Tiêu chuẩn ngành 10TCN93:1988

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Số hiệu: 10TCN93:1988
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Nông nghiệp
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 93:1988 về quy phạm bảo quản máy móc thiết bị dùng trong nông nghiệp


TIÊU CHUẨN NGÀNH

10 TCN 93:1988

QUY PHẠM BẢO QUẢN MÁY MÓC THIẾT BỊ DÙNG TRONG NÔNG NGHIỆP

1. Quy định chung

1.1. Quy phạm bảo quản máy móc thiết bị dùng trong nông nghiệp được ban hành nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ và công nhân trong việc bảo quản máy móc thiết bị, hạn chế những hư hỏng mất mát do người hoặc vật và các yếu tố thiên nhiên như nắng, mưa, gió bão, đất cát, các chất hoá học… gây ra trong quá trình bảo quản.

1.2. Tất cả các máy móc, thiết bị dùng trong nông nghiệp chưa đem ra dùng đều phải bảo quản chu đáo, những máy đã đem ra dùng trong thời gian máy nghỉ việc trên 20 ngày cũng phải đưa vào bảo quản.

1.3. Máy đưa vào bảo quản chia làm 2 loại: ngắn hạn và dài hạn. Bảo quản ngắn hạn áp dụng cho các loại máy nghỉ việc dưới 3 tháng, bảo quản dài hạn áp dụng cho các loại máy nghỉ việc trên 3 tháng.

1.4. Máy bảo quản dài hạn phải có biên bản “giao nhận” ghi rõ tình trạng kỹ thuật của máy. Đối với máy móc và công cụ đơn giản khi đưa vào bảo quản cho phép lập một biên bản “giao nhận” chung. Người giao máy và người nhận máy phải ký tên vào biên bản.

Các cụm máy, chi tiết, dụng cụ, phụ tùng tháo khỏi máy để bảo quản phải lập thêm bản kê khai kèm theo biên bản “giao nhận”.

Trên mỗi cụm máy, mỗi chi tiết, mỗi hòm chứa, các cụm máy phải có phiếu ghi rõ mã hiệu và số đăng ký của máy đó.

1.5. Dầu mỡ chuyên dùng cho việc bảo quản máy móc dùng trong nông nghiệp gồm các loại sau:

Dầu bảo quản: K-15, K-17, K-19, HÃ-203A, 203Á, 203B, HÃ-204 của Liên Xô hoặc các loại tương đương.

Mỡ bảo quản: YH, YC-1, YC-2, YC-3 của Liên Xô hoặc các loại tương đương.

Có thể dùng mỡ tận dụng để bảo quản các chi tiết máy đơn giản, thô như trụ cày, lưỡi cày, lưỡi xới, diệp cày v.v…

1.6. Việc chuẩn bị máy để đưa vào bảo quản phải do người được giao trách nhiệm trực tiếp bảo quản tiến hành.

Người được giao trách nhiệm bảo quản máy phải được hướng dẫn đầy đủ về yêu cầu kỹ thuật bảo quản từng loại máy, phải có sổ sách thống kê theo dõi những máy và cụm máy đưa vào bảo quản trong kho và phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, bảo quản tốt những tài sản được giao cả về chất lượng lẫn số lượng.

1.7. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo quản máy móc thiết bị v.v… trong đơn vị mình: bố trí kho tàng, sân bãi; cung cấp và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị dùng bảo quản, bố trí cán bộ công nhân; thường xuyên kiểm tra và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình bảo quản.

2. Kỹ thuật bảo quản

2.1. Nguyên tắc chung:

2.1.1. Nhà bảo quản phải được xây dựng ở nơi thoáng, cao ráo, xung quanh có rãnh tiêu nước, cách xa kho chứa các chất hoá học, chất mặn, vật liệu dễ cháy (nhiên liệu, dầu mỡ, rơm rạ) và xa đường dây điện cao thế theo quy định an toàn về điện. Nền nhà bảo quản phải đủ sức chịu tải của máy bảo quản.

Bề mặt bãi ngoài trời phải phẳng và đạt độ nghiêng 2 – 3 độ (dễ thoát nước). Lớp bề mặt bãi phải chắc, có khả năng chịu được tải trọng của máy chuyển động.

2.1.2. Địa điểm bảo quản ngoài kho, bãi phải có:

* Nơi rửa máy và phương tiện rửa.

* Giếng nước, có hồ hoặc máy nước.

* Kho cất giữ các cụm tháo khỏi máy khi máy đưa vào bảo quản.

* Các trang thiết bị phòng hoả và cứu hoả.

2.1.3. Máy đưa vào bảo quản thực hiện ngay sau khi chăm sóc kỹ thuật hoặc sửa chữa.

2.1.4. Trước khi bảo quản máy móc thiết bị phải kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, trừ trường hợp máy móc thiết bị bảo quản để chờ sửa chữa.

2.1.5. Trước khi bảo quản máy móc thiết bị nếu lớp sơn bị hỏng tróc sơn phải sơn lại hoặc bôi dầu mỡ theo từng trường hợp cụ thể.

Các bề mặt ma sát của các chi tiết, các bộ phận máy không sơn phải bôi dầu mỡ bảo quản…

2.1.6. Máy bảo quản trong nhà hoặc ngoài trời đều phải sắp xếp theo loại và theo mã hiệu. Mỗi máy phải có một vị trí cố định, khi sắp xếp phải đảm bảo đúng khoảng cách giữa các máy để thuận tiện việc kiểm tra kỹ thuật và di chuyển khi cần thiết.

Khoảng cách tối thiểu giữa các máy trong một hàng phải từ 0,5 đến 1 mét, giữa các hàng không nhỏ hơn 6 mét.

2.1.7. Hòm để máy trong kho phải kê cao tối thiểu 20 cm, để ngoài trời phải kê cao 30 cm và phải che đậy tốt.

2.1.8. Máy móc thiết bị không được để chồng lên nhau. Những máy để trong các hòm gỗ được phép xếp chồng khi vỏ hòm dưới chịu được sức nặng của các hòm trên. Chú ý không xếp cao quá tránh đổ vỡ gây tai nạn.

2.1.9. Những máy móc thiết bị chưa đưa ra sử dụng còn đóng trong hòm phải bảo quản ở dạng nguyên hòm, nhất là máy móc thiết bị để ngoài trời. Những hòm mở ra để kiểm tra và bảo quản xong phải đóng lại như cũ.

2.1.10. Máy móc thiết bị đã lắp sẵn từ các nhà máy chế tạo thì không được tháo rời mà phải bảo quản ở dạng nguyên thuỷ (trừ các bộ phận phải tháo rời để bảo quản riêng).

2.1.11. Trường hợp phải tháo rời để bảo quản thì phân loại các chi tiết quan trọng, bộ phận tinh vi, vật liệu quý dễ vỡ, dễ hỏng v.v… để có biện pháp kỹ thuật bảo quản thích hợp với từng loại.

2.1.12. Khi bảo quản tuyệt đối không được để xăng dầu, mỡ dính vào các sản phẩm cao su, chất dẻo, da, chất cách điện v.v…

2.1.13. Những vật liệu đệm trong bao bì như vỏ bào, giấy vụn, chất xốp… phải giữ cho khô ráo không bị nấm mốc. Nếu bị ẩm ướt phải đem xử lý khô mới sử dụng.

2.1.14. Việc khử gỉ bề mặt kim loại không được tuỳ tiện mà phải căn cứ vào độ nhẵn bóng, độ chính xác và tầm quan trọng của chi tiết mà lựa chọn cách xử lý cho thích hợp do cán bộ kỹ thuật, bảo quản quyết định.

2.1.15. Máy đưa vào bảo quản ngắn hạn:

Phải thực hiện tất cả các điểm nêu ở các điều 2.13, 2.14, 2.15 và thêm các điều sau đây:

* Máy phải được lau chùi sạch sẽ, tra đầy đủ dầu mỡ, nhiên liệu… như khi máy làm việc.

* Phải kê kích máy cách khỏi mặt đất ít nhất 10 cm.

* Phải giảm áp suất hơi trong bánh lốp xuống còn 70 – 80% mức quy định khi sử dụng và tránh không để lốp chịu sức nén của máy.

* Nếu máy bảo quản ngoài trời thì phải: tháo tất cả các bộ phận dễ bị mưa, sương, nắng, bụi phá huỷ (các cụm máy thuộc hệ thống điện, các băng truyền vải bạt…) đưa vào bảo quản trong kho.

* Phải che hoặc bít các lỗ hở mà qua đó mưa, sương, hơi nước, bụi bẩn, đất cát có thể lọt vào trong máy.

2.1.16. Máy đưa vào bảo quản dài hạn:

Ngoài những điều nêu ở điều 2.1.15 ở trên còn phải thực hiện thêm những điều sau:

* Để khung máy và các cụm máy có kích thước dài không bị cong hoặc biến dạng.

* Máy phải đặt trên nền chắc và kê cho thăng bằng.

* Tất cả các cơ cấu, các cụm và các chi tiết máy cũng như các trang thiết bị, phụ tùng tháo khỏi máy phải lau sạch bụi bẩn và đưa vào bảo quản trong kho. Các chi tiết, trang thiết bị phụ tùng không có sơn cần bôi dầu mỡ bảo quản.

* Các lò xo kéo phải nới chùng (ở những bộ phận có thể được).

2.2. Bảo quản động cơ đốt trong:

2.2.1. Tất cả các loại động cơ đốt trong đều phải bảo quản trong kho, đặt trên các giá hay bục kệ.

2.2.2. Động cơ đốt trong ở dạng tháo rời từng cụm hoặc từng chi tiết phải bảo quản theo quy phạm bảo quản phụ tùng.

2.2.3. Động cơ đốt trong ở dạng lắp sẵn phải đổ hết cặn nước trong hệ thống làm mát, bôi lớp mỡ chống gỉ lên bề mặt kim loại đã gia công và đường ren của chi tiết. Bơm dầu mỡ vào chỗ quy định. Các te động cơ đổ dầu mới.

2.2.4. Động cơ chạy xăng phải chú ý bảo quản tốt các bộ phận như máy phát điện, bộ điều hoà, bộ phận đánh lửa, bộ phận khởi động v.v… không để các bộ phận này bị ẩm ướt hoặc gỉ, ắc quy của máy phải tháo ra đem bảo quản theo quy phạm bảo quản ắc quy.

Đối với động cơ điêzen phải chú ý bảo quản bơm cao áp, vòi phun, bộ điều hoà nhiên liệu. Những bộ phận này nếu bị hư hỏng phải do thợ chuyên môn sửa chữa bảo quản.

2.2.5. Động cơ đốt trong sau khi đã sử dụng một thời gian mới đưa bảo quản thì ngoài những công việc trên cứ 3 tháng cho máy phát động một lần.

2.3. Bảo quản ô tô máy kéo: Tất cả các loại ô tô máy kéo đưa vào bảo quản ngoài việc thực hiện các điều 2.1.15, 2.1.16, 2.2 còn phải thực hiện thêm các điều sau:

2.3.1. Ô tô máy kéo vận chuyển bằng đường biển nếu bị nhiễm mặn, nước biển phải được rửa sạch bằng nước lã, lau chùi sạch bôi dầu mỡ, sau đó mới đưa vào bảo quản.

2.3.2. Tất cả các lỗ kiểm tra nước, dầu, vú mỡ phải nút thật chặt. Nắp hộp số, chỗ tay gài số, khe hở giữa trống phanh và má phanh của ô tô, bảng đồng hồ kiểm tra (của các loại máy kéo không có ca bin) phải dán giấy nến hoặc bôi dầu mỡ bảo quản bên ngoài. Kính ca bin máy kéo, ô tô cần đóng chặt lại, nếu có khe hở phải dán bằng giấy dầu và bôi trơn dầu bảo quản bên ngoài. Đèn pha, gương phản chiếu phải che bọc kín và phủ bằng giấy dầu.

