Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 04TCN 75:2006 về quy trình kỹ thuật trồng trám trắng ghép lấy quả
TIÊU CHUẨN NGÀNH
04TCN 75:2006
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG TRÁM TRẮNG GHÉP LẤY QUẢ
1. QUI ĐỊNH CHUNG
1.1 Mục tiêu, nội dung
Quy trình này qui định những nguyên tắc, nội dung, yêu cầu và kỹ thuật trồng thâm canh Trám trắng bằng cây ghép để lấy quả, bao gồm các khâu tạo cây giống bằng phương pháp ghép, trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ, đến thu hái và sơ chế bảo quản quả.
1.2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
Quy trình này áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế có sản xuất cây giống Trám trắng ghép lấy quả và trồng thâm canh tập trung hoặc phân tán.
2. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
– Cây mẹ: Là cây tốt nhất được tuyển chọn từ rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng giống hoặc vườn giống để nhân giống.
– Cây đầu dòng: Là cây có năng suất, chất lượng, tính chống chịu cao hơn hẳn các cây khác trong quần thể một giống, đã qua bình tuyển và được công nhận để nhân giống bằng phương pháp vô tính.
– Vườn cây đầu dòng: Là vườn trồng cây giống từ cây đầu dòng để cung cấp hom giâm, cành ghép hoặc mắt ghép.
– Gốc ghép: Gốc và phần thân cây phía gốc dùng để ghép cành, chồi, mắt của cây khác lên gọi là gốc ghép.
– Cành ghép: Là một phần khí sinh của cây (thường là cành nhỏ) dùng để ghép vào gốc ghép.
– Cây ghép: Là cây được tạo thành từ việc ghép cành ghép với gốc ghép.
-Tạo tán: Là biện pháp kỹ thuật nhằm loại bỏ những cành không có giá trị sinh dưỡng nhằm tạo độ thông thoáng cần thiết cho phần cành còn lại được tạo ra có hình dạng và kết cấu hợp lý để tập trung nuôi sản phẩm đạt hiệu suất cao nhất.
3. KỸ THUẬT SẢN XUẤT CÂY GIỐNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP GHÉP.
Để có nguồn vật liệu ghép (cành ghép) đạt yêu cầu về chất lượng, cần phải xây dựng vườn cây đầu dòng từ những cây đã tuyển chọn. Qui mô của vườn cây đầu dòng được xác định theo qui mô của vườn ươm sản xuất cây giống Trám ghép, mỗi cây đầu dòng cung cấp từ 100 đến 300 mắt ghép 1 năm.
3.1. Xây dựng vườn cây đầu dòng
3.1.1. Gieo ươm cây con làm gốc ghép:
– Chọn quả và xử lý quả lấy hạt: Quả thu hái về loại bỏ những quả nhỏ, quả sâu bệnh, ngâm quả vào nước nóng 60 – 650C, để nguội dần rồi lấy dao tách thịt quả ra khỏi hạt, phơi hạt trong bóng râm hay nắng nhẹ 1-2 ngày rồi đưa vào bảo quản. Bảo quản hạt trong cát ẩm hoặc bảo quản trong môi trường lạnh từ 5 – 100C sẽ duy trì sức sống của hạt 3 – 6 tháng.
– Kỹ thuật gieo ươm: Trước khi gieo, xử lý hạt bằng cách ngâm hạt vào nước sôi để nguội dần trong 2-3 giờ rồi ủ vào bao vải, hàng ngày rửa chua 1 lần đến khi nứt nanh, ra rễ cọc.
– Gieo hạt vào bầu: Trước khi gieo hạt vào bầu, bấm/cắt bớt 1 phần rễ cọc, chỉ để lại khoảng 1cm, gốc ghép sẽ ra nhiều rễ phụ, khi ghép và trồng tỷ lệ sống sẽ cao hơn. Kích thước bầu 15 x 18 cm, đáy có đục lỗ. Hỗn hợp ruột bầu gồm 80% đất vườn trộn với 20% phân chuồng hoai mục.
Ở phía Bắc gieo Trám vào tháng 2 – 3 để vừa đảm bảo sức nảy mầm lại đủ thời gian nuôi cây đến tuổi ghép vào vụ Xuân.
– Chăm sóc cây làm gốc ghép:
+ Che bóng bằng giàn che từ 50 – 70% ánh sáng. Có thể làm giàn bằng tre nứa hay lưới chuyên dụng. Để tăng hiệu quả chăm sóc, 2 tháng đầu nên xếp bầu liền nhau, sang tháng thứ 3 giãn bầu cự li 20cm x 20 cm để nuôi cây đến tuổi ghép. Làm luống rộng vừa phải (khoảng 80 cm) xếp được 4 hàng thuận tiện cho việc ghép sau này.
+ Giảm dần độ che bóng theo tháng tuổi của cây con từ 50 – 60% xuống 30 – 40%.
+ Tưới ẩm, phá váng thường xuyên hàng tháng, nếu cây có lá chuyển sang màu vàng, dùng nước phân chuồng hoai pha loãng 1% để tưới, lượng tưới 3 – 4lít/m2.
+ Phòng trừ bệnh lở cổ rễ cho cây con bằng thuốc boocđô pha nồng độ 0,5 – 1%, phun 1lít/4m2. Nếu xuất hiện sâu ăn lá phun thuốc Sherpa theo chỉ dẫn trên bao bì.
– Tiêu chuẩn cây làm gốc ghép: Cây làm gốc ghép phải là cây khoẻ mạnh, thân thẳng, không sâu bệnh, không cụt ngọn. Tuổi cây làm gốc ghép từ 10 đến 12 tháng.
3.1.2. Chọn cây lấy cành ghép
– Cây được chọn để lấy cành ghép để xây dựng vườn cây đầu dòng có thể lấy từ cây trồng hoặc cây mọc tự nhiên trong rừng, tuổi cây trên 10 năm, sai quả liên tục 3 năm. Sản lượng quả hàng năm ổn định ≥ 100kg/cây, quả khi chín có màu vàng chanh, thịt quả dày, mùi thơm, không có sẹo, tán cân đối, khoẻ mạnh, không sâu bệnh, cây mẹ đã qua bình tuyển và được công nhận.
3.1.3. Chọn cành ghép
– Nguyên tắc chọn cành ghép: Chỉ chọn lấy cành ghép ở cấp cành cuối cùng trong cây, chỗ có ánh sáng đầy đủ, không lấy cành khuất tán, cành vượt, cành vọt, cành bị sâu bệnh.
– Chọn những cành không quá già và phù hợp với gốc ghép, kích thước đường kính từ 0,4 – 0,8 cm, có chiều dài 10-15 cm, vỏ màu xanh hoặc xanh xám, chưa ngả màu nâu, các mắt lá càng dày càng tốt. Có thể lấy lấy cành ghép mang đỉnh sinh trưởng hoặc không mang đỉnh sinh trưởng (hom đoạn 2).
3.1.4.Kỹ thuật ghép
– Dụng cụ ghép:
+Kéo cắt cành: Phải đảm bảo sắc để vết cắt gọn, không bị dập, phải sạch tránh nhiểm khuẩn.
+Dao ghép: Là loại dao chuyên dùng, luôn được mài sắc và giữ gìn sạch sẽ.
+Dây ghép: Là loại nilon chuyên dùng để ghép cây, có khả năng cho chồi non đâm qua nilon ghép để phát triển. Dây ghép thường chọn loại dày 0,005 – 0,015 mm.
– Phương pháp ghép: Có nhiều cách có thể ghép Trám như: ghép nêm, ghép nối, ghép áp, nhưng phương pháp ghép nêm có kết quả tốt nhất. Sau đây là những qui tắc cơ bản của phương pháp này:
– Chuẩn bị gốc ghép:
+ Trước hết, dùng kéo cắt ngọn của cây gốc ghép, cách mặt đất khoảng 20 cm.
+ Sau đó dùng dao ghép sửa lại mặt cắt gốc ghép cho nhẵn nhụi, rồi dùng dao ghép cắt một đường vào chỗ tiếp giáp giữa gỗ với vỏ, sâu 1,5 – 2,0cm song song với trục thân, sao cho vết cắt nằm giữa tượng tầng là được.
– Chuẩn bị cành ghép :
+ Dùng kéo cắt đoạn cành ghép có đường kính tương ứng với gốc ghép, trên đó có từ 2 mắt ngủ trở lên. Lấy dao ghép sửa 1 đầu (nếu là đoạn ngọn) hoặc 2 đầu (nếu là đoạn cành) cho nhẵn. Dùng dao ghép cắt bỏ đi một phần vỏ dày đúng bằng đoạn cắt ở gốc ghép, sửa mặt vát dưới của đoạn cành ghép tạo thành một góc khoảng 450 so với trục dọc của cây.
+ Cành ghép cắt từ các cây mẹ được để riêng và đánh số thứ tự để khi ghép sắp xếp cùng luống hoặc hàng, dễ theo dõi.
+ Chú ý: Để tránh thoát hơi nước làm khô cành ghép, bó cành ghép thành từng bó nhỏ cho vào trong bẹ chuối hay túi vải, giấy báo sạch đã nhúng nước ẩm, rồi bỏ tất cả vào trong túi nilon, ghép đến đâu lấy ra đến đó.
– Động tác ghép: Thao tác cắt và xẻ gốc ghép, cành ghép cần phải dứt khoát, tốt nhất là cắt một nhát thật nhanh, phẳng, nhẵn, để cây gốc không ra nhiều nhựa, giúp cho tiếp xúc giữa cành ghép và gốc ghép được tốt.
+ Một tay giữ gốc ghép, một tay cầm đoạn cành ghép đã cắt sửa, nhẹ nhàng lắp vào phần vỏ đã tách của gốc ghép, sao cho 2 phía của nhát cắt (gốc ghép và cành ghép) trùng khít nhau.
+ Dùng dây ghép loại dày 0,005 mm rộng 5 cm cuốn thật chặt đoạn kết nối giữa cành ghép và gốc ghép rồi quấn ngược lên phía trên, bao lấy đoạn cành ghép, một lớp nilon mỏng, sao cho nước mưa, nước tưới không thấm được vào vết ghép, đồng thời đủ mỏng để chồi non có thể đâm được ra ngoài. Sau đó gập nhỏ dây ghép lại quấn xuôi đến vết ghép rồi buộc lại thành nút, kết thúc động tác ghép.
– Thời vụ ghép: Vụ chính là vụ Xuân từ tháng 1 đến tháng 2, vụ phụ là vụ Thu từ tháng 8 đến tháng 10. Chọn thời tiết râm mát, không mưa ghép cây là tốt nhất.
3.1.5. Chăm sóc cây ghép
Sau khi ghép được 20-25 ngày, mầm ghép bắt đầu nhú ra khỏi mắt ngủ. Giai đoạn này chú ý tưới giữ ẩm cho cây, nhưng tránh không tưới vào cành ghép hoặc chạm đến cành ghép vì mối ghép chưa liền.
Khi đa số cây đã có chồi bật ra khỏi nilon ghép thì tiến hành phá váng, bón phân chuồng pha loãng hoặc NPK 2% để thúc chồi, 2 tuần tưới một lần.
Thường xuyên làm cỏ, tưới nước đủ ẩm để cây sinh trưởng bình thường. Nếu xuất hiện sâu ăn lá hoặc rệp, cần phun thuốc Sherpa theo liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.
3.1.6. Trồng vườn cây đầu dòng
– Chuẩn bị đất: Chọn đất tốt, gần vườn nhân giống.
– Bố trí trồng: Bố trí trồng các cây ghép có cành ghép lấy từ 1 cây mẹ theo từng luống riêng. Đánh số thứ tự để theo dõi.
– Mật độ trồng 600 – 1000cây/ha.
– Cuốc hố 80 x 80 x 80 cm, cuốc trước khi trồng 1 – 2 tháng để phơi ải.
– Bón lót: 50 – 60 kg phân chuồng hoai/hố, trộn với lớp đất mặt lấp hố trước khi trồng ít nhất 1/2 tháng.
– Thời vụ trồng: Tốt nhất là vụ xuân, trước khi cây con phát lộc, đối với các tỉnh phía Nam trồng vào đầu mùa mưa. Thời tiết thuận lợi là lúc có mưa nhỏ. Có thể trồng vào vụ thu nhưng nếu trồng xong không có mưa phải cắt hết lá, tưới ẩm ít nhất trong 2 tuần để cây hồi phục và ra lộc non.
– Kỹ thuật trồng: Tháo bỏ bầu nilon đặt vào giữa hố, lấp đất, ấn nhẹ xung quanh, tạo gờ nhỏ quanh gốc để tưới – chú ý gốc cây phải cao hơn mặt đất xung quanh ít nhất 10 – 15 cm để phòng úng nước.
– Chăm sóc vườn cây đầu dòng:
+ Tưới nước: Sau khi trồng thường xuyên tưới ẩm, đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, tán lá phát triển.
+ Bón thúc: Bón thúc liên tục 3 năm sau trồng, mỗi năm 2 lần vào trước và giữa mùa mưa, loại phân bón và liệu lượng cho mỗi gốc tuỳ thuộc vào tuổi cây:
Phân chuồng hoai: 30 – 50 kg
Đạm urê: 1 – 2 kg
Supe lân: 0,5 – 2 kg
Kali clorua: 0,5 – 1 kg
– Cách bón: Đào rãnh theo hình chiếu tán lá, sâu 20 – 25 cm, rộng 10 – 15 cm, bón phân rải đều, lấp đất và tưới ẩm.
– Tạo tán: Việc tỉa cành tạo tán đối với vườn đầu dòng để tạo ra nhiều cành để làm vật liệu ghép, được tiến hành một năm 2 lần vào tháng 2-3 và tháng 9-10:
+ Cắt bỏ các cành có xu thế vươn cao ở giữa cây để tạo cây lùn, thu được nhiều cành ghép, thường để 3 – 4 cành chính, mỗi cành chính để lại 2 – 3 cành khung.
+ Cắt bỏ những cành ở trong tán, cành tăm mọc từ cành cấp 1, những cành vọt mọc từ giữa tán (là những cành thường rất thẳng và mập, mọc thẳng đứng từ các cành ngang, lá rất thưa)
– Phòng trừ sâu bệnh: Nếu xuất hiện rệp chích hút lá nhựa trên lá non, phòng trừ bằng thuốc Sherpa 0,2%, cách dùng theo chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc. Quét vôi vào gốc cây mỗi năm 2 lần vào tháng 2 – 3 và tháng 9 – 10 phòng trừ sâu đục thân đẻ trứng.
3.1.7. Thời gian sử dụng cây đầu dòng:
Có thể khai thác cành ghép từ cây đầu dòng từ 7 đến 10 năm, sau đó phải thay thế để trẻ hoá giống tốt.
3.2. Nhân cây giống trám ghép từ vườn cây đầu dòng.
Trồng vườn cây đầu dòng được 3 năm thì có thể cắt cành ghép để nhân giống. Kỹ thuật nhân giống trám ghép thực hiện như mục 3.1.
3.2.1.Tiêu chuẩn cây ghép xuất vườn.
Tuổi cây ghép xuất vườn 10 đến 12 tháng
Tiêu chuẩn cây ghép đem trồng :
+ Có chiều cao từ mặt đất > 40 cm trong đó chiều dài của cành ghép > 20 cm.
+ Cây không cong queo, sâu bệnh và có lá xanh, vết ghép liền.
+ Cây đã được đảo bầu (nhấc ra khỏi luống ươm, buộc dây nilon gắn kết bầu đất với gốc cây).
+ Giảm hoặc ngừng tưới nước trước khi trồng ít nhất 15 ngày để cây thích nghi dần với việc vận chuyển đi trồng cũng như điều kiện thời tiết nơi trồng.
4. KỸ THUẬT TRỒNG THÂM CANH TRÁM TRẮNG GHÉP LẤY QUẢ
4.1. Điều kiện gây trồng
4.1.1. Điều kiện khí hậu
Cây Trám trắng có thể gây trồng ở tất cả các vùng có phân bố tự nhiên, có lượng mưa trung bình từ 1.500 – 2.000 mm, nhiệt độ bình quân 20 – 270C, số giờ nắng trên 1.400 giờ/năm.
4.1.2. Điều kiện đất đai, thực bì.
– Đất trồng: Cây Trám trắng ghép thích hợp với đất phù sa sông suối, đất feralit phát triển trên các loại đá mẹ, tầng đất dày > 60cm. Không trồng trên đất ngập úng, chua phèn, bí chặt.
– Thực bì: trảng cỏ, cây bụi đang phục hồi, rừng tái sinh nghèo kiệt.
4.1.3. Kỹ thuật trồng
Cây trám trắng ghép trồng thâm canh với mục tiêu lấy quả có thể trồng tập trung hoặc phân tán, tuỳ thuộc vào điều kiện đất đai.
– Xử lý thực bì: Phát dọn toàn diện để giảm cỏ dại, sâu bệnh và tránh cạnh tranh dinh dỡng.
– Làm đất: Làm đất thủ công hoặc cơ giới.
+ Ở nơi có điều kiện thuận lợi có thể làm đất cơ giới, cày lật đất toàn bộ, độ sâu 30 cm.
+ Những nơi đất dốc trên 200, cuốc lật đất thành băng theo đường đồng mức, băng cuốc rộng từ 0,4m đến 1m, băng chừa tuỳ theo mật độ trồng từ 3 – 4m. Cuốc hố ở mép trên của băng để thuận lợi cho việc chăm sóc cây sau này, hạn chế việc lở đất khi có mưa lớn, kích thước 50 x 50 x 50 cm. Đối với nơi đất xấu cuốc hố 80 x 80 x 80 cm .
Hố cuốc trước khi trồng ít nhất 1 tháng để phơi ải. Lớp đất trên mặt để riêng để trộn với phân bón lót khi lấp hố.
Trong 2-3 năm đầu trồng xen cây ngắn ngày hoặc cây cải tạo đất để giảm xói mòn và tận dụng không gian dinh dưỡng khi cây Trám chưa khép tán.
– Bón lót: Tuỳ thuộc vào tính chất đất tốt hay xấu, bón từ 20-30 kg phân chuồng hoai mục, trộn với đất mặt để lấp hố tạo hình mai rùa. Bón lót và lấp hố trước khi trồng ít nhất 15 ngày, hay sau một trận mưa đủ nước để đất ổn định, nối liền các mao mạch và không bị lún sụt dẫn đến ngập úng.
– Mật độ trồng:
+Trồng tập trung có thể trồng từ 400 cây/ha (cự ly 5 x 5m) đến 600 cây/ha (cự ly 4 x 4m).
+Trồng phân tán cự ly cây 6m – 8m.
– Thời vụ trồng: Cây Trám ghép thường trồng 2 vụ, vụ chính vào vụ Xuân, vụ phụ vào mùa thu, trồng vào những ngày có mưa, hoặc thời tiết râm mát.
Có thể trồng cây trám ghép quanh năm như cây ăn quả khác, bằng cách tưới nước 1 – 2 tuần sau khi trồng, kết hợp cắt bớt một phần hay toàn bộ lá của cây giống.
– Trồng cây: +Tạo một lỗ sâu chừng 25 cm ở giữa hố, đủ rộng để đặt bầu cây (đã tháo vỏ nilon và dây buộc), chỉnh cho cây đứng thẳng, dùng tay vun đất xung quanh bầu đất rồi ấn chặt để bầu cây đứng vững trong hố. Động tác nhẹ nhàng tránh làm tổn thương đến bầu đất, bộ rễ và cây giống.
+Vun gốc cây thành hình mai rùa, tạo gờ nhỏ cao khoảng 5 cm cách gốc 20 cm để vừa đủ chứa nước, nhưng dễ dàng thoát nước khi úng.
+Dùng 3 thanh tre dài 50-80 cm cắm thành hình tam giác xung quanh, cách gốc 20-25 cm, buộc chụm ở trên để cố định và bảo vệ cây.
Dùng rơm rạ hoặc cỏ tranh, cỏ mục phủ một lớp mỏng quanh gốc để giữ độ ẩm cho cây và ngăn chặn cỏ dại.
Cắt bớt 2/3 đến toàn bộ lá trên cây để đảm bảo cân bằng sự thoát hơi nước và kích lộc non phát triển.
5. CHĂM SÓC – QUẢN LÝ BẢO VỆ.
5.1. Chăm sóc.
– Chăm sóc cần được tiến hành ngay sau khi trồng.
– Nội dung chăm sóc: tưới nước, làm cỏ, phá váng xung quanh gốc, phòng sâu bệnh.
– Bón thúc:
+ Năm thứ 2: Bón 0,5kg phân NPK chia 2 lần/năm, hoặc 10 – 20 kg phân chuồng hoai, chia 2 lần/năm
+ Năm thứ 3: Bón 1kg phân NPK chia 2 lần/năm , hoặc 20 – 30 kg phân chuồng hoai, chia 2 lần/năm.
+ Năm thứ 4: Bón 1,5kg phân NPK chia 2 lần/năm, hoặc 30 – 40 kg phân chuồng, chia 2 lần/năm.
+ Năm thứ 5: Bón 2kg phân NPK chia 2 lần/năm , hoặc 40 – 50 kg phân chuồng, chia 2 lần/năm.
– Cách bón: Đối với phân NPK cuốc rãnh rộng và sâu 10 – 15cm theo hình chiếu tán lá, rải đều phân và lấp đất. Phân chuồng bón theo rãnh rộng và sâu 20 – 30 cm lấp đất. Nơi đất dốc bón xung quanh gốc nửa phía trên. Đất chua bón thêm vôi bột liều lượng 0,5 – 1kg/gốc chia 2 lần, cách bón trộn với phân chuồng, 2 năm bón một lần.
5.2. Phòng trừ sâu bệnh
– Sâu đục thân: Loại sâu này thường phát triển vào mùa xuân và mùa hè. Biện pháp phòng tốt nhất là quét vôi gốc cây thường xuyên để chống sâu đến đẻ trứng và diệt trứng sâu. Nếu sâu đã đục vào cây thì dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ diệt sâu hoặc dùng bơm tiêm bơm thuốc trừ sâu (Tre bon, Sherpa) vào lỗ lấy đất sét bịt lỗ làm cho sâu chết ngạt thuốc.
– Rệp: có thể phát sinh vài lần trong năm, nhng thờng thấy vào cuối đông đầu xuân, tụ tập dưới mặt các lá non hút dịch lá và thải phân lên các lá phía dưới như bồ hóng bếp, làm cho lá non không phát triển được, hoặc bị quăn lại cây giảm sản lượng quả. Phòng rệp bằng cách tỉa cành trong tán, cành khuất tán tạo độ thoáng cho cây. Khi có rệp cần phát hiện sớm, phun thuốc Bi58, Trebon, Sherpa để diệt rệp.
5.3. Tỉa cành tạo tán
Vườn Trám lấy quả muốn có năng suất cao cần tạo được tán lá thấp và rộng. Vì vậy phải chú ý tạo tán ngay từ năm đầu.
Có thể chia thành 2 giai đoạn tỉa cành tạo tán:
+Giai đoạn 1: Tiến hành trong 2 – 3 năm đầu. Khi cây đạt độ cao 0,5 – 1,0m thì bấm ngọn, để cây ra 3 – 5 nhánh chính, loại bỏ những cành yếu và những chồi cành vượt để tạo ra cây thấp có tán rộng bề ngang.
+Giai đoạn 2: Tiến hành vào thời kỳ sau thu hoạch, loại bỏ những cành tăm, cành thấp tán (mọc từ cành cấp 1 và cấp 2) tạo độ thông thoáng để hạn chế sâu bệnh và tận dụng ánh sáng. Thời gian tiến hành vào tháng 10, 11 trong năm.
6. KỸ THUẬT THU HÁI QUẢ VÀ SƠ CHẾ BẢO QUẢN QUẢ TRÁM
6.1. Kỹ thuật thu hái.
– Căn cứ vào mục đích sử dụng và khí hậu từng vùng, thời tiết từng năm mà tiến hành thu quả vào thời gian khác nhau, khi quả đã đạt kích thước tiêu chuẩn theo mục đích sử dụng.
– Căn cứ vào thời gian ra hoa kết trái, kích thước, màu sắc để có thể thu quả non, quả vừa, quả già theo mục đích sử dụng.
– Kỹ thuật thu hái: Dùng thang chữ A để thu quả, tránh đập quả làm gẫy dập cành non, không được đốt gốc gây rụng lá hàng loạt, làm giảm năng suất năm sau.
6.2. Sơ chế – bảo quản quả Trám.
– Quả Trám chứa nhiều ta nanh không để được lâu.
– Phương pháp bảo quản thường dùng : Làm tróc lớp vỏ ngoài của quả Trám bằng máy đánh vỏ (có sẵn trên thị trường) rồi ủ muối bão hoà (1kg Trám với 1kg muối), quả Trám có thể giữ nguyên hương vị, màu sắc cả năm sau. Khi sử dụng, rửa sạch muối và co thể chế biến theo mục đích sử dụng.
7. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
7.1 Quy trình này là cơ sở để các đơn vị, cá nhân trồng trám ghép lấy quả áp dụng thực hiện theo đúng kỹ thuật.
7.2. Làm căn cứ để lập thiết kế dự toán đầu tư.
7.3. Quy trình này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.