Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN5900:2001

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN5900:2001
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 16/10/2001
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Lĩnh vực khác
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...
  • Số công báo: Còn hiệu lực

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5900:2001 về giấy in báo do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành


TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 5900:2001

GIẤY IN BÁO – NEWSPRINT

 

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho giấy được sản xuất riêng cho mục đích in báo.

2. Tiêu chuẩn trích dẫn

TCVN 1270:2000 Giấy và cáctông – Xác định định lượng;

TCVN 1862:2000 Giấy và cáctông – Xác định định lượng độ bền kéo;

TCVN 1864:2001 Giấy và cáctông – Xác định độ tro;

TCVN 1865:2000 Giấy, cáctông và bột giấy – Xác định độ trắng ISO (Hệ số phản xạ khuếch tán xanh);

TCVN 1867:2001 Giấy và cáctông – Xác định độ ẩm – Phương pháp sấy khô;

TCVN 3226:2001 Giấy và cáctông – Xác định độ nhám – Phương pháp Bendtsen;

TCVN 3229:2000 Giấy và cáctông – Xác định độ bền xé – Phương pháp Elmendorf;

TCVN 3649:2000 Giấy và cáctông – Lấy mẫu để xác định chất lượng trung bình;

TCVN 6725:2000 Giấy, cáctông và bột giấy – Môi trường chuẩn để điều hoà và thử nghiệm;

TCVN 6728:2000 Giấy và cáctông – Xác định độ đục – Phương pháp phản xạ khuếch tán;

TCVN 6899:2001 Giấy – Xác định độ thấm mực in – Phương pháp thấm dầu thầu dầu.

3. Yêu cầu kỹ thuật

3.1. Nguyên liệu

Giấy in báo được làm từ hổn hợp bột giấy hoá học và bột giấy cơ học hoặc bột giấy hoá – cơ, trong đó hàm lượng bột giấy cơ học hoặc bột giấy hoá – cơ không được nhỏ hơn 65% so với tổng lượng bột giấy.

3.2. Kích thước

Giấy in báo có hai dạng sản phẩm : dạng cuộn và dạng tờ.

Kích thước sản phẩm được qui định như sau :

Dạng cuộn : Chiều rộng cuộn : 420 mm; 490 mm; 650 mm; 700 mm; 790 mm; 840 mm; 1060 mm; 1300 mm với sai số cho phép ± 2 mm. Đường kính cuộn : từ 0,9 m đến 1,0 m.

Dạng tờ : có hai kích thước chính : 650 mm X 840 mm và 650 mm X 1000 mm với sai số cho phép ± 2 mm.

Chú thích : Các kích thước khác theo thỏa thuận với khách hàng.

3.3. Chỉ tiêu ngoại quan

Giấy phải có màu sắc đồng đều trong cùng một lô hàng. Mặt giấy phải phẳng, không bị nhăn, gấp, thủng rách.

Giấy không được có bụi, đóm khác màu phân biệt được bằng mắt thường.

Số mối nối trong mỗi cuộn không lớn hơn 1. Chỗ nối phải được đánh dấu rõ và được nối chắc bằng băng keo theo suốt chiều rộng cuộn.

Lõi cuộn giấy phải cứng, không được móp méo, lồi hoặc hụt so với mặt cắt của cuộn giấy, hai đầu có nút côn làm bằng gỗ hoặc các loại vật liệu khác. Lõi cuộn giấy không được nối, đường kính trong của lõi là 76 mm.

Các mép giấy và hai mặt cắt bên phải phẳng, thẳng, không bị xơ xước.

3.4. Chỉ tiêu cơ lý, hoá

Chỉ tiêu cơ lý, hoá của giấy in báo theo qui định trong bảng 1.

4. Phương pháp thử

4.1. Lấy mẫu theo TCVN 3649:2000

4.2. Điều hòa mẫu theo TCVN 6725:2000

4.3. Phương pháp thử : Các phương pháp thử ứng với từng chỉ tiêu cơ lý, hóa của giấy in báo được nêu trong bảng 1.

Bảng 1 – Chỉ tiêu cơ lý, hóa

Tên chỉ tiêu

Mức

Phương pháp thử

1. Định lượng, g/ m2

40-65

TCVN 1270:2000

2. Chiều dài đứt theo chiều dọc, m, không nhỏ hơn

4000

TCVN 1862:2000

3. Độ bền xé theo chiều ngang, mN, không nhỏ hơn

300

TCVN 3229:2000

4. Độ nhám Bendtsen, ml/phút, không lớn hơn

280

TCVN 3226:2001

5. Độ trắng ISO, %, không nhỏ hơn

55

TCVN 1865:2000

6. Độ đục, %, không nhỏ hơn

92

TCVN 6728:2000

7. Độ thấm dầu, giây, không lớn hơn

30

TCVN 6899:2001

8. Độ tro, %, không nhỏ hơn

5

TCVN 1864:2001

9. Độ ẩm, %

7,0±1,0

TCVN 1867:2001

5. Bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển

5.1. Bao gói

Giấy dạng tờ được gói thành ram hoặc gói bằng giấy bao gói. Các ram, gói giấy có thể được đóng thành kiện.

Số lượng tờ trong một ram : 500 tờ

Số lượng tờ trong một gói theo thỏa thuận với khách hàng.

Số lượng ram hoặc gói trong một kiện theo thỏa thuận với khách hàng.

Cuộn giấy được gói kín ít nhất bằng 3 lớp giấy bao gói, có định lượng không nhỏ hơn 80 g/ m2 ; hai đầu cuộn phải bịt ít nhất bằng ba lớp giấy bao gói, nếp gấp phải gọn, được dán keo và ép chặt.

5.2. Ghi nhãn

Trên mỗi ram, gói, kiện, cuộn giấy phải có nhãn, trên nhãn ghi :

– Tên sản phẩm;

– Nơi sản xuất;

– Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu : Định lượng, độ trắng;

– Khối lượng thô đối với giấy cuộn;

– Số lượng tờ trong một ram;

– Ngày sản xuất.

Nhãn phải được ghi rõ ràng bằng mực không phai và phải dán ở vị trí dễ nhìn thấy, thống nhất trên tất cả các ram, gói, kiện, cuộn giấy.

5.3. Bảo quản

Kho chứa giấy phải khô ráo, thoáng khí, có mái che và phải được phòng chống mối mọt.

Các cuộn giấy phải được sắp xếp để dễ vận chuyển bằng xe cơ giới.

Kho phải có hệ thống phòng chống cháy và thường xuyên được kiểm tra theo quy định hiện hành.

5.4. Vận chuyển

Phương tiện vận chuyển phải sạch, có mui hoặc bạt che mưa và có đủ tấm kê chuyên dùng để chèn cuộn giấy.

Bốc xếp phải nhẹ nhàng, không được để cuộn giấy rơi, va đập mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng giấy, chất lượng bao bì, nhãn hiệu./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *