Tiêu chuẩn ngành 24TCN04:2004

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Số hiệu: 24TCN04:2004
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 05/05/2004
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Công nghiệp
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 24 TCN 04:2004 về tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân ngành giầy do Bộ Công nghiệp ban hành


TIỂU CHUẨN NGÀNH

24 TCN 04: 2004

TIÊU CHUẨN CẤP BẬC KỸ THUẬT CÔNG NHÂN NGÀNH GIẦY

1. Mục đích và phạm vi áp dụng:

1.1. Tiêu chuẩn này dùng làm căn cứ cho việc:

– Soạn thảo chương trình đào tạo, bổ túc kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành cho công nhân ngành giầy.

– Kiểm tra nâng bậc và chứng nhận bậc thợ tại các doanh nghiệp sản xuất giầy và các đơn vị đào tạo dạy nghề.

– Lập kế hoạch tuyển dụng lao động, định bậc lao động khi xây dựng quy trình công nghệ, điều hành sản xuất của doanh nghiệp sản xuất giầy.

– Làm cơ sở cho công tác chuẩn hoá bậc thợ giữa các doanh nghiệp sản xuất giầy trong nước.

1.2. Tiêu chuẩn này được áp dụng đối với tất cả công nhân sản xuất các loại giầy, dép, ủng, xăng đan và các sản phẩm tương tự tại các doanh nghiệp sản xuất giầy trong nước.

2. Quy định chung:

2.1. Các công nhân ngành giầy đều phải được đào tạo tay nghề tại doanh nghiệp dưới hình thức kèm cặp tại chỗ hoặc tại cơ sở đào tạo do các cơ quan cấp trên có thẩm quyền chỉ định.

2.2. Chứng chỉ đào tạo: được cấp cho công nhân đã hoàn thành chương trình đào tạo (bao gồm chuyên môn và các môn bổ trợ kiến thức khác – đặc biệt là môn học về an toàn và phòng chống cháy nổ) dưới hình thức kèm cặp hoặc chính quy căn cứ vào kết quả bài thi cuối kỳ bao gồm lý thuyết và thực hành trên cơ sở nội dung hiểu biết và làm được của từng bậc tương ứng nêu trong bộ tiêu chuẩn.

3. Tiêu chuẩn cấp bậc công nhân ngành giầy:

3.1. Tiêu chuẩn chung:

3.1.1. Các quy định về việc chấp hành luật pháp và nội quy:

Tất cả các công nhân ngành giầy đề cập trong tiêu chuẩn phải chấp hành các điều sau đây:

– Luật Lao động hiện hành của Nhà nước Việt nam.

– Nội quy và các quy định của doanh nghiệp nơi làm việc.

– Nội quy và quy trình công nghệ sản xuất ban hành tại nơi sản xuất.

3.1.2. Trình độ văn hoá quy định tối thiểu:

– Đối với công nhân bậc 1/4, 2/4 và 3/4: tốt nghiệp phổ thông Cơ sở.

– Đối với công nhân bậc 1/6, 2/6 và 3/6: tốt nghiệp phổ thông Cơ sở.

– Đối với công nhân bậc 4/4, 4/6 trở lên và công nhân bậc 1/7 đến 7/7: tốt nghiệp phổ thông Trung học.

3.1.3. Mức độ hiểu biết và làm được:

– Công nhân bậc cao hơn phải hiểu biết và làm được ở mức độ thành thạo công việc của bậc thợ thấp hơn cùng nghề và thêm các nội dung quy định cụ thể ở mỗi bậc.

3.1.4. Thâm niên công tác:

– Bậc 1/4, 1/6 và 1/7: không quy định

– Bậc 2/4, 3/4, 2/6, 3/6, 2/7 và 3/7: có thời gian công tác bậc cận dưới ít nhất là 2 năm (24 tháng).

– Bậc 4/4, 4/6 đến 6/6 và 4/7 đến 7/7: có thời gian công tác bậc cận dưới ít nhất là; 3 năm (36 tháng).

3.2. Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật:

3.2.1. Công nhân pha cắt nguyên liệu sản xuất giầy:

Bậc 1/6:

a) Hiểu biết:

– Khái quát về ngành sản xuất giầy và khái niệm cơ bản về sản phẩm giầy dép.

– Mục đích, yêu cầu của việc pha cắt nguyên liệu sản xuất giầy.

– Tên gọi, công dụng, đặc điểm chính và đơn vị đo đếm các loại nguyên liệu chính và các phụ liệu chủ yếu dùng trong ngành sản xuất giầy.

– Các hình thức ký hiệu cỡ số thể hiện trên dao chặt và các chi tiết mũ giầy, đế giầy còn gọi là bán thành phẩm pha cắt – viết tắt: BTP pha cắt.

– Cấu tạo, công dụng, cách sử dụng, bảo quản… các công cụ pha cắt thủ công (dưỡng vạch, dao, kéo…).

– Nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản máy chặt, dao chặt.

– Nhiệm vụ được giao và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật phải đạt được khi hoàn thành nhiệm vụ. 

b) Làm được:

– Phân biệt các loại nguyên liệu chính và phụ liệu chủ yếu dùng để sản xuất giầy.

– Nhận biết được BTP pha cắt đồng bộ của kiểu giầy sản xuất.

– Đọc hiểu các ký hiệu cỡ số giầy trên dao chặt, BTP…

– Sử dụng an toàn và bảo quản đúng quy định máy chặt và các công cụ pha cắt.

– Làm các công việc dưới đây theo sự hướng dẫn trực tiếp của thợ pha cắt bậc 3/6 trở lên:

+ Nhận dao chặt và các loại  nguyên liệu sản xuất giầy dép.

+ Trải vải, giả da và các vật liệu nhân tạo trước khi pha cắt.

+ Kiểm đếm, sắp xếp và bó buộc BTP pha cắt và các loại nguyên phụ liệu.

+ Bàn giao BTP pha cắt cho bộ phận tiếp theo.

+ Sử dụng máy chặt, dao chặt pha cắt một số chi tiết phần mũ, phần đế… từ vải, giả da và các vật liệu nhân tạo.

+ Pha cắt nguyên liệu bằng kéo theo dấu vạch trước trên nguyên liệu.và một số công việc khác có mức độ phức tạp tương đương.

Bậc 2/6:

a) Hiểu biết:

– Nguyên tắc pha cắt vải, giả da và các loại vật liệu nhân tạo khác.

– Yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật (chiều bai dãn, cấp chất lượng, tính đối xứng, tính đồng bộ…) của từng chi tiết mũ giầy, đế giầy và cách sắp xếp BTP sau khi pha cắt.

– Thông số bàn trải nguyên liệu (chiều dài và số lớp) đối với vải, giả da và các vật liệu nhân tạo.

– Phương pháp pha cắt nguyên liệu theo phương pháp thủ công: vạch chì cắt kéo.

– Nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản máy cắt vòng, lưỡi dao cắt vòng.

b) Làm được:

– Các công việc của thợ bậc 1/6 theo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật mà không cần có sự chỉ dẫn trực tiếp của thợ bậc cao hơn.

– Loại bỏ nguyên liệu sai hỏng phát hiện được trong quá trình nhận hoặc trải nguyên liệu đồng thời thông báo cho người có trách nhiệm.

– Làm các công việc sau theo sự hướng dẫn của công nhân pha cắt bậc 4/6 trở lên:

– Pha cắt vải và vật liệu nhân tạo khác (nếu có) trên máy cắt vải vòng.

– Pha cắt da thuộc (chủ yếu là da lót, da váng) trên máy chặt.

– Pha cắt da lót, vải… theo phương pháp vạch chì cắt kéo.

– Đảm bảo các yêu cầu chung khi pha cắt nguyên liệu.

– Loại bỏ BTP pha cắt không đảm bảo chất lượng trong quá trình kiểm đếm, bó buộc.

– Làm một số công việc khác có độ phức tạp tương đương.

Bậc 3/6:

a) Hiểu biết:

– Nguyên tắc pha cắt da thuộc.

– Đặc điểm, cấu trúc, chiều bai dãn… của loại da thuộc sẽ pha cắt.

– Phương pháp pha cắt nguyên liệu theo phương pháp thủ công sử dụng dao trổ, thớt mềm và dưỡng mẫu.

– Phương pháp kiểm tra chất lượng dao chặt, thớt chặt trước và trong quá trình pha cắt.

– Phương pháp điều chỉnh máy chặt.

– Đọc hiểu lệnh sản xuất, sơ đồ pha cắt, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, văn bản định mức vật tư… có liên quan đến quá trình pha cắt.

– Hướng dẫn công việc cho thợ pha cắt bậc 1/6.

b) Làm được:

– Chuẩn bị nguyên liệu trước khi pha cắt (nhận số lượng, kiểm và đánh dấu khuyết tật, phân loại, ước tính số đôi đồng bộ theo định mức giao…)

– Độc lập pha cắt các loại nguyên liệu dưới đây đảm bảo chất lượng BTP, định mức vật tư và năng suất lao động trên thiết bị pha cắt (máy cắt vòng, máy chặt):

+ Vải, giả da và các vật liệu nhân tạo.

+ Các loại da lót, da váng xanh.

+ Da mũ giầy (bò, trâu, lợn…) có mặt cật tự nhiên, mặt cật cải tạo, mặt cật in sần…; da váng (loại thuộc làm mũ giầy); da đế giầy…

– Pha cắt da lót bằng dao trổ trên thớt mềm.

– Điều chỉnh máy chặt, máy cắt vòng theo yêu cầu kỹ thuật. Phát hiện kịp thời những hư hỏng để sửa chữa.

– Kiểm tra chất lượng, phân loại BTP pha cắt và các nguyên phụ liệu.

– Sắp việc trong dây chuyền pha cắt.

– Tính định mức vật tư thực tế sau mỗi ca sản xuất hoặc sau mỗi đơn hàng.

Bậc 4/6:

a) Hiểu biết:

– Đặc điểm, cấu trúc, chiều bai dãn của các loại da thuộc, vải, giả da và các loại vật liệu nhân tạo khác.

– Biết lập sơ đồ pha cắt và tính số lớp nguyên liệu có khả năng xếp chồng (cắt theo lớp) phù hợp với loại dao chặt, máy chặt trên cơ sở độ dày, độ cứng và tính chất của nguyên liệu.

– Yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật khi pha cắt nguyên liệu mới hoặc pha cắt mẫu mới.

– Các chỉ tiêu kiểm tra chất lượng dao chặt, thớt chặt.

– Công dụng, cấu tạo, nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các thiết bị chuyên dùng trong bộ phận pha cắt.

b) Làm được:

– Pha cắt các loại nguyên liệu có độ phức tạp cao về chiều bai, mầu sắc, hoa văn trang trí, mật độ nhung tuyết…

– Sử dụng nguyên liệu hợp lý, tiết kiệm (đặt khuyết tật của nguyên liệu ở vị trí thích hợp; pha cắt xen kẽ BTP cỡ số to và nhỏ…).

– Biết thứ tự đi dao (thứ tự đặt dao chặt) hợp lý để pha cắt nguyên liệu nhanh chóng và hiệu quả.

– Xác định và thay thế nhanh chóng, chính xác các chi tiết mũ giầy, đế giầy sai hỏng (loại nguyên liệu, kiểu dao chặt, cỡ số…).

– Nghiệm thu dao chặt trước khi đưa vào sử dụng.

– Pha cắt BTP có chất lượng tốt nhất (nhất là BTP làm từ da thuộc).

– Sao chép dưỡng mẫu… bằng dao trổ.

– Pha cắt thử nghiệm nguyên liệu mới hoặc mẫu mới.

– Giám sát việc sử dụng dao chặt, thớt chặt và các công cụ pha cắt; phát hiện các sai phạm và đề xuất biện pháp điều chỉnh, sửa chữa.

Phát hiện các nguyên nhân sai hỏng BTP pha cắt và đề xuất biện pháp khắc phục.

Bậc 5/6:

a) Hiểu biết:

– Đặc điểm, tính chất, công dụng của tất cả các loại nguyên liệu sản xuất giầy bao gồm các loại da thuộc và các vật liệu nhân tạo khác.

– Cập nhật thông tin về nguyên liệu mới.

– Các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật mới đối với các chi tiết mũ giầy, đế giầy.

– Những ảnh hưởng của quá trình pha cắt nguyên liệu đến các công đoạn tiếp theo (lắp ráp mũ giầy, gò – ráp đế và hoàn thiện giầy…)

– Nguyên tắc vận hành an toàn, điều chỉnh và bảo quản các thiết bị cắt và các thiết bị chuyên dùng ở bộ phận pha cắt.

– Phương pháp tổ chức, triển khai pha cắt nguyên liệu sản xuất giầy theo đơn hàng trong phạm vi tổ, nhóm  sản xuất.

– Phương pháp hướng dẫn công việc cho công nhân pha cắt bậc 1/6, 2/6 và 3/6.

b) Làm được:

– Mọi công việc trong quá trình pha cắt nguyên liệu sản xuất giầy.

– Pha cắt thành thạo và hiệu quả cao các loại nguyên liệu sản xuất giầy kể cả các loại da thuộc quý hiếm và các vật liệu nhân tạo đặc biệt…

– Pha cắt các chi tiết mũ giầy, đế giầy hình thù phức tạp khó sắp khít có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật hoặc có những yêu cầu đặc biệt.

– Hạn chế các yếu tố ảnh hưởng của quá trình pha cắt đến quá trình lắp ráp mũ giầy, gò – ráp đế  và hoàn thiện giầy.

– Tham gia công tác xây dựng định mức vật tư phục vụ sản xuất giầy.

– Sử dụng thành thạo và hiệu quả các thiết bị cắt và các thiết bị chuyên dùng ở bộ phận pha cắt.

– Phát hiện các lỗi khó nhận biết trên BTP pha cắt và xác định được các nguyên nhân làm BTP sai hỏng hàng loạt (nếu có).

– Chủ động triển khai pha cắt nguyên liệu sản xuất giầy trong phạm vi tổ, nhóm theo lệnh sản xuất.

– Quản lý, điều hành công nhân pha cắt trong phạm vi tổ, nhóm.

– Hướng dẫn, kèm cặp và truyền đạt kinh nghiệm cho công nhân pha cắt bậc 1/6, 2/6 và 3/6.

Bậc 6/6:

a) Hiểu biết:

– Năng lực pha cắt nguyên liệu của tổ, nhóm pha cắt.

– Sắp xếp hợp lý thứ tự pha cắt các loại nguyên liệu để cung ứng BTP pha cắt đúng tiến độ sản xuất.

– Có kinh nghiệm pha cắt từng loại nguyên liệu và từng kiểu giầy, dép.

– Cập nhật thông tin về các phương pháp và thiết bị pha cắt mới áp dụng trong ngành sản xuất giầy.

– Kiến thức cơ bản về quản lý và điều hành sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất giầy.

– Phương pháp hướng dẫn công nhân pha cắt bậc 4/6 và 5/6.

b) Làm được:

– Pha cắt các loại nguyên liệu sản xuất giầy trên các loại thiết bị cắt với kỹ năng thành thạo và hiệu quả cao nhất.

– Truyền đạt kinh nghiệm pha cắt cho thợ bậc thấp hơn.

– Vận dụng các phương pháp pha cắt mới khi có thiết bị pha cắt tiến tiến.

– Kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai hỏng do nguyên liệu đầu vào hoặc do pha cắt sai quy trình… gây ra.

– Hướng dẫn công nhân áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hư hỏng BTP trong quá trình pha cắt.

– Tham gia xây dựng các văn bản kỹ thuật có liên quan đến nguyên liệu và quá trình pha cắt nguyên liệu sản xuất giầy.

– Tham gia quản lý, điều hành phân xưởng pha cắt.

– Tham gia quản lý, điều hành phân xưởng pha cắt:

3.2.2. Công nhân hoàn thiện BTP pha cắt:

Bậc 1/4:

a) Hiểu biết:

– Kiến thức cơ bản về sản phẩm giầy dép.

– Kết cấu cơ bản của mũ giầy và đế giầy.

– Phân biệt được các nguyên liệu chính và các nguyên phụ liệu dùng để sản xuất giầy.

– Nhiệm vụ được giao và các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật phải đạt được khi hoàn thành nhiệm vụ.

b) Làm được:

– Kiểm đếm, phân loại (màu sắc, cỡ số…), sắp xếp, bó buộc và đóng gói BTP pha cắt.

– In, dán số ký hiệu lên BTP pha cắt.

– Phân loại (tách riêng) các BTP cần hoàn thiện (dãy, lạng…); trang trí (in, thêu…).

Bậc 2/4:

a) Hiểu biết:

– Các thao tác cơ bản để hoàn thiện BTP pha cắt theo các phương pháp in (in lưới, in cao tần, in gia nhiệt…); thêu; dãy; lạng; phối hợp hoặc các hình thức trang trí khác…

– Nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các thiết bị, công cụ phục vụ công việc hoàn thiện BTP pha cắt.

– Phương pháp kiểm tra, đối chiếu BTP pha cắt đã hoàn thiện với mẫu hiện vật.

b) Làm được:

– Thực hiện thành thạo phương pháp hoàn thiện BTP pha cắt hiện đang áp dụng tại nơi sản xuất.

– Kiểm tra loại bỏ sản phẩm hỏng do quá trình pha cắt hoặc khi hoàn thiện BTP pha cắt gây ra.

Bậc 3/4:

a) Hiểu biết:

– Quy trình công nghệ và các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật đối với từng phương pháp hoàn thiện BTP pha cắt.

– Kinh nghiệm vận hành thiết bị, công cụ; kinh nghiệm thao tác trong từng phương pháp hoàn thiện BTP pha cắt và trên mọi loại BTP pha cắt (chất liệu, kiểu dáng…).

b) Làm được:

– Thực hiện thành thạo ít nhất 2 phương pháp hoàn thiện BTP pha cắt.

– Biết điều chỉnh và sửa chữa những hư hỏng thông thường của thiết bị, công cụ sử dụng trong quá trình hoàn thiện BTP pha cắt.

– Phát hiện các nguyên nhân làm sai hỏng BTP trong quá trình hoàn thiện BTP pha cắt.

Bậc 4/4:

a) Hiểu biết:

– Tất cả các phương pháp hoàn thiện BTP pha cắt.

– Phương pháp hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho thợ bậc dưới làm mọi công việc hoàn thiện BTP pha cắt.

b) Làm được:

– Hoàn thiện BTP pha cắt với kỹ năng thành thạo đạt hiệu quả cao về thẩm mỹ.

– Đề xuất biện pháp khắc phục các sự cố (nếu có) trong quá trình hoàn thiện BTP pha cắt.

– Hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho thợ bậc dưới làm các công việc hoàn thiện BTP pha cắt một cách hiệu quả.

3.2.3. Công nhân lắp ráp mũ giầy (gọi tắt: công nhân may mũ):

Bậc 1/6:

a) Hiểu biết:

– Khái quát về ngành sản xuất giầy và khái niệm cơ bản về sản phẩm giầy dép.

– Tên gọi, vị trí, vai trò của các chi tiết cấu tạo nên mũ giầy.

– Phân biệt các loại nguyên liệu chính làm mũ giầy.

– Mục đích, yêu cầu của việc lắp ráp mũ giầy.

– Ý nghĩa và cách làm các công việc phụ trợ đơn giản.

– Tên gọi, công dụng, cách sử dụng và bảo quản công cụ, các loại keo dán, dung môi, nước xử lý… dùng trong quá trình lắp ráp mũ giầy.

– Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các loại máy sau:

+ Máy may bàn 1 kim, máy may ziczắc

+ Máy dán tăng cường.

+ Máy cà rẽ hậu giầy.

– Các đường may cơ bản sử dụng trong quá trình lắp ráp mũ giầy (may đấu, may đè, may zíc zắc, may viền).

– Nhiệm vụ được giao và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật phải đạt được khi hoàn thành nhiệm vụ. 

b) Làm được:

Các công việc sau đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của thao tác:

Phụ trợ:

– Bôi keo; dán lót, dán tăng cường (các chi tiết phẳng và dễ thao tác).

– Cắt chỉ, giấu đầu chỉ.

– Cà rẽ và dán tăng cường hậu giầy.

– Xỏ dây mũ giầy (nếu có).

– Vệ sinh mũ giầy.

– Các công việc phụ trợ khác có độ phức tạp tương đương.

– Một số công việc khác theo sự hướng dẫn của người sắp việc như: giao nhận BTP, nguyên phụ liệu; đổi BTP; đánh suốt chỉ…

May:

– Lắp ráp các chi tiết lót, chi tiết thân giầy.

– Ráp nối hoặc trang trí các chi tiết ngoài sử dụng cữ chuẩn hoặc ống dẫn hướng… hỗ trợ thao tác may.

– May các đường may ở vị trí khuất của mũ giầy và ở vị trí khuất trên chiếc giầy hoàn chỉnh.

Bậc 2/6:

a) Hiểu biết:

– Ý nghĩa và cách làm của các công việc phụ trợ quan trọng và phức tạp hơn như: vạch dấu định vị, quét keo dán định vị chi tiết ngoài, dẫy mép chi tiết, xén lót, trang trí mũ giầy…

– Công dụng, cách sử dụng các loại dưỡng mẫu và dụng cụ lấy dấu.

– Hiểu ký hiệu, thông số của các loại chỉ, kim sử dụng may mũ giầy.

– Biết ý nghĩa và tác dụng của đường may sẽ thực hiện.

– Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc vận hành an toàn, điều chỉnh và bảo quản các loại máy sau:

+ Máy may bàn 2 kim và máy trụ 1 kim.

+ Các máy chuyên dùng khác (lạng da mềm; dãy; gấp mép; xén lót; ép dán pho mũi; đục, tán ôdê…)

+ Biết điều chỉnh các thiết bị trên đạt các thông số kỹ thuật cần thiết theo yêu cầu công nghệ.

b) Làm được:

Các công việc dưới đây đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật; thao tác thành thạo và đạt năng suất của dây chuyền.

Phụ trợ:

– Vạch dấu định vị.

– Bôi keo và dán định vị.

– Dãy mép chi tiết, lạng chi tiết.

– Gấp mép chi tiết.

– Xén lót.

– Đục, tán ôdê, rivê, khoá cài, móc xỏ dây giầy… theo phương pháp thủ công.

– Làm các hình thức đơn giản (tết nơ, đính cườm, quả chuông…) trang trí mũ giầy.

– Các công việc phụ trợ có độ phức tạp tương đương khác.

May:

– Ráp các chi tiết lót, các chi tiết thân.

– Ráp các chi tiết ngoài và các đường may có độ phức tạp tương đương.

Bậc 3/6:

a) Hiểu biết:

– Ý nghĩa và các phương pháp hoàn thiện mép chi tiết.

– Đọc và hiểu lệnh sản xuất; quy trình công nghệ; sơ đồ mô tả đường may, cách may; sơ đồ mô tả mép dãy, cách dãy; văn bản định mức vật tư và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật khác…

– Quy trình lắp ráp các kiểu mũ giầy kết cấu đơn giản.

–  Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các loại máy sau:

+ Máy may bàn 1 kim, 2 kim có bộ phận cắt chỉ tự động.

+ Máy may ống.

+ Máy may viền.

+ Máy tán ôdê, rivê, móc xỏ dây, ghim…

+ Máy may trụ 2 kim.

+ Máy định hình lắc giầy và các loại máy có độ phức tạp tương đương khi thao tác.

– Biết điều chỉnh (kể cả việc gá lắp ống viền, cữ may…) các thiết bị nêu trên đạt các thông số kỹ thuật cần thiết và biết sửa chữa những hư hỏng thông thường của chúng.

b) Làm được:

Các công việc dưới đây với thao tác hợp lý, khéo léo đạt năng suất cao; sản phẩm đạt yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật: nuột nà, tinh xảo.

Phụ trợ:

– Hoàn thiện mép chi tiết theo các phương pháp.

– Bôi keo và dán định vị các BTP may.

– Các kiểu dãy cơ bản.

– Tán ôdê, rivê, móc xỏ dây, ghim… trên máy tán điều khiển bằng tay.

– Xén lót bằng kéo các BTP may phức tạp.

– Định hình lắc giầy.

– Lồng mút đệm… và các công việc phụ trợ có độ phức tạp tương đương.

May:

– May ráp hoàn chỉnh mũ giầy có kết cấu đơn giản.

– Sắp việc trong dây chuyền may.

Bậc 4/6:

a) Hiểu biết:

– Kết cấu của các kiểu mũ giầy cơ bản.

– Biết yêu cầu cơ bản về kỹ thuật, mỹ thuật đối với mọi thao tác (may và phụ may) trong quá trình lắp ráp mũ giầy.

– Tính năng, tác dụng, nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các loại máy sau:

+ Máy may trụ 1kim, 2kim có dao xén.

+ Máy đục, tán ôdê tự động.

– Biết điều chỉnh các thiết bị trên đạt các thông số kỹ thuật cần thiết và biết sửa chữa những hư hỏng thông thường của chúng.

Khái niệm cơ bản về phom, đế…; kết cấu các kiểu giầy cơ bản và phương pháp thiết kế mũ giầy*.

b) Làm được:

Các công việc dưới đây đạt yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật và đồng đều trên mọi BTP:

Phụ trợ:

– Làm được tất cả công việc phụ trợ trong quá trình lắp ráp mũ giầy.

– Làm được các hình thức trang trí phức tạp trên mũ giầy.

May:

– May ráp hoàn chỉnh mũ giầy có kết cấu phức tạp và đường may ráp có yêu cầu cao về thẩm mỹ.

Hướng dẫn công việc phụ trợ và may cho công nhân may mũ bậc 1/6 và 2/6.

– Thiết kế các kiểu mũ giầy cơ bản (phác thảo, mẫu chính, tách chi tiết và làm hiện vật); lắp ráp hoàn chỉnh mũ giầy theo mẫu thiết kế*.

* Áp dụng với công nhân may mũ ở bộ phận làm mẫu.

Bậc 5/6:

a) Hiểu biết:

– Quá trình triển khai lắp ráp mũ giầy trong dây chuyền.

– Quy trình lắp ráp các kiểu mũ giầy có kết cấu phức tạp với nhiều chi tiết và các đường may có yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật…

– Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các máy may chuyên dùng đặc biệt, máy may lập trình…

– Hướng dẫn công việc (may và phụ trợ) cho công nhân lắp ráp mũ giầy bậc 3/6 và 4/6.

Biết thiết kế các kiểu mũ giầy*.

b) Làm được:

Các công việc dưới đây đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao; sản phẩm nuột nà, tinh xảo và đồng đều:

– Thao tác mẫu tất cả các công việc phụ trợ: chuẩn xác về tư thế, động tác; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của từng công việc.

– May mẫu thành thạo các công đoạn may.

– Lắp ráp hoàn chỉnh (bao gồm may và phụ may) các kiểu mũ giầy.

– Bố trí công nhân, thiết bị đồng bộ để dây chuyền lắp ráp mũ giầy hoạt động đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

– Xây dựng quy trình may kiểu mũ giầy đơn giản với số chi tiết hạn chế.

– Tham gia đào tạo công nhân lắp ráp mũ giầy bậc 3/6 và 4/6.

Thiết kế được các kiểu mũ giầy theo mẫu hiện vật hoặc phác thảo sẵn có*.

* Áp dụng với công nhân may mũ ở bộ phận làm mẫu.

Bậc 6/6:

a) Hiểu biết:

– Có khả năng đóng góp ý kiến cho các nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng quy trình công nghệ lắp ráp mũ giầy…

– Có kinh nghiệm trong việc triển khai lắp ráp các kiểu mũ giầy khác nhau.

– Phát hiện sai hỏng trong quá trình lắp ráp mũ giầy và đề xuất biện pháp khắc phục.

– Hướng dẫn công nhân lắp ráp mũ giầy bậc 4/6 và 5/6.

Có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế mũ giầy và kiểu dáng giầy (tạo dáng, phối màu, chất liệu…)*.

b) Làm được:

– Các công việc trong quá trình lắp ráp mũ giầy kể cả những công việc đặc biệt đòi hỏi sự khéo léo, tinh thông nghề nghiệp, tay nghề điêu luyện…

– Triển khai lắp ráp mũ giầy nhanh chóng và hiệu quả.

– Đề xuất biện pháp giải quyết các sự cố do quá trình lắp ráp mũ giầy gây ra.

– Tham gia xây dựng quy trình may các kiểu mũ giầy phức tạp với nhiều chi tiết và các đường may có yêu cầu cao về thẩm mỹ.

– Tham gia quản lý và điều hành dây chuyền may mũ giầy.

– Tham gia đào tạo công nhân lắp ráp mũ giầy bậc 4/6 và 5/6.

Thiết kế các loại mũ giầy theo đơn đặt hàng hoặc ý tưởng sáng tạo mới…*

* Áp dụng với công nhân may mũ ở bộ phận làm mẫu.

3.2.4. Công nhân phụ trợ lắp ráp mũ giầy:

Bậc 1/4:

a) Hiểu biết:

– Khái niệm cơ bản về sản phẩm giầy dép.

– Khái quát về nghề lắp ráp mũ giầy.

– Tên gọi, vị trí, vai trò của các chi tiết cấu tạo nên mũ giầy.

– Phân biệt các loại nguyên liệu chính làm mũ giầy.

– Tên gọi, công dụng, cách sử dụng và bảo quản các loại keo dán, dung môi, nước xử lý… dùng trong quá trình lắp ráp mũ giầy.

– Ý nghĩa và cách làm các công việc phụ trợ đơn giản.

– Cách sử dụng, bảo quản các công cụ, dụng cụ dùng trong quá trình phụ trợ lắp ráp mũ giầy.

– Cấu tạo, công tác dụng, nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các loại máy sau:

+ Máy dán tăng cường.

+ Máy cà rẽ hậu giầy.

– Nhiệm vụ được giao và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật phải đạt được khi hoàn thành nhiệm vụ. 

b) Làm được:

Các công việc phụ trợ dưới đây:

– Quét keo; dán lót, dán tăng cường (chi tiết phẳng và dễ thao tác).

– Cắt chỉ, giấu đầu chỉ.

– Cà rẽ hậu giầy.

– Xỏ dây mũ giầy (nếu có).

– Vệ sinh mũ giầy.

– Các công việc phụ trợ khác có độ phức tạp tương đương.

– Một số công việc khác theo sự hướng dẫn của người sắp việc như giao nhận BTP, nguyên phụ liệu; đổi BTP; đánh suốt chỉ…

Bậc 2/4:

a) Hiểu biết:

– Ý nghĩa và cách làm của các công việc phụ trợ quan trọng và phức tạp hơn như: vạch dấu định vị, quét keo dán định vị chi tiết ngoài, dẫy mép chi tiết, xén lót, trang trí mũ giầy…

– Công dụng, cách sử dụng các loại dưỡng mẫu và dụng cụ lấy dấu.

– Cấu tạo; công dụng; nguyên tắc vận hành an toàn, điều chỉnh và bảo quản các loại máy chuyên dùng (dãy; gấp mép; xén lót; ép dán pho mũi…)

– Biết điều chỉnh các thiết bị trên phù hợp với yêu cầu kỹ thuật nêu trong bản quy trình công nghệ lắp ráp mũ giầy.

b) Làm được:

Các công việc phụ trợ dưới đây đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật; thao tác thành thạo và đạt năng suất của dây chuyền.

– Vạch dấu định vị.

– Bôi keo và dán định vị.

– Dãy mép chi tiết, lạng chi tiết.

– Gấp mép chi tiết.

– Xén lót.

– Đục, tán ôdê, rivê, khoá cài, móc xỏ dây giầy… theo phương pháp thủ công.

– Các hình thức trang trí mũ giầy theo hướng dẫn.

Bậc 3/4:

a) Hiểu biết:

– Ý nghĩa và các phương pháp hoàn thiện mép chi tiết.

– Đọc và hiểu lệnh sản xuất; quy trình công nghệ; sơ đồ mô tả mép dãy, cách dãy; văn bản định mức vật tư và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật khác…

– Cấu tạo; công dụng, nguyên tắc vận hành an toàn, điều chỉnh và bảo quản các loại máy tán ôdê, rivê, móc xỏ dây, ghim… tự động và bán tự động.

– Biết điều chỉnh và sửa chữa những hư hỏng thông thường của các thiết bị nêu trên.

b) Làm được:

– Hoàn thiện mép chi tiết theo mọi phương pháp.

– Quét keo và dán định vị.

– Các kiểu dãy.

– Tán ôdê, rivê, móc xỏ dây, ghim… trên máy đục tán tự động và bán tự động.

– Xén lót bằng kéo các BTP may phức tạp.

– Định hình lắc giầy.

– Lồng mút đệm…và các công việc phụ trợ có độ phức tạp tương đương.

Bậc 4/4:

a) Hiểu biết:

– Biết yêu cầu cơ bản về kỹ thuật, mỹ thuật đối với mọi thao tác phụ  trợ trong quá trình lắp ráp mũ giầy.

– Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc vận hành an toàn, điều chỉnh và bảo quản các loại máy đục, tán ôdê tự động và các loại máy chuyên dùng khác sử dụng trong quá trình phụ trợ.

– Biết điều chỉnh các thiết bị trên đạt các thông số kỹ thuật cần thiết và biết sửa chữa những hư hỏng thông thường của chúng.

b) Làm được:

– Tất cả công việc phụ trợ trong quá trình lắp ráp mũ giầy.

– Các hình thức trang trí phức tạp trên mũ giầy.

– Hướng dẫn thợ phụ trợ bậc 1/4, 2/4 và 3/4.

3.2.5. Công nhân tiền chế đế giầy:

Bậc 1/4:

a) Hiểu biết:

– Kết cấu của sản phẩm giầy dép.

– Tên gọi, vị trí và công dụng của các chi tiết phần đế.

– Phân biệt các loại nguyên liệu chính dùng làm các chi tiết đế giầy.

– Khái quát về các phương pháp tiền chế đế giầy (lắp ráp, ép đúc…)

– Phương pháp tiền chế đế giầy hiện đang áp dụng tại nơi sản xuất.

– Kết cấu của loại đế giầy sẽ tiền chế.

– Cách sử dụng, bảo quản công cụ và thiết bị được giao.

– Nhiệm vụ được giao và các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật phải hoàn thành.

b) Làm được:

– Những phần việc đơn giản trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện đế giầy tiền chế (theo phương pháp hiện đang áp dụng tại nơi sản xuất).

– Vận hành an toàn thiết bị được giao và bảo quản thiết bị, công cụ theo yêu cầu kỹ thuật.

– Vệ sinh, kiểm đếm, sắp đôi, bó buộc thành phẩm đế giầy tiền chế.

Bậc 2/4:

a) Hiểu biết:

– Quy trình công nghệ tiền chế loại đế giầy kết cấu đơn giản theo phương pháp tiền chế đế giầy đang áp dụng tại nơi sản xuất.

– Các thao tác và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cơ bản đối với từng công đoạn cụ thể trong quá trình tiền chế đế giầy.

– Nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các thiết bị, công cụ dùng trong quá trình tiền chế đế giầy.

– Các chỉ tiêu cảm quan của đế giầy tiền chế.

b) Làm được:

– Ít nhất 02 thao tác cơ bản trong quá trình tiền chế đế giầy dưới đây để tham gia tiền chế đế giầy (chủ yếu là loại đế giầy kết cấu đơn giản).

Đối với đế ép đúc:

+ Chuẩn bị khuôn đế, phôi đúc…

+ Ép đế (loại đế kết cấu đơn giản)

+ Cắt gọt bavia đế…

Đối với đế lắp ráp:

+ Định vị trước khi mài hoặc quét keo (nếu có)

+ Quét keo, dung môi…

+ Mài (lòng đế, cạnh đế…)

+ Ấp dán và ép dán

+ Pha chế xi (theo chỉ dẫn) và phun xi cạnh đế, gót…

+ Bọc cạnh đế, bọc gót…

– Vận hành được ít nhất 02 loại thiết bị phục vụ việc tiền chế đế giầy.

– Kiểm tra loại bỏ đế tiền chế không đảm bảo các chỉ tiêu cảm quan.

Bậc 3/4:

a) Hiểu biết:

– Quy trình công nghệ tiền chế loại đế giầy kết cấu phức tạp theo phương pháp ép đúc hoặc lắp ráp hiện đang áp dụng tại nơi sản xuất.

– Các thao tác và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cơ bản đối với từng công đoạn cụ thể trong quá trình tiền chế loại đế giầy kết cấu phức tạp.

– Các chỉ tiêu kỹ thuật của đế tiền chế.

– Các phương pháp kiểm tra chất lượng đế tiền chế.

– Nguyên tắc vận hành an toàn, cách điều chỉnh thiết bị, công cụ sử dụng trong quá trình tiền chế đế giầy và sửa chữa các hư hỏng thông thường của chúng.

b) Làm được:

– Áp dụng các thao tác cơ bản trong quá trình tiền chế đế giầy (theo phương pháp ép đúc hoặc lắp ráp) để tiền chế loại đế giầy kết cấu phức tạp.

– Vận hành thành thạo và điều chỉnh các loại thiết bị, công cụ phục vụ tiền chế đế giầy theo yêu cầu công nghệ.

– Kiểm tra, phân loại đế giầy tiền chế căn cứ vào chỉ tiêu chất lượng đế tiền chế.

Bậc 4/4:

a) Hiểu biết:

– Phương pháp tiền chế đế giầy từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc.

– Phương pháp tổ chức triển khai dây chuyền tiền chế đế giầy.

– Các thông số kỹ thuật của thiết bị trong quá trình sản xuất đế giầy tiền chế.

– Kinh nghiệm vận hành an toàn và hiệu quả các loại thiết bị, công cụ sử dụng trong quá trình tiền chế đế giầy.

– Các sự cố thường xảy ra trong quá trình tiền chế đế giầy và biện pháp khắc phục.

– Phương pháp hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm cho thợ bậc dưới.

b) Làm được:

– Tiền chế các loại đế giầy theo phương pháp đang áp dụng tại cơ sở với kỹ năng thành thạo, năng suất lao động cao và chất lượng sản phẩm tốt nhất.

– Tham gia triển khai dây chuyền sản xuất đế tiền chế trong phạm vi tổ, nhóm.

– Sửa chữa các hư hỏng thông thường của thiết bị, công cụ phục vụ tiền chế đế.

– Phát hiện các nguyên nhân sai hỏng đế tiền chế và đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời.

– Thao tác mẫu thành thạo các công đoạn tiền chế đế; hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho công nhân tiền chế đế bậc 1/4, 2/4 và 3/4.

3.2.6. Công nhân gò – ráp đế và hoàn thiện giầy: (gọi tắt: công nhân gò – ráp):

Bậc 1/6:

a) Hiểu biết:

– Khái niệm cơ bản về sản phẩm giầy dép.

– Tên gọi, vị trí, vai trò của các chi tiết cấu tạo nên phần đế giầy.

– Phân biệt các loại nguyên liệu chính dùng làm các chi tiết đế giầy.

– Khái quát về nghề gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Cấu tạo, công dụng các công cụ gò – ráp đế: phom; kìm gò; chổi quét keo; dụng cụ đựng keo; dao xén; dụng cụ thổi khí…

– Tên gọi (ký hiệu), công dụng, phương pháp sử dụng, bảo quản an toàn các loại  keo dán, dung môi… thường dùng trong quá trình gò – ráp đế.

– Mục đích công việc chuẩn bị đồng bộ giữa phom, mũ giầy, các chi tiết đế giầy về kiểu và cỡ trong quá trình gò – ráp đế.

b) Làm được:

– Sắp đôi và thả phom lên băng chuyền.

– Quét keo phần mũ, phần đế theo yêu cầu của một số công đoạn.

– Vệ sinh giầy thành phẩm.

– Những công việc đơn giản hoàn thiện giầy trước khi đóng hộp.

– Làm một số công việc phụ trợ khác dưới sự hướng dẫn của người sắp việc như phụ nhận vật tư; vận chuyển phom, BTP…

Bậc 2/6:

a) Hiểu biết:

– Vị trí, vai trò của các chi tiết đế trong quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Ý nghĩa của việc hồi ẩm mũ giầy.

– Phương pháp định hình pho hậu và hậu giầy.

– Vị trí chuẩn của hậu giầy trên phom.

– Nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các thiết bị, máy móc ở bộ phận chuẩn bị gò, chuẩn bị ráp đế.

b) Làm được:

– Các thao tác chuẩn bị trước khi gò và trước khi ráp đế.

– Các thao tác ổn định hình dáng giầy và các thao tác cải thiện độ bền mối dán.

– Tháo phom và sắp đôi giầy thành phẩm.

– Các công việc trang trí làm đẹp giầy trước khi đóng hộp.

Bậc 3/6:

a) Hiểu biết:

– Yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của các chi tiết phần đế giầy.

– Mục đích, yêu cầu của việc gò giầy và việc lắp ráp đế.

– Các phương pháp gò giầy (gò dưới, gò lồng phom…).

– Các phương pháp ráp đế (dán ép, ép đúc, lưu hoá cao su, khâu…).

– Cách sử dụng kìm gò thủ công.

– Thao tác cơ bản khi gò – ráp đế và hoàn thiện giầy đối với kiểu giầy kết cấu đơn giản về kiểu dáng và màu sắc.

– Quy trình gò – ráp đế và hoàn thiện các loại giầy đế đúc sẵn.

– Đọc và hiểu lệnh sản xuất; quy trình công nghệ; văn bản định mức vật tư và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật khác có liên quan…

– Các quy định về hình thức đóng gói đối với từng loại sản phẩm và lô hàng hoá.

– Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các công cụ và thiết bị sau:

+ Máy gò mũi, gò mang, gò hậu.

+ Các máy làm phẳng chân gò.

+ Thiết bị định hình BTP gò.

+ Thiết bị xử lý vết nhăn trên BTP gò, giầy thành phẩm.

+ Máy mài tạo nhám chân gò.

+ Máy phun xì làm bóng giầy và mặt đế.

+ Công cụ hỗ trợ đóng hộp, đóng thùng…

b) Làm được:

– Kiểm tra loại bỏ sai hỏng (nếu có) của:

+ Phom

+ BTP đầu vào (mũ giầy, pho, các chi tiết phần đế: đế trong, đế tiền chế…)

+ BTP gò

+ Mối liên kết giữa phần mũ và phần đế trên giầy thành phẩm

+ Gò – ráp đế và hoàn thiện những kiểu giầy có kết cấu mũ giầy, đế giầy đơn giản.

– Sắp việc trong dây chuyền gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

Bậc 4/6:

a) Hiểu biết:

– Đặc điểm, tính chất của các loại nguyên liệu làm đế thông thường; các loại keo, dung môi… thường dùng dán ép đế giầy.

– Phương pháp ép đúc, lắp ráp… các kiểu đế giầy phức tạp về kiểu dáng và nhiều màu sắc.

– Quy trình gò – ráp đế và hoàn thiện một số kiểu giầy có kết cấu mũ giầy, đế giầy phức tạp.

– Các chỉ tiêu cảm quan của giầy thành phẩm.

– Cấu tạo, tính năng, nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các thiết bị sau:

+ Buồng sấy và hoạt hoá keo (loại keo, thời gian, nhiệt độ, tốc độ băng chuyền…)

+ Máy ép đế, máy ép cạnh đế (thời gian, lực ép…)

+ Buồng làm lạnh (thời gian, nhiệt độ, tốc độ băng chuyền…)

+ Máy may diễu, máy may cóp (nếu có).

– Biết phương pháp điều chỉnh và sửa chữa những hư hỏng thông thường của các thiết bị nêu trên.

b) Làm được:

– Ép đúc trên máy gò và ép đế hoặc lắp ráp trên dây chuyền gò – ráp đế một số loại đế giầy kiểu dáng phức tạp và nhiều màu sắc.

– Gò – ráp đế và hoàn thiện một số kiểu giầy có kết cấu mũ giầy, đế giầy phức tạp.

– Điều chỉnh thông số kỹ thuật của các thiết bị trong dây chuyền gò – ráp theo yêu cầu công nghệ.

– Phát hiện nguyên nhân sai hỏng của: BTP gò, mối liên kết giữa phần mũ  và phần đế của giầy thành phẩm; đề xuất biện pháp khắc phục.

– Kiểm tra chất lượng giầy thành phẩm theo các chỉ tiêu cảm quan.

Bậc 5/6:

a) Hiểu biết:

– Phương pháp gò – ráp đế và hoàn thiện các kiểu giầy.

– Quy trình công nghệ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy theo công nghệ dán, công nghệ khâu diễu – cóp…

– Có kinh nghiệm vận hành các thiết bị, máy móc sử dụng trong dây chuyền gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Phương pháp quản lý và điều hành sản xuất trong dây chuyền gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

Gò – ráp đế và hoàn thiện giầy theo phương pháp thủ công*.

b) Làm được:

– Gò -ráp đế và hoàn thiện mọi kiểu giầy.

