Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11270:2015 (ISO 18:1981) về Thông tin và tư liệu – Tờ mục lục của xuất bản phẩm định kỳ
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11270:2015
ISO 18:1981
THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU – TỜ MỤC LỤC CỦA XUẤT BẢN PHẨM ĐỊNH KỲ
Documentation – Contents list of periodicals
Lời nói đầu
TCVN 11270:2015 hoàn toàn tương đương với ISO 18:1981;
TCVN 11270:2015 đo Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 46 Thông tin và tư liệu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU – TỜ MỤC LỤC CỦA XUẤT BẢN PHẨM ĐỊNH KỲ
Documentation – Contents list of periodicals
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này cung cấp các quy tắc để trình bày mục lục của một xuất bản phẩm định kỳ (xem ISO 8 cho phần trình bày xuất bản phẩm định kỳ).
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
ISO 8, Documentation – Presentation of periodicals (Tư liệu – Trình bày xuất bản phẩm định kỳ).
ISO 30, Documentation – Bibliographic identification (biblid) of serial publication (Tư liệu – Nhận dạng thư mục (biblid) các xuất bản phẩm nhiều kỳ).
ISO 215, Presentation of contributions to periodicals (Trình bày các bài viết cho xuất bản phẩm định kỳ).
ISO 639, Symbols for languages, countries and authorities (Ký hiệu cho các ngôn ngữ, quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1. Tờ mục lục (contents list)
Bản liệt kê ngắn gọn các phần, các bài mục và tham luận trong một số của xuất bản phẩm định kỳ cho biết các bài và nhan đề của chúng.
4. Các quy tắc cơ bản
4.1. Tờ mục lục cần được in trong mỗi số phát hành. Các đoạn trích của tờ mục lục có thể xuất hiện trong cùng số phát hành đó.
4.2. Trật tự ưu tiên là trật tự của các bài trong xuất bản phẩm này. Hoặc, các bài báo có thể được liệt kê theo nhóm chủ đề; các mục thông thường như các bài tóm tắt, thư gửi tòa soạn,.. có thể được nhóm riêng.
4.3. Tờ mục lục cần được lập càng độc lập càng tốt và thuận tiện cho việc phiên bản dễ dàng bằng các phương tiện sao chụp.
4.4. Ngôn ngữ được xử lý trong mục lục như sau:
4.4.1. Nếu một xuất bản phẩm chứa các bài bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mỗi bài sẽ được liệt kê bằng ngôn ngữ của bài đó.
4.4.2. Nếu mục lục được dịch sang 1 hoặc nhiều ngôn ngữ, thì nên có mục lục riêng cho mỗi ngôn ngữ tiếp theo mục lục gốc. Nếu xuất bản phẩm có các bài bằng nhiều ngôn ngữ, ngôn ngữ gốc cần được chỉ rõ cho mỗi bài.
VÍ DỤ /E/ = English /F/ = French v.v…
[xem ISO 639]
4.4.3. Nếu chỉ có một tờ mục lục, nhan đề dịch có thể được cung cấp sau nhan đề gốc.
5. Vị trí
5.1. Tờ mục lục cần được đặt ở cùng một vị trí ở mỗi số phát hành trong cùng một tập hoặc năm.
5.2. Tờ mục lục cần đặt trên trang đầu tiên của số phát hành tiếp ngay mặt sau trang bìa trước. Khuyến nghị rằng nó cũng có thể xuất hiện trên trang thứ nhất hoặc thứ 4 của bìa.
5.3. Tờ mục lục bắt đầu từ trang nhất, nếu cần, sẽ tiếp tục ở trang thứ 2.
Tờ mục lục bắt đầu từ trang nhất của bìa, nếu cần, sẽ tiếp tục ở trang thứ 4 của bìa.
Tờ mục lục bắt đầu trên trang 4 của bìa, nếu cần, có thể tiếp tục ở trang 3 của bìa.
6. Các chi tiết của tờ mục lục
6.1. Phần chính của tờ mục lục cần có tiêu đề “Nội dung” đứng trước ký hiệu nhận dạng thư mục của số tạp chí (Biblid) (xem ISO 30) phải xuất hiện trên trang mục lục.
6.2. Mục lục cần chỉ ra, với mỗi bài đăng, và theo trật tự sau đây:
– Tên tác giả như nêu trong tiêu đề của bài báo (xem ISO 215);
– Nhan đề hoàn chỉnh và tất cả các phụ đề (với các bài báo trong các phần đăng mỗi lần, nhan đề cần có cụm từ “còn tiếp”, “tiếp theo” hoặc “kết thúc/phần cuối” theo sau phù hợp).
– Số trang đầu tiên. Nếu phù hợp, có thể bổ sung số trang cuối cùng sau dấu gạch ngang. Trong những trường hợp nếu nội dung không được trình bày liên tục trong số tạp chí, cần đưa vào số trang đầu-cuối cho mỗi phần của tài liệu.
VÍ DỤ 426-432, 457-458
6.3. Tiêu đề cho những bài đặc biệt như “tóm tắt”, “tin tức” hoặc “hội nghị”, để phân biệt với những bài báo gốc, có thể được liệt kê sau các bài gốc trong mục lục. Mỗi tiêu đề phải được tham chiếu theo nhan đề cũng như số trang đầu tiên, và nếu phù hợp, theo cả trang cuối cùng, sau dấu gạch ngang.
6.4. Thông tin liên quan đến bài báo và các tiêu đề được liệt kê trong mục lục phải được phân cách bởi một khoảng cách.