Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN5529:2010

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN5529:2010
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Hóa chất
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...
  • Số công báo: Còn hiệu lực

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5529:2010 về Thuật ngữ hóa học – Nguyên tắc cơ bản


TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 5529 : 2010

THUẬT NGỮ HÓA HỌC – NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Chemical terms – Basic principle

Lời nói đầu

TCVN 5529 : 2010 thay thế cho TCVN 5529:1991

TCVN 5529 : 2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC47 Hóa học biên soạn trên cơ sở dự thảo đề nghị của Hội hóa học Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học Công nghệ công bố.

 

THUẬT NGỮ HÓA HỌC – NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Chemical terms – Basic principle

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng thuật ngữ hóa học tiếng Việt.

2. Nguyên tắc chung

2.1. Việc xây dựng hệ thống danh pháp và thuật ngữ hóa học cần tuân thủ và đảm bảo các tiêu chí cơ bản sau đây:

– Tính khoa học;

– Tính hệ thống và tính nhất quán;

– Tính dân tộc và phổ cập;

– Tính quốc tế và hội nhập;

– Tính kế thừa.

2.2. Khi phiên chuyển danh pháp và đặt thuật ngữ dựa trên cơ sở các nguyên tắc danh pháp của IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry – Hiệp hội quốc tế về hóa học tinh khiết và ứng dụng) để gọi tên các nguyên tố và hợp chất hóa học.

3. Các nguyên tắc phiên chuyển

3.1. Nguyên tắc về sử dụng phụ âm

3.1.1. Bổ sung các phụ âm f; j; z; w

VÍ DỤ: f (ferum), j (jasmin), z (benzen), w (wolfram)

3.1.2. Chấp nhận các tổ hợp phụ âm br, cr, fl, fr, gl, gr, kr, lf, pl, pr, ps, sp, st, str và tr

VÍ DỤ: br (brom), cr (cromi), dr (hydro), fl (fluor), fr (freon), gl (glucose), gr (graphit), kr (krypton), pl (platin), pr (proton), ps (pseudoionon), sp (spin), st (sterol), str (stronti), tr (natri), w (wolfram).

3.1.3. Phụ âm đứng trước nguyên âm e đọc như phụ âm bổ sung j.

VÍ DỤ: germani, geraniol đọc như jermani và jeraniol

3.1.4. Phụ âm d không chuyển thành đ nhưng vẫn đọc như đ trong tiếng Việt

VÍ DỤ: hydro, indi.

3.1.5. Phụ âm c đứng trước các nguyên âm i, e, y nói chung để nguyên mà không chuyển thành x.

VÍ DỤ: để nguyên Ceri (nguyên tố Ce), acid, aceton, cyclohexan, glycerin, acetic.

3.16. Không thay phụ âm s bằng x hoặc z ở âm vận cuối (ase, ose)

3.1.7. Giữ nguyên các phụ âm kép tạo vần th, ch, ph

VÍ DỤ: methan, ethylen, thiophen, chlor.

Có một số thuật ngữ, trong đó phụ âm kép ch tạo âm vận hoàn toàn khác với âm của phụ âm c, nhưng cũng khác với âm vận trong tiếng Việt như chitin, chavebitol, chalcon, chiral,… Những trường hợp này vẫn để nguyên cách viết trong tiếng Anh nhưng có thể đọc theo chính tả tiếng Việt.

3.1.8. Bỏ bớt một trong hai phụ âm của phụ âm đôi.

VÍ DỤ: cc (sacarose), ff (cafein), ll (alyl, paladi), mm (amoni), nn (cinamic), rr (pyrole), tt (ytri…)

Trường hợp ngoại lệ vẫn giữ phụ âm kép mm trong ammin, là phối tử của phức chất để không lẫn với amin.

3.2. Nguyên tắc về sử dụng nguyên âm

3.2.1. Đối với các tổ hợp nguyên âm

Giữ nguyên các tổ hợp nguyên âm và đọc nhanh từng âm theo tiếng Việt.

VÍ DỤ: ae (caesi), au (tautomer), ea (seaborgi), ei (einsteini), eo (neodym), eu (eugenol), io (iod, niobi), ou (coumarin), ou (fluor), yo (yohimbin).

Không đọc eu thành ơ như trong tiếng Pháp.

VÍ DỤ: Không đọc eutecti thành ơtecti, eugenol thành ơgenol.

3.2.2. Các nguyên âm i và y

3.2.3. Bỏ bớt nguyên âm e ở cuối từ nếu không gây nhầm lẫn

VÍ DỤ: viết benzen thay vì benzene; propan thay vì propane.

Trong những trường hợp nếu bỏ nguyên âm này đi có thể gây hiểu lầm thì vẫn giữ, mặc dầu có thể phát âm hoặc không phát âm.

VÍ DỤ: indole, pyrole, thiazole,…

3.3. Nguyên tắc về sử dụng phụ âm và dấu

Bỏ dấu thanh và dấu mũ

– Bỏ dấu sắc trên các vần, đặc biệt là các vần ngược at, ac, ap, ap, et, ep, it, ip;

– Bỏ các dấu mũ ô, ê, ơ (trừ trường hợp nitơ).

3.4. Các nguyên tắc về thu nhập các vần ngược và về một số hậu tố

3.4.1 Thu nhập các vần ngược chưa có trong tiếng Việt

Trường hợp phụ âm đứng ở cuối âm vận mà vốn dĩ không có trong các vần của tiếng Việt cần được chấp nhận viết như nguyên tiếng nước ngoài.

Thuộc nhóm này gồm các trường hợp vần ad (cadmi), af (hafni), ag (magnesi), ar (argon, arsen, carbon), as (astati), er (erbi, germani, terbi, yterbi), id (amid), ir (zirconi), is (bismuth), od (iod), or (bor, chlor, fluor), os (osmi, phosphor), yb (molybden), al (calci, cobal, tantal), ol (holmi), el (nickel).

Đối với các nguyên tố B, Cl, F, l cần giữ các phụ âm r và d ở cuối để dễ dàng chuyển sang các dẫn chất của chúng như chloric, chloride, fluoric, boric, boran, iodic, iodat, v.v..

3.4.2. Bỏ hầu hết các hậu tố -um

Đối với các tên các nguyên tố hóa học có hậu tố -um thì bỏ hậu tố này, các nguyên tố và một số ion có hậu tố -ium thì chỉ bỏ phần -um.

VÍ DỤ:

K (kali), Na (natri), Pd (paladi), Sm (samari), Pr (praseodymi), U (urani), Ti (titani), Pt (platin), La (lanthan), Mn (mangan, ion carboni, ion oxoni, ion amoni,…

Trường hợp ngoại lệ vẫn giữ hậu tố -um, Cm (curium) và Tm (thulium) là những trường hợp đặc biệt vì để bảo đảm sự tương hợp giữa ký hiệu và tên nguyên tố hoặc để không gây nhầm lẫn.

3.4.3. Hậu tố -ide

Dùng hậu tố -ide thay cho các hậu tố -ua hoặc -ur (có nguồn gốc phiên chuyển từ tiếng Pháp), và đọc như từ “ai” trong tiếng Việt.

VÍ DỤ: chloride, carbide, sulfide thay vì clorua, carbua, sulfua…

Ngoại trừ trường hợp oxide, vẫn giữ nguyên như cách đọc trước đây là “oxit”.

 

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Principles of chemical nomenclature – A guide to IUPAC recommendations, 1997 (Nguyên tắc về danh pháp hóa học – Khuyến nghị của IUPAC, 1997).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *