận nước thải, nơi có địa hình thấp nhất của nghĩa trang.

– Nước thải từ nghĩa trang phải được thu gom, xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải.

2.3. Cơ sở hỏa táng

2.3.1. Các khu chức năng chủ yếu

– Khu chức năng: văn phòng làm việc, kho, phòng khách, khu vệ sinh; phòng chờ, khu tổ chức tang lễ, phòng lạnh bảo quản thi hài.

– Lò hỏa táng và nơi lưu tro cốt.

– Hạ tầng kỹ thuật: cổng, hàng rào, đường, sân, bãi đỗ xe, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chiếu sáng, thu gom chất thải rắn, cây xanh, mặt nước, tiểu cảnh.

2.3.2. Diện tích sử dụng đất

Tỷ lệ sử dụng đất (tính trên tổng diện tích đất) cơ sở hỏa táng:

– Khu văn phòng: tối đa 10 %;

– Khu lễ tang và hỏa táng (hành lang, phòng chờ, khu tổ chức tang lễ, phòng lạnh bảo quản thi hài, khu lò hỏa táng, nơi để tro cốt sau hỏa táng): tối đa 30 %;

– Nhà lưu tro cốt (lâu dài): tối đa 25 %;

– Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: tối thiểu 35 %, trong đó diện tích cây xanh tối thiểu 20 %, giao thông chính tối thiểu 10 %;

CHÚ THÍCH: Trường hợp cơ sở hỏa táng nằm trong khuôn viên của nghĩa trang, phải sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ khác của nghĩa trang.

2.3.3. Thu gom và xử lý chất thải

1) Thu gom và xử lý khí thải của lò hỏa táng:

– Chiều cao tối thiểu của ống khói là 20 m tính từ cao độ nền xây dựng. Ống khói phải có cửa lấy mẫu khí thải phục vụ công tác kiểm tra chất lượng khí thải định kỳ;

– Lò hỏa táng phải có hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường đảm bảo yêu cầu của QCVN 02:2012/BTNMT;

2) Thu gom và xử lý chất thải rắn:

– Tro xỉ, bụi, bùn thải và các chất thải rắn khác phát sinh từ quá trình vận hành lò hỏa táng phải được phân loại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT để có biện pháp quản lý phù hợp theo quy định hiện hành;

– Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

3) Thu gom và xử lý nước thải:

– Hệ thống thoát nước mặt, nước thải phải được thu gom, xử lý đạt yêu cầu của QCVN 14:2008/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải;

– Bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải phải được phân định theo QCVN 50:2013/BTNMT và thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

2.4. Nhà tang lễ

2.4.1. Các khu chức năng chủ yếu

– Khu văn phòng làm việc, kho, phòng khách, khu vệ sinh;

– Khu lễ tang: hành lang, phòng chờ, nơi tổ chức tang lễ, phòng lạnh, chỗ đặt quan tài, phòng khâm liệm;

– Hạ tầng kỹ thuật: cổng, hàng rào, đường đi, sân, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom chất thải rắn.

CHÚ THÍCH: Nhà tang lễ có thể kết hợp với nghĩa trang, các công trình bệnh viện, các cơ sở tôn giáo, song phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, môi trường theo quy định.

2.4.2. Diện tích sử dụng đất

Tỷ lệ sử dụng đất (tính theo tổng diện tích đất):

– Khu văn phòng: tối đa 10 %;

– Khu lễ tang: tối đa 30 %;

– Hạ tầng kỹ thuật: giao thông: tối thiểu 30 %, hạ tầng kỹ thuật khác: tối thiểu 30 %.

2.4.3. Kiến trúc, cảnh quan môi trường

1) Kiến trúc nhà tang lễ phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán của địa phương; mặt bằng hợp lý, thuận tiện với quy trình tổ chức lễ tang; đảm bảo thông thoáng tự nhiên.

2) Hàng rào cách ly nhà tang lễ với khu dân cư cần xây dựng phù hợp với cảnh quan xung quanh.

3) Giao thông trong nhà tang lễ:

– Nhà tang lễ cần có đường ra, vào riêng biệt; mặt cắt ngang đường tối thiểu là 5 m, có vỉa hè cho người đi bộ với chiều rộng tối thiểu 2,5 m;

– Bãi đỗ xe phải bố trí lối ra, lối vào tách biệt nhau.

2.4.4. Thu gom và xử lý chất thải

– Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường;

– Hệ thống thoát nước mặt, nước thải phải được thu gom, xử lý nước thải đạt QCVN 14:2008/ BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải.

2.5. Bảo trì, sửa chữa

Công trình và hạng mục công trình nhà tang lễ, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được định kỳ bảo trì, bảo dưỡng định kỳ trong suốt thời hạn sử dụng nhằm đảm bảo chức năng sử dụng theo thiết kế.

3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

3.1. Dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ thiết kế các công trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và quản lý vận hành các công trình nhà tang lễ, nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 07-10:2016/BXD phải bao gồm thuyết minh về sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này.

3.2. Việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình nhà tang lễ, nghĩa trang và cơ sở hỏa táng được tiến hành theo quy định hiện hành, trong đó có nội dung về sự tuân thủ các quy định của QCVN 07-10:2016/BXD đối với các công trình thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn này.

4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

4.1. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng QCVN 07-10:2016/BXD cho các đối tượng có liên quan.

4.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định của QCVN 07-10:2016/BXD trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành.

4.3. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chuẩn này, nếu có vướng mắc, các ý kiến gửi về Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) để được hướng dẫn và xử lý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *