Tiêu chuẩn ngành 10TCN92:1988

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Số hiệu: 10TCN92:1988
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Nông nghiệp
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 92:1988 về quy phạm an toàn lao động trong việc sử dụng máy trong nông nghiệp


TIÊU CHUẨN NGÀNH

10 TCN 92:1988

QUY PHẠM AN TOÀN LAO ĐỘNG

TRONG VIỆC SỬ DỤNG MÁY TRONG NÔNG NGHIỆP

1. Quy định chung

1.1. Quy phạm này quy định những biện pháp an toàn cho người và máy nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng máy, chủ yếu đối với các máy hiện nay được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.

1.2. Những người sử dụng máy phải được huấn luyện về kỹ thuật sử dụng và an toàn trong sản xuất. Chỉ cho phép những người có bằng sử dụng máy chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền cấp (ô tô, máy kéo, máy liên hợp, máy chuyên dùng đặc biệt khác…) mới được điều khiển máy.

1.3. Trong khi làm việc, phải sử dụng đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động (quần áo lao động, găng tay, giầy mũ, mặt nạ…) quy định cho từng loại công việc đặc biệt khi làm việc có tiếp xúc với hoá chất độc; phải ăn mặc gọn gàng, phụ nữ phải vấn tóc gọn gẽ. Khi liên hợp máy làm việc ở ngoài đồng phải có túi thuốc cấp cứu mang theo.

1.4. Thủ trưởng các đơn vị quốc doanh, tập thể và chủ máy chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề bảo hộ lao động trong đơn vị và gia đình mình; cung cấp đủ trang bị bảo hộ lao động, tổ chức thực hiện và kiểm tra về an toàn lao động.

1.5. Máy khi sử dụng phải có tình trạng kỹ thuật bình thường, các thiết bị an toàn trên máy (ly hợp, tay lái, bánh, còi, đèn, hệ di động, các đồng hồ báo hiệu, các van an toàn…) phải làm việc tốt và các trang bị bảo hộ lao động đi theo (cơ cấu chống lật, xích chằng, trọng vật cân bằng, các tấm che chắn bộ phận truyền động…) phải đầy đủ. Cần làm việc với những máy có tình trạng kỹ thuật và thiết bị an toàn không bình thường. Mỗi loại máy phải có nội quy sử dụng.

1.6. Địa điểm đặt máy để sử dụng, sửa chữa bảo quản… phải đúng quy cách an toàn, bảo đảm cho công nhân đi lại thao tác dễ dàng.

Khi liên hợp máy động lực với máy công tác phải đảm bảo đúng kỹ thuật. Đối với liên hợp máy tĩnh tại phải được lắp đặt chắc chắn trên mặt phẳng, đối với liên hợp máy di động phải có xích chằng, chốt hoặc khoá hãm.

1.7. Chỉ được tiến hành việc chăm sóc kỹ thuật, sửa chữa khi máy đã tắt hẳn.

1.8. Đối với các loại máy chuyên dùng (có sử dụng các chất nổ, chất dễ cháy, hoá chất độc, áp suất cao…) hoặc trong các tình hình đặc biệt (có chiến tranh, bão lụt…) ngoài quy phạm chung người sử dụng máy phải nắm vững và triệt để tuân theo các quy phạm an toàn lao động riêng cho từng loại máy hoặc trong tình hình đặc biệt.

2. Kỹ thuật an toàn khi sử dụng máy

2.1. Khi chuẩn bị máy để làm việc phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật và an toàn của máy động lực và máy canh tác.

Khi đổ nhiên liệu vào máy cấm không được dùng các vật cứng bằng kim loại, dao… để đập tháo nắp thùng xăng, không đổ nhiên liệu vào máy đang làm việc ở ngoài đồng khi có giông bão, sấm chớp.

Không hút thuốc, soi đèn dầu hay để các vật gây cháy gần nhiên liệu, dầu mỡ.

2.2. Khi phát động máy phải thực hiện:

* Nếu phát động bằng dây không được quấn dây vào tay.

* Nếu phát động bằng tay quay không đứng trước tầm bánh đà của máy đề phòng tay quay đánh trả lại.

2.3. Khi máy đang làm việc, người điều khiển phải có mặt tại vị trí làm việc, không được rời khỏi máy. Khi máy đang di chuyển (đối với máy di động) cấm không được nhảy lên nhảy xuống hoặc đứng, ngồi ở chỗ không quy định.

Không để người không có phận sự đến gần hoặc điều khiển máy.

2.4. Khi di chuyển người lái máy phải quan sát chướng ngại trên đường, phải báo hiệu mới cho máy di chuyển. Trường hợp trên liên hợp máy còn có công nhân khác làm việc, người lái máy cần kiểm tra xem họ đã sẵn sàng chưa và khi báo hiệu phải nhận được tín hiệu trả lời mới cho liên hợp máy di chuyển.

2.5. Khi chạy trên đường phải tuân theo luật giao thông đường bộ. Khi qua ngã ba, ngã tư, đường vòng, đường xe lửa, qua cầu cống, chỗ đông người… phải giảm tốc độ, báo hiệu, nếu cần phải dừng máy xuống quan sát, chú ý không để máy công tác treo hoặc móc phía sau va quệt vào người và vật trên đường đi.

2.6. Khi làm việc ban đêm liên hợp máy phải có hệ thống đèn chiếu sáng tốt.

2.7. Khi liên hợp máy làm việc ở ruộng nước, phải tuân theo các quy phạm, quy trình sử dụng máy ở ruộng nước, đặc biệt phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định sau:

* Máy kéo khi đi lồng ở ruộng nước phải lắp cơ cấu chống lật.

* Khi vượt bờ hoặc lên xuống ruộng phải cho liên hợp máy đi cân bằng, thẳng góc với bờ ruộng, độ dốc lối lên xuống ruộng không quá 150.

2.8. Khi liên hợp máy làm việc trên đồi dốc, phải tuân theo các quy phạm, quy trình sử dụng máy trên đồi dốc, đặc biệt phải nghiêm chỉnh thực hiện các điểm sau:

* Không làm việc trên sườn dốc có độ dốc quá quy định cho từng loại máy.

* Trong trường hợp cần thiết phải lắp các cơ cấu chống lật, chống trượt ngang, trọng vật cân bằng để máy làm việc được an toàn.

* Khi lên xuống dốc phải đi với tốc độ thấp, hạn chế cắt ly hợp và đổi số tốc độ của máy kéo. Khi vận chuyển trên đường dốc rơ moóc phải có phanh tốt.

2.9. Khi liên hiệp máy làm đất làm việc:

* Không được đứng trên giàn treo hoặc giàn móc máy làm đất.

* Không đi sau máy làm đất có bộ phận quay tích cực như các loại máy phay đất.

* Việc thay các bộ phận làm việc của máy làm đất như lưỡi cày, trụ lưỡi, lưỡi phay…, kiểm tra siết chặt các bộ phận máy chỉ thực hiện khi động cơ đã tắt hẳn hoặc đã tách máy làm đất ra khỏi máy kéo.

* Khi quay vòng phải giảm tốc độ của liên hợp máy. Máy làm đất phải chuyển sang thế vận chuyển; trường hợp do cấu tạo máy làm đất không chuyển sang thế vận chuyển được thì phải giảm tốc độ liên hợp máy tới mức thấp nhất cho phép.

2.10. Khi liên hợp máy gieo, máy chăm sóc làm việc:

* Công nhân làm việc trên máy gieo, phải đứng ở vị trí quy định, không được nhảy lên, nhảy xuống sàn đứng khi liên hợp máy đang làm việc.

* Không nâng hạ tiêu rạch hàng khi liên hợp máy đang làm việc

* Khi đổ hạt giống hoặc phân hoá học không được đứng ở cuối gió, không tiếp xúc trực tiếp với hoá chất độc hại, phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy phạm an toàn trong việc sử dụng các hoá chất độc.

* Không dùng tay không để đảo hoặc san bằng hạt giống có xử lý hoá chất trong máy gieo hay phân hoá học trong máy bón phân hoặc trong các thùng có bộ phận khuấy trộn.

* Không sử dụng công cụ và máy phun thuốc trừ sâu cho cây trồng khi vận tốc của gió vượt quá 2 m/s hoặc vào buổi trưa trong những ngày nắng nóng.

2.11. Khi liên hợp máy thu hoạch làm việc:

* Khi thu hoạch nông sản có nhiều bụi nhất là vào thời tiết khô, có gió phải đeo kính bảo hộ.

* Các sàn nơi công nhân làm việc phải sạch sẽ, khô ráo để không bị trượt ngã, xảy ra tai nạn khi đang làm việc.

* Các bộ phận truyền lực bằng xích, bánh răng, trục các đăng đều phải được che chắn.

* Chỉ được làm sạch, gỡ các thân cây kẹt trong máy khi liên hợp máy đã dừng và trục truyền công suất đã được ngắt hoàn toàn.

* Khi điều chỉnh các khớp ly hợp an toàn trong hệ thống truyền lực, không được đứng đối diện với đầu trục.

* Không được mở nắp bảo vệ trống dao, trống răng… khi máy chưa dừng hẳn.

* Không được đứng phía trước bộ phận cắt đang làm việc.

2.12. Khi máy tĩnh tại làm việc:

* Máy phải được lắp đặt trên bệ, móng vững chắc đúng quy cách. Nhà đặt máy phải đảm bảo đủ ánh sáng và không khí để làm việc, mặt nền nhà không để trơn ướt. Về mùa hè nhiệt độ trong nhà đặt máy cao phải có biện pháp chống nóng và thông gió.

* Các bộ phận truyền lực (xích, bánh răng, curoa, trục các đăng, khớp nối…) và các bộ phận làm việc (trống dao, búa nghiền, trống đập…) phải được che kín.

* Phải kiểm tra vật liệu đưa vào máy, không để vật cứng lẫn vào làm hư hỏng các bộ phận làm việc và bắn ra ngoài gây tai nạn đối với người sử dụng. Không dùng tay đưa vật liệu qua cửa nạp.

* Khi làm việc với các máy tuốt, đập hạt, máy chế biến nông sản phải đeo khẩu trang, kính bảo hộ và các trang bị phòng hộ lao động cần thiết khác.

* Khi máy làm việc không bình thường (có tiếng gõ khác thường, nhiệt độ và áp suất quá mức quy định…) phải tắt máy để tìm nguyên nhân khắc phục. Khi động cơ vượt tốc phải cắt ngay việc phun nhiên liệu hoặc cung cấp không khí vào buồng đốt.

* Đối với các máy dùng điện phải triệt để tuân theo quy phạm sử dụng điện. Đặc biệt, máy phải được tiếp đất tốt và cầu dao điện phải được đặt trong hộp.

3. Kỹ thuật an toàn trong công tác chăm sóc, kiểm tra, sửa chữa máy

3.1. Việc tháo lắp, kiểm tra, sửa chữa máy chỉ được tiến hành khi đã tắt máy và các máy công tác được đặt ở thế hạ, ở nơi có đủ điều kiện về an toàn và kỹ thuật.

3.2. Khi tháo lắp máy phải sử dụng đúng các công cụ và phương tiện tháo lắp.

* Khi tháo lắp phải sử dụng các loại cờ lê và lực siết quy định, đề phòng bị trượt hoặc gãy cờ lê, đứt bu lông làm mất đà gây thương tật.

* Khi tháo lắp các cụm máy có lò xo cần phải sử dụng những trang bị chuyên dùng để lò xo không bật ra gây thương tật cho người tháo lắp máy.

* Khi sử dụng đèn cầm tay cấm dùng đèn có điện áp cao hơn 36 vôn.

* Khi kê kích tháo lắp máy phải đặt kích trên nền cứng phẳng và phải kê chắc chắn, không được dùng kích thay vật kê.

3.3. Trong khi sửa chữa nếu phải tiến hành những công việc khác nhau của thợ nguội, phải tuân theo các quy phạm an toàn trong các xưởng bảo dưỡng, sửa chữa máy.

4. Kỹ thuật an toàn trong bảo quản máy

4.1. Người phụ trách bảo quản phải nắm vững kỹ thuật an toàn lao động, chấp hành đúng quy phạm an toàn trong bảo quản, sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu người bị nạn và các trang bị bảo hộ lao động khác.

4.2. Các kho bảo quản và cất giữ máy móc, phụ tùng, vật tư phải có nội quy và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy (bình chữa cháy, bơm, gầu, bể nước, thùng cát…) phù hợp với các quy định phòng cháy chữa cháy chung.

Định kỳ kiểm tra các phương tiện này và tổ chức diễn tập.

4.3. Mạng điện trong kho phải được lắp đặt theo đúng quy phạm sử dụng điện, tránh để xảy ra tai nạn đối với người và gây cháy kho tàng, thiết bị, vật tư.

4.4. Nhiên liệu, dầu, mỡ, các hoá chất độc, các chất dễ nổ phải được bảo quản và cất giữ theo các quy phạm riêng. Phải có nội quy và các trang bị bảo hộ lao động để người làm công tác bảo quản không bị ảnh hưởng tới sức khoẻ, không gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và tập thể.

5. Cách xử lý khi xảy ra tai nạn lao động

5.1. Khi xảy ra tai nạn phải cấp cứu ngay người bị nạn. Khi gặp tai nạn nghiêm trọng, sau khi cấp cứu người bị nạn, phải giữ nguyên hiện trường để các cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định.

5.2. Khi bị xây xát nhẹ, chảy máu phải sát trùng và băng lại. Khi chảy máu nhiều phải cấp cứu cầm máu và đưa người bị nạn đến trạm y tế.

5.3. Khi bị gãy xương phải cấp cứu dùng nẹp cố định chỗ xương bị gãy và nhẹ nhàng chuyển người bị nạn đến trạm y tế.

5.4. Khi bị điện giật phải cắt ngay dòng điện đi qua người bị nạn hoặc đưa người bị nạn ra khỏi vật dẫn điện. Cần chú ý là người thực hiện cấp cứu phải dùng những vật cách điện khi kéo người bị nạn tách khỏi vật dẫn điện. Sau đó phải tiến hành cấp cứu người bị nạn theo hướng dẫn của bác sĩ.

5.5. Khi bị nhiễm chất độc hoá học phải nhanh chóng thực hiện các quy định cấp cứu người bị nạn tuỳ theo loại hoá chất độc hại.

5.6. Thủ trưởng các đơn vị và chủ máy phải chịu trách nhiệm về tai nạn xảy ra, giải quyết hậu quả và có biện pháp đề phòng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *