Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 24TCN 04:2006 về nguyên liệu để sản xuất sứ dân dụng cao cấp – thạch anh do Bộ Công nghiệp ban hành
TIÊU CHUẨN NGÀNH
24TCN 04:2006
NGUYÊN LIỆU ĐỂ SẢN XUẤT SỨ DÂN DỤNG CAO CẤP – THẠCH ANH
Raw material for producing hard porcelain tableware – Quartz
LỜI NÓI ĐẦU
24 TCN 04: 2006 do Viện Nghiên cứu Sành sứ Thuỷ tinh Công nghiệp biên soạn. Vụ Khoa học Công nghệ đề nghị, Bộ Công nghiệp ban hành.
NGUYÊN LIỆU ĐỂ SẢN XUẤT SỨ DÂN DỤNG CAO CẤP – THẠCH ANH
Raw material for producing hard porcelain tableware – Quartz
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các chỉ tiêu kỹ thuật của thạch anh dạng bột (gọi tắt là thạch anh) dùng làm nguyên liệu sản xuất sứ dân dụng cao cấp; Phương pháp thử, đóng bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển thạch anh.
2. Tài liệu viện dẫn
TCVN 6227: 1996 Cát tiêu chuẩn ISO để xác định cường độ xi măng.
TCVN 5691: 2000 Xi măng pooc lăng trắng.
TCVN 6927: 2001 Nguyên liệu để sản xuất sản phẩm gốm xây dựng – Thạch anh.
3. Yêu cầu kỹ thuật
Các chỉ tiêu kỹ thuật của thạch anh để sản xuất sứ dân dụng cao cấp được quy định ở Bảng 1.
Bảng 1 – Các chỉ tiêu kỹ thuật của thạch anh
Tên chỉ tiêu |
Mức % |
|
Loại A |
Loại B |
|
1. Hàm lượng silic dioxit (SiO2), không nhỏ hơn |
98,50 |
98,00 |
2. Hàm lượng sắt oxit (Fe2O3), không lớn hơn |
0,10 |
0,20 |
3. Hàm lượng Titan dioxit (TiO2), không lớn hơn |
0,05 |
0,05 |
4. Hàm lượng mất khí nung (MKN), không lớn hơn |
0,30 |
0,40 |
5. Độ mịn tính theo phần trăm lượng còn lại trên sàng có kích thước lỗ 0,063mm, không lớn hơn |
5,0 |
5,0 |
6. Độ trắng so với MgO, không nhỏ hơn |
80 |
78 |
7. Độ ẩm, không lớn hơn |
2 |
2 |
4. Phương pháp thử
4.1. Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử
4.1.1. Lấy mẫu
Mẫu thử thạch anh được lấy theo lô và đại diện được cho toàn bộ lô hàng. Lô hàng là lượng thạch anh cùng loại. Mẫu thạch anh được lấy tự nhiên ở các vị trí cách đều nhau trên, dưới và giữa đống lô, phải lấy ít nhất là 10 vị trí của lô hàng. Mỗi vị trí lấy từ 1,5kg đến 2kg và tổng khối lượng mẫu thử được lấy không nhỏ hơn 16kg.
4.1.2. Chuẩn bị mẫu thử
4.1.2.1. Mẫu thử lấy theo 4.1.1. được trộn đều và rút gọn dần theo phương pháp chia tư cho đến khi còn khoảng 1kg đến 2kg. Sau đó chia mẫu thành hai phần bằng nhau, một phần làm mẫu để thử, phần còn lại làm mẫu lưu được bảo quản trong bao nilon, và niêm phong. Thời gian lưu mẫu không quá 60 ngày.
Trên bao chứa mẫu lưu phải có nhãn ghi rõ:
– Tên cơ sở sản xuất.
– Số liệu lô hàng (Số lượng, loại nguyên liệu, loại bao bì…).
– Ngày tháng lấy mẫu và nơi lấy mẫu.
– Tên người lấy mẫu.
4.1.2.2. Chuẩn bị mẫu thử để xác định các chỉ tiêu hoá và hàm lượng mất khi nung:
Từ mẫu thử theo 4.1.2.1. lấy ra khoảng 100g trộn đều và bằng phương pháp chia tư lấy ra khoảng 20g nghiền trong cối mã não thành bột mịn tới cỡ hạt có thể lọt hết qua sàng kích thước lỗ 0,063mm để làm mẫu thử phân tích hoá và hàm lượng mất khi nung.
Trước khi xác định các chỉ tiêu trên, mẫu được sấy ở nhiệt độ 105ºC±5ºC cho đến khối lượng không đổi và để nguội trong bình hút ẩm đến nhiệt độ phòng.
4.1.2.3. Chuẩn bị mẫu thử để xác định: độ ẩm, độ mịn, độ trắng:
– Xác định độ ẩm: từ mẫu thử theo 4.1.2.1. lấy riêng ra 100g cho vào lọ thuỷ tinh có nắp đậy kín để xác định độ ẩm.
– Xác định độ mịn: từ mẫu thử theo 4.1.2.1. lấy riêng ra 100g để xác định độ mịn.
– Xác định độ trắng: từ mẫu thử theo 4.1.2.1. lấy riêng ra 100g để xác định độ trắng.
Lưu ý: có thể dùng ngay mẫu đã được xác định độ ẩm để đo độ trắng.
4.2. Cách tiến hành
4.2.1. Xác định hàm lượng silic dioxit (SiO2) theo TCVN: 6627-1996
4.2.2. Xác định hàm lượng sắt oxit (Fe2O3) theo TCVN 6927: 2001
4.2.3. Xác định hàm lượng titan dioxit (TiO2) theo TCVN 6927: 2001
4.2.4. Xác định hàm lượng mất khi nung (MKN) theo 6227: 2001
4.2.5. Xác định độ trắng theo TCVN 5691: 2000
4.2.6. Xác định độ ẩm theo TCVN 6927: 2001
4.2.7. Xác định độ mịn
Mẫu thử lấy theo điều 4.1.2.3. của tiêu chuẩn này.
4.2.7.1. Nguyên tắc
Xác định độ mịn bột thạch anh bằng phương pháp sàng ướt.
4.2.7.2. Thiết bị:
– Sàng tiêu chuẩn có kích thước lỗ 0,063mm;
– Cân có kỹ thuật có độ chính xác 0,01g;
– Tủ sấy có bộ điều chỉnh nhiệt độ, đảm bảo nhiệt độ sấy 105ºC-110ºC
– Bình tia 500ml, đĩa pơteri.
4.2.7.3. Cách tiến hành
Mẫu đã chuẩn bị theo 4.1.2.3. được sấy ở nhiệt độ 105ºC-110ºC đến khối lượng không đổi. Cân 100g mẫu chính xác đến 0,01g cho vào cốc thuỷ tinh 500ml, sau đó đổ nước vào. Dùng đũa gỗ khuấy nhẹ trong bát để tạo huyền phù. Rót huyền phù lên sàng có kích thước lỗ 0,063mm và tiến hành rửa bằng tia nước một cách cẩn thận. Để nước dễ lọt qua sàng, nên dùng chổi lông mềm đảo trộn cẩn thận mẫu trên sàng nhưng không làm ảnh hưởng tới mắt sàng. Quá trình rửa được tiến hành cho đến khi nước chảy xuống trong hoàn toàn. Phần còn lại trên sàng dùng bình tia thu gom, lấy ra một cách cẩn thận và cho vào đĩa pơteri, sau đó sấy ở 105ºC-110ºC đến khối lượng không đổi. Cân và ghi lại khối lượng đó.
4.2.7.4. Tính kết quả
Phần khối lượng còn lại trên sàng (X) tính bằng phần trăm theo công thức:
X = |
m1 |
x 100 (%) |
m |
Trong đó
m1 – là khối lượng thạch anh còn lại trên sàng sau khi sấy đến khối lượng không đổi, tính bằng gam.
m – là khối lượng thạch anh đem sàng, tính bằng gam.
Lưu ý: làm ít nhất 03 mẫu. Các kết quả thu được lệch nhau không lớn hơn 0,1%.
Kết quả là trung bình cộng của cả 03 mẫu.
5. Bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển
5.1. Bao gói
Thạch anh được đóng trong bao hai lớp, bên ngoài là bao PP, bên trong là bao nilon.
5.2. Ghi nhãn
Ngoài các nội dung trong phiếu chất lượng theo quy định pháp lý hiện hành, trên bao bì phải có nhãn ghi rõ:
– Tên, ký hiệu loại sản phẩm.
– Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất.
– Các chỉ tiêu kỹ thuật chính.
– Ký hiệu lô (ngày, tháng, năm sản xuất…).
– Khối lượng tịnh.
5.3. Bảo quản
Thạch anh sản xuất ra phải bảo quản trong kho thoáng, sạch, khô ráo có mái che và được xếp trên kệ cách mặt đất và cách tường ít nhất 25cm.
5.4. Vận chuyển
Thạch anh được vận chuyển bằng các phương tiện thông dụng có mái che, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.