2.3.3. Dải xích của máy kéo xích phải kê trên các tấm gỗ hay xi măng. Tất cả các bộ phận bánh sắt và xích sắt của máy kéo phải được lau sạch và quét một lớp dầu máy cũ.

2.3.4. Ô tô máy kéo chạy bằng điêzen nếu không phải là thợ chuyên môn tuyệt đối không được tự ý tháo chữa, điều chỉnh các bộ phận: bơm cao áp, vòi phun nhiên liệu, bộ điều hoà nhiên liệu.

2.3.5. Phải bảo quản đầy đủ số lượng phụ tùng và đồ nghề cho từng xe (nếu có). Các tài liệu kỹ thuật phải giữ gìn đầy đủ, không để hư hỏng, mất mát.

2.3.6. Cứ 3 tháng cho máy phát động và di chuyển thay đổi vị trí một lần.

2.4. Bảo quản máy nông nghiệp:

2.4.1. Khi bảo quản ngắn hạn (từ 10 ngày đến 3 tháng) phải chuẩn bị ngay sau khi làm xong công việc. Khi bảo quản dài hạn (hơn 3 tháng) phải chuẩn bị máy không muộn quá 10 ngày kể từ khi làm xong công việc. Máy phun thuốc trừ sâu, máy bón phân phải bảo quản ngay sau khi làm xong công việc, không phụ thuộc vào thời hạn bảo quản.

Động cơ, săm lốp, dây đai của các loại máy nông nghiệp bảo quản theo quy định trong các điều 2.2, 2.5 của quy phạm này.

2.4.2. Đối với máy làm đất khi đưa vào bảo quản phải làm vệ sinh sạch sẽ tất cả các bộ phận, tra dầu mỡ đầy đủ các vị trí quy định.

* Dưới lưỡi cày, đĩa bừa, lưỡi phay, bánh lồng, thuyền phao v.v… đều phải kê kích không để sát đất.

* Bơm và ống dẫn thuỷ lực của bộ phận nâng hạ lắp trên cày, bừa đĩa v.v… phải tháo khỏi máy và đưa vào bảo quản trong nhà kho.

* Lưỡi và diệp cày, đĩa cắt, dao đĩa, đĩa bừa, mặt ren, bu lông, đai ốc các trục vít v.v… phải bôi dầu mỡ bảo quản.

2.4.3. Cùc loại máy gieo hạt và chăm sóc khi đưa vào bảo quản phải làm sạch toàn bộ, nhất là ống dẫn hạt, ống dẫn phân, lò xo kéo phải nới chùng (nếu có thể được) tra dầu mỡ đầy đủ cho máy:

* Tất cả các bộ phận làm việc phải để ở thế làm việc, dưới có kê kích. Tiêu rạch hàng phải để ở thế vận chuyển.

* Các loại xích phải bôi dầu mỡ và bảo quản trong kho.

* Trong từng trường hợp bảo quản máy ở ngoài trời, các chi tiết quan trọng phải tháo ra đem vào bảo quản trong kho.

2.4.4. Đối với máy thu hoạch:

* Bộ phận cắt của máy gặt đập liên hợp phải hạ xuống vị trí thấp nhất nhưng dưới có kê kích, còn bộ phận cắt của máy khác nên ở thế vận chuyển.

* Bộ phận cắt của máy thu hoạch thức ăn xanh phải nâng lên vị trí cao nhất, trục của cơ cấu nâng hạ phải chốt lại.

* Dưới mũi của bộ phận rạch hàng phải kê kích.

* Trường hợp máy phải bảo quản ở ngoài trời thì tất cả các chi tiết như lưỡi cắt, xích truyền, trục các đăng v.v… cần tháo khỏi máy, lau chùi sạch sẽ, bôi dầu mỡ bảo quản ở kho riêng.

* Các chi tiết bằng vải phải lau sạch phơi khô, cuộn lại thành cuộn bao gói cẩn thận và bảo quản ở chỗ khô không có mối mọt.

2.4.5. Đối với máy bơm nước có kèm theo phần động lực như động cơ điện hay động cơ đốt trong phải bảo quản trong kho theo quy phạm của từng loại. Nếu chỉ riêng thân bơm thì có thể bảo quản ở lán hoặc bãi có kê lót và che đậy cẩn thận tránh mưa nắng.

* Bôi và bơm mỡ bảo quản lên bề mặt của trục bơm, khớp nối trục, ổ trục và trục quay của van 1 chiều.

* Các ống dẫn nước của bơm bằng cao su phải tháo ra và đem bảo quản riêng trong kho theo quy định ở điều 2.6 quy phạm này.

* Bên trong của bơm phải giữ cho khô ráo, không đọng nước, không để bụi bẩn, đất cát rơi vào trong bơm.

2.5. Bảo quản động cơ điện và máy phát điện, tổ máy phát điện.

2.5.1. Động cơ điện, máy phát điện và tổ phát điện phải bảo quản trong kho khô ráo thoáng mát. Tuyệt đối không được để ở ngoài trời.

Nếu vì điều kiện chưa đưa ngay được vào kho thì phải để máy ở nơi cao ráo, kê cách mặt đất tối thiểu 30 cm, che mưa nắng và chỉ được phép để tạm ngoài trời những máy điện đã đóng trong bao bì nguyên vẹn.

2.5.2. Động cơ điện, máy phát điện phải được kê trên các tấm lót gỗ hay xi măng. Tổ máy phát điện lưu động có bánh xe phải kê sao cho bánh xe cách mặt đất ít nhất 5 cm và bảo quản phần động cơ đốt trong theo điều 2.2 của quy phạm này.

2.5.3. Trước khi đưa vào kho bảo quản động cơ điện và máy phát điện phải kiểm tra và bảo dưỡng như sau:

* Kiểm tra tình trạng ruột động cơ: Động cơ phải quay tay được dễ dàng, nếu bị kẹt phải tháo ra khỏi vỏ, sửa chữa hư hỏng rồi lắp lại như cũ, công việc này do thợ chuyên môn làm.

* Kiểm tra bên ngoài, các cực nối phải lấy giấy nháp đánh sạch, lau chùi cẩn thận, vỏ động cơ bị bong sơn, han gỉ phải đánh sạch gỉ và sơn lại một lớp sơn mới.

* Lau sạch đầu trục của máy phát điện và động cơ điện, bôi một lớp mỡ bảo quản rồi bọc kín bằng giấy không thấm dầu. Tránh va chạm mạnh vào các đầu trục làm sây sát hoặc cong.

* Không để dầu mỡ dính vào cuộn dây.

* Khi bảo quản máy phát điện dài hạn nên tháo nhíp lò xo của chổi than bỏ vào hộp buộc gần máy.

2.5.4. Các loại dây điện, cáp điện phải để trong nhà kho có giá kệ kê lót.

2.5.5. Các thiết bị điện đều phải bôi mỡ bảo quản ở bề mặt kim loại (trừ các rơ le).

2.6. Bảo quản săm lốp và các sản phẩm cao su và chất dẻo:

2.6.1. Săm lốp ô tô máy kéo và các sản phẩm cao su, chất dẻo bảo quản trong nhà kho. Kho phải thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo không có ánh mặt trời chiếu vào và xa các nguồn nhiệt.

2.6.2. Săm lốp ô tô máy kéo phải xếp trên giá kho, giá để lốp không được đặt sát tường, giữa lốp nọ với lốp kia phải cách nhau ít nhất 3 cm. Cấm không được xếp thành từng chồng hay chất đống dưới đất. Đặc biệt cấm để gần chất dễ cháy, các dung môi hoà tan như nhiên liệu, mỡ, axit, bazơ.

Cứ sau 3 tháng phải xoay lốp 1/4 vòng để thay đổi vị trí tiếp xúc của lốp, đồng thời lau chùi bảo quản.

2.6.3. Phải cuộn bọc săm lốp bằng giấy chống ẩm. Nếu săm để ở trong lốp cần xoa một lớp bột tan và bơm phồng nhẹ. Lắp yếm lốp cùng với săm và lốp; các van săm dùng nỉ đánh sạch và vặn chặt kim van, không để rơi vãi mất mát mũ van.

2.6.4. Cao su tấm nếu chiều dày nhỏ hơn 12 mm có thể cuộn thành từng ống để bảo quản.

2.6.5. Nếu máy phải bảo quản ngoài trời thì phải tháo những bộ phận bằng cao su, chất dẻo đem vào trong kho bảo quản.

2.6.6. Nếu săm lốp lắp trên máy trong thời gian bảo quản thì phải hạ áp suất hơi trong bánh xe xuống khoảng 70 – 80% so với mức bình thường. Nếu máy phải bảo quản ngoài trời thì dùng bạt hoặc phên nứa, gỗ v.v… che đậy cẩn thận tránh mưa nắng.

2.7. Bảo quản ắc quy:

2.7.1. Kho bảo quản ắc quy phải khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 300C. Đối với ắc quy kiềm nhiệt độ thích hợp nhất trong việc bảo quản là 15 – 200C.

* Nơi bảo quản ắc quy không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào và để xa nguồn nhiệt.

* Không bảo quản ắc quy axít và ắc quy kiềm trong cùng một phòng.

* Ắc quy để trong kho xếp thành hàng trụ cực quay lên trên, không xếp lộn xộn, xếp ngược hoặc xếp chồng lên nhau.

* Nếu kho chứa nhiều ắc quy cần làm giá nhiều tầng để xếp.

2.7.2. Các lỗ thông hơi của bình phải lau thật sạch, nút phải vặn chặt. Bề mặt của ắc quy phải dùng chổi lông tẩm 10% dung dịch cồn hoặc xút canxi để quét. Các cực ra vào, các cực nối giữa các ngăn với nhau phải đánh sạch rồi dùng vadơlin kỹ thuật xoa vào.

2.7.3. Ắc quy mới cũng như ắc quy đã dùng phải được kiểm tra theo chu kỳ và bảo quản theo quy định của nhà máy chế tạo.

2.8. Bảo quản nhiên liệu dầu mỡ:

2.8.1. Nơi bảo quản nhiên liệu dầu mỡ phải cao ráo, mát mẻ, có mái che tránh ánh nắng mặt trời.

* Phải xa nguồn nhiệt, xa nơi làm việc, ít người qua lại;

* Phải có thiết bị chống sét;

* Phải có đầy đủ dụng cụ và phương tiện phòng chống cháy và chữa cháy;

* Phải có rào chắn xung quanh.

2.8.2. Các bể và vật chứa đựng nhiên liệu, dầu mỡ phải tốt, sạch sẽ, không han gỉ, có đủ nắp, đệm, bu lông; vật chứa đựng loại nhiên liệu nào chỉ dùng đựng loại đó, muốn đựng loại khác phải rửa sạch, hong khô và tráng bằng loại sẽ được chứa vào.

2.8.3. Khi chứa nhiên liệu vào bảo quản ở các bể và vật chứa phải tính đến sự giãn nở và bốc hơi theo sự thay đổi nhiệt độ của môi trường và cách đặt bể.

2.8.4. Các van nắp để trong thời kỳ bảo quản phải niêm phong cẩn thận. Khi phát hiện thấy hư hỏng ở bể, đường ống hoặc mất dấu niêm phong phải tìm nguyên nhân và kịp thời khắc phục ngay.

2.8.5. Phải định kỳ kiểm tra các bể chứa và chất lượng, số lượng dầu mỡ bảo quản.

2.8.6. Thực hiện nguyên tắc thay cũ đổi mới; loại cũ và phẩm chất thấp hơn thì cấp phát trước, loại mới nhập và có chất lượng cao hơn cấp phát sau nhưng phải đảm bảo chất lượng tối thiểu đã được quy định.

2.9. Bảo quản phụ tùng, sắp xếp vật tư… thực hiện theo quy định số 116/VT-KHKT và 774/VT-QL của Bộ Vật tư đã ban hành.

2.10. Kiểm tra chăm sóc kỹ thuật trong và sau khi bảo quản:

2.10.1. Máy bảo quản trong lán tạm thời hoặc nhà trống cứ một tháng một lần kiểm tra; hoặc sau trận mưa to, gió bão phải tiến hành kiểm tra lại lớp dầu mỡ bảo vệ, nếu cần thiết thì phải bôi lại. Máy bảo quản trong nhà kho kín thì cứ hai tháng một lần kiểm tra. Nội dung kiểm tra gồm các việc sau:

* Phát hiện những mảng dầu mỡ bảo vệ, nếu mất tác dụng cần bôi lớp mới.

* Kiểm tra tình trạng thiếu đủ các chi tiết, tình trạng biến dạng của khung máy v.v… nếu phát hiện không đảm bảo kỹ thuật tìm cách khắc phục ngay.

* Đối với các chi tiết máy tháo rời khỏi máy để bảo quản riêng trong kho thì hàng tháng kiểm tra, khi cần thiết thì bôi lại dầu mỡ bảo quản.

2.10.2. Khi đưa máy ra khỏi nơi bảo quản để sử dụng phải làm những việc sau:

* Máy phải lau hết dầu, mỡ bảo quản.

* Tất cả các chỗ dán giấy, buộc dây, đậy nút và các chỗ khác phải tháo khỏi máy.

* Tất cả các cụm máy và các chi tiết máy cũng như những phụ tùng, dụng cụ, săm lốp đã tháo khỏi máy để bảo quản trong kho, sau khi nhận về phải lau hết dầu mỡ bảo quản, lắp lên vị trí của nó và điều chỉnh lại các bộ phận.

* Kiểm tra lại nồng độ và mức dung dịch điện phân trong các bình ắc quy và nếu cần thì nạp thêm.

* Đổ bớt dầu thừa ở đáy bình lọc không khí, dầu trong bơm nhiên liệu cũng tháo bớt ra cho vừa mức vẫn dùng. Dùng máy phát hành hoặc tay quay trục cơ vài vòng sau khi đã tháo vòi phun và bu gi ra.

* Kiểm tra chất lượng dầu mỡ trong các bộ phận nếu phát hiện bị biến chất phải xả thay mới.

* Chăm sóc máy theo nội dung chăm sóc hàng kíp.

* Tiến hành kỹ thuật kiểm tra máy theo nội dung kiểm tra máy trước khi vào vụ.

3. Bảo vệ, phòng hoả và bảo hộ lao động trong kho máy móc, thiết bị, vật tư xăng dầu mỡ

3.1. Các kho tàng bảo quản các máy móc, trang thiết bị v.v… phải có chế độ và nội quy cụ thể về bảo vệ, phòng hoả, bảo hộ lao động, xuất nhập và nội quy sử dụng các thiết bị trong kho, ngăn ngừa phá hoại và trộm cắp.

3.2. Các kho tàng cần phải phân công rõ ràng người chịu trách nhiệm việc phòng hoả. Những người phụ trách phòng hoả phải nắm vững kỹ thuật phòng hoả, bảo vệ thiết bị dụng cụ phòng hoả, thường xuyên kiểm tra việc phòng chống hoả trong các kho và có kế hoạch đề phòng tích cực nhất. Hàng năm tổ chức thực tập phòng cứu hoả một lần.

3.3. Các kho bảo quản máy móc trang thiết bị phải có đầy đủ các thiết bị dụng cụ khuân dỡ chắc chắn và có biện pháp bảo hộ lao động kỹ thuật tốt nhất.

3.4. Nhân viên bảo quản và công nhân bốc dỡ vận chuyển trong kho cần được trang bị găng tay, khẩu trang, khăn lót vai v.v… theo quy định của Nhà nước.

3.5. Phải chấp hành đầy đủ điều lệ bảo hộ lao động, an toàn kỹ thuật của Nhà nước, của Ngành đã ban hành và nội quy của kho.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *