Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10299-7:2014 về Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ
TCVN 10299-7:2014
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH – PHẦN 7: XỬ LÝ BOM MÌN, VẬT NỔ
Addressing the post war consequences of bomb and mine – Part 7: Bomb and mine disposal
Lời nói đầu
TCVN 10299-7:2014 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn Bộ Tư lệnh Công binh biên soạn, Bộ Quốc phòng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ Tiêu chuẩn TCVN 10299:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, gồm 10 phần:
– TCVN 10299-1:2014, Phần 1: Quy định chung;
– TCVN 10299-2:2014, Phần 2: Thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-3:2014, Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-4:2014, Phần 4: Điều tra và khảo sát về ô nhiễm bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-5:2014, Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-6:2014, Phần 6: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-7:2014, Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-8:2014, Phần 8: Bảo đảm y tế;
– TCVN 10299-9:2014, Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ;
– TCVN 10299-10:2014, Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH – PHẦN 7: XỬ LÝ BOM MÌN, VẬT NỔ
Addressing the post war consequences of bomb and mine – Part 7: Bomb and mine disposal
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp, các yêu cầu, an toàn trong xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Tài liệu viện dẫn
Tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 10299-1:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh – Phần 1: Quy định chung.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 10299-1:2014 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1. Xử lý bom mìn, vật nổ (Bomb and mine disposal)
Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý hoàn toàn hoặc một phần của bom mìn, vật nổ, làm mất tác dụng của bom mìn, vật nổ bảo đảm an toàn.
3.2. Phương pháp tháo gỡ (Disassembly)
Xử lý bom mìn, vật nổ bằng cách tháo rời các bộ phận của bom mìn, vật nổ để tách các bộ phận nguy hiểm.
3.3. Phương pháp xì hơi nước nóng (Destruction by using hot steam to extract explosives)
Xử lý bom mìn, vật nổ bằng cách dùng hơi nước nóng xì vào bom mìn, vật nổ để tách rời vỏ bom mìn, vật nổ và thuốc nổ.
3.4. Phương pháp đốt (Incineration)
Xử lý bom mìn, vật nổ bằng cách dùng lửa (nhiệt) đốt cháy, tiêu hủy bom mìn, vật nổ.
3.5. Phương pháp nổ (Detonation)
Xử lý bom mìn, vật nổ bằng cách dùng thuốc nổ để gây nổ, phá hủy hoàn toàn bom mìn, vật nổ.
3.6. Đơn vị xử lý bom mìn, vật nổ (Bomb and mine disposal organization)
Đơn vị chuyên trách được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện việc xử lý bom mìn, vật nổ.
4. Quy định chung
4.1. Các phương pháp xử lý bom mìn, vật nổ
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp tháo gỡ.
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp xì hơi nước nóng.
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp đốt.
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp nổ.
4.2. Lựa chọn phương pháp xử lý đối với các loại bom mìn, vật nổ
4.2.1. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp tháo gỡ được áp dụng đối với:
– Bom mìn, vật nổ đã tháo ngòi nổ, kíp nổ;
– Thuốc nổ nhồi trong bom mìn, vật nổ là TNT, Comp-B, C4.
4.2.2. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp xì hơi nước nóng được áp dụng đối với:
– Các loại bom mìn,vật nổ đã tháo ngòi nổ, kíp nổ;
– Thuốc nổ nhồi bên trong là các loại thuốc nổ có nhiệt độ nóng chảy không lớn hơn 100oC.
4.2.3. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp đốt được áp dụng đối với:
– Các loại bom mìn, vật nổ đã tháo ngòi nổ, kíp nổ;
– Thuốc nổ không có khả năng đang cháy chuyển sang nổ hoặc phóng đẩy trong khi cháy.
4.2.4. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp nổ được áp dụng đối với:
– Các loại bom mìn, vật nổ không thể tháo rời các bộ phận;
– Các loại bom mìn, vật nổ không thể xì hơi nước nóng để tách vỏ và thuốc nổ;
– Các bộ phận nguy hiểm tháo gỡ từ bom mìn, vật nổ;
– Các loại bom mìn, vật nổ nguy hiểm, không được phép vận chuyển;
– Các loại bom mìn, vật nổ đặc chủng đã lắp ngòi nổ (khói, chiếu sáng…).
5. Các yêu cầu khi thực hiện xử lý bom mìn, vật nổ
5.1. Phương pháp xử lý bom mìn, vật nổ phải được thể hiện trong phương án kỹ thuật thi công và dự toán rà phá bom mìn, vật nổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5.2. Thực hiện xử lý bom mìn, vật nổ theo các quy trình xử lý đã được xây dựng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Danh mục các quy trình được nêu trong Phụ lục A.
5.3. Trường hợp bom mìn, vật nổ chưa có quy trình xử lý thì các tổ chức hoạt động RPBM phải xây dựng quy trình xử lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi xử lý.
5.4. Trước khi thực hiện xử lý bom mìn, vật nổ các tổ chức hoạt động RPBM phải lập kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ theo mẫu được nêu trong Phụ lục B, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5.5. Kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ phải thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt. Khi thực hiện xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp nổ, đốt phải phổ biến đến tất cả các bộ phận tham gia thi công trong khu vực và phải thông báo bằng văn bản đến các cơ quan liên quan (chính quyền địa phương, cơ quan quân sự…).
5.6. Nội dung kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ gồm:
5.6.1. Tổ chức lực lượng xử lý:
5.6.1.1Thành lập Hội đồng xử lý (ghi rõ họ tên, cấp bậc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ):
– Chủ tịch, phó Chủ tịch hội đồng xử lý là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng tổ chức RPBM;
– Thành viên Hội đồng là các đồng chí trưởng (phó) Phòng (ban): Kỹ thuật, kế hoạch; đội trưởng đội xử lý và trợ lý bảo vệ.
5.6.1.2. Thành lập đội xử lý (ghi rõ họ tên, chức vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ), các thành viên trong đội xử lý phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Đội trưởng phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật về bom mìn, vật nổ, đã trực tiếp xử lý bom mìn, vật nổ theo các phương pháp tương ứng nhiều lần bảo đảm an toàn;
b) Nhân viên chuyên môn kỹ thuật xử lý phải có trình độ chuyên môn về vũ khí từ sơ cấp trở lên, được huấn luyện về quy trình xử lý bom mìn, vật nổ theo các phương pháp tương ứng, qua kiểm tra đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận;
c) Trình độ nhân viên chuyên môn kỹ thuật xử lý: Theo quy định từ bậc 1 đến bậc 7:
– Bậc 1; 2: Có khả năng xử lý và hủy tại chỗ từng quả bom mìn, vật nổ đã được huấn luyện;
– Bậc 3; 4: Ngoài khả năng của bậc 1; 2 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật xử lý bậc 3; 4 còn phải có khả năng khẳng định được việc di chuyển, vận chuyển và xử lý một hoặc nhiều bom mìn, vật nổ bảo đảm an toàn;
– Bậc 5; 6: Ngoài khả năng của bậc 1; 2; 3; 4 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật xử lý bậc 5; 6 phải có khả năng tiến hành thực hiện tất cả các quy trình xử lý đã được huấn luyện bảo đảm an toàn;
– Bậc 7: Ngoài khả năng của bậc 1; 2; 3; 4; 5; 6 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật xử lý bậc 7 phải có khả năng huấn luyện được bậc thợ 1; 2; 3; 4; 5; 6 và xử lý được các loại bom mìn, vật nổ có tính nguy hiểm cao như vật nổ lắp ngòi tự tạo, vật nổ chứa thuốc phóng dạng lỏng, bom đạn chứa phốt pho.
d) Tổ quân y, lái xe;
e) Tổ cảnh giới;
f) Tổ phục vụ.
5.6.1.3. Tổ chức huấn luyện đội xử lý:
a) Huấn luyện về lý thuyết:
– Kế hoạch xử lý, quy trình công nghệ, quy định an toàn và các ký tín hiệu hiệp đồng trong xử lý;
– Công dụng, cấu tạo của các bom mìn, vật nổ cần xử lý;
– Các phương án phòng chống cháy, nổ trong xử lý;
– Những biện pháp bảo đảm an toàn trong xử lý.
b) Huấn luyện thực hành:
– Các động tác bốc, xếp bom mìn, vật nổ;
– Cách sử dụng dụng cụ, trang thiết bị khi xử lý;
– Tập duyệt các phương án phòng chống cháy nổ.
5.6.2. Phương pháp xử lý (thống kê tên, số lượng, khối lượng bom mìn, vật nổ xử lý theo từng phương pháp dưới đây):
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp tháo gỡ;
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp xì hơi nước nóng;
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp đốt;
– Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp nổ.
5.6.3. Nội dung thực hiện xử lý
5.6.3.1. Công tác chuẩn bị:
5.6.3.1.1. Lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5.6.3.1.2. Chọn địa điểm xử lý:
– Chọn địa điểm và xin phép sử dụng nếu địa điểm xử lý thuộc sự quản lý của địa phương;
– Chuẩn bị bãi xử lý theo quy trình xử lý;
– Kiểm tra khu vực bãi xử lý;
– Tu sửa, củng cố bãi xử lý.
5.6.3.1.3. Tổ chức huấn luyện đội xử lý:
a) Huấn luyện về lý thuyết:
– Kế hoạch, quy trình công nghệ, quy định an toàn và các ký tín hiệu hiệp đồng trong xử lý;
– Công dụng, cấu tạo của các bom mìn, vật nổ cần xử lý;
– Các phương án phòng chống cháy, nổ trong xử lý;
– Những biện pháp bảo đảm an toàn trong xử lý.
b) Huấn luyện thực hành:
– Các động tác bốc, xếp bom mìn, vật nổ;
– Cách sử dụng dụng cụ, trang thiết bị khi xử lý;
– Tập duyệt các phương án phòng chống cháy nổ.
5.6.3.1.4. Phương tiện vận chuyển bom mìn, vật nổ từ nơi cất cất giữ ra bãi xử lý;
5.6.3.1.5. Thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị xung quanh về ngày, giờ, thời gian xử lý và đề nghị địa phương và đơn vị xung quanh bảo đảm an toàn, cấm đi lại vào khu vực xử lý.
5.6.4. Thực hiện kế hoạch xử lý: Căn cứ kế hoạch xử lý đã được phê duyệt, tổ chức hoạt động RPBM làm lệnh xuất bom mìn, vật nổ và lệnh xuất vật tư bảo đảm cho xử lý; tổ chức thực hiện xử lý theo kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
5.6.5. Tổng hợp báo cáo sau xử lý: Các tổ chức hoạt động RPBM phải tổng hợp kết quả báo cáo cơ quan chức năng theo quy định.
6. Quy định an toàn khi xử lý bom mìn, vật nổ
6.1. Quy định an toàn chung
Khi xử lý bom mìn, vật nổ phải thực hiện nghiêm các quy định an toàn trong quy trình xử lý, ngoài ra phải thực hiện theo quy định sau:
6.1.1. Trước khi thực hiện công tác xử lý, đội trưởng đội xử lý phải phổ biến kế hoạch và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, bố trí các tổ cảnh giới khu vực xử lý chặt chẽ.
6.1.2. Phải tổ chức huấn luyện quy trình xử lý cả về lý thuyết và thực hành, kiểm tra đánh giá kết quả, chỉ những người đạt yêu cầu mới được phân công làm nhiệm vụ xử lý.
6.1.3. Những người không có nhiệm vụ không được vào khu vực xử lý.
6.1.4. Hàng ngày, trước khi làm việc, đội trưởng đội xử lý phải nhắc lại quy định an toàn, kiểm tra lại toàn bộ khu vực bãi xử lý, phải bảo đảm an toàn mới được tiến hành xử lý.
6.1.5. Đội trưởng đội xử lý phải thường xuyên có mặt tại hiện trường trong thời gian thực hiện xử lý.
6.1.6. Mỗi ngày làm việc không quá 7 h, không thực hiện xử lý vào buổi trưa, buổi tối; trong thời gian làm việc mọi người phải làm đúng theo quy trình, quy định an toàn, thứ tự các bước nguyên công mà mình đang thực hiện.
6.1.7. Không khoán công việc, chạy theo năng suất lao động.
6.1.8. Không mang diêm, bật lửa và các phương tiện gây ra tia lửa vào trong khu vực xử lý (trừ những dụng cụ phục vụ xử lý do đội trưởng quản lý).
6.1.9. Không xử lý vào ngày thời tiết giông, mưa, bão, sương mù, lạnh dưới 10oC, nóng trên 40oC.
6.1.10. Bom mìn, vật nổ mang đi xử lý ngày nào phải xử lý hết ngày đó. Trường hợp đặc biệt (xa kho tàng, gặp trời mưa bão…) cho phép để bom mìn, vật nổ qua đêm trong hầm tạm chứa, nhưng phải tổ chức canh gác cẩn thận.
6.1.11. Không vận chuyển bom mìn, vật nổ kết hợp với chở người.
6.1.12. Khi vận chuyển bom mìn, vật nổ đi xử lý, các phương tiện phải bảo đảm các quy định sau:
6.1.12.1. Đối với ôtô:
– Xe phải đủ điều kiện vận hành an toàn trong thời hạn kiểm định, được trang bị tối thiểu 2 bình chữa cháy và các dụng cụ chữa cháy khác;
– Xe phải có gương quan sát toàn bộ phía sau thùng xe;
– Ống xả phải nằm dưới gầm xe đảm bảo không phát ra tia lửa;
– Có mui bạt để che mưa, che nắng cho bom mìn, vật nổ khi vận chuyển;
– Phải đổ xăng vào bình chứa trước khi xếp bom mìn, vật nổ lên xe, nắp thùng xăng phải kín, chắc chắn;
– Phía thùng xe giáp với cabin phải xếp các bao cát để bảo vệ lái xe và người áp tải;
– Sàn xe vận chuyển bom mìn, vật nổ phải bằng gỗ, chắc chắn; trên mặt sàn xe có một lớp cát dày tối thiểu 10 cm;
– Không dùng ô tô ben, ô tô kéo moóc, ô tô chạy điện, ô tô buýt để vận chuyển bom mìn, vật nổ;
– Tốc độ vận chuyển không lớn hơn 25 km/h đối với đường tốt; không lớn hơn 10 km/h đối với đường xấu và trong bãi xử lý.
6.1.12.2. Đối với thuyền gắn máy:
– Thuyền phải tốt còn trong thời hạn kiểm định, chắc chắn, không rò rỉ nước;
– Phải có mui bạt che, có móc chắc chắn khi cập bến, có đủ cầu bắc từ thuyền lên bờ, bảo đảm thuận tiện trong di chuyển, mang vác;
– Không được chở bom mìn, vật nổ chung với các mặt hàng khác;
– Nhiên liệu vận hành thuyền phải để ở khoang riêng, phía dưới đuôi thuyền;
– Phải có phương tiện chữa cháy và bao tải thấm nước.
6.1.12.3. Đối với xe thô sơ:
– Có bánh lốp hoặc đệm cao su, có thùng, càng xe chắc chắn, có vách chắn trước và sau thùng xe;
– Sàn xe phải có một lớp cát dày tối thiểu 10 cm.
6.1.12.4. Đối với đòn, quang khiêng, hòm đựng bom mìn, vật nổ:
– Đòn khiêng, quang khiêng phải bền, chắn chắn. Khi khiêng chiều cao thấp nhất từ đáy quang đến mặt đất khoảng 0,3 m;
– Hòm đựng bom mìn, vật nổ phải chắc chắn, có đủ ke, khóa, bản lề và các thanh chèn, đệm lót.
6.1.13. Khi xếp bom mìn, vật nổ trong bãi hủy phải thực hiện đúng các quy định sau:
– Sắp xếp, vận chuyển phải nhẹ nhàng, không quăng quật, va chạm mạnh vào bom mìn, vật nổ; nhân viên đội xử lý phải có đủ dụng cụ bảo hộ lao động;
– Chỉ được xếp 1 lớp hòm trên phương tiện vận chuyển thô sơ;
– Khi vận chuyển từ tuyến nguy hiểm vào hố hủy phải dùng người khiêng;
– Khi xếp bom mìn, vật nổ xuống hố hủy phải có hai người, một người ở trên đưa bom mìn, vật nổ xuống hố cho một người ở dưới xếp. Cùng một lúc không thực hiện xếp quá 1 hố hủy bom mìn, vật nổ (xếp xong hố này mới chuyển sang xếp hố khác).
6.1.14. Sau khi xử lý xong phải:
a) Kiểm tra toàn bộ khu vực xử lý và các khu vực lân cận xem có bom mìn, vật nổ còn sót lại không;
b) Tổ chức thu nhặt hết mảnh bom mìn, vật nổ, vật tư phế liệu sau xử lý;
c) Xử lý hết những bom mìn, vật nổ, bộ phận bom mìn, vật nổ có thể nổ nhưng chưa nổ trong bãi xử lý và khu vực lân cận;
d) Đối với bom mìn, vật nổ sau đây nếu chưa nổ phải hủy nổ tại chỗ, cấm dịch chuyển bom mìn, vật nổ ra vị trí khác:
– Bom mìn, vật nổ còn lắp ngòi nổ;
– Bom bi, đạn M79, đạn cát-sét;
– Ngòi bom mìn, vật nổ các loại;
– Bom mìn, vật nổ không nắm chắc cấu tạo;
– Các bộ phận bom mìn, vật nổ nguy hiểm có thể nổ khi va chạm, dịch chuyển.
e) Thu dọn và san lấp các hố hủy trả lại mặt bằng bãi xử lý như ban đầu;
f) Kiểm tra lại toàn bộ bãi xử lý và khu vực lân cận, nếu bảo đảm an toàn mới hoàn thành công việc và bàn giao bãi xử lý.
6.2. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp tháo gỡ
6.2.1. Trước khi tháo gỡ
6.2.1.1. Toàn đội xử lý phải được huấn luyện đầy đủ những nội dung được nêu trong 5.6.1.3.
6.2.1.2. Những người làm nhiệm vụ tháo gỡ phải chấp hành đúng các quy định an toàn, ngoài ra phải chú ý: Nếu làm việc trên các thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển, trước lúc làm việc phải kiểm tra tình trạng an toàn, tình trạng kỹ thuật của thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển. Xác định bảo đảm an toàn và hoạt động tốt mới được làm việc.
6.2.1.3. Tại vị trí làm việc phải có bản quy trình công nghệ của nguyên công, được để ở vị trí thuận tiện cho người làm việc đọc và thực hiện.
6.2.1.4. Hàng ngày trước khi vào làm việc người chỉ huy tháo gỡ phải:
– Nhắc lại các quy định về an toàn;
– Phân công người phụ trách từng công việc trong nguyên công;
– Kiểm tra toàn bộ khu vực tháo gỡ, các trang thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển phải tốt và an toàn.
6.2.1.5. Đường cơ động, vận chuyển phải bằng phẳng, dễ đi lại. Các vị trí làm việc, vị trí tạm chứa bom mìn, vật nổ chờ tháo gỡ, vị trí tạm chứa thuốc nổ, vị trí tạm chứa bom mìn, vật nổ nguy hiểm phải có mái che mưa nắng.
6.2.1.6. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng chống cháy nổ.
6.2.2. Trong quá trình tháo gỡ
6.2.2.1. Khối lượng bom mìn, vật nổ để ở nơi tạm chứa chờ tháo gỡ phải tính toán đủ làm hết trong ngày.
6.2.2.2. Đội trưởng xử lý là người chỉ huy trực tiếp nhiệm vụ tháo gỡ, ở từng bộ phận phải phân công người phụ trách và an toàn viên của bộ phận đó.
6.2.2.3. Không được tự động làm thêm hoặc bớt các thao tác của quy trình đã được hướng dẫn. Trường hợp không hiểu hoặc trong quá trình xử lý xảy ra sự cố hư hỏng các thiết bị máy móc, phương tiện vận chuyển… phải dừng ngay việc tháo gỡ và báo cáo người chỉ huy để kịp thời xử lý. Không tự ý sửa chữa, giải quyết sự cố.
6.2.2.4. Bom mìn, vật nổ trước khi đưa vào tháo gỡ phải kiểm tra kỹ. Không tháo gỡ các loại bom mìn, vật nổ chưa hiểu được cấu tạo, thuốc nổ bị chảy dầu.
6.2.2.5. Từng người làm việc trong phạm vi quy định của mình, không đi lại lộn xộn sang vị trí khác hoặc làm phần việc không được phân công. Khi làm việc phải nghiêm túc, không tò mò tháo các chi tiết không được phép tháo, không đùa nghịch khi làm việc.
6.2.2.6. Từng người phải mang mặc đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động đúng quy định và chịu trách nhiệm về an toàn phần việc của mình.
6.2.2.7. Bom mìn, vật nổ vận chuyển trong khu vực tháo gỡ phải để trong hòm gỗ chắc chắn, không bị mục nát, vỡ. Vận chuyển bằng khiêng tay phải có quang và đòn khiêng chắc chắn. Không vác hòm trên vai, không được quăng quật, lăn hòm, đẩy hòm làm rơi đổ bom mìn, vật nổ.
6.2.2.8. Các bàn đặt bom mìn, vật nổ để xử lý phải làm bằng gỗ, xung quanh bàn có gờ gỗ cao ít nhất 5 cm để chắn bom mìn, vật nổ không lăn rơi xuống đất.
6.2.2.9. Thuốc nổ sau khi tháo tách từ bom mìn, vật nổ phải đựng trong các hòm gỗ hoặc bao bì và được chèn lót cẩn thận trước khi vận chuyển về nơi cất giữ.
6.2.2.10. Phương tiện vận chuyển thuốc nổ phải bảo đảm đúng quy định an toàn, khi bốc xếp thuốc nổ lên xe phải nhẹ nhàng cẩn thận. Cuối giờ làm việc hàng ngày dùng xe cải tiến hoặc xe ô tô đưa thuốc nổ về kho cất chứa theo quy định.
6.2.2.11. Bom mìn, vật nổ sau khi tháo gỡ phải kiểm tra kỹ xem bên trong còn sót thuốc nổ hay không, nếu còn sót phải lấy ra hết.
6.2.3. Sau khi tháo gỡ
6.2.3.1. Trước khi kết thúc công việc hàng ngày phải:
– Vệ sinh, thu dọn khu vực tháo gỡ;
– Kiểm tra, lau chùi lại trang thiết bị, dụng cụ, sắp xếp gọn gàng để về nơi quy định. Hàng tuần, hàng tháng phải thực hiện chế độ bảo dưỡng máy móc, trang bị, thiết bị, dụng cụ;
– Thuốc nổ rơi vãi phải thu nhặt hết đưa vào hòm và vận chuyển về kho cất giữ đúng quy định. Trường hợp thuốc nổ lẫn quá nhiều tạp chất, không tận dụng được thì phải hủy bằng phương pháp đốt.
6.2.3.2. Trước lúc ra về hàng ngày đội trưởng phải kiểm tra an toàn toàn bộ khu vực tháo gỡ, khi xác định đã an toàn mới phát lệnh cho nhân viên nghỉ, bàn giao lại cho nhân viên bảo vệ.
6.3. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp xì hơi nước nóng
6.3.1. Trước khi xử lý
6.3.1.1. Toàn đội xử lý phải được huấn luyện đầy đủ những nội dung được nêu trong 5.6.1.3.
6.3.1.2. Trước lúc làm việc phải kiểm tra tình trạng an toàn, tình trạng kỹ thuật của thiết bị, phương tiện vận chuyển. Xác định bảo đảm an toàn và hoạt động tốt mới được làm việc.
6.3.1.3. Tại vị trí làm việc phải có bản quy trình công nghệ của nguyên công đó, được để ở vị trí thuận tiện cho người làm việc đọc và thực hiện.
6.3.1.4. Hàng ngày trước khi vào làm việc người chỉ huy xử lý phải:
– Nhắc lại các quy định về an toàn;
– Phân công người phụ trách từng công việc trong nguyên công;
– Kiểm tra toàn bộ khu vực xử lý, các trang thiết bị, phương tiện vận chuyển phải tốt và an toàn.
6.3.1.5. Đường cơ động phải bằng phẳng dễ đi lại. Các vị trí trong mặt bằng xử lý phải có mái che mưa nắng, trừ vị trí tạm chứa vỏ bom mìn, vật nổ và phế liệu.
6.3.1.6. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phòng chống cháy nổ.
6.3.2. Quy định an toàn trong khi xử lý
6.3.2.1. Đội trưởng xử lý là người chỉ huy trực tiếp xử lý, ở từng bộ phận phải phân công người phụ trách và phân công an toàn viên của bộ phận đó.
6.3.2.2. Không được tự động làm thêm hoặc bớt các thao tác của quy trình. Trường hợp nào không hiểu hoặc trong quá trình xử lý xảy ra sự cố hư hỏng các thiết bị máy móc, trang bị vận chuyển… Phải dừng ngay việc xử lý và báo cáo người chỉ huy để kịp thời xử lý. Không tự ý sửa chữa, giải quyết sự cố.
6.3.2.3. Bom mìn, vật nổ trước khi đưa vào xử lý phải kiểm tra kỹ (đặc biệt chú ý đến độ an toàn của thuốc nổ và sự chảy dầu TNT). Nếu bom mìn, vật nổ nghi ngờ về độ an toàn phải đưa về khu cách ly để chọn phương án xử lý nổ.
6.3.2.4. Từng người làm việc trong phạm vi quy định của mình, không đi lại lộn xộn sang vị trí khác hoặc làm phần việc không được phân công. Khi làm việc phải nghiêm túc, không tháo các chi tiết không được phép tháo, không đùa nghịch khi làm việc.
6.3.2.5. Từng người phải mang mặc đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động đúng quy định và chịu trách nhiệm về an toàn phần việc của mình.
6.3.2.6. Bom mìn, vật nổ vận chuyển trong nội bộ dây chuyền phải để trong hòm gỗ (hòm nguyên bản hoặc hòm trung chuyển) hòm phải chắc chắn, không bị mục nát, vỡ. Vận chuyển bằng khiêng tay phải có quang và đòn khiêng chắc chắn. Không vác hòm trên vai, không được quăng quật, lăn hòm, đẩy hòm làm rơi đổ bom mìn, vật nổ.
6.3.2.7. Vật liệu làm dụng cụ trong xử lý có tiếp xúc với thuốc nổ, vỏ bom mìn, vật nổ không được làm bằng kim loại đen.
6.3.2.8. Chỉ được mở van hơi khi bom mìn, vật nổ đã xếp đúng quy định trong nồi hấp, các chỉ số kỹ thuật của nồi hơi (nhiệt độ, áp suất) phải đạt tiêu chuẩn theo đúng hướng dẫn sử dụng nồi hơi đã ban hành.
6.3.2.9. Kiểm tra nồi hơi trong quá trình xì phải dùng dây từ 7 m đến 10 m kéo van xả cho đến khi đồng hồ áp suất chỉ về 0 (ngừng cung cấp nhiệt) mới được lên kiểm tra.
6.3.2.10. Kiểm tra nồi hấp bom mìn, vật nổ trong quá trình xì phải đóng van hơi, chờ 15 min mới được mở nồi hấp để kiểm tra.
6.3.2.11. Quan sát van xả thuốc nổ của nồi hấp thấy hết thuốc nổ (nước trong) phải kiểm tra nồi hơi, nồi hấp như trên, chờ cho vỏ bom mìn, vật nổ nguội hẳn mới được lấy ra khỏi nồi hấp.
6.3.2.12. Khi lấy vỏ bom mìn, vật nổ ra khỏi nồi hấp phải kiểm tra kỹ lại từng loại xem bên trong còn sót thuốc nổ hay không, nếu còn sót phải đưa vào đợt sau tiếp tục xì cho hết thuốc nổ.
6.3.2.13. Nồi hấp được phép xếp đầy nhưng mỗi lần hấp chỉ được xếp các loại bom mìn, vật nổ có cùng loại thuốc nổ.
6.3.2.14. Khối lượng bom mìn, vật nổ để ở nơi tạm chứa chờ xử lý phải tính toán đủ làm gọn trong ngày.
6.3.2.15. Phương tiện vận chuyển thuốc nổ phải bảo đảm đúng quy định an toàn, khi bốc xếp thuốc nổ lên xe phải nhẹ nhàng cẩn thận không quăng quật, làm rơi, làm đổ. Cuối giờ làm việc hàng ngày dùng xe cải tiến hoặc xe ô tô đưa về kho cất chứa theo quy định.
6.3.3. Quy định an toàn sau khi xử lý
6.3.3.1. Trước khi kết thúc công việc hàng ngày phải:
– Vệ sinh, thu dọn khu vực xì tháo;
– Kiểm tra, lau chùi lại trang thiết bị, dụng cụ, sắp xếp gọn gàng để về nơi quy định. Hàng tuần, hàng tháng phải thực hiện chế độ bảo dưỡng máy móc, trang bị, thiết bị, dụng cụ;
– Thuốc nổ rơi vãi phải thu nhặt hết đưa vào hòm và vận chuyển về kho cất giữ đúng quy định.
6.3.3.2. Trước lúc ra về hàng ngày đội trưởng phải kiểm tra an toàn toàn bộ khu vực xì tháo, khi xác định đã an toàn mới phát lệnh cho nhân viên nghỉ, bàn giao lại cho nhân viên bảo vệ.
6.4. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp đốt
6.4.1. Quy định an toàn trước khi hủy đốt
6.4.1.1. Mỗi lần đốt không quá 2 dải, mỗi dải đốt bom mìn, vật nổ theo quy định quy đổi uy lực nổ không quá 20 kg đương lượng TNT.
6.4.1.2. Toàn đội xử lý phải được huấn luyện đầy đủ những nội dung được nêu trong 5.6.1.3.
6.4.1.3. Những người làm việc khi thực hiện hủy đốt bom mìn, vật nổ phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn khi tiếp xúc với bom mìn, vật nổ, vật liệu dễ cháy, dễ nổ.
6.4.1.4. Trước mỗi ca làm việc phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật của thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển xác định bảo đảm an toàn và hoạt động tốt mới được làm việc.
6.4.1.5. Hàng ngày, trước khi vào làm việc, người chỉ huy phải:
– Nhắc lại các quy định an toàn, phân công người phụ trách từng công việc trong hủy đốt bom mìn, vật nổ;
– Kiểm tra các thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển bảo đảm tốt và an toàn;
– Kiểm tra tình trạng sức khỏe và trạng thái tâm lý của các thành viên, nếu không đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho công việc phải thay người khác;
– Kiểm tra an toàn súng, đạn (cảnh giới). Nhắc nhở nhân viên cảnh giới đứng đúng vị trí, làm đúng nhiệm vụ trong khu vực được phân công;
– Kiểm tra việc nắm các ký, tín hiệu trong quá trình hủy đốt bom mìn, vật nổ. Yêu cầu từng người ký vào sổ an toàn, cam kết thực hiện nghiêm quy trình công nghệ, các quy định an toàn.
6.4.1.6. Đường từ dải đốt bom mìn, vật nổ đến hầm chỉ huy, hầm trú ẩn và giữa các hầm với nhau phải được dọn sạch và làm bằng phẳng dễ đi lại.
6.4.1.7. Khi điểm hỏa để đốt đường dẫn lửa thì trên đường đi về hầm ẩn nấp của người điểm hỏa phải cắm cờ đỏ để người đó chạy về đúng hầm trú ẩn của mình.
6.4.1.8. Xung quanh các dải đốt bom mìn, vật nổ phải dọn sạch các vật dễ cháy.
6.4.1.9. Tất cả các phương tiện, hỏa cụ dùng cho mồi lửa phải theo yêu cầu sau:
– Nụ xùy phải lấy ở lô Cấp 1, Cấp 2;
– Dây cháy chậm phải đảm bảo tốc độ cháy theo đúng tiêu chuẩn Cấp 1 (tốc độ cháy 1 cm/s).
6.4.2. Quy định an toàn trong hủy đốt
6.4.2.1. Đội trưởng đội xử lý phải là người chỉ huy trực tiếp dây chuyền hủy đốt bom mìn, vật nổ. Ở từng bộ phận trên dây truyền phải phân công người phụ trách và phân công an toàn viên ở bộ phận đó.
6.4.2.2. Không được tự động làm thêm hoặc bớt các thao tác của quy trình công nghệ. Trường hợp còn nghi ngờ về mức độ an toàn hoặc trong quá trình làm việc gặp vướng mắc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận chuyển bị hư hỏng phải dừng ngay công việc và báo cáo với người chỉ huy để kịp thời xử lý. Không tự ý sửa chữa, giải quyết sự cố xảy ra.
6.4.2.3. Bom mìn, vật nổ đưa vào hủy đốt phải được kiểm tra, yêu cầu phải đúng chủng loại. Nếu phát hiện không đúng chủng loại được hủy đốt phải báo cáo ngay người chỉ huy để xử lý.
6.4.2.4. Mọi người chỉ được làm việc tại vị trí công tác của mình, không đi lại lộn xộn sang vị trí khác hoặc làm phần việc không được phân công. Phải có đủ phương tiện bảo hộ lao động và chịu trách nhiệm về an toàn phần việc mình làm.
6.4.2.5. Bom mìn, vật nổ vận chuyển từ hầm chờ đốt đến dải đốt phải có hòm, dùng quang và đòn khiêng để khiêng. Mỗi lần khiêng không quá 50 kg. Nếu đường tốt cho phép dùng xe cải tiến để vận chuyển nhưng phải đẩy xe từ từ không làm rơi đổ hòm bom mìn, vật nổ, mỗi chuyến không quá 100 kg.
6.4.2.6. Khi xếp bom mìn, vật nổ xuống dải đốt phải dùng tay và làm hết sức nhẹ nhàng. Phải xếp bom mìn, vật nổ thành từng lớp, hết lớp này đến lớp khác. Xếp lần lượt từng dải, xong dải này mới chuyển sang xếp dải khác.
6.4.2.7. Trước khi bố trí phương tiện châm lửa vào dải hủy người chỉ huy bãi hủy phải ra lệnh đưa các phương tiện vận chuyển và những người không có nhiệm vụ điểm hỏa về hầm ẩn nấp. Chỉ có người chỉ huy và những người làm nhiệm vụ điểm hỏa dải hủy ở lại để chuẩn bị mồi cháy dải hủy.
6.4.2.8. Người chỉ huy phải cầm chìa khóa hòm đựng diêm hoặc bật lửa, không giao chìa khóa cho bất kỳ ai.
6.4.2.9. Người chỉ huy chỉ phát lệnh “Điểm hỏa” dải hủy khi nhận đủ tín hiệu an toàn từ các chốt cảnh giới báo về.
6.4.2.10. Mỗi người chỉ được điểm hỏa cho 1 dải hủy. Khi điểm hỏa xong phải chạy ngay về hầm ẩn nấp. Ở vị trí điểm hỏa phải có ít nhất 2 người (1 người chỉ huy và 1 người điểm hỏa). Trong trường hợp hủy đốt 2 dải/lần người chỉ huy phải quan sát người điểm hỏa đầu tiên sau 30 s phải phát lệnh cho tất cả mọi người trên bãi hủy chạy về hầm ẩn nấp, kể cả người không điểm hỏa được.
6.4.2.11. Khối lượng bom mìn, vật nổ hủy đốt trong 1 dải không quá 20 kg đương lượng TNT. Mỗi lần hủy không quá 2 dải. Số bom mìn, vật nổ còn lại chờ hủy đốt lần sau phải để ở hầm tạm chứa. Không hủy đốt bom mìn, vật nổ khác loại cùng 1 dải.
6.4.2.12. Trước khi hủy đốt bom mìn, vật nổ mọi người phải xuống hầm ẩn nấp, không được đứng ngồi trên mặt đất. Người chỉ huy kiểm tra lại xác định an toàn mới được phát lệnh điểm hỏa.
6.4.2.13. Thao tác giật nụ xùy phải đúng quy định. Cho phép đóng 2 đinh từ 3 cm đến 5 cm trên một tấm gỗ nhỏ để kẹp giữ nụ xùy khi giật.
6.4.2.14. Không dùng dây cháy chậm có chiều dài nhỏ hơn 1,5 m;
6.4.2.15. Nếu sau khi điểm hỏa dải hủy không cháy, không có khói phải đợi 15 min người chỉ huy mới được lên kiểm tra xác định nguyên nhân rồi ra lệnh điểm hỏa lại.
6.4.2.16. Sau khi dải hủy đã cháy hết và hết khói phải đợi sau 15 min người chỉ huy mới lên kiểm tra xem bom mìn, vật nổ đã cháy hết chưa. Nếu có bom mìn, vật nổ văng ra ngoài phải để nguyên tại chỗ rồi dùng mồi lửa điểm hỏa lại tuyệt đối không được cầm di chuyển đi chỗ khác.
6.4.2.17. Chỉ được phát lệnh an toàn để tiếp tục chuẩn bị cho đợt hủy đốt tiếp theo sau khi xác định bãi hủy đã an toàn.
6.4.3. Quy định an toàn sau hủy đốt
6.4.3.1. Sau mỗi lần hủy đốt người chỉ huy phải trực tiếp kiểm tra dải hủy, bãi hủy, tổ chức hủy tại chỗ hết số bom mìn, vật nổ văng ra chưa cháy hết và xác định bãi hủy bảo đảm an toàn mới được tổ chức hủy tiếp lần 2.
6.4.3.2. Hủy lần 2 phải làm dải hủy ở vị trí khác cách dải hủy cũ không nhỏ hơn 10 m.
6.4.3.3. Sau một ngày làm việc trước khi nghỉ, người chỉ huy phải trực tiếp kiểm tra bãi hủy, khi bảo đảm an toàn, cho lấp các dải hủy rồi mới phát lệnh rút người cảnh giới ở các chốt về vị trí quy định. Thu dọn, bảo quản phương tiện, thiết bị, dụng cụ, vật tư gọn gàng, nhận xét ưu khuyết điểm và tổ chức về đơn vị.
6.4.3.4. Trường hợp hủy nhiều ngày phải tổ chức canh gác bãi hủy, nơi tạm chứa bom mìn, vật nổ chờ hủy. Không cho người không có nhiệm vụ vào bãi hủy.
6.4.3.5. Tổ chức kiểm tra bãi hủy, khi bảo đảm an toàn phải lập biên bản. Bàn giao lại cho địa phương (nếu bãi hủy mượn của địa phương) xong mới về đơn vị.
6.5. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp hủy nổ
6.5.1. Quy định chung
– Mỗi lần hủy nổ không quá 5 hố, các hố cách nhau lớn hơn 10 m. Tổng khối lượng thuốc nổ nhồi trong bom mìn, vật nổ quy đổi ra thuốc nổ TNT xếp trong một hố không lớn hơn 20 kg.
– Từ hố hủy đến hầm để chứa bom mìn, vật nổ chờ hủy lớn hơn 1 000 m.
– Từ hố hủy đến hầm ẩn nấp, hầm chỉ huy lớn hơn 200 m.
– Từ hố hủy đến hầm chứa hỏa cụ gây nổ từ 500 m đến 600 m.
– Từ hố hủy đến hầm chứa thuốc nổ gây nổ từ 500 m đến 600 m.
– Từ hố hủy đến khu vực cảnh giới từ 1 500 m đến 2 000 m.
6.5.2. Quy định an toàn trước khi hủy nổ
6.5.2.1. Toàn đội xử lý phải được huấn luyện đầy đủ những nội dung được nêu trong 5.6.1.3
6.5.2.2. Những người làm việc hủy nổ phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn khi tiếp xúc với vật liệu dễ cháy, dễ nổ.
6.5.2.3. Bãi hủy phải có đủ phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy nổ, và phương tiện cứu thương, thuốc men cấp cứu cần thiết.
6.5.2.4. Hàng ngày, trước khi vào làm việc, người chỉ huy phải:
– Nhắc lại các quy định an toàn phân công người phụ trách từng công việc trong thực hiện hủy nổ, phòng cháy, chữa cháy, cấp cứu và cảnh giới;
– Kiểm tra các thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển bảo đảm tốt và an toàn;
– Kiểm tra tình trạng sức khỏe của các nhân viên, nếu không đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho công việc phải thay người khác;
– Nếu sử dụng súng, đạn để làm tín hiệu trong hủy nổ phải kiểm tra an toàn súng, đạn. Nhắc nhở nhân viên cảnh giới đứng đúng vị trí, làm đúng nhiệm vụ khu vực được phân công;
– Nhắc lại các quy định về ký tín hiệu hợp đồng trong quá trình hủy nổ;
– Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển xác định bảo đảm an toàn và hoạt động tốt mới được làm việc;
– Yêu cầu từng người ký vào sổ an toàn, cam kết thực hiện nghiêm quy trình công nghệ, các quy định an toàn.
6.5.2.5. Các đường đi lại, vận chuyển vào bãi hủy, hố hủy đến các hầm ẩn nấp phải bằng phẳng, dễ đi lại. Nếu không bằng phẳng, gập ghềnh, ổ gà phải sửa chữa.
6.5.2.6. Nếu điểm hỏa bằng phương pháp gây nổ thường thì trên đường về hầm ẩn nấp phải cắm cờ đỏ để người điểm hỏa chạy về đúng hướng (hầm trú ẩn của mình).
6.5.2.7. Xung quanh các hố hủy nổ phải dọn sạch vật dễ cháy.
6.5.2.8. Trước khi sử dụng phương tiện dụng cụ điểm hỏa phải:
– Nếu điểm hỏa bằng phương pháp gây nổ điện: Kiểm tra nguồn điện, máy điểm hỏa, ôm kế, dây dẫn điện, kíp điện;
– Nếu điểm hỏa bằng phương pháp gây nổ thường: Kiểm tra nụ xùy, dây cháy chậm, bùi nhùi, kíp thường.
6.5.2.9. Thuốc nổ dùng để gây nổ hố hủy được gói buộc thành lượng nổ tập trung, kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, nụ xùy phải lấy ở lô đạt chất lượng Cấp 1, Cấp 2.
6.5.3. Quy định an toàn trong hủy nổ
6.5.3.1. Đội trưởng đội xử lý phải là người chỉ huy trực tiếp hủy nổ bom mìn, vật nổ. Ở từng bộ phận phải phân công người phụ trách và phân công an toàn viên ở bộ phận đó.
6.5.3.2. Không được tự động làm thêm hoặc bớt các thao tác của quy trình công nghệ. Trường hợp còn nghi ngờ về mức độ an toàn hoặc trong quá trình làm việc gặp vướng mắc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận chuyển bị hư hỏng phải dừng ngay công việc và báo cáo với người chỉ huy để kịp thời xử lý. Không tự ý sửa chữa, giải quyết sự cố xảy ra.
6.5.3.3. Bom mìn, vật nổ đưa vào hủy nổ phải được kiểm tra, yêu cầu phải đúng chủng loại theo kế hoạch. Nếu phát hiện không đúng chủng loại được hủy phải báo cáo ngay người chỉ huy để xử lý.
6.5.3.4. Mọi người chỉ được làm việc tại vị trí công tác của mình, không đi lại lộn xộn sang vị trí khác hoặc làm phần việc không được phân công. Khi làm việc phải nghiêm túc, không tháo gỡ các chi tiết của bom mìn, vật nổ. Phải có đủ phương tiện bảo hộ lao động và chịu trách nhiệm về an toàn phần công việc được giao.
6.5.3.5. Bom mìn, vật nổ vận chuyển từ hầm chờ hủy đến hố hủy phải có hòm, dùng quang và đòn khiêng để khiêng. Mỗi lần khiêng không quá 50 kg. Nếu đường tốt cho phép dùng xe cải tiến để vận chuyển nhưng phải đẩy xe từ từ không làm rơi đổ hòm bom mìn, vật nổ, mỗi chuyến không quá 100 kg.
6.5.3.6. Khi xếp bom mìn, vật nổ xuống hố hủy phải dùng tay và làm hết sức nhẹ nhàng. Phải xếp bom mìn, vật nổ thành từng lớp, hết lớp này đến lớp khác. Xếp lần lượt từng hố hủy, xong hố hủy này mới chuyển sang xếp hố hủy khác.
6.5.3.7. Trước khi bố trí lượng nổ gây nổ vào hố hủy người chỉ huy bãi hủy phải ra lệnh đưa các phương tiện vận chuyển và những người không có nhiệm vụ điểm hỏa về hầm ẩn nấp. Chỉ người chỉ huy và những người làm nhiệm vụ điểm hỏa ở lại để chuẩn bị điểm hỏa.
6.5.3.8. Người chỉ huy phải cầm chìa khóa hòm đựng bật lửa, chìa khóa máy gây nổ, không giao cho người khác.
6.5.3.9. Nếu dùng kíp thường để điểm hỏa thì công tác chuẩn bị và lắp ghép nụ xùy vào kíp phải làm ở phía ngoài tuyến nguy hiểm (xa hố hủy từ 100 m đến 150 m) và ở nơi an toàn. Chiều dài dây cháy chậm từ 1,5 m đến 2 m.
6.5.3.10. Khi bố trí lượng nổ để kích nổ hố hủy phải theo đúng thứ tự sau:
a) Đối với phương pháp gây nổ điện:
– Rải dây trục từ hầm chỉ huy đến khu vực hố hủy;
– Rải dây nhánh từ các hố hủy đến dây trục và nối với đường dây trục;
– Đặt lượng nổ gây nổ vào hố hủy được thể hiện trên Hình 1, lỗ lắp kíp nổ phải quay lên phía trên;
– Kiểm tra thông mạch và đo điện trở kíp: Phải kiểm tra các kíp trong cùng đợt, điện trở chênh lệch giữa các kíp trong cùng một đường dây không lớn hơn 0,02 ;
– Lắp kíp điện vào lượng thuốc gây nổ;
– Dùng băng dính hoặc dây gai liên kết kíp điện với lượng thuốc gây nổ;
– Người chỉ huy vào kiểm tra xem việc đặt lượng thuốc gây nổ và lắp ống nổ xem có đúng không. Nếu đúng thì ra lệnh lấp đất kín hố hủy;
– Khi bố trí lượng nổ kích nổ xong người chỉ huy phải ra lệnh cho tất cả mọi người và phương tiện về nơi ẩn nấp sau đó mới được lệnh cho người điểm hỏa đấu dây dẫn điện của kíp vào dây nhánh. Phương pháp đấu dây dẫn với các ống nổ điện có thể bằng cách đấu nối tiếp hoặc song song;
– Chỉ được phát lệnh kiểm tra thông mạch toàn bộ đường dây khi tất cả mọi người đã ở trong hầm ẩn nấp.
b) Đối với phương pháp gây nổ thường:
– Đặt lượng nổ gây nổ vào hố hủy được thể hiện trên Hình 1, lỗ lắp kíp nổ phải quay lên phía trên;
CHÚ DẪN: 1. Lớp đất dày từ 15 cm đến 20 cm; 2. Kíp nổ, ống nổ; 3. Khối thuốc kích nổ; 4. Bom mìn, vật nổ xếp trong hố hủy; 5. Lớp cát dày từ 25 cm đến 20 cm; 6. Bậc lên xuống hố hủy.
Hình 1 – Hố hủy và cách xếp bom mìn, vật nổ trong hố hủy
– Lắp hỏa cụ vào lượng thuốc gây nổ (hỏa cụ gồm: Ống nổ thường, dây cháy chậm, nụ xùy);
– Dùng băng dính hoặc dây gai liên kết kíp nổ với lượng thuốc gây nổ;
– Người chỉ huy vào kiểm tra xem việc đặt lượng thuốc gây nổ và lắp ống nổ xem có đúng không. Nếu đúng thì ra lệnh lấp đất kín hố hủy.
6.5.3.11. Người chỉ huy chỉ được phát lệnh điểm hỏa khi tất cả mọi người đã vào hầm ẩn nấp và nhận được tín hiệu an toàn từ các chốt cảnh giới trả lời đã an toàn cho hủy nổ.
6.5.3.12. Trường hợp điểm hỏa bằng phương pháp gây nổ thường: Một người chỉ được điểm hỏa không quá 2 hố hủy. Người chỉ huy phải quan sát người điểm hỏa đầu tiên sau 30 s phải phát lệnh cho tất cả mọi người tham gia điểm hỏa chạy về hầm ẩn nấp, kể cả người không điểm hỏa được.
6.5.3.13. Trường hợp điểm hỏa bằng phương pháp gây nổ điện nếu không nổ phải làm lại động tác điểm hỏa thêm từ 1 đến 2 lần mà vẫn không nổ phải tháo dây trục ra khỏi nguồn điện, cất nguồn điện vào hòm khóa lại, giữ lấy chìa khóa đợi sau 30 min người chỉ huy mới được ra khỏi hầm lên bãi hủy để kiểm tra, tìm nguyên nhân. Sau đó mới cử người lên giải quyết sự cố. Sau khi khắc phục xong các sự cố tiến hành hủy nổ như thứ tự đã nêu.
6.5.3.14. Nếu điểm hỏa bằng phương pháp gây nổ thường mà không nổ phải đợi sau 30 min người chỉ huy mới được ra khỏi hầm lên bãi hủy để kiểm tra, tìm nguyên nhân. Sau đó mới cử người lên giải quyết sự cố. Sau khi khắc phục xong các sự cố thì xử lý bằng cách đặt tiếp lượng nổ khác bên cạnh lượng nổ cũ để kích nổ. Nghiêm cấm việc đào bới lượng kích nổ ban đầu.
6.5.3.15. Khi điểm hỏa xong sau 30 min thì người chỉ huy lên kiểm tra kết quả hủy nổ bom mìn, vật nổ. Nếu nổ không hết, có bom mìn, vật nổ văng ra ngoài để nguyên tại chỗ, không xê dịch ra vị trí khác mà phải dùng cờ đỏ đánh dấu, sau đó dùng lượng nổ để kích nổ tại chỗ.
6.5.3.16. Mọi người tham gia hủy nổ phải thực hiện theo mệnh lệnh, hướng dẫn của người chỉ huy. Những người không phận sự hoặc không chấp hành quy định an toàn phải kiên quyết đưa ra khỏi khu vực hủy.
6.5.3.17. Trước khi phát lệnh an toàn để tiếp tục hủy tiếp đợt sau, người chỉ huy phải kiểm tra lại bãi hủy, khi xác định an toàn mới chuẩn bị cho đợt hủy tiếp theo.
6.5.3.18. Trong trường hợp hủy mà không nổ hết, lần sau lấy lượng thuốc kích nổ gấp 1,5 lần trước.
6.5.4. Quy định an toàn sau hủy nổ
6.5.4.1. Sau mỗi lần hủy phải kiểm tra, thu dọn hố hủy. Khi không còn sót bất kỳ một bộ phận nào của bom mìn, vật nổ có thể gây nổ, cháy làm nguy hiểm đến người, phương tiện và gia súc mới được phép hủy tiếp lần 2, hoặc cho phép về đơn vị.
6.5.4.2. Sau 1 ngày làm việc trước khi nghỉ, người chỉ huy phải trực tiếp kiểm tra bãi hủy, lập biên bản an toàn, phát lệnh an toàn, rút chốt cảnh giới về vị trí quy định. Thu dọn, bảo quản phương tiện, thiết bị, dụng cụ, vật tư đưa về đơn vị.
6.5.4.3. Trường hợp hủy nhiều ngày phải tổ chức gác bãi hủy, nơi tạm chứa bom mìn, vật nổ chờ hủy. Không cho người không có nhiệm vụ vào bãi hủy.
6.5.4.4. Khi kết thúc đợt hủy, người chỉ huy tổ chức kiểm tra bãi hủy. Bãi hủy phải bảo đảm an toàn trước khi về đơn vị và bàn giao lại cho địa phương. Lập biên bản an toàn có các thành phần tham gia ký xác nhận.
7. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức
7.1. Cơ quan quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ quốc gia
– Xây dựng và duy trì chương trình huấn luyện, cấp phép cho các đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
– Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
– Xây dựng và duy trì trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ chỉ huy và nhân viên.
– Xây dựng và áp dụng định mức, bảo đảm hiệu quả và an toàn.
– Xây dựng hệ thống mẫu biểu, văn bản liên quan đến công tác xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
7.2. Các đơn vị xử lý bom mìn, vật nổ
– Xây dựng phương án, kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ khi được cơ quan có thẩm quyền giao.
– Tổ chức thực hiện việc xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh theo đúng các quy trình đang hiện hành, bảo đảm hiệu quả và an toàn.
– Quản lý, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh có đủ năng lực và chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
– Nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý đối với các loại bom mìn, vật nổ chưa có quy trình xử lý, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7.3. Các tổ chức hoạt động RPBM
– Thực hiện đúng các quy định trong tiêu chuẩn này.
– Bảo quản, bàn giao bom mìn, vật nổ cho đơn vị xử lý.
Phụ lục A
(Quy định)
Các quy trình công nghệ xử lý bom mìn, vật nổ
TT |
Tên quy trình |
Cơ quan biên soạn |
Cơ quan ban hành |
Số, ngày, tháng, năm |
I |
Quy trình công nghệ (QTCN) xử lý vũ khí bằng phương pháp tháo gỡ: |
|
|
|
1 |
QTCN tháo gỡ đạn hỏa tiễn M-14 O |
Cục Quân khí (CQK) |
Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) |
6495/CQK ngày 12/01/2009 |
2 |
QTCN tháo gỡ đạn pháo chống tăng 115 mm – Mỹ |
CQK |
TCKT |
6364/CQK ngày 26/12/2007 |
3 |
QTCN tháo gỡ đạn pháo nòng dài 76; 90 mm – Mỹ |
CQK |
TCKT |
6364/CQK ngày 26/12/2007 |
4 |
QTCN tháo gỡ đạn cối 60; 81 mm (Mỹ) |
CQK |
TCKT |
6371/CQK ngày 26/12/2007 |
5 |
QTCN tháo gỡ đạn pháo nòng ngắn 105 mm – Mỹ |
CQK |
TCKT |
6364/CQK ngày 26/12/2007 |
6 |
QTCN tháo gỡ đạn ĐKZ-82 mm Cấp 5 |
CQK |
TCKT |
899/TCKT ngày 12/3/2007 |
7 |
QTCN tháo thuốc nổ trong thân đạn bằng thiết bị ngâm nước nóng |
Bộ Tư lệnh Công binh (BTLCB) |
TCKT |
1985/TCKT ngày 31/5/2010 |
8 |
QTCN tháo thuốc nổ trong thân bom, đạn bằng thiết bị hấp hơi nước nóng |
BTLCB |
TCKT |
1986/TCKT ngày 31/5/2010 |
9 |
QTCN cắt bom, đạn bằng máy cắt tia nước áp lực cao trộn HM (máy G-LANCE 160M) |
BTLCB |
TCKT |
2385/TCKT ngày 11/7/2008 |
10 |
QTCN cắt bom, đạn bằng máy MEBA 335-500, MEBA 650-700 |
BTLCB |
TCKT |
2384/TCKT ngày 11/7/2008 |
11 |
QTCN tháo gỡ đạn pháo lắp chặt Cấp 5 |
Học viện Kỹ thuật quân sự (HVKTQS) |
TCKT |
897/TCKT ngày 12/3/2007 |
12 |
QTCN tháo gỡ đạn pháo lắp rời Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
895/TCKT ngày 12/3/2007 |
II |
QTCN xử lý vũ khí bằng phương pháp xì hơi nước để tách vỏ và thuốc nổ: |
|
|
|
1 |
QTCN xì thuốc nổ cho thủy lôi AMĐ-2 bằng thiết bị xì thuốc nổ cơ động |
BTLCB |
TCKT |
45/KT ngày 16/11/2004 |
2 |
QTCN xử lý vũ khí Công binh (Phần II) |
BTLCB |
TCKT |
300/QT-BTL ngày 23/02/2009 |
3 |
QTCN xì tháo thuốc nổ TNT, Comp-B và TRITÔNAN bằng hơi nước |
HVKTQS |
TCKT |
896/TCKT ngày 12/3/2007 |
III |
QTCN xử lý vũ khí bằng phương pháp đốt: |
|
|
|
1 |
QTCN hủy đốt ngòi nổ bằng lò đốt |
CQK |
TCKT |
6372/CQK ngày 26/12/2007 |
2 |
QTCN hủy đốt thuốc phóng không khói |
CQK |
TCKT |
6499/CQK ngày 12/01/2009 |
3 |
QTCN hủy đốt thuốc nổ TNT Cấp 5 |
CQK |
TCKT |
6363/CQK ngày 26/12/2007 |
4 |
QTCN hủy đốt thuốc phóng đạn phản lực |
CQK |
TCKT |
419/ĐD ngày 28/2/2000 |
5 |
QTCN hủy đốt thuốc nổ mạnh Cấp 5 |
CQK |
TCKT |
6373/CQK ngày 26/12/2007 |
6 |
QTCN hủy đốt đầu đạn pháo 105; 155 mm nổ mạnh |
CQK |
TCKT |
425/ĐD ngày 28/2/2000 |
7 |
QTCN hủy đốt dây nổ |
CQK |
TCKT |
6496/CQK ngày 12/01/2009 |
8 |
QTCN hủy đốt thuốc nổ bột, thuốc nổ cốm |
CQK |
CQK |
4485/ĐD ngày 17/12/2002 |
9 |
QTCN xử lý vũ khí Công binh (Phần III) |
BTLCB |
TCKT |
300/QT-BTL ngày 23/02/2009 |
10 |
Hủy đốt đạn súng Cấp 5 bằng lò đốt |
HVKTQS |
TCKT |
4445 ngày 12/3/2007 |
11 |
QTCN hủy đốt ngòi đạn Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
898/TCKT ngày 12/3/2007 |
12 |
QTCN hủy đốt ống nổ, hạt lửa, bộ lửa |
CQK |
CQK |
6498/CQK ngày 12/01/2009 |
IV |
QTCN xử lý vũ khí bằng phương pháp nổ: |
|
|
|
1 |
QTCN hủy nổ đạn pháo 20 mm-HQ và đạn CX 23 mm |
CQK |
TCKT |
6367/CQK ngày 26/12/2007 |
2 |
QTCN hủy nổ đạn M79 nổ mạnh, sát thương, xuyên lõm |
CQK |
TCKT |
6494/CQK ngày 12/01/2009 |
3 |
QTCN hủy nổ lựu đạn |
CQK |
TCKT |
6501/CQK ngày 12/01/2009 |
4 |
QTCN hủy nổ đạn pháo lắp chặt Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
891/TCKT ngày 12/3/2007 |
5 |
QTCN hủy nổ đầu đạn xuyên lõm Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
889/TCKT ngày 12/3/2007 |
6 |
QTCN hủy nổ đầu đạn khói Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
890/TCKT ngày 12/3/2007 |
7 |
QTCN hủy nổ đầu đạn 105 mm cát sét |
HVKTQS |
TCKT |
894/TCKT ngày 12/3/2007 |
8 |
QTCN hủy nổ đầu đạn sát thương và nổ phá ST |
CQK |
CQK |
6502/CQK ngày 12/01/2009 |
9 |
QTCN hủy nổ đầu đạn chiếu sáng có lắp ngòi |
CQK |
CKQ |
6368/CQK ngày 26/12/2007 |
10 |
QTCN hủy nổ động cơ phản lực Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
892/TCKT ngày 12/3/2007 |
V |
QTCN xử lý vũ khí khác: |
|
|
|
1 |
QTCN xử lý tên lửa A-89 (9M-37M) |
HVKTQS |
TCKT |
883/TCKT ngày 12/3/2007 |
2 |
QTCN xử lý tên lửa A-87 (9M-3131) |
HVKTQS |
TCKT |
898/TCKT ngày 12/3/2007 |
3 |
QTCN xử lý tên lửa 3M-24Э |
HVKTQS |
TCKT |
884/TCKT ngày 12/3/2007 |
4 |
QTCN xử lý tên lửa Cấp 5 II-15Y |
HVKTQS |
TCKT |
4448/TCKT ngày 21/12/2005 |
5 |
Xử lý tên lửa Cấp 5 П-28 & П-28M |
HVKTQS |
TCKT |
4447/TCKT ngày 21/12/2005 |
6 |
QTCN xử lý ngư lôi CЭT-53M |
HVKTQS |
TCKT |
885/TCKT ngày 12/3/2007 |
7 |
QTCN xử lý ngư lôi CЭT-40YЭ |
HVKTQS |
TCKT |
887/TCKT ngày 12/3/2007 |
8 |
QTCN xử lý ngư lôi 53-BA |
HVKTQS |
TCKT |
886/TCKT ngày 12/3/2007 |
9 |
QTCN xử lý bom phóng PГБ-12 |
HVKTQS |
TCKT |
888/TCKT ngày 12/3/2007 |
10 |
Xử lý bom Cấp 5 OФAБ -250-270 |
HVKTQS |
TCKT |
4450/TCKT ngày 21/12/2005 |
11 |
QTCN xử lý bom Cấp 5 3AБ-250-200 |
HVKTQS |
TCKT |
4449/TCKT ngày 21/12/2005 |
12 |
QTCN xử lý thuốc phóng khói Cấp 5 |
HVKTQS |
TCKT |
893/TCKT ngày 12/3/2007 |
Phụ lục B
(Tham khảo)
Mẫu kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ
(TÊN ĐƠN VỊ) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: |
(Địa danh), ngày …… tháng ……. năm …… |
PHÊ DUYỆT Ngày…….tháng……..năm …… |
|
KẾ HOẠCH
Xử lý bom mìn, vật nổ
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
|
Căn cứ….
Tên tổ chức lập kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ như sau:
I. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG
1. Thành lập Hội đồng xử lý (theo 5.6.1.1)
2. Thành lập đội xử lý (theo 5.6.1.2)
II. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ (áp dụng quy trình xử lý nào; tên, số lượng, khối lượng bom mìn, vật nổ xử lý theo quy trình xử lý)
1. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp tháo gỡ
2. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp xì hơi nước nóng để tách vỏ và thuốc nổ
3. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp đốt
4. Xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp nổ.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN XỬ LÝ
TT |
Nội dung công việc |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Bộ phận thực hiện |
Người phụ trách |
Địa điểm |
Phương tiện vận chuyển |
Thời gian thực hiện |
|
Bắt đầu |
Kết thúc |
||||||||
I |
CHUẨN BỊ |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Lập kế hoạch, trình phê duyệt |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Địa điểm |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
Huấn luyện đội xử lý |
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
Phương tiện vận chuyển |
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
Thông báo cho địa phương |
|
|
|
|
|
|
|
|
II |
THỰC HIỆN XỬ LÝ |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Tháo gỡ |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
Xì hơi nước nóng |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
Hủy đốt |
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
Hủy nổ |
|
|
|
|
|
|
|
|
III |
TỔNG HỢP BÁO CÁO SAU XỬ LÝ |
|
|
|
|
|
|
|
|
IV. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN: (Áp dụng các nội dung quy định an toàn của tiêu chuẩn này và các quy định an toàn khi áp dụng các quy trình xử lý).
V. TỔ CHỨC CẢNH GIỚI: (Căn cứ vào địa bàn và địa điểm xử lý để tổ chức các chốt cảnh giới bảo đảm an toàn tuyệt đối).
VI. QUY ĐỊNH KÍ, TÍN HIỆU HIỆP ĐỒNG: (Tín hiệu bằng còi, tiếng súng, cờ…).
VII. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM
1. Bảo đảm vật tư kinh phí (theo định mức hiện hành)
2. Bảo đảm vũ khí, trang bị phục vụ xử lý
3. Bảo đảm phương tiện
4. Bảo đảm xăng dầu.
Nơi nhận:
|
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
|
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Quy định chung
4.1. Các phương pháp xử lý bom mìn, vật nổ
4.2. Lựa chọn phương pháp xử lý đối với các loại bom mìn, vật nổ
5. Các yêu cầu khi thực hiện xử lý bom mìn, vật nổ
6. Quy định an toàn khi xử lý bom mìn, vật nổ
6.1. Quy định an toàn chung
6.2. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp tháo gỡ
6.3. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp xì hơi nước nóng
6.4. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp đốt
6.5. Quy định an toàn xử lý bom mìn, vật nổ bằng phương pháp hủy nổ
7. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức
7.1. Cơ quan quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ quốc gia
7.2. Các đơn vị xử lý bom mìn, vật nổ
7.3. Các tổ chức hoạt động RPBM
Phụ lục A (Quy định) Các quy trình công nghệ xử lý bom mìn, vật nổ
Phụ lục B (Tham khảo) Mẫu kế hoạch xử lý bom mìn, vật nổ