Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11281-1:2015 (ISO 20957 – 1:2013) về Thiết bị luyện tập tại chỗ – Phần 1: Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11281-1:2015
ISO 20957-1:2013
THIẾT BỊ LUYỆN TẬP TẠI CHỖ – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN CHUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
Stationary training equipment – Part 1: General safety requirements and test methods
Lời nói đầu
TCVN 11281-1:2015 hoàn toàn tương đương ISO 20957-1:2013.
TCVN 11281-1:2015 do Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn ISO 20957 Stationary training equipment còn các tiêu chuẩn sau:
– ISO 20957-2:2005 Part 2: Strength training equipment, additional specific safety requirements and test methods (Thiết bị tập thể lực, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử);
– ISO 20957-4:2005 Part 4: Strength training benches, additional specific safety requirements and test methods (Ghế dài tập thể lực, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử):
– ISO 20957-5:2005 Part 5: Pedal crank training equipment, additional specific safety requirements and test methods (Thiết bị tập luyện có động cơ quay, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử);
– ISO 20957-6:2005 Part 6: Treadmills, additional specific safety requirements and test methods (Thiết bị chạy bộ, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử);
– ISO 20957-7:2005 Part 7: Rowing machines, additional specific safety requirements and test methods (Thiết bị kéo tay, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử);
– ISO 20957-8:2005 Part 8: Steppers, stairclimbers and climbers – Additional specific safety requirements and test methods (Thiết bị tập chân, thiết bị tập dạng bậc thang, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử);
– ISO 20957-9:2005 Part 9: Elliptical trainers, additional specific safety requirements and test methods (Thiết bị luyện tập dạng elip, Yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử);
– ISO 20957-10:2007 Part 10: Exercise bicycles with a fixed wheel or without freewheel, additional specific satety requirements and test methods (Xe đạp có bánh hoặc không có lip, yêu cầu an toàn riêng bổ sung và phương pháp thử).
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn áp dụng cho tất cả thiết bị luyện tập tại chỗ. Đối với các loại thiết bị cụ thể, các yêu cầu này được bổ sung hoặc thay đổi theo yêu cầu của các phần cụ thể thuộc bộ tiêu chuẩn ISO 20957.
Nếu áp dụng một phần cụ thể của bộ tiêu chuẩn ISO 20957 thì phải sử dụng kết hợp với tiêu chuẩn này.
THIẾT BỊ LUYỆN TẬP TẠI CHỖ – PHẦN 1: YÊU CẦU AN TOÀN CHUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỬ
Stationary training equipment – Part 1: General safety requirements and test methods
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử cho thiết bị luyện tập tại chỗ trừ khi có sự khác biệt trong các phần của bộ tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn này cũng quy định các khía cạnh về môi trường.
Tiêu chuẩn này cũng quy định hệ thống phân loại (xem điều 4).
Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả thiết bị luyện tập tại chỗ được định nghĩa trong 3.1, bao gồm thiết bị sử dụng trong khu vực luyện tập của các tổ chức như: liên đoàn thể thao, cơ sở giáo dục, khách sạn, phòng thể thao, câu lạc bộ, trung tâm phục hồi chức năng, phòng tập (loại S và I), ở đó việc tiếp cận và kiểm soát do người chủ sở hữu (người có trách nhiệm pháp lý) quy định, thiết bị dùng trong gia đình (loại H) và các loại thiết bị khác bao gồm thiết bị có động cơ dẫn động như định nghĩa trong 3.1.
Các yêu cầu trong tiêu chuẩn cụ thể của bộ TCVN (ISO 20957) được ưu tiên hơn các yêu cầu tương ứng của tiêu chuẩn chung này.
Nếu thiết bị luyện tập tại chỗ được sử dụng cho trẻ em dưới 14 tuổi thì có thể áp dụng tiêu chuẩn khác, trừ khi thiết bị luyện tập tại chỗ đó được dùng cho mục đích giáo dục ở trường học và các bối cảnh giáo dục khác cho trẻ em dưới sự giám sát của huấn luyện viên có trình độ chuyên môn.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho thiết bị luyện tập tại chỗ dùng để sử dụng ngoài trời mà không có sự bảo vệ, ví dụ: có thể tiếp xúc tự do.
CHÚ THÍCH 1: Nếu người sử dụng có nhu cầu đặc biệt (phục hồi chức năng, dùng cho người khuyết tật) thì điều thiết yếu là người chủ sở hữu (người có trách nhiệm pháp lý) tiến hành đánh giá rủi ro cụ thể để xác định việc sử dụng an toàn và nếu cần, có sẵn nhân viên được đào tạo để giám sát hoạt động.
CHÚ THÍCH 2: Trong trường hợp thiết bị luyện tập tại chỗ dùng cho mục đích y tế, lưu ý đến các quy định của ngành y tế.
CHÚ THÍCH 3: Trong trường hợp thiết bị luyện lập tại chỗ dùng cho trẻ em, lưu ý đến các quy định hiện hành.
CHÚ THÍCH 4: Trong trường hợp thiết bị luyện tập tại chỗ được thiết kế cho người khuyết tật sử dụng, lưu ý các hướng dẫn liên quan của quốc gia.
CHÚ THÍCH 5: Liên quan đến khả năng cháy, lưu ý đến các quy định của quốc gia.
CHÚ THÍCH 6: Trong trường hợp thiết bị luyện tập tại chỗ có chứa các thành phần ảnh hưởng đến môi trường, lưu ý đến các quy định của quốc gia.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 257-1 (ISO 6508-1). Vật liệu bằng kim loại – Phép thử độ cứng Rockwell – Phần 1: Phương pháp thử).
ISO 12100, Safety of machinery – General principles for design – Risk assessment and risk reduction (An toàn thiết bị – Nguyên tắc chung về thiết kế – Đánh giá rủi ro và giảm thiểu rủi ro).
TCVN 5699-1 (IEC 60335-1)1, Thiết bị điện gia dụng và các thiết bị điện tương tự – An toàn – Phần 1: Yêu cầu chung.
TCVN 7303-1 (IEC 60601-1)2, Thiết bị điện y tế – Phần 1: Yêu cầu chung về an toàn cơ bản và tính năng thiết yếu.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa dưới đây.
3.1. Thiết bị luyện tập tại chỗ (stationary training equipment)
Thiết bị không được di chuyển như một bộ phận trong khi sử dụng và đặt tự do trên sàn hoặc gắn vào sàn, tường, trần nhà hoặc kết cấu cố định khác.
CHÚ THÍCH 1: Thiết bị luyện tập tại chỉ có thể được sử dụng trong các trường hợp sau, ví dụ:
a) thể dục thể hình;
b) thể dục thẩm mỹ;
c) giáo dục thể chất;
d) luyện tập để thi đấu và các hoạt động thể thao có liên quan:
e) điều trị dự phòng và phục hồi chức năng.
3.2. Khu vực luyện tập (training area)
Khu vực dành cho người sử dụng và thiết bị trong khi tập trên toàn bộ phạm vi chuyển động.
3.3. Khu vực thao tác an toàn (safe operational area)
Khu vực mà khi sử dụng thiết bị bên thứ ba không tiếp cận được các bộ phận nguy hiểm.
3.4. Diện tích tự do (free area)
Diện tích ngoài khu vực luyện tập cần thiết cho người sử dụng hoặc người thứ ba để tiếp cận thiết bị và/hoặc thực hiện tháo dỡ khẩn cấp xung quanh và phía trên toàn bộ phạm vi chuyển động.
3.5. Diện tích tay và chân có thể tiếp xúc (accessible hand and foot area)
Diện tích người sử dụng hoặc người thứ ba có thể tiếp xúc khi thiết bị được sử dụng bình thường, trong khi lắp đặt, cầm nắm, điều chỉnh thiết bị hoặc vị trí cơ thể để luyện tập.
3.6. Phạm vi chuyển động (range of movement)
Khoảng không gian mà người sử dụng hoặc bộ phận của thiết bị chuyển động theo hướng dẫn trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
3.7. Hướng động lực (dynamic direction)
Hướng tác dụng lực trong khi luyện tập thông thường theo mô tả tại sổ tay hướng dẫn sử dụng.
3.8. Khối lượng cơ thể (bodymass)
Khối lượng của người sử dụng lớn nhất quy định theo mô tả trong sổ tay hướng dẫn sử dụng hoặc 100 kg, lấy giá trị nào lớn hơn.
3.9. Tải trọng bên trong (intrinsic loading)
Tải trọng do khối lượng cơ thể.
3.10. Tải trọng bên ngoài (entrinsic loading)
Tải trọng tác dụng vào sản phẩm không phải do khối lượng cơ thể tạo ra.
3.11. Tải trọng quy định tối đa (maximum specified loading)
Tải trọng tối đa do nhà sản xuất quy định trong sổ tay hướng dẫn sử dụng và trên nhãn sản phẩm.
3.12. Cơ công kế (ergometer)
Bộ phận của thiết bị luyện tập tại chỗ để đo công suất đầu vào, tính bằng Watt, có độ chính xác riêng được quy định trong từng phần cụ thể của bộ tiêu chuẩn này.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ này chỉ dùng cho thiết bị luyện tập tại chỗ đáp ứng điều kiện này.
3.13. Thiết bị luyện tập phụ thuộc vào vận tốc (speed dependent training equipment)
Thiết bị luyện tập không thể điều chỉnh được lực cản và tỷ lệ với vận tốc.
VÍ DỤ Thiết bị quạt gió tạo lực cản.
3.14. Thiết bị luyện tập không phụ thuộc vào vận tốc (speed independent training equipment)
Thiết bị luyện tập có thể điều chỉnh được lực cản bằng phương tiện khác với vận tốc.
VÍ DỤ Cơ cấu phanh có thể điều chỉnh được.
3.15. Thiết bị luyện tập dẫn động bằng điện (power driven training equipment)
Thiết bị luyện tập được dẫn động bởi nguồn điện bên ngoài.
VÍ DỤ Động cơ điện.
3.16. Chế độ kiểm soát nhịp tim (heart rate control mode)
Chương trình cho phép người sử dụng duy trì luyện tập với mức nhịp tim được định trước bằng cách điều chỉnh trở kháng tự động theo đáp ứng nhịp tim của người sử dụng.
3.17. Hệ thống đo nhịp tim (heart rate measurement system)
Hệ thống hiển thị nhịp tim của người sử dụng.
3.18. Màn hình (display)
Bộ phận cung cấp thông tin cho người sử dụng.
3.19. Điểm ép (squeeze point)
Vị trí mà các bộ phận của thiết bị có thể chuyển động áp vào nhau, hoặc áp vào một diện tích cố định, có thể làm cho các bộ phận cơ thể của người sử dụng/người thứ ba bị ép vào.
3.20. Điểm trượt (shear point)
Vị trí mà bộ phận của thiết bị có thể chuyển động qua một bộ phận cố định hoặc chuyển động, hoặc qua một diện tích cố định, có thể cắt qua các bộ phận cơ thể của người sử dụng / người thứ ba.
3.21. Chu kỳ (cycle)
Chuyển động gắn với một hành trình hoàn chỉnh của một chi tiết đơn từ điểm bắt đầu đến khi bắt đầu một quá trình lặp lại.
VÍ DỤ Chi tiết thường có thể là bàn đạp, tay lái hoặc chỗ ngồi.
3.22. Vị trí đa chức năng (multiple exercise station)
Bộ phận của thiết bị cho phép nhiều hơn một đơn vị chức năng hoặc bài tập chức năng.
4. Phân loại
4.1. Quy định chung
Thiết bị phải được phân loại theo cấp chính xác và cách sử dụng như mô tả trong 4.2 và 4.3.
Nếu thiết bị có nhiều tính năng sử dụng thì thiết bị phải đáp ứng yêu cầu của từng loại.
4.2. Cấp chính xác
4.2.1. Cấp chính xác chỉ áp dụng cho thiết bị có hiển thị các dữ liệu luyện tập.
4.2.2. Cấp A: cấp chính xác cao.
4.2.3. Cấp B: cấp chính xác trung bình.
4.2.4. Cấp C: cấp chính xác thấp.
CHÚ THÍCH Yêu cầu về các cấp chính xác được nêu trong các tiêu chuẩn cụ thể của bộ tiêu chuẩn ISO 20957.
4.3. Loại sử dụng
4.3.1. Loại S (Phòng tập): sử dụng chuyên nghiệp và/hoặc kinh doanh.
CHÚ THÍCH: Thiết bị luyện tập tại chỗ loại này dự kiến để sử dụng trong các khu vực luyện tập của các tổ chức như: liên đoàn thể thao, cơ sở giáo dục, khách sạn, câu lạc bộ, phòng tập, nơi người chủ sở hữu (người chịu trách nhiệm pháp lý) quản lý việc tiếp cận và kiểm soát.
4.3.2. Loại H (Gia đình): sử dụng tại gia đình.
CHÚ THÍCH: Thiết bị luyện tập tại chỗ loại này dự kiến để sử dụng tại các hộ gia đình, trong đó người chủ sở hữu (người có trách nhiệm pháp lý) quản lý việc tiếp cận thiết bị.
4.3.3. Loại I: sử dụng chuyên nghiệp và/hoặc kinh doanh được dành riêng cho những người có nhu cầu đặc biệt (ví dụ: khuyết tật về thị lực, thính lực, thể chất, học tập) sử dụng.
Thiết bị loại này cũng phải tuân theo các yêu cầu của loại S (xem 4.3.1)
CHÚ THÍCH: Thiết bị luyện tập tại chỗ loại này dự kiến để sử dụng trong các khu vực luyện tập của các tổ chức như: liên đoàn thể thao, cơ sở giáo dục, khách sạn, câu lạc bộ, phòng tập, trung tâm phục hồi chức năng, nơi chủ sở hữu (người chịu trách nhiệm pháp lý) quản lý việc tiếp cận và kiểm soát.
5. Yêu cầu an toàn
5.1. Quy định chung
Nếu các yêu cầu an toàn dưới đây được áp dụng thì thiết bị phải đáp ứng các yêu cầu bằng cách sử dụng các phương pháp thử mô tả trong Điều 6.
5.2. Độ ổn định của thiết bị
Thiết bị luyện tập tại chỗ phải ổn định theo hướng bất kỳ, ở vị trí luyện tập, gấp lại và cất giữ.
Thử theo 6.2.
5.3. Cấu tạo bên ngoài
5.3.1. Cạnh và góc
Tất cả các cạnh và góc của bề mặt đỡ cơ thể người phải có bán kính r ≥ 2,5 mm.
Tất cả các cạnh khác của các bộ phận mà người sử dụng hoặc người thứ ba có thể tiếp xúc không được có gờ sắc, được lượn tròn hoặc được bảo vệ.
Thử theo 6.3.1.
5.3.2. Đầu ống
Khi thử theo 6.3.2, các đầu ống có thể tiếp xúc phải được bịt kín, ví dụ: bằng các bộ phận của thiết bị hoặc nút.
Nếu sử dụng nút thì chúng phải giữ nguyên vị trí ở cuối phép thử chịu tải, như mô tả trong các phần liên quan của các tiêu chuẩn áp dụng cụ thể. Nếu trong tiêu chuẩn cụ thể không quy định phép thử chịu tải thì lực kéo nút phải ≥ 20 N.
5.3.3. Điểm ép và điểm trượt trong diện tích tay và chân có thể tiếp xúc
Các điểm ép và điểm trượt giữa các bộ phận chuyển động, giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định, hoặc giữa bộ phận chuyển động và sàn phải được bảo vệ hoặc phải có khoảng cách tối thiểu là 60 mm, trừ các trường hợp sau:
a) nếu chỉ nguy hiểm cho ngón tay thì khoảng cách tối thiểu phải là 25 mm;
b) nếu bên thứ ba không thể tiếp cận do vị trí cơ thể của người sử dụng, và nếu người sử dụng có thể dừng ngay chuyển động thì khoảng cách tối thiểu phải là 25 mm;
c) nếu góc giữa hai bộ phận chuyển động liền kề nhau hoặc giữa một bộ phận cố định và một bộ phận chuyển động liền kề luôn là 50 độ hoặc lớn hơn thì không được coi là điểm trượt;
d) chi tiết chặn hở hoặc rõ ràng được loại trừ; tuy nhiên, nếu chi tiết chặn là bộ phận chuyển động thì nó không được dịch chuyển ít hơn 25 mm tính từ bộ phận khung cố định trong toàn bộ phạm vi dịch chuyển của nó.
Tất cả các sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu ở trên trong quá trình sử dụng.
Đối với các sản phẩm có thể gấp lại, trong khi được gấp vào hoặc mở ra, các yêu cầu trên được loại bỏ nếu đáp ứng đồng thời ba yêu cầu dưới đây:
không thể chuyển động ngoài chủ ý trong khi được gấp vào, mở ra, vận chuyển và/hoặc cất giữ;
– việc tiếp cận điểm ép và điểm trượt luôn ở trong phạm vi quan sát của người sử dụng;
– người sử dụng có thể dừng chuyển động ở mọi thời điểm.
Thử theo 6.3.3.
5.3.4. Điểm ép và điểm trượt cũng như điểm quay và điểm chuyển động qua lại trong vùng tay và chân có thể tiếp xúc
Khoảng cách giữa các bộ phận chuyển động hoặc giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định tối thiểu phải là 60 mm, trừ các trường hợp sau:
a) nếu chỉ nguy hiểm cho ngón tay thì khoảng cách này không được nhỏ hơn 25 mm;
b) nếu khoảng cách giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định, hoặc giữa hai bộ phận chuyển động, không thay đổi trong khi sử dụng hoặc lắp đặt thì khoảng cách này phải lớn hơn 25 mm hoặc nhỏ hơn 9,5 mm;
c) chi tiết chặn hở hoặc rõ ràng được loại trừ; tuy nhiên, nếu chi tiết chặn là bộ phận chuyển động thì nó không được dịch chuyển ít hơn 25 mm tính từ bộ phận khung cố định trong toàn bộ phạm vi chuyển động của nó.
Thử theo 6.3.3.
5.3.5. Vật nặng và phương tiện đỡ
Phạm vi chuyển động của tất cả các vật nặng gắn vào thiết bị luyện tập tại chỗ phải được giới hạn đến phạm vi được yêu cầu để thực hiện bài tập. Thử theo 6.3.4.
Vật nặng và phương tiện đỡ có năng lượng tích trữ (ví dụ: dây chun, ống đàn hồi, lò xo cơ học) phải chuyển động tự do và trở lại điểm ban đầu.
Vật nặng phải được giữ chắc chắn trong khi sử dụng.
5.4. Mối nguy người sử dụng
Phải tránh khả năng người sử dụng không thể thoát ra khỏi thiết bị khi sử dụng theo sổ tay hướng dẫn sử dụng (ví dụ: có phương tiện hỗ trợ thoát ra).
Thử theo 6.4.
5.5. Bộ phận điều chỉnh và cơ cấu khóa
Các bộ phận điều chỉnh và cơ cấu khóa trên thiết bị luyện tập tại chỗ phải vận hành an toàn, dễ thấy, người sử dụng có thể tiếp xúc dễ dàng và an toàn. Phải loại trừ khả năng thay đổi ngoài chủ ý.
Các bộ phận điều chỉnh và cơ cấu khóa, ví dụ: nút bấm và cần gạt không được cản trở phạm vi chuyển động của người sử dụng.
Phải trang bị chốt khối lượng có cơ cấu hãm để ngăn ngừa sự thay đổi hoặc chuyển động ngoài chủ ý trong khi luyện tập.
Thử theo 6.5.
5.6. Dây cáp, đai, xích và bộ phận kèm theo
5.6.1. Quy định chung
Dây cáp, đai, xích và bộ phận kèm theo (ví dụ: móc có lò xo, xích nối, móc treo, vòng kẹp hoặc chi tiết tương tự) phải có hệ số an toàn chống đứt gấp 6 lần sức căng tăng tối đa có thể có. Thiết kế ròng rọc và bán kính cong phải theo các yêu cầu áp dụng của nhà sản xuất dây, đai hoặc dây xích.
Dây cáp, đai, dây xích và bộ phận kèm theo của chúng phải không bị đứt và hoạt động như mô tả trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
Thử theo 6.6.
5.6.2. Dây và đai
Các đầu dây, đai ít nhất phải ngang bằng với đầu của điểm kết thúc và phải kiểm tra được bằng mắt thường.
Các mối nối ép phải không bị uốn cong.
Các đầu dây và đai và tay nắm không được có cạnh sắc hoặc đầu bị xơ.
Thử theo 6.6.
5.6.3. Thanh dẫn dây và đai
Phải có phương tiện để ngăn dây hoặc đai bị rời ra ngoài chủ ý trong khi sử dụng hoặc lắp ráp.
Thử theo 6.7.
5.7. Điểm kéo vào
Các điểm kéo vào của dây hoặc đai kéo lên đến độ cao 1 800 mm phải được bảo vệ trừ khi áp lực bề mặt ≤ 90 N/cm2 hoặc khi đường dẫn đến điểm kéo vào bị ngăn lại bởi cơ thể người sử dụng trong khi luyện tập.
Điều này có thể đạt được bằng cách duy trì góc giữa dây và cữ chặn tối thiểu là 50° ở tất cả các vị trí. Cữ chặn không được quay cùng với ròng rọc.
Thử theo 6.3.5.
Các điểm kéo vào đối với dây xích, bánh răng, bánh xích phải được bảo vệ theo ISO 12100.
Bánh đà, ngón tay thử (xem Hình 1) phải không bị mắc kẹt khi thử theo 6.8.
5.8. Tay nắm
5.8.1. Tay nắm tích hợp
Các vị trí cầm nắm phải dễ nhận biết và được thiết kế để giảm trơn trượt (ví dụ: được dệt, được bọc, có khía). Thử theo 6.9.
5.8.2. Tay nắm gắn vào
Khi thử theo 6.10, tay nắm gắn vào phải không bị rời ra. Tay nắm gắn vào phải được trang bị có bề mặt giảm trơn trượt tay.
5.8.3. Tay nắm quay
Tay nắm quay phải chắc chắn khi sử dụng và phải được thiết kế để giảm trơn trượt (ví dụ: có khía). Thử theo 6.11.
5.9. Thử độ bền
Thiết bị luyện tập tại chỗ phải vận hành theo quy định trong hướng dẫn của nhà sản xuất sau khi thực hiện phép thử. Thử theo 6.12.
5.10. Yêu cầu thử đẳng trường
Nếu thiết bị luyện tập tại chỗ được thiết kế để thực hiện phép thử đẳng trường thì tải trọng hoặc lực lên cơ thể người sử dụng phải được thể hiện với độ chính xác ± 10 % trong phạm vi đo được nêu trong sổ tay hướng dẫn sử dụng và kết quả đọc phải theo đơn vị SI.
Thử theo 6.13.
5.11. Hệ thống đo nhịp tim
Chức năng của hệ thống đo nhịp tim phải được chi rõ trên bảng hiển thị khi thiết bị nhận được tín hiệu khả dụng từ người sử dụng, ví dụ: tín hiệu hình trái tim nhấp nháy.
Thử theo 6.14.
5.12. Bộ phận kiểm soát nhịp tim
Chức năng của hệ thống đo nhịp tim phải được chỉ rõ trên màn hình khi thiết bị nhận được tín hiệu khả dụng từ người sử dụng, ví dụ: tín hiệu hình trái tim nhấp nháy.
Việc mất tín hiệu nhịp tim phải dẫn đến nỗ lực duy trì cường độ ở cường độ không đổi trong tối đa 60 s và sau đó giảm đến khi đạt được cường độ tối thiểu. Tốc độ giảm ít nhất phải là 10 % trong mỗi khoảng thời gian 20 s.
Thử theo 6.15.
5.13. An toàn điện
Liên quan đến các khía cạnh an toàn điện và điện tử của thiết bị luyện tập tại chỗ, phải áp dụng TCVN 5699-1 (IEC 60335-1). Đối với các dụng cụ y tế thì áp dụng TCVN 7303-1 (IEC 60601-1).
5.14. Tải trọng
5.14.1. Tải trọng bên trong
Từng bộ phận của thiết bị chịu tải là khối lượng cơ thể người sử dụng phải chịu được lực F bằng 2,5 lần khối lượng cơ thể.
Sau khi thử, thiết bị phải không bị hỏng và vẫn phải hoạt động theo dự kiến của nhà sản xuất.
Thử theo 6.16.
5.14.2. Tải trọng bên ngoài
Khi thử theo 6.3.4 và chịu tải là khối lượng cơ thể người sử dụng và/hoặc phản lực hoặc mômen của người sử dụng cũng như lực hoặc mômen khác gây ra do nguồn bất kỳ khác (ví dụ: vật nặng thêm vào được đỡ bởi bệ đỡ), từng bộ phận của thiết bị phải chịu được tải trọng F theo công thức (1):
F = [Gk + 1,5G]x2,5×9,81m/s2 (1)
trong đó
F là tải trọng, tính bằng niutơn;
G là tải trọng tối đa, tính bằng kilôgam, được quy định bởi nhà sản xuất (xem 5.17);
Gk là tải trọng, tính bằng kilôgam, do khối lượng cơ thể tác dụng lên bộ phận đỡ được thử;
1,5 là hệ số động;
2,5 là hệ số an toàn.
Sau khi thử, thiết bị phải không bị hỏng và phải hoạt động theo dự kiến của nhả sản xuất.
Thử theo 6.17.
5.15. Chăm sóc và bảo dưỡng
Phải cung cấp hướng dẫn việc chăm sóc và, nếu có thể, việc bảo dưỡng kèm theo từng bộ phận của thiết bị. Hướng dẫn phải bao gồm ít nhất là:
a) cảnh báo chú ý đến ảnh hưởng là mức độ an toàn của thiết bị chỉ có thể được duy trì khi nó được kiểm tra thường xuyên về tình trạng hỏng hóc và mài mòn, ví dụ: dây cáp, ròng rọc, điểm nối;
b) tư vấn việc thay thế ngay các bộ phận khiếm khuyết và/hoặc ngừng sử dụng thiết bị cho đến khi sửa chữa xong;
c) chú ý đặc biệt đến các bộ phận dễ bị mài mòn nhất.
Thử theo 6.18.
5.16. Hướng dẫn lắp ráp
Nếu thiết bị luyện tập tại chỗ yêu cầu lắp ráp thì phải cung cấp sổ tay (bằng ngôn ngữ quốc gia), đưa ra hướng dẫn lắp ráp rõ ràng và chính xác liên quan đến thiết bị luyện tập tại chỗ và nhấn mạnh đến việc lắp ráp an toàn.
Nếu thiết bị luyện tập tại chỗ yêu cầu lắp ráp thì phải phải cung cấp danh sách các dụng cụ cần thiết.
Nếu thiết bị luyện tập tại chỗ yêu cầu lắp ráp thì phải cung cấp danh sách đầy đủ các bộ phận bao gồm cả số nhận biết của bộ phận.
Nhà sản xuất phải ghi rõ tổng khối lượng và tổng diện tích bề mặt (ví dụ: khung) của thiết bị.
Khi thiết bị luyện tập tại chỗ được gắn/móc vào, ví dụ: tường hoặc sàn nhà, phải cung cấp hướng dẫn lắp ráp bao gồm cả cách thức gắn/móc.
Nhà sản xuất phải đưa ra giá trị tối thiểu (lực) đỡ của từng chỗ gắn.
Thử theo 6.18.
5.17. Hướng dẫn sử dụng chung
Từng hạng mục của thiết bị luyện tập tại chỗ phải được cung cấp kèm theo sổ tay hướng dẫn sử dụng, bằng ngôn ngữ quốc gia, gồm ít nhất các thông tin dưới đây.
a) Địa chỉ chăm sóc khách hàng.
b) Địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu.
c) Chỉ rõ lĩnh vực áp dụng (ví dụ: sử dụng trong nhà, giải thích về loại sử dụng).
d) Chỉ rõ bán kính diện tích tự do phải rộng hơn bán kính diện tích luyện tập tối thiểu là 0,6 m, theo các hướng tiếp cận thiết bị. Diện tích tự do cũng phải bao gồm diện tích để tháo dỡ khẩn cấp. Nếu các thiết bị được đặt gần nhau thì có thể sử dụng chung diện tích tự do. Diện tích tự do và diện tích luyện tập phải được minh họa cùng với hình vẽ kèm theo.
e) Thông tin về cách sử dụng đúng thiết bị và đặc điểm của thiết bị cùng với việc nhấn mạnh đến cách vận hành an toàn,và tầm quan trọng của việc giám sát trẻ không lại gần thiết bị.
f) Hướng dẫn luyện tập cùng với tư vấn về tư thế luyện tập đúng của người sử dụng trên thiết bị luyện tập tại chỗ. Cảnh báo chỉ rõ rằng việc luyện tập không đúng hoặc quá mức có thể dẫn đến tổn thương về sức khỏe. Phải cung cấp hướng dẫn phải theo từng loại bài tập chính mà thiết bị được thiết kế.
g) Phần lời hướng dẫn về các thao tác khó và phức tạp phải kèm theo hình vẽ minh họa.
h) Hướng dẫn về cách thức sử dụng an toàn các phương tiện hỗ trợ tiếp cận và thoát ra.
i) Hình minh họa thiết kế.
j) Cảnh báo nếu có bất kỳ cơ cấu điều chỉnh nào được đặt nhô ra, chúng có thể cản trở chuyển động của người sử dụng.
k) Cảnh báo việc thiết bị đứng tự do phải được lắp đặt trên nền vững và phẳng.
I) Cách cài đặt tải và điều chỉnh thêm cho thiết bị (ví dụ: điều chỉnh chỗ ngồi).
m) Chỉ rõ khối lượng tối đa của cơ thể người sử dụng.
n) Chỉ rõ khối lượng luyện tập tối đa, nếu áp dụng,
o) Giải thích các dữ liệu hiển thị, nếu áp dụng.
p) Nếu hiển thị nhịp tim thì phải đưa ra cảnh báo với nội dung sau: “CẢNH BÁO! Các hệ thống theo dõi nhịp tim có thể không chính xác. Việc luyện tập quá sức có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt thì dừng tập ngay lập tức”.
Thử theo 6.18.
5.18. Ghi nhãn
Thiết bị luyện tập tại chỗ phải được ghi nhãn bền lâu với thông tin tối thiểu sau đây:
a) tên hoặc thương hiệu và địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất, nhà cung cấp hoặc nhà nhập khẩu;
b) khối lượng cơ thể tối đa của người sử dụng và khối lượng luyện tập tối đa đối với từng vị trí luyện tập riêng (nếu áp dụng);
c) loại sử dụng S, H hoặc I và cấp chính xác A, B, C, loại nào có thể kết hợp (ví dụ: SA) nếu cả hai loại được quy định trong một tiêu chuẩn của bộ ISO 20957;
d) mã số riêng (có thông tin về loại và năm sản xuất);
e) ký hiệu bằng hình ảnh hoặc thông tin được viết bằng (các) ngôn ngữ quốc gia hướng dẫn người sử dụng đọc thông tin mà nhà sản xuất cung cấp;
f) đối với thiết bị loại S và I, phải sử dụng ký hiệu bằng hình ảnh dễ thấy hoặc thông tin được viết bằng (các) ngôn ngữ quốc gia nếu thiết bị cần gắn/móc để vận hành an toàn.
Trách nhiệm của nhà sản xuất là thể hiện rõ việc tuân thủ tiêu chuẩn này bằng chỉ dẫn bổ sung của ISO 20957 cùng với ký hiệu bằng chữ cái của (các) loại quy định (loại S, H và I).
Thử theo 6.18.
6. Phương pháp thử
6.1. Điều kiện thử
Tất cả các phép thử phải được thực hiện trong các điều kiện sau:
a) nhiệt độ 23 °C ± 5°C;
b) độ ẩm tương đối từ 55 % đến 75 %.
6.2. Phép thử độ ổn định
6.2.1. Thử tại vị trí luyện tập
Đặt thiết bị trên mặt phẳng nghiêng , ở vị trí bất lợi nhất.
Thực hiện (các) bài tập mà bao gồm khối lượng của người sử dụng, cùng với thiết bị được chịu tải là trọng lượng của người (100 ± 5) kg, sử dụng tải trọng tối thiểu và tải trọng tối đa, trong toàn bộ phạm vi chuyển động luyện tập.
Ngoài ra, nếu có thể, thực hiện (các) bài tập không bao gồm khối lượng người sử dụng, sử dụng tài trọng tối thiểu và tải trọng tối đa, trong toàn bộ phạm vi chuyển động luyện tập.
Thiết bị phải không bị lật trong khi thử.
Người thử phải không được nghiêng hoặc cố gắng làm ảnh hưởng đến cân bằng của thiết bị.
6.2.2. Thử ở vị trí gấp/cất giữ
Đặt thiết bị, được gấp theo sổ tay hướng dẫn, trên mặt phẳng nghiêng
Thiết bị phải không bị lật trong khi thử.
6.3. Cấu tạo bên ngoài
6.3.1. Thử cạnh và góc
Thử bằng cách đo bán kính, kiểm tra bằng mắt thường và kiểm tra bằng tay.
6.3.2. Đầu ống
Phép thử này là kiểm tra bằng mắt thường để xác nhận tất cả các đầu ống trong phạm vi tay và chân có thể tiếp xúc đều đóng kín.
Phép thử kéo phải được thực hiện theo cách thức gần như tĩnh bằng dụng cụ phù hợp.
6.3.3. Thử điểm ép, điểm trượt, điểm quay và điểm chuyển động qua lại
Đo khoảng cách tối thiểu giữa hai bộ phận chuyển động hoặc giữa bộ phận chuyển động và bộ phận cố định.
6.3.4. Vật nặng và phương tiện đỡ
Thử tính năng bằng cách sử dụng lực cản tối đa và tối thiểu hoặc vật nặng bao gồm lực cản hoặc vật nặng được thêm vào (ví dụ: các vật nặng tăng dần) phải được thực hiện trong phạm vi chuyển động tối đa.
6.3.5. Thử điểm kéo vào
Thiết bị thử: ngón tay thử theo Hình 1. Độ cứng bề mặt ≥ HRC 40 (được đo theo TCVN 257-1 (ISO 6508-1).
Tiếp cận điểm kéo vào bằng đầu dò hình ngón tay thử để xác định xem ngón tay thử có bị mắc kẹt không. Đối với các điểm kéo vào không được bảo vệ, đo áp lực vuông góc với hướng chuyển động ở vị trí bất lợi nhất của cơ cấu (ví dụ: vành của ròng rọc hoặc bán kính tối thiểu của đĩa lệch trục). Phép thử phải được thực hiện với tải trọng tối đa. Áp lực không được lớn hơn 90 N/cm2 trên phần bất kỳ của cơ cấu.
6.4. Thử bẫy
Thử tính năng và bằng mắt thường phải được thực hiện để xác định xem người sử dụng có thể bị mắc kẹt hay không.
6.5. Bộ phận điều chỉnh và cơ cấu khóa
Thực hiện kiểm tra hoạt động và kiểm tra bằng mắt thường trước, trong và sau từng phép thử.
6.6. Thử kéo đối với dây cáp, đai, dây xích và bộ phận kèm theo
Đo độ căng của dây cáp, đai, dây xích và các bộ phận kèm theo trong khi tác dụng tải trọng tĩnh tối đa quy định. Sau đó thực hiện phép thử kéo, gấp 6 lần sức căng tối đa đo được cho toàn bộ hệ thống hoạt động.
6.7. Thử thanh dẫn dây và đai
Thực hiện phép thử vận hành.
6.8. Thử bánh đà
Đưa ngón tay thử (xem Hình 1) từ tất cả các phía vào điểm bẫy có thể có bất kỳ giữa các chi tiết dẫn và truyền trong khi thiết bị hoạt động bình thường.
Không đưa ngón tay thử vào quá mép có lớp phủ bảo vệ.
Xác định xem ngón tay thử có bị mắc vào hay không.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN
1 Tay
Ra-giá trị ≤ 0,40 µm
Độ cứng bề mặt ≥ HRC 40 (được đo theo TCVN 257-1 (ISO 6508-1)
Hình 1 – Ngón tay thử
6.9. Thử tay nắm tích hợp
Thực hiện phép thử vận hành.
6.10. Xác định lực tháo rời tay nắm gắn vào
Cẩn thận tác dụng một lực 70 N lên tay nắm bằng dụng cụ kéo phù hợp.
6.11. Thử tay nắm quay
Thực hiện phép thử vận hành.
6.12. Thử khả năng chịu tải
Thực hiện phép thử càng gần với tần số luyện tập thông thường càng tốt và không gây va đập đối với:
a) loại H 12 000 chu kỳ trên 80 % phạm vi có thể chuyển động;
b) loại S 100 000 chu kỳ trên 80 % phạm vi có thể chuyển động;
1) với tải trọng tối đa;
2) hướng tác dụng tải theo các hướng dẫn luyện tập được cố định bởi 50 phần trăm người;
3) tần số chuyển động theo sổ tay hướng dẫn sử dụng.
Nếu thiết bị có nhiều vị trí luyện tập thì phải thực hiện phép thử tại tất cả các vị trí và các chức năng như mô tả trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
6.13. Thử thiết bị đẳng trường
Đo lực ở trạng thái tĩnh hoặc mô men của cơ thể ở (các) vị trí theo mô tả trong sổ tay hướng dẫn sử dụng và so sánh giá trị này với giá trị hiển thị.
Thực hiện phép thử bằng cách sử dụng ba giá trị sau đây:
– giá trị tối thiểu;
– giá trị tối đa;
– giá trị ngẫu nhiên thứ ba giữa hai điểm này;
6.14. Thử hệ thống đo nhịp tim
Thực hiện kiểm tra bằng mắt thường sử dụng hệ thống đo nhịp tim.
6.15. Thử chế độ kiểm soát nhịp tim
Đặt thiết bị ở chế độ kiểm soát nhịp tim với mục tiêu là 120 bpm. Vận hành sản phẩm theo quy định kỹ thuật của nhà sản xuất, sau đó sử dụng bộ mô phỏng nhịp tim hoặc một người để kích hoạt chế độ kiểm soát nhịp tim. Ngắt tín hiệu và sau đó kiểm tra xem lực cản hoặc tải trọng có giảm theo các yêu cầu nêu trong 5.12 hay không. Nếu có nhiều hơn một hệ thống kiểm soát nhịp tim thì phải thử từng hệ thống.
Thử bộ chỉ thị nhịp tim bằng cách nhìn bằng mắt thường.
6.16. Thử tải trọng bên trong
Thực hiện phép thử giả tĩnh. Tác dụng tải trọng F lên vị trí bất lợi nhất khi sử dụng theo hướng dẫn trong sổ tay hướng dẫn sử dụng lên bề mặt có diện tích 300 mm x 300 mm trên thiết bị luyện tập tại chỗ trong 5 min.
Chỉ những thiết bị cần phải móc để sử dụng bình thường mới phải cố định trong khi thử.
6.17. Thử tải trọng bên ngoài
Thực hiện phép thử giả tĩnh. Tác dụng tải trọng F lên vị trí bất lợi nhất trên thiết bị luyện tập tại chỗ khi sử dụng theo hướng dẫn trong sổ tay hướng dẫn sử dụng trong 5 min. Đặt tải trọng đã xác định lên thiết bị như trong luyện tập bình thường và ở vị trí chịu ứng suất lớn nhất trên thiết bị.
Khi bề mặt chịu tải bị chia nhỏ, tác dụng tải trọng thử lên từng phần tương ứng với tổng diện tích bề mặt tại cùng thời điểm.
Tải trọng cần được tác dụng thông qua dụng cụ tác dụng tải theo cách mô phỏng trạng thái khi thiết bị được sử dụng theo hướng dẫn trong sổ tay hướng dẫn sử dụng.
6.18. Kiểm tra thông tin về chăm sóc và bảo dưỡng, hướng dẫn lắp ráp, hướng dẫn sử dụng chung và ghi nhãn
Kiểm tra xác nhận thông tin nhà sản xuất cung cấp với thiết bị được thử.
6.19. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm ít nhất phải bao gồm thông tin sau:
a) tên và địa chỉ của tổ chức thử nghiệm và địa điểm thực hiện phép thử nếu khác so với địa chỉ của tổ chức lập báo cáo thử nghiệm;
b) dấu hiệu nhận biết đơn nhất của báo cáo (như số seri), từng trang và tổng số trang của báo cáo;
c) tên và địa chỉ khách hàng;
d) mô tả và dấu hiệu nhận biết của sản phẩm được thử;
e) ngày nhận sản phẩm thử và (các) ngày thực hiện phép thử;
f) nhận biết yêu cầu kỹ thuật thử hoặc mô tả phương pháp hoặc quy trình thử;
g) mô tả quy trình lấy mẫu, nếu có liên quan;
h) các sai khác, bổ sung hoặc loại bỏ khỏi yêu cầu kỹ thuật thử, và thông tin khác có liên quan đến phép thử cụ thể;
i) các phép đo, kiểm tra và kết quả nhận được, từ bảng, đồ thị, bảng tóm tắt và ảnh khi thích hợp, và các hư hỏng được phát hiện;
j) báo cáo về độ không đảm bảo đo (nếu có liên quan);
k) chữ ký và chức danh của (những) người chịu trách nhiệm về kỹ thuật đối với báo cáo thử nghiệm và ngày ban hành báo cáo;
I) công bố về hiệu lực mà kết quả thử chỉ liên quan đến sản phẩm được thử.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1 ] IFI/UK 1 04 04, EFDS Inclusive Fitness Initiative Equipment Standards – State 2 Edition 2 – May 2006.
[2] Directive 2002/121/EC (REACH) of European Parliament and of the Council
[3] Directive 2002/96/EC (WEEE) of European Parliament and of the Council
[4] Directive 2002/95/EC (ROHS) of European Parliament and of the Council
[5] Directive 2006/66/EC (Battery Directive) of European Parliament and of the Council
[6] Directive 2001/95/EC (General Product Safety Directive) of European Parliament and of the Council
[7] Directive 2006/95/EC (Low Voltage Directive) of European Parliament and of the Council
[8] Directive 2004/108/EC (EMC Directive) of European Parliament and of the Council
[9] Directive 2006/42/EC (Machinery Directive) of European Parliament and of the Council
[10] Directive 93/42/EEC (Medical Directive) of European Parliament and of the Council
[11] Directive 2009/125/EC (Energy related products) of European Parliament and of the Council
1 IEC 60335-1 tương đương với EN 60335-1.
2 IEC 60601-1 tương đương với EN 60601-1.