– Thao tác mẫu thành thạo các công đoạn gò -ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Vận hành thành thạo và an toàn các thiết bị, máy móc sử dụng trong quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Phát hiện, phân tích nguyên nhân sai hỏng xảy ra khi gò – ráp đế và hoàn thiện giầy; đề xuất biện pháp khắc phục.

– Tham gia xây dựng quy trình công nghệ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy cho các loại giầy đế định hình (đúc sẵn).

– Phát hiện các nguyên nhân làm sai hỏng giầy thành phẩm và đề xuất biện pháp sửa chữa.

– Bố trí công nhân và công việc phù hợp để dây chuyền gò – ráp đế hoạt động hiệu quả (đảm bảo năng suất, chất lượng và tiến độ).

– Hướng dẫn công việc cho công nhân gò – ráp bậc 1/6, 2/6 và 3/6 .

Gò – ráp đế giầy hoàn chỉnh theo phương pháp thủ công*.

* Áp dụng với công nhân gò ráp làm việc ở bộ phận làm mẫu.

Bậc 6/6:

a) Hiểu biết:

– Các thao tác cơ bản và yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật trong từng công đoạn gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Sử dụng, điều chỉnh và sửa chữa hư hỏng thông thường đối với các thiết bị, máy móc phục vụ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Có kinh nghiệm gò – ráp đế và hoàn thiện các kiểu giầy.

b) Làm được:

– Gò – ráp đế và hoàn thiện các kiểu giầy.

– Vận hành thành thạo các loại thiết bị, máy móc sử dụng trong quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Tham gia xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, các chỉ tiêu kỹ thuật và quy trình công nghệ gò – ráp đế và hoàn thiện các kiểu giầy có kết cấu mũ, đế phức tạp.

– Đề xuất các biện pháp ngăn ngừa sự cố kỹ thuật và đề phòng tai nạn lao động trong quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Hướng dẫn công việc cho công nhân gò – ráp bậc 4/6 và 5/6.

– Tham gia quản lý và điều hành dây chuyền gò – ráp đế.

3.2.7. Công nhân phụ trợ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy:

Bậc 1/4:

a) Hiểu biết:

– Khái niệm cơ bản về sản phẩm giầy dép.

– Khái quát về nghề gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Tên gọi, vị trí, vai trò của các chi tiết cấu tạo nên phần đế giầy.

– Phân biệt các loại nguyên liệu chính dùng làm các chi tiết đế giầy.

– Tên gọi, công dụng các công cụ gò – ráp đế: phom; kìm gò; chổi quét keo; dụng cụ đựng keo, dao xén, dụng cụ thổi khí…

– Tên gọi (ký hiệu), công dụng, phương pháp sử dụng và bảo quản an toàn các loại  keo dán, dung môi thường dùng trong quá trình gò – ráp đế.

– Mục đích công việc chuẩn bị đồng bộ giữa phom, mũ giầy, các chi tiết đế giầy về kiểu và cỡ trong quá trình gò – ráp đế.

b) Làm được:

– Sắp đôi và thả phom lên băng chuyền.

– Quét keo phần mũ, phần đế theo yêu cầu của một số công đoạn.

– Vệ sinh giầy thành phẩm.

– Những công việc đơn giản hoàn thiện giầy trước khi đóng hộp.

– Làm một số công việc phụ trợ khác dưới sự hướng dẫn của người sắp việc như phụ nhận vật tư; vận chuyển phom, BTP…

Bậc 2/4:

a) Hiểu biết:

– Vị trí, vai trò của các chi tiết đế trong quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

– Mục đích của việc hồi ẩm mũ giầy, lồng pho (mũi, hậu), định hình hậu giầy…

– Các thao tác đơn giản thực hiện trong quá trình gò – ráp đế và hoàn thiện giầy như: bôi quét keo, lấy dấu định vị, mài đế, chải bụi mài, dán độn đế, sửa bavia…

– Nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản các thiết bị, máy móc phục vụ công việc chuẩn bị hoặc hỗ trợ trước khi gò hoặc ráp đế.

b) Làm được:

– Các thao tác chuẩn bị trước khi gò và trước khi ráp đế. Ví dụ: bôi quét keo, lấy dấu định vị, mài đế, chải bụi mài, dán độn đế, sửa bavia…

– Chuyển BTP trên dây chuyền gò – ráp đế vào, ra các vị trí sấy, làm lạnh… để ổn định hình dáng giầy hoặc tăng độ bền mối dán…

– Tháo phom và sắp đôi giầy thành phẩm.

– Công việc vệ sinh, trang trí làm đẹp giầy trước khi đóng hộp.

– Công việc chuẩn bị (hộp, thùng, tem nhãn…) và đóng gói giầy vào hộp, vào thùng theo hướng dẫn của thợ bậc cao.

Bậc 3/4:

a) Hiểu biết:

– Yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của các chi tiết phần đế giầy.

– Cách sử dụng kìm gò thủ công.

– Phương pháp lắp ráp… một số loại đế giầy đơn giản về kiểu dáng và màu sắc ngay trên dây chuyền gò – ráp đế.

– Đọc và hiểu lệnh sản xuất; quy trình công nghệ; văn bản định mức vật tư và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật khác…

– Các quy định về hình thức đóng gói đối với từng loại sản phẩm và lô hàng hoá.

– Cấu tạo, công dụng, nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các thiết bị sau:

+ Các máy làm phẳng chân gò.

+ Thiết bị định hình BTP gò.

+ Thiết bị xử lý vết nhăn trên BTP gò, giầy thành phẩm.

+ Máy mài tạo nhám chân gò.

+ Máy phun xì làm bóng giầy và mặt đế.

b) Làm được:

– Thành thạo các thao tác cơ bản trong quá trình phụ trợ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy như: sắp đôi; sắp đồng bộ các chi tiết hoặc bộ phận giầy; định vị; quét keo;  mài (BTP gò; cạnh đế, lòng đế…); chải bụi; vệ sinh, trang trí giầy; đóng hộp…

– Áp dụng các thao tác phụ trợ nêu trên để phụ trợ gò – ráp đế và hoàn thiện kiểu giầy có kết cấu mũ, đế đơn giản trong các công đoạn của dây chuyền gò – ráp kể cả việc hỗ trợ kiểm tra chất lượng thành phẩm và khắc phục các sai hỏng trong trường hợp có thể.

– Kiểm tra phát hiện sai hỏng của phom; BTP đầu vào (mũ giầy, các chi tiết đế và các nguyên phụ liệu khác); BTP gò; chất lượng mối liên kết giữa mũ và đế của giầy thành phẩm.

– Đóng gói giầy vào hộp, thùng… theo yêu cầu kỹ thuật.

– Tham gia sắp việc trong dây chuyền gò – ráp đế và hoàn thiện giầy.

Bậc 4/4:

a) Hiểu biết:

– Đặc điểm, tính chất của các loại nguyên liệu làm đế thông thường; các loại keo, dung môi… thường dùng dán ép đế giầy.

– Phương pháp lắp ráp các kiểu đế giầy phức tạp về kiểu dáng và nhiều màu sắc.

– Quy trình gò – ráp đế và hoàn thiện một số kiểu giầy có kết cấu mũ, đế phức tạp.

– Cấu tạo, tính năng, nguyên tắc sử dụng an toàn và bảo quản các thiết bị sau:

+ Buồng sấy và hoạt hoá keo (loại keo, thời gian, nhiệt độ, tốc độ băng chuyền…).

+ Máy ép đế, máy ép cạnh đế (thời gian, lực ép…).

+ Buồng làm lạnh (thời gian, nhiệt độ, tốc độ băng chuyền…).

+ Máy may diễu, máy may cóp.

+ Biết phương pháp điều chỉnh và sửa chữa những hư hỏng thông thường của các thiết bị nêu trên.

b) Làm được:

– Áp dụng các thao tác cơ bản trong quá trình phụ trợ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy để phụ trợ gò – ráp một số kiểu giầy có kết cấu mũ, đế phức tạp.

– Điều chỉnh các thông số buồng sấy, buồng lạnh theo yêu cầu công nghệ.

– Giám sát việc thực hiện quy trình công nghệ trong các công đoạn phụ trợ gò – ráp đế và hoàn thiện giầy. Phát hiện các nguyên nhân sai hỏng và có biện pháp khắc phục kịp thời.

– Thao tác mẫu thành thạo các công đoạn phụ trợ và hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho công nhân tiền chế đế bậc 1/4, 2/4 và 3/4…

– Tham gia công tác quản lý và điều hành trong phạm vi tổ, nhóm sản xuất.

3.2.8. Công nhân bồi vải: (còn gọi là công nhân cán vải)

Bậc 1/4:

a) Hiểu biết:

– Nắm vững nội quy an toàn lao động trong phân xưởng bồi vải. Cụ thể là nội quy an toàn điện, nội quy an toàn hơi, nội quy an toàn cho người và thiết bị khi thao tác vận hành máy bồi.

– Trình tự bồi vải.

– Nhận biết được một số nguyên liệu bồi như: các loại vải, mút xốp, cao su…

– Phân biệt được các loại keo sử dụng tại bộ phận bồi vải.

b) Làm được:

– Công việc chuẩn bị, kiểm tra nguyên liệu và thiết bị; sắp xếp hợp lý vật tư, nguyên liệu ở các vị trí làm việc trên máy.

– Thao tác thuần thục trên một loại máy được phân công ở công đoạn bồi vải.

– Đóng ngắt các công tắc, cầu dao điện đúng lúc và an toàn.

– Thực hiện nghiêm túc các quy tắc an toàn lao động.

Bậc 2/4:

a) Hiểu biết:

– Tác dụng cơ bản của các loại keo khác nhau dùng cho các nguyên liệu bồi.

– Tác dụng của việc dùng các loại keo khác nhau trong quá trình bồi vải.

– Biết công thức và quy trình pha các loại keo sử dụng khi bồi vải.

– Cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các máy thuộc bộ phận bồi vải.

– Nắm vững quy trình bồi vải và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình bồi vải như: nhiệt độ, tốc độ, độ nhớt của keo…

– Quy tắc vệ sinh công nghiệp máy bồi vải.

 b) Làm được:

– Độc lập thao tác đúng quy trình công nghệ tại các công đoạn của máy bồi.

– Thao tác thuần thục trên hai loại máy bồi vải (nếu có).

– Đánh giá được chất lượng sản phẩm do mình làm ra và biết cách khắc phục những khuyết tật của sản phẩm.

– Vệ sinh máy và khu vực theo quy định.

Bậc 3/4:

a) Hiểu biết:

– Cấu tạo và tác dụng cơ bản của các bộ phận máy bồi vải.

– Pha chế được các loại keo bồi vải khác nhau.

– Nắm được các chỉ tiêu kiểm tra và chuẩn mực chấp nhận của vải bồi.

– Hiểu được sơ bộ chất lượng sản phẩm do mình làm ra có ảnh hưởng như thế nào đến các bộ phận có liên quan.

– Các nguyên nhân làm sai hỏng vải bồi.

– Các nguyên nhân hư hỏng máy bồi vải…

b) Làm được :

– Thao tác đúng quy trình công nghệ và đảm bảo chất lượng ở tất cả các công đoạn của máy bồi.

– Độc lập pha chế được loại keo thích hợp với loại nguyên liệu cần bồi và quy trình bồi cán.

– Xây dựng định mức vật tư cho khâu bồi vải.

– Xây dựng quy trình công nghệ bồi đúp.

– Có khả năng phát hiện được các mẻ keo không đảm bảo chất lượng và đề xuất biện pháp xử lý.

Bậc 4/4:

a) Hiểu biết:

– Các nguyên nhân khách quan và chủ quan (do thao tác) gây nên hiện tượng sai hỏng vải bồi (vải nhăn, không dính, không đanh…).

– Các phương pháp xử lý vải bồi không đảm bảo chất lượng.

– Phát hiện kịp thời những tình trạng không bình thường của máy bồi.

– Công nghệ bồi vải phù hợp với từng loại vật tư và yêu cầu của sản phẩm.

– Có khả năng kèm cặp được thợ bậc dưới và thợ học việc.

b) Làm được :

– Xử lý vải bồi không đảm bảo chất lượng trong trường hợp có thể.

– Phát hiện sự cố; điều chỉnh, sửa chữa máy bồi kịp thời tránh ảnh hưởng đến chất lượng vải bồi.

– Có khả năng đề xuất biện pháp tăng năng suất; tiết kiệm vật tư, nguyên liệu và đảm bảo chất lượng.

– Quản lý và điều hành bộ phận bồi vải.

3.2.9. Công nhân cán luyện cao su:

Bậc 1/6:

Phải qua thời gian kèm cặp lý thuyết và thực hành trong thời gian ít nhất là 03 tháng.

a) Hiểu biết:

– Nội quy an toàn lao động cho người, thiết bị; quy trình vận hành an toàn và quy  tắc vệ sinh công nghiệp đối với các thiết bị điện, hơi, cán trong phân xưởng cán luyện.

– Công dụng và sự bố trí của các thiết bị trong phân xưởng cán luyện.

– Khái quát về quy trình cán luyện cao su.

– Phân biệt được các loại cao su bán thành phẩm (màu sắc, độ cứng, độ dẻo) dùng cho việc sản xuất giầy.

– Yêu cầu chất lượng sản phẩm ở công đoạn được phân công.

– Biết cân cao su chính xác bằng dụng cụ đo chuyên dùng.

b) Làm được:

– Phụ việc thành thạo trong các công việc sau: chuẩn bị, kiểm tra phương tiện và nguyên liệu; xếp đặt lưu trữ cao su theo đúng quy định.

– Thao tác thuần thục ở công đoạn được phân công như: thao tác máy luyện phá, thực hiện các công đoạn sơ luyện…

– Tra dầu mỡ vào máy cán đúng quy định.

Bậc 2/6:

a) Hiểu biết:

– Khái quát về công nghệ cao su đang sản xuất tại đơn vị.

– Mục đích, tác dụng của việc sơ luyện từng đoạn, hỗn luyện và nhiệt luyện.

– Nắm được tên gọi, nhận dạng bên ngoài và tác dụng cơ bản của các nhóm hoá chất (phụ gia) trong đơn pha chế như:

+ Nhóm cao su: cao su tự nhiên, cao su tổng hợp.

+ Nhóm các chất lưu hoá: lưu huỳnh, xúc tiến…

+ Nhóm các chất hoá dẻo: dầu, a.stearíc, nến , nhựa thông…

+ Nhóm các chất phòng lão.

+ Nhóm các chất độn….

– Ý nghĩa cụ thể của trật tự cho thuốc, điều kiện khống chế nhiệt độ ở từng giai đoạn của bộ phận luyện.

– Yêu cầu chất lượng của các loại cao su BTP trong xưởng cán luyện.

– Cấu tạo, tính năng, nguyên tắc vận hành an toàn và bảo quản tất cả các loại máy luyện.

b) Làm được :

– Độc lập thao tác thuần thục, đúng quy trình công nghệ ở các máy luyện cho tất cả các loại cao su sơ luyện, hỗn luyện.

– Dùng tay sờ và mắt nhìn biết được một số loại hoá chất cơ bản dùng trong cao su như: ôxyt kẽm (ZnO), bột nhẹ, lưu huỳnh… và các loại cao su tự nhiên, cao su tổng hợp.

– Thao tác được ở máy nhiệt luyện, ra tấm dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của công nhân cán luyện bậc 3/6 trở lên.

– Cắt được mẫu cao su chính xác theo yêu cầu kỹ thuật.

– Cho cao su vào máy được đều đặn, không mắc kẹt hoặc phân tán; thu hẹp, nới rộng khoảng cách hai quả lô máy cán đúng thời cơ và chính xác.

– Làm được công việc hoà tan keo theo quy trình công nghệ khuấy keo.

Bậc 3/6:

a) Hiểu biết:

– Cấu tạo chi tiết của các thiết bị cán luyện.

– Nắm được quy trình công nghệ của các bộ phận liên quan như gò – ráp đế, hấp; biết những ảnh hưởng của chất lượng cao su cán luyện đến quá trình gò – ráp đế và hấp giầy.

– Ý nghĩa, tác dụng của độ dẻo cao su sơ luyện, hỗn luyện trong quá trình công nghệ; các yêu cầu về chất lượng BTP và thành phẩm cao su.

– Hiểu tính năng, yêu cầu kỹ thuật của cao su BTP thuộc công đoạn được phân công.

– Nắm được yêu cầu kỹ thuật, quy cách các chi tiết bằng cao su trên đôi giầy.

– Biết được các nguyên nhân do sơ luyện, hỗn luyện gây nên khi có mẻ cao su không đảm bảo chất lượng.

– Quy trình thao tác của quá trình hỗn luyện.

– Nguyên nhân hư hỏng máy cán thường gặp.

b) Làm được:

– Thao tác thành thạo, đúng quy trình công nghệ và đảm bảo chất lượng BTP ở tất cả các máy cán luyện (thành thạo các thao tác cắt đảo trái, phải; rời trục; dính trục; khoét lỗ; cuộn tròn; trở đầu; gấp tam giác…).

– Biết sử dụng thêm một loại thiết bị khác của phân xưởng cán luyện như: máy cắt, máy đùn…

– Sờ bằng tay khống chế được nhiệt độ trong phạm vi sai số cho phép nhanh chóng, chính xác.

– Căn cứ vào quy trình mới (nếu có) độc lập thao tác luyện được một loại cao su mới.

– Phát hiện những dấu hiệu bất thường của cao su trong quá trình cán luyện và báo cho người có trách nhiệm.

– Sửa chữa những hư hỏng thông thường ở máy cán luyện trong trường hợp cho phép.

Bậc 4/6:

a) Hiểu biết:

– Nắm vững và phân biệt các loại nguyên liệu chính. Phân biệt chất độn tăng cường và chất độn trơ.

– Tính năng, tác dụng của các loại hoá chất và các loại cao su sống trong việc gia công chế biến cao su; tác dụng của tỉ lệ trong đơn pha chế.

– Những nguyên nhân cơ bản do thao tác có thể dẫn đến cao su không đảm bảo về độ cứng, tỉ trọng, độ dẻo, cường lực, độ dãn dài, dãn dư…

– Các phương pháp xử lý cao su không đảm bảo chất lượng về tỷ trọng, độ cứng, độ dẻo, cường lực.

– Các tiêu chuẩn kỹ thuật của tất cả các BTP và thành phẩm cao su trong phân xưởng cán luyện.

– Hướng dẫn, kèm cặp công nhân cán luyện cao su bậc 1/6, 2/6, 3/6 và thợ học việc.

 b) Làm được:

– Xử lý được các loại cao su không đảm bảo chất lượng về độ dẻo, độ cứng, nhầm thuốc theo đơn.

– Phát hiện và xử lý các sự cố về thiết bị để tránh ảnh hưởng đến BTP đang luyện .

– Phân biệt được tất cả các loại hoá chất sử dụng trong quá trình cán luyện cao su và mục đích sử dụng chúng.

– Ước tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu của công đoạn được phân công.

– Có khả năng chỉ đạo về mặt kỹ thuật trong bộ phận cán luyện.

– Cao su cán luyện đảm bảo kỹ thuật đạt trên 95%.

Bậc 5/6:

a) Hiểu biết:

– Các tiêu chuẩn chất lượng của cao su hỗn luyện như độ dẻo, tỷ trọng, độ cứng, cường lực, dãn dài, mài mòn, tính năng lão hoá… và ý nghĩa của các tiêu chuẩn đó.

– Các nguyên nhân nội tại (pha chế) và các nguyên nhân khách quan (công nghệ) làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bộ phận xuất tấm, cán hoa, ráp đế, hấp giầy…

– Chi tiết, tỉ mỉ về quá trình thao tác ở bộ phận hỗn luyện.

– Hiểu biết tất cả các loại cao su sống thông dụng và phương pháp chế biến cao su sống từ mủ cao su; biết cách bảo quản cho từng loại cao su.

– Một số công thức phối trộn, định mức tiêu hao cấu thành đế giầy kiểu dáng đơn giản, một màu.

– Các chỉ tiêu kiểm tra và chuẩn mực chấp nhận của tất cả các BTP và thành phẩm cao su trong xưởng.

– Lý thuyết về công nghệ cao su một cách hệ thống và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cán luyện cao su.

– Hiểu rõ cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các trang thiết bị có trong phân xưởng cán luyện.

b) Làm được:

– Vận hành ở bất cứ vị trí nào trong phân xưởng cán luyện.

– Độc lập xử lý các loại cao su bán tự lưu và cao su phế phẩm thành các mặt hàng cấp thấp.

– Có khả năng pha chế và tổ chức luyện thí nghiệm một loại cao su mới hoặc điều chỉnh  công thức cán luyện một cách thích hợp để cán luyện loại cao su mới theo yêu cầu của sản xuất.

– Hướng dẫn và tổ chức cho công nhân trong bộ phận thực hiện tốt các công đoạn trong công nghệ gia công các loại cao su.

– Tham gia đào tạo công nhân cán luyện cao su bậc 1/6 và 2/6 về lý thuyết và thực hành.

– Truyền đạt kinh nghiệm cho công nhân cán luyện cao su bậc 3/6 và 4/6.

Bậc 6/6:

a) Hiểu biết:

– Hiểu công thức phối trộn cấu tạo nên đế giầy mà đơn vị đã sản xuất; biết công dụng của từng loại hoá chất trong công thức.

– Có khả năng đề xuất công thức phối trộn, xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất loại đế giầy kiểu dáng phức tạp, đa màu sắc.

– Các yêu cầu bảo trì trang thiết bị trong phân xưởng cán luyện.

– Kiến thức tổng quan về quá trình sản xuất diễn ra trong đơn vị.

b) Làm được:

– Tổ chức bố trí được dây chuyền sản xuất và chỉ đạo kỹ thuật trong phân xưởng cán luyện.

– Phân tích phát hiện nguyên nhân sai hỏng đề xuất biện pháp sửa chữa, khắc phục để cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.

– Phối hợp với bộ phận sửa chữa bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị theo quy định.

3.2.10. Công nhân lưu hoá cao su: (gọi tắt: công nhân lưu hoá)

Bậc 1/6:

a) Hiểu biết:

– Các quy tắc sử dụng an toàn thiết bị áp lực, an toàn điện, hơi; nội quy an toàn cho người và thiết bị khi thao tác vận hành nồi hấp.

– Khái quát quy trình lưu hoá giầy vải bằng nồi hấp điện và nồi hấp bằng hơi nước.

– Công dụng và sự bố trí của các thiết bị ở bộ phận lưu hoá giầy.

– Được cấp chứng chỉ vận hành thiết bị áp lực.

b) Làm được:

– Vận hành hệ thống thiết bị lưu hóa theo đúng quy trình công nghệ dưới sự hướng dẫn của thợ lưu hoá bậc 4/6 trở lên.

– Kiểm tra và đẩy giầy ra, vào lò hấp. Xếp và bóc giầy (tháo giầy) thành thạo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng của giầy.

– Theo dõi nhiệt độ, áp suất, thời gian trong quá trình hấp giầy; cấp, xả khí nóng, khí lạnh theo đúng quy định và yêu cầu kỹ thuật.

Bậc 2/6:

a) Hiểu biết:

– Ảnh hưởng của một số yếu tố (nhiệt độ, áp suất, thời gian) tới chất lượng cao su lưu hoá.

 b) Làm được:

– Vận hành thành thạo hệ thống thiết bị lưu hoá giầy từ khâu đầu đến khâu cuối.

– Theo dõi và điều chỉnh các thông số nhiệt độ, áp suất, thời gian… cho phù hợp với quy trình công nghệ để sản phẩm giầy lưu hoá đảm bảo chất lượng.

Bậc 3/6:

a) Hiểu biết:

– Hiểu được quá trình lưu hoá giầy có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng sản phẩm.

– Hiểu được nguyên nhân gây nên một số hiện tượng sai hỏng sản phẩm thường gặp trong quá trình lưu hoá.

b) Làm được:

– Có khả năng phát hiện một số sai hỏng của thiết bị và xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và giầy thành phẩm.

– Phòng ngừa và xử lý được những hiện tượng gây sai hỏng sản phẩm trong quá trình lưu hoá. Ví dụ: nhiệt độ không đạt mức yêu cầu cần kéo dài thời gian lưu hoá hoặc áp suất không đạt mức yêu cầu cần phải cấp bổ xung…

Bậc 4/6:

a) Hiểu biết:

– Nguyên lý cấu tạo của nồi hấp; công dụng; tính năng kỹ thuật của từng chi tiết, yêu cầu kỹ thuật và độ an toàn của nồi hấp.

– Những loại vật liệu được phép đưa vào nồi hấp.

b) Làm được:

– Sửa chữa những hỏng hóc thông thường của thiết bị như van cấp hơi, khí nén, bảo ôn các đường ống.

– Lắp được joăng đệm cửa nồi.

– Huớng dẫn công việc cho công nhân lưu hoá bậc 1/6, 2/6

– Quản lý, điều hành tổ sản xuất.

Bậc 5/6:

a) Hiểu biết:

– Hiểu biết cụ thể các quy định nghiêm ngặt của thiết bị nồi hấp và các thiết bị bảo vệ.

– Nắm rõ được diễn biến xảy ra: các phản ứng hoá học, khí hơi khi thiết bị đang vận hành.

– Biết được vật liệu chế tạo các chi tiết trong thiết bị nồi hấp.

b) Làm được:

– Sắp xếp hợp lý các sản phẩm đưa vào thiết bị hấp để có năng suất cao nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

– Xử lý hoặc đưa ra quyết định ngừng sử dụng thiết bị kịp thời khi có sự cố về thiết bị hoặc sản phẩm.

– Tham gia đào tạo thực hành cho công nhân lưu hoá bậc 1/6, 2/6 và 3/6.

Bậc 6/6:

a) Hiểu biết:

– Tầm quan trọng của bộ phận lưu hoá trong quá trình sản xuất.

– Nguyên nhân và cách khắc phục các sự cố (đối với người, thiết bị và sản phẩm) thường xảy ra trong quá trình vận hành thiết bị lưu hoá.

– Quá trình sản xuất trong toàn đơn vị.

b) Làm được:

– Chỉ đạo kỹ thuật trong phân xưởng.

– Tổ chức điều hành ca sản xuất đảm bảo độ an toàn cao cho người, thiết bị và sản phẩm.

– Tham gia đào tạo thực hành cho công nhân lưu hoá bậc 4/6 và 5/6.

3.2.11. Công nhân bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị ngành giầy:

3.2.11.1. Quy định chung đối với công nhân bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị ngành giầy:

Bên cạnh việc tuân thủ các quy định chung đối với công nhân ngành giầy, công nhân bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị ngành giầy còn phải tuân thủ các quy định sau:

– Trình độ ngoại ngữ  tối thiểu được quy định đối với:

+ Bậc 1, 2: tiếng Anh (hoặc tiếng Trung, tiếng Hàn…) tương đương trình độ A

+ Bậc 3, 4: tiếng Anh (hoặc tiếng Trung, tiếng Hàn…) tương đương trình độ B.

+ Bậc 5 trở lên: tiếng Anh (hoặc tiếng Trung, tiếng Hàn…) tương đương trình độ C.

– Trình độ các nghề liên quan được quy định đối với:

+ Bậc 3: có trình độ nghề chế tạo cơ khí tương đương bậc 1 và nghề điện tương đương bậc 1 (phụ lục 2 và 3).

+ Bậc 4: có trình độ nghề thuỷ, khí lực tương đương bậc 1.

+ Bậc 5: có trình độ nghề mạch điều khiển (điện tử, bán dẫn…) tương đương bậc 1.

Lưu ý: đối với bậc càng cao thì trình độ nghề nêu trên cũng được nâng cao tương ứng.

– Công nhân sửa chữa được loại thiết bị nào thì có khả năng vận hành được thiết bị đó.

– Cụm từ sửa chữa dùng trong tiêu chuẩn này có nghĩa đầy đủ là: các công việc bảo dưỡng kỹ thuật, lắp đặt kiểm tra điều chỉnh, khắc phục sửa chữa các mức độ.

– Công nhân bảo dưỡng sửa chữa thiết bị ngành giầy bậc 1/7 được đào tạo trong thời gian tối thiểu 06 tháng. Đối với thợ bậc cao hơn phải được đào tạo và bổ túc thêm để đáp ứng được yêu cầu của tiêu chuẩn.

3.2.11.2. Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị ngành giầy: (gọi tắt là công nhân sửa chữa)

Bậc 1/7

a) Hiểu biết:

– Hiểu được tính năng và phạm vi sử dụng, lựa chọn một số chủng loại dầu mỡ bôi trơn chủ yếu sử dụng trong các thiết bị ngành giầy.

– Đọc được bản vẽ sơ đồ bôi trơn.

– Nắm được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị, dụng cụ bôi trơn thường dùng.

– Nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 1 (Phụ lục 1).

– Công việc bảo dưỡng kỹ thuật các thiết bị ngành giầy chủ yếu.

b) Làm được:

– Các công việc bảo dưỡng kỹ thuật, tra dầu mỡ bôi trơn các thiết bị ngành giầy chủ yếu… dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc công nhân sửa chữa bậc cao.

– Sử dụng thành thạo các thiết bị bôi trơn thông thường.

– Phụ việc cho công nhân sửa chữa bậc cao hơn.

– Sửa chữa các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 1.

Bậc 2/7

a) Hiểu biết:

– Đọc được bản vẽ chi tiết máy thông thường như: các trục trơn, bạc đơn giản và hiểu các điều kiện kỹ thuật cơ bản ghi trên bản vẽ.

– Nắm được các quy ước về dung sai lắp ghép ghi trên bản vẽ. Hiểu được các yêu cầu về độ chính xác gia công, về tính chất của các chế độ lắp ghép.

– Biết phương pháp sử dụng một số dụng cụ đo kiểm thông thường dùng trong sửa chữa  như thước lá, thước cặp từ 1/10 đến 1/50, pan me 1/100, Ni vô…

– Biết ký hiệu, tính chất và công dụng các vật liệu thường dùng như: gang, thép, kim loại mầu, vật liệu phi kim loại …

– Biết tên gọi, chủng loại và công dụng của các thiết bị ngành giầy chủ yếu.

– Nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 2.

b) Làm được:

– Sử dụng thành thạo các dụng cụ, công cụ sửa chữa thông thường như: búa, kìm, cờ lê, mỏ lết,  dũa, khoan tay…

– Chặt, cưa được thép thanh; dũa, mài ba via.

– Dũa; cạo được các mặt phẳng thông thường đạt yêu cầu kỹ thuật.

– Mài được lưỡi khoan ruột gà đường kính 4mm đến 10mm đảm bảo kỹ thuật.

– Tháo lắp được vòng bi thông thường.

– Biết trộn vữa đổ móng máy theo công thức chỉ dẫn.

– Lắp đặt được các thiết bị ngành giầy cỡ nhỏ và đơn giản trên nền nhà và móng máy đạt yêu cầu kỹ thuật .

– Hướng dẫn công nhân công nghệ vận hành được các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 2 trở xuống đảm bảo phát huy hết tính năng công dụng, công suất và an toàn.

– Sửa chữa được các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 2 trở xuống.

Bậc 3/7

a) Hiểu biết:

– Đọc được các bản vẽ chi tiết máy phức tạp hơn như pu ly 3 bậc, trục vít me, bánh răng…

– Nắm vững các quy ước về dung sai lắp ghép ghi trên bản vẽ. Nắm vững về yêu cầu độ chính xác kích thước và độ chính xác gia công, tính chất của các chế độ lắp ghép.

– Sử dụng thành thạo các dụng cụ đo kiểm thường dùng trong sửa chữa như thước cặp đến 1/50, pan me 1/100, đồng hồ so, căn mẫu…

– Nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 3 trở xuống.

b) Làm được:

– Sửa chữa các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 3 trở xuống, kể cả một số hư hỏng thông thường về điện.

– Phân loại các chi tiết bị mòn hỏng thông thường khi tháo ra để sửa chữa định kỳ (dạng sửa chữa vừa và lớn).

– Tổ chức công việc sửa chữa thiết bị cho một nhóm công nhân (tháo lắp, phân loại hư hỏng).

– Làm được công việc của thợ nguội chế tạo bậc 1.

Bậc 4/7

a) Hiểu biết:

– Vẽ được chi tiết máy đơn giản có 1 hình chiếu.

– Đọc được bản vẽ lắp bộ phận máy, bản vẽ chi tiết máy phức tạp, nắm vững các yêu cầu kỹ thuật ghi trên bản vẽ và biết các biện pháp công nghệ thực hiện những yêu cầu đó.

– Hiểu biết về chuỗi kích thước, tự đề ra được kích thước và một vài yêu cầu kỹ thuật chính.

– Biết tra một số trị số dung sai trong sổ tay dung sai lắp ghép.

– Sử dụng thành thạo các dụng cụ đo kiểm trong sửa chữa. Hiểu được nguyên lý cấu tạo của một số dụng cụ đo kiểm chủ yếu.

– Nắm vững các ký hiệu, tính chất và công dụng các vật liệu thường dùng như gang , thép, kim loại mầu, hợp kim, vật liệu phi kim loại.

– Biết lựa chọn và pha trộn, thay thế một số loại dầu mỡ.

– Nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 4 trở xuống.

– Nắm được một số kiến thức về thủy, khí lực đơn giản tương đương bậc 1 như: sơ đồ mạch thuỷ khí lực đơn giản, các cơ cấu chủ yếu và nguyên lý hoạt động của mạch thuỷ lực; một số trục trặc thông thường của mạch và các cơ cấu trên, nguyên nhân và cách khắc phục…

b) Làm được:

– Sửa chữa các thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 4 trở xuống, kể cả một số hư hỏng về thủy, khí lực.

– Chỉ đạo một nhóm công nhân vận chuyển máy móc đảm  bảo an toàn cho người và thiết bị.

– Biết phục hồi các chi tiết mòn hỏng.

– Tổ chức công việc sửa chữa thiết bị cho một tổ hoặc một đội sửa chữa trong phạm vi các xưởng sản xuất.

– Lập biểu đồ thay dầu mỡ cho thiết bị của một phân xưởng sản xuất.

Bậc 5/7

a) Hiểu biết:

– Đọc được bản vẽ cụm hoặc bản vẽ chi tiết phức tạp như trục khuỷu, trục chính, trục cam. Nắm vững các yêu cầu kỹ thuật ghi trên bản vẽ và biết các biện pháp công nghệ thực hiện các yêu cầu đó.

– Vẽ được bản vẽ chi tiết máy có 2 hình chiếu.

– Lựa chọn hoặc thay thế được một số nguyên, vật liệu cần thiết trong sửa chữa.

– Biết mác bê tông làm móng máy.

– Nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị sản xuất giầy có độ phức tạp tối đa R là 5.

– Nắm được một số kiến thức về mạch điện điều khiển đơn giản tương đương bậc 1 như: sơ đồ mạch điện điều khiểu đơn giản, các cơ cấu chủ yếu của mạch, kể cả một số chi tiết điện tử và bán dẫn, hoạt động của các cơ cấu đó và mạch điều khiển. Biết những hư hỏng thông thường nguyên nhân và cách khắc phục của mạch điều khiển và các cơ cấu trên.

b) Làm được:

– Sửa chữa được toàn bộ các thiết bị ngành giầy (có độ phức tạp tối đa R là 5) về phần cơ, kể cả một số hư hỏng về mạch điều khiển (kiểm tra, phát hiện, thay thế…)

– Lập lịch sửa chữa định kỳ thiết bị cho một phân xưởng sản xuất.

– Dự trù được phụ tùng thay thế và nguyên liệu phục vụ cho một dạng sửa chữa vừa hoặc lớn của một thiết bị ngành giầy có độ phức tạp R là 5 trở xuống (các chi tiết, bộ phận phần cơ của toàn bộ các thiết bị ngành giầy).

– Tổ chức công việc sửa chữa cho một phân xưởng sửa chữa.

– Nhận xét và đánh giá công tác tổ chức sửa chữa thiết bị của doanh nghiệp sản xuất giầy.

Bậc 6/7

a) Hiểu biết:

– Đọc được bản vẽ phức tạp, bản vẽ lắp chung, sơ đồ toàn máy. Nắm vững các yêu cầu kỹ thuật ghi trên bản vẽ và biết các biện pháp công nghệ thực hiện các yêu cầu đó. Phát hiện được các sai sót trên bản vẽ nếu có.

– Vẽ được chi tiết máy có 3 hình chiếu.

– Hiểu biết về chuỗi kích thước, biết ra điều kiện về dung sai lắp ghép các chi tiết tương đối phức tạp (trục bậc, bạc ren, khối hộp đơn giản…).

– Biết sử dụng sổ tay dung sai lắp ghép (tra, đối chiếu, lựa chọn cách lắp ghép)

– Biết rõ những đặc điểm hư hỏng của các thiết bị ngành giầy và đề ra các biện pháp sửa chữa thích hợp.

– Nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của tất cả các chủng loại thiết bị sản xuất giầy.

– Biết lập trình cho các thiết bị có điều khiển theo chương trình.

b) Làm được

– Quản lý tốt công tác sửa chữa thiết bị của một phân xưởng sửa chữa (lập kế hoạch và thực hiện quy trình sửa chữa…).

– Giải quyết hầu hết các hư hỏng của các thiết bị ngành giầy, kể cả một số hư hỏng về điện, thủy khí lực và mạch điều khiển… đề xuất biện pháp sửa chữa các hư hỏng nặng (phục hồi, thay thế, điều chỉnh, sửa chữa nguội, thay thế chi tiết, bảng mạch…).

– Phân tích các nguyên nhân chủ yếu làm mất độ chính xác của thiết bị ngành giầy và đề ra biện pháp kéo dài tuổi thọ của thiết bị (về sử dụng, bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa định kỳ).

– Dự trù phụ tùng thay thế và nguyên vật liệu (kể cả dầu mỡ) phục vụ cho sửa chữa định kỳ trong một năm của một phân xưởng sản xuất.

– Biết so sánh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sửa chữa (nguyên liệu hao phí, nhân công sửa chữa, thời gian dừng máy…) để tổ chức hơp lý việc sửa chữa và giảm  giá thành sửa chữa.

– Đề ra các biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng sửa chữa.

– Lập quy trình sửa chữa (quy trình tháo lắp, phục hồi hoặc lắp đặt mới).

Bậc 7/7

a) Hiểu biết:

– Đọc được bản vẽ phức tạp như trục rỗng nhiều bậc, bánh răng, ngoàm, cam tổ hợp, thân bơm, thân hộp số… bản vẽ chung gá lắp, sơ đồ động toàn máy…

– Nắm vững các yêu cầu kỹ thuật ghi trên các bản vẽ và hiểu rõ các biện pháp công nghệ thực hiện các yêu cầu đó. Phát hiện được các sai sót trong các bản vẽ phức tạp nếu có.

– Xây dựng được bản vẽ chung (vẽ, cho các điều kiện kỹ thuật, nhiệt luyện…) một bộ phận máy, một gá lắp… để trình bày phương án cải tiến của mình.

– Biết công việc, nội dung học tập cho khóa đào tạo công nhân sữa chữa hoặc bổ túc cho công nhân sửa chữa nâng bậc.

b) Làm được:

– Tham gia tổ chức, quản lý và đào tạo công nhân bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị ngành giầy; hay nâng bậc cho công nhân sưa chữa (xây dựng nội dung đào tạo, hướng dẫn tay nghề, bố trí thiết bị thực tập, tổ chức kiểm tra đánh giá trình độ…).

– Lập được đồ án cải tiến máy theo yêu cầu kỹ thuật (cải tiến từng bộ phận, thay đổi kích thước chính, trang bị thêm thiết bị an toàn bảo hiểm…).

– Cài đặt, lập trình được một số chương trình hoạt động đơn giản của thiết bị điều khiển theo chương trình.


PHỤ LỤC 1:

ĐỘ PHỨC TẠP SỬA CHỮA R CỦA CÁC THIẾT BỊ NGÀNH GIẦY.

TT

Loại thiết bị

Độ phức tạp sửa chữa (R)

Ghi chú

1

Máy chặt thuỷ lực

4

 

2

Máy lạng da mũ

3

 

3

Máy cắt viền

2

 

4

Máy bồi vải

4

 

5

Máy dẫy mép

3

 

6

Máy in số

3

 

7

Máy gấp mép

3

 

8

Máy ép dán cao tần

4

 

9

Máy đục lỗ ô dê

2

 

10

Máy đính ô dê

3

 

11

Máy may các loại 1 kim

2

 

12

Máy may các loại 2 kim

3

 

13

Máy may ziczac vạn năng

3

 

14

Máy may các loại có dao xén

3

 

15

Máy may vi tính

4

Phần vi tính chuyên ngành

16

Máy là chẽ hậu giầy

2

 

17

Máy vắt sổ các loại

4

 

18

Máy thêu vi tính

4

Phần vi tính chuyên ngành

19

Máy định hình hậu giầy

4

 

20

Máy định hình pho mũi

4

 

21

Máy định hình đế trong

4

 

22

Máy bôi keo mép

2

 

23

Máy bôi keo mặt đế

1

 

24

Máy đính đế 1 vào phom

1

 

25

Máy làm ẩm mũ giầy

3

 

26

Máy gò mũi

5

 

27

Máy gò mang

4

 

28

Máy gò hậu và mang

5

 

29

Máy gò hậu

4

 

30

Máy định hình chân gò sau gò

4

 

31

Máy xén mài đế

2

 

32

Máy hoạt hoá keo

3

 

33

Máy mài chân gò có hút bụi

2

 

34

Máy vạch dấu đế

2

 

35

Máy mài đường mép đế

2

 

36

Máy ép dán đế hộp

5

 

37

Máy ép dán đế

4

 

38

Máy ép chữ thập

4

 

39

Băng tải gò sấy

3

 

40

Khoang làm lạnh

4

Thiết bị lạnh chuyên ngành

41

Máy tháo phom

3

 

42

Máy đóng đinh gót

4

 

43

Máy khâu thành đế

4

 

44

Máy khâu đế

4

 

45

Máy ép lót giầy

2

 

46

Máy thổi sạch

1

 

47

Máy lau chải

1

 

48

Máy là khí nóng

2

 

49

Súng phun xì mầu

2

 

50

Nồi hấp giầy

4

 

51

Máy nén khí

4

 

52

Máy cắt krếp TL

3

 

53

Máy cán cao su

4

 

54

Máy luyện kín

5

 

55

Máy đùn bím

4

 

56

Máy khuấy keo

2

 

57

Dàn ép đế

4

 

– Các thiết bị không có trong danh mục trên áp dụng với thiết bị tương đương.

– Việc xác định bậc phức tạp sửa chữa R dựa trên một số tiêu chí chủ yếu sau:

+ Độ phức tạp trong cấu tạo của máy.

+ Chủng loại và độ phức tạp của cơ cấu truyền động.

+ Chủng loại và độ phức tạp của cơ cấu điều khiển.

+ Kích thước và độ lớn của máy…

– Đối với các thiết bị ngành giầy có phần thủy, khí lực, điện lạnh, mạch điều khiển, điều khiển theo chương trình phức tạp, khi sửa chữa ngoài phần việc được quy định trong cấp bậc công nhân còn có sự tham gia của cán bộ, công nhân kỹ thuật chuyên ngành.

 

PHỤ LỤC 2:

TIÊU CHUẨN CẤP BẬC CÔNG NHÂN SỬA CHỮA ĐIỆN (CỦA TỔNG CỤC ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT).

 

PHỤ LỤC 3:

TIÊU CHUẨN CẤP BẬC CÔNG NHÂN NGUỘI CHẾ TẠO (CỦA TỔNG CỤC ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT).

Chú ý: Trong thực tế hiện nay, khi  đào tạo công nhân sửa chữa thiết bị ngành Giầy nên tuyển những học sinh đã qua các trường đào tạo công nhân nghề nguội chế tạo, điện… để rút ngắn thời gian đào tạo và kết quả đào tạo sẽ có hiệu quả cao hơn.

4. Tài liệu tham khảo:

(1). Một số tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân ngành Giầy cấp cơ sở.

(2). Tiêu chuẩn kỹ thuật công nhân cơ khí của Bộ Cơ khí và luyện kim, Nhà xuất bản và Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật, Hà Nội – 1974.

(3). Sổ tay thợ giầy- Nhà xuất bản Công nghiệp nhẹ, Mạc tư khoa 1972.

(4). Giáo trình “công nghệ cắt, may và gò – ráp đến giầy” – Viện Nghiên cứu Da Giầy – 2002.

(5). Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân các ngành nghề khác./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *