Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5700:2002 về Văn bản quản lý nhà nước – Mẫu trình bày do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 5700:2002
VĂN BẢN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC – MẪU TRÌNH BÀY
State administration’s documents – Form of presentation
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định mẫu trình bày chung cho các loại văn bản quản lý nhà nước sau: Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Lệnh, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, Thông cáo, Thông báo, Chương trình, Kế hoạch, Phương án, Đề án, Dự án, Báo cáo, Tờ trình, Công văn hành chính, được soạn thảo trên máy vi tính.
Trong tiêu chuẩn này phông chữ dùng để trình bày văn bản quản lý nhà nước được quy định là phông .VnTimeH đối với chữ hoa và phông .VnTime đối với chữ thường. Trong trường hợp phải sử dụng phông chữ khác thì các cỡ chữ trong phông chữ này phải có kích thước tương đương với các cỡ chữ đã quy định.
Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng cho các loại văn bản khác.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các văn bản giao dịch quốc tế.
Trong trường hợp văn bản được in thành sách thì có thể không tuân theo tiêu chuẩn này.
2. Thông số kích thước
2.1 Khổ giấy
Văn bản quản lý Nhà nước được trình bày trên khổ giấy A4.
2.2 Vùng trình bày của văn bản:
a) Trang mặt trước (xem hình 1)
– cách mép trái 35mm;
– cách mép phải 20mm;
– cách mép trên 25mm;
– cách mép dưới 20mm.
b) Trang mặt sau (xem hình 2)
– cách mép phải 35mm;
– cách mép trái 20mm;
– cách mép trên 25mm;
– cách mép dưới 20mm.
3. Mẫu trình bày các thành phần trong văn bản (hình 3)
3.1 Quốc hiệu
Quốc hiệu trình bày ở ô số (1)
Dòng trên: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM trình bày bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng đậm.
Dòng dưới: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc trình bày bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng đậm, phía dưới có đường gạch ngang, nét liền kéo dài hết dòng chữ.
Ví dụ: |
|
3.2 Tên cơ quan ban hành văn bản
Tên cơ quan ban hành văn bản trình bày ở ô số (2) bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 12 đến 13, kiểu chữ đứng đậm, phía dưới có đường gạch ngang, nét liền, dài khoảng 1/2 so với tên cơ quan và đặt cân đối ở giữa.
Nếu có cơ quan chủ quản cấp trên thì tên cơ quan chủ quản cấp trên được trình bày trên tên cơ quan ban hành văn bản bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng.
Ví dụ: |
|
3.3 Số, ký hiệu văn bản
Số, ký hiệu văn bản trình bày ở ô số (3). Số văn bản trình bày bằng phông chữ .VnTime, ký hiệu bằng phông chữ .VnTimeH, số và ký hiệu có cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng thống nhất như sau:
Số: /năm ban hành văn bản (nếu là văn bản quy phạm pháp luật)/ chữ viết tắt tên loại văn bản – chữ viết tắt tên cơ quan ban hành văn bản. Giữa số, năm ban hành văn bản và ký hiệu văn bản là các dấu gạch chéo, gạch nối viết liền không cách.
Ví dụ 1: Số: 5/2000/NĐ-CP (Nghị định số 5 năm 2000 của Chính phủ)
Ví dụ 2: Số: 12/QĐ-UBND (Quyết định số 12 của Ủy ban nhân dân)
Ví dụ 3: Số: 15/BC-SCN (Báo cáo số 15 của Sở Công nghiệp)
Ví dụ 4: Số: 18/CV-BTC (Công văn số 18 của Bộ Tài chính).
3.4 Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản
Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản trình bày ở ô số (4) bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng.
Địa danh đặt trước thời gian, tên địa danh phải viết hoa, sau địa danh có dấu phẩy. Số, ngày, tháng, năm ban hành văn bản viết bằng số Ả rập. Những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và số chỉ tháng 1, tháng 2 phải viết số 0 ở trước.
Ví dụ: Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2002
3.5 Nơi nhận văn bản
Nơi nhận văn bản trình bày ở ô số (5a) và ô số (5b)
Ô số (5a) ghi cụm từ “Kính gửi” chỉ áp dụng cho công văn hành chính. Cụm từ “Kính gửi” và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận văn bản được trình bày bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm. Sau cụm từ “Kính gửi” có dấu hai chấm (:)
Ví dụ: Kính gửi: Bộ Tài chính
Ô số (5b) ghi cụm từ “Nơi nhận” áp dụng cho tất cả các loại văn bản. Cụm từ “Nơi nhận” được trình bày bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 12, kiểu chữ đậm nghiêng; sau cụm từ “Nơi nhận” có dấu hai chấm (:). Phía dưới trình bày tên cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận văn bản bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng; tên mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày thành một dòng riêng, đầu dòng có gạch nối, cuối dòng có dấu chấm phảy (;); dòng cuối cùng ghi lưu VT (văn thư) và chữ viết tắt tên đơn vị soạn thảo văn bản và kết thúc bằng dấu chấm (.). Đối với công văn hành chính còn có thêm cụm từ “Như trên” ở dòng trên cùng.
Ví dụ:
Nơi nhận:
– Như trên
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Cơ quan TƯ của các tổ chức chính trị – xã hội;
– Các Ban của Trung ương Đảng;
– Lưu VT, TCCB.
3.6 Tên loại và trích yếu nội dung văn bản
Tên loại và trích yếu nội dung văn bản trình bày ở ô số (6a) và (6b)
Ô số (6a): áp dụng cho văn bản có tên gọi như Quyết định, Thông tư, Chỉ thị, Kế hoạch, Báo cáo … Tên gọi văn bản được trình bày bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng đậm. Phía dưới tên gọi trình bày trích yếu nội dung văn bản bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 14, kiểu đứng đậm.
Ví dụ:
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ô số (6b): chỉ áp dụng cho công văn hành chính. Trích yếu nội dung văn bản được trình bày sau ký hiệu V/v. (viết tắt về việc) bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 12, kiểu chữ đứng.
Ví dụ:
V/v. Treo cờ Tổ quốc nhân dịp Quốc khánh
3.7 Nội dung văn bản
Nội dung văn bản trình bày ở ô số (7) bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng. Khoảng cách giữa các đoạn (paragraph) từ 3 đến 6 point, giữa các dòng (line) chọn (Exactly) từ 15 đến 22. Khi xuống dòng thì chữ đầu dòng lùi vào 01 Tab (≈ 1,27 cm).
Nếu văn bản có các chương, mục, điều, khoản, tiết thì trình bày thống nhất như sau:
Chương: Chữ “Chương” và số thứ tự chương được trình bày thành một dòng riêng. Chữ “Chương” trình bày bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng; số thứ tự chương ghi bằng số La mã. Tên chương trình bày bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng đậm.
Mục: Chữ “Mục”, số thứ tự mục và tên mục được trình bày thành một dòng bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng, đậm. Số thứ tự của mục được ghi bằng số Ả rập; giữa số và tên mục cách nhau bởi dấu chấm (.).
Điều: Chữ “Điều”, số thứ tự điều và tên điều được trình bày thành một dòng bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm. Số thứ tự của điều được ghi bằng số Ả rập; giữa số điều và tên điều cách nhau bởi dấu chấm (.).
Khoản: Số thứ tự của khoản được ghi bằng số Ả rập, sau đó là dấu chấm (.).
Tiết: Số thứ tự của tiết được ghi bằng thứ tự chữ cái thường tiếng Việt, sau đó là dấu ngoặc đơn ( ) ).
Ví dụ: |
CHƯƠNG I Điều 5. Các hình thức văn bản 1. Văn bản quy phạm pháp luật a) Hiến pháp |
3.8 Thể thức đề ký và chức vụ của người ký văn bản
Thể thức đề ký và chức vụ của người ký văn bản trình bày ở ô số (8) bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 12 đến 13, kiểu chữ đứng đậm.
Thể thức đề ký có thể là: TM. (thay mặt); KT. (ký thay); TL. (thừa lệnh); TUQ. (thừa ủy quyền); Q. (quyền)
Ví dụ:
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
3.9 Chữ ký của người có thẩm quyền
Chữ ký của người có thẩm quyền trình bày ở ô số (9)
3.10 Dấu cơ quan
Dấu của cơ quan đóng vào ô số (10) trùm lên 1/3 chữ ký ở phía bên trái.
3.11 Họ, tên người ký văn bản
Họ, tên người ký văn bản trình bày ở ô số (11) bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng đậm.
3.12 Địa chỉ giao dịch
Địa chỉ giao dịch (nếu cần), như địa chỉ cơ quan, số điện thoại, số telex, số Fax, E-mail… được trình bày ở ô số (12) bằng phông chữ .VnTime, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng.
3.13 Dấu chỉ mức khẩn, mật
Dấu chỉ mức khẩn (nếu có) đóng vào ô số (13a), mật (nếu có) đóng vào ô số (13b).
3.14 Dấu chỉ mức độ dự thảo văn bản
Dấu chỉ mức độ dự thảo văn bản (nếu có) trình bày ở ô số (14) bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 12, kiểu chữ đứng, đậm.
DỰ THẢO LẦN … (ghi số lần dự thảo bằng số Ả rập) |
3.15 Bản sao (hình 4)
Đối với bản sao thì trình bày: tên cơ quan sao ở ô số (16); số và ký hiệu bản sao ở ô số (17); nơi nhận bản sao ở ô số (18), cụm từ “SAO Y BẢN CHÍNH” (nếu sao trực tiếp từ bản chính), “TRÍCH SAO” (nếu sao một phần nội dung từ bản chính) hoặc “SAO LỤC” (nếu sao lại từ bản “SAO Y BẢN CHÍNH” ở ô số (19) bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng đậm, địa danh và ngày tháng năm sao ở ô số (20); thể thức đề ký và chức vụ của người ký bản sao ở ô số (21); chữ ký của người ký bản sao ở ô số (22); dấu của cơ quan sao ở ô số (23); họ và tên người ký bản sao ở ô số (24). Phần này (trừ ô số 19) trình bày bằng phông chữ, cỡ chữ, kiểu chữ tương ứng như quy định ở điều 3 của tiêu chuẩn này.
3.16 Những quy định khác
Những văn bản có nội dung chỉ cần trình bày trên 01 trang A4 thì phải bố trí đủ các thành phần như quy định ở điều 3 của tiêu chuẩn này.
Nếu văn bản có yêu cầu ghi tên người đánh máy hoặc số lượng bản phát hành thì chữ viết tắt tên người đánh máy được trình bày bằng phông chữ .VnTimeH, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng và số lượng bản phát hành được trình bày bằng số Ả rập, cỡ chữ 11 ở dòng cuối “Nơi nhận” ở ô số (5b).
Nếu văn bản có nhiều trang thì từ trang thứ 2 trở đi số trang được trình bày ở giữa trang giấy cách mép trên 13 mm bằng chữ số Ả rập, cỡ 13.
Dấu thu hồi văn bản (nếu có) đóng vào ô số (15a), dấu tài liệu họp (nếu có) đóng vào ô số (15b).
Hình 1 – Mẫu trình bày trang trước của văn bản quản lý nhà nước
Hình 2 – Mẫu trình bày trang sau của văn bản quản lý nhà nước
1. Quốc hiệu 2. Tên cơ quan ban hành văn bản 3. Số và ký hiệu văn bản 4. Địa danh và ngày tháng năm 5a; 5b. Nơi nhận văn bản |
6a. Tên gọi; 6b. Trích yếu nội dung 7. Vùng trình bày nội dung văn bản 8. Thể thức đề ký và chức vụ người ký. 9. Chữ ký. 10. Dấu cơ quan |
11. Họ, tên người ký. 12. Địa chỉ giao dịch. 13. Dấu khẩn, mật. 14. Dấu chỉ mức dự thảo. 15a. Dấu thu hồi; 15b. Dấu tài liệu họp. |
Hình 3 – Mẫu trình bày thành phần văn bản quản lý Nhà nước
16. Tên cơ quan sao. 17. Số và ký hiệu bản sao. 18. Nơi nhận bản sao. 19. “SAO Y BẢN CHÍNH”, “TRÍCH SAO” hoặc “SAO LỤC”. 20. Địa danh và ngày tháng năm sao. |
21. Thể thức đề ký, chức vụ người ký sao. 22. Dấu cơ quan sao. 23. Chữ ký. 24. Họ và tên người ký sao. |
Hình 4 – Mẫu trình bày thành phần của bản sao văn bản quản lý nhà nước.