Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN10427:2014

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN10427:2014
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Lĩnh vực khác
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...
  • Số công báo: Còn hiệu lực

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia về TCVN 10427:2014 (ISO/IEC GUIDE 41:2003) về Bao gói – Khuyến nghị đối với việc đề cập đến nhu cầu của người tiêu dùng


TCVN 10427:2014

ISO/IEC GUIDE 41:2003

BAO GÓI – KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆC ĐỀ CẬP ĐẾN NHU CẦU CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Packaging – Recommendations for addressing consumer needs

 

Lời nói đầu

TCVN 10427:2014 hoàn toàn tương đương với ISO/IEC Guide 41:2003;

TCVN 10427:2014 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC02 Vấn đề chung về người tiêu dùng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

Lời giới thiệu

Bao gói sản phẩm là mối quan tâm của người tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ gián tiếp chịu chi phí bao gói. Do đó tiêu chuẩn hóa các khía cạnh của việc bao gói cần đề cập đến các yếu tố như an toàn, có lợi cho sức khỏe đối với mục đích sử dụng dự kiến, sự tiện lợi và tin cậy, cũng như các nhu cầu chung như bảo vệ môi trường và bảo toàn năng lượng.

Mục đích chính của tiêu chuẩn này là cung cấp hướng dẫn cho:

– người xây dựng tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu về bao gói và yêu cầu của người tiêu dùng là người mua tiềm năng hàng hóa hoặc dịch vụ;

– các ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn về sản phẩm hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng;

– nhà thiết kế sản phẩm, nhà sản xuất và những người làm công việc đưa ra quyết định liên quan đến bao gói;

– các cơ quan hành pháp.

Nhà cung cấp bao gói chất lượng cao có thể có lợi từ việc nâng cao danh tiếng. Cũng có thể tiết kiệm chi phí về thời gian và tiền do giảm mức độ thắc mắc và khiếu nại.

 

BAO GÓI – KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆC ĐỀ CẬP ĐẾN NHU CẦU CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Packaging – Recommendations for addressing consumer needs

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra khuyến nghị chung cần được xem xét khi xác định loại bao gói phù hợp nhất sử dụng tại điểm bán hàng nhằm bảo vệ hàng hóa. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho bao bì chỉ nhằm mục đích bảo vệ hàng hóa với số lượng lớn khi vận chuyển từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.

Mục đích của tiêu chuẩn này là tối đa hóa lợi ích trực tiếp và gián tiếp cho người mua hàng hóa và dịch vụ thông qua:

– loại bỏ bao gói không cần thiết nhằm giảm giá hàng hóa và giảm lãng phí;

– đảm bảo hàng hóa đến với người tiêu dùng trong điều kiện dự kiến của nhà sản xuất;

– bảo vệ người tiêu dùng khỏi bất kỳ tác động có hại nào do bao bì hoặc thành phần bên trong bao bì;

– cho phép người tiêu dùng cất giữ hàng hóa và bao gói một cách thích hợp và bảo quản, tiêu hủy hoặc tái chế theo cách giảm thiểu tác động đến môi trường.

2. Tính an toàn của vật liệu bao gói đối với con người và môi trường

2.1. Trong bảo quản

2.1.1. Vật liệu bao gói không có nguy hại tiềm ẩn do:

a) tạo ra các chất có thể gây nguy hiểm hoặc có hại cho sức khỏe hoặc môi trường;

b)  nhiễm bẩn thành phần bên trong hoặc nhiễm bẩn do sự tương tác của vật liệu bao gói với thành phần bên trong của nó.

2.1.2. Thành phần bên trong không được rò rỉ ra ngoài bao bì. Mối quan tâm lớn nhất là sự rò rỉ các vật liệu nguy hại tiềm ẩn. Đặc biệt, cần xem xét các nguyên nhân có thể có sau đây (khi thích hợp):

a) không có niêm phong;

b) hư hỏng bao bì do các tác động bên ngoài như nhiệt độ, ánh sáng hoặc lực cơ học có thể dự đoán được;

c) hư hỏng bao bì do thành phần bên trong.

2.1.3. Trường hợp thành phần bên trong có mối nguy hại tiềm ẩn, thì bao bì cần được ghi nhãn rõ ràng với cảnh báo và chỉ dẫn thích hợp đối với việc bảo quản và tiêu hủy bao bì và thành phần bên trong. Cần đặc biệt lưu ý đến các hướng dẫn được quy định trong ISO 3864-1 và ISO 3864-2 và đặc biệt đối với những nhóm người tiêu dùng cụ thể cần có ký hiệu cảnh báo xúc giác quy định trong ISO 11683. Bao bì cũng cần an toàn với trẻ em theo ISO 8317.

2.1.4. Trường hợp thời gian có tác động đến an toàn và/hoặc sự suy giảm chất lượng sản phẩm, thì bao bì cần được dán nhãn rõ ràng về ảnh hưởng này.

2.2. Trong sử dụng

2.2.1. Đối với những thành phần bên trong có mối nguy hại tiềm ẩn:

a) bao bì không được gây hiểu sai những dấu hiệu cần được phân biệt rõ ràng với bao bì sử dụng cho thực phẩm hoặc đồ uống, về màu sắc và hình dáng hoặc bằng những dấu hiệu khác;

b) bao bì cần được ghi nhãn rõ ràng với các cảnh báo và hướng dẫn sử dụng;

c) mọi cảnh báo hướng dẫn sử dụng liên quan, như “Để xa tầm tay trẻ em”, cần được nhắc lại trên bao bì bên trong khi có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật;

d) cần sử dụng bao bì an toàn cho trẻ em theo ISO 8317.

2.2.2. Trường hợp bao bì hoặc thành phần bên trong có mối nguy hại tiềm ẩn khi mở hoặc khi lấy thành phần bên trong ra, thì cần xem xét những vấn đề dưới đây.

a) Chỉ dẫn mở cần được đưa ra rõ ràng và đặt ở vị trí thích hợp trên bao bì.

b) Phương tiện mở cần thích hợp với thành phần bên trong, loại bao bì và người sử dụng tiềm năng.

Trong một số trường hợp, hai hay nhiều nhóm người dùng có thể có các yêu cầu khác nhau, có thể khác về phương tiện mở. Nếu cần có dụng cụ hỗ trợ để mở, thì cần lưu ý người tiêu dùng và có sẵn tại thời điểm mua hàng.

VÍ DỤ: Bao gói dược phẩm “nguy hại tiềm ẩn”, có thể nằm trong tầm tay của trẻ em, cần có nắp đóng an toàn với trẻ em, đồng thời nắp đó cần dễ mở đối với người khuyết tật, có thể với sự trợ giúp của dụng cụ hỗ trợ.

c) Cần đưa ra cảnh báo nếu sản phẩm cần được lấy ra khỏi bao bì ngay khi mở và đưa ra hướng dẫn về điều kiện bảo quản thành phần bên trong.

VÍ DỤ: Thực phẩm đóng hộp.

d) Việc bao gói cần thuận lợi cho việc lấy thành phần bên trong ra một cách an toàn. Có thể xem thêm hướng dẫn trong ISO 3864-1, ISO 3864-2 và ISO 14021.

2.2.3. Trường hợp thành phần bên trong có thể bị suy giảm chất lượng hoặc trở nên có hại khi để mở bao gói, thì cần đưa ra chỉ dẫn đóng bao gói rõ ràng.

VÍ DỤ: Vật liệu sinh ra khí độc. Cần đóng kín.

2.3. Tiêu hủy

2.3.1. Cần giảm thiểu bao gói và ưu tiên sử dụng bao bì có khả năng tái sử dụng, tái chế và/hoặc có khả năng phân hủy sinh học. Có thể xem thêm hướng dẫn trong IEC Guide 109 và TCVN 6845 (ISO Guide 64). Trong một số trường hợp, bao bì có khả năng tái tạo năng lượng có thể là giải pháp hợp lý nhất, có tính đến các khía cạnh sinh thái cũng như kinh tế và các hệ thống quản lý chất thải quốc gia đang có. Khuyến khích việc sử dụng bao bì có thể tái sử dụng.

2.3.2. Cần đưa ra chỉ dẫn rõ ràng về tiêu hủy bao bì và/hoặc thành phần bên trong khi các phương pháp tiêu hủy thông thường không thích hợp.

3. Tính phù hợp với mục đích sử dụng dự kiến

3.1. Bảo vệ

Bao bì cần bảo vệ thành phần bên trong mà không làm giảm tính năng an toàn hoặc độ tin cậy có thể có do bị mòn thông thường trong quá trình vận chuyển, bảo quản và đối với tuổi thọ dự kiến của bao bì.

Thành phần bên trong cần được bảo vệ khỏi:

a) lực cơ học bên ngoài như va đập hoặc rung lắc;

b) sự lây nhiễm do các chất có hại tiềm ẩn, ví dụ: nước hoặc không khí;

c) điều kiện môi trường, ví dụ: nhiệt độ khắc nghiệt;

d) bức xạ, ví dụ: tia cực tím, ngoại trừ bao bì được thiết kế để tự phân hủy sau một khoảng thời gian nhất định.

3.2. Mở an toàn

Thiết kế bao bì cần giúp cho người tiêu dùng có thể mở an toàn, nghĩa là không gây bị thương hoặc làm hỏng thành phần bên trong.

3.3. Xử lý

Thiết kế bao bì cần tạo thuận lợi cho việc:

a)  vận chuyển, bảo quản và sử dụng sản phẩm từ thời điểm mua hàng đến khi tiêu hủy cuối cùng bao bì;

b) bảo vệ sản phẩm trước khi sử dụng và trong quá trình bảo quản sau đó;

c) mở và giữ bao bì mở khi cần, nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận với thành phần bên trong dễ dàng và an toàn;

d) đóng và giữ bao bì đóng khi không sử dụng; tất cả các dụng cụ đóng cần thích hợp với thành phần bên trong, bao bì và người sử dụng tiềm năng;

e) lấy thành phần bên trong ra khỏi bao bì mà không làm hỏng thành phần bên trong;

f) lấy thành phần bên trong ra mà không làm hỏng bao bì khi dự kiến tái sử dụng bao bì;

g) lấy hết thành phần bên trong bao bì;

h) làm đầy bao bì tái sử dụng từ bao bì dự trữ kèm theo của nhà sản xuất.

3.4. Định cỡ

Kích cỡ và hình dáng của bao bì không được làm người mua hàng tiềm năng hiểu nhầm về lượng thành phần bên trong. Trường hợp có thể xảy ra hiểu nhầm, thì cần ghi rõ thông tin này bên ngoài bao bì.

Cần giữ số lượng kích cỡ bao gói ở mức tối thiểu đối với mỗi dòng sản phẩm. Mỗi kích cỡ cần là bội số của kích cỡ đứng trước.

4. Bảo toàn tài nguyên và kinh tế

4.1. Xem xét chung

Trước khi đưa ra quyết định bao gói hàng hóa, cần xem xét cẩn thận chi phí cho việc bao gói. Bao bì không cần thiết là một sự lãng phí về tài nguyên.

4.2. Bảo toàn tài nguyên

Khi đưa ra quyết định bao gói hàng hóa, bao bì cần được thiết kế để bảo toàn tài nguyên nhiều nhất có thể. Cụ thể là:

a) vật liệu cần có nguồn cung ứng phổ biến;

b) phương pháp sản xuất bao bì cần tiêu thụ ít năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường;

c) vật liệu bao bì cần có thể tái sử dụng hoặc tái chế và/hoặc có thể phân hủy;

d) nếu bao bì dự kiến để tái sử dụng thì cần dễ làm sạch và dễ làm đầy lại.

CHÚ THÍCH: Có thể xem thêm hướng dẫn trong ISO 14021.

4.3. Kinh tế

4.3.1. Chi phí trực tiếp cho người tiêu dùng

Chi phí bao gói trong giá thành sản phẩm cần càng thấp càng tốt. Cần chú ý thiết kế bao bì sao cho giảm thiểu chi phí vận chuyển và bảo quản. Cần tránh bao gói quá mức, và khi không mâu thuẫn với các yêu cầu khác, cần lựa chọn vật liệu bao gói có chi phí thấp nhất.

4.3.2. Chi phí cho cộng đồng

Khi xác định chi phí, cần tính đến chi phí liên quan đến việc tiêu hủy bao bì.

 

Thư mục tài liệu tham khảo

[1] ISO 3864-1, Graphical symbols – Safety colours and safety signs – Part 1: Design principles for safety signs and safety markings (Ký hiệu bằng hình vẽ – Màu sắc an toàn và ký hiệu an toàn – Phần 1: Nguyên tắc thiết kế dấu an toàn và nhãn an toàn)

[2] ISO 3864-2, Graphical symbols – Safety colours and safety signs – Part 2: Design principles for product safety labels (Ký hiệu hình vẽ – Màu sắc an toàn và ký hiệu an toàn – Phần 2: Nguyên tắc thiết kế nhãn an toàn sản phẩm)

[3] ISO 8317, Child-resistant packaging – Requirements and testing procedures for reclosable packages (Bao bì an toàn với trẻ em – Yêu cầu và quy trình thử nghiệm bao bì có thể đóng lại)

[4] ISO 11683, Packaging – Tactile warnings of danger – Requirements (Bao gói – Cảnh báo nguy hiểm xúc giác – Yêu cầu)

[5] TCVN ISO 14021 (ISO 14021), Nhãn môi trường và công bố về môi trường. Tự công bố về môi trường (ghi nhãn môi trường kiểu II)

[6] TCVN 10426 (ISO/IEC Guide 14), Thông tin mua hàng trên hàng hóa và dịch vụ dành cho người tiêu dùng

[7] TCVN 6845 (ISO Guide 64), Hướng dẫn việc đề cập các vấn đề môi trường trong tiêu chuẩn sản phẩm

[8] ISO/IEC Guide 71, Guidelines for standards developers to address the needs of older persons and persons with disabilities (Hướng dẫn dành cho người xây dựng tiêu chuẩn đề cập đến các nhu cầu của người cao tuổi và người khuyết tật)

[9] IEC Guide 109, Environmental aspects – Inclusion in electrotechnical product standards (Các vấn đề môi trường – Đề cập trong tiêu chuẩn sản phẩm kỹ thuật điện)

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Lời giới thiệu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tính an toàn của vật liệu bao gói đối với con người và môi trường

2.1. Trong bảo quản

2.2. Trong sử dụng

2.3. Tiêu hủy

3. Tính phù hợp với mục đích sử dụng dự kiến

3.1. Bảo vệ

3.2. Mở an toàn

3.3. Xử lý

3.4. Định cỡ

4. Bảo toàn tài nguyên và kinh tế

4.1. Xem xét chung

4.2. Bảo toàn tài nguyên

4.3. Kinh tế

Thư mục tài liệu tham khảo

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *