Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN7089:2002

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN7089:2002
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: 31/12/2002
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Công nghệ- Thực phẩm
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...
  • Số công báo: Không xác định

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7089:2002 (CODEX STAN 107 : 1991) về ghi nhãn phụ gia thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành


TIÊU CHUẨN VIỆT NAM

TCVN 7089 : 2002

GHI NHÃN PHỤ GIA THỰC PHẨM

Labelling of food additives when sold as such

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc ghi nhãn “phụ gia thực phẩm” để bán, kể cả để bán lẻ hay để bán dưới các hình thức khác như bán cho các nhà sản xuất thực phẩm dùng trong chế biến hoặc sử dụng trực tiếp.

Tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho việc ghi nhãn “các chất phụ trợ” trong quá trình chế biến thực phẩm và tất cả các vấn đề liên quan đến phụ gia thực phẩm.

2. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:

2.1 Phụ gia thực phẩm (Food additive): Tất cả các chất mà bản thân nó không được tiêu dùng một cách thông thường như một thực phẩm hoặc như một thành phần đặc trưng của thực phẩm, cho dù nó có hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Những chất này được bổ sung một cách có chủ định vào thực phẩm vì mục đích công nghệ (kể cả nhằm cải thiện tính chất cảm quan) trong quá trình sản xuất, chế biến, xử lý, bao gói, vận chuyển, bảo quản để trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra kết quả mong muốn cho một thực phẩm hay các bán thành phẩm và chúng sẽ trở thành một thành phần của thực phẩm hoặc tác động đến những đặc tính nhất định của thực phẩm đó. Thuật ngữ này không bao gồm chất nhiễm bẩn hoặc những chất được thêm vào thực phẩm để duy trì hay cải thiện chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm hoặc muối natri clorua.

2.2 Chất phụ trợ trong chế biến (Processing aid): Chất hay vật liệu, không bao gồm các dụng cụ hoặc thiết bị, mà bản thân nó không được tiêu dùng như một thành phần của thực phẩm nhưng được sử dụng một cách có chủ định trong quá trình xử lý, chế biến nguyên liệu, thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm để hoàn thiện một mục đích công nghệ nào đó. Các chất hay các vật liệu này cũng có thể được tạo ra một cách không có chủ định nhưng không thể tránh được sự tồn dư hoặc phát sinh của chúng trong thành phẩm.

2.3 Chất nhiễm bẩn (contaminant): Tất cả những chất không được bổ sung vào thực phẩm một cách có chủ định nhưng có mặt trong thực phẩm đó như một kết quả của quá trình sản xuất (kể cả do các thao tác được thực hiện trong quá trình nuôi trồng, phòng bệnh và chữa bệnh động vật, thực vật) chế biến, chuẩn bị, xử lý, đóng gói, vận chuyển, bảo quản thực phẩm đó hoặc là kết quả của sự nhiễm bẩn từ bao bì, môi trường.

2.4 Nhãn (Label): Thẻ, nhãn hiệu, mác, hình ảnh, hoặc các hình thức mô tả khác được viết, in, ghi, khắc nổi, khắc chìm một cách trực tiếp hoặc gắn vào bao bì chứa phụ gia thực phẩm.

2.5 Ghi nhãn (Labelling ): Bao gồm toàn bộ việc sử dụng nhãn và mọi hình thức thể hiện như viết, in, đồ hoạ có liên quan đến và đính kèm theo phụ gia thực phẩm. Thuật ngữ này không bao gồm hoá đơn, phiếu thanh toán hoặc các tài liệu tương tự có thể đính kèm theo phụ gia thực phẩm.

2.6 Bao bì (Container): Vật chứa phụ gia thực phẩm dùng để bán và phân phối ở dạng đơn vị riêng lẻ, bao gồm cả loại bao phủ kín hoàn toàn hoặc một phần phụ gia thực phẩm, kể cả vật liệu bao bọc bên ngoài.

2.7 Thành phần (Ingredient): Tất cả các chất, không kể phụ gia thực phẩm, được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm và có mặt trong thành phẩm.

2.8 Bán lẻ (Sale by retail): Tất cả các hình thức bán hàng mà người mua không phải để bán lại, trừ trường hợp người mua là nhà cung cấp thực phẩm nhằm sử dụng cho mục đích phục vụ hay nhà sản xuất nhằm phục vụ công việc sản xuất, kinh doanh của họ.

3. Nguyên tắc chung

3.1 Không được mô tả, trình bày trên nhãn hay ghi nhãn phụ gia thực phẩm một cách sai lệch, gây hiểu nhầm, lừa dối hoặc theo cách có thể tạo ra ấn tượng, nhận thức không đúng về đặc tính của phụ gia thực phẩm dưới mọi hình thức.

3.2 Khi mô tả, trình bày nhãn hay ghi nhãn phụ gia thực phẩm, không được dùng những từ ngữ, tranh ảnh hay các hình thức thể hiện khác để đề cập hay gợi ý, trực tiếp hoặc gián tiếp, về bất cứ một sản phẩm nào khác có thể gây nhầm lẫn với phụ gia thực phẩm hoặc làm cho khách hàng và người mua tin rằng phụ gia thực phẩm có liên quan đến hay có nguồn gốc từ sản phẩm đó. Tuy nhiên, có thể sử dụng thuật ngữ “chất tạo hương x” để mô tả loại hương liệu hay chất tạo hương không có nguồn gốc từ “x” nhưng mô phỏng được hương thơm của “x”.

4. Ghi nhãn bắt buộc đối với phụ gia thực phẩm đóng gói sẵn dùng để bán lẻ

Nhãn của tất cả phụ gia thực phẩm dùng để bán lẻ phải mang đầy đủ những thông tin quy định trong các điều từ 4.1 đến 4.5 của tiêu chuẩn này giống như có thể áp dụng khi ghi nhãn phụ gia thực phẩm.

4.1 Chi tiết về ghi nhãn phụ gia thực phẩm

1) Phải ghi nhãn tên gọi của từng phụ gia thực phẩm có mặt trong bao gói. Tên gọi phải cụ thể, không trừu tượng và phải thể hiện đúng bản chất xác thực của phụ gia thực phẩm đó. Trường hợp một tên gọi đã được xác định trong danh mục các phụ gia thực phẩm thì phải sử dụng tên gọi đó để ghi nhãn. Trong các trường hợp khác, phải liệt kê tên thông dụng hoặc phải sử dụng một sự mô tả thích hợp để ghi nhãn nếu phụ gia thực phẩm đó không có tên thông dụng.

2) Phải ghi nhãn tất cả tên gọi các phụ gia thực phẩm khi trong bao gói có từ hai loại phụ gia thực phẩm trở lên. Các phụ gia thực phẩm trong bảng liệt kê phải được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về tỷ lệ khối lượng của từng phụ gia thực phẩm so với lượng tổng cộng có trong bao gói, phụ gia thực phẩm chiếm tỷ lệ khối lượng lớn nhất phải được ghi đầu tiên. Trường hợp một hay nhiều phụ gia thực phẩm đã được một tiêu chuẩn tương ứng quy định số lượng giới hạn thì phải ghi rõ số lượng hoặc tỷ lệ giới hạn cho phép của phụ gia thực phẩm đó. Nếu các phụ gia thực phẩm tham gia vào quá trình xử lý thực phẩm, chúng phải được công bố trong bảng liệt kê các thành phần của thực phẩm đó theo thứ tự giảm dần về tỷ lệ khối lượng.

3) Không nhất thiết phải ghi nhãn tên của từng loại chất tạo hương có mặt trong hỗn hợp các chất tạo hương. Có thể sử dụng những cụm từ chung như “hương liệu” hay “chất tạo hương” để ghi nhãn nhưng phải kèm theo sự chỉ dẫn xác thực về bản chất của chúng. Có thể sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp một hoặc nhiều từ hay nhóm từ như “tự nhiên”, “bản chất tự nhiên”, “nhân tạo” để bổ sung và làm rõ nghĩa cho cụm từ “hương liệu” hay “chất tạo hương”. Điều khoản này áp dụng cho “thảo mộc” và “gia vị” khi những thuật ngữ chung này được sử dụng để ghi nhãn một cách thích hợp, nhưng không áp dụng cho các loại biến thể của “hương liệu”.

4) Phải công bố trên nhãn thời hạn sử dụng tốt nhất của các phụ gia thực phẩm có thời hạn sử dụng không quá 18 tháng bằng cách sử dụng những cụm từ như “Hạn lưu giữ cuối cùng…”, “Lưu giữ ít nhất tới…”.

5) Phải ghi rõ cụm từ “Dùng Cho Thực Phẩm” và những tuyên bố có ý nghĩa tương tự ở vị trí dễ thấy trên nhãn của phụ gia thực phẩm.

4.2 Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

Phải ghi nhãn đầy đủ những thông tin cần thiết về cách thức bảo quản phụ gia thực phẩm và cách sử dụng chúng trong thực phẩm.

4.3 Hàm lượng tịnh

Phải công bố trên nhãn hàm lượng tịnh theo các đơn vị của hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI). Sự công bố này phải được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

1) Theo thể tích hoặc khối lượng, đối với phụ gia thực phẩm dạng lỏng;

2) Theo khối lượng, đối với phụ gia thực phẩm ở thể rắn nhưng không phải dạng viên nén;

3) Theo khối lượng hoặc thể tích, đối với phụ gia thực phẩm dạng nhớt hay bán lỏng;

4) Theo khối lượng và số lượng viên trong mỗi bao gói, đối với phụ gia thực phẩm ở dạng viên nén.

4.4 Tên và địa chỉ

Phải công bố trên nhãn tên và địa chỉ của nhà sản xuất, cơ sở đóng gói, tổ chức xuất, nhập khẩu hoặc nhà cung cấp phụ gia thực phẩm.

4.5 Nước xuất xứ

1) Phải công bố nước xuất xứ của phụ gia thực phẩm trên nhãn trong trường hợp thiếu thông tin này có khả năng gây nhầm lẫn hoặc lừa dối khách hàng.

2) Trường hợp phụ gia thực phẩm được chế biến lại tại một nước thứ hai mà làm thay đổi bản chất vật lý hoặc bản chất hoá học của phụ gia thực phẩm đó thì nước thứ hai được coi là nước xuất xứ để ghi nhãn.

4.6 Nhận biết lô hàng

Phải ghi rõ ký mã hiệu của lô hàng trên mỗi bao bì, ở dạng mã hoá hoặc dạng thể hiện một cách đầy đủ, để nhận biết về cơ sở sản xuất và về lô hàng phụ gia thực phẩm đó.

5. Ghi nhãn bắt buộc đối với phụ gia thực phẩm bao gói sẵn không dùng để bán lẻ

5.1 Chi tiết về phụ gia thực phẩm

1) Phải ghi nhãn tên gọi của từng phụ gia thực phẩm có mặt trong bao gói. Tên gọi phải cụ thể, không trừu tượng và phải thể hiện đúng bản chất xác thực của phụ gia thực phẩm đó. Trường hợp một tên gọi đã được xác định trong danh mục các phụ gia thực phẩm thì phải sử dụng tên gọi đó để ghi nhãn. Trong các trường hợp khác, phải liệt kê tên thông dụng hoặc phải sử dụng một sự mô tả thích hợp để ghi nhãn, nếu phụ gia thực phẩm đó không có tên thông dụng.

2) Phải ghi nhãn tất cả tên gọi các phụ gia thực phẩm khi trong bao gói có từ hai loại phụ gia thực phẩm trở lên. Các phụ gia thực phẩm trong bảng liệt kê phải được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về tỷ lệ khối lượng của từng phụ gia thực phẩm so với lượng tổng cộng có trong bao gói, phụ gia thực phẩm chiếm tỷ lệ khối lượng lớn nhất phải được ghi đầu tiên. Trường hợp một hay nhiều phụ gia thực phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định số lượng giới hạn thì phải ghi rõ số lượng hoặc tỷ lệ giới hạn và/ hoặc hướng dẫn đầy đủ về mức phù hợp với giới hạn cho phép sử dụng. Nếu các phụ gia thực phẩm tham gia vào quá trình xử lý thực phẩm, chúng phải được công bố trong bảng liệt kê các thành phần của thực phẩm đó theo thứ tự giảm dần về tỷ lệ khối lượng.

3) Không nhất thiết phải ghi nhãn tên của từng loại chất tạo hương có mặt trong hỗn hợp các chất tạo hương. Có thể sử dụng những cụm từ chung như “hương liệu” hay “chất tạo hương” để ghi nhãn nhưng phải kèm theo sự chỉ dẫn đúng về bản chất của chúng. Có thể sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp một hoặc nhiều từ hay nhóm từ như “tự nhiên”, “bản chất tự nhiên”, “nhân tạo” để bổ sung và làm rõ nghĩa cho cụm từ “hương liệu” hay “chất tạo hương”. Điều khoản này áp dụng cho “thảo mộc” và “gia vị” khi những thuật ngữ chung này được sử dụng để ghi nhãn một cách thích hợp, nhưng không áp dụng cho các loại biến thể của “hương liệu”.

4) Phải công bố trên nhãn thời hạn sử dụng tốt nhất của các phụ gia thực phẩm có thời hạn sử dụng không quá 18 tháng bằng cách sử dụng những cụm từ như “Hạn lưu giữ cuối cùng…”, “Lưu giữ ít nhất tới…”.

5) Phải ghi rõ cụm từ “Dùng Cho Thực Phẩm” và những tuyên bố có ý nghĩa tương tự ở vị trí dễ thấy trên nhãn của phụ gia thực phẩm.

5.2 Hướng dẫn bảo quản và sử dụng

Phải ghi nhãn đầy đủ những thông tin cần thiết về cách thức bảo quản phụ gia thực phẩm và cách sử dụng chúng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Những thông tin này có thể ghi trên nhãn hoặc được thể hiện trong các tài liệu liên quan đến việc bán phụ gia thực phẩm.

5.3 Hàm lượng tịnh

Phải công bố trên nhãn hàm lượng tịnh theo các đơn vị của hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI). Sự công bố này phải được thực hiện theo một trong các phương thức sau:

1) Theo thể tích hoặc khối lượng, đối với phụ gia thực phẩm dạng lỏng;

2) Theo khối lượng, đối với phụ gia thực phẩm ở dạng rắn;

3) Theo khối lượng hoặc thể tích, đối với phụ gia thực phẩm dạng nhớt hay bán lỏng;

5.4 Tên và địa chỉ

Phải công bố trên nhãn tên và địa chỉ của nhà sản xuất, cơ sở đóng gói, tổ chức xuất, nhập khẩu hoặc nhà cung cấp phụ gia thực phẩm.

5.5 Nước xuất xứ

1) Phải công bố nước xuất xứ của phụ gia thực phẩm trên nhãn trong trường hợp thiếu thông tin này có khả năng gây nhầm lẫn hoặc lừa dối khách hàng.

2) Trường hợp phụ gia thực phẩm được chế biến lại tại một nước thứ hai mà làm thay đổi bản chất vật lý hoặc bản chất hoá học của phụ gia thực phẩm đó thì nước thứ hai được coi là nước xuất xứ để ghi nhãn.

5.6 Nhận biết lô hàng

Phải ghi rõ ký mã hiệu của lô hàng trên mỗi bao bì, ở dạng mã hoá hoặc dạng thể hiện một cách đầy đủ, để nhận biết về cơ sở sản xuất và về lô hàng phụ gia thực phẩm đó.

6. Trình bày các thông tin ghi nhãn bắt buộc

6.1 Khái quát

Những thông tin công bố trên nhãn theo tiêu chuẩn này và tất cả những tiêu chuẩn tương ứng khác phải ở vị trí dễ thấy, rõ ràng và dễ đọc đối với khách hàng khi mua hoặc sử dụng phụ gia thực phẩm trong những điều kiện bình thường. Không được trình bày, in, viết, vẽ hoặc thể hiện bằng các hình thức khác những thông tin này một cách khó hiểu hoặc mâu thuẫn với những quy định chung về ghi nhãn. Các chữ cái dùng để ghi tên phụ gia thực phẩm phải có kích thước thích hợp so với nội dung được thể hiện nổi bật nhất trên nhãn. Trường hợp bao bì phụ gia thực phẩm được bao bọc bằng một lớp vật liệu thì bên ngoài lớp vật liệu này phải có những thông tin cần thiết của nhãn hoặc lớp vật liệu phải không làm mờ hay cho phép đọc được nội dung của nhãn trên bao bì chứa phụ gia thực phẩm. Nói chung, phải ghi tên gọi và hàm lượng tịnh của phụ gia thực phẩm theo kích cỡ và ở vị trí thích hợp trên nhãn để giới thiệu với khách hàng ngay tại thời điểm bán phụ gia thực phẩm.

6.2 Ngôn ngữ

Ngôn ngữ dùng để ghi những thông tin quy định được đề cập trong 6.1 trên nhãn phải là ngôn ngữ được chấp nhận. Nếu ngôn ngữ của nhãn gốc không được chấp nhận, có thể sử dụng một nhãn phụ chứa các thông tin bắt buộc bằng ngôn ngữ được chấp nhận thay vì phải ghi nhãn lại.

7. Những yêu cầu bổ sung và những yêu cầu khác đối với phụ gia thực phẩm đặc biệt

7.1 Tiêu chuẩn này không loại trừ những điều khoản bổ sung hay các điều khoản khác, quy định về việc ghi nhãn, đã được thiết lập trong các tiêu chuẩn tương ứng. Đối với các phụ gia thực phẩm đặc biệt, việc ghi nhãn phải đồng thời phù hợp với các yêu cầu chung trong tiêu chuẩn này và các quy định riêng trong các tiêu chuẩn tương ứng đối với phụ gia thực phẩm đó.

7.2 Phụ gia thực phẩm đã qua chiếu xạ

Phải chỉ rõ những phụ gia thực phẩm đã qua xử lý bức xạ ion khi ghi nhãn.

8. Ghi nhãn không bắt buộc

8.1 Khái quát

Có thể sử dụng mọi thông tin hoặc các hình thức thể hiện bằng hình tượng khác để ghi nhãn phụ gia thực phẩm với điều kiện là chúng không được mâu thuẫn với những yêu cầu bắt buộc hoặc gây ra sự nhầm lẫn, lừa dối khách hàng trên mọi phương diện có liên quan đến phụ gia thực phẩm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *