Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN9301:2013

  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Số hiệu: TCVN9301:2013
  • Cơ quan ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày ban hành: ...
  • Ngày hiệu lực: ...
  • Lĩnh vực: Nông nghiệp
  • Tình trạng: Không xác định
  • Ngày công báo: ...
  • Số công báo: Còn hiệu lực

Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9301:2013 về Cây giống bơ – Yêu cầu kỹ thuật


TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 9301:2013

CÂY GIỐNG BƠ – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Avocado Grafted Seedling – Techical requirements

Lời nói đầu

TCVN 9301:2013 được chuyển đổi từ 10 TCN 630:2006 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

TCVN 9301:2013 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

CÂY GIỐNG BƠ – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Avocado Grafted Seedling – Techical requirements

1 Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật áp dụng cho cây giống bơ thuộc loài Persea americana Mill. được nhân bằng phương pháp ghép.

2 Thuật ngữ, định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

2.1

Cây đầu dòng (Elite trees)

Cá thể cây trưởng thành, đạt được các tiêu chí tuyển chọn về năng suất, chất lượng và sức chống chịu; được cơ quan có thẩm quyền công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.

2.2

Vườn cây đầu dòng (Budwood orchards)

Vườn cây được nhân bằng phương pháp vô tính từ cây đầu dòng hoặc từ giống gốc nhập nội, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận để làm nguồn vật liệu nhân giống.

2.3

Mã hiệu nguồn giống (Code of planting material sources)

Ký hiệu của cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2.4

Mã hiệu lô cây giống (Code of planting material lot)

Ký hiệu của lô cây giống để xác định nguồn gốc của lô cây giống đó do tổ chức, cá nhân sản xuất giống tự đặt theo quy định.

3 Yêu cầu kỹ thuật

3.1 Yêu cầu đối với bầu cây

3.1.1 Giá thể ruột bầu

Thành phần giá thể ruột bầu gồm: 80 % đất mặt tơi xốp + 20 % phân hữu cơ hoai mục (tính theo khối lượng) và bổ sung khoảng 15 gam phân lân; hoặc có thể sử dụng các loại vật liệu khác như xơ dừa, trấu hun… Trước hoặc sau khi đóng bầu và trước khi gieo hạt làm gốc ghép, giá thể ruột bầu cần được xử lý bằng thuốc trừ nấm.

3.1.2 Túi bầu

Túi làm bằng nhựa dẻo Polyetylen (PE), dày 0,2 mm, có màu tối hoặc màu đen; kích thước (14 cm đến 16 cm) x (28 cm đến 34 cm). Mỗi túi có từ 12 đến 16 lỗ thoát nước có đường kính từ 0,6 cm đến 0,8 cm, được phân bố đều ở nửa dưới của bầu.

3.1.3 Quy cách bầu

Hỗn hợp vật liệu ruột bầu chiếm gần hết thể tích túi bầu, thấp hơn mép bầu khoảng 1 cm và được nén chặt vừa phải trước khi gieo hạt làm gốc ghép. Lưng bầu không nhăn nhúm hoặc bị gẫy gập.

3.2 Yêu cầu đối với gốc ghép

3.2.1 Giống làm gốc ghép

Giống làm gốc ghép là giống trồng tại địa phương, có khả năng tiếp hợp tốt với giống cho chồi ghép và chống chịu tốt với sâu bệnh.

Hạt gieo để làm gốc ghép phải có kích cỡ lớn, lấy từ quả đã già, chín và không còn dính thịt quả. Không lấy hạt từ quả bị bệnh hoặc quả rụng trên nền đất vườn có cây bệnh.

3.2.2 Tiêu chuẩn cây gốc ghép

Tiêu chuẩn cây gốc ghép được quy định trong bảng 1.

Bảng 1 – Tiêu chuẩn cây gốc ghép

Tên chỉ tiêu

Yêu cầu

1. Hình thái chung

Cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại. Vỏ thân không có vết trầy xước phạm vào phần gỗ. Phần thân từ vị trí ghép trở xuống gốc và cổ rễ phải thẳng và không có chồi phát sinh

2. Bộ lá

Có từ 6 đến 7 lá trưởng thành, các lá có màu xanh đậm

3. Đường kính thân

Từ 0,6 cm đến 1,0 cm, được đo tại vị trí cách mặt bầu 20 cm

4. Chiều cao

Từ 30 cm trở lên, được đo từ mặt bầu tới ngọn

5. Tuổi cây

Từ 3 đến 5 tháng kể từ ngày gieo hạt

3.3 Yêu cầu đối với cây lấy chồi ghép

Cây lấy chồi ghép phải là cây đầu dòng hoặc cây trong vườn cây đầu dòng, được chăm sóc tốt, không bị sâu bệnh hại.

Trước thời điểm lấy chồi ghép 20 ngày, không bón phân cho cây.

3.4 Yêu cầu về chồi ghép

Chồi thuần thục (bánh tẻ) lấy ở phần ngoài tán trên cây đầu dòng hoặc cây trên vườn cây đầu dòng. Không lấy chồi trên cây trong khoảng thời gian trước khi nở hoa 2 tháng.

Sau khi cắt, chồi được xử lý bằng cách cắt bớt phần cuống lá sát thân chồi, tránh cho chồi không bị trầy xước.

Sau khi xử lý đem chồi đi ghép ngay. Trường hợp phải bảo quản, có thể để chồi trong giấy ẩm và đặc trong thùng xốp nhưng không quá 72 h.

3.5 Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn

Tiêu chuẩn cây giống khi xuất vườn được quy định trong Bảng 2.

Bảng 2 – Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn

Tên chỉ tiêu

Yêu cầu

1. Hình thái chung

Cây sinh trưởng khỏe, thân cây thẳng và vững chắc; vỏ cây không bị tổn thương cơ giới phạm vào phần gỗ. Không có chồi vượt ở phần gốc ghép. Vết ghép đã liền và tiếp hợp tốt. Cây giống phải sạch sâu bệnh, mặt bầu không có cỏ dại

2. Vị trí vết ghép

Cách mặt bầu từ 15 cm đến 20 cm

3. Bộ lá

Phân thân ghép đã có ít nhất 6 lá; lá ngọn đã thuần thục, cứng cáp. Lá có kích thước và hình dạng đặc trưng của giống

4. Đường kính thân

Trên 0,6 cm

5. Chiều cao

Từ 40 cm đến 60 cm

6. Tuổi cây

Từ 3 đến 4 tháng kể từ ngày ghép

4 Phương pháp kiểm tra

Việc lấy mẫu kiểm tra phải do người lấy mẫu do cơ quan có thẩm quyền chỉ định thực hiện. Số lượng cây giống lấy mẫu để kiểm tra mỗi chỉ tiêu do người lấy mẫu quyết định. Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu của cây giống xuất vườn được quy định trong Bảng 3.

Bảng 3 – Phương pháp kiểm tra các chỉ tiêu của cây giống xuất vườn

Tên chỉ tiêu

Yêu cầu

1. Hình thái chung

Quan sát bằng mắt thường và mô tả bằng từ ngữ

2. Vị trí vết ghép

Sử dụng thước dây có độ chính xác 1 mm, đo từ mặt bầu tới vị trí vết ghép

3. Bộ lá

Quan sát bằng mắt thường và mô tả bằng từ ngữ

4. Đường kính thân

Sử dụng thước kẹp có độ chính xác 0,1 mm, đo tại ví trí phía trên vết ghép 2 cm

5. Chiều cao

Sử dụng thước dây có độ chính xác 1 mm, đo từ mặt bầu tới đỉnh sinh trưởng của phần thân ghép

6. Tuổi cây

Kiểm tra nhật ký/hồ sơ của cơ sở sản xuất cây giống liên quan đến thời gian ghép của từng lô cây giống

5 Yêu cầu ghi nhãn

5.1 Vật liệu làm nhãn

Vật liệu của nhãn phải có đặc tính chống thấm ướt, không quá cứng tạo nguy cơ làm trầy xước các bộ phận của cây.

5.2 Ghi nhãn

Trên nhãn phải bao gồm các thông tin sau:

– Tên giống, các chỉ tiêu chất lượng chính,

Mã hiệu nguồn giống,

Mã hiệu lô giống,

Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất,

Ngày kiểm định,

Người kiểm định cây giống và

– Ngày xuất vườn và thời hạn sử dụng.

5.3 Vị trí nhãn

Mã hiệu nguồn giống, mã hiệu lô giống, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất có thể được in trên túi bầu hoặc trên đai buộc gắn trên phần gốc của từng cây giống. Các thông tin về ngày kiểm định, tên người kiểm định cây giống và thời vụ trồng ghi trên đại buộc gắn trên phần gốc của từng cây giống khi cây giống đạt các yêu cầu kỹ thuật nêu trong mục 3.5.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *