Tiêu chuẩn ngành 28TCN163:2000

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Số hiệu: 28TCN163:2000
  • Cơ quan ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 08/09/2000
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Công nghệ- Thực phẩm
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn ngành 28TCN 163:2000 về cảng cá – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Thuỷ sản ban hành


TIÊU CHUẨN NGÀNH

28TCN 163:2000

CẢNG CÁ – ÐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Fishing port – Conditions for food safety

1 Ðối tượng và phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản đối với các cảng cá.

2 Giải thích thuật ngữ

Trong Tiêu chuẩn này, cảng cá được hiểu là một công trình xây dựng chuyên dùng, được trang bị phương tiện cơ giới để tiếp nhận, bốc dỡ, bảo quản, xử lý nguyên liệu thuỷ sản cho các tàu hoặc thuyền đánh bắt, bảo quản và vận chuyển thuỷ sản.

3 Tiêu chuẩn trích dẫn

28 TCN 130:1998 (Cơ sở chế biến thuỷ sản – Ðiều kiện chung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm).

4 Yêu cầu về địa điểm

Cảng cá phải được xây dựng ở những nơi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a. Có vị trí địa lý thuận tiện; có nguồn nước, nguồn điện đảm bảo cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt;

b. Cách xa các nguồn gây nhiễm cho thuỷ sản;

c. Không bị ngập nước, đọng nước.

5 Yêu cầu về bố trí mặt bằng

5.1 Việc bố trí mặt bằng cảng cá phải đảm bảo tránh được khả năng gây nhiễm cho thuỷ sản. Các khu vực bốc dỡ, xử lý, bảo quản và hệ thống đường giao thông vận chuyển nguyên liệu thuỷ sản phải tách biệt với các khu vực dịch vụ hậu cần khác tại cảng cá.

5.2 Các công trình tại cảng cá phải được bố trí hợp lý, thuận tiện cho các hoạt động cần thiết, đảm bảo không để ảnh hưởng đến chất lượng thuỷ sản.

6 Yêu cầu về kết cấu công trình

6.1 Cầu tàu

6.1.1 Phải có kết cấu, kích thước phù hợp, thuận tiện cho hoạt động bốc dỡ, vận chuyển;

6.1.2 Ðược làm bằng vật liệu thích hợp và được bảo dưỡng thường xuyên;

6.1.3 Mặt cầu phải phẳng, không trơn, chịu va đập, thoát nước tốt; dễ làm vệ sinh, khử trùng.

6.1.4 Các đường ống dẫn dầu, dẫn nước, dẫn điện đặt ở cầu tầu phải được bố trí gọn, an toàn.

6.2 Ðường giao thông

6.2.1 Hệ thống đường giao thông trong khu vực cảng phải được thiết kế và xây dựng đảm bảo thuận tiện và an toàn cho hoạt động của cảng cá.

6.2.2 Có bề mặt cứng, phẳng, không trơn.

6.2.3 Có hệ thống thoát nước phù hợp.

6.3 Khu tiếp nhận xử lý nguyên liệu

6.3.1 Có mái che chắc chắn.

6.3.2 Có nền cứng, không thấm nước, không trơn, dễ làm sạch, dễ khử trùng, có độ nghiêng phù hợp cho việc thoát nước và có hệ thống thoát nước thải hợp vệ sinh.

6.3.3 Có hệ thống vòi nước, bồn chứa nước phù hợp đặt ở những nơi cần thiết, thuận tiện cho việc xử lý thuỷ sản;

6.3.4 Ðược trang bị đủ số lượng vòi nước, bồn rửa tay cần thiết theo qui mô sản xuất của cảng. Tại bồn rửa phải có xà phòng rửa tay cho công nhân.

6.3.5 Ðược trang bị các thùng chứa phế thải có nắp đậy kín, làm bằng vật liệu không thấm, không gỉ, dễ làm vệ sinh.

4. Kho lạnh

Nếu cảng cá có kho lạnh thì yêu cầu đối với kho lạnh phảI theo đúng qui định tại Ðiều 3.4.5 của 28 TCN130:1998.

6.5 Kho bảo ôn chứa nguyên liệu thuỷ sản phải theo đúng yêu cầu qui định tại Ðiều 3.4.7 của 28 TCN130:1998.

6.6 Kho bảo quản nước đá để xử lý nguyên liệu thuỷ sản phải theo đúng yêu cầu qui định tại Ðiều 3.4.6 của 28 TCN130:1998.

6.7 Kho dụng cụ, kho chứa hoá chất

6.7.1 Phải có kho riêng để bảo quản dụng cụ chứa đựng, dụng cụ xử lý thuỷ sản. Kho phải được bố trí gần nơi tiếp nhận thuỷ sản. Các giá kê xếp dụng cụ trong kho phải cách sàn ít nhất 0,3 m.

6.7.2 Nơi chứa chất tẩy rửa và khử trùng phải theo đúng yêu cầu qui định tại Ðiều 3.11.5.5 của 28 TCN 30:1998.

6.8 Hệ thống thoát nước

6.8.1 Hệ thống cống rãnh thoát nước phảI có kích thước, số lượng, vị trí, độ nghiêng phù hợp để đảm bảo thoát nước tốt.

6.8.2 Ðược thiết kế, xây dựng đảm bảo dễ làm vệ sinh và không tạo ra nơi ẩn náu của chuột bọ, côn trùng.

6.9 Hệ thống xử lý nước thải

6.9.1 Nước thải từ khu vực sơ chế, xử lý thuỷ sản phải được tách riêng với nước thải từ khu vực xăng dầu.

6.9.2 Nước thải phải được xử lý theo đúng những qui định về nước thảI công nghiệp của TCVN 5945-1995 để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Nước thảI chưa được xử lý không được thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.

6.10 Xử lý chất thải rắn phải theo đúng những yêu cầu qui định tại Ðiều 3.9.2 của 28TCN130:1998.

6.11 Nhà vệ sinh cho công nhân phải theo đúng những yêu cầu qui định tại Ðiều 3.11.4 của 28 TCN130:1998.

6.12 Bãi đỗ xe

6.12.1 Cảng cá phải có bãi đỗ xe được bố trí ở nơi thích hợp.

6.12.2 Bãi đỗ xe phảI có diện tích đủ rộng, có nền cứng, phẳng, thoát nước tốt.

6.13 Hệ thống chiếu sáng

6.13.1 Hệ thống đèn chiếu sáng trong cảng cá phải được bố trí ở nơi cần thiết và đủ sáng, đảm bảo đáp ứng cho mọi hoạt động tại cảng.

6.13.2 Ðèn chiếu sáng phải có chụp bảo hiểm an toàn.

7 Yêu cầu đối với hệ thống dịch vụ

7.1 Hệ thống cung cấp nước đá trong cảng cá phải theo đúng yêu cầu qui định tại Ðiều 3.6 của 28 TCN130:1998.

7.2 Hệ thống cung cấp nước trong cảng cá phải theo đúng yêu cầu qui định tại Ðiều 3.5 của 28 TCN130:1998.

7.3 Hệ thống cung cấp xăng dầu

7.3.1 Kho chứa xăng dầu phải bố trí xa và tách biệt với khu vực có nguyên liệu thuỷ sản.

7.3.2 Bồn chứa và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu phải hoàn toàn kín, bền và được bố trí đảm bảo không gây nhiễm cho sản phẩm.

7.3.3 Việc nhập và xuất xăng dầu phải đảm bảo an toàn, thuận tiện và hợp vệ sinh.

8 Yêu cầu về trang thiết bị và dụng cụ

8.1 Phương tiện làm vệ sinh và khử trùng dụng cụ phải theo đúng các yêu cầu qui định tại Ðiều 3.11.5 của 28 TCN130:1998.

8.2 Phương tiện rửa tay

8.2.1 Phải có đủ các phương tiện rửa tay được đặt tại:

a. Gần lối vào nơi xử lý và tiếp nhận nguyên liệu.

b. Trong khu vực xử lý và tiếp nhận nguyên liệu.

c . Cạnh nhà vệ sinh.

8.2.2 Các phương tiện rửa tay phải đảm bảo được:

a. Cung cấp đủ nước sạch;

b. Có xà phòng để rửa tay.

8.3 Dụng cụ chứa đựng phải đảm bảo:

a. Làm bằng vật liệu không tạo ra mùi lạ, không độc;

b. Không ngấm nước, không gỉ, không bị ăn mòn;

c. Có bề mặt nhẵn và có kết cấu dễ làm vệ sinh.

8.4 Phương tiện vận chuyển thuỷ sản

8.4.1 Thuỷ sản phải được vận chuyển trong các phương tiện chuyên dùng.

8.4.2 Phương tiện vận chuyển thuỷ sản phải được thiết kế và trang bị để duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết trong thời gian vận chuyển. Bề mặt tiếp xúc với thuỷ sản của phương tiện phải nhẵn, phẳng, dễ làm vệ sinh và khử trùng. Nếu dùng nước đá để làm lạnh sản phẩm phải có lỗ thoát nước đá tan.

9 Yêu cầu vệ sinh công nhân

9.1 Người có bệnh truyền nhiễm không được làm việc hoặc đến khu vực có thuỷ sản.

9.2 Công nhân làm việc tại khu vực tiếp xúc với thuỷ sản phải được khám sức khoẻ khi tuyển dụng và định kỳ kiểm tra sức khoẻ hàng năm.

9.3 Cán bộ quản lý cảng cá, công nhân tiếp xúc với sản phẩm phải được đào tạo về vệ sinh thực phẩm và vệ sinh cá nhân.

9.4 Khi đang xử lý sản phẩm hoặc ở những nơi xử lý và bảo quản thuỷ sản, công nhân không được hút thuốc, khạc nhổ, ăn uống;

9.5 Công nhân phải rửa tay bằng xà phòng sát trùng trước khi tiến hành xử lý thuỷ sản và ngay sau khi đi vệ sinh;

9.6 Công nhân phải được trang bị quần áo bảo hộ lao động khi làm việc ở các khu vực bốc dỡ, vận chuyển, tiếp nhận, phân phối và kho bảo quản thuỷ sản.

10 Yêu cầu về bốc dỡ, vận chuyển, phân phối thuỷ sản

10.1.1 Trước khi bốc dỡ sản phẩm, cảng cá phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, dụng cụ phù hợp để làm việc.

10.1.2 Khi bốc dỡ và vận chuyển thuỷ sản lên bờ, phải tránh nắng và tránh nhiễm bẩn thuỷ sản. Quá trình bốc dỡ vận chuyển phân phối thuỷ sản phải đảm bảo để:

a. Tiến hành nhanh chóng, đúng yêu cầu kỹ thuật tránh làm dập nát nguyên liệu;

b. Thuỷ sản phải được làm lạnh hoặc ướp nước đá để hạ nhiệt độ xuống từ -1 đến +40C. Thuỷ sản phải được bảo quản lạnh trong suốt thời gian vận chuyển, lưu giữ và phân phối.

11 Quy định về làm vệ sinh

11.1 Giám đốc cảng cá phải xây dựng kế hoạch làm vệ sinh, khử trùng cho các khu vực tiếp nhận, xử lý và bảo quản nguyên liệu thuỷ sản.

11.2 Bản kế hoạch phải qui định rõ về phương pháp, tần suất làm vệ sinh phù hợp cho từng khu vực, từng loại trang thiết bị dụng cụ; về chế độ giám sát việc làm vệ sinh và xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân đối với từng nội dung công việc.

11.3 Cảng cá phải có người chịu trách nhiệm chính về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người làm việc tại cảng cá phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc những nguyên nhân làm hư hại đến thuỷ sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *