Nội dung toàn văn Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9753:2014 về Màng địa kỹ thuật polyetylen khối lượng riêng lớn (HDPE) – Phương pháp xác định hàm lượng muội
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9753 : 2014
MÀNG ĐỊA KỸ THUẬT POLYETYLEN KHỐI LƯỢNG RIÊNG LỚN (HDPE) – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNGMUỘI
High density polyethylene (HDPE) geomembranes – Method for determining carbon black content
Lời nói đầu
TCVN 9753:2014 được xây dựng dựa trên cơ sở tiêu chuẩn ASTM D4218-08 Standard test method for determination of cacbon black content in Polyethylene compounds by the muffle- furnace technique.
TCVN 9753:2014 do Viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
MÀNG ĐỊA KỸ THUẬT POLYETYLEN KHỐI LƯỢNG RIÊNG LỚN (HDPE) – PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNGMUỘI
High density polyethylene (HDPE) geomembranes – Method for determining carbon black content
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định hàm lượng muội của màng địa kỹ thuật HDPE.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu sau đây là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 9748:2014, Màng địa kỹ thuật polyetylen khối lượng riêng lớn (HDPE) – Yêu cầu kỹ thuật.
3 Nguyên tắc
Hàm lượng muội được xác định dựa vào tỷ lệ khối lượng của mẫu thử trước và sau khi nung trong điều kiện thử nghiệm.
4 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu thử
4.1 Lấy mẻ mẫu
Theo Điều 6 trong TCVN 9748:2014 .
4.2 Số lượng mẫu thử
Chuẩn bị tối thiểu 2 miếng mẫu thử.
4.3 Chuẩn bị mẫu thử
Mẫu thử phải được làm sạch hoặc rửa bằng các loại dung môi phù hợp để mẫu không dính bất kỳ tạp chất nào.
5 Thiết bị và dụng cụ
– Lò nung mẫu, có khả năng duy trì nhiệt độ trong khoảng 600 °C đến 610 °C.
– Bình hút ẩm.
– Cân phân tích, có độ chính xác 0,1 mg.
– Dụng cụ gắp mẫu.
– Hệ thống hút gió.
– Cốc sứ nung mẫu.
6 Cách tiến hành
Lắp hệ thống hút gió vào lò nung mẫu.
Cài đặt nhiệt độ của lò nung ở 600 °C, và để ổn định ở khoảng nhiệt độ 600 °C đến 610 °C.
Đặt cốc nung mẫu vào lò nung khoảng 2 min để cháy hết các tạp bẩn dính trên cốc. Sau đó chuyển cốc nung vào bình hút ẩm tối thiểu 2 min để làm nguội.
Sau khi nguội, cân cốc nung và ghi lại khối lượng của cốc (m1)
Cho khoảng 1 g mẫu thử vào cốc nung, cân và ghi lại khối lượng của cốc (m2).
Đặt cốc nung có chứa mẫu thử vào lò nung trong khoảng 3 min.
Kết thúc thời gian nung mẫu, lấy cốc nung ra khỏi lò rồi cho vào bình hút ẩm tối thiểu khoảng 2 min để làm nguội.
Cân lại cốc nung và ghi lại khối lượng của cốc (m3).
Nếu nghi ngờ mẫu thử có các chất độn khoáng, đưa cốc nung vào lò nung để nung tiếp lần hai trong thời gian khoảng 10 min hoặc lâu hơn cho đến khi trong cốc chỉ còn lại tro có màu xám nhạt.
Sau đó lấy cốc nung ra khỏi lò chuyển vào bình hút ẩm tối thiểu 2 min để làm nguội.
Cân lại cốc nung và tro, ghi lại khối lượng của cốc (m4).
Với mỗi miếng mẫu thử phải tiến hành thử tối thiểu hai lần thử.
7 Biểu thị kết quả
Hàm lượng muội (C) của miếng mẫu thử tính bằng %, được tính theo công thức sau:
hoặc
trong đó
m1là khối lượng của cốc, gam.
m2 là khối lượng của cốc và mẫu trước khi nung, gam.
m3 là khối lượng cốc sau khi nung, gam.
m4 là khối lượng cốc và tro sau khi nung lần hai, gam.
Hàm lượng muội của mẫu thử là giá trị trung bình cộng hàm lượng muội của từng miếng mẫu thử.
8 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm bao gồm các nội dung sau:
– Cơ quan gửi mẫu;
– Viện dẫn tiêu chuẩn này;
– Tất cả các thông tin có thể nhận biết được mẫu thử;
– Tên, số hiệu (nếu có) của thiết bị thử;
– Các kết quả riêng lẻ, kết quả trung bình, độ chính xác;
– Ngày thử nghiệm, người thử nghiệm;
– Nhận xét kết quả thử nghiệm;
– Người thí nghiệm, người kiểm tra, thủ trưởng đơn vị kiểm tra.