Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 216:1995 về qui phạm khảo nghiệm trên đồng ruộng – Hiệu lực các loại phân bón đối với năng suất cây trồng, chất lượng nông sản đã được thay thế bởi Tiêu chuẩn ngành 10TCN 216:2003 về quy phạm khảo nghiệm trên đồng ruộng – Hiệu lực của các loại phân bón đối với năng suất cây trồng, phẩm chất nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành .
Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 216:1995 về qui phạm khảo nghiệm trên đồng ruộng – Hiệu lực các loại phân bón đối với năng suất cây trồng, chất lượng nông sản
TIÊU CHUẨN NGÀNH
10 TCN 216:1995
QUI PHẠM KHẢO NGHIỆM TRÊN ĐỒNG RUỘNG
HIỆU LỰC CÁC LOẠI PHÂN BÓN ĐỐI VỚI NĂNG SUẤT CÂY TRỒNG, CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN(
1. Quy định chung
1.1 Quy phạm này quy định những nguyên tắc chung, nội dung và phương pháp chủ yếu để đánh giá hiệu lực của các loại phân bón mới do các cơ sở sản xuất trong nước sản xuất hoặc được giới thiệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các loại phân bón này phải do các cơ quan có chức năng khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và CNTP quy định, đưa thử nghiệm trên đồng ruộng tại các vùng quy định phổ biến sử dụng loại phân bón này.
1.2. Trước khi khảo nghiệm, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón phải làm thủ tục đăng ký khảo nghiệm với cơ quan có thẩm quyền.
1.3. Những điều kiện khảo nghiệm: khảo nghiệm phải đảm bảo tính đồng đều của các yếu tố phi thí nghiệm và phù hợp với các điều kiện canh tác của địa phương.
1.4. Phải tiến hành khảo nghiệm diện hẹp trước. Nếu các kết quả thu được từ khảo nghiệm diện hẹp tốt mới được khảo nghiệm trên diện rộng.
2. Phương pháp khảo nghiệm
2.1. Công thức khảo nghiệm
2.1.1. Đối với các loại phân có đăng ký hàm lượng NPK, liều lượng NPK bón cho một đơn vị diện tích lớn:
2.1.1.1. Công thức đối chứng: Là công thức phân bón phổ biến ở địa phương
2.1.1.2. Công thức khảo nghiệm:
*Bao gồm: phân khảo nghiệm, phân đạm, phân lân, phân kali sao cho tương đương về dinh dưỡng NPK so với công thức đối chứng.
*Bón theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất phân bón về liều lượng, tỷ lệ, cách bón của phân khảo nghiệm và các loại phân thông thường khác.
2.1.2. Đối với các loại phân chứa các chất dinh dưỡng NPK rất ít hoặc lượng bón tính cho một đơn vị diện tích là không đáng kể (ví dụ: các loại phân vi sinh, phân vi lượng, phân bón lá).
2.1.2.1. Công thức đối chứng: là công thức phân bón phổ biến ở địa phương.
2.1.2.2. Công thức khảo nghiệm:
*Trên nền là công thức đối chứng bón bổ sung phân khảo nghiệm (hoặc phun nếu là phân bón lá).
*Bón theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất về liều lượng, tỷ lệ, cách bón của phân khảo nghiệm và các loại phân thông thường khác.
2.2. Phương pháp bố trí:
Theo phương pháp khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCB), ngẫu nhiên hoàn chỉnh (CBD) hoặc tuần tự bậc thang.
2.3. Kích thước ô khảo nghiệm và số lần nhắc:
2.3.1. Khảo nghiệm diện hẹp:
Đối với cây hàng năm diện tích ô tối thiểu 20 m2, phải có bờ, rãnh phân định ô rõ ràng.
Đối với cây lâu năm khoảng cách cây, hàng lớn thì ô thí nghiệm tính theo luống, hàng, số cây, diện tích ô 200 – 300 m2.
Số lần nhắc lại: Tối thiểu 4 lần.
2.3.2. Khảo nghiệm diện rộng:
Diện tích khảo nghiệm ít nhất 10.000 m2 (01 ha).
Trong khảo nghiệm diện rộng các công thức không cần nhắc lại, nhưng trên một mảnh ruộng phải được chia đôi: một nửa được bón phân khảo nghiệm, một nửa làm đối chứng.
2.4. Tiến hành bón phân: Liều lượng, tỷ lệ, thời gian, thời kỳ và kỹ thuật bón phân khảo nghiệm phải tuân thủ theo khuyến cáo của cơ sở sản xuất, kinh doanh phân.
3. Thu thập số liệu
3.1. Phương pháp thu thập số liệu:
3.1.1.Thu thập mẫu đất: Lấy mẫu đất theo phương pháp đường chéo.
3.1.2. Thu thập các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển:
* Đối với cây hàng năm mỗi ô chọn 10 cây.
* Đối với cây lâu năm khoảng cách cây, hàng lớn thì mỗi ô chọn từ 3 cây trở lên tuỳ theo mật độ.
3.1.3. Thu phập số liệu năng suất: Thu cả ô hoặc 5 m2/ô.
3.2. Nội dung thu thập:
3.2.1. Tính chất đất thí nghiệm.
3.2.2. Các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển đặc trưng của cây.
3.2.3. Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất.