Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN10299-2:2014

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN10299-2:2014
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Lĩnh vực khác
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10299-2:2014 về Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 2: Thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ


TCVN 10299-2:2014

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH – PHẦN 2: THẨM ĐỊNH VÀ CÔNG NHẬN TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Addressing the post war consequences of bomb and mine – Part 2: Assessment and accreditation demining operation oganizations

 

Lời nói đầu

TCVN 10299-2:2014 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn Bộ Tư lệnh Công binh biên soạn, Bộ Quốc phòng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ Tiêu chuẩn TCVN 10299:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, gồm 10 phần:

– TCVN 10299-1:2014, Phần 1: Quy định chung;

– TCVN 10299-2:2014, Phần 2: Thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-3:2014, Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-4:2014, Phần 4: Điều tra và khảo sát về ô nhiễm bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-5:2014, Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-6:2014, Phần 6: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-7:2014, Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-8:2014, Phần 8: Bảo đảm y tế;

– TCVN 10299-9:2014, Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ;

– TCVN 10299-10:2014, Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.

 

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH – PHẦN 2: THẨM ĐỊNH VÀ CÔNG NHẬN TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Addressing the post war consequences of bomb and mine – Part 2: Assessment and Accreditation demining operation oganizations

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và nội dung thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ (RPBM) sau chiến tranh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định và công nhận năng lực của tổ chức thực hiện hoạt động RPBM sau chiến tranh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 10299-1:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 1: Quy định chung;

TCVN 10299-5:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

TCVN 10299-6:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 6: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ;

TCVN 10299-10:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 10299-1:2014 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1. Thẩm định (Assessment)

Sự xem xét một đối tượng được xác định, dựa trên cơ sở các điều kiện, tiêu chuẩn, quy định có trước mà đối tượng bắt buộc phải tuân thủ.

3.2. Công nhận (Accreditation)

Thủ tục được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề cho một tổ chức hoạt động RPBM, gồm công nhận về tổ chức và công nhận về hành động.

4. Thẩm định và công nhận

4.1. Quy định chung

4.1.1. Thẩm định

4.1.1.1. Thẩm định do cơ quan có thẩm quyền thực hiện trước khi công nhận và theo một quy trình kiểm tra kỹ lưỡng và toàn diện.

4.1.1.2. Thẩm định một tổ chức để công nhận tổ chức đó đủ điều kiện tham gia hoạt động trong lĩnh vực RPBM, gồm:

– Thẩm định hồ sơ đăng ký;

– Thẩm định thực tế.

4.1.1.3. Thẩm định hồ sơ đăng ký của một tổ chức hoạt động RPBM phải xem xét các yếu tố mà hồ sơ cung cấp về cơ cấu tổ chức, năng lực, trình độ chuyên môn có đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của công tác RPBM đặt ra hay không.

4.1.1.4. Thẩm định thực tế tổ chức hoạt động RPBM phải kiểm tra, đánh giá thực tế năng lực của tổ chức đó trên cơ sở các nội dung trong hồ sơ đăng ký nhằm xác minh tính chính xác của hồ sơ.

4.1.2. Công nhận

4.1.2.1. Trên cơ sở kết quả thẩm định, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận tổ chức được phép thực hiện hoạt động RPBM trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

4.1.2.2. Quyết định công nhận được trao cho các tổ chức hoạt động RPBM và có giá trị trong thời hạn không quá 2 năm.

4.1.2.3. Hết thời hạn của quyết định công nhận, nếu tổ chức hoạt động RPBM vẫn có nhu cầu tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực RPBM thì phải có văn bản đề nghị gửi cơ quan có thẩm quyền để được gia hạn hoặc thẩm định và công nhận lại.

4.1.3. Tiêu chí thẩm định và công nhận

– Có đủ năng lực (lực lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, phương tiện và các trang thiết bị) theo quy định nêu trong TCVN 10299-6:2014 và các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

– Có năng lực về tài chính, bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định hiện hành.

– Có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hoạt động RPBM.

4.2. Nội dung thẩm định và công nhận

4.2.1. Hồ sơ đề nghị công nhận

4.2.1.1. Danh mục hồ sơ đề nghị công nhận một tổ chức đủ điều kiện thực hiện hoạt động RPBM, gồm:

4.2.1.1.1. Tờ trình đề nghị cấp phép cho tổ chức hoạt động RPBM gửi cơ quan có thẩm quyền (theo mẫu nêu trong Phụ lục A).

4.2.1.1.2. Báo cáo về năng lực của tổ chức:

– Lực lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật;

– Phương tiện và trang thiết bị;

– Khả năng tài chính.

4.2.1.1.3. Kinh nghiệm của tổ chức trong lĩnh vực hoạt động RPBM.

4.2.1.1.4. Mẫu báo cáo về năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức (theo mẫu nêu trong Phụ lục B).

4.2.1.2. Hồ sơ phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của pháp luật Việt Nam; có sự cam kết bảo đảm hài hòa với các lĩnh vực hoạt động khác khi triển khai thực hiện; không có sự tranh chấp với các tổ chức khác.

4.2.2. Trình tự thẩm định và công nhận

4.2.2.1. Tổ chức đề nghị thẩm định và công nhận hoạt động RPBM phải gửi 5 bộ hồ sơ (bản chính) về cơ quan có thẩm quyền.

4.2.2.2. Cơ quan thẩm định tiếp nhận hồ sơ và tiến hành thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế.

4.2.2.3. Thẩm định hồ sơ để công nhận tổ chức có đủ năng lực tham gia hoạt động RPBM tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

– Cơ cấu tổ chức, bố trí sử dụng lực lượng, trang bị;

– Phối hợp công tác với các tổ chức khác trong thực hiện hoạt động RPBM;

– Bằng cấp (chứng chỉ đào tạo), kinh nghiệm thực tế của đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên chuyên môn của tổ chức đó theo yêu cầu, tiêu chuẩn về tổ chức và nhân viên RPBM được các cơ quan có thẩm quyền công nhận;

– Năng lực xây dựng kế hoạch, quản lý dự án;

– Hệ thống quản lý chất lượng nội bộ thể hiện được tính hiệu quả, đầy đủ;

– Công tác bảo đảm hậu cần, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị;

– Tình hình hoạt động tài chính phải bảo đảm tính minh bạch, chấp hành đúng luật pháp, không có sự tranh chấp với các tổ chức cá nhân;

– Hệ thống quản lý dữ liệu đủ khả năng khai thác, quản lý, chia sẻ thông tin và lập bản đồ theo TCVN 10299-10:2014;

– Công tác đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kế hoạch phát triển kỹ năng nhân viên phù hợp;

– Công tác bảo đảm an toàn và chăm sóc y tế cho cán bộ và nhân viên;

– Kinh nghiệm và khả năng phối hợp cộng đồng, phương pháp tiếp cận để hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm liên quan trong RPBM;

– Chế độ, chính sách bảo hiểm cho nhân viên RPBM và các bên liên quan.

4.2.2.4. Thẩm định thực tế để khẳng định chắc chắn năng lực thực hiện hoạt động RPBM của tổ chức bảo đảm an toàn và hiệu quả. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên cơ sở các nội dung cụ thể sau:

– Kiểm tra tất cả các cơ sở quản lý, hậu cần và hành chính, cơ sở vật chất như kho tàng, bãi tập kết, trang thiết bị, thiết bị y tế và các khu vực bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị và cơ sở đào tạo;

– Kiểm tra số lượng và chất lượng tất cả trang thiết bị chuyên dùng và trang thiết bị hỗ trợ cho việc thực hiện hoạt động RPBM;

– Kiểm tra, đánh giá các trang thiết bị phục vụ đào tạo và công tác quản lý dữ liệu;

– Kiểm tra chứng chỉ chuyên môn và kỹ năng hành động thực tế của cán bộ, nhân viên theo chức trách và theo chuyên môn kỹ thuật được đào tạo;

– Kiểm tra năng lực xây dựng kế hoạch và khả năng quản lý dự án. Hệ thống quản lý dữ liệu, quản lý chất lượng thể hiện được tính hiệu quả, đầy đủ;

– Kiểm tra năng lực hoạt động thực tế triển khai thí điểm RPBM tại thực địa của tất cả cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ RPBM theo các tiêu chuẩn có liên quan trong Bộ tiêu chuẩn này.

4.2.2.5. Sau khi xem xét thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế:

– Trường hợp đủ điều kiện để công nhận, sau thời gian 15 ngày, cơ quan thẩm định lập báo cáo thẩm định gửi cơ quan có thẩm quyền công nhận và thông báo đến tổ chức đề nghị thẩm định và công nhận hoạt động RPBM;

– Trường hợp hồ sơ cung cấp hoặc qua thẩm định thực tế chưa đủ điều kiện theo quy định, cơ quan thẩm định sẽ gửi thông báo đến tổ chức đề nghị thẩm định và công nhận hoạt động RPBM yêu cầu cung cấp đủ thông tin theo quy định; sau thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc bổ sung nội dung theo yêu cầu mà tổ chức đề nghị thẩm định và công nhận hoạt động RPBM không đáp ứng được, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ chấm dứt việc thẩm định và công nhận đối với tổ chức đó.

4.2.3. Báo cáo kết quả thẩm định

4.2.3.1. Báo cáo kết quả thẩm định là bản tổng hợp đánh giá, nhận xét và kết luận các nội dung thẩm định. Báo cáo có vai trò quyết định đến việc công nhận một tổ chức có đủ năng lực để tham gia thực hiện các hoạt động RPBM.

4.2.3.2. Báo cáo do cơ quan thẩm định lập và gửi cho cơ quan có thẩm quyền công nhận xem xét và cấp giấy phép hành nghề cho tổ chức hoạt động RPBM.

4.2.4. Mở rộng hoặc sửa đổi nội dung công nhận

4.2.4.1. Khi tổ chức được cấp giấy phép hành nghề RPBM có nhu cầu thay đổi (bổ sung) các nội dung của giấy phép phải gửi văn bản đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định. Đề nghị phải nêu rõ những lý do thay đổi (bổ sung) nội dung trong giấy phép hành nghề RPBM.

4.2.4.2. Nếu các thay đổi vẫn phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế đã được phép áp dụng tại Việt Nam, thì không cần thiết phải có văn bản điều chỉnh, sửa đổi.

4.2.4.3. Nếu có những thay đổi ở phạm vi lớn về cơ cấu tổ chức và các điều kiện, phạm vi của hoạt động, thì Cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét, thẩm định và cấp công nhận mới cho phù hợp với những thay đổi đó khi tổ chức có đề nghị bằng văn bản.

4.3. Giám sát sau thẩm định và công nhận

4.3.1. Cơ quan quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ (KPHQBM) quốc gia có trách nhiệm kiểm tra và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của tổ chức được công nhận để tổ chức đó tuân thủ đúng các nội dung đã được cấp phép.

4.3.2. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia có thể chỉ định một tổ chức có đủ năng lực thực hiện việc giám sát. Kết quả giám sát sẽ được thông báo bằng văn bản đến tổ chức hoạt động RPBM được giám sát.

4.4. Đình chỉ, thu hồi công nhận

4.4.1. Đình chỉ

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề RPBM có thể xem xét đình chỉ hoạt động RPBM trên lãnh thổ Việt Nam đối với một tổ chức trong một thời gian nhất định, nếu kiểm tra, giám sát cho thấy tổ chức đó không tuân thủ các nội dung của việc công nhận; thực hiện các hoạt động RPBM không đúng quy trình và vi phạm các quy định.

4.4.2. Thu hồi

4.4.2.1. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề RPBM sẽ thu hồi giấy phép của tổ chức RPBM trong các trường hợp sau:

– Tổ chức được cấp giấy phép thực hiện sai mục đích, chức năng của một tổ chức hoạt động RPBM;

– Tổ chức được cấp giấy phép không thể tuân thủ theo các yêu cầu, quy định mới (hoặc sửa đổi bổ sung) có liên quan đến lĩnh vực RPBM;

– Nếu kiểm tra, giám sát cho thấy tổ chức được cấp phép vi phạm quá 3 lần các quy định về công tác an toàn theo TCVN 10299-5:2014;

– Tổ chức bị đình chỉ giấy phép hành nghề đến 2 lần hoặc không chấp hành việc kiểm tra, giám sát hoạt động RPBM của cơ quan chức năng;

– Tổ chức được cấp giấy phép không muốn kéo dài hoạt động theo giấy phép.

4.4.2.2. Trước khi chấm dứt một giấy phép hành nghề, cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ chỉ định một tổ chức khác tiếp tục thực hiện phần còn lại của hoạt động RPBM mà tổ chức bị chấm dứt giấy phép hành nghề đang thực hiện.

4.4.2.3. Tổ chức bị thu hồi giấy phép hành nghề có trách nhiệm thanh toán đền bù các chi phí được quy định trong hợp đồng giữa các bên.

5. Cơ quan thẩm định và công nhận

5.1. Nguyên tắc

Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia sẽ chỉ định một (hoặc hai) cơ quan thuộc quyền có đủ năng lực, đủ số lượng nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chịu trách nhiệm thẩm định và công nhận (cấp giấy phép hành nghề) cho tổ chức hoạt động RPBM.

5.2. Yêu cầu khi thẩm định và công nhận

5.2.1. Độc lập, khách quan

5.2.1.1. Kết quả thẩm định và công nhận phải đảm bảo độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình, thủ tục được quy định.

5.2.1.2. Cơ quan thẩm định và công nhận và nhân viên của mình không được tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và sai lệch văn bản kết quả đánh giá, kiểm tra hoặc các hoạt động giám sát.

5.2.1.3. Tất cả nhân viên của cơ quan thẩm định và công nhận không được phép tham gia trực tiếp vào các hoạt động RPBM hoặc cung cấp thiết bị cho các tổ chức hoạt động RPBM hoặc những công việc tương tự.

5.2.2. Bảo mật thông tin

5.2.2.1. Cơ quan thẩm định và công nhận phải đảm bảo bí mật thông tin đã thu thập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

5.2.2.2. Các văn bản liên quan đến hoạt động của cơ quan thẩm định và công nhận không được phát hành cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia.

5.3. Tổ chức và quản lý

5.3.1. Cơ quan thẩm định và công nhận có đủ số lượng cán bộ quản lý và nhân viên chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

5.3.2. Cơ quan thẩm định và công nhận phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu một cách nhanh chóng và kịp thời.

5.3.3. Các cán bộ làm công tác tổ chức, quản lý, điều hành về chuyên môn trong cơ quan thẩm định và công nhận phải là những người có trình độ và kinh nghiệm trong hoạt động thẩm định và công nhận để khẳng định mọi hoạt động công nhận được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10299:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

5.3.4. Cơ quan thẩm định và công nhận có trách nhiệm xây dựng và duy trì các quy trình, thủ tục liên quan đến việc thẩm định và công nhận.

5.4. Quản lý thông tin

5.4.1. Cơ quan thẩm định và công nhận phải phân loại và xác định các tài liệu, thông tin cần thiết để nhập vào hệ thống quản lý dữ liệu (bao gồm cả hệ thống quản lý chất lượng nội bộ) đảm bảo đúng nguyên tắc và được duy trì, thực hiện ở tất cả các cấp.

5.4.2. Trường hợp hệ thống quản lý dữ liệu và thủ tục có ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động RPBM, các cơ quan liên quan và tổ chức hoạt động RPBM phải trao đổi để thống nhất.

5.4.3. Việc quản lý thông tin của các cơ quan thẩm định và công nhận phải do một nhân viên có chuyên môn đảm nhiệm. Nhân viên này có trách nhiệm thu thập và được quyền truy cập tất cả các số liệu từ các cơ quan liên quan cũng như số liệu từ các tổ chức hoạt động RPBM để đưa vào hệ thống quản lý dữ liệu chung. Các dữ liệu này được bảo đảm chất lượng và thống nhất trong cơ quan thẩm định và công nhận.

5.5. Cam kết

5.5.1. Cơ quan thẩm định và công nhận có trách nhiệm lập và lưu giữ tất cả các văn bản kết luận, đánh giá, kiểm tra và các thông tin cần thiết để khi cần sẽ giải thích cho tổ chức được công nhận.

5.5.2. Tất cả hồ sơ phải được lưu trữ an toàn trong thời gian ít nhất 5 năm, trừ trường hợp có yêu cầu của các cơ quan thi hành pháp luật.

5.6. Khiếu nại

Các tổ chức hoạt động RPBM trong nước cũng như của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có thể khiếu nại hoặc kiến nghị với Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia Việt Nam về những vấn đề phát sinh trong quá trình thẩm định, công nhận, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép nếu xét thấy những quyết định này chưa bảo đảm hoặc chưa phù hợp với quy định của Bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10299:2014.

6. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức

6.1. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia

6.1.1. Chỉ định một (hoặc hai) cơ quan thuộc quyền có đủ năng lực để thực hiện việc thẩm định và công nhận.

6.1.2. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện việc thẩm định và công nhận cho các tổ chức hoạt động RPBM trong nước và nước ngoài được thực hiện các hoạt động RPBM ở Việt Nam.

6.1.3. Xác định các tiêu chuẩn quốc gia và cung cấp hướng dẫn cho việc thẩm định và công nhận các tổ chức RPBM.

6.1.4. Giám sát công việc của cơ quan thẩm định và công nhận để việc thẩm định và công nhận luôn được thực hiện một cách công khai, minh bạch và kịp thời đối với mọi tổ chức RPBM.

6.1.5. Tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thẩm định và công nhận, để đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan công nhận.

6.1.6. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của cơ quan thẩm định, công nhận và tổ chức RPBM.

6.2. Cơ quan thẩm định

6.2.1. Thực hiện việc thẩm định hồ sơ đăng ký và thẩm định thực tế tổ chức có đề nghị tham gia hoạt động RPBM khi được Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia giao nhiệm vụ.

6.2.2. Xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký để đưa ra các kết luận kịp thời, minh bạch, khách quan về cơ cấu tổ chức, năng lực, trình độ chuyên môn… đối với các tổ chức đề nghị thẩm định và công nhận được tham gia hoạt động RPBM.

6.2.3. Lập Báo cáo kết quả thẩm định gửi cho cơ quan có thẩm quyền công nhận xem xét và cấp giấy phép hành nghề RPBM cho tổ chức.

6.3. Cơ quan công nhận

6.3.1. Công nhận (cấp phép) hoặc thu hồi giấy phép hành nghề RPBM của tổ chức khi có đề nghị của cơ quan thẩm định.

6.3.2. Xem xét, đánh giá chính xác về mọi mặt, bảo đảm thủ tục hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để công nhận tổ chức hoạt động RPBM đủ điều kiện cấp giấy phép hành nghề.

6.3.3. Đánh giá để đưa ra các kết luận kịp thời, minh bạch, đảm bảo khách quan trong việc ra quyết định cấp giấy phép hành nghề.

6.3.4. Có quyền truy cập tất cả các dữ liệu, các hồ sơ liên quan đến hoạt động RPBM do tổ chức hoạt động RPBM thực hiện.

6.4. Tổ chức hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

6.4.1. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, báo cáo và các tài liệu khác theo 4.2.

6.4.2. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của cơ quan thẩm định và công nhận.

6.4.3. Tuân thủ các nội dung của giấy phép hành nghề.

 

Phụ lục A
(Tham khảo)

Tờ trình về việc cấp giấy phép hành nghề rà phá bom mìn, vật nổ

(TÊN ĐƠN VỊ)
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số:………….

(Địa danh), ngày…… tháng…… năm …

 

TỜ TRÌNH

Về việc cấp giấy phép hành nghề …………………..……………

Kính gửi: ………………………………………………………………………………….

– Tên tổ chức ………..………………; được thành lập tại ………………………

– Tên giao dịch quốc tế ………………………….….……

– Chức năng, nhiệm vụ……………………………………

1. Nêu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của tổ chức; năng lực và kinh nghiệm (kết quả đã thực hiện) các hoạt động về lĩnh vực (hoặc liên quan đến lĩnh vực) xin cấp phép; trình bày vắn tắt về khả năng tài chính của tổ chức……….…..

2. Nhu cầu của tổ chức

Để tạo điều kiện cho ……………… trong lập và triển khai thực hiện các dự án ……………… bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam, ………………… kính đề nghị …………….….. có văn bản báo cáo (cơ quan có thẩm quyền) xem xét cấp giấy phép hành nghề (nêu rõ lĩnh vực đề nghị được cấp phép) cho …………….

 

 

Nơi nhận:

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

CHÚ THÍCH: Hồ sơ đăng ký xin cấp phép phải kèm theo các tài liệu sau:

1. Các Quyết định liên quan đến thành lập tổ chức và các đơn vị cấp dưới trực thuộc.

2. Năng lực (về con người, trang thiết bị, phương tiện, công tác bảo đảm và tài chính).

3. Tóm tắt các hoạt động và kinh nghiệm về lĩnh vực (hoặc liên quan đến) xin cấp phép đã thực hiện.

4. Tóm tắt lý lịch, bằng cấp, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Khả năng đảm nhiệm trên các cương vị hoạt động.

5. Các văn bản pháp lý chứng minh khả năng huy động vốn tự có và từ nguồn khác (nếu có kê khai huy động vốn từ nguồn khác).

6. Các hình ảnh hoạt động của tổ chức liên quan đến lĩnh vực xin cấp phép.

 

Phụ lục B
(Tham khảo)

Báo cáo năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ

(TÊN ĐƠN VỊ)
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số:………….

(Địa danh), ngày…… tháng…… năm …

 

BÁO CÁO

Năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ ……………………….………..……………..

Nêu vắn tắt sơ lược về lịch sử hình thành đơn vị, các quyết định, cấp quyết định, thời gian ban hành, chức năng chính của đơn vị, kết quả các hoạt động (liên quan đến lĩnh vực xin cấp phép) đạt được trong những năm gần đây.

– Tên tổ chức: ………………………………….…..……………………………..

– Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………

– Điện thoại: …………………………………………………..………………….………….

– Email: ………………………………………………………………………………………

– Fax: …………………………………………………………………………….….………

– Tài khoản:

+ Tài khoản (VND): ……………………………………….………….

+ Tài khoản ngoại tệ (USD): ………………………………………….

– Giấy chứng nhận đăng ký thuế, mã số thuế: ……………..…….do ……………………….cấp.

– Chủ trì đơn vị: ………..………………………………………….……………………………….

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Chức năng

(Nêu đúng chức năng của đơn vị theo Quyết định thành lập).

2. Nhiệm vụ

(Nêu đúng chức năng của đơn vị theo Quyết định thành lập).

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC

1. Ban điều hành

– Người chủ trì: ………………….……..………….

– Các cấp phó: ………………………….………….

2. Các phòng (ban) chức năng

…………………………………………………………………………………….

3. Các chi nhánh (nếu có)

…………………………………………………………………………………….

4. Các đơn vị trực thuộc

…………………………………………………………………………………….

5. Các đơn vị phối hợp (nếu có)

…………………………………………………………………………………..….

II. NĂNG LỰC THI CÔNG

1. Trang thiết bị thi công

Lập bảng thống kê số lượng chủng loại các loại trang, thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi công gồm:

– Thiết bị thi công RPBM: Các loại máy dò mìn, máy dò bom, thiết bị bảo vệ, thiết bị hỗ trợ (nêu rõ xuất xứ, năm sản xuất, tính năng …).

– Trang bị thi công: Các loại dụng cụ làm tay, dụng cụ hỗ trợ, bảo đảm y tế …

– Phương tiện phục vụ: Các loại xe chở người, chở vật tư, chở thiết bị …

2. Lực lượng

– Cán bộ chủ chốt: (trình độ chuyên môn, bằng cấp đào tạo, kinh nghiệm …)

– Đội trưởng, đội phó: …………….. người.

– Nhân viên chuyên môn kỹ thuật (bậc cao): ………… người.

– Nhân viên chuyên môn kỹ thuật (trung, sơ cấp): ………… người.

– Thợ chuyên môn kỹ thuật: ………… người.

– Có ……….. đội ……………………………………… với đủ số lượng và trang thiết bị.

Ngoài ra, khi yêu cầu nhiệm vụ thi công với khối lượng lớn và yêu cầu gấp về tiến độ có thể huy động được thêm cùng một lúc ………. đội, từ ………………………………

3. Năng lực về tài chính

(Có thống kê năng lực về tài chính của đơn vị trong thời gian 5 năm trở lại)

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ………………………..

Báo cáo tóm tắt số lượng, khối lượng và kết quả các công trình, dự án và hoạt động liên quan đến lĩnh vực xin cấp phép do đơn vị thực hiện hoặc tham gia thực hiện cùng các đơn vị khác.

Ngoài ra cần đưa thêm dự kiến khả năng, nhu cầu của đơn vị tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực xin cấp phép.

IV. ĐỀ NGHỊ

(Các nội dung cần đề nghị) ……………

 

 

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên và đóng dấu)

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

4. Thẩm định và công nhận

4.1. Quy định chung

4.2. Nội dung thẩm định và công nhận

4.3. Giám sát sau thẩm định và công nhận

4.4. Đình chỉ, thu hồi công nhận

5. Cơ quan thẩm định và công nhận

5.1. Nguyên tắc

5.2. Yêu cầu khi thẩm định và công nhận

5.3. Tổ chức và quản lý

5.4. Quản lý thông tin

5.5. Cam kết

5.6. Khiếu nại

6. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức

6.1. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia

6.2. Cơ quan thẩm định

6.3. Cơ quan công nhận

6.4. Tổ chức hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

Phụ lục A (Tham khảo) Tờ trình về việc cấp giấy phép hành nghề rà phá bom mìn, vật nổ

Phụ lục B (Tham khảo) Báo cáo năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *