Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 04TCN 56:2002 về thiết bị gia công gỗ – Máy băm dăm – Yêu cầu an toàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
TIÊU CHUẨN NGÀNH
04TCN 56:2002
THIẾT BỊ GIA CÔNG GỖ – MÁY BĂM DĂM – YÊU CẦU AN TOÀN
Wood working equipment – Wood chipper – Safety requirements
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 121 /2002/QĐ/BNN ngày 22 tháng 11 năm 2002)
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu chung về an toàn đối với thiết kế, kết cấu và sử dụng máy băm dăm gỗ kiểu tang trống và kiểu đĩa cố định và di động dùng động cơ điện hoặc động cơ đốt trong.
2 Tiêu chuẩn trích dẫn
TCVN 2293-78 Gia công gỗ. Yêu cầu chung về an toàn.
TCVN 2290-78 Thiết bị sản xuất. Yêu cầu chung về an toàn.
TCVN 2291-78 Phương tiện bảo vệ người lao động. Phân loại.
TCVN 2287-78 Hệ thống tiêu chuẩn an toàn lao động.
TCVN 2288-78 Các yếu tố nguy hiểm và có hại trong sản xuất. Phân loại.
TCVN 2289-78 Quá trình sản xuất. Yêu cầu chung về an toàn.
TCVN 4723-89 Thiết bị gia công gỗ. Yêu cầu chung về an toàn đối với kết cấu máy.
TCVN 4756-89 Quy phạm nối đất và nối không thiết bị điện.
TCVN 3985-99 Tiếng ồn. Mức ồn cho phép.
TCVN 4717-89 Thiết bị sản xuất. Che chắn an toàn. Yêu cầu chung.
TCVN 4979-89 Màu sắc tín hiệu và dấu hiệu an toàn.
20TCN 46-84 Chống sét cho các công trình xây dựng.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1 Máy băm dăm là máy dùng để tạo ra dăm gỗ công nghệ.
3.2 Máy băm dăm kiểu tang trống là máy băm dăm trong đó dao băm được lắp vào thành tang trống.
3.3 Máy băm dăm kiểu đĩa là máy băm dăm trong đó dao được lắp trên cùng một đĩa.
4 Yêu cầu chung
4.1 Thiết bị băm dăm phải tuân thủ các yêu cầu an toàn trong tiêu chuẩn này và các yêu cầu trong tiêu chuẩn TCVN 4723-89.
4.2 Máy băm dăm khi xuất xưởng phải có đầy đủ tài liệu kĩ thuật và hướng dẫn vận hành an toàn đi kèm.
4.3 Máy băm dăm khi đưa vào vận hành phải đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn và vệ sinh môi trường.
4.4 Chỉ được sử dụng máy băm dăm để băm gỗ có kích thước theo quy định của nhà thiết kế.
4.5 Chỉ những người từ 18 tuổi trở lên có đầy đủ sức khoẻ, đã sát hạch chuyên môn và kĩ thuật an toàn đạt yêu cầu mới được sử dụng máy.
4.6 Người vận hành khi sử dụng máy phải mang đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.
5 Yêu cầu đối với máy
5.1 Yêu cầu đối với kết cấu
5.1.1 Kết cấu, hình dáng của máy và các bộ phận máy phải đảm bảo khả năng loại trừ chấn thương cho người khi vận hành và sửa chữa máy.
5.1.2 Kết cấu máy phải đảm bảo khi máy hoạt động không gây tiếng ồn quá mức quy định trong tiêu chuẩn TCVN 3985- 1999.
5.1.3 Vỏ máy phải được lắp thiết bị khử tĩnh điện hoặc nối đất để loại trừ hiện tượng tích tụ điện tích tĩnh điện.
5.1.4 Dao băm phải được bắt chặt vào trục dao hoặc mâm dao. Kết cấu kẹp giữ dao phải đảm bảo khả năng chống hiện tượng tự nới lỏng trong quá trình làm việc.
5.1.5 Máy băm dăm kiểu tang trống phải có cơ cấu chống gỗ văng ngược. Cơ cấu chống gỗ văng ngược phải đảm bảo độ cứng vững, độ tin cậy trong hoạt động và phải có kết cấu phù hợp đảm bảo khả năng tháo lắp để thay thế thuận tiện và không gây nguy hiểm cho người khi vận hành, sửa chữa.
5.1.6 Kết cấu máy phải loại trừ hoặc hạn chế sự lan truyền rung động do máy gây ra lên người vận hành và kết cấu nhà xưởng.
5.1.7 Các bộ phận chuyển động của máy phải được bao che để tránh nguy hiểm cho người vận hành.
5.1.8 Hệ thống kẹp giữ gỗ trong máy băm tang trống phải đảm bảo khả năng kẹp chặt gỗ và điều chỉnh dễ dàng.
5.1.9 Thiết bị băm dăm phải có hệ thống quạt hút để vận chuyển dăm và bụi gỗ được tao ra trong quá trình băm. Hệ thống điều khiển đóng mở quạt hút phải liên động với hệ thống điều khiển động cơ truyền động cho trục băm.
5.1.10 Nếu độ cao miệng cấp liệu lớn hơn 1200mm thì phải có sàn hoặc bục thao tác.
5.1.11 Hệ thống điều khiển đóng mở máy và hệ thống điều khiển cơ cấu kẹp gỗ phải đảm bảo độ tin cậy trong hoạt động và có khả năng ngăn ngừa sự cố khi mất một phần hay mất toàn phần năng lựơng (điện, thuỷ lực v.v…) cũng như khi năng lượng được phục hồi.
5.1.12 Các thiết bị điều khiển phải có hình dạng, kích thước, màu sắc phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 2290-89 và TCVN 4979-89.
5.1.13 Các cửa mở bố trí trên máy phải được cấu tạo sao cho không có khả năng tự mở trong quá trình máy làm việc.
5.1.14 Kích thước, khối lượng của cửa mở dạng tháo rời phải đảm bảo khả năng mang vác tránh gây quá tải về gánh nặng thể lực.
5.1.15 Các chi tiết, bộ phận có khối lượng lớn hơn 25kg phải có kết cấu đảm bảo khả năng móc buộc cáp để nâng chuyển bằng phương tiện cơ giới.
5.1.16 Kết cấu, chiều dầy của vỏ máy phải chịu được lực tác động va đập do phôi liệu gia công gây nên.
5.1.17 Máy phải có kết cấu đảm bảo thuận tiện trong tháo lắp để kiểm tra, bảo dưỡng và hiệu chỉnh.
5.2 Yêu cầu đối với thiết bị điện
5.2.1 Hệ thống điều khiển bằng điện phải đảm bảo khả năng đóng cắt điện nguồn cấp cho các động cơ một cách độc lập.
5.2.2 Vỏ tủ điện tổng cấp điện cho máy phải được nối đất. Trị số điện trở nối đất phải đảm bảo theo quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4756-89.
5.2.3 Các động cơ điện dẫn động cho trục chính, động cơ quạt gió, động cơ bơm dầu phải được nối đất và nối không bảo vệ theo đúng quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4756-89. Việc kiểm tra đánh giá tình trạng an toàn của thiết bị điện hàng năm phải thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN 4756-89.
5.2.4 Các bộ phận mang điện của thiết bị phải được che chắn, cách ly cẩn thận. Các bộ phận kim loại không mang điện phải được nối đất bảo vệ theo quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4756-89.
5.2.5 Các động cơ điện dẫn động cho máy phải là động cơ kiểu phòng nổ. Trường hợp ngược lại phải có biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ cho thiết bị trong quá trình hoạt động. Đối với máy sử dụng động cơ đốt trong thì ống xả phải được bọc cách nhiệt và miệng ống xả của động cơ phải bố trí phía trước chiều gió so với miệng cấp liệu và miệng phun dăm.
5.3 Yêu cầu đối với cơ cấu, thiết bị an toàn
5.3.1 Che chắn an toàn phải được chế tạo và sơn mầu phù hợp với các yêu cầu của các tiêu chuẩn TCVN 4717-89 và TCVN 4979-89.
5.3.2 Che chắn an toàn phải có kết cấu, hình dáng phù hợp, đảm bảo tháo lắp thuận tiện, không gây nguy hiểm khi vận hành, sửa chữa.
6 Yêu cầu đối với nhà xưởng, nơi đặt máy
6.1 Nhà xưởng nơi đặt máy phải thoáng mát, chống được mưa nắng và phải được chiếu sáng đầy đủ.
6.2 Nhà xưởng phải bằng phẳng, được bố trí gọn gàng, không trơn trượt.
6.3 Đối với các máy băm dăm đặt chìm dưới đất phải có biện pháp thoát nước tại khoang chìm.
6.4 Trong xưởng phải bố trí bình chữa cháy tại chỗ đúng về chủng loại, đủ về số lượng theo quy định của các tiêu chuẩn hiện hành.
6.5 Nhà xưởng phải được thông gió tốt đặc biệt ở những nơi có khả năng tích tụ các yếu tố nguy hiểm có hại.
6.6 Các miệng hố đặt máy phải được đậy kín bằng nắp đậy hoặc có rào chắn xung quanh. Rào chắn, nắp đậy phải được chế tạo chắc chắn và được sơn màu phù hợp theo quy định trong tiêu chuẩn TCVN 4979-89. Phía chân rào chắn phải được bịt bằng tấm tôn liền có độ cao từ 100 mm trở lên.
6.7 Kích thước đường đi lại trong nhà xưởng, khoảng cách giữa máy và các kết cấu nhà xưởng, giữa máy với máy phải phù hợp với các quy định trong tiêu chuẩn TCVN 2293-78.
6. 8 Nhà xưởng có độ cao từ 7m trở lên hoặc thấp hơn 7m nhưng đặt ở nơi trống trải phải có hệ thống chống sét. Việc kiểm tra hệ thống chống sét phải thực hiện theo các quy định trong tiêu chuẩn 20TCN 46-84.