Quy chuẩn QCVN99:2017/BGTVT

  • Loại văn bản: Quy chuẩn
  • Số hiệu: QCVN99:2017/BGTVT
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 04/04/2018
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2018
  • Lĩnh vực: Tài nguyên - Môi trường
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 99:2017/BGTVT về Kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn tàu biển


QCVN 99:2017/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KIỂM SOÁT VÀ QUẢN LÝ NƯỚC DẰN VÀ CẶN NƯỚC DẰN TÀU BIỂN

National Technical Regulation On the Control and Management of Ships’ Ballast Water and Sediments

Lời nói đầu

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn tàu biển (số hiệu: QCVN 99:2017/BGTVT) do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 15/2018/TT-BGTVT ngày 04 tháng 4 năm 2018.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KIỂM SOÁT VÀ QUẢN LÝ NƯỚC DẰN VÀ CẶN NƯỚC DẰN TÀU BIỂN

National Technical Regulation On the Control and Management of Ships’ Ballast Water and Sediments

MỤC LỤC

I QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.2 Tài liệu viện dẫn và giải thích từ ngữ

II QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

Chương 1 Quy định chung

1.1 Quy định chung

Chương 2 Quy định chung về kiểm tra

2.1 Quy định chung

2.2 Chuẩn bị kiểm tra và các vấn đề khác

2.3 Kiểm tra xác nhận giấy chứng nhận

Chương 3 Kiểm tra lần đầu

3.1 Kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới

3.2 Kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới

Chương 4 Kiểm tra chu kỳ

4.1 Kiểm tra hàng năm

4.2 Kiểm tra trung gian

4.3 Kiểm tra định kỳ

Chương 5 Kiểm tra bất thường

5.1 Quy định chung

Chương 6 Thiết bị quản lý nước dằn

6.1 Quy định chung

6.2 Nhật ký nước dằn

6.3 Kế hoạch áp dụng quản lý nước dằn

6.4 Quản lý cặn nước dằn

6.5 Phương tiện lấy mẫu

Chương 7 Trao đổi nước dằn

7.1 Quy định chung

7.2 Trao đổi nước dằn

7.3 Tiêu chuẩn trao đổi nước dằn

Chương 8 Quản lý nước dằn

8.1 Quy định chung

8.2 Tiêu chuẩn chất lượng nước dằn

8.3 Hệ thống quản lý nước dằn

8.4 Các công nghệ xử lý nước dằn được phát triển mẫu

Chương 9 Kế hoạch quản lý nước dằn

9.1 Quy định chung

9.2 Kế hoạch quản lý nước dằn

III QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

Chương 1 Quy định về chứng nhận

1.1 Quy định chung

1.2 Giấy chứng nhận cấp cho tàu

1.3 Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận

1.4 Lưu giữ, cấp lại và trả lại Giấy chứng nhận

Chương 2 Quản lý hồ sơ

2.1 Quy định chung

2.2 Cấp hồ sơ kiểm tra

2.3 Quản lý hồ sơ

IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

1.1 Trách nhiệm của chủ tàu, các cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải và sửa chữa tàu, các cơ sở chế tạo thiết bị quản lý nước dằn trên tàu biển

1.2 Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KIỂM SOÁT VÀ QUẢN LÝ NƯỚC DẰN VÀ CẶN NƯỚC DẰN TÀU BIỂN

I QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1.1 Phạm vi điều chỉnh

1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này (sau đây viết tắt là “Quy chuẩn”) áp dụng cho hệ thống kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn của các tàu biển hoạt động tuyến quốc tế, được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và phân cấp.

2 Mặc dù được quy định ở -1 trên, Quy chuẩn này không áp dụng cho các tàu sau đây:

(1) Tàu được thiết kế hoặc được đóng không sử dụng nước dằn;

(2) Các tàu không phải xả nước dằn hoặc luôn chứa nước dằn cố định;

(3) Các tàu chỉ xả nước dằn hoặc cặn nước dằn ở cùng với nơi mà toàn bộ nước dằn và cặn nước dằn được đưa vào tàu.

3 Các tàu biển không thuộc phạm vi nêu ở -1 và các tàu nêu ở -2 trên có thể áp dụng các yêu cầu của Quy chuẩn này nếu chủ tàu có yêu cầu.

1.1.2 Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các hệ thống kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 là Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây trong viết tắt là “Đăng kiểm”), các chủ tàu, các cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải và sửa chữa tàu biển, các cơ sở chế tạo thiết bị kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn lắp đặt trên tàu biển.

1.1.3 Áp dụng Quy chuẩn

Quy chuẩn này không bắt buộc áp dụng đối với các tàu thuộc phạm vi nêu ở 1.1.1-1 nếu các tàu không đi đến cảng của quốc gia là thành viên của Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu, năm 2004. Quy chuẩn này sẽ trở thành bắt buộc áp dụng cho các tàu nêu trên khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này.

1.2 Tài liệu viện dẫn và giải thích từ ngữ

1.2.1 Các tài liệu viện dẫn sử dụng trong quy chuẩn

1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

2 Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT, ban hành ngày 07 tháng 12 năm 2016: Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam.

3 Thông tư số 41/2016/TT-BGTVT, ban hành ngày 16 tháng 12 năm 2016: Quy định về danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, giàn di động Việt Nam.

4 Thông tư số 25/2017/TT-BGTVT, ban hành ngày 28 tháng 7 năm 2017: Quy định về các biểu mẫu giấy chứng nhận, sổ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.

5 Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu, năm 2004.

6 Các nghị quyết, hướng dẫn liên quan của Tổ chức Hàng hải quốc tế.

1.2.2 Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này áp dụng các định nghĩa sau đây trừ khi được quy định khác đi trong từng Phần của Quy chuẩn:

(1) “Nước dằn” là nước cùng với các chất lơ lửng bên trong nó được hút vào bên trong tàu để điều khiển độ nghiêng, chúi, chiều chìm, tính ổn định và ứng suất của tàu.

(2) “Quản lý nước dằn” là các quá trình, hoặc là riêng biệt hoặc là kết hợp, cơ học, vật lý, hóa học và sinh học nhằm loại bỏ, vô hiệu hóa, hoặc để tránh việc thu nhận hoặc xả thải các sinh vật thủy sinh có hại và mầm bệnh có trong nước dằn và cặn nước dằn.

(3) “Các sinh vật thủy sinh có hại và mầm bệnh” là sinh vật hoặc mầm bệnh sống trong môi trường nước, nếu được thải ra biển, bao gồm cả các cửa sông, hoặc thải vào các nguồn nước ngọt thì có thể gây ra nguy hiểm cho môi trường, sức khỏe con người, tài sản hoặc tài nguyên, phá hại tính đa dạng sinh học hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi sử dụng các khu vực đó.

(4) “Cặn nước dằn” là vật chất lắng đọng từ nước dằn tàu trong một con tàu.

(5) “Tàu” là bất kỳ phương tiện nổi nào hoạt động trong môi trường nước biển, bao gồm cả tàu lặn, giàn di động và kho chứa nổi.

(6) “Ngày ấn định kiểm tra hàng năm” là ngày và tháng của năm tương ứng với ngày hết hạn của Giấy chứng nhận Phân cấp tàu.

(7) “Công ty” là chủ tàu hoặc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác như là các công ty quản lý tàu hoặc công ty thuê tàu trần, những pháp nhân được coi là nhận trách nhiệm khai thác tàu từ chủ tàu và theo đó những người này đã đồng ý nhận tất cả các trách nhiệm và nghĩa vụ yêu cầu bởi Bộ luật Quản lý An toàn Quốc tế (ISM Code).

(8) “Được đóng” là giai đoạn đóng tàu tương ứng với:

(a) Sống chính tàu được đặt; hoặc

(b) Kết cấu được hình thành đã có thể bắt đầu nhận dạng được con tàu; hoặc

(c) Việc lắp đặt con tàu đó đã bắt đầu được ít nhất 50 tấn hoặc 1% khối lượng dự tính của tất cả các vật liệu kết cấu, lấy giá trị nhỏ hơn; hoặc

(d) Tàu được hoán cải lớn.

(9) “Hoán cải lớn” là hoán cải tàu:

(a) Thay đổi dung tích chở nước dằn từ 15% trở lên; hoặc

(b) Thay đổi loại tàu; hoặc

(c) Hoán cải mà mục đích, theo quan điểm của Đăng kiểm, là để tăng tuổi thọ của tàu thêm mười năm hoặc nhiều hơn; hoặc

(d) Hoán cải dẫn đến việc sửa đổi hệ thống nước dằn của tàu, ngoại trừ việc thay thế các bộ phận cùng loại. Việc hoán cải con tàu để đáp ứng các quy định tại 7.3 Mục II của Quy chuẩn không được coi là hoán cải lớn.

(10) “Cách bờ gần nhất” nghĩa là cách đường cơ sở mà từ đó lãnh hải của quốc gia được thiết lập phù hợp với luật quốc tế.

(11) “Hoạt chất” là các chất hoặc sinh vật, kể cả vi rút hoặc nấm có hoạt tính chung hoặc riêng đối với hoặc chống lại các sinh vật thủy sinh và các mầm bệnh nguy hiểm.

(12) “Két dằn” nghĩa là bất kỳ két, không gian hoặc khoang nào trên tàu dùng để chở, chứa, hoặc xả nước dằn, kể cả các két đa dụng, các không gian hoặc khoang tàu được thiết kế cho phép vận chuyển nước dằn.

(13) “Hệ thống quản lý nước dằn” (BWMS) là bất kỳ hệ thống nào xử lý nước dằn đạt được hoặc vượt quá các tiêu chuẩn chất lượng nước dằn được nêu ở 8.2 Mục II của Quy chuẩn.

(14) “Thiết bị xử lý nước dằn” là các thiết bị xử lý, hoặc là riêng biệt hoặc là kết hợp theo kiểu cơ học, vật lý, hóa học, hoặc sinh học để loại bỏ, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc thu nhận hoặc xả thải các sinh vật thủy sinh có hại và các mầm bệnh có trong nước dằn và cặn nước dằn.

(15) “Thiết bị kiểm soát” là thiết bị yêu cầu được lắp đặt để vận hành và kiểm soát các thiết bị xử lý nước dằn.

(16) “Thiết bị giám sát” là thiết bị được lắp đặt để đánh giá hoạt động có hiệu quả của thiết bị xử lý nước dằn.

(17) “Phương tiện lấy mẫu” là phương tiện được sử dụng để lấy mẫu nước dằn trước và sau khi xử lý.

(18) “Chế phẩm” là bất kỳ công thức thương mại nào bao gồm một hoặc nhiều hoạt chất kể cả các chất phụ gia.

(19) “Khí nguy hiểm” là bất kỳ khí nào có thể tạo nên một hỗn hợp khí dễ nổ và/ hoặc độc hại gây nguy hiểm cho thuyền viên và/hoặc tàu, ví dụ: khí hydro (H2), khí hydrocarbon, khí ô-zôn (O3), khí clo (Cl2) và ô-xít clo (ClO2), v.v…

(20) “Khu vực nguy hiểm” là khu vực có thể có môi trường khí dễ nổ hoặc có thể xuất hiện hỗn hợp khí dễ nổ với một lượng đủ để phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đối với kết cấu, việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị trong đó. Khi có môi trường khí ga, các nguy hiểm sau đây cũng có thể tồn tại: độc, ngạt, ăn mòn và phản ứng. Phân loại khu vực nguy hiểm phải tuân theo yêu cầu ở 4.2.3 Phần 4 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

(21) “Chất lỏng nguy hiểm” là bất kỳ chất lỏng nào được coi là nguy hiểm trong Bảng thông tin vật liệu nguy hiểm (Material Safety Data Sheet- MSDS) hoặc các tài liệu khác liên quan đến chất lỏng đó.

1.2.3 Các chữ viết tắt

Trong Quy chuẩn này sử dụng các chữ viết tắt sau đây:

(1) Công ước BWM: Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu, năm 2004.

(2) BWMS: Hệ thống quản lý nước dằn.

(3) IMO: Tổ chức Hàng hải quốc tế.

II QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

CHƯƠNG 1 QUY ĐỊNH CHUNG

1.1 Quy định chung

1.1.1 Quy định chung

1 Trong trường hợp vì những lý do đặc biệt mà không thể tuân thủ một yêu cầu bất kỳ của Quy chuẩn này thì phải tuân thủ các yêu cầu khác của Đăng kiểm dựa trên các yêu cầu của Quy chuẩn này.

2 Các yêu cầu có liên quan ở Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép và các bổ sung sửa đổi của nó được áp dụng cho vật liệu, thiết bị, việc lắp đặt và tay nghề công nhân thi công đối với các hệ thống nước dằn tàu biển nêu trong Quy chuẩn này, trừ khi Quy chuẩn này quy định khác đi.

1.1.2 Tương đương

Hệ thống quản lý nước dằn không phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn này có thể được chấp nhận với điều kiện Đăng kiểm thấy rằng chúng tương đương với các quy định trong Quy chuẩn này.

CHƯƠNG 2 QUY ĐỊNH CHUNG VỀ KIỂM TRA

2.1 Quy định chung

2.1.1 Yêu cầu áp dụng

Các quy định ở Chương 2 đến Chương 5 áp dụng đối với các tàu có tổng dung tích từ 400 trở lên, trừ kho chứa nổi.

2.1.2 Các dạng kiểm tra

1 Các dạng kiểm tra bao gồm như sau đây:

(1) Kiểm tra lần đầu;

(a) Kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới:

Kiểm tra lần đầu trong đóng mới được thực hiện khi có đề nghị kiểm tra được trình trước khi áp dụng bất kỳ hệ thống quản lý nước dằn nào đối với các tàu mà hệ thống quản lý nước dằn được trang bị trong quá trình kiểm tra Phân cấp trong đóng mới tàu.

(b) Kiểm tra lần đầu không có giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới:

Là kiểm tra lần đầu khác với hình thức kiểm tra nêu ở (a) trên.

(2) Kiểm tra hàng năm;

(3) Kiểm tra trung gian;

(4) Kiểm tra định kỳ;

(5) Kiểm tra bất thường;

(6) Kiểm tra không theo kế hoạch.

Trong Quy chuẩn này, kiểm tra chu kỳ bao gồm các hình thức kiểm tra nêu từ (2) đến (4) ở trên.

2.1.3 Thời hạn kiểm tra

1 Kiểm tra lần đầu

(1) Kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới

Các hệ thống quản lý nước dằn của các tàu dự định được đóng và được Đăng kiểm kiểm tra trong đóng mới, phù hợp với thiết kế đã được Đăng kiểm thẩm định, phải được kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới. Đăng kiểm viên phải có mặt ở các giai đoạn công việc sau đây:

(a) Khi sử dụng vật liệu làm các bộ phận và khi các bộ phận này được lắp đặt vào hệ thống quản lý nước dằn;

(b) Khi kết thúc gia công các bộ phận chính và tại các thời điểm thích hợp trong quá trình gia công, nếu cần thiết;

(c) Khi lắp đặt các trang thiết bị quan trọng xuống tàu;

(d) Khi tiến hành thử tính năng hoạt động.

(2) Kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới

Các hệ thống quản lý nước dằn của tàu được lắp đặt xuống tàu theo cách khác với cách nêu ở (1) trên phải chịu sự kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới khi có đề nghị kiểm tra.

2 Kiểm tra hàng năm

Các đợt kiểm tra hàng năm phải được tiến hành vào các khoảng thời gian như nêu ở 1.1.3-1(1) Phần 1B Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

3 Kiểm tra trung gian

Kiểm tra trung gian phải được tiến hành vào các khoảng thời gian như nêu ở 1.1.3-1(2) Phần 1B Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

4 Kiểm tra định kỳ

Kiểm tra định kỳ phải được tiến hành vào các khoảng thời gian như nêu ở 1.1.3-1(3)(a) Phần 1B Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

5 Kiểm tra bất thường

Kiểm tra bất thường phải được tiến hành tại các thời điểm không phải kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra chu kỳ:

(1) Khi những bộ phận quan trọng của thiết bị thuộc phạm vi kiểm tra lần đầu được sửa chữa hoặc sửa đổi; khi tàu có sự thay đổi về công dụng, vùng hoạt động, hoặc các thay đổi lớn khác, v.v… mà đòi hỏi sự thay đổi tương ứng đối với các bộ phận quan trọng của thiết bị hoặc khi các thiết bị hư hỏng tới mức hiệu quả hoạt động của chúng bị ảnh hưởng.

(2) Khi kiểm tra để xác nhận sự phù hợp với yêu cầu của Quy chuẩn được áp dụng đối với một tàu đã đóng trước đó.

(3) Khi đợt kiểm tra bất thường khác với các trường hợp nêu trên được cho là cần thiết.

6 Kiểm tra không theo kế hoạch

Các tàu đã được phân cấp có thể phải được kiểm tra không theo kế hoạch khi mà cần phải kiểm tra để khẳng định trạng thái của thiết bị trong trường hợp mà Đăng kiểm có nghi ngờ thiết bị không tiếp tục tuân thủ các quy định của quy chuẩn và không được bảo dưỡng và vận hành đúng bởi chủ tàu.

2.1.4 Kiểm tra chu kỳ trước thời hạn

Các yêu cầu để kiểm tra chu kỳ trước thời hạn phải thỏa mãn những quy định nêu ở 1.1.4 Phần 1B Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

2.1.5 Hoãn kiểm tra định kỳ

Các yêu cầu để hoãn kiểm tra định kỳ phải phù hợp với các quy định nêu ở 1.1.5-1(1) hoặc 1.1.5-1(2) Phần 1B Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

2.1.6 Thay đổi các yêu cầu

1 Đối với đợt kiểm tra chu kỳ, trong các trường hợp Đăng kiểm thấy phù hợp, đăng kiểm viên có thể thay đổi các yêu cầu dựa trên kích cỡ, vùng hoạt động, kết cấu, tuổi tàu, mục đích sử dụng, kết quả của các đợt kiểm tra trước và trạng thái thực tế của tàu.

2 Vào đợt kiểm tra trung gian, nếu các nội dung kiểm tra đã được thực hiện trong khoảng thời gian giữa lần kiểm tra hàng năm lần thứ 2 và thứ 3 mà phù hợp với những yêu cầu của lần kiểm tra trung gian, thì các nội dung kiểm tra cần phải kiểm tra ở đợt kiểm tra trung gian này có thể được miễn nếu được Đăng kiểm chấp nhận.

3 Vào đợt kiểm tra trung gian, nếu Đăng kiểm xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của chủ tàu thì một số các nội dung kiểm tra có thể được thực hiện theo những yêu cầu của kiểm tra định kỳ.

4 Vào đợt kiểm tra định kỳ, nếu các nội dung kiểm tra đã được thực hiện trong thời gian giữa lần kiểm tra hàng năm lần thứ 4 và kiểm tra định kỳ quy định ở 2.1.3-4 phù hợp với yêu cầu của kiểm tra định kỳ, thì các nội dung kiểm tra cần phải kiểm tra ở đợt kiểm tra định kỳ này có thể được miễn nếu Đăng kiểm thấy phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp kiểm tra hàng năm hoặc kiểm tra trung gian được thực hiện trước thời hạn phù hợp với 1.1.4-2 Phần 1B Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, thì kiểm tra định kỳ phải được thực hiện thỏa mãn các yêu cầu khác của Đăng kiểm.

2.1.7 Tàu đã ngừng hoạt động

1 Tàu đã ngừng hoạt động không phải chịu kiểm tra chu kỳ. Tuy nhiên, kiểm tra bất thường có thể được thực hiện nếu chủ tàu đề nghị.

2 Khi tàu đã ngừng hoạt động muốn đưa vào hoạt động trở lại, thì phải tiến hành kiểm tra các nội dung cụ thể mà trước đây đã bị hoãn lại do tàu ngừng hoạt động, nếu có, và các nội dung kiểm tra sau đây:

(1) Nếu một dạng kiểm tra chu kỳ nào đó được dự kiến từ trước khi cho tàu ngừng hoạt động mà chưa đến hạn, thì phải thực hiện nội dung kiểm tra tương đương với một đợt kiểm tra chu kỳ kế tiếp.

(2) Nếu kiểm tra chu kỳ được dự kiến từ trước khi cho tàu ngừng hoạt động đã quá hạn, thì phải tiến hành đợt kiểm tra chu kỳ đó.

(3) Nếu có từ hai đợt kiểm tra chu kỳ trở lên đã quá hạn trước ngày tàu ngừng hoạt động, thì đợt kiểm tra chu kỳ ở mức cao nhất trong số các đợt kiểm tra đã quá hạn phải được thực hiện.

2.2 Chuẩn bị kiểm tra và các vấn đề khác

2.2.1 Thông báo kiểm tra

Khi tàu được kiểm tra theo yêu cầu Quy chuẩn này, chủ tàu phải có trách nhiệm thông báo cho đăng kiểm viên địa điểm mà chủ tàu muốn thực hiện kiểm tra. Ngoài ra, đăng kiểm viên phải được thông báo trước một khoảng thời gian đủ để có thể bố trí kiểm tra vào thời điểm phù hợp.

2.2.2 Chuẩn bị kiểm tra

1 Chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu phải chịu trách nhiệm thực hiện tất cả công việc chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần đầu, kiểm tra chu kỳ, kiểm tra bất thường và các kiểm tra khác có thể được đăng kiểm viên yêu cầu phù hợp với các quy định ở từ Chương 2 đến Chương 5. Công việc chuẩn bị phải bao gồm việc bố trí lối tiếp cận thuận tiện và an toàn, phương tiện và các hồ sơ cần thiết phục vụ cho công việc kiểm tra. Thiết bị kiểm tra, đo và thử mà đăng kiểm viên dựa vào đó để ra các quyết định ảnh hưởng đến việc phân cấp phải được nhận dạng riêng biệt và hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn được Đăng kiểm công nhận. Tuy nhiên, đăng kiểm viên có thể chấp nhận các dụng cụ đo đơn giản (ví dụ như thước lá, thước dây, dưỡng đo kích thước mối hàn, vi kế) mà không cần nhận dạng hoặc hiệu chuẩn với điều kiện chúng được thiết kế phù hợp với hàng thương mại tiêu chuẩn, bảo dưỡng tốt và định kỳ được so sánh với các mẫu thử hoặc dụng cụ tương tự. Đăng kiểm viên cũng có thể chấp nhận dụng cụ đo được lắp trên tàu và sử dụng chúng để kiểm tra các trang thiết bị trên tàu (ví dụ như áp kế, nhiệt kế hoặc đồng hồ đo vòng quay) dựa trên hồ sơ hiệu chuẩn hoặc so với các số đo của các dụng cụ đa năng.

2 Chủ tàu phải bố trí một đại diện của chủ tàu, người nắm vững các nội dung kiểm tra, để chuẩn bị tốt công việc phục vụ kiểm tra và giúp đỡ đăng kiểm viên khi có yêu cầu trong suốt quá trình kiểm tra.

2.2.3 Hoãn kiểm tra

Việc kiểm tra có thể hoãn lại nếu công tác chuẩn bị cần thiết không được thực hiện hoặc vắng mặt những người có trách nhiệm tham gia vào đợt kiểm tra hoặc khi đăng kiểm viên thấy rằng không đảm bảo an toàn để thực hiện kiểm tra.

2.2.4 Cách thực hiện khi có yêu cầu phải sửa chữa từ kết quả kiểm tra

Nếu từ kết quả kiểm tra thấy cần thiết phải sửa chữa, đăng kiểm viên phải thông báo các nội dung cần sửa chữa cho Chủ tàu hoặc đại diện của Chủ tàu. Sau khi nhận được các thông báo này, việc sửa chữa phải được thực hiện thỏa mãn và được đăng kiểm viên xác nhận.

2.2.5 Thay thế các phụ tùng, chi tiết và thiết bị

Trong các trường hợp cần phải thay thế các chi tiết, phụ tùng, thiết bị, v.v…, sử dụng trên tàu, việc thay thế này phải tuân theo các quy định phải áp dụng khi tàu đóng mới. Tuy nhiên, trong trường hợp có yêu cầu mới hoặc nếu Đăng kiểm thấy cần thiết, Đăng kiểm có thể yêu cầu việc thay thế đó tuân thủ theo mọi yêu cầu mới có hiệu lực vào thời điểm công việc thay thế liên quan được tiến hành. Ngoài ra, không được sử dụng vật liệu chứa a-mi-ăng khi thay thế.

2.3 Kiểm tra xác nhận giấy chứng nhận

Khi thực hiện kiểm tra hàng năm và kiểm tra trung gian, Giấy chứng nhận phù hợp quản lý nước dằn phải được trình cho đăng kiểm viên để khẳng định hiệu lực của giấy chứng nhận cũng như để xác nhận khi cần thiết.

CHƯƠNG 3 KIỂM TRA LẦN ĐẦU

3.1 Kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới

3.1.1 Quy định chung

Khi kiểm tra lần đầu trong quá trình đóng mới, hệ thống quản lý nước dằn và tay nghề thợ thi công phải được kiểm tra chi tiết để xác định rằng chúng thỏa mãn các yêu cầu tương ứng trong từng Phần của Quy chuẩn này.

3.1.2 Các bản vẽ và tài liệu trình thẩm định

1 Khi tàu dự định kiểm tra lần đầu, phải trình Đăng kiểm các bản vẽ và tài liệu nêu ở (1) và (2) sau đây. Các tài liệu nêu ở (3) phải được trình cho Đăng kiểm trước khi bàn giao tàu:

(1) Đối với các tàu tiến hành trao đổi nước dằn theo quy định tại Chương 7, các bản vẽ và tài liệu được nêu từ (a) đến (e) sau đây:

(a) Bố trí các két nước dằn;

(b) Các bản vẽ và tài liệu liên quan đến ống thông hơi và ống đo cho các két nước dằn;

(c) Sản lượng của các bơm nước dằn;

(d) Bố trí đường ống nước dằn; và

(e) Các bản vẽ và tài liệu liên quan phương tiện lấy mẫu nước dằn.

(2) Đối với các tàu thực hiện việc quản lý nước dằn theo quy định tại Chương 8, các bản vẽ và tài liệu được nêu từ (a) đến (g) sau đây:

(a) Các bản vẽ thể hiện hệ thống quản lý nước dằn;

(b) Bố trí hệ thống quản lý nước dằn;

(c) Bố trí các két nước dằn;

(d) Năng lực của các bơm nước dằn;

(e) Bố trí đường ống nước dằn;

(f) Các bản vẽ và tài liệu quy định tại 1.1.6(1)(e), (1)(f), (2)(b), (2)(d) và (2)(e), Phần 4, Mục II của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép; và

(g) Các bản vẽ và tài liệu khác mà Đăng kiểm thấy cần thiết.

(3) Kế hoạch quản lý nước dằn.

2 Ngoài các bản vẽ và tài liệu được nêu ở -1 trên, các tài liệu sau đây phải được trình cho Đăng kiểm để tham khảo. Tài liệu nêu tại (2) phải được trình trước khi thực hiện thử trên tàu.

(1) Bản sao Giấy chứng nhận công nhận kiểu của hệ thống quản lý nước dằn được Đăng kiểm công nhận, phù hợp với nghị quyết MEPC.174 (58) của IMO “Hướng dẫn phê duyệt hệ thống quản lý nước dằn (G8)” và các bổ sung sửa đổi của nó.

(2) Quy trình thử trên tàu.

3 Bất kể các yêu cầu nêu ở -1 và -2 trên, với hệ thống quản lý nước dằn được lắp đặt theo các bản vẽ và tài liệu đã duyệt trước đó, có thể miễn việc trình một phần hoặc toàn bộ các bản vẽ và tài liệu nêu ở -1 và -2 trên dựa vào các hướng dẫn của Đăng kiểm trong từng trường hợp.

3.1.3 Kiểm tra thiết bị

1 Đối với các tàu thực hiện trao đổi nước dằn theo quy định tại Chương 7, phải xác nhận rằng các đường ống nước dằn, các bơm nước dằn và các ống thông hơi và đo cho các két nước dằn được lắp đặt tại các vị trí phù hợp dựa trên bản vẽ đã được thẩm định và các đợt kiểm tra khác mà Đăng kiểm thấy cần thiết phải tiến hành.

2 Đối với các tàu thực hiện quản lý nước dằn theo quy định tại Chương 8, phải thực hiện các nội dung kiểm tra sau đây:

(1) Xác nhận việc lắp đặt hệ thống xử lý nước dằn (hệ thống quản lý nước dằn, bơm nước dằn và đường ống nước dằn, v.v…) được bố trí đúng vị trí của chúng theo bản vẽ đã được thẩm định;

(2) Xác nhận rằng BWMS có thể hoạt động tốt (về nguyên tắc, bao gồm cả việc thử hoạt động kết hợp với các hoạt động dằn và xả dằn tại công suất định mức);

(3) Xác nhận rằng bất kỳ vật tư (tiêu hao) cần thiết nào như là hoạt chất và các chế phẩm cần thiết để tiến hành xử lý nước dằn được cung cấp lên tàu với sự kiểm soát thích hợp;

(4) Xác nhận rằng BWMS đúng là loại được nêu trong Giấy chứng nhận công nhận kiểu nêu ở 3.1.2-2 (1);

(5) Đối với BWMS sử dụng hoạt chất hoặc các chế phẩm, xác nhận rằng kiểu của BWMS nói trên phù hợp với 8.3-1(1)(b);

(6) Xác nhận rằng thiết bị ghi cho các thiết bị kiểm soát và thiết bị theo dõi có thể hoạt động được và các vật tư cần thiết cho các thiết bị ghi được cung cấp đầy đủ trên tàu;

(7) Đối với các BWMS có sinh ra sản phẩm thừa như là cặn nước dằn, phải trang bị các thiết bị chuyên dụng riêng biệt lưu giữ các sản phẩm phụ đó trên tàu; và

(8) Các nội dung kiểm tra khác mà Đăng kiểm cho là cần thiết.

3 Đối với nội dung thử nêu -2(2) trên, người đề nghị kiểm tra phải chuẩn bị các kế hoạch thử để Đăng kiểm xem xét trước khi thử nghiệm. Hồ sơ kiểm tra và kết quả đo lường phải được trình cho Đăng kiểm khi có yêu cầu.

3.1.4 Kiểm tra kế hoạch quản lý nước dằn

Kế hoạch quản lý nước dằn phải được xác nhận phù hợp với các yêu cầu nêu ở Chương 9.

3.1.5 Tài liệu phải được duy trì trên tàu

Sau khi hoàn thành kiểm tra lần đầu, Đăng kiểm viên xác nhận rằng các tài liệu sau đây được duy trì trên tàu:

(1) Kế hoạch quản lý nước dằn;

(2) Sổ nhật ký nước dằn;

(3) Đối với các tàu thực hiện quản lý nước dằn theo quy định tại Chương 8, các tài liệu sau đây:

(a) Bản sao Giấy chứng nhận công nhận kiểu quy định tại 3.1.2-2(1);

(b) Văn bản xác nhận rằng các linh kiện điện và điện tử của hệ thống quản lý nước dằn đã được thử nghiệm theo các yêu cầu kỹ thuật cho việc thử môi trường được nêu trong nghị quyết MEPC.174 (58) của IMO: “Hướng dẫn phê duyệt hệ thống quản lý nước dằn (G8)” và các sửa đổi;

(c) Hướng dẫn sử dụng đối với các bộ phận chính của hệ thống quản lý nước dằn;

(d) Sổ tay kỹ thuật và vận hành đối với hệ thống quản lý nước dằn, có chứa các mô tả kỹ thuật của hệ thống quản lý nước dằn, các quy trình vận hành và bảo dưỡng, và các quy trình dự phòng trong trường hợp thiết bị bị hỏng;

(e) Hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt của hệ thống quản lý nước dằn;

(f) Quy trình lắp đặt và thử hoạt động hệ thống quản lý nước dằn;

(g) Quy trình hiệu chuẩn ban đầu của hệ thống quản lý nước dằn; và

(h) Liều lượng và cách lưu trữ của hoạt chất hoặc chế phẩm sử dụng cho hệ thống quản lý nước dằn.

3.2 Kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới

3.2.1 Quy định chung

Khi kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới, phải tiến hành kiểm tra hệ thống quản lý nước dằn và phải bảo đảm rằng chúng thỏa mãn các quy định được nêu trong Quy chuẩn này.

3.2.2 Các bản vẽ và tài liệu trình thẩm định

Bất kỳ tàu nào muốn được kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới phải trình cho Đăng kiểm các bản vẽ và tài liệu nêu ở 3.1.2.

3.2.3 Kiểm tra thiết bị

Khi kiểm tra lần đầu không có sự giám sát của Đăng kiểm trong đóng mới, thì phải tiến hành các nội dung kiểm tra thích hợp theo các yêu cầu nêu ở 3.1.3 đến mức độ có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đối với tàu có Giấy chứng nhận quốc tế về quản lý nước dằn hoặc các Giấy chứng nhận tương đương với nó, thì phải tiến hành các nội dung kiểm tra tương ứng với nội dung nêu ở 4.3.

3.2.4 Kiểm tra kế hoạch quản lý nước dằn

Kế hoạch quản lý nước dằn phải được xác nhận phù hợp với các yêu cầu nêu ở Chương 9.

3.2.5 Tài liệu phải được duy trì trên tàu

Sau khi hoàn thành kiểm tra lần đầu, đăng kiểm viên xác nhận rằng các tài liệu, v.v… như được nêu ở 3.1.5 được duy trì trên tàu.

CHƯƠNG 4 KIỂM TRA CHU KỲ

4.1 Kiểm tra hàng năm

4.1.1 Quy định chung

Tại mỗi đợt kiểm tra hàng năm, phải tiến hành kiểm tra theo các nội dung tương ứng được quy định ở 4.1.2 và 4.1.3 dưới đây. Ngoài ra, tình trạng chung của các thiết bị liên quan cũng phải được kiểm tra.

4.1.2 Kiểm tra thiết bị

1 Đối với tàu tiến hành trao đổi nước dằn theo quy định tại Chương 7 của Quy chuẩn, phải xác nhận rằng các đường ống nước dằn, bơm nước dằn và ống thông hơi, ống đo cho các két nước dằn đang ở tình trạng tốt. Ngoài ra, phải tiến hành các nội dung kiểm tra khác mà Đăng kiểm cho là cần thiết.

2 Đối với các tàu thực hiện quản lý nước dằn theo quy định tại Chương 8, phải tiến hành các nội dung kiểm tra sau đây:

(1) Kiểm tra bằng mắt và thử chức năng của BWMS, đến mức có thể thực hiện được;

(2) Xác nhận rằng bất kỳ vật tư tiêu hao nào như là hoạt chất và các chế phẩm cần thiết để tiến hành xử lý nước dằn được cung cấp đầy đủ trên tàu với sự kiểm soát thích hợp; và

(3) Các nội dung kiểm tra khác mà Đăng kiểm cho là cần thiết.

4.1.3 Tài liệu phải được duy trì trên tàu

1 Phải xác nhận rằng các tài liệu, v.v… như nêu ở 3.1.5 được duy trì trên tàu.

2 Phải xác nhận rằng Sổ nhật ký nước dằn được ghi chép đầy đủ, phù hợp với 6.2.

3 Phải xác nhận các hồ sơ của thiết bị kiểm soát và thiết bị theo dõi.

4.2 Kiểm tra trung gian

4.2.1 Quy định chung

Tại mỗi đợt kiểm tra trung gian, phải tiến hành kiểm tra theo các nội dung tương ứng được quy định ở 4.2.2 và 4.2.3 này. Ngoài ra, tình trạng chung của các thiết bị liên quan cũng phải được kiểm tra.

4.2.2 Kiểm tra thiết bị

Đối với các tàu tiến hành quản lý nước dằn theo quy định tại Chương 8, ngoài các nội dung kiểm tra nêu ở 4.1.2, phải xác nhận rằng BWMS, bơm nước dằn và đường ống nước dằn không có các khuyết tật như là ăn mòn, hao mòn và hư hỏng.

4.2.3 Tài liệu phải được duy trì trên tàu

Phải thực hiện các nội dung kiểm tra nêu ở 4.1.3.

4.3 Kiểm tra định kỳ

4.3.1 Quy định chung

Tại mỗi đợt kiểm tra định kỳ, phải tiến hành kiểm tra theo các nội dung tương ứng được quy định ở 4.3.2 và 4.3.3 này. Ngoài ra, tình trạng chung của các thiết bị liên quan cũng phải được kiểm tra.

4.3.2 Kiểm tra các thiết bị

Ngoài các nội dung kiểm tra nêu ở 4.2.2, phải xác nhận rằng BWMS ở trạng thái làm việc tốt.

4.3.3 Tài liệu phải được duy trì trên tàu

Ngoài các nội dung kiểm tra nêu ở 4.1.3, đăng kiểm viên phải xác nhận giấy chứng nhận hiệu chuẩn, trong đó có chứng nhận ngày hiệu chuẩn gần nhất, đối với bất kỳ hệ thống đo lường nào là bộ phận của BWMS.

CHƯƠNG 5 KIỂM TRA BẤT THƯỜNG

5.1 Quy định chung

5.1.1 Yêu cầu áp dụng

Tại đợt kiểm tra bất thường, phải tiến hành các nội dung kiểm tra liên quan như yêu cầu ở 4.1.2 và 4.1.3. Ngoài ra, phải thực hiện kiểm tra lần đầu với sự thay đổi thích hợp, tùy theo mức độ sửa chữa hoặc thay đổi của hệ thống quản lý nước dằn và các thiết bị liên quan, đối với các hệ thống quản lý nước dằn.

CHƯƠNG 6 THIẾT BỊ QUẢN LÝ NƯỚC DẰN

6.1 Quy định chung

6.1.1 Phạm vi áp dụng

Những yêu cầu của Chương này áp dụng cho các hệ thống kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn trên tàu, cũng như cho các tàu thực hiện việc trao đổi nước dằn.

6.2 Nhật ký nước dằn

1 Nhật ký nước dằn phải bao gồm ít nhất các thông tin nêu ở Phụ chương II của Phụ lục của Công ước BWM và phải duy trì bản ghi của các hoạt động nêu dưới đây. Nhật ký nước dằn có thể là dạng hệ thống ghi chép điện tử hoặc có thể được tích hợp vào các nhật ký hoặc hệ thống khác.

(1) Hoạt động lấy nước dằn:

(a) Ngày, giờ và vị trí của cảng hoặc phương tiện nhận nước dằn (cảng hoặc kinh tuyến/vĩ tuyến), độ sâu, nếu (thực hiện) bên ngoài cảng;

(b) Lượng nước dằn tiếp nhận theo tính toán (m3);

(c) Chữ ký của sỹ quan phụ trách.

(2) Hoạt động luân chuyển và xử lý nước dằn:

(a) Ngày và giờ thực hiện hoạt động;

(b) Lượng nước dằn được luân chuyển hoặc xử lý theo tính toán (m3);

(c) Có được thực hiện theo Kế hoạch quản lý nước dằn hay không;

(d) Chữ ký của sỹ quan phụ trách.

(3) Hoạt động xả nước dằn ra biển:

(a) Ngày, giờ và vị trí của cảng hoặc phương tiện xả nước dằn (cảng hoặc kinh tuyến/vĩ tuyến);

(b) Lượng nước dằn xả ra theo tính toán cộng với lượng dằn còn lại (m3);

(c) Trước khi xả, có thực hiện theo Kế hoạch quản lý nước dằn được duyệt hay không;

(d) Chữ ký của sỹ quan phụ trách.

(4) Hoạt động xả nước dằn ra phương tiện tiếp nhận:

(a) Ngày, giờ và vị trí lấy nước dằn;

(b) Ngày, giờ và vị trí xả nước dằn;

(c) Cảng hoặc phương tiện;

(d) Lượng nước dằn được xả hoặc đưa lên tàu theo tính toán (m3);

(e) Trước khi xả, có thực hiện theo Kế hoạch quản lý nước dằn được duyệt hay không;

(f) Chữ ký của sỹ quan phụ trách.

(5) Hoạt động khi sự cố hoặc các hoạt động ngoại lệ khác đối với việc lấy và xả nước dằn:

(a) Ngày và giờ xảy ra;

(b) Cảng và vị trí của tàu tại thời điểm xảy ra;

(c) Lượng nước dằn xả ra theo tính toán (m3);

(d) Các tình huống nhận, xả, thoát hoặc tổn thất, nguyên nhân dẫn đến và các lưu ý chung;

(e) Trước khi xả, có thực hiện theo Kế hoạch quản lý nước dằn được duyệt hay không;

(f) Chữ ký của sỹ quan phụ trách.

(6) Quy trình vận hành bổ sung và các lưu ý chung.

2 Các ghi chép vào Nhật ký nước dằn phải được duy trì trên tàu trong khoảng thời gian tối thiểu là hai năm sau lần ghi chép cuối cùng và sau đó duy trì ở công ty trong thời gian tối thiểu là ba năm.

3 Nhật ký nước dằn phải luôn sẵn có cho việc kiểm tra tại mọi thời điểm phù hợp và trong trường hợp tàu được kéo không có người điều khiển, thì có thể được giữ trên tàu kéo.

4 Mỗi hoạt động liên quan đến nước dằn phải được ghi ngay lại đầy đủ trong Nhật ký nước dằn. Mỗi lần ghi chép phải được sỹ quan phụ trách hoạt động có liên quan ký và mỗi trang sau khi ghi hết phải được Thuyền trưởng ký.

5 Việc ghi chép Nhật ký nước dằn phải được thực hiện bằng ngôn ngữ làm việc trên tàu. Nếu ngôn ngữ làm việc không phải là tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha thì việc ghi chép này phải bao gồm việc dịch sang một trong các ngôn ngữ nêu trên.

6.3 Kế hoạch áp dụng quản lý nước dằn

1 Các tàu được đóng trước ngày 08 tháng 9 năm 2017 (ngày Công ước BWM có hiệu lực) (sau đây gọi là “Tàu hiện có”) phải thực hiện trao đổi nước dằn hoặc quản lý nước dằn như nêu ở Chương 7 hoặc Chương 8 cho tới ngày được nêu dưới đây, sau thời điểm đó thì tàu phải thực hiện quản lý nước dằn như nêu ở Chương 8.

(1) Các tàu phải có Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra (IOPP):

(a) Đối với các tàu đã hoàn thành kiểm tra cấp mới Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra vào hoặc sau ngày 08 tháng 9 năm 2014 nhưng trước ngày 08 tháng 9 năm 2017: ngày hoàn thành đợt kiểm tra cấp mới đầu tiên Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra vào hoặc sau ngày 08 tháng 9 năm 2017.

(b) Đối với các tàu mà không phải các tàu nêu ở (a) trên: ngày hoàn thành đợt kiểm tra cấp mới lần thứ hai của Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra vào hoặc sau ngày 08 tháng 9 năm 2017 hoặc ngày hoàn thành đợt kiểm tra cấp mới lần đầu tiên của Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra vào hoặc sau ngày 08 tháng 9 năm 2019, tùy thuộc vào ngày nào đến trước.

(2) Đối với các tàu không yêu cầu có Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra: ngày 08 tháng 9 năm 2024.

2 Các tàu được đóng vào hoặc sau ngày 08 tháng 9 năm 2017 (ngày Công ước BWM có hiệu lực) phải thực hiện quản lý nước dằn quy định ở Chương 8.

6.4 Quản lý cặn nước dằn

1 Tất cả các tàu phải chuyển ra và loại bỏ cặn nước dằn từ các không gian được sử dụng để chở nước dằn phù hợp với các quy định của bản Kế hoạch quản lý nước dằn trên tàu.

2 Các tàu được đóng vào hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2009 phải được thiết kế và đóng theo hướng giảm thiểu việc tạo thành và tích tụ cặn nước dằn không mong muốn, tạo thuận lợi cho việc loại bỏ cặn nước dằn, và cung cấp các lối tiếp cận an toàn để loại bỏ cặn nước dằn và để lấy mẫu, mà không làm giảm tính an toàn hoặc hiệu quả khai thác tàu, trong đó lưu ý đến yêu cầu của Nghị quyết MEPC.209(63) của IMO: Hướng dẫn năm 2012 về thiết kế và đóng tàu để tạo thuận lợi cho việc kiểm soát cặn nước dằn, và các sửa đổi của nó. Các tàu được đóng trước ngày 01 tháng 01 năm 2009 phải thỏa mãn yêu cầu này đến mức có thể được.

6.5 Phương tiện lấy mẫu

1 Các tàu thực hiện trao đổi dằn theo quy định ở Chương 7 phải được trang bị các phương tiện để thu thập mẫu nước trong các két dằn. Trong các trường hợp đó, các mẫu ở trong két có thể được lấy thông qua ống đo hoặc ống thông hơi và lỗ người chui bằng cách sử dụng bơm, lọ lấy mẫu hoặc các phương tiện chứa nước khác.

2 Các tàu thực hiện việc quản lý nước dằn theo quy định ở Chương 8 phải được trang bị các phương tiện để thu thập nước dằn từ đường ống xả dằn, càng gần điểm xả càng tốt, trong quá trình xả nước dằn vào bất kỳ lúc nào có thể được. Tuy nhiên, trong trường hợp các két, ví dụ như các két đỉnh mạn, được tháo nước dằn trực tiếp qua van xả mạn thay cho việc đi qua bơm dằn thì các lỗ khoét v.v… của két đó có thể được sử dụng làm phương tiện lấy mẫu miễn là nước dằn có thể được lấy dễ dàng qua các phương tiện đó.

3 Phương tiện lấy mẫu phải thỏa mãn các yêu cầu ở Nghị quyết MEPC.173(58) của IMO.

CHƯƠNG 7 TRAO ĐỔI NƯỚC DẰN

7.1 Quy định chung

7.1.1 Phạm vi áp dụng

Các yêu cầu của Chương này áp dụng cho các tàu thực hiện trao đổi nước dằn.

7.2 Trao đổi nước dằn

1 Bất cứ khi nào có thể, việc trao đổi dằn phải được thực hiện cách bờ gần nhất một khoảng ít nhất bằng 200 hải lý và ở vùng nước có chiều sâu tối thiểu là 200 m, trong đó có lưu ý đến yêu cầu của Nghị quyết MEPC.124(53) (Hướng dẫn trao đổi nước dằn (G6)), của IMO và các sửa đổi.

2 Trong trường hợp tàu không thể thực hiện trao đổi nước dằn như quy định ở -1 thì việc trao đổi nước dằn phải được thực hiện theo các hướng dẫn của Nghị quyết MEPC.124(53) (Hướng dẫn trao đổi nước dằn (G6)), của IMO và các sửa đổi với khoảng cách xa bờ nhất có thể như ít nhất là cách bờ 50 hải lý và ở vùng nước có chiều sâu tối thiểu là 200 m.

3 Các tàu hiện có mà dự định hoạt động ở những vùng biển mà không được quy định ở -1 và -2 trên thì phải ghi lại các nguyên nhân xác đáng mà vì đó việc trao đổi dằn là không thể vào Nhật ký nước dằn quy định ở 6.2. Ngoài ra, các tàu đó phải thỏa mãn các yêu cầu đặc biệt của chính quyền cảng trong trường hợp các yêu cầu đặc biệt đó có hiệu lực.

7.3 Tiêu chuẩn trao đổi nước dằn

1 Các tàu thực hiện trao đổi nước dằn phải sao cho đảm bảo đạt được hiệu quả là 95% thể tích nước dằn được trao đổi.

2 Đối với những tàu thực hiện trao đổi nước dằn bằng phương pháp bơm tràn thì việc bơm tràn ba lần thể tích của mỗi két dằn được coi là thỏa mãn tiêu chuẩn nêu ở -1. Việc bơm qua ít hơn ba lần thể tích có thể được chấp nhận nếu có thể chứng minh được tàu thỏa mãn ít nhất 95% thể tích nước dằn được trao đổi.

CHƯƠNG 8 QUẢN LÝ NƯỚC DẰN

8.1 Quy định chung

8.1.1 Phạm vi áp dụng

Các yêu cầu của Chương này áp dụng cho các tàu thực hiện quản lý nước dằn.

8.2 Tiêu chuẩn chất lượng nước dằn

Nước dằn xả ra phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

(1) Dưới 10 sinh vật sống trong một mét khối có kích thước tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 50 μm;

(2) Dưới 10 sinh vật sống trong một mi-li-lít (ml) có kích thước tối thiểu nhỏ hơn 50 μm và lớn hơn hoặc bằng 10 μm;

(3) Vi khuẩn độc gây bệnh tả (toxicogenic vibrio cholerae) (O-1 và O-139) nhỏ hơn 1 đơn vị tạo thành đàn (colony forming unit (viết tắt là cfu)) trong 100 ml hoặc nhỏ hơn 1 cfu trong 1 g (khối lượng ướt) mẫu sinh vật phù du;

(4) Vi khuẩn đại tràng (escherichia coli) nhỏ hơn 250 cfu trong 100 ml; và

(5) Liên cầu đường ruột (Intestinal enterococci) nhỏ hơn 100 cfu trong 100 ml.

8.3 Hệ thống quản lý nước dằn

1 Hệ thống quản lý nước dằn (BWMS) được sử dụng để thỏa mãn các yêu cầu ở 8.2 phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

(1) Các yêu cầu chung

(a) BWMS phải được Đăng kiểm công nhận kiểu phù hợp với Nghị quyết MEPC.174(58), MEPC.279(70): “Hướng dẫn phê duyệt hệ thống quản lý nước dằn (G8), và các sửa đổi.

(b) Bất kỳ BWMS có sử dụng hoạt chất hoặc chế phẩm phải được IMO phê duyệt phù hợp với Nghị quyết MEPC.169(57) “Quy trình phê duyệt hệ thống quản lý nước dằn sử dụng hoạt chất (G9), và các sửa đổi.

(c) BWMS phải an toàn với tàu, các thiết bị của tàu và thuyền viên.

(2) Các yêu cầu về kết cấu và tính năng

(a) BWMS không được chứa hoặc sử dụng bất kỳ chất nào có bản chất nguy hiểm, trừ khi có đủ phương tiện để chứa, sử dụng, giảm nhẹ và xử lý an toàn được chấp nhận bởi Đăng kiểm để làm giảm nhẹ các mối nguy hiểm do nó gây ra.

(b) Khi có bất kỳ hư hỏng nào gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của BWMS thì phải có tín hiệu báo động bằng âm thanh và ánh sáng ở mọi vị trí mà từ đó kiểm soát hoạt động dằn.

(c) Mọi bộ phận làm việc của BWMS mà dễ bị mài mòn hoặc hư hỏng thì phải có thể dễ dàng tiếp cận để bảo dưỡng.

(d) Mọi tiếp cận vào BWMS mà không thuộc các yêu cầu thiết yếu ở (c) trên đều phải yêu cầu phá niêm phong.

(e) BWMS phải được cấu tạo sao cho báo động bằng ánh sáng luôn được kích hoạt bất cứ khi nào BWMS đang hoạt động để phục vụ việc vệ sinh, hiệu chuẩn hoặc sửa chữa, và các tình huống đó phải được thiết bị kiểm soát ghi lại.

(f) Trong tình huống khẩn cấp, phải có các bố trí nối tắt (by-pass) thích hợp hoặc vượt qua (override) để đảm bảo an toàn cho tàu và con người.

(g) Các bố trí nêu ở (f) trên phải kích hoạt báo động bằng âm thanh và ánh sáng, và các tình huống đó phải được thiết bị kiểm soát ghi lại.

(h) Thiết bị xử lý nước dằn phải vững chắc và phù hợp để làm việc ở môi trường trên tàu, phải được thiết kế và cấu tạo phù hợp với mục đích hoạt động và phải được lắp đặt và bảo vệ sao cho giảm tới mức tối thiểu các nguy hiểm cho người trên tàu, phải đặc biệt chú ý tới các bề mặt nóng và các nguy hiểm khác. Việc thiết kế phải chú ý tới các vật liệu sử dụng trong chế tạo, các mục đích dự định của thiết bị, điều kiện làm việc của thiết bị và điều kiện môi trường trên tàu.

(i) Thiết bị xử lý nước dằn phải có phương tiện vận hành và điều khiển một cách đơn giản và hiệu quả. Phải trang bị hệ thống điều khiển sao cho các hoạt động cần thiết cho việc vận hành đúng đắn thiết bị xử lý nước dằn được đảm bảo thông qua các hệ thống tự động cần thiết.

(j) Thiết bị xử lý nước dằn và các thiết bị điện liên quan phải là kiểu phòng nổ nếu chúng dự định lắp đặt ở các vị trí mà có thể có môi trường khí dễ cháy. Các bộ phận chuyển động lắp đặt ở các vị trí đó phải được bố trí sao cho không hình thành tĩnh điện.

(k) BWMS phải được tích hợp thiết bị điều khiển tự động theo dõi và điều chỉnh liều lượng hoặc mức độ xử lý cần thiết hoặc các thông số khác của BWMS trên tàu, thiết bị này nếu không ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý thì cũng cần thiết để quản lý một cách đúng đắn các quá trình xử lý cần thiết.

(l) Thiết bị điều khiển phải được tích hợp chức năng tự theo dõi liên tục trong khoảng thời gian mà BWMS đang vận hành.

(m) Thiết bị theo dõi phải ghi lại được việc hoạt động thông thường hoặc hư hỏng của BWMS.

(o) Thiết bị điều khiển phải có thể lưu trữ dữ liệu trong ít nhất 24 tháng và phải có thể hiển thị hoặc in ra bản dữ liệu được ghi để phục vụ kiểm tra. Trong tình huống thiết bị điều khiển được thay thế thì phải có phương tiện để đảm bảo các dữ liệu được ghi trước khi thay thế vẫn còn được lưu trên tàu trong ít nhất 24 tháng.

(p) Thiết bị điều khiển phải có khả năng hiệu chỉnh và đặt lại giá trị không (re-zero) cho các đồng hồ đo của thiết bị điều khiển và phải có khả năng lặp lại các giá trị đã được đo.

(3) Các yêu cầu khác nếu Đăng kiểm thấy cần thiết.

2 Các yêu cầu nêu ở từ -3 đến -7 dưới đây áp dụng cho BWMS nêu ở (1) và (2) sau đây:

(1) Có đề nghị duyệt hồ sơ bản vẽ được thực hiện vào hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017; hoặc

(2) Được lắp đặt lên các tàu có hợp đồng đóng mới vào hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017.

3 Nếu hệ thống sử dụng các hóa chất gây ra tác động bất lợi không thể chấp nhận được đối với sức khỏe con người và các thiết bị trong BWMS sử dụng hoạt chất hoặc chế phẩm” nêu ở -1(1)(b) thì phải thỏa mãn các yêu cầu nêu ở từ (1) đến (9) sau đây. Các yêu cầu này có thể được giảm nhẹ một cách phù hợp tùy thuộc vào loại hóa chất.

(1) Đối với các không gian lắp đặt hệ thống, phải trang bị ít nhất hai bộ quần áo bảo vệ hoàn toàn, găng tay và kính bảo hộ hoặc mặt nạ kín khít. Các thiết bị này phải được đặt ở vị trí có thể tiếp cận dễ dàng.

(2) Ở bên dưới két chứa hóa chất phải có mối nối bích của ống được nối tới két và bơm, và phải có khay hứng rò rỉ.

(3) Vật liệu sử dụng để chế tạo két chứa hóa chất, đường ống và các phụ tùng của ống phải chịu được hóa chất đó.

(4) Két chứa hóa chất phải có đủ độ bền và phải được cấu tạo sao cho có thể thực hiện bảo dưỡng và kiểm tra một cách dễ dàng.

(5) Ống thông hơi của két chứa hóa chất phải được dẫn tới một khu vực an toàn trên boong hở.

(6) Phải có báo động mức nước cao trong két chứa hóa chất, phải có tín hiệu báo động bằng âm thanh và ánh sáng tại vị trí gần két chứa hóa chất cũng như là tại các không gian được nêu ở -1(2)(b).

(7) Trên tàu phải có Sổ tay vận hành với nội dung bao gồm các quy trình bơm hóa chất vào, hệ thống báo động, các biện pháp trong tình huống khẩn cấp v.v…

(8) Quy trình xử lý phải phù hợp với Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất và hướng dẫn BWM.2/Circ.20 của IMO.

(9) Các yêu cầu bổ sung nếu Đăng kiểm xét thấy cần thiết.

4 Hệ thống tạo ra các khí nguy hiểm trong “BWMS sử dụng hoạt chất hoặc chế phẩm” nêu ở -1(1)(b) phải thỏa mãn các yêu cầu nêu ở từ (1) đến (9) sau đây.

(1) Nói chung, hệ thống này không được bố trí ở các không gian mà bình thường có thuyền viên làm việc.

(2) Thiết bị phát hiện khí phải được trang bị ở các không gian mà có thể xuất hiện khí nguy hiểm. Thiết bị phát hiện khí đó phải được thiết kế và thử phù hợp với tiêu chuẩn IEC 60079-29-1 hoặc các tiêu chuẩn khác được Đăng kiểm công nhận. Trong trường hợp rò rỉ, báo động bằng âm thanh và ánh sáng phải được kích hoạt ở các không gian sau:

(a) Trạm điều khiển BWMS; và

(b) Vị trí điều khiển tại chỗ bằng tay của hệ thống.

(3) Các đường ống dẫn khí nguy hiểm phải được nối bằng phương pháp hàn, đến mức có thể thực hiện được.

(4) Các bố trí để thoát khí, ví dụ các thiết bị tẩy khí hoặc tương đương, phải có biện pháp theo dõi cùng với việc đóng độc lập. Đầu hở của thiết bị thoát khí phải được dẫn đến một khu vực an toàn trên boong hở.

(5) Ống dẫn khí nguy hiểm không được đi qua khu vực sinh hoạt và trạm điều khiển.

(6) Việc vận hành BWMS trong các không gian phải được khóa liên động với việc thông gió sao cho việc thông gió phải luôn được thực hiện.

(7) Đường ống thông gió của không gian mà có thể xuất hiện khí nguy hiểm phải được dẫn tới một khu vực an toàn trên boong hở.

(8) Phải có ít nhất 2 dụng cụ xách tay để đo nồng độ khí.

(9) Các yêu cầu bổ sung nếu Đăng kiểm xét thấy cần thiết.

5 Khi áp dụng các quy định ở -1(2), BWMS phải được vận hành ở lưu lượng dòng chảy nằm trong lưu lượng xử lý định mức (TRC) được quy định ở Giấy chứng nhận công nhận kiểu.

6 Khi áp dụng các quy định ở -1(2)(f), các van ở nhánh ống nối tắt (by-pass) mà tạo ra việc đi tắt phải có thể điều khiển được từ xa bằng thiết bị điều khiển hoặc có chỉ báo đóng/mở để tự động phát hiện việc nối tắt.

7 Khi áp dụng các quy định ở -1(3), việc thiết kế và lắp đặt BWMS phải thỏa mãn các yêu cầu sau, ngoài các yêu cầu có liên quan trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

(1) Các đường ống có liên quan của BWMS phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

(a) Đường ống phải được thiết kế theo các điều kiện đã phê duyệt đối với BWMS nêu ở -1(1)(a) và (b).

(b) BWMS và các đường ống và thiết bị liên quan phải được lắp đặt sao cho việc vệ sinh, kiểm tra, bảo dưỡng và vận hành có thể được thực hiện một cách dễ dàng.

(c) Khi nước ngọt được cấp vào hệ thống để xử lý hoặc bảo dưỡng v.v… thì phải có biện pháp để đảm bảo nước biển không làm bẩn hệ thống nước ngọt.

(d) Khi chân không có thể xuất hiện trong đường ống dằn do chênh lệch độ cao thì phải có phương tiện bảo vệ, ví dụ như van áp suất/chân không (van P/V) hoặc van thở, và đầu ra của chúng phải được dẫn tới một khu vực an toàn trên boong hở.

(e) Chiều dài của ống và số lượng mối nối phải được giảm tối thiểu trong hệ thống đường ống có chứa khí/chất lỏng nguy hiểm với nồng độ cao.

(f) Mối nối ống nêu ở (e) trên phải là kiểu hàn trừ các mối nối với các van ngắt, ống thành kép hoặc ống nằm trong kênh dẫn có trang bị thông gió cơ giới kiểu hút ra. Nếu không thì phải chứng minh được rằng các rủi ro do rò khí được giảm thiểu và sự hình thành môi trường khí độc hoặc dễ cháy được ngăn ngừa.

(g) Vị trí của hệ thống ống nêu ở (e) trên phải cách xa nguồn nhiệt và được bảo vệ chống lại các hư hỏng cơ khí.

(2) Đối với các tàu được trang bị két dằn nguy hiểm, nếu nước dằn đó đi qua hệ thống đo tổng lượng dư lượng chất ô-xy hóa (TRO) hoặc tổng dư lượng chlorine (TRC) trước khi xả thì các yêu cầu đối với hệ thống này trong các khu vực không nguy hiểm như là buồng máy được quy định như dưới đây:

(a) Phương tiện lấy mẫu (để theo dõi/điều khiển BWMS) phải được bố trí trong vỏ kín khí (sau đây được gọi là vỏ kín), và phải thỏa mãn các yêu cầu ở (i) tới (iii) dưới đây:

(i) Trong vỏ kín phải có van chặn ở mỗi đường ống lấy mẫu;

(ii) Trong vỏ kín phải có thiết bị phát hiện khí và các van nêu ở (i) trên phải tự động đóng lại khi được kích hoạt bởi thiết bị phát hiện khí;

(iii) Tín hiệu báo động bằng âm thanh và ánh sáng phải được kích hoạt ở các không gian nêu ở -4(2)(a) và (b) khi nồng độ của khí gây nổ đạt tới giá trị được thiết lập trước, giá trị này không nên lớn hơn 30% giới hạn cháy dưới của sản phẩm khí liên quan.

(b) Đường kính trong tiêu chuẩn của ống xuyên qua vách không được lớn hơn 12 mm.

(c) Đường ống xuyên qua vách phải được làm bằng vật liệu chống ăn mòn.

(d) Vị trí xuyên qua của ống giữa khu vực nguy hiểm và không nguy hiểm phải được hàn ở hai phía.

(e) Hệ thống đo phải được lắp đặt càng gần vách càng tốt, và chiều dài của ống đo phải càng ngắn càng tốt.

(f) Van chặn phải được bố trí ở khu vực không nguy hiểm, ở cả ống hút và ống hồi gần với vị trí xuyên qua vách. Ở gần các van này phải được treo biển cảnh báo với nội dung “Luôn đóng van khi không thực hiện đo” (“Keep valve closed when not performing measurements”). Ngoài ra, để ngăn dòng ngược trở lại, phải bố trí đệm kín nước hoặc bố trí tương đương trên đường ống hồi ở phía khu vực nguy hiểm.

(g) Phải lắp một van an toàn ở phía khu vực nguy hiểm của mỗi đường ống lấy mẫu.

(h) Nếu van an toàn được lắp đặt ở hệ thống lấy mẫu, phải tiến hành thử thủy tĩnh ở áp suất cao hơn so với áp suất yêu cầu để mở van, hoặc ở áp suất lớn hơn so với áp suất hoạt động của bơm hàng và bơm dằn nếu không được trang bị van.

(i) Không được có lỗ hở trên đường ống lấy mẫu trong khu vực không nguy hiểm.

(j) Nước dằn được lấy mẫu phải được quay trở lại đường ống mà trước đó được lấy mẫu hoặc quay trở lại két dằn.

(k) Đường kính trong tiêu chuẩn của đường ống lấy mẫu phải tối thiểu ở mức cần thiết để thỏa mãn các yêu cầu về chức năng đối với hệ thống lấy mẫu.

(3) Đối với các không gian, bao gồm khu vực nguy hiểm, mà có thể có tính độc, tính gây ngạt, tính ăn mòn hoặc tính gây phản ứng thì các mối nguy hiểm này phải được xem xét và cần phải có các biện pháp phòng ngừa bổ sung đối với thông gió của các không gian này và bảo vệ cho thuyền viên.

(4) Thiết bị điện của BWMS phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

(a) Các thiết bị điện có liên quan của BWMS phải có mức độ bảo vệ phù hợp với vị trí lắp đặt theo các quy định liên quan ở Chương 2 Phần 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

(b) Khi thiết bị điện được lắp đặt ở khu vực nguy hiểm của tàu chở dầu, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm hoặc tàu chở xô khí hóa lỏng thì các thiết bị điện đó phải thỏa mãn các yêu cầu ở Chương 4 Phần 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép.

(c) Tổng công suất của máy phát phải đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ điện lớn nhất khi vận hành BWMS, bao gồm việc dằn trong điều kiện đi biển bình thường, lấy hàng và trả hàng và đến/rời cảng v.v…

(5) Đối với các tàu hàng lỏng chở chất lỏng dễ cháy có điểm chớp cháy không quá 60°C, các sản phẩm được liệt kê trong Bộ luật IBC có điểm chớp cháy không quá 60°C hoặc các loại hàng được hâm nóng tới nhiệt độ cao hơn điểm chớp cháy của nó và các loại hàng được hâm nóng tới nhiệt độ nằm trong phạm vi 15°C của điểm chớp cháy, nói chung, có thể phải yêu cầu trang bị hai BWMS độc lập, ví dụ một dành cho két dằn ở khu vực nguy hiểm và một dành cho két dằn ở khu vực không nguy hiểm. Tuy nhiên, có thể yêu cầu trang bị một BWMS miễn là thỏa mãn các yêu cầu nêu ở (a) và (b) dưới đây:

(a) Việc kết nối các đường ống dằn giữa khu vực nguy hiểm và không nguy hiểm có thể được chấp nhận nếu áp dụng việc bố trí cách ly phù hợp. Phương tiện cách ly phù hợp phải như sau:

(i) Hai van chặn một chiều nối tiếp nhau với một đoạn nối ống (xem Hình 8.1(1)); hoặc

(ii) Hai van chặn một chiều nối tiếp nhau với một bẫy chất lỏng có chiều sâu ít nhất là 1,5 m (xem Hình 8.1(2)); hoặc

(iii) Van chặn kép và xả áp (double block and bleed valves) tự động và một van một chiều (xem Hình 8.1(3)).

(b) Nước dằn bắt nguồn từ khu vực nguy hiểm không được xả vào khu vực không nguy hiểm, trừ trường hợp nêu ở -7(2). Ví dụ về việc bố trí cách ly phù hợp được thể hiện trong Hình 8.2(1) và (2). Việc bố trí cách ly ở (a)(i) tới (iii) trên phải được thực hiện trên boong hở trong khu vực nguy hiểm.

Hình 8.1 Phương tiện cách ly phù hợp

(6) Các yêu cầu về thông gió ở (a) và (b) dưới đây phải được thỏa mãn:

(a) BWMS không ở khu vực nguy hiểm:

(i) BWMS mà không tạo ra các khí nguy hiểm phải được bố trí trong một khu vực được thông gió đủ;

(ii) BWMS mà tạo ra các khí nguy hiểm phải được bố trí trong một không gian được trang bị một hệ thống thông gió cơ khí tạo ra ít nhất 6 lần trao đổi khí một giờ hoặc được quy định bởi nhà sản xuất, lấy yêu cầu nào lớn hơn;

(iii) Các lỗ hở để thông gió phải được dẫn tới một khu vực an toàn trên boong hở.

(b) BWMS trong khu vực nguy hiểm:

(i) BWMS, bất kể việc có tạo ra khí nguy hiểm hay không, phải được bố trí trong một không gian có thông gió cơ giới thỏa mãn các yêu cầu liên quan, ví dụ Phần 4, 8D, 8E của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép;

(ii) Phải thỏa mãn (a)(iii) nêu trên.

(7) Nếu BWMS được lắp đặt trong một khoang độc lập thì khoang đó phải:

(a) Có tính nguyên vẹn chống cháy tương đương với “buồng máy khác”; và

(b) Được bố trí bên ngoài các khu vực dễ cháy, có tính ăn mòn, có tính độc hoặc nguy hiểm trừ trường hợp được phê duyệt riêng biệt.

(8) Có thể tiến hành đánh giá rủi ro để đảm bảo các rủi ro được xét đến, bao gồm nhưng không giới hạn đối với các rủi ro gây ra do sử dụng khí nguy hiểm làm ảnh hưởng đến người trên tàu, môi trường, độ bền kết cấu hoặc tính nguyên vẹn của tàu.

8.4 Các công nghệ xử lý nước dằn được phát triển mẫu

1 Mọi tàu, mà trước ngày tiêu chuẩn quy định ở 8.2 có hiệu lực với nó, tham gia vào một chương trình được Đăng kiểm phê duyệt để thử và đánh giá các công nghệ có triển vọng trong tương lai về xử lý nước dằn, thì tiêu chuẩn quy định ở 8.2 không cần áp dụng cho tàu đó trong thời hạn 5 năm kể từ ngày mà tàu phải thỏa mãn tiêu chuẩn đó.

2 Đối với các tàu, sau ngày tiêu chuẩn quy định ở 8.2 có hiệu lực, tham gia vào một chương trình được Đăng kiểm phê duyệt, trong đó có xét đến Hướng dẫn nêu ở 8.3-1(1) và (2), để thử và đánh giá các công nghệ có triển vọng trong tương lai về xử lý nước dằn với khả năng tạo ra được công nghệ xử lý có tiêu chuẩn cao hơn so với quy định ở 8.2 thì tiêu chuẩn ở 8.2 phải ngừng áp dụng cho tàu đó trong 5 năm tính từ ngày áp dụng công nghệ vừa nêu.

Hình 8.2(1) Hệ thống xử lý nước dằn mà không yêu cầu phải thực hiện sau xử lý

Ghi chú:  Phương tiện cách ly phù hợp nêu ở 8.3-7(5)(a)(i) tới(iii).

Hình 8.2(2) Hệ thống xử lý nước dằn mà cần phải thực hiện sau xử lý (kiểu phun)

CHƯƠNG 9 KẾ HOẠCH QUẢN LÝ NƯỚC DẰN

9.1 Quy định chung

9.1.1 Phạm vi áp dụng

1 Các yêu cầu của Chương này áp dụng cho bản Kế hoạch quản lý nước dằn yêu cầu phải có trên tàu.

2 Trên tàu phải có một bản Kế hoạch quản lý nước dằn.

9.2 Kế hoạch quản lý nước dằn

1 Kế hoạch quản lý nước dằn phải được Đăng kiểm phê duyệt. Nếu nội dung của bản Kế hoạch đó được sửa đổi thì bản Kế hoạch phải được phê duyệt lại.

2 Kế hoạch quản lý nước dằn phải có ít nhất các nội dung như dưới đây:

(1) Quy trình an toàn của tàu và thuyền viên liên quan tới việc quản lý nước dằn;

(2) Các hành động cần phải thực hiện để áp dụng các yêu cầu về quản lý nước dằn và thực hành quản lý nước dằn bổ sung như đã quy định ở Công ước BWM;

(3) Các quy trình loại bỏ cặn nước dằn như dưới đây:

(a) Trên biển; và

(b) Lên bờ.

(4) Các quy trình để phối hợp giữa hệ thống quản lý nước dằn trên tàu tham gia vào việc xả nước dằn ra biển ở vùng nước của một quốc gia và chính quyền hành chính của quốc gia đó.

(5) Sỹ quan được phân công chịu trách nhiệm đảm bảo bản Kế hoạch được thực hiện một cách đúng đắn; và

(6) Các yêu cầu về báo cáo đối với tàu được quy định trong Công ước BWM.

3 Kế hoạch quản lý nước dằn phải được viết bằng ngôn ngữ làm việc trên tàu. Nếu ngôn ngữ làm việc không phải là tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha thì bản Kế hoạch này phải bao gồm bản dịch sang một trong các ngôn ngữ đó.

III QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

CHƯƠNG 1 QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG NHẬN

1.1 Quy định chung

1 Tàu biển thuộc phạm vi điều chỉnh tại 1.1.1 Mục I của Quy chuẩn phải được Đăng kiểm kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận phù hợp quản lý nước dằn tương ứng ở 1.2 và 1.3 dưới đây.

2 Biểu mẫu Giấy chứng nhận cấp cho tàu nêu ở 1.2 và các Giấy chứng nhận yêu cầu đối với các thiết bị của hệ thống quản lý nước dằn lắp đặt trên tàu được quy định tại Thông tư số 25/2017/TT-BGTVT.

1.2 Giấy chứng nhận cấp cho tàu

Tàu biển sẽ được cấp Giấy chứng nhận phù hợp quản lý nước dằn sau khi được Đăng kiểm kiểm tra thỏa mãn các yêu cầu nêu tại Chương 6 đến Chương 9 Mục II của Quy chuẩn này.

1.3 Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận

1 Giấy chứng nhận phù hợp quản lý nước dằn có hiệu lực tối đa không quá 5 năm, tính từ ngày sau đây:

(1) Đối với kiểm tra lần đầu nêu tại Chương 3 Mục II của Quy chuẩn: ngày hoàn thành kiểm tra lần đầu.

(2) Đối với kiểm tra định kỳ nêu tại 4.3 Mục II của Quy chuẩn:

(a) Ngày hết hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cũ nếu như đợt kiểm tra định kỳ được hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng trước ngày hết hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cũ;

(b) Ngày hoàn thành đợt kiểm tra định kỳ nếu đợt kiểm tra định kỳ được hoàn thành sớm hơn 3 tháng hoặc sau ngày hết hạn của giấy chứng nhận cũ.

2 Giấy chứng nhận nêu trên phải được xác nhận tại các đợt kiểm tra chu kỳ nêu ở Chương 4 Mục II Quy chuẩn này.

1.4 Lưu giữ, cấp lại và trả lại Giấy chứng nhận

1 Thuyền trưởng có trách nhiệm lưu giữ các giấy chứng nhận trên tàu và phải trình cho Đăng kiểm khi có yêu cầu.

2 Chủ tàu, cơ sở chế tạo động cơ hoặc thuyền trưởng phải có văn bản đề nghị Đăng kiểm cấp lại ngay các giấy chứng nhận liên quan khi:

(1) Các Giấy chứng nhận này bị mất hoặc bị rách nát;

(2) Nội dung ghi trong các Giấy chứng nhận này có thay đổi.

3 Chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải trả lại ngay cho Đăng kiểm các giấy chứng nhận cũ bị rách nát sau khi đã được cấp lại theo -2 nêu trên, trừ trường hợp giấy chứng nhận đó bị mất.

CHƯƠNG 2 QUẢN LÝ HỒ SƠ

2.1 Quy định chung

Các hồ sơ do Đăng kiểm cấp bao gồm:

(1) Hồ sơ thiết kế được thẩm định, bao gồm các bản vẽ và các tài liệu như quy định ở Chương 3 Mục II và các Chương liên quan (nếu có yêu cầu), Giấy chứng nhận phù hợp quản lý nước dằn.

(2) Các tài liệu/Hướng dẫn kỹ thuật được duyệt;

(3) Hồ sơ kiểm tra, bao gồm các biên bản kiểm tra/thử (làm cơ sở cho việc cấp các giấy chứng nhận liên quan), các giấy chứng nhận, kể cả giấy chứng nhận về vật liệu và các sản phẩm công nghiệp/thiết bị quản lý nước dằn lắp đặt lên tàu.

2.2 Cấp hồ sơ kiểm tra

Đăng kiểm sẽ cấp hồ sơ kiểm tra cho tàu và thiết bị quản lý nước dằn lắp đặt trên tàu sau khi đã kết thúc các nội dung kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra chu kỳ nêu tại Chương 2 Mục II của Quy chuẩn.

2.3 Quản lý hồ sơ

1 Lưu giữ hồ sơ kiểm tra

Tất cả hồ sơ do Đăng kiểm cấp cho tàu phải được lưu giữ và bảo quản trên tàu. Các hồ sơ này phải được trình cho Đăng kiểm hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét khi có yêu cầu.

IV TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

1.1 Trách nhiệm của chủ tàu, các cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải và sửa chữa tàu, các cơ sở chế tạo thiết bị quản lý nước dằn trên tàu biển

1.1.1 Thực hiện đầy đủ các quy định liên quan nêu trong Quy chuẩn này.

1.1.2 Tuân thủ các quy định về kiểm tra của Đăng kiểm được quy định trong Quy chuẩn này.

1.2 Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1.2.1 Thẩm định thiết kế, giám sát kỹ thuật

Thực hiện công tác thẩm định thiết kế, giám sát kỹ thuật phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật nêu trong Quy chuẩn này.

1.2.2 Hướng dẫn áp dụng

Hướng dẫn thực hiện các quy định của Quy chuẩn này đối với các chủ tàu, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải và sửa chữa tàu, các cơ sở chế tạo thiết bị quản lý nước dằn lắp đặt trên tàu biển.

1.2.3 Rà soát và cập nhật Quy chuẩn

Căn cứ yêu cầu thực tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này khi cần thiết hoặc theo thời hạn quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

V TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.1 Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát kỹ thuật phù hợp với các yêu cầu của Quy chuẩn này.

1.2 Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Quy chuẩn này với quy định của quy phạm, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật khác liên quan đến các hệ thống kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu thì áp dụng quy định của Quy chuẩn này.

1.3 Trong trường hợp các tài liệu được viện dẫn trong Quy chuẩn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo nội dung đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế có hiệu lực của tài liệu đó.

1.4 Trong trường hợp không thể thực hiện được quy định nào đó của Quy chuẩn, trong các trường hợp đặc biệt cần thiết, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định việc áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *