Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2568:1978 về máy kéo trục then hoa – yêu cầu kỹ thuật
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 2568:1978
MÁY KÉO TRỤC THEN HOA
YÊU CẦU KỸ THUẬT
Tractors Splined shaft
Technical requirements
Tiêu chuẩn này áp dụng cho trục truyền lực then hoa răng chữ nhật và răng thân khai của máy kéo và các phương tiện tự hành dùng trong nông nghiệp.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho nửa trục máy kéo và máy liên hợp theo TCVN 2567-78.
1. Yêu cầu kỹ thuật
1.1. Trục then hoa phải được chế tạo phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này, theo các bản vẽ và các tài liệu kỹ thuật đã được xét duyệt.
1.2. Trục phải được chế tạo bằng thép hợp kim mác 18XÃT hay 20 XH3A có nhiệt luyện đạt độ cứng HRC 56-62 hoặc các mác thép khác cơ cơ tính tương đương
Cho phép được thay thế bằng các loại vật liệu mác C45 theo TCVN1766-75, thép 40X, 45X, 40 XC, 45Ã-2, 40XH, 25XÃT, 30XÃT có nhiệt luyện đạt độ cứng không thấp hơn HRC 50.
Trên các bề mặt lắp ghép với ổ lăn và bề mặt tiếp xúc với vòng làm kín, cho phép có độ cứng không thấp hơn HRC45.
Chú thích: Tạm thời dùng theo tiêu chuẩn hiện hành của Liên Xô hay tiêu chuẩn tương ứng của các nước khác cho tới khi ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về vật liệu.
1.3. Độ cứng của các bề mặt đầu trục có ren phải đạt HRC 26-32. Độ cứng các phần chịu xoắn của trục không được thấp hơn HRC 30.
1.4. Trục chế tạo bằng thép không thấm than thì chiều sâu lớp tôi cao tần tại các bề mặt làm việc của then không được nhỏ hơn 1,5 mm.
Chiều sâu lớn nhất của lớp tôi tuỳ thuộc vào đường kính và công dụng của trục, phải được quy định trong bản vẽ đã được xét duyệt.
1.5. Trên các bề mặt của trục không được nứt, xước, phân lớp, sẹo, vết lõm và các vết hằn của dao.
1.6. Các bề mặt của trục sau khi mài không được rỗ, cháy, đốm đen và vết dao.
1.7. Độ nhẵn các bề mặt làm việc của trục, theo TCVN 1063-71 không được thấp hơn:
Ñ8 đối với các mặt trụ tiếp xúc với vòng làm kín;
Ñ7 đối với các mặt trụ lắp ghép với ổ lăn, đường kính tới 80 mm và các bề mặt định tâm của then;
Ñ6 đối với các mặt trụ lắp ghép với ổ lăn, đường kính lớn hơn 80mm và các mặt bên của then thuộc các trục then nối ghép di động;
Ñ5 đối với các mặt bên của then thuộc các trục then nối ghép cố định;
Ñ4 các mặt trụ không định tâm của then.
1.8. Tại các bề mặt cong chuyển tiếp của trục (góc lượn) không được có vết xước, vết dao và các vết hằn khác.
1.9. Phần ren ngoài của trục phải sạch, không được mẻ, xước sâu. Cấp chính xác chế tạo ren phải đạt cấp 6g theo TCVN 1917-76.
1.10. Sai lệch về độ không trụ của các bề mặt lắp ghép với ổ lăn phải được xác định trong bản vẽ và theo TCVN 384-70.
1.10. Độ đảo hướng kính của các bề mặt lắp ghép với ổ lăn so với đường trục phải đạt cấp chính xác VII theo TCVN 384-70.
1.12. Độ đảo hướng kính các bề mặt định tâm của then so với bề mặt lắp ghép với ổ lăn không được lớn hơn 0,05 mm.
Độ đảo hướng kính của các bề mặt định tâm khác có vị trí công xôn so với bề mặt lắp ghép với ổ lăn, phải được quy định trong bản vẽ đã xét duyệt.
1.13. Khi định tâm then theo đường kính trong hoặc đường kính ngoài, dung sai các đường kính đó phải đạt cấp chính xác 2 theo TCVN 23-63.
1.14. Cho phép mạ crôm trên các bề mặt của trục đã chế tạo xong nhưng bị thiếu kích thước đường kính tới 0,1mm. Sau khi mạ crôm tiến hành mài đúng kích thước.
Các yêu cầu về lớp mạ crôm và phương pháp thử để xác định tính chất lớp mạ, phải được quy định trong tài liệu kỹ thuật đã được xét duyệt.
1.15. Độ không song song các mặt bên của then so với đường trục của trục không được vượt quá 0,05 mm trên chiều dài 100mm.
1.16. Thời hạn phục vụ của trục phải bằng thời hạn phục vụ của máy kéo.
2. Quy tắc nghiệm thu và phương pháp thử
2.1. Mỗi trục then hoa đều phải được bộ phận kiểm tra kỹ thuật của nhà máy nghiệm thu.
2.2. Nhà máy phải đảm bảo mọi trục then hoa xuất xưởng phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn này.
2.3. Khách hàng có quyền kiểm tra chất lượng trục then hoa được cung cấp theo các chỉ tiêu chất lượng đã quy định trong tiêu chuẩn này.
2.4. Số lượng mẫu lấy ra trong lô để kiểm, quy cách của lô cũng như khối lượng công việc thử và thứ tự các bước thử do hai bên thoả thuận quy định.
2.5. Phương pháp kiểm tra chiều sâu cũng như sự phân bố của lớp thấm than và lớp tôi do nhà máy quy định trong tài liệu kỹ thuật đã được xét duyệt.
2.6. Các vết nứt trên các bề mặt tôi phải được phát hiện bằng máy dò kiểu từ tính. Các khuyết tật khác được phát hiện bằng mắt thường.
2.7. Thử độ cứng theo TCVN 257-67.
2.8. Kiểm tra then tiến hành bằng calíp tổng hợp được chế tạo theo đúng bản vẽ và các tài liệu kỹ thuật đã được xét duyệt.
2.9. Khi kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu (dù chỉ là một trong số các chỉ tiêu) thì phải tiến hành kiểm tra lại với số lượng gấp đôi cũng lấy ra ở lô đó.
Kết quả kiểm tra lần thứ hai là kết qủa cuối cùng.
Nhà máy được tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các trục trong lô đã bị loại ra các trục không đạt yêu cầu của tiêu chuẩn này đưa gia công nhiệt lại hoặc sửa chữa các kích thước bị hụt theo điều 1.14.
2.10. Thử tuổi thọ của trục theo định kỳ thử tuổi thọ của máy kéo quy định trong tài liệu kỹ thuật đã được xét duyệt.
3. Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản
3.1. Trên mỗi trục đều phải ghi dấu hiệu của nhà máy chế tạo và dấu thu nhận của bộ phận kiểm tra kỹ thuật nhà máy.
3.2. Vị trí, kích thước và phương pháp ghi nhãn phải được chỉ dẫn trên bản vẽ đã duyệt và phải đảm bảo dấu hiệu tồn tại trong suốt thời gian phục vụ của trục.
3.3. Trục phải được xử lý chống gỉ bằng mỡ chống gỉ hay bằng sáp bao gói.
Trước khi đóng gói trong hòm gỗ kín, trục phải được bao gói bằng giấy chống ẩm. Hòm gỗ phải được lót giấy chống ẩm hoặc các vật liệu chống ẩm khác, và trục phải được chèn chặt bằng các đệm lót để tránh hư hỏng do va chạm.
3.4. Việc xử lý chống gỉ và bao gói phải đảm bảo giữ được trục không bị hư hỏng, khi vận chuyển và không bị gỉ trong thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày xuất xưởng với điều kiện bảo quản chúng nơi khô ráo và kín.
3.5. Khi vận chuyển trục trong kho hay trong các toa tàu kín, được phép bao bì trục trong hòm gỗ thanh sau khi đã tiến hành bao gói sơ bộ.
3.6. Khối lượng mỗi hòm không quá 50kg.
3.7. Trên mỗi hòm cần kèm theo giấy bao gói, trong đó ghi:
a) Tên cơ quan mà nhà máy trực thuộc;
b) Tên nhà máy, địa chỉ (thành phố hay địa chỉ quy ước);
c) Tên chi tiết và số hiệu của nó theo bản kê mẫu hàng;
d) Số lượng chi tiết;
đ) Ngày chế tạo (tháng, năm);
e) Ngày bao gói (tháng, năm);
f) Số hiệu của tiêu chuẩn này.
3.8. Trên mỗi hòm phải ghi rõ bằng sơn bền màu bao gồm:
a) Tên hay dấu hiệu hàng hoá của nhà máy chế tạo và địa chỉ quy ước của nhà máy;
b) Tên gọi của chi tiết và số hiệu của nó theo bản kê mẫu hàng: nhãn hiệu máy kéo;
c) Số lượng chi tiết;
d) Ngày xuất xưởng;
đ) Số hiệu của tiêu chuẩn này;
e) Chữ “không ném”.
3.9. Mỗi một lô trục phải kèm theo giấy chứng nhận đảm bảo chúng phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn này, có chữ ký của bộ phận kiểm tra kỹ thuật nhà máy và bao gồm:
a) Tên cơ quan mà nhà máy trực thuộc;
b) Tên nhà máy chế tạo và địa chỉ;
c) Tên gọi của chi tiết và số hiệu của nó theo bản kê mẫu hàng; nhãn hiệu máy kéo;
d) Số lượng chi tiết;
đ) Ngày chế tạo (tháng, năm);
e) Kết quả kiểm tra và thử;
f) Số hiệu của tiêu chuẩn này.
3.10. Các điều 3.3 đến 3.9 chỉ thực hiện đối với trục cung cấp làm phụ tùng dự trữ hoặc cung cấp cho xí nghiệp khác theo sự hợp tác giữa các xí nghiệp.
4. Bảo hành của nhà máy chế tạo
Thời gian bảo hành của trục bằng thời hạn bảo hành của máy kéo. Trong thời hạn bảo hành nhà máy nhất thiết phải sửa chữa thay thế các trục then hoa bị hư hỏng mà khách hàng không phải trả tiền, với điều kiện khách hàng hay nơi sử dụng phải tuân theo yêu cầu về bảo quản, vận chuyển và sử dụng đã xác định trong tiêu chuẩn này và trong tài liệu hướng dẫn sử dụng máy kéo của nhà máy chế tạo máy kéo.