Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10872:2015 (ISO 6534:2007 with amendment 1:2012) về Máy lâm nghiệp – Bộ phận bảo vệ tay của cưa xích cầm tay – Độ bền cơ học
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10872:2015
ISO 6534:2007 WITH AMENDMENT 1:2012
MÁY LÂM NGHIỆP – BỘ PHẬN BẢO VỆ TAY CỦA CƯA XÍCH CẦM TAY. ĐỘ BỀN CƠ HỌC
Forestry machinery – Portable chain-saw hand-guards – Mechanical strength
Lời nói đầu
TCVN 10872:2015 hoàn toàn tương đương với ISO 6534:2007 và Amendment 1:2012.
TCVN 10872:2015 Do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC23 Máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
MÁY LÂM NGHIỆP – BỘ PHẬN BẢO VỆ TAY CỦA CƯA XÍCH CẦM TAY. ĐỘ BỀN CƠ HỌC
Forestry machinery – Portable chain-saw hand-guards – Mechanical strength
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định những yêu cầu về độ bền cơ học đối với các bộ phận bảo vệ tay trước và sau của cưa xích cầm tay có động cơ dùng trong lâm nghiệp. Tiêu chuẩn cũng quy định các phương pháp thử tương ứng.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 10871 (ISO 6533), Máy lâm nghiệp – Bộ phận bảo vệ tay phía trước của cưa xích cầm tay – Kích thước và khe hở.
ISO 6531:2008, Machinery for forestry- Portable chain-saws – Vocabulary (Máy lâm nghiệp – Cưa xích cầm tay – Từ vựng).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Nhằm mục đích của Tiêu chuẩn này, cần áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa đã cho trong ISO 6531.
4. Yêu cầu
Các bộ phận bảo vệ tay phía trước và sau không được đứt hoặc gãy khi thử theo Điều 5. Các bộ phận bảo vệ không được cong lệch tới mức để cho con lắc dao động đi qua.
Trước và sau khi thử các kích thước của bộ phận bảo vệ tay phía trước phải theo đúng quy cách cho trong TCVN 10871 (ISO 6533).
5. Quy trình thử
5.1. Tổng quát
Thử nghiệm được thực hiện với cưa xích được giữ chắc chắn ở vị trí thẳng đứng khi thử bộ phận bảo vệ phía trước, và máy treo ngược xuống dưới, được giữ chắc chắn bằng một thanh dẫn hướng khi thử bộ phận bảo vệ tay phía sau (xem Hình 2 và 3).
Nếu bộ phận bảo vệ tay phía trước cũng đồng thời làm cơ cấu tác động đối với thanh hãm xích, thì nó phải để ở vị trí tác động.
Tác động vào bộ phận bảo vệ được thực hiện bằng cách tạo va đập từ một con lắc với búa thép như Hình 1, và một cánh tay đòn với chiều dài 700 mm ± 5 mm giữa điểm quay và tâm của đầu búa. Cánh tay đòn phải hết sức thẳng. Hệ thống con lắc phải tạo ra một va đập tương ứng với 10 J ± 0,3 J từ độ cao rơi, a, bằng 400 mm và bằng 5 J ± 0,2 J từ độ cao rơi, a, bằng 200 mm
5.2. Thử va đập
5.2.1. Tổng quát
Thử theo 5.2.2 và 5.2.3 phải tiến hành một lần cho mỗi phép thử ở nhiệt độ + 40 °C ± 2 °C và -25 °C ± 3 °C. Nhiệt độ được đo ở bộ phận bảo vệ tay phía trước và vị trí lắp đặt.
5.2.2. Thử va đập đối với bộ phận bảo vệ tay phía trước
Nâng búa lên và cho nó rơi để tạo nên một va đập tương ứng 10 J ± 0,3 J. Búa phải đập vào phần trên của bộ phận bảo vệ tại điểm giữa của chiều dài hiệu dụng của bộ phận bảo vệ W1 như mô tả trong 7.1 của TCVN 10871 (ISO 6533), dọc theo đường tác động tạo nên một góc 45° ± 5° với trục hình học của thanh dẫn hướng như trong Hình 2.
5.2.3. Thử va đập đối với bộ phận bảo vệ tay phía sau
Nâng búa và cho nó rơi để tạo nên một va đập tương ứng với 10 J ± 0,3 J. Búa phải đập vào bộ phận bảo vệ tay dọc theo đường tác động tạo nên một góc 45° ± 5° với trục hình học của thanh dẫn hướng, như trong Hình 3a).
Điểm tác động phải nằm trên đường giao nhau của đường tâm của thanh dẫn hướng và mặt phẳng thẳng góc với mặt phẳng thanh dẫn hướng ở một khoảng cách bằng nhau từ đầu mút sau của nút bấm điều chỉnh van tiết lưu và đầu tận cùng phía trong của tay cầm (xem Hình 3b). Trong trường hợp điểm giao nhau nhỏ hơn 10 mm tính từ đầu mút bộ phận bảo vệ, thì điểm va đập phải di chuyển sao cho khoảng cách từ đầu mút bộ phận bảo vệ là 10 mm ± 2,5 mm.
5.3. Thử độ bền đối với các bộ phận bảo vệ tay trước và sau
5.3.1. Tổng quát
Tiến hành thử ở nhiệt độ + 20 °C ± 5 °C.
5.3.2. Thử độ bền đối với bộ phận bảo vệ tay trước
Nâng búa và cho nó rơi để tạo nên một va đập tương ứng 5 J ± 0,2 J. Búa phải đập vào bộ phận bảo vệ ở cùng một điểm như xác định trong 5.2.2.
Lặp lại thử nghiệm này với tổng số 25 lần va đập
5.3.3. Thử độ bền đối với bộ phận bảo vệ tay sau
Nâng búa và cho nó rơi để tạo nên một va đập tương ứng 5 J ± 0,2 J. Búa phải đập vào bộ phận bảo vệ ở cùng một điểm như xác định trong 5.2.3.
Lặp lại thử nghiệm này với tổng số 25 lần va đập
Kích thước tính bằng milimet
Hình 1 – Kích thước của búa
Kích thước tính bằng milimet
CHÚ DẪN
a chiều cao rơi
Hình 2 – Thử va đập bộ phận bảo vệ tay phía trước
Kích thước tính bằng milimet
CHÚ DẪN
a chiều cao rơi
a) Nguyên tắc thử
CHÚ DẪN
A điểm va đập
b) Điểm va đập
Hình 3 – Thử va đập bộ phận bảo vệ tay phía sau