Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9752:2014 về Màng địa kỹ thuật polyetylen khối lượng riêng lớn (HDPE) – Phương pháp xác định độ bền chọc thủng
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9752:2014
MÀNG ĐỊA KỸ THUẬT POLYETYLEN KHỐI LƯỢNG RIÊNG LỚN (HDPE) – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN CHỌCTHỦNG
High density polyethylene (HDPE) geomembranes – Method for determining of puncture resistance
Lời nói đầu
TCVN 9752:2014 được xây dựng dựa trên cơ sở tiêu chuẩn ASTM D4833-07 Standard test method for index puncture resistance of geomembrane and related product.
TCVN 9752:2014 do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
MÀNG ĐỊA KỸ THUẬT POLYETYLEN KHỐI LƯỢNG RIÊNG LỚN (HDPE) – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN CHỌCTHỦNG
High density polyethylene (HDPE) geomembranes – Method for determining of puncture resistance
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền chọc thủng của màng địa kỹ thuật HDPE.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu sau đây là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 9748:2014, Màng địa kỹ thuật polyetylen khối lượng riêng lớn (HDPE) – Yêu cầu kỹ thuật.
3 Nguyên tắc
Độ bền chọc thủng được xác định dựa vào lực tác dụng cần thiết để thanh chọc có hình dạng và kích thước quy định xuyên qua mẫu thử ở điều kiện thí nghiệm.
4 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử
4.1 Lấy mẻ mẫu
Theo điều 6 trong TCVN 9748:2014 .
4.2 Số lượng và kích thước mẫu thử
Tạo các miếng mẫu thử dọc theo chiều ngang của cuộn mẫu, ở vị trí cách mép theo cả chiều dọc và chiều ngang của tấm không được nhỏ hơn 1/10 chiều rộng của cuộn.
Tổ hợp gồm 10 miếng mẫu thử, các miếng mẫu thử có đường kính tối thiểu là 100 mm.
4.3 Ổn định mẫu
Ổn định tất cả các miếng mẫu thử ở nhiệt độ (27 ± 2) °C và độ ẩm tương đối (65 ± 5) % ít nhất 48 h trước khi tiến hành thử hoặc được xác định bằng khoảng thời gian giữa hai lần cân cách nhau 2 h sai lệch về khối lượng của mẫu thử không quá 0,1 %.
5 Thiết bị và dụng cụ
Máy thử nén, độ chính xác của tải trọng là ± 1 %. Có thể thiết lập tốc độ nén là (300 ±10) mm/min. Thanh chọc, bằng thép có đường kính 8 mm. Mũi chọc được vát góc 45° một đoạn thẳng 0,8 mm được thể hiện trên Hình 1.
Dụng cụ kẹp mẫu, bằng kim loại có chiều cao là 150 mm. Phần mặt trên của dụng cụ kẹp được gắn với vòng kẹp bằng bu lông. Vòng kẹp có dạng hình vành khăn có đường kính ngoài là 100 mm, đường kính trong là 45 mm. Trên dụng cụ kẹp và vòng kẹp có 6 lỗ đồng trục đường kính 8 mm cách đều nhau và cách tâm là 37 mm được thể hiện trên Hình 2.
Kích thước tính bằng milimet
6 Cách tiến hành
Miếng mẫu thử được giữ chặt trên dụng cụ kẹp mẫu sao mẫu thử và vòng kẹp đồng tâm với nhau. Phải đảm bảo miếng mẫu thử được kẹp chắc chắn không bị tuột trong quá trình thử nghiệm.
Điều chỉnh đầu của thanh chọc tiếp xúc với bề mặt mẫu thử rồi tiến hành thiết lập tốc độ nén là (300 ±10) mm/min cho đến khi thanh chọc xuyên thủng hoàn toàn qua mẫu thử.
Giá trị lực lớn nhất thu được chính là độ kháng chọc thủng của miếng mẫu thử.
Trong quá trình thử, miếng mẫu thử nào bị tuột khỏi vòng kẹp thì giá trị lực thu được sẽ bị loại ra và phải lặp lại phép thử với mẫu mới.
Tiến hành tương tự với các miếng mẫu thử còn lại.
Độ bền chọc thủng của mẫu thử là giá trị trung bình cộng độ bền chọc thủng của 10 miếng mẫu thử.
7 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm bao gồm các nội dung sau:
– Cơ quan gửi mẫu;
– Viện dẫn tiêu chuẩn này;
– Tất cả các thông tin có thể nhận biết được mẫu thử;
– Tên, số hiệu (nếu có) của thiết bị thử;
– Các kết quả riêng lẻ, kết quả trung bình, độ chính xác;
– Ngày thử nghiệm, người thử nghiệm;
– Nhận xét kết quả thử nghiệm;
– Người thí nghiệm, người kiểm tra, thủ trưởng đơn vị kiểm tra.