Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6896:2001 về cáctông – xác định độ bền nén vòng do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành đã được thay thế bởi Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6896:2015 (ISO 12192:2011) về Giấy và các tông – Xác định độ bền nén – Phương pháp nén vòng .
Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6896:2001 về cáctông – xác định độ bền nén vòng do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành
TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 6896:2001
CÁCTÔNG – XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN NÉN VÒNG
Board – Determination of ring crush
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền nén vòng của cáctông có độ dày trong khoảng từ 0,28mm đến 0,51mm.
Tiêu chuẩn này cũng có thể được áp dụng cho các loại cáctông có độ dày mỏng đến 0,18mm và dày đến 0,76mm, nhưng độ tin cậy không cao.
2. Tiêu chuẩn trích dẫn
TCVN 3649:2000 Giấy và cáctông – Lấy mẫu để xác định chất lượng trung bình.
TCVN 6725:2000 Giấy, cáctông và bột giấy – Môi trường chuẩn để điều hòa và thử nghiệm.
3. Định nghĩa
3.1 Độ bền nén vòng ( Ring crush)
Độ bền nén vòng là lực nén lớn nhất lên một đầu của mẫu thử đã được uốn thành dạng ống hình trụ đứng chịu được trong điều kiện xác định của phép thử.
4. Nguyên tắc
Mẫu thử được đặt vào rãnh hình khuyên để tạo thành một hình trụ với đáy nằm ngang, sau đó tác dụng lực nén với tốc độ không đổi vào một đầu cho tới khi mẫu thử bị xẹp xuống.
5. Thiết bị, dụng cụ
5.1. Máy đo độ bền nén
Máy đo độ bền nén với đầu đo gồm tấm phẳng trên và tấm phẳng dưới.
Bề mặt của hai tấm phẳng phải nhẵn, phẳng và song song với nhau trong khoảng 0,0125mm trong suốt thời gian thử. Kích thước của hai tấm phẳng là 100mm x 100 mm.
Tấm phẳng dưới đặt trên trục đỡ cứng có khoảng chuyển động của tấm phẳng trên ít nhất là 60mm. Trong khoảng chuyển động từ 0mm đến 60mm, khoảng tải trọng từ 0N đến 2225N, tốc độ chuyển động của tấm phẳng trên phải đặt ở mức 10mm ± 0,2mm/min. Khoảng đo của máy ít nhất là 2225N.
Bộ phận đo lực tác dụng chính xác đến 2,5N. Độ chính xác của bộ phận đo được kiểm tra bằng đầu đo tải trọng. Độ chính xác quy định là 0,5% hoặc 2,4N.
Bộ phận đặt mẫu thử là một khối hình tròn có lòng khuôn cắt hình tròn với độ sâu 6,4mm ± 0,25mm, đường kính ngoài 49,2mm ± 0,035mm. Đáy của lòng khuôn cắt hình tròn phải song song ( + 0,01mm) với đế của khối tròn. Khối hình tròn có đường rãnh nhánh kéo dài tới mép ngoài là tiếp tuyến và có cùng độ sâu với lòng khuôn cắt hình tròn, để lồng mẫu thử có chiều rộng 12,7mm vào rãnh hình khuyên. Các đĩa hình tròn với đường kính khác nhau được đặt vào giữa lòng khuôn tròn để tạo ra rãnh hình khuyên với chiều rộng rãnh có thể điều chỉnh ở mức thấp nhất 150% nhưng không lớn hơn 175% độ dày của mẫu thử. Mỗi đĩa có lỗ ở tâm với kích thước phù hợp để đặt khớp được vào cột trục tâm khuôn tròn.
5.2. Dao hoặc khuôn cắt mẫu
Hình 1 – Bộ phận đặt mẫu thử
6. Lấy mẫu
Mẫu được lấy theo TCVN 3649:2000
7. Điều hòa mẫu
Mẫu được điều hòa theo TCVN 6725:2000
8. Chuẩn bị mẫu
Mẫu thử được chuẩn bị trong môi trường như môi trường điều hòa mẫu.
Cắt mẫu thử có : chiều rộng 12,7mm (+ 0,00mm;-0,025mm; 0,5 inch), chiều dài 152,4mm (+0,0mm;-0,2mm; 6 inch). Khi xác định độ bền nén vòng theo chiều dọc, cắt chiều dài mẫu thử vuông góc với chiều dọc của cáctông. Khi xác định độ bền nén vòng theo chiều ngang, cắt chiều dài của mẫu thử song song với chiều dọc của cáctông.
Cạnh theo chiều dài mẫu thử phải song song với nhau trong khoảng 0,015mm.
Cạnh theo chiều dài mẫu thử phải song song ( hoặc vuông góc) với chiều dọc của cáctông.
Đường cắt mẫu thử phải thẳng, phẳng. Cắt ít nhất là 10 mẫu thử theo mỗi chiều.
9. Cách tiến hành
Tiến hành thử trong môi trường như môi trường điều hòa mẫu. Lồng mẫu thử vào rãnh hình khuyên của bộ phận giữ mẫu theo đường rãnh tiếp tuyến, chú ý không để hai đầu của mẫu thử trùng với rãnh tiếp tuyến. Đặt bộ phận giữ mẫu vào chính giữa tấm phẳng dưới của máy đo.
Tác dụng lực nén vào mẫu thử bằng cách cho tấm phẳng trên chuyển động xuống tấm phẳng dưới với tốc độ 10mm/1min. Máy đo sẽ ghi lại lực nén lớn nhất mà mẫu thử chịu được trước khi bị xẹp xuống.
Tiến hành đo tiếp các mẫu thử tiếp theo để có được 10 giá trị đo.
10. Biểu thị kết quả
Độ bền nén vòng được tính bằng Niutơn. Tính giá trị độ bền nén vòng theo mỗi chiều, lấy chính xác tới hàng đơn vị.
Với chiều dài mẫu thử 152,4mm, tính độ bền nén vòng theo đơn vị kilôniutơn trên mét bằng cách nhân giá trị đọc được tính bằng kilôgam lực (kgf) với hệ số 0,0644 và nhân giá trị đọc được bằng niutơn (N) với hệ số 0,00656.
11. Độ chụm
11.1. Độ lặp lại (trong một phòng thí nghiệm) : 5,6%.
11.2. Độ tái lập (giữa các phòng thí nghiệm) : 10,2%.
Số liệu trên được tính toán từ kết quả độ bền nén vòng theo chiều ngang với 10 lần thử lập lại. Các giá trị tính dựa trên các số liệu của báo cáo số 230 của Collaborative Reference Program for Containerboard. Kết quả từ phép thử tiến hành với các loại sản phẩm; các tong lớp mặt 42 lb và 69 lb, giấy làm lớp sóng 26 lb thực hiện trong 8 đến 10 phòng thí nghiệm.
12. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm gồm các thông tin sau :
a) Viện dẫn theo tiêu chuẩn này;
b) Thời gian và địa điểm thí nghiệm;
c) Đặc điểm của mẫu thử;
d) Giá trị độ bền nén vòng trung bình theo mỗi chiều;
e) Các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm./.