Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12594:2018 (ISO 21103:2014) về Du lịch mạo hiểm – Thông tin cho người tham gia
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12594:2018
ISO 21103:2014
DU LỊCH MẠO HIỂM – THÔNG TIN CHO NGƯỜI THAM GIA
Adventure tourism – Information for participants
Lời nói đầu
TCVN 12594:2018 hoàn toàn tương đương với ISO 21103:2014.
TCVN 12594:2018 do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch biên soạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
0.1 Du lịch mạo hiểm
Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù đang ngày càng phát triển và dần có vị thế quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Dù được tổ chức dưới hình thức là hoạt động thương mại hay phi lợi nhuận hay từ thiện, các hoạt động du lịch mạo hiểm đều có yếu tố thử thách và rủi ro. Để có thể tối đa hóa những lợi ích mang lại, các nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm cần phải vận hành một cách an toàn nhất có thể.
TCVN 12592:2018 (ISO 21101:2014), TCVN 12593:2018 (ISO/TR 21102:2013) và TCVN 12594:2018 (ISO 21103:2014) đưa ra những hướng dẫn cơ bản trong hoạt động du lịch mạo hiểm để lập kế hoạch, trao đổi thông tin và tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm một cách an toàn.
Việc áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn quốc gia này sẽ giúp cho khách du lịch có sự lựa chọn tốt nhất về các hoạt động và nhà cung cấp.
0.2 Các tiêu chuẩn du lịch mạo hiểm
Mục đích của các tiêu chuẩn về du lịch mạo hiểm là đưa ra các yêu cầu tối thiểu cho hệ thống quản lý an toàn và trao đổi thông tin với người tham gia. Các tiêu chuẩn này là độc lập vì chúng áp dụng cho các chủ thể khác nhau của du lịch mạo hiểm.
– TCVN 12592:2018 (ISO 21101:2014) quy định các yêu cầu cơ bản để đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch mạo hiểm của nhà cung cấp,
– TCVN 12593:2018 (ISO/TR 21102:2013) quy định các năng lực tối thiểu của những hướng dẫn viên, huấn luyện viên trong hoạt động du lịch mạo hiểm,
– Tiêu chuẩn này đưa ra các thông tin tối thiểu cần được trao đổi với người tham gia và khách hàng gia tiềm năng trước, trong và sau khi tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm để bảo đảm an toàn.
0.3 Mục đích của tiêu chuẩn này
Mục đích của tiêu chuẩn này là đưa ra yêu cầu chung về thông tin của dịch vụ được cung cấp cho những người tham gia tiềm năng và các bên quan tâm khác về hoạt động du lịch mạo hiểm sẽ được tổ chức.
Việc cung cấp thông tin chính xác cho người tham gia, phù hợp với tiêu chuẩn này, sẽ giúp những người tham gia và những người tham gia tiềm năng đưa ra những lựa chọn hợp lý về các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thời điểm đặt dịch vụ, trong và sau khi tham gia hoạt động. Thông tin này đảm bảo rằng những người tham gia hiểu được những rủi ro và có thể được hướng dẫn để giảm thiểu nguy cơ gây thiệt hại về người và/hoặc làm hư hỏng thiết bị. Điều này làm tăng khả năng đạt được trải nghiệm an toàn.
Trong bối cảnh du lịch, nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm cần xem xét rủi ro trao đổi thông tin ví dụ: sự khác biệt về ngôn ngữ có thể khiến mọi người hiểu sai thông tin. Họ cũng cần thông báo về những rủi ro cố hữu trong các hoạt động mạo hiểm. Để đảm bảo trao đổi hiệu quả, trong thông tin cung cấp cho người tham gia cần xác định rõ những thông tin nào người tham gia cần phải nộp cho nhà cung cấp.
DU LỊCH MẠO HIỂM – THÔNG TIN CHO NGƯỜI THAM GIA
Adventure tourism – Information for participants
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu thông tin tối thiểu được cung cấp cho người tham gia trước, trong và sau vào các hoạt động du lịch mạo hiểm.
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho tất cả các loại hình, nhà cung cấp ở mọi quy mô, hoạt động trong các môi trường địa lý, văn hóa và xã hội khác nhau.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa dưới đây.
2.1
Hoạt động du lịch mạo hiểm (adventure tourism activity)
Hoạt động mạo hiểm với mục đích du lịch, cần có sự hướng dẫn hoặc dẫn dắt ở một mức độ nhất định và có mức độ rủi ro (2.8) trong giới hạn chấp nhận được.
CHÚ THÍCH 1: Mức độ rủi ro chấp nhận được nghĩa là người tham gia có sự hiểu biết tối thiểu về các rủi ro có liên quan.
CHÚ THÍCH 2: Hoạt động du lịch mạo hiểm tại Việt Nam có thể bao gồm các hoạt động như bay dù lượn, khinh khí cầu; nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi, trên đồi cát; đi trên dây; leo núi, vách đá; đu dây vượt thác; lặn dưới nước; chèo thuyền vượt ghềnh thác; đi mô tô nước; lướt ván; ca nô kéo dù bay; thám hiểm hang động, rừng, núi.
2.2
Mức độ khó (level of difficulty)
Việc đánh giá những khó khăn về thể chất và tinh thần có thể gặp phải khi tham gia vào một hoạt động du lịch mạo hiểm dựa trên các yếu tố như yêu cầu kỹ thuật, địa hình, độ cao hoặc khí hậu.
2.3
Hành trình (itinerary)
Việc mô tả các yếu tố cấu thành hoạt động du lịch mạo hiểm (2.1), thời gian, địa điểm và các hoạt động.
2.4
Người tham gia (participant)
Người tham gia vào một hoạt động du lịch mạo hiểm (2.1) nhưng không phải là thành viên của nhóm hướng dẫn.
CHÚ THÍCH 1: Người tham gia cũng có thể được hiểu là “khách hàng”, “du khách” hay tương tự.
CHÚ THÍCH 2: Một nhóm hướng dẫn có thể bao gồm một vài người hướng dẫn.
2.5
Nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm (adventure tourism activity provider)
Cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm toàn bộ về mọi khía cạnh trong hoạt động du lịch mạo hiểm (2.1).
CHÚ THÍCH 1: Hoạt động du lịch mạo hiểm có thể được cung cấp miễn phí hoặc phải trả phí.
2.6
Nhà cung cấp bên thứ ba (third-party provider)
Tổ chức hoặc cá nhân bên ngoài cung cấp dịch vụ cho nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm.
2.7
Thời gian rỗi (free time)
Khoảng thời gian xảy ra trong tổng thời gian của hoạt động du lịch mạo hiểm (2.1), được xác định là không nằm trong nghĩa vụ theo hợp đồng của nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm (2.5).
2.8
Rủi ro (risk)
Tác động của sự không chắc chắn.
CHÚ THÍCH 1: Tác động là sự sai lệch so với dự kiến – tiêu cực hoặc tích cực.
CHÚ THÍCH 2: Sự không chắc chắn là tình trạng, thậm chí là một phần, thiếu hụt thông tin liên quan tới việc hiểu hoặc nhận thức về một sự kiện, hệ quả của sự kiện đó, hoặc khả năng xảy ra của nó.
CHÚ THÍCH 3: Rủi ro thường đặc trưng bởi sự dẫn chiếu đến các “sự kiện” [như được định nghĩa trong TCVN 9788:2013 (ISO Guide 73:2009), 3.5.1.3] và “hệ quả” tiềm ẩn [như được định nghĩa trong TCVN 9788:2013 (ISO Guide 73:2009), 3.6.1.3], hoặc sự kết hợp giữa chúng.
CHÚ THÍCH 4: Rủi ro thường thể hiện theo cách kết hợp các hệ quả của một sự kiện (bao gồm cả những thay đổi về hoàn cảnh) và “khả năng xảy ra” [như được định nghĩa trong TCVN 9788:2013 (ISO Guide 73:2009), 3.6.1.1] kèm theo.
3 Trao đổi thông tin
Việc trao đổi thông tin với người tham gia phải chính xác và dễ tiếp cận.
Khi trao đổi thông tin với người tham gia, nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm phải tính đến những yếu tố sau của người tham gia:
a) ngôn ngữ;
b) khả năng đọc hiểu;
c) sự suy giảm khả năng nói, nghe hoặc nhìn.
Ngoài ra, nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm cần phải xem xét việc thông tin cần được trình bày ở đâu và ở dạng thức nào (ví dụ bản in hoặc điện tử).
Nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm phải xác định và ứng phó với các rủi ro liên quan đến trao đổi thông tin trong suốt hoạt động (ví dụ như rào cản ngôn ngữ hoặc tiếng ồn) để đảm bảo người tham gia hiểu sự hướng dẫn của người hướng dẫn hoạt động du lịch mạo hiểm.
CHÚ THÍCH: Ứng phó với các rủi ro trao đổi thông tin trong quá trình hoạt động có thể bao gồm việc sử dụng các dấu hiệu, tín hiệu tay hoặc còi.
4 Thông tin cung cấp trước khi bắt đầu hoạt động du lịch mạo hiểm
4.1 Mục đích thông tin cung cấp trước khi bắt đầu hoạt động du lịch mạo hiểm
Nội dung sau đây đưa ra các thông tin cần được cung cấp trước khi người tham gia đặt mua các hoạt động du lịch mạo hiểm.
Thông tin phải được cung cấp cho những người tham gia tiềm năng trước khi bắt đầu hoạt động để họ có thể đưa ra những lựa chọn hợp lý về việc tham gia vào hoạt động.
Do các hoạt động du lịch mạo hiểm luôn chứa đựng các rủi ro, nên thông tin được cung cấp trước khi tham gia hoạt động phải chỉ ra các nguồn rủi ro chính và các yêu cầu an toàn liên quan.
4.2 Thông tin cung cấp trước khi đặt dịch vụ
4.2.1 Nhà cung cấp
Thông tin cung cấp trước khi đặt dịch vụ về nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm phải bao gồm:
a) tên, tên pháp lý, tư cách pháp nhân, chi tiết liên lạc (địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email) và giờ làm việc;
b) việc nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm có áp dụng bất kỳ tiêu chuẩn nào hay không, nhà cung cấp có được chứng nhận hay không và bên chứng nhận có được thừa nhận hay không;
c) bất kỳ giấy phép và chứng chỉ có liên quan.
4.2.2 Hoạt động du lịch mạo hiểm
Thông tin cung cấp trước khi đặt dịch vụ về hoạt động du lịch mạo hiểm phải bao gồm:
a) mô tả hoạt động du lịch mạo hiểm, các thành phần và giá cả dịch vụ;
b) số người tham gia tối thiểu và tối đa, số lượng người hướng dẫn và nhân viên khác;
c) các dịch vụ thành phần được cung cấp là một phần của hoạt động du lịch mạo hiểm sẽ được đặt trước, ví dụ:
1) loại phương tiện vận chuyển sẽ sử dụng và mức độ thoải mái được cung cấp cho người tham gia, thông tin của nhà cung cấp bên thứ ba nếu có;
2) loại hình lưu trú, tiêu chuẩn cơ sở lưu trú và cơ sở vật chất kỹ thuật, ví dụ: bố trí phòng tắm, tiện nghi và điều kiện nghỉ ngơi;
3) thức ăn và đồ uống được cung cấp, bao gồm cả chế độ ăn kiêng đặc biệt;
4) trang thiết bị được cung cấp;
5) vật dụng chứa thiết bị trên địa hình gồ ghề, nếu cần thiết;
d) mức độ khó khăn (kèm theo giải thích về các tiêu chí) cho hoạt động du lịch mạo hiểm; đánh giá mức độ khó khăn phải tính đến các yếu tố như:
1) mức độ cụ thể về sức khỏe thể lực hoặc khả năng tinh thần cần thiết của người tham gia;
2) khoảng thời gian diễn ra hoạt động – cả chuyến đi và từng ngày;
3) kiến thức và kỹ năng cần thiết;
4) có yêu cầu về chứng nhận kỹ năng đặc biệt nào không;
5) điều kiện khí hậu dự báo;
6) những khó khăn của địa hình nơi thực hiện hoạt động mạo hiểm;
7) mức độ khó và giải thích các tiêu chí, nếu có liên quan;
e) hành trình của hoạt động du lịch mạo hiểm:
1) (các) địa điểm;
2) thời gian ước tính từ khi khởi hành cho đến khi tới các địa điểm khác nhau;
3) thời gian ước tính của (các) hoạt động;
4) các khoảng thời gian rỗi;
f) hỗ trợ khẩn cấp sẵn có;
g) các cơ sở vật chất sẵn có cho người có nhu cầu đặc biệt, trẻ em hoặc người cao tuổi;
h) trong trường hợp người tham gia là một nhóm trẻ vị thành niên trong một hoạt động nhiều ngày, số lượng, giới tính và vai trò của người hướng dẫn và những người lớn đi kèm khác, ví dụ: cha mẹ;
i) thông tin về tính phù hợp của nơi các hoạt động du lịch mạo hiểm được thiết kế và chỉ định cho các nhóm người cụ thể, ví dụ: theo độ tuổi, giới tính hoặc khả năng;
j) thông tin chi tiết về chính quyền địa phương và tình hình chính trị;
k) thông tin cụ thể về luật pháp địa phương, ví dụ:
1) hạn chế số lượng khách, ví dụ: trong một khu bảo tồn thiên nhiên để giảm tác động của con người;
2) cấm đốt lửa hoặc sử dụng các chất tẩy rửa có thể làm mất sự cân bằng của môi trường tự nhiên.
4.2.3 Thỏa thuận
Thông tin cung cấp trước khi đặt dịch vụ về thỏa thuận giữa nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm và người tham gia phải bao gồm:
a) những gì được bao gồm trong hoạt động du lịch mạo hiểm;
b) bảo hiểm của nhà cung cấp hoạt động du lịch mạo hiểm có liên quan đến người tham gia;
c) bảo hiểm bắt buộc tham gia và bảo hiểm sẵn có;
d) các yếu tố có thể gây ra sự gián đoạn, thay đổi hoặc hủy bỏ;
e) sự ghi nhận và chấp nhận rủi ro;
f) các trách nhiệm;
g) các thủ tục khiếu nại;
h) các thủ tục hủy bỏ bao gồm các hoạt động du lịch mạo hiểm thay thế.
4.2.4 Người tham gia
Thông tin cung cấp trước khi đặt dịch vụ liên quan đến người tham gia bao gồm:
a) mô tả về bất kỳ hoạt động tập luyện, định hướng hoặc trình độ nào có trước khi tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm và nơi tập luyện cho các hoạt động du lịch mạo hiểm ở đâu;
b) các yêu cầu về y tế, ví dụ: vắc-xin, tiêm chủng, phòng bệnh;
c) trang thiết bị hoặc quần áo mà người tham gia cần phải mang theo để tham gia vào hoạt động du lịch mạo hiểm một cách an toàn;
d) dữ liệu mà người tham gia được yêu cầu cung cấp;
e) mức độ thể lực tối thiểu.
5 Thông tin cung cấp trong khi thực hiện hoạt động du lịch mạo hiểm
5.1 Mục đích cung cấp thông tin trong suốt quá trình thực hiện hoạt động
Điều này đưa ra các thông tin phải được cung cấp từ sau khi đặt mua dịch vụ tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm cho đến khi kết thúc hoạt động.
Thông tin được cung cấp trong quá trình thực hiện hoạt động có các mục đích sau:
a) cung cấp cho người tham gia những chỉ dẫn rõ ràng để đảm bảo sự tham gia của họ vào hoạt động an toàn nhất có thể;
b) giúp người tham gia ý thức được bất cứ thay đổi nào đối với hoạt động, thời gian rảnh rỗi và bất cứ điều gì họ cần làm hoặc có thể làm để ứng phó với những thay đổi đó.
CHÚ THÍCH: Những thay đổi có thể xảy ra do những vấn đề phát sinh trong môi trường như thời tiết bất lợi, tai nạn hay bệnh tật, thiết bị trục trặc, v.v. Điều quan trọng là người tham gia phải được thông báo đầy đủ để họ có thể ứng phó được với sự thay đổi. Việc ứng phó có thể liên quan đến việc thực hiện các hướng dẫn mới từ người hướng dẫn như quản lý sự cố và các rủi ro liên quan, hoặc người tham gia có thể lựa chọn dừng hoạt động.
5.2 Thông tin cung cấp trong suốt quá trình thực hiện hoạt động
Thông tin tối thiểu được cung cấp trong suốt quá trình thực hiện hoạt động bao gồm:
a) chỉ dẫn về những hành động trong từng bước của hoạt động và những gì người tham gia cần làm;
b) bất kỳ thay đổi nào về thông tin hoạt động được cung cấp trước đó, ví dụ: rủi ro, người hướng dẫn, thời gian, thời gian rỗi, địa điểm hoặc phương tiện đi lại;
c) ứng phó với sự cố và tình trạng khẩn cấp.
6 Thông tin cung cấp sau khi kết thúc hoạt động du lịch mạo hiểm
6.1 Mục đích cung cấp thông tin sau khi kết thúc hoạt động
Điều này nêu các thông tin phải được cung cấp sau khi hoạt động du lịch mạo hiểm kết thúc.
Mục đích của thông tin cung cấp sau khi hoạt động du lịch mạo hiểm kết thúc là để cho người tham gia ý thức được khả năng xảy ra bất kỳ vấn đề nào trong suốt quá trình thực hiện hoạt động.
6.2 Thông tin cung cấp sau khi kết thúc hoạt động
Nếu có sự cố xảy ra trong quá trình diễn ra hoạt động du lịch mạo hiểm có thể ảnh hưởng tới người tham gia, thì thông tin tối thiểu phải được cung cấp sau khi kết thúc hoạt động mạo hiểm bao gồm:
a) mô tả sự cố;
b) những ảnh hưởng của sự cố;
c) bất kỳ dữ liệu bổ sung hoặc hành động nào về sự cố mà người tham gia cần.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 12592 (ISO 21101), Du lịch mạo hiểm – Hệ thống quản lý an toàn – Các yêu cầu.
[2] TCVN 12593 (ISO/TR 21102), Du lịch mạo hiểm – Người hướng dẫn – Năng lực cá nhân.
[3] TCVN 9788:2013 (ISO Guide 73:2009), Quản lý rủi ro – Từ vựng.
MỤC LỤC
1 Phạm vi áp dụng
2 Thuật ngữ và định nghĩa
3 Trao đổi thông tin
4 Thông tin cung cấp trước khi bắt đầu hoạt động du lịch mạo hiểm
4.1 Mục đích thông tin cung cấp trước khi bắt đầu hoạt động du lịch mạo hiểm
4.2 Thông tin cung cấp trước khi đặt dịch vụ
5 Thông tin cung cấp trong khi thực hiện hoạt động du lịch mạo hiểm
5.1 Mục đích cung cấp thông tin trong suốt quá trình thực hiện hoạt động
5.2 Thông tin cung cấp trong suốt quá trình thực hiện hoạt động
6 Thông tin cung cấp sau khi kết thúc hoạt động du lịch mạo hiểm
6.1 Mục đích cung cấp thông tin sau khi kết thúc hoạt động
6.2 Thông tin cung cấp sau khi kết thúc hoạt động
Thư mục tài liệu tham khảo