Tiêu chuẩn ngành 22TCN 13:1979 về quy trình kỹ thuật xác định dung trọng của đất bằng phương pháp rót cát do Bộ Giao thông vận tải ban hành đã được thay thế bởi Tiêu chuẩn ngành 22TCN 346:2006 về quy trình thí nghiệm xác định độ chặt nền, móng đường bằng phễu rót cát do Bộ Giao thông vận tải ban hành .
Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 22TCN 13:1979 về quy trình kỹ thuật xác định dung trọng của đất bằng phương pháp rót cát do Bộ Giao thông vận tải ban hành
TIÊU CHUẨN NGÀNH
22TCN 13:1979
QUY TRÌNH KỸ THUẬT XÁC ĐỊNH DUNG TRỌNG CỦA ĐẤT BẰNG PHƯƠNG PHÁP RÓT CÁT
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo quyết định số 1048/QĐ-KT4 ngày 10-5-1979)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phương pháp rót cát chủ yếu dùng để kiểm tra độ chặt của mặt đường và nền đường làm bằng đất sỏi ong, đất dăm sạn và đất gia cố các loại (Vì những vật liệu này có cỡ hạt lớn, cứng không thể dùng dao để lấy mẫu).
1.2. Các dụng cụ cần thiết:
Phễu rót cát có dạng hình nón với kích thước như hình 1. Góc nghiêng giữa đường sinh với đáy (a) phải lớn hơn góc nghỉ của cát.
– Ống đo có dung tích từ 500cm3 đến 1000cm3 với khấc đo 5-10cm3.
– Cân đĩa có thể cân được 2-5 Kg với độ nhậy 1-2g.
– Rây cỡ 1mm và 0,5mm dùng để chuẩn bị cát tiêu chuẩn.
Hình 1. Hình dạng phễu rót cát
1.3. Vật liệu khác
– Cát tiêu chuẩn được chọn từ cát thô đều hạt có cỡ từ 0,5 – 1mm, sạch và khô.
– Tấm ny lông để đựng đất.
II. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH
2.1. Chuẩn bị cát tiêu chuẩn
– Rang hoặc sấy cát rồi cho qua rây có cỡ 0,5 và 1,0mm để nhận được cát có đường kính hạt 0,5 – 1,00mm với khối lượng cần khoảng 2500 – 3000cm3. Cát tiêu chuẩn bị tại phòng thí nghiệm nhưng phải sạch và phải qua rây tiêu chuẩn đã nêu.
– Để kiểm tra chất lượng cát, lấy khoảng 500-1000cm3 rồi đổ từ từ vào trong ống đo độ vài lần: Nếu mức cát trong ống đo không thay đổi qua nhiều lần thử là cát đạt yêu cầu.
2.2. Các bước tiến hành.
– Dùng cuốc xẻng san phẳng một khoảng nhỏ tại vị trí cần kiểm tra. Đào một hố tròn với đường kính nhỏ hơn đường kính miệng lớn của phễu và với chiều sâu bằng bề dày lớp đất cần kiểm tra. Đem cân tất cả lượng đất đào ở hố lên ta có khối lượng Qw. Chỉ nên cân một lần, vì nếu cân nhiều lần dễ dẫn đến sai số.
– Cân xong lấy đất để xác định độ ẩm. Số lượng đất cần khoảng 100 – 150g, trong đó chứa đủ các cỡ hạt theo tỷ lệ của chúng.
– Sau khi đã sửa sang thành hố cho nhẵn (nhớ rằng phần đất do sửa sang hố thí nghiệm cũng thuộc về lượng QW) đặt phễu lên miệng hố. Miệng phễu phải áp sát kín với mặt đất để cát không chảy ra ngoài.
– Bằng ống đo, rót cát đá chuẩn bị trước vào hố qua miệng phễu, không rót thẳng vào giữa lỗ phễu mà rót lên thành phễu (hình -2). Rót cát từ từ, tránh va chạm mạnh lên phễu. Khi cát đầy tới cổ phễu thì dừng lại và ghi lấy số cát còn thừa.
Hình 2. Rót cát vào hố đào qua phễu
2.3. Kết quả thí nghiệm.
Khối lượng thể tích tự nhiên (dung trọng ướt) được tính toán theo công thức:
trong đó:
Qw: Khối lượng đất lấy từ hố đào
Vw: Thể tích hố đào (cm3)
Vw = V – V0 – Vg (cm3)
Trong đó:
V: Thể tích cát chuẩn bị trước
V0: Thể tích phễu
Vg: Thể tích cát còn thừa
Khối lượng thể tích khô được tính theo công thức:
=
Trong đó:
W: Độ ẩm của đất (tính theo số thập phân)
Ghi chú:
– Đất đào ở hố không được làm vương vãi ra ngoài
– Tại mỗi vị trí phải làm từ 2 đến 3 hố thí nghiệm và dùng trị số kết quả trung bình cộng.