Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7841:2012 (ISO 13457 : 2008) về Thiết bị tưới trong nông nghiệp – Bơm phun hoá chất dẫn động bằng nước
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7841 : 2012
ISO 13457 : 2008
THIẾT BỊ TƯỚI TRONG NÔNG NGHIỆP – BƠM PHUN HÓA CHẤT DẪN ĐỘNG BẰNG NƯỚC
Agricultural irrigation equipment – Water-driven chemical injector pumps
Lời nói đầu
TCVN 7841 : 2012 thay thế TCVN 7841 : 2007
TCVN 7841 : 2012 hoàn toàn tương đương với ISO 13457:2008.
TCVN 7841 : 2012 do Trung Tâm Giám Định Máy và Thiết Bị biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định và Bộ Khoa học Công nghệ công bố.
THIẾT BỊ TƯỚI TRONG NÔNG NGHIỆP – BƠM PHUN HÓA CHẤT DẪN ĐỘNG BẰNG NƯỚC
Agricultural irrigation equipment – Water-driven chemical injector pumps
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định kết cấu, các yêu cầu vận hành và phương pháp thử đối với bơm phun hóa chất dẫn động bằng nước (dưới đây gọi là bơm phun nước dẫn). Bơm phun nước dẫn này được sử dụng để phun hóa chất vào các hệ thống tưới. Các hóa chất bao gồm các dung dịch của phân bón lỏng và hóa chất hòa tan khác trong nông nghiệp như axit và thuốc trừ sâu.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho bơm phun dùng sức làm việc ở nhiệt độ nước lên đến 50 0C với các loại và nồng độ hóa chất thường áp dụng trong việc tưới.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các thiết bị ngăn cản dòng chảy ngược cũng như các thiết bị dẫn động bằng nước theo nguyên lý ống khuyếch tán để phun hóa chất vào trong hệ thống tưới.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
ISO 7-1:1994, Pipe threads where pressure-tight joints are made on the threads – Part 1: Dimensions, tolerances and designation (Ren ống dùng cho các khớp nối kín áp suất trên ren – Phần 1: Kích thước, dung sai và ký hiệu);
ISO 7005-1: 2011, Pipe flanges – Part 1: Steel flanges for industrial and general service piping systems Steel flanges for industrial and general service piping systems (Mặt bích ống – Phần 1: Mặt bích thép đối với các hệ thống ống dẫn công dụng chung và công nghiệp);
ISO 7005-2:1988, Metallic flanges – Part 2: Cast iron flanges (Mặt bích kim loại – Phần 2: Mặt bích gang).
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau đây:
3.1.
Bơm phun hóa chất dẫn động bằng nước (water – driven chemical injector pump)
Bơm thủy lực dùng để phun hóa chất vào một hệ thống tưới, được hoạt động chỉ bằng năng lượng của nước tưới dẫn động một thiết bị thủy lực như là piston hoặc tuốc bin.
3.2.
Kích thước danh nghĩa (nominal size)
Ký hiệu quy ước bằng số được sử dụng để xác định kích thước của bơm phun nước dẫn trên đường ống
CHÚ THÍCH: Kích thước này bằng kích thước chỗ nối với hệ thống tưới bằng ren, mặt bích hoặc các thiết bị nối khác.
3.3.
Áp suất làm việc tối thiểu (minimum working pressure)
Pmin
Áp suất nhỏ nhất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn theo đúng chức năng của bơm phun nước dẫn do nhà chế tạo công bố.
3.4
Áp suất làm việc tối đa (maximum working pressure)
Pmax
Áp suất lớn nhất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn theo đúng chức năng của bơm phun nước dẫn do nhà chế tạo công bố.
3.5.
Phạm vi áp suất làm việc (range of working pressure)
Phạm vi áp suất giữa áp suất làm việc tối thiểu và tối đa.
3.6.
Nước dẫn động (drive water)
Nước tưới dùng để vận hành bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống.
3.7.
Lưu lượng nước dẫn (drive water flow rate)
Lưu lượng nước dẫn được sử dụng để vận hành bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống.
3.8.
Tỷ lệ nước dẫn động (drive water ratio)
Tỷ lệ của một đơn vị thể tích hóa chất phun vào so với thể tích của nước dẫn động cần thiết để phun đơn vị thể tích dung dịch hóa chất đó vào.
3.9.
Phạm vi lưu lượng nước dẫn (drive water flow range)
Phạm vi giữa lưu lượng tối thiểu và tối đa phù hợp với hoạt động của bơm do nhà chế tạo công bố.
3.10.
Lưu lượng nước tưới (irrigation water flow rate)
Lưu lượng nước tưới chảy qua đường ống tưới cung cấp cho bơm phun nước dẫn.
3.11.
Mức phun, mức bơm (injection rate, pumping rate)
Lượng dung dịch hóa chất được phun vào hệ thống tưới trong thời gian bơm phun nước dẫn hoạt động.
3.12.
Hóa chất (chemical)
Phân bón lỏng và các dung dịch của phân bón và các hóa chất nông nghiệp hòa tan khác như là các axit và thuốc trừ sâu được sử dụng trong nông nghiệp dưới dạng lỏng, dung dịch hoặc dạng hòa tan trong nước, thường ứng dụng trực tiếp hoặc phun vào các hệ thống tưới.
3.13.
Dung dịch hóa chất (chemical solution)
Nước, trong đó đã hòa tan hay pha loãng một hoặc một số loại hóa chất.
3.14.
Lưu lượng nước của hệ thống tưới (irrigation system water flow rate)
Tổng của lưu lượng nước tưới và lưu lượng phun.
3.15.
Tỷ lệ pha trộn (mixing ratio)
Tỷ lệ giữa lưu lượng phun với tổng lưu lượng của hệ thống tưới.
3.16.
Thể tích hành trình (stroke volume)
Thể tích xung (pulse volume)
Thể tích của dung dịch hóa chất phun vào hệ thống tưới trong một chu kỳ của bơm phun nước dẫn.
3.17.
Bơm phun hóa chất nước dẫn theo tỷ lệ cân xứng (proportional water-driven chemical injector pump)
Bơm phun nước dẫn nhằm duy trì một tỷ lệ pha trộn tương đối ổn định trong suốt thời gian hoạt động của nó theo lưu lượng nước tưới do nhà chế tạo công bố.
3.18.
Bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống (in-line water-driven injector pump)
Bơm phun nước dẫn được lắp ngoài đường ống chính của hệ thống tưới với đặc trưng có bốn cửa.
Xem Hình 2.
3.20.
Thùng chứa hóa chất (chemical storage tank)
Thùng để chứa các hóa chất và cung cấp chúng cho bơm phun nước dẫn.
3.21.
Chiều cao cột hút lớn nhất (maximum suction head)
Khoảng cách lớn nhất giữa đường tâm cửa ra của bơm phun nước dẫn và mức thấp nhất của hóa chất trong thùng chứa.
4. Phân loại
4.1. Phân loại theo kiểu lắp
4.1.1. Bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống (Hình 1)
4.1.1.1. Lắp trên đường ống chính.
4.1.1.2. Lắp trên đường ống nhánh.
CHÚ DẪN:
1. Bơm phun; 4. Đường vào hóa chất;
2. Đường vào nước tưới; 5. Van.
3. Đường ra nước tưới cùng với hóa chất phun;
CHÚ THÍCH 1: Các mũi tên biểu thị hướng dòng chảy.
CHÚ THÍCH 2: Sự phun hóa chất xảy ra bên trong bơm phun nước dẫn.
Hình 1 – Bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống
4.1.2. Bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống (Hình 2)
CHÚ DẪN: 1. Bơm phun; 2. Cửa vào nước dẫn; 3. Cửa vào hóa chất; 4. Dòng nước tưới; 5. Nước tưới được phun là hóa chất; |
7. Cửa ra hóa chất; 8. Cửa ra nước dẫn.
|
|
CHÚ THÍCH 1: Các mũi tên biểu thị hướng dòng chảy.
CHÚ THÍCH 2: Phun hóa chất vào nước tưới xảy ra bên ngoài bơm phun nước dẫn. Cửa ra hóa chất kết nối với hệ thống ống tưới chính. Nước dẫn từ cửa ra không thể trở lại hệ thống ống tưới chính.
CHÚ THÍCH 3: Nước dẫn có thể được phun ra từ bơm phun nước dẫn hoặc quay trở lại hệ thống tưới (xem Hình 1).
Hình 2 – Bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống
4.2. Phân loại theo tỷ lệ pha trộn
4.2.1. Bơm phun nước dẫn theo tỷ lệ cân xứng
4.2.1.1. Tỷ lệ pha trộn cố định.
4.2.1.2. Tỷ lệ pha trộn có thể điều chỉnh.
4.2.2. Bơm phun nước dẫn theo tỷ lệ không cân xứng
Ví dụ: Lưu lượng 1 L/h phun vào dòng nước tưới có lưu lượng 199 L/h tạo thành một hệ thống tưới có lưu lượng nước 200 L/h và tỷ lệ pha trộn 1 : 200.
5. Ghi nhãn
Bơm phun nước dẫn phải có nhãn ở vị trí rõ ràng, dễ đọc và bền, cung cấp các thông tin sau:
a) Tên hoặc thương hiệu nhà chế tạo;
b) Kích thước danh nghĩa;
c) Áp suất làm việc tối đa (Pmax);
d) Số hiệu mẫu đúng như trong catalô của nhà chế tạo;
e) Năm sản xuất hoặc nhãn hiệu nhận biết loạt sản xuất;
f) Mũi tên chỉ hướng dòng nước, hóa chất vào và ra của bơm phun nước dẫn.
6. Đặc tính kỹ thuật
6.1. Quy định chung
Bơm phun nước dẫn phải có các phương tiện như van ngắt chân không, để tránh bị cạn hóa chất trong thùng chứa cung cấp cho hệ thống tưới thông qua bơm phun trong trường hợp áp suất trong bơm phun hạ thấp hơn áp suất trong thùng chứa hóa chất.
Bơm phun nước dẫn phải có phương tiện như một van kiểm tra, để ngăn nước tưới qua bơm vào thùng chứa hóa chất.
Bơm có thể được tháo ra và làm sạch các bộ phận của bơm khi bị tắt nghẽn do hóa chất hoặc tạp chất trong nước tưới. Các bộ phận này có thể được trang bị thiết bị lọc phù hợp để làm sạch.
Đối với bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống (4.1.2), có sự tổn thất nước do nước dẫn bị phun ra ngoài bơm, tại cửa ra nước dẫn phải có biện pháp lắp ghép phù hợp, ví dụ như là ren hoặc đầu nối, có thể nối với một ống để dẫn nước thoát ra từ bơm.
CHÚ THÍCH: Để ngăn cản dòng chảy ngược, tham khảo yêu cầu cụ thể của mỗi địa phương.
6.2. Vật liệu
Các chi tiết bằng nhựa của bơm phun tiếp xúc với bức xạ tia tử ngoại (UV) trong điều kiện hoạt động bình thường trên đồng phải có các chất phụ gia để tăng khả năng chịu đựng của nó với tia UV.
Các chi tiết bằng nhựa bao quanh đường nước phải không trong suốt hoặc phải có vỏ bọc không trong suốt được thiết kế để chặn tất cả ánh sáng tới vỏ bọc đường ống trong suốt.
Ống nhựa dẫn hóa chất có thể trong suốt và có thể tiếp xúc với ánh sáng.
Tất cả các chi tiết của bơm phun phải chống chịu được hoặc được bảo vệ không bị ảnh hưởng từ những hóa chất ở nồng độ quy định hoặc được khuyến cáo để phun vào hệ thống tưới, trừ những điều như chỉ dẫn trong tài liệu của nhà chế tạo.
6.3. Nối bơm phun nước dẫn vào hệ thống tưới
Bơm phun nước dẫn được nối với hệ thống tưới bằng các phương pháp sau đây:
a) Nối bằng ren theo ISO 7-1:1994, trừ khi cho phép dùng các ren khác, với điều kiện có cung cấp phụ kiện thích hợp cho mỗi mối nối ren;
b) Nối bằng mặt bích gang theo ISO 7005-2:1988 hoặc mặt bích thép theo ISO 7005-2:2011, với mặt bích chế tạo từ các vật liệu khác yêu cầu phải tuân theo kích thước lắp ráp (đường kính vòng tròn phân bố, số lỗ) như quy định trong ISO 7005-2:1988;
c) Nối bằng phương pháp ép, đầu nối có rãnh hoặc các cách đặc biệt khác.
7. Thử cơ học và chức năng
7.1. Quy định chung
Trừ khi có quy định khác, tất cả các phép thử phải dùng nước làm chất lỏng phun vào thay cho dung dịch hóa chất. Phải đảm bảo cả nước tưới và dung dịch phun ở nhiệt độ trong khoảng 15 0C và 35 0C và được lọc qua lưới lọc có kích thước 120 µm hoặc bộ lọc có khả năng lọc tương đương hoặc thử với nước chứa hàm lượng tạp chất nhỏ hơn 0,002 % (20 phần triệu) có kích thước 120 µm hoặc lớn hơn, hoặc tương đương với giới hạn tối đa do nhà chế tạo quy định trong các văn bản kèm theo sản phẩm.
Phải đảm bảo dụng cụ đo được sử dụng trong khi thử phải có độ chính xác ± 2 % giá trị thực.
Phải đảm bảo thùng chứa hóa chất dùng để thử có thiết bị để đo sự thay đổi thể tích chứa bên trong, hoặc ống đo mức nước (áp kế), hoặc làm bằng vật liệu trong mờ để kiểm tra mức nước. Nên có vạch dấu mức nước ở thành bên.
7.2. Thử khả năng chịu áp suất
Với bơm phun nước dẫn không hoạt động, tạo ra một áp suất bằng 1,6 lần áp suất làm việc tối đa (Pmax) lên tất cả các bộ phận của bơm, các bộ phận này phải chịu áp suất trong quá trình hoạt động bình thường. Duy trì áp suất này trong 5 min.
Bơm phun và tất cả các bộ phận của nó phải chịu được áp suất thử này mà không xuất hiện bất cứ hỏng hóc và dự biến dạng dư nào.
7.3. Thử độ kín nước của van kiểm tra
7.3.1. Bịt kín cửa vào nước của bơm phun nước dẫn và để cửa vào hóa chất của bơm mở thông với khí quyển. Tạo ra một loạt các áp suất tại cửa ra của bơm phun nước dẫn bằng 25 %, 50 %, 75 % và 100 % Pmax. Mỗi mức áp suất duy trì trong 20 s.
Ở đó phải không có rò rỉ ngược lại theo đường đi của hóa chất của bơm phun nước dẫn.
7.3.2. Đối với bơm phun nước dẫn có van kiểm tra dùng để ngăn cản dòng nước chảy theo hướng ngược lại so với hướng dòng chảy dự kiến, lặp lại các phép thử theo 7.3.1 với cửa vào của bơm phun nước dẫn mở thông với khí quyển.
Ở đó phải không có rò rỉ ngược qua cửa vào nước của bơm phun nước dẫn.
7.4. Thử phạm vi áp suất làm việc
7.4.1. Lắp bơm phun nước dẫn vào băng thử theo hướng dẫn của nhà chế tạo, sao cho mức nước cao nhất trong thùng chứa hóa chất là 0,5 m, thấp hơn đường tâm cửa ra vào của bơm phun nước dẫn.
Tạo ra một áp suất bằng áp suất làm việc tối thiểu (Pmin) tại cửa vào của bơm phun nước dẫn trong 1 min. Đảm bảo lưu lượng nước tưới nằm trong phạm vi lưu lượng do nhà chế tạo công bố và đối với bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống, đảm bảo lưu lượng dòng nước dẫn nằm giữa phạm vi lưu lượng do nhà chế tạo công bố.
Bơm phun nước dẫn phải phun hóa chất như quy định để hoạt động bình thường trên đồng ruộng.
7.4.2. Lặp lại thí nghiệm như 7.4.1: một lần với mức áp suất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống hoặc tại cửa ra của bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống bằng Pmax, và một lần với mức áp suất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống hoặc tại cửa ra của bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống bằng điểm giữa của phạm vi áp suất làm việc.
Bơm phun nước dẫn phải phun hóa chất như yêu cầu để hoạt động bình thường trên đồng ruộng.
7.5. Thử chống rò rỉ
7.5.1. Lắp bơm phun nước dẫn vào băng thử theo hướng dẫn của nhà chế tạo, để mức nước cao nhất trong thùng chứa hóa chất là 0,5 m, thấp hơn đường tâm cửa ra bơm phun nước dẫn.
Đảm bảo các thùng chứa hóa chất ở vị trí sao cho phần mặt nước có thể theo dõi được và/hoặc đo được trong suốt quá trình thử.
Vận hành bơm phun nước dẫn trong 2 min với mức áp suất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn bằng điểm giữa của phạm vi áp suất làm việc.
Đảm bảo mức lưu lượng nước bằng mức lưu lượng ở giữa phạm vi lưu lượng nước tưới do nhà chế tạo công bố và với bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống, đảm bảo mức lưu lượng nước dẫn ở giữa phạm vi lưu lượng nước dẫn do nhà chế tạo công bố.
Ngắt hoạt động của bơm phun nước dẫn. Ngay sau đó, tạo ra một áp suất chân không bằng 10 kPa thấp hơn áp suất không khí ở cửa ra của bơm phun nước dẫn.
Duy trì áp suất chân không này trong 1 min và trong thời gian này quan sát mức nước trong thùng chứa hóa chất.
Mức nước trong thùng chứa hóa chất không thay đổi trong suốt thời gian dừng bơm phun nước dẫn cho đến khi kết thúc phép thử.
7.5.2. Đối với bơm phun nước dẫn đã chủ định cho làm việc với mức dung dịch hóa chất trong thùng chứa hóa chất cao hơn đường tâm cửa ra của bơm phun nước dẫn, lặp lại thử nghiệm theo 7.5.1 với bơm phun nước dẫn lắp theo sự hướng dẫn của nhà chế tạo và mức nước trong thùng chứa hóa chất ở mức lớn nhất ở trên đường tâm của bơm phun nước dẫn như nhà chế tạo công bố.
Mức nước trong thùng chứa hóa chất không được thay đổi trong suốt thời gian từ khi bơm phun nước dẫn ngừng hoạt động cho đến khi kết thúc phép thử.
7.6. Thử lưu lượng phun dưới dạng hàm số áp suất tại cửa vào
Lắp bơm phun nước dẫn theo 7.4.1. Đối với bơm phun nước dẫn có thể điều chỉnh tỷ lệ pha trộn (4.2.1.2), điều chỉnh tỷ lệ pha trộn đến điểm giữa của phạm vi điều chỉnh do nhà chế tạo công bố.
Thiết lập mức lưu lượng nước dẫn ở khoảng giữa phạm vi lưu lượng do nhà chế tạo công bố và duy trì mức này trong suốt quá trình thử.
Tạo ra năm mức áp suất khác nhau tại cửa vào của bơm phun nước dẫn có gian cách bằng nhau trong giới hạn phạm vi áp suất làm việc, kể cả Pmin và Pmax.
Tại mỗi điểm thử, cho bơm phun nước dẫn hoạt động trong 2 min và đo lưu lượng phun của bơm phun nước dẫn.
Lưu lượng phun tại mỗi áp suất đầu vào không được lệch quá ± 10 % so với nhà chế tạo công bố.
7.7. Thử tỷ lệ nước dẫn động
Đối với bơm phun nước dẫn có nước dẫn phun ra (4.1.2), đo thể tích nước dẫn trong khi thực hiện quá trình thử theo 7.6.
Tính tỷ lệ nước dẫn.
Tỷ lệ nước dẫn động phải tuân theo mức của nhà chế tạo đưa ra trong giới hạn độ lệch cho phép là ± 10 %.
7.8. Thử lưu lượng phun đối với bơm phun nước dẫn cân xứng
7.8.1. Lắp bơm phun nước dẫn cân xứng theo 7.4.1 và như trên Hình 1.
7.8.2. Đối với bơm phun nước dẫn cân xứng với tỷ lệ pha trộn cố định (4.2.1.1), thực hiện phép thử theo 7.8.4 với tỷ lệ pha trộn cố định cho bơm phun nước dẫn cân xứng. Biểu thị lưu lượng phun ở dạng bảng hoặc đồ thị dưới dạng hàm số của mức lưu lượng nước dẫn.
Tỷ lệ pha trộn đo được phải không có trường hợp nào sai lệch hơn ± 10 % so với tỷ lệ pha trộn cố định do nhà chế tạo công bố.
7.8.3. Đối với bơm phun nước dẫn cân xứng với tỉ lệ phân trộn có thể điều chỉnh được (4.2.1.2), thực hiện các phép thử theo 7.8.4 với:
a) Tỷ lệ pha trộn tối thiểu do nhà chế tạo công bố;
b) Tỷ lệ pha trộn tối đa do nhà chế tạo công bố; và
c) Điểm giữa của giới hạn tỷ lệ pha trộn tối đa và tối thiểu.
7.8.4. Vận hành bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống ở giới hạn trên và dưới của phạm vi lưu lượng nước tưới, như nhà chế tạo công bố, và tại bốn hoặc nhiều hơn bốn điểm lưu lượng nước tưới khác trong phạm vi này. Chọn một áp suất thử gần điểm giữa của phạm vi áp suất làm việc. Với mỗi lưu lượng nước tưới, đo lưu lượng phun và tính tỷ lệ pha trộn thực tế của bơm phun nước dẫn.
Vận hành bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống ở giới hạn trên và dưới của phạm vi lưu lượng nước dẫn, như nhà chế tạo công bố, và tại bốn hoặc nhiều hơn bốn điểm lưu lượng nước dẫn khác trong phạm vi này, đảm bảo lưu lượng nước tưới nằm tại điểm giữa của phạm vi lưu lượng nước tưới do nhà chế tạo công bố. Chọn một áp suất thử gần điểm giữa của phạm vi áp suất làm việc. Với mỗi lưu lượng nước tưới, đo lưu lượng phun và tính tỷ lệ pha trộn thực tế của bơm phun nước dẫn.
7.9. Thử độ tụt cột áp của bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống
Đối với bơm phun nước dẫn được lắp vào băng thử theo 7.4.1, đo độ tụt cột áp thông qua bơm phun nước dẫn tại điểm giữa của phạm vi áp suất làm việc. Đo độ tụt cột áp tại năm vị trí khác nhau của lưu lượng nước tưới có khoảng cách bằng nhau trong phạm vi lưu lượng nước tưới do nhà chế tạo công bố.
Độ tụt cột áp tại bất kỳ lưu lượng nước tưới nào đều không được vượt quá 10 % độ tụt cột áp do nhà chế tạo công bố.
8. Độ bền
8.1. Nối bơm phun nước với băng thử theo hướng dẫn của nhà chế tạo, để mặt nước trong thùng chứa hóa chất khoảng 0,5 m, thấp hơn so với đường tâm cửa ra bơm phun nước dẫn. Thực hiện tất cả các thử nghiệm sử dụng nước làm chất lỏng phun thay cho dung dịch hóa chất.
Đảm bảo cả nước tưới và phun có nhiệt độ nằm trong khoảng 5 0C và 50 0C và chúng được lọc với một phần tử lọc 120 µm, hoặc một bộ lọc có khả năng lọc tương đương hoặc khả năng bằng giới hạn tối đa do nhà chế tạo quy định trong các văn bản kèm theo sản phẩm.
Đảm bảo lưu lượng nước nằm ở điểm giữa của phạm vi lưu lượng nước tưới do nhà chế tạo công bố.
Đối với bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống, đảm bảo lưu lượng nước dẫn nằm ở điểm giữa của lưu lượng nước dẫn do nhà chế tạo công bố.
Vận hành máy bơm phun nước dẫn trong bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn là 250 h, khoảng thời gian không hoạt động giữa hai lần thử xấp xỉ 50 h. Tổng thời gian hoạt động và thời gian không hoạt động cho tất cả bốn giai đoạn là 1 150 h, thực hiện thử nghiệm này sau giai đoạn hoạt động cuối cùng.
Đảm bảo các điều kiện hoạt động sau đây phải được thỏa mãn:
– Áp suất làm việc ở tại điểm giữa của phạm vi áp suất làm việc do nhà chế tạo công bố.
– Lưu lượng nước dẫn:
1) Đối với bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống, lưu lượng nước tưới nằm ở điểm giữa phạm vi lưu lượng nước tưới do nhà chế tạo công bố.
2) Đối với bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống, lưu lượng nước dẫn phải nằm ở điểm giữa phạm vi lưu lượng nước dẫn do nhà chế tạo công bố.
– Đối với bơm phun nước dẫn có điều chỉnh lưu lượng phun, lưu lượng phun phải nằm ở điểm giữa phạm vi của lưu lượng phun do nhà chế tạo công bố.
8.2. Sau khi cho bơm phun nước dẫn hoạt động 1 150 h theo 8.1, lặp lại các phép thử sau:
– Khả năng chịu áp suất (xem 7.2);
– Độ kín nước của van kiểm tra (xem 7.3);
– Phạm vi áp suất làm việc (xem 7.4), với áp suất cửa vào ở điểm giữa phạm vi áp suất làm việc.
– Lưu lượng phun dưới dạng hàm số của áp suất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn (xem 7.6); lưu lượng phun không được lệch quá mức phun do nhà chế tạo công bố ± 15 %;
– Tỷ lệ nước dẫn động (xem 7.7): tỷ lệ nước dẫn động không được lệch quá tỷ lệ nước dẫn động do nhà chế tạo công bố ± 20 %;
– Lưu lượng phun cho bơm phun nước dẫn cân xứng (xem 7.8).
Thực hiện các phép thử với tỷ lệ pha trộn ở điểm giữa phạm vi của tỷ lệ pha trộn do nhà chế tạo công bố và với lưu lượng nước dẫn ở điểm giữa phạm vi lưu lượng nước dẫn do nhà chế tạo công bố. Tỷ lệ pha trộn không được lệch quá lưu lượng phun do nhà chế tạo công bố ± 15 %.
9. Thông tin do nhà chế tạo cung cấp
Các nhà chế tạo cần phải cung cấp các thông tin sau về bơm phun nước dẫn trong catalô hoặc các tờ thông tin. Ngày xuất xưởng phải được ghi trên tất cả các thông tin được công bố.
a) Thông tin chung:
1) Số catalô;
2) Kiểu và kích thước của các kết nối với hệ thống tưới;
3) Kích thước và khối lượng chung;
4) Nguyên lý hoạt động;
5) Danh mục các chi tiết thay thế và hình mặt cắt hay hình biểu thị phần khuất và các phần có thể thay thế;
6) Kiểu và kích thước của bộ phận điều chỉnh lưu lượng, nếu bộ phận đó không thể thiếu;
7) Độ tụt cột áp;
8) Đối với bơm phun nước dẫn lắp ngoài đường ống, thể tích của nước thoát.
b) Hướng dẫn vận hành:
1) Hướng dẫn lắp đặt;
2) Hướng dẫn điều chỉnh;
3) Hướng dẫn bảo dưỡng và bảo quản;
4) Bảng tính năng thể hiện lưu lượng phun khi vận hành trong phạm vi các thông số hoạt động;
5) Độ chính xác của lưu lượng phun dưới dạng hàm số của áp suất tại cửa vào của bơm phun nước dẫn;
6) Hướng dẫn lọc hóa chất và nước tưới;
7) Dung tích xi lanh của bơm phun nước dẫn kiểu piston với tỉ lệ pha trộn có thể điều chỉnh (4.2.1.2);
8) Tỷ lệ nước dẫn;
9) Phạm vi lưu lượng nước dẫn;
10) Cột hút lớn nhất;
11) Phạm vi tỷ lệ pha trộn và phương pháp thiết lập tỷ lệ pha trộn (bằng tay, thủy lực hoặc điện);
12) Dữ liệu vào số và đầu ra tương tự, lưu lượng nước và thời gian được mô tả bằng đồ thị có liên quan và bảng dữ liệu vận hành;
13) Ảnh hưởng đến hoạt động bơm do tụt cột áp trong ống của bơm phun nước dẫn, nếu có;
14) Phạm vi áp suất làm việc (tối thiểu và tối đa);
15) Phạm vi lưu lượng nước tưới;
16) Mức phun;
17) Tham khảo về ngăn cản dòng chảy ngược.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
ISO 7714:2008, Agricultiral irrigation equipment – Volumetric valves – General requirements and test methors (Thiết bị tưới nông nghiệp – Van thể tích – Yêu cầu chung và phương pháp thử).
MỤC LỤC
Lời nói đầu…………………………………………………………………………………………………………………..
1. Phạm vi áp dụng………………………………………………………………………………………………………..
2. Tài liệu viện dẫn…………………………………………………………………………………………………………
3. Thuật ngữ và định nghĩa………………………………………………………………………………………………
4. Phân loại………………………………………………………………………………………………………………….
4.1. Phân loại theo kiểu lắp………………………………………………………………………………………………
4.2. Phân loại theo tỷ lệ pha trộn……………………………………………………………………………………….
5. Ghi nhãn…………………………………………………………………………………………………………………..
6. Đặc tính kỹ thuật………………………………………………………………………………………………………..
6.1. Quy định chung……………………………………………………………………………………………………….
6.2. Vật liệu………………………………………………………………………………………………………………….
6.3. Nối bơm phun nước dẫn vào hệ thống tưới…………………………………………………………………..
7. Thử cơ học và chức năng…………………………………………………………………………………………….
7.1. Quy định chung……………………………………………………………………………………………………….
7.2. Thử khả năng chịu áp suất…………………………………………………………………………………………
7.3. Thử độ kín nước của van kiểm tra……………………………………………………………………………….
7.4. Thử phạm vi áp suất làm việc……………………………………………………………………………………..
7.5. Thử chống rò rỉ………………………………………………………………………………………………………..
7.6. Thử lưu lượng phun dưới dạng hàm số áp suất tại cửa vào……………………………………………..
7.7. Thử tỷ lệ nước dẫn động…………………………………………………………………………………………..
7.8. Thử lưu lượng phun đối với bơm phun nước dẫn cân xứng……………………………………………..
7.9. Thử độ tụt cột áp của bơm phun nước dẫn lắp trên đường ống………………………………………..
8. Độ bền…………………………………………………………………………………………………………………….
9. Thông tin do nhà chế tạo cung cấp………………………………………………………………………………..
Thư mục tài liệu tham khảo………………………………………………………………………………